I
Dòng sông nhỏ chảy êm đềm qua làng, đúng ra chỉ là một con rạch. Ông cha đã đào nó không biết tự bao giờ. Từ bên này sang bên kia bờ rạch, chèo thuyền chỉ mất độ mươi phút. Nước được dẫn từ đó vào những đám ruộng, những vườn cây.
Sơn đã lớn, ở xóm làng này, bên cạnh dòng sông nhỏ – Sơn thích gọi như vậy. Dòng sông! Tiếng gọi đơn giản và tha thiết biết bao nhiêu! Dòng sông già tuổi hơn Sơn, nhưng lại chậm lớn hơn. Đến mùa đông năm nay, Sơn được mười tám tuổi. Họ hàng và lối xóm khen cậu bé “lớn như thổi”. Nhưng dòng sông thì vẫn vậy – vẫn lặng lờ như chính nó lúc Sơn thấy hồi Sơn còn để chỏm. Nhưng Sơn mơ hồ biết rằng trong cái lặng lờ ấy chứa đựng cả một sức sống. Sơn biết mỗi ngày nước sẽ mang đi một chút đất của hai bên bờ, của đáy rạch, làm lòng rạch rộng hơn. Con rạch nhỏ rồi sẽ chảy ra dòng sông lớn. Sơn chỉ nghĩ đến đó. Rồi thôi. Trí óc còn nông cạn quá! Nhưng trước mắt, trong mỗi ngày của đời sống, là dòng sông.
Cũng nơi đây, Thảo Giang đã lớn. Trái với Sơn, Thảo Giang lớn một cách nhẹ nhàng. Dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn, xinh tươi, Thảo Giang đương ở giữa một đứa bé và một người lớn. Mỗi buổi trưa, đứa bé mang cơm ra đồng cho cha, đội chiếc nón lá lụp xụp, mặc áo màu nâu và đi chân đất để dễ lội ruộng. Nhưng mỗi buổi chiều, “người lớn” thư thả đi dọc dòng sông nhỏ, tóc xõa ra chấm xuống nửa lưng, mang đôi guốc mỏng, và trên cổ phất phơ mảnh khăn màu xanh. Đó là những lúc Thảo Giang đi lên nhà ông bác ở xóm trên, là một thầy đồ. Không biết Giang đến đó để làm gì, chỉ biết rằng mỗi lúc cô bé đi ngang qua trước mặt Sơn, lòng Sơn như có một nỗi xao xuyến nhỏ. Giống như mặt nước lặng lờ của dòng sông, lúc có gió thoảng đưa ngang sẽ gợn lên một chút sóng.
Sơn mơ ước có ngày mình sẽ tự tay đóng một chiếc thuyền, để tha hồ đi lại trên sông. Khi Thảo Giang đi bộ một mình, Sơn sẽ mời cô bé xuống thuyền, để đưa đi cho nhanh. Chắc chắn là Thảo Giang sẽ nhận lời. Vì hai gia đình đâu có xa lạ gì với nhau. Cùng một làng xóm, cùng một lũy tre, cùng một con rạch, tình láng giềng từ đời kiếp nào vẫn thân mật. Có điều, từ khi Thảo Giang tròn tuổi trăng, cô bé đã có vẻ giữ ý lắm. Mỗi khi đi đâu, Thảo Giang thường cắm đầu đi thật nhanh, không dám nhìn ai – hay lại là không thèm nhìn ai?- Sơn nghĩ như vậy. Sơn lấy làm tiếc rẻ những ngày còn nhỏ dại, không phải e dè chi cả. Đến nay, mất nhiều dịp để nhìn ngắm Thảo Giang rồi. Thầy đồ đã già yếu, bệnh liên miên. Bọn Sơn phải nghỉ học. Vậy là mất luôn cả những dịp nhìn Thảo Giang rón rén đi vào sân nhà thầy đồ. Tuổi hoa niên của Sơn tưởng như đang đến lúc ngừng lại, lặng lẽ như mặt nước sông nhỏ chảy êm đềm qua làng.
Mùa đông sắp qua hết. Sơn bắt đầu cảm thấy chán những buổi sớm ra đồng, những buổi trưa ngủ giấc ngắn trong chòi, những buổi chiều nhàn rỗi đi lang thang trên bờ sông, và những đêm tối ngồi nhìn mẹ dệt vải. Cuộc sống bình lặng đến gần như nhàm chán. Người mẹ góa bụa có lẽ bằng lòng như thế. Nhưng Sơn chưa đến tuổi có thể chấp nhận một cuộc sống như vậy. Cái hình ảnh to lớn nhất ảnh hưởng một cậu bé tuổi ấu thơ đã sụp đổ. Đó là hình ảnh của thầy đồ. Sơn không còn có ý nghĩ mong ước mình sẽ nối gót thầy đồ để làm “kẻ sĩ” nữa. Trước mắt Sơn, bây giờ chỉ còn một thầy đồ ốm yếu, bệnh hoạn, nằm mòn mỏi với mớ chữ nghĩa nửa đường. Và mảnh sân vuông lúc trước lố nhố bọn trẻ, bây giờ cô quạnh biết bao! Ta sẽ như thầy đồ chăng? Không! Có lý nào!... ta không mơ làm “sĩ” nữa. Sơn đã nhận ra một điều rõ rệt, là Sơn đang khát khao một cái gì mới mẻ đến trong đời sống lặng yên này, một cái gì thật khích động để phá tan sự nhàm chán trong sinh hoạt của mình. “Cái gì đó”…, không phải là tiếng trống nổi lên dồn dập giữa sân đình, hay tiếng pháo nổ dòn trong những đám cưới. Sơn, mỗi chiều, dõi mắt nhìn sang bên kia bờ sông với niềm háo hức. Sơn đã qua đó một vài lần. Không có gì khác hơn bên này. Bước lên bờ sẽ gặp ngay những vườn cây trái. Nhưng niềm háo hức không phải ở đó. Sơn mơ hồ cảm thấy rằng, qua khỏi những mảnh vườn ấy, chắc sẽ có những điều thú vị hơn. Là một cánh đồng bát ngát, là một dãy núi, hay là một chân trời?...
Vườn cây trái bên kia bờ sông là vườn của ông Bá Huê. Nó lại là ranh giới của làng. Đó là hai lý do ngăn cản lũ trẻ nít không được lai vãng nơi ấy. Thường những kẻ được qua vườn là các gia nhân của ông Bá Huê sang để bón cây vun trái. Mỗi mùa vườn cây trổ hoa rồi đậu trái, toàn những trái quý. Ông Bá Huê sai người hái trái để đem “tiến” lên tận kinh đô. Danh vọng của ông cứ nhờ đó mà lên. Và vườn cây bên kia sông cũng vì thế mà trở thành khu vực bất khả xâm phạm. Sơn không buồn mơ chèo thuyền qua đó, nhưng niềm mong ước cứ theo ánh mắt của Sơn chiếu thẳng sang cái màu xanh đậm bên kia bờ, như muốn xuyên thủng những cành lá dày đặc để nhìn thấu chân trời phía sau. Nhưng chỉ đến đó, tia mắt phải ngừng lại. Và niềm mong ước không lớn được nữa. Sông vẫn lặng lờ đời sông. Người vẫn bình yên đời người. Buổi sáng ra ruộng, trưa ngủ giấc ngắn trong chòi, và chiều chiều ngóng mắt nhìn theo bóng Thảo Giang phất phơ chiếc khăn xanh đi lên xóm trên. Đôi lúc Sơn đánh bạo, gọi Thảo Giang lại, hỏi vẩn vơ mấy chuyện. Cô bé cũng ngừng lại, trả lời Sơn. Nhưng cô bé không bao giờ nhìn ngay mặt Sơn. Mảnh khăn xanh là phương tiện duy nhất để Thảo Giang che đôi má ửng hồng. Rồi cô bé quày quã bước nhanh, để lại trong mắt Sơn một đôi mắt đen láy ngộ nghĩnh. A, trong đôi mắt ấy là cả một dòng sông, là cả một vườn cây, là cả một đồng lúa…. Là cả một thời thơ ấu vui tươi, của Sơn, của Thảo Giang, của bọn trẻ nhỏ ở xóm làng này. Sơn chưa biết mình nghĩ gì về Thảo Giang, nhưng dường như đôi mắt vừa dịu dàng vừa lanh lẹ đó mỗi lúc đi qua là để lại cho Sơn một niềm mơ ước.
Đến một hôm ông Bá Huê huy động dân làng làm một chiếc cầu bắc ngang dòng sông nhỏ. Lý do thật giản dị là ông Bá không muốn mất thì giờ và nhân lực mỗi khi phải qua vườn bằng thuyền. Chiếc cầu được làm bằng ván, chiều ngang vừa hai người đi. Có tay vịn bằng ống tre, nhưng kiên cố lắm, vì những chân cầu được chôn sâu xuống đáy rạch. Ngót một tuần lễ, chiếc cầu được hoàn tất. Những người nhân công làm việc trong vườn cây của ông Bá Huê có thể qua sông bằng chiếc cầu ấy. Lũ trẻ có thể leo lên cầu chơi, nhưng chỉ đến đó, không được qua vườn.
Sơn cũng thích lên chiếc cầu ấy, đứng nhìn xuống dòng nước. Nước có lúc xanh rì như màu mạ, có lúc đen thẫm lại như chứa đựng trong nó những điều huyền bí. Trí tưởng tượng của cậu bé cũng theo đó mà tăng dần. Nhưng cái màu xanh dày đặc bên kia bờ vẫn không mỏng được một chút nào. Chiếc cầu từ sau khi làm xong, trở thành một nơi cuốn hút bọn trẻ lớn. Nhưng cũng sau khi có chiếc cầu, đôi mắt Thảo Giang đã u buồn như một cánh rừng hoang. Bởi cha của cô bé, một đêm tối trời, đã ra đi và biệt tích không còn trở về làng.
________________________________________________________________________________
II
Sơn vứt cọng cỏ chỉ xuống dòng nước. Cọng cỏ yếu ớt từ từ chảy xuôi theo cùng với những chiếc lá, những mảnh bèo con. Tự nhiên Sơn nghe nao nao trong lòng. Nước đã đổi sang màu đen thẫm. Chiều sắp tắt. Lũ trẻ không còn ở đây. Mẹ của Sơn chắc giờ này cũng đã về nhà. Đêm sẽ xuống với ngọn đèn dầu leo lét. Tiếng khung quay sẽ cất lên như hòa nhịp với đời sống. Sơn nhắm mắt lại. Có một ngày nào ta sẽ xa rời nơi này không? Ta không mong như vậy. Nhưng mơ hồ cảm thấy vẻ thanh bình ở làng thôn này có một cái gì giả tạo quá. Ta biết mơ ước gì? Những người trai tráng đã lớn lên, tiếp tục công việc ruộng vườn của ông cha, và sẽ có vợ, có con. Rồi họ sẽ già, sẽ nằm xuống bên cạnh ngôi nhà của họ, hoặc trong mảnh vườn, hoặc giữa cánh đồng ngập nước. Sơn cũng vậy chứ? Vì đó là lề lối, là mơ ước muôn đời của những người sống sau lũy tre này. Sơn còn biết mơ ước gì hơn?
Sơn nghe có một làn gió nhẹ thoảng qua, dường như có đưa theo mùi hương của lúa. Sơn mở mắt, thấy mình vẫn đang đứng ở trên cầu. Nhưng theo sau làn gió ấy, là Thảo Giang. Thảo Giang sắp đi ngang qua mặt Sơn. Cô bé lên cầu làm gì? Chừng như bước chân của Thảo Giang bắt đầu luống cuống khi cô bé thấy Sơn đứng giữa cầu. Chiếc khăn xanh không có ở trên cổ. Thảo Giang chỉ còn biết đưa tay nắm một nhánh tóc che ngang má, và cắm đầu bước nhanh. Nhưng đúng lúc Thảo Giang đi ngang qua mặt Sơn, thì chiếc guốc mỏng bị vấp một mắc gỗ của ván cầu làm Thảo Giang lảo đảo suýt ngã. Sơn vội vàng đưa tay đỡ lấy cô bé, một cách không chủ ý. Thảo Giang kêu lên một tiếng nhỏ, rồi ngượng nghịu quay đi.
Sơn bỗng nhiên có cảm tưởng mình vừa mới làm một điều gì sai. Đôi mắt u buồn của Thảo Giang như đang có một chút long lanh. Chừng như cô bé sắp khóc.
- Thảo Giang qua bên đó hả?
Đôi mắt Thảo Giang liếc nhìn qua phía vườn cây, cô bé ấp úng:
- Dạ… dạ… ông Bá nói em qua vườn, ông cho một ít nhãn.
Sơn ngạc nhiên:
- Chi vậy?
- Dạ… không biết.
Sơn muốn nói một điều gì, nhưng thôi. Sơn cũng vừa nhận thấy mình tò mò hơi quá. Thảo Giang cũng sẽ không nói gì hơn là những câu thưa dạ. Sơn mỉm cười:
- Thảo Giang đi đi nhé!
- Dạ.
Rồi Thảo Giang tiếp tục đi. Sơn ngơ ngẩn mấy giây, và tự hỏi không biết tại sao ông Bá Huê giàu có và keo kiệt hạng nhất trong vùng lại cho một gia đình nông dân tầm thường những trái cây quý nhất của vườn ông? Một chút nghi ngờ thoáng qua trong trí Sơn. Đợi cho chiếc bóng mảnh mai của Thảo Giang khuất sau cổng vườn, Sơn nhẹ bước đi theo.
Hết cây cầu, Sơn vào được trong vườn. Không thấy người gác vườn già nua mọi ngày thường la mắng bọn trẻ nít lân la nghịch ngợm. Sơn nhìn quanh, và thấy Thảo Giang đứng cách mình độ mươi thước. Trước mặt Thảo Giang, còn có một người nữa. Sơn rón rén bước tới nấp sau một thân cây to. Người lạ mặt trong vườn là một thanh niên, có lẽ lớn hơn Sơn độ ba, bốn tuổi. Hắn mặc áo gấm màu xanh lục nhưng lại mang giày tây, đang nhìn Thảo Giang bằng đôi mắt ti hí như muốn biến mất dưới cặp lông mày đen rậm.
- Cô Thảo Giang, đây là vườn nhà của tôi. Cô cứ tự nhiên muốn hái thứ gì thì hái.
Ở đàng kia, Thảo Giang đương luống cuống, không biết nói gì. Tên thanh niên cười hề hề:
- Nè, cô Thảo Giang, có nghe tôi nói gì không?
Thảo Giang ấp úng:
- Dạ nghe, nhưng … thôi… xin phép cậu, tôi phải về.
Tên thanh niên ngăn lại:
- Kìa! Cô Thảo Giang cứ hái trái cây đem về cho bác gái dùng để mau khỏi bệnh.
- Thưa cậu thôi ạ. Tại… tại vì ông Bá nói lắm, tôi phải đến đây, sợ cãi lời thì mang tội. Nhưng tôi không dám… không dám tự tay hái trái đâu. Xin phép cậu… cho tôi về.
- Nè, cô Thảo Giang!...
- Thưa cậu, sắp tối rồi…
Gã thanh niên cười thật nham nhở. Dường như đàng kia Thảo Giang sợ hãi lắm. Thảo Giang lùi lại mấy bước. Gã thanh niên thót lên ngồi trên một cái cây to và thấp, như thản nhiên trước vẻ run sợ của Thảo Giang. Cô bé quay lưng đi. Gã thanh niên gọi:
- Lại đây, Thảo Giang!
Tiếng gọi của gã vang dội trong vườn cây âm u. Thảo Giang chợt bỏ chạy. Đôi chân của cô bé cuống quít giẫm trên lá khô nghe xào xạc. Gã thanh niên phóc xuống, chạy theo. Ba bước của gã thật dài. Và hắn nắm được tay của cô bé. Thảo Giang kêu rú lên, mặt xanh mét. Cô bé như không còn đủ sức để vùng chạy, chực khóc òa.
Sơn rời gốc cây, phóng ra chận trước mặt gã thanh niên. Máu nóng dồn bừng bừng trên da, Sơn hét lên:
- Buông người ta ra!
Gã thanh niên trố mắt nhìn Sơn. Tên công tử chẳng mấy khi ra khỏi nhà ấy không biết Sơn là ai. Nhưng sự hiện diện của Sơn ở đây là một chuyện trái phép. Hắn gầm gừ:
- Mày… là thằng nào?
- Không cần biết. Tôi bảo anh thả Giang ra.
Rồi không đợi tên kia nói gì, Sơn dùng hết sức mình đẩy hắn ra. Thảo Giang vuột ra khỏi tay hắn. Sơn la lớn:
- Thảo Giang, chạy đi!
Thảo Giang cắm đầu chạy ra khỏi cổng. Gã thanh niên tức tối sấn đến, đấm Sơn một quả. Nhưng Sơn né người tránh được và bồi trả lại cho hắn ta một quả. Cái đấm trúng ngay mũi tên con trai làm hắn ta kêu lên đau đớn. Sơn biết mình sẽ không yên với tên này nếu cứ nấn ná ở đây, nên Sơn phóng người chạy đi. Tên nọ rượt theo. Sơn chạy đến giữa cầu. Một ý nghĩ hiện nhanh trong trí. Sơn nhảy ùm xuống nước. Trên cầu, tên thanh niên lúng túng với bộ y phục màu xanh. Sơn đã lặn mất tăm dưới làn nước in màu xám thẫm của trời chiều. Tên nọ chỉ còn biết kêu to “Ăn trộm, ăn trộm”… Và đợi đến khi có người chạy đến, thì mặt nước đã trở lại yên lặng như tờ…
Sơn nấp dưới đám lau lách, chờ lúc trời thật tối mới leo lên. Ở chỗ này là bờ ruộng, khá xa xóm nhà. Không còn ai ở ngoài đồng. Thấp thoáng đàng trước, ánh đèn từ các mái tranh là những đốm sáng nhỏ xíu. Sơn cởi chiếc áo, giũ những cọng cỏ lau và rác rến, rồi lấy vẻ thư thả đi ngõ tắt về nhà.
Mẹ Sơn trố mắt khi nhìn thấy con trai vẹt những cành cây bước vào vườn sau. Bà ngạc nhiên hơn nữa khi thấy áo quần của Sơn ướt lem nhem. Bà kêu lên:
- Sơn! Con sao vậy?
Sơn đưa ngón tay trỏ lên môi, rồi bước nhanh vào nhà để thay đổi bộ quần áo. Khi trở ra, Sơn thấy mẹ vẫn còn đứng bên cạnh đống rơm rạ dùng để lót ổ cho gà. Người mẹ đưa mắt nhìn con, có vẻ thắc mắc:
- Ban chiều mẹ nghe ở gần xóm trên có ăn trộm vào vườn nhà ông Bá. Mà người ta bắt không được, vì tên trộm nhảy xuống nước mất dạng. Hình như ở đâu chỗ cây cầu thì phải.
Sơn mỉm cười:
- Họ có nhìn mặt tên trộm được không mẹ?
- Chắc là không. Khi dân làng chạy đến thì có thấy gì đâu!.. Nhưng nè Sơn, tại sao quần áo của con lại ướt mèm vậy? Mà tại sao con lại đi ngả sau?
Sơn giật mình, ngó quanh như sợ có người nghe được. Sơn kéo mẹ vào nhà, đóng cửa lại và kể hết cho bà nghe chuyện xảy ra ban chiều. Người mẹ lo lắng:
- Nhưng liệu con có yên với thằng con ông Bá Huê không? Thật khổ! Động vào kẻ có thế lực là có mà đeo gông con ạ!
- Mẹ đừng sợ. Chỉ có một mình hắn thấy mặt con. Hắn không biết nhà mình đâu. Con sẽ tránh gặp hắn, thế là xong.
Mẹ Sơn thở dài:
- Đừng có đi lên cầu nữa. Thế nào hắn cũng lưu ý chỗ đó.
- Dạ.
- Ra ruộng cũng vậy, đội nón để che mặt bớt đi. Hắn mà thấy được thì khổ đó con à.
Hai mẹ con lặng im. Mẹ Sơn dọn cơm lên chiếc chõng tre. Sơn uể oải ăn cơm như chưa bao giờ cảm thấy chán ngán như vậy. Cái giây phút làm anh hùng đã qua, qua thật mau. Sơn được làm một “hiệp sĩ vì dân trừ bạo” thật chớp nhoáng. Bây giờ ngồi trước mâm cơm hẩm, Sơn thấy mình trở lại là một cậu bé tầm thường. Ngày mai không còn được bước chân lên chiếc cầu nữa, cái hình phạt ấy tự mình phải đặt ra nếu không muốn nạp mạng cho ông Bá Huê. Ngày mai ra ruộng cũng phải đội nón sụp xuống che bớt mặt lại, chắc cũng ít có cơ hội ngửa mặt nhìn trời xanh mây trắng. Miếng cơm dừng lại ở cổ. Sơn cố nuốt, và chợt liên tưởng đến Thảo Giang. Thảo Giang xinh xắn quá, và cũng yếu ớt quá. Nếu ngày mai, ngày mốt, tên con trai ông Bá Huê kia tìm đến nhà Thảo Giang để chọc ghẹo, làm sao Sơn dám vào can thiệp? Đụng mặt với hắn lần nữa, chắc sẽ không thoát. Ôi Thảo Giang! Nỗi mơ ước đã trôi xa như cọng cỏ chỉ ban chiều rồi chăng?
Đêm tối chan hòa khắp mảnh vườn khi bữa ăn đã xong, và ngọn đèn dầu được khêu lên sáng thêm. Sơn đứng một mình trong vườn, lặng nghe tiếng khung cửi của mẹ quay đều. Ở xung quanh , nghe mùi nồng của rạ. Đống rơm rạ phơi ở sân mấy ngày nay rồi. Công việc của Sơn cho ngày mai là bó rơm lại, chất vào bếp để dành chụm lửa. Cái công việc phụ nhỏ nhặt của một nông dân là như thế, xem ra cũng quan trọng lắm. Hầu hết nhà dân nghèo ở đây đều đun bếp bằng rơm, hiếm có nhà dùng củi. Cũng như nhà cửa chỉ lợp mái bằng tranh, đắp vách bằng đất. Nhà gạch, nhà ngói chỉ tìm thấy dăm ba cái, như nhà ông Bá Huê. Và cũng như tất cả những của ngon vật lạ đều phải đem “tiến” cho vua dùng. Dân quê chỉ biết đến cơm gạo. Đời sống như thế đã là thái bình lắm.
Sơn ngồi xuống nền đất, cầm một nắm rơm lên. Sơn cảm thấy lòng không yên ổn. Trong vườn có tiếng ễnh ương kêu đâu đó, dưới bụi lau, hay sau ao nước. Sơn thở dài, nghe tiếng mình hòa vào đêm tịch mịch. Nhịp sống sẽ đều đều như thế này, hay từ ngày mai sẽ có một điều gì đổi khác?...
_________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét