III
Cọng sắt ngời sáng trong tay Sơn, phiến đá mài đã phủ đầy bụi kim khí óng ánh. Sơn vuốt nhẹ cọng sắt, nghe nóng lên như da thịt của chính mình. Sơn giắt thử vào thắt lưng, rồi đứng dậy, Sơn mỉm cười. Ta sắp thành một Kinh Kha hay một tráng sĩ nào đây? Sơn đấm mạnh vào không khí, tưởng như có tên thanh niên con ông Bá Huê trước mặt. Sơn thu tay về, rút cọng sắt ra, và phóng vào cây chuối. Phập! Cọng sắt dài hai tấc đã lút gần hết vào thân cây chuối. Cùng với lúc Sơn cất giọng cười khoái chí, Sơn nghe một tiếng rú nhỏ đàng sau lưng.
Sơn quay lại. Thảo Giang! Cô bé đang ôm lấy cột cửa, mặt tái xanh. Sơn ngạc nhiên một chút, rồi vội vàng chào hỏi:
- Thảo Giang qua chơi à?
Cô bé chưa hết run sợ, nói:
- Dạ.. Anh Sơn làm gì ghê quá vậy?
- À, à… tôi tập phóng dao.
Rồi Sơn bước tới rút cọng sắt ra khỏi thân chuối, đưa ra trước mặt. Thảo Giang rùng mình, nói:
- Đâu phải con dao! Cái dùi…
Sơn sáng mắt lên:
- Ừ đúng rồi, cái dùi! Cái dùi!
Thảo Giang nhìn Sơn, lộ vẻ thắc mắc. Sơn vuốt tay trên cái dùi, nói:
- Nó chỉ là cọng sắt nhỏ, nhưng được mài rồi, thành cái dùi. Thảo Giang biết tôi mài nó trong bao lâu không? Ba ngày đó!
- Để làm chi vậy?
- Để tôi…
Sơn định nói tiếp, rằng để tôi giắt ở trong lưng, để tôi có thể ung dung đi lên cầu, đi thăm dòng sông của tôi. Để tôi có thể ra đồng mà không phải đội nón che bớt mặt. Để tôi có thể sang thăm bác và Thảo Giang mà không sợ ai dòm ngó. Để tôi gặp thằng con ông Bá Huê, tôi trị tội hắn… Nhưng nhìn thấy đôi mắt Thảo Giang hiền dịu quá, Sơn không nói nữa. Sơn chỉ là một đứa bé. Thảo Giang cũng chỉ là một đứa bé. Cả hai đều lớn lên ở thôn làng này. Hai gia đình biết nhau từ con rạch này. Chưa có cha mẹ ai dạy con sự thù hằn cả. Sơn nghĩ thế rồi đem cái dùi cùng phiến đá mài cất vào góc bếp.
Thảo Giang đứng ở ngưỡng cửa, dáng nhỏ nhắn như một con mèo. Khi Sơn quay ra, Thảo Giang hỏi:
- Anh Sơn, chiều nay anh không ra sông hở?
Sơn đứng thẳng người, thở dài:
- Không. Từ bữa đó, tôi đã không còn lên cầu nữa.
- Thảo nào…mỗi chiều Giang không thấy anh ở đó.
- Thảo Giang vẫn đến nhà thầy đồ?
- Dạ.
- Thầy tôi hết bệnh chưa?
Thảo Giang lắc đầu:
- Dạ… Thầy vẫn vậy, không thuyên giảm.
Sơn ngồi xuống một thân cây chuối mới đốn, nói:
- Thảo Giang qua đây, có xin phép bác gái chưa?
- Dạ rồi. Mẹ Giang nói Giang qua thăm bên này, cám ơn anh đã…
- Đừng, Thảo Giang! Tôi không phải là hiệp sĩ. Tôi cũng nhát gan như bao đứa con trai khác.
Thảo Giang lộ vẻ xúc động, giọng cô bé run run:
- Hôm ấy nếu không có anh Sơn, chắc Giang chết mất.
Sơn cười nhẹ:
- Tôi còn nhiều điều băn khoăn chưa hiểu… Nếu Thảo Giang không ngại gì, Thảo Giang ngồi chơi, cho tôi hỏi…
- Dạ…
Thảo Giang ngồi xuống ngưỡng cửa, e dè xoắn xoắn vạt áo nâu. Chiếc khăn xanh không có ở trên cổ.
Lặng yên một lúc, rồi Sơn nói:
- Có thật ông Bá Huê… muốn biếu nhãn cho bác gái hôm đó không?
Thảo Giang gật đầu
- Thật. Mẹ Giang bệnh, Giang đến xin ông Bá cho mẹ nghỉ cấy. Ông ấy tỏ vẻ lo lắng lắm, bảo Giang chiều đó tới vườn, ông cho trái cây. Giang không bao giờ muốn nhận nhưng ông Bá nói như vậy là phải tội. Giang đến đó, không ngờ chỉ gặp tên Hộ con của ông ấy thôi.
Sơn nhíu mày:
- Ông ta có thâm ý gì?
Thảo Giang cúi đầu đáp nhỏ:
- Ông Bá muốn mẹ Giang… gả Giang cho tên Hộ…
- À ra thế!
Sơn thốt lên rồi lặng im, đưa tay hờ hững nhặt mấy cọng rơm vương vãi trên đất. Sơn nghĩ đến cái dùi, mới mài có ba ngày… Sơn buồn cười cho cái sự trẻ con của mình. Dễ dầu gì Sơn dám đối diện với tên Hộ, nói chi đến chuyện dùng cây dùi để tấn công hay hăm dọa hắn. Người lớn khôn ngoan hơn, đã nói chuyện với nhau trước rồi.
Khi Sơn ngước lên, thấy Thảo Giang đăm đăm nhìn ra phía ao nhỏ. Đôi mắt Thảo Giang buồn rười rượi. Sơn bồi hồi hỏi khẽ:
- Này Thảo Giang, bác bên nhà … có bằng lòng không?
- Bằng lòng việc gì?
- Thì… thì việc tên Hộ đó.
- Giang còn nhỏ, mẹ Giang chưa tính gì hết. Mà nếu có, thì cũng không phải là với thằng cha nham nhở hôm ấy.
- Bác gái không sợ ông Bá Huê dùng thế lực để ép buộc sao?
Thảo Giang rắn giọng lại:
- Cha của Giang đã dặn… không bao giờ làm thân với gia đình ông Bá Huê.
Sơn giật mình, chợt nhớ đến cha của Thảo Giang. Người nông dân hiền lành ít nói ấy, sau hôm hoàn thành cây cầu đã bỏ nhà đi biệt. Sơn muốn hỏi Thảo Giang về sự việc khó hiểu ấy. Nhưng đôi mắt u uẩn kia như sa sầm hẳn lại, như không muốn nói thêm một điều gì nữa.
Thảo Giang đứng lên, sửa lại vạt áo, nói:
- Nhưng chuyện đó không quan trọng bằng chuyện sắp tới đây.
- Chuyện gì vậy Thảo Giang?
- Bác của Giang trở bệnh nặng lắm. Hôm nay bác muốn gặp tất cả những người học trò.
Sơn hoảng hốt:
- Thật vậy sao? Tôi phải đến thăm Thầy ngay.
- Anh Sơn, nhờ anh nói giùm với các anh khác nhé.
- Được rồi. Thảo Giang cũng sẽ qua đó chứ?
- Dạ. Mẹ Giang bảo tối nay Giang ở lại bên bác để sắc thuốc. Lương y nói… chắc là bác không qua khỏi đêm nay.
- Vậy Thảo Giang đến Thầy trước nhé! Tôi đi gọi mấy anh bạn rồi sẽ đến sau.
Thảo Giang “dạ”, rồi chào Sơn để đi. Còn lại một mình Sơn trong sân vườn, Sơn lại nghĩ đến cái dùi, nghĩ đến cảnh nhàn rỗi của mình bao ngày nay. Thầy đồ sắp chết! Cái hình ảnh thần tượng to lớn của Sơn đã lu mờ từ mấy tháng nay, bây giờ lại sắp biến mất. Thầy đồ chết, bọn Sơn sẽ không còn ai dạy dỗ cho dăm mớ chữ nghĩa, hòng đi thi Hương, thi Hội. Sơn sẽ hoàn toàn là một nông dân, sẽ lớn lên và nối tiếp cuộc sống của ông cha. Sơn sẽ như Tùng, như Huệ, như Đại… mãi mãi là những người thấp cổ bé miệng. Có phải đời sống đã sắp bày như thế rồi chăng?
Sơn sửa lại quần áo cho chỉnh tề, khép cửa lại, cài then, rồi ra khỏi cổng nhà. Trời bây giờ đã nhá nhem tối. Tiếng ễnh ương kêu vang dưới những rãnh nước như bao ngày vẫn đều đặn hòa điệu buồn chốn thôn quê.
*
* *
Nhà thầy đồ ở tận xóm trên. Khi Sơn cùng ba người bạn vào đến cửa, đã thấy ngọn đèn dầu được thắp sáng trong nhà. Mảnh sân vuông lúc trước dùng làm nơi học hành của bọn trẻ, bây giờ vắng ngắt, trơ trơ mấy chậu kiểng xơ xác. Bốn người bước vào nhà, đã thấy có sáu, bảy người học trò nữa đứng ngồi bên giường của thầy đồ. Chén thuốc để trên bàn còn đầy, nhưng cái cơ thể dẹp lép của người nằm trên giường như không còn cần đến sức sống.
Nước mắt Sơn dâng đầy tròng. Sơn bước tới, khe khẽ quỳ bên chân giường. Đôi mắt thầy đồ nhắm kín lại như người ngủ say, nhưng những nhịp thở đứt quãng, mệt nhọc chứng tỏ thầy đang gắng sống những giây phút quý giá nhất.
Thầy đồ cựa mình, mở đôi mắt trắng đục một lát rồi hỏi thều thào:
- Ai đây?
Sơn cầm lấy bàn tay của thầy, run run nói:
- Thưa thầy, Sơn đây ạ.
- Đứa nào nữa?
- Thưa thầy, có anh Tùng, Huệ và Đại.
Người bệnh cố gắng nhấc đầu dậy để nhìn kỹ mấy người học trò, nhưng rồi phải nằm trở lại để thở dốc. Sơn thấy se thắt cả lòng, vừa vuốt ngực cho thầy, vừa ứa nước mắt. Cái cảnh này, Sơn đã thấy cách đây ba năm, khi cha của Sơn lâm bệnh. Người nông phu chết đi, để lại cho vợ con một mảnh vườn nhỏ và ngôi nhà xiêu vẹo. Cái cày và con trâu, theo công nợ mà bán cho người. Mẹ con Sơn phải đi cấy mướn. Nay nhìn thầy đồ nằm thoi thóp, Sơn tự hỏi thầy sẽ để lại gì cho bọn học trò nửa đường này? Cái ước mơ làm kẻ sĩ chắc sẽ tàn lụi theo ngày tháng. Sơn thương thầy, nhưng cũng nghe thương thân, Sơn muốn khóc ròng như một đứa bé.
Đại cất tiếng khẽ:
− Thưa thầy, xin thầy rán uống miếng thuốc…
Thầy đồ xua tay, cười héo hắt:
- Khỏi con! Thầy không còn sống bao lâu nữa… Chắc sẽ không qua khỏi đêm nay.
Đám học trò có người khóc tấm tức. Thầy đồ thở dài:
- Gặp mặt đông đủ các con đây, thầy vui mừng lắm… Nhưng lại thương các con làm sao! Thầy chưa mãn nguyện vì… Thầy còn thiếu trách nhiệm với các con.
Sơn lại vuốt ngực cho thầy, nói:
- Thưa thầy, con xin thầy nằm nghỉ.
- Thầy còn khoẻ lắm các con ạ. Thầy muốn nói với các con rằng… thầy rất ân hận vì đã không dìu dắt các con đến nơi đến chốn. Xóm làng ta chưa có ai làm rạng rỡ hết. Mà thầy thì…
Nghe tiếng sụt sùi trong đám học trò, thầy đồ ngừng lại, đảo mắt yếu ớt nhìn quanh, rồi thều thào:
- Đừng khóc các con! Cái kẻ đáng khóc phải là thầy đây. Thầy phải khóc vì sự bất lực của thầy. Còn các con, các con chưa mất hy vọng đâu!... Hãy lại đây, nghe thầy nói… Cái ngọn đèn nào lúc sắp tắt cũng phải bùng lên. Thầy đã đến những phút cuối cùng rồi!
Bàn tay thầy đồ giá lạnh trong tay Sơn. Sơn tưởng thầy sắp chết sau một giây nữa thôi. Nhưng không, đôi mắt trắng đục, giương to lên, như muốn lôi kéo tất cả những tinh anh của thời trai trẻ trở về. Thầy đồ nói tiếp:
− Nếu thầy không nói cho các con nghe những điều mà thầy được biết thì khi chết đi thầy sẽ đắc tội với trời đất. Các con sống ở xóm làng này, trăm sự đều tùy thuộc vào làng xã và mấy tên bá hộ trọc phú. Các con có biết gì ngoài cái vốn liếng eo hẹp của các con đâu. Chỉ có thầy, biết mà không làm gì được, thì thật là vô lý nếu thầy giữ kín mà đem xuống lòng mộ.
Đám học trò nhìn nhau ngơ ngác. Cái điều gì mà quan trọng đến nỗi một người già nua quên mất sự trối trăng thông thường về gia tài của mình, về ngôi mộ, về chiếc quan tài mà mình sẽ nằm trong ấy?
Sơn kéo tấm chăn bông đắp lên tận ngực của thầy đồ, che kín thân hình còm cõi đang run rẩy của thầy. Thầy nói:
- Cái điều đau đớn trọng đại như thế mà không ai biết. Còn những kẻ biết thì ngậm miệng không dám nói. Nhưng một kẻ sắp về chầu Phật… như thầy đây, phải nói để các con liệu mà sống.
Sơn kê miệng gần tai thầy đồ, nói:
- Xin thầy dạy cho. Chúng con nghe đây.
- Các học trò của thầy! Các người trai trẻ ưu tú đây! Biết gì không? Mảnh đất mà các con đang sống, đã thuộc vào tay giặc rồi! Thầy đau đớn biết bao khi phải nói như vậy. Cái hòa ước khốn nạn đã đem dâng ba tỉnh Nam Kỳ cho giặc Tây. Thế mà các con, dân quê ngu muội, có biết gì không?
Một giọt lệ lăn từ khoé mắt già nua xuống gò má của thầy như nước thấm xuống nền đất nứt nẻ cằn cỗi. Thầy đồ nghẹn ngào:
- Trong lúc giặc đang khiếp vì sự kháng cự của dân ta, thì vua quan ta lại e sợ súng ống của giặc. Trong lúc giặc không ngờ là có sự hòa hoãn, thì ta lại bằng lòng ký giấy cắt đất. Cái tin đau buồn ấy, thầy biết từ mùa hè. Nhưng có biết làm gì hơn? Thầy bệnh hoạn, sắp chết, bất tài… Còn lũ trẻ các con sống trong cái làng hẻo lánh này, bị bao kín bằng lũy tre xanh này, làm sao biết được rằng khắp nơi dân chúng đang phẫn nộ. Người ta đã kết nạp nhau thành nghĩa quân, chống Pháp để giành lại đất. Còn chúng ta ở đây, đời sống còn yên lành quá! Nhưng… một mai, giặc sẽ đến. Rồi các con có yên không? Thầy nói thế để các con biết trước mà liệu. Đời bình yên rồi cũng sẽ không còn.
Thầy đồ ho một tràng, người mệt lả như muốn ngất đi. Sơn vuốt ngực cho thầy. Mấy người con trai phía sau quỳ hết cả xuống đất. Ai cũng nghe rõ tiếng gió đông rít lên ngoài vách nứa. Ngọn đèn dầu dường như hơi lao chao ánh lửa. Không gian chợt yên lặng như cảm thông với nỗi u uất của một người tuyệt vọng.
Giây lát sau, thầy đồ lại sức, tiếp tục trối trăng với đám học trò:
- Thế hệ của các con, không phải là thế hệ của thầy nữa. Đừng bắt chước mẫu người của thầy. Cái học nhà nho chỉ giúp ta sống cho phải đạo người, biết rõ lẽ trời… quý giá lắm! Nhưng không còn thực tế để giúp ta cứu nước. Trước kia thầy mong các con thành Tú Tài, Cử Nhân. Nhưng từ ngày nghe tin chua xót ấy, thầy thấy một điều rõ rệt là thầy không còn mong như vậy. Các con hãy làm một cái gì khác. Thầy muốn nói rằng… khác với hình ảnh con người khoa bảng, mơ ước áo rộng khăn to mà bao lâu nay người ta đã vẽ.
Mười đứa học trò yên lặng. Sơn đưa tay vặn ngọn đèn dầu cho sáng thêm. Một chút rạng rỡ hiện trên gương mặt thầy đồ. Giọng thầy trầm xuống:
- Các con hiểu thầy nói gì không? Điều khổ sở nhất của thầy, thầy đã nói hết. Các con còn trẻ lắm, gắng mà tranh đấu để giữ ruộng, giữ làng. Giặc đã nắm quyền cai trị ta ở trên giấy tờ. Thì sớm muộn gì chúng cũng sẽ đến đây. Lúc đó nhà tan cửa nát. Đau khổ lắm các con ơi! Giặc có súng ống tối tân, nhưng không phải vì thế mà ta khiếp sợ. Ta có tre vót thành mác, có sắt mài thành dùi….
Sơn giật mình. Thầy đồ vừa nói một điều rất khích động. Sơn đã thấy rồi! Cái đó có thể làm Sơn nghe máu trong tim cuồn cuộn, không phải tiếng trống dồn dập nổi lên giữa sân đình, hay tiếng pháo nổ dòn trong những đám cưới. Mà là lời của thầy vừa nói đó! Cái màn tối ngu muội đang được xé rách giữa tâm hồn Sơn. Ta có tre vót thành mác, có sắt mài thành dùi! Sơn đã mài sắt bao nhiêu ngày. Sắt chưa nhọn, nhưng bây giờ lửa hăng hái đã bén. Sơn nhìn thầy đồ. Bỗng nghe tim đau nhói. Ôi, thầy của con, người sinh đồ nho nhã một đời, tưởng yếu ớt như cọng cỏ, không ngờ mang trong lòng cả một nghĩa khí to lớn.
Những tiếng ho làm giọng thầy đồ đứt quãng:
- Tội nghiệp các con!... Sống mà không biết là mình sống… Nô lệ mà vẫn tưởng là được… thái bình. Cái lũy tre đã che mắt các con… Không thấy sông rộng, không thấy núi cao, sao gọi là con trai cho được!...
Thầy đồ thở hổn hển, nước mắt sống chảy ràn rụa xuống hai gò má xương xẩu. Đợi cho cơn ho của thầy dứt, Đại ra hiệu cho anh em đứng lên, rồi nói nho nhỏ:
- Chúng mình hãy ra ngoài cho thầy nằm nghỉ. Tôi thấy thầy nói nhiều, e… có hại.
Rồi Đại cúi xuống sửa lại tấm chăn cho thầy đồ. Đám học trò rón rén đi ra sân.
Sơn nhìn lên vòm trời xám ngắt. Một chút ánh trăng giải trên làn mây u ám. Còn mảnh trăng khuyết thì đã lẩn trong mây. Khung cảnh buồn như chưa bao giờ. Ở đây, mọi màu sắc đều đồng nghĩa với sự chết chóc. Gió đông thổi rít qua cây lá, đập vào da thịt Sơn, tưởng như hơi thở hắt của người bệnh. Sơn đưa mắt nhìn lén vào cửa sổ. Thấp thoáng trong nhà có bóng Thảo Giang bên cạnh giường của thầy đồ. Tay cô bé nâng chén thuốc, miệng nói gì nho nhỏ với người bệnh. Sơn thấy thầy đồ xua tay, và kéo Thảo Giang ngồi xuống. Đèn dầu leo lét không che giấu được trên má Thảo Giang nước mắt tuôn chảy. Sơn thấy thầy đồ thở những hơi mệt nhọc. Nhưng đôi môi khô héo vẫn thều thào những lời dặn dò. Sơn thương thầy quá! Một người không vợ, không con, ở phút cuối chỉ còn đứa cháu gái. Sơn liên tưởng đến cha của Thảo Giang. Sự biệt tích của ông, chắc thầy đồ biết. Và chắc cũng có liên quan đến điều mà thầy vừa nói với đám học trò.
Sau ý nghĩ ấy, Sơn vùng bước nhanh vào nhà. Thảo Giang đang nâng đầu thầy đồ lên, ghé tai nghe những lời thầy nói bây giờ đã bắt đầu khó khăn. Sơn quỳ xuống bên giường, nghe tiếng thầy như hòa trong sương khói:
- Nghĩa quân đông lắm!... Chờ khi họ qua làng, các con xin gia nhập… Cha của cháu, Thảo Giang à,… chắc chú ấy đang ở Tân Hòa. Đừng… đừng qua đó, nguy hiểm… Thế nào nghĩa quân cũng sẽ về… khi chiếm lại được đất…
Thảo Giang nức nở:
- Bác ơi! Cháu làm sao biết được cha cháu ở cánh quân nào mà theo?
- Nghĩa quân đông lắm… vì kết nạp dân chúng mọi nơi. Nhưng dù đông… vẫn ở dưới… bóng cờ của Trương…Công…Định. Đừng đi một mình nghe cháu! Nước non rộng thênh thang. Đợi nghĩa quân…qua làng…rồi…rồi…
Sơn ôm bàn tay giá lạnh của thầy đồ, nói như một lời hứa:
- Thưa thầy, chúng con sẽ theo nghĩa quân.
Thầy đồ gượng cười. Sơn nhìn đăm đăm vào bàn tay thầy. Gần hết đời người, bàn tay ấy trung thành với ngọn bút lông. Đến nay Sơn mới có dịp nắm lấy bàn tay thầy để nhận thấy những mạch máu, những nếp xương nổi lên dưới làn da xám ngắt, giống như sông, như núi, chạy ngoằn ngoèo trên một giải đất. Có phải đó là ước mơ thầy vẽ cho bọn học trò ngu muội hay không? Chúng con sẽ theo nghĩa quân. Vâng, thưa thầy! Sẽ chiếm lại đất, sẽ chống lại giặc. Chúng con có tre làm mác, có sắt làm dùi. Nhưng cái con người mang tên Trương Công Định mà thầy vừa nhắc tới, có phải là thần tượng của chúng con không? Người ấy ra sao? Già hay trẻ? Mập hay gầy? Thấp hay cao? Người có giọng nói miền nào? Người cũng sinh ra tại quê hương này và đau lòng vì mất nước? Chúng con phải biết một chút gì về hình dáng người – để mai đây nghĩa quân qua làng, biết đâu sẽ thấy người trước mặt. Sơn muốn hỏi như thế, nhưng nhìn lại thầy đồ, đã thấy gương mặt của thầy im lìm như tượng đá. Đôi mắt trắng như muốn nhìn xuyên thủng cả mái nhà để thấy bầu trời rộng. Môi thầy không còn mấp máy nữa… Thảo Giang nấc lên một tiếng nghe nhức buốt cả tim. Sơn không còn biết nước mắt mình sẽ chảy ra hay đã đông lại thành tuyết mất rồi?
Bên con rạch nhỏ chảy qua làng, thầy đồ đã đi chuyến đò cuối.
_________________________________________________________________________________
IV
TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH, anh là ai? Cao hay thấp? Già hay trẻ? Anh từ đâu tới? Anh cũng sinh trưởng trên mảnh đất phì nhiêu này và đau lòng vì mất nước? Anh là người hay con của trời? Anh biết trước những điều mà chúng em chưa hề biết. Sao anh không đi qua đây? Xóm làng này có mấy kẻ như bác Chiêu – ba của Thảo Giang? – Đêm lặng lẽ tối tăm, người đã một mình ra đi – Bọn con trai mới lớn sống ngu muội thiếu niềm tin, thiếu thần tượng. Chúng em bơ vơ thật sự sau khi thầy đồ mất. Cái mái nhà xưa cũ làm nơi nương tựa của những tâm hồn bỡ ngỡ đã không còn. Nhưng từ đó, chúng em biết quê hương có anh. Anh ở xa quá nhưng con người của anh tiềm tàng đâu đây. Trương Công Định, thầy đồ chưa kịp tả hình dáng của anh. Nhưng Sơn đã tưởng tượng ra anh được rồi.
Anh người cao lớn, vạm vỡ, da sạm nắng như những người dân ở đây. Trán rộng, mắt sáng, nụ cười anh bao la, giọng nói anh sang sảng, bước đi anh vững chắc. Anh lớn hơn Sơn chắc độ mươi tuổi. Nhưng dưới tay anh đã có hàng vạn nghĩa quân. Anh không mang cẩm bào, không đeo kiếm báu. Anh chỉ mặc quần áo nâu, thắt lưng đen màu đất. Anh chỉ cầm giáo mác và mang một con tim biết tự vệ, biết yêu mến đất nước. Chừng đó là anh – Trương Công Định. Nhưng lý tưởng ngời sáng hơn cẩm bào, ý chí sắc bén hơn kiếm báu. Sao anh không đi qua làng?
Mùa đông đã hết. Tháng giêng bắt đầu là tháng ăn chơi. Những hội hè đình đám tổ chức liên miên, thu hút mọi người già trẻ lớn bé. Nhưng đối với Sơn, pháo đỏ, trống dồn không làm Sơn ham thích nữa. Cái cọng sắt đã trở thành cái dùi. Chiều nay Sơn cũng ngồi sau vườn lặng lẽ mài cái dùi cho nhọn. Để làm gì? Không còn để gặp tên Hộ, dọa nạt hắn. Mà để mỗi khi nhìn thấy nó, lòng cậu bé thấy rạt rào hơn, sôi động hơn. Cái dùi được mài lâu ngày, trở nên sáng quắc và nhọn lễu thấy sợ. Thân cây chuối đã lỗ chỗ toàn những vết cắm.
Trời mùa Xuân dìu dịu. Trong vườn, mấy cụm hoa đã nở tươi, rực rỡ màu sắc. Trên cành, trái cây cũng đang nẩy nở. Mùi rạ mới nồng nồng thoảng quanh nhà. Không gian có vẻ nhàn rỗi, bình yên. Bỗng xa xa, nghe có tiếng sáo của ai trổi lên. Sơn ngừng tay, lắng nghe. Tiếng sáo mới đầu thổi giọng trầm trầm, sau vút lên như tiếng khóc nức nở. Rồi cứ thế, giọng u uất đều đều. Sơn cau mày. Giữa mùa xuân, dân làng đang hòa mình trong những cuộc vui, sao lại có người tỏ bày nỗi thống thiết như vậy? Tiếng sáo khiến Sơn liên tưởng đến tâm sự của thầy đồ, tưởng như đó là tiếng khóc than của kẻ mất nước. Có phải ở cõi u minh nào, thầy đồ đã hiện về để nhắc nhở ta cái hoài bão mà thầy không làm trọn?
Tiếng sáo huyền hoặc khiến Sơn bỏ ra trước nhà. Sơn đi theo tiếng sáo ấy. Và cách nhà Sơn không xa, rõ ràng tiếng sáo ấy vọng lên từ nhà của Đại. Sơn rón rén bước vào. Qua mảnh sân phơi đầy rơm rạ, Sơn đã thấy người đang thổi sáo. Chính là Đại. Ống sáo trúc đưa ngang miệng. Tám ngón tay lướt nhanh trên đó. Tiếng sáo bây giờ oán hờn, ray rứt. Sơn đứng sững trong nhà của Đại. Bây giờ mới biết là không phải tiếng người chết than thở, mà như lời tự tình của người trẻ tuổi sống thiếu thốn, hụt hẫng.
Khi tiếng sáo dứt, Đại ngẩng lên. Gặp Sơn đứng trước mặt, người thanh niên hơi ngạc nhiên. Sơn nao lòng, hỏi:
− Anh không đi chơi sao, anh Đại?
Đại lắc đầu, buồn bã:
− Đi đâu hở Sơn?
− Xem hội, coi hát, đua thuyền… Thiếu gì trò chơi.
− Lũ em tôi đã rủ nhau đi hết. Tôi ở nhà một mình.
− Hai bác đâu?
− Cha mẹ tôi qua nhà chú tôi đánh bạc. Sơn ngồi chơi đi.
Sơn nhắc một chiếc ghế ngồi xuống, rồi hỏi khẽ Đại:
− Anh Đại! Có chuyện gì làm anh buồn chăng?
− Có gì đâu Sơn! Sao Sơn lại hỏi vậy?
Sơn đặt tay lên ống sáo trúc, nói:
- Anh Đại giấu tôi rồi! Chưa bao giờ tôi nghe anh thổi một khúc sáo buồn như hôm nay. Giữa ngày tháng xuân, mà có lý nào anh lại buồn như vậy.
Đại gật đầu:
- Đúng rồi! Tôi chỉ biết thổi những khúc vui. Nhưng Sơn biết sao không?... Từ hôm thầy mất, tôi bỗng như kẻ lạc đường…
Đại ngưng lại, cúi mặt thở dài. Sơn nhìn kỹ Đại, thấy trên gương mặt thanh niên ấy như có một nếp nhăn. Nụ cười vui vẻ mọi ngày không còn.
− Anh Đại này! Có phải anh buồn… tại vì câu chuyện mà thầy nói với bọn mình không?
− Sao Sơn biết?
− Vì tôi cũng vậy.
Đại trố mắt nhìn Sơn:
− Tôi tưởng…
Sơn nắm lấy tay Đại:
- Tôi cũng mang tâm trạng như anh. Thầy mất, tôi có cảm tưởng chúng ta không còn ai dìu dắt, nâng đỡ. Nhưng tôi không thổi sáo than thở như anh.
- Sơn làm gì?
- Tôi mài sắt làm dùi.
Đại giật mình, nhìn Sơn như vừa nghe thấy một điều kỳ lạ. Sơn muốn nói hết cho bạn nghe những câu nói cuối cùng của thầy đồ, những câu nói đã nung lòng Sơn bấy lâu nay.
- Anh biết để làm gì không? Chờ khi nghĩa quân qua làng, chúng ta sẽ xin thu nạp. Nghĩa quân đông lắm, vì gồm dân chúng mọi nơi. Cái người lãnh đạo chúng ta, là ông Trương Công Định.
Đại tròn xoe đôi mắt:
− Ai nói cho Sơn, mà Sơn biết vậy?
− Thầy nói, tôi nghe được, lúc thầy sắp chết.
− Ông Trương Công Định… là ai?
Sơn đáp hân hoan:
− Là một người anh hùng.
− Ông ấy ở đâu?
− Ở Tân Hòa. Thầy nói thế.
− Ông ấy còn trẻ như bọn mình không?
Sơn im lặng. Đó cũng là câu hỏi của Sơn mà! Sơn cũng muốn biết ông ấy già hay trẻ, cao hay thấp, ốm hay mập, mà người oai dũng thế? Sơn nói nhỏ:
− Mai mốt nghĩa quân qua làng, chắc thế nào mình cũng biết.
Đại nói như để một mình nghe:
− Ta sẽ theo nghĩa quân… Thật vậy chăng?...
Sơn băn khoăn:
− Anh nói gì vậy, anh Đại?
Đại bóp chặt tay Sơn, mắt sáng lên:
− Sơn đi không? Đi theo nghĩa quân không?
− Nhưng chưa có ai qua làng. Thầy bảo… nước non rộng thênh thang, đừng đi một mình, nguy hiểm. Điều quan trọng là mọi người phải một lòng như nhau, thì mới thành công được. Chứ bọn có thế lực như Bá Huê thường theo dõi lắm.
− Sơn biết nhiều điều hơn tôi quá! Thế mà bao lâu nay, tôi không có dịp gặp Sơn để trao đổi ý nghĩ.
− Tôi nhỏ tuổi hơn anh, không dám nhận là khôn hơn đâu. Chẳng qua là…
Đại cười, nụ cười cố hữu đã trở lại:
− Sơn làm tôi nức lòng lắm.
− Thôi tôi về nhé anh Đại!
Sơn đứng dậy. Đại đứng lên theo, nói:
− Khoan! Sơn! Tôi muốn nhờ Sơn… bẻ gãy ống sáo này.
− Sao vậy?
− Vì tôi không muốn tự tay bẻ cái công trình của mình, nhưng cũng muốn từ nay chẳng còn thổi lại những khúc ủy mị nữa.
Sơn cầm ống sáo lên, ngắm nghía:
− Sao lại bẻ đi?... Hay anh cho tôi? Đây là cả một công trình, hủy bỏ thì uổng lắm.
− Sơn giữ để làm gì?
Sơn cười:
− Làm kỷ niệm. Tôi chẳng biết thổi sáo, anh Đại đừng lo.
Đại bằng lòng. Sơn giắt nhanh thanh sáo trúc vào thắt lưng, chào bạn ra về. Sơn cũng không hiểu Sơn giữ ống sáo trúc làm gì. Chỉ cảm thấy ngay trong lúc này, ống sáo giắt bên lưng, cái tâm trạng lâng lâng thuở nhỏ đang trở về. Sơn quên mất khúc nhạc ai oán của Đại, tưởng như cái thời còn để chỏm ngồi vắt vẻo trên lưng trâu vẫn gần gũi Sơn lắm. Hình ảnh tên mục đồng với con trâu mỗi chiều về trong tiếng sáo đang trỗi dậy. Mau quá! Sơn đã lớn rồi! Đủ lớn để được nghe những điều quan trọng. Đủ lớn để thấy nao nao mỗi khi nghĩ đến Thảo Giang.
Thảo Giang, Thảo Giang! Cái tên là cả một giòng sông. Mái tóc cũng là cả một giòng sông. Đôi mắt cũng biến đổi như màu nước. Có lúc mắt Thảo Giang xanh thẳm như màu của một thời thơ ấu. Có lúc mắt đổi màu đen u buồn như chuỗi ngày từ lúc bác Chiêu bỏ làng mà đi. Ước mơ đã đến đó ngừng lại. Từ sau ngày thầy đồ mất, tóc Thảo Giang có thêm một vành khăn trắng. Mùa xuân đến chắc với Thảo Giang không còn một chút gì vui thú.
− Anh Sơn!
Tiếng gọi làm Sơn giật mình. Thảo Giang đi đàng sau lưng. Sơn ngừng lại để chờ. Nét mặt Thảo Giang có vẻ khác thường. Cô bé tiến đến, nói nho nhỏ:
− Anh Sơn biết gì chưa?
Sơn ngạc nhiên:
− Chuyện gì?
Thảo Giang thì thầm:
− Có nghĩa quân qua làng.
Sơn giật mình:
− Thật sao? Ở đâu? Sao tôi không thấy?
− Họ đâu dám lộ diện. Chỉ có ba người thôi, dường như là để thăm dò lòng dân.
− Sao Thảo Giang biết?
− Vì có cha của Giang về nữa.
− Bác Chiêu?
Sơn thốt lên nho nhỏ rồi đứng lại dưới một tàn cây lớn. Ở đây um tùm, tránh được những con mắt dòm ngó. Thảo Giang đứng lại theo, Sơn hỏi:
− Bác về nhà?
− Dạ. Tối nay cha Giang đi ngay.
− Bằng gì?
− Xuồng.
− Rồi bác sẽ đi đến đâu?
− Giang không biết. Chắc sẽ ra sông lớn.
Giang thở dài:
− Chuyện bí mật, cha Giang nói Giang là con gái, không nên biết. Hình như nhà ông Bá Huê cho người theo dõi Giang. Họ chắc đã biết cha Giang đi đâu.
− Còn tên Hộ?
− Hắn vẫn thập thò ở nhà Giang. Chiều nay biết chắc cha con hắn được mời đi ăn ở đám hội, Giang mới dám đi tìm anh Sơn.
Thảo Giang nhìn quanh, rồi nói:
− Thôi, Giang về. Anh Sơn cũng về nhà đi!
Và Thảo Giang thoăn thoắt bước mau. Sơn băn khoăn, lòng không yên, đứng nhìn theo bóng Thảo Giang mờ nhạt trong nắng chiều. Thảo Giang biến mất như một cơn gió. Mùi hương lúa quyện nhẹ trong không gian, hay hương tóc của cô bé thoang thoảng đâu đây? Gió man mát bên mình, hay gió của một trận cuồng phong sắp trỗi? Cảnh bình yên này là thanh bình hay chỉ là sự giả tạo? Tâm hồn Sơn hỗn độn những ý nghĩ vụn vặt. Đêm nay nghĩa quân sẽ ra đi. Chỉ có ba người, trở về âm thầm và ra đi bằng xuồng. Ở con rạch đó!...
*
* *
… Và đêm đã xuống. Sau bữa cơm, khi tiếng khung cửi của mẹ cất lên như không cần biết mùa xuân, không cần biết hội hè, Sơn lặng lẽ đi ra giòng sông. Suốt dọc một khoảng dài, Sơn không nghe thấy gì. Thôn xóm yên lặng với những ngọn đèn hắt hiu. Những mảnh ruộng đã đồng màu với đêm tối. Sơn đến ngay đầu cầu, đứng lại lắng nghe. Bên kia sông, nơi vườn cây im lìm, đen đặc. Sơn nghe tiếng bìm bịp kêu dưới đám lau lách. Trong tiếng kêu đều đặn ấy, Sơn nghe tiếng mái chèo khua nước.
Sơn khom người, cố nhướng mắt nhìn xuống chân cầu. Chiếc xuồng con dường như sắp sửa bơi đi. Trên xuồng có hai người đàn ông. Còn một người nữa đâu?
Có tiếng lay động trong đám lau sậy. Sơn giương mắt to lên. Một người đàn ông nữa hiện ra, bước lên xuồng. Nhưng theo sau là một bóng con gái. Người đàn ông cúi xuống, thì thầm:
− Về đi! Giang!
Đứa con gái nghẹn ngào:
− Cha cho con đi theo với!
− Cha đã nói rồi, không chịu nghe. Mẹ con đau yếu, cần có con ở nhà.
Bóng con gái chới với như muốn giữ chiếc xuồng lại, giọng nói nức nghẹn:
− Con muốn theo nghĩa quân…
− Muốn mất đầu hả, Giang? Tình hình gay go lắm, chưa tiện cho cha ra mặt. Con theo cha, chỉ làm vướng chân.
− Cha!... Nhưng mà…
− Con về đi!
Tiếng nói của bóng đen lao chao trong tiếng khua nước. Xuồng tách khỏi bờ lau sậy. Đứa con gái khóc rấm rứt. Sơn đứng sững, tưởng như bi cảnh thời xưa đang diễn lại trước mắt. Giọt lệ Nguyễn Trãi tiễn chân cha đang rụng rơi, hòa với nước giòng sông.
Bóng đứa con gái thất thểu đi lên. Sơn kêu khẽ:
− Thảo Giang ! Sơn đây!
Thảo Giang ngừng lại, nhìn quanh. Sơn bước ra, nắm tay Thảo Giang cho cô bé bước lên mặt đường. Thảo Giang không dằn được, khóc trước mặt Sơn.
− Cha Giang đi rồi!
− Thảo Giang! Nín đi! Không thể theo bác được.
Cô bé sụt sùi:
− Giang có linh cảm chuyến này cha Giang đi luôn không về.
− Nói dại.
− Giang muốn đi theo cha, hầu hạ người, sống chết với người.
− Hãy nghĩ đến bác gái. Nghĩa quân không cần hầu hạ. Nghĩa quân không bao giờ chết.
Thảo Giang càng khóc tức tưởi hơn. Sơn siết chặt tay cô bé như để an ủi. Bàn tay nhỏ nhắn của Thảo Giang lạnh ngắt sương khuya. Chừng như sương cũng ướt đẫm trên tóc, trên áo của cô bé.
Một bóng người đi xuống chân cầu. Sơn đẩy Thảo Giang đứng nép vào một gốc cây, rồi nhẹ nhàng đi theo bóng đen. Nhận ra người ấy là Đại, Sơn kêu lên:
− Anh Đại! Anh đi đâu đó?
Đại nhìn lui, hỏi:
− Ai? Sơn phải không?
− Sơn đây.
Đại nói hấp tấp:
− Tôi đi nghe Sơn!
− Anh đi đâu?
− Theo nghĩa quân. Tôi đi theo anh tôi.
Sơn ngạc nhiên:
− Ai?
− Hai người về cùng với bác Chiêu. Họ mới ghé nhà tôi lúc đầu hôm. Họ là anh em cô cậu với tôi.
− Nhưng họ đi rồi…
Đại nói nhanh:
− Tôi phải theo họ.
Sơn nắm lấy tay Đại:
− Nhưng anh biết họ đi đâu?
− Họ ra sông Vàm Cỏ. Tôi bơi xuồng một mình, chắc sẽ bắt kịp họ. Sơn, Sơn ở lại… Nhớ chuyển lời chào của tôi cho cha mẹ tôi, các em tôi.
Sơn kêu lên:
− Anh Đại! Anh bồng bột quá!
Nhưng Đại đã kéo dưới chân cầu ra một chiếc xuồng con. Đại bước vào xuồng, cầm chiếc dầm bơi nhanh. Sơn ngơ ngẩn nhìn theo. Cái bóng cô độc lướt đi trên dòng sông. Người thanh niên đã muốn từ bỏ đời sống nông dân của mình rồi.
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI