ÂN TRẢ NGHĨA ĐỀN
Một điều lạ, mấy ngày sau Đại hội, muông thú trong cánh rừng này ít khi được nghe giọng hót mê hồn của Bách Thanh. Vợ chồng nhà Tu hú ở kế bên nói lén với nhau cho rằng Bách Thanh đang say men chiến thắng nên còn tâm địa nào mà hót nghêu ngao như mọi ngày nữa. Bây giờ, người ta là kẻ lớn có tước vị rồi mà lị.
Kỳ thực chẳng ai hiểu được nỗi lòng của “ Chúa tể Họa mi ”. Chính con chim mái, lúc nào cũng ở gần bên nó mà vẫn không hiểu nổi. Một hôm chim mái phải lên tiếng hỏi chồng:
- Mấy ngày nay thấy anh biếng hót. Có lẽ anh có điều gì phiền muộn chăng ?
- Không phải vậy đâu. Làm gì có điều phiền muộn sau cuộc chiến thắng vẻ vang mới rồi.
- Thôi đứng giấu em nữa ! Em thấy anh có điều gì suy nghĩ lung lắm, đôi khi thờ thẫn cả người.
Bách Thanh cúi xuống, gạt mỏ vào cành cây, suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói:
- Mấy hôm nay, anh cố moi óc để tìm hiểu mà vẫn không sao hiểu được.
- Mà anh tìm hiểu việc gì chứ ?
- Những lời Nữ Hoàng phán bảo. Anh không hiểu Ngài hỏi anh “ Ngươi có muốn xin một ân huệ nào cho ngươi hay bạn hữu ngươi ” có nghĩa như thế nào ? Ân huệ là gì nhỉ ? Sao Nữ Hoàng lại hỏi anh như thế ?
- Anh không biết đấy thôi. Ân huệ là điều khó khăn tự ta không làm được, phải nhờ người trên giúp đỡ cho. Nữ Hoàng của chúng ta, Ngài sống trên ngàn năm rồi, với công phu tu luyện của Ngài bao nhiêu thế kỷ nay, Ngài có thể thực hiện tất cả những điều mơ ước của con dân Ngài.
- Nhưng chúng ta còn mơ ước gì nữa chứ ? Cái ước mơ được thị tộc họa mi suy tôn làm Chúa tể đã thành sự thực. Quá đầy đủ rồi, con xin thêm ân huệ gì nữa, chính em cũng không nghĩ ra kia mà.
- Ừa nhỉ. Biết xin cái gì trong lúc đó… Nhưng… thôi.
Chim mái không nói nữa, nhưng nó thoáng nghĩ đến cậu Hoàng con. Bây giờ đã quá muộn…
*
Cách đó ít lâu, một hôm đôi họa mi đáng yêu này dừng cánh nghỉ trưa trên một cành bạch dương đâm chĩa ra phía hồ sen. Chúng đang rỉa lông, phơi cánh thì một cặp cu gáy rất trẻ ở đâu bay tới, xà xuống đậu ngay trên bụi tường vi phía dưới cây bạch dương. Hai anh chị này rù rì nói nhỏ với nhau gì đó đôi họa mi không nghe thấy, nhưng một chú Diệc đứng trên hồ kế đó nghe được. Hắn gọi lớn: “ Này lão Quy ơi ! Lão hãy thò đầu ra cửa sổ mà xem, có đôi vợ chồng son đang tìm lão để xin chỉ vẽ cách nào bảo toàn hạnh phúc kìa ! ”. Lúc ấy cặp họa mi mới chú ý nhìn và thấy lão Quy, một con rùa già trên trăm tuổi, nằm phơi cái lưng sù sì mốc meo của lão trên cỏ, đầu và tứ chi đều thu gọn cả vào trong mai. Nghe chú Diệc gọi đích danh lão Quy, lão đành thò đầu ra, hấp háy cặp mắt kèm nhèm, nhìn thấy đôi cu gáy đậu trên nhánh cây gần đó. Thấy lão Quy đã bằng lòng tiếp khách, cậu chim trống ngập ngừng một lúc rồi đánh bạo:
- Thưa cụ, chúng cháu đến nhờ cụ…
- Lão biết rồi. Hai cô cậu lại đến nhờ lão chỉ vẽ cách nào bảo vệ được hòa khí gia đình và tạo được hạnh phúc cho vợ chồng con cái sau này chớ gì ?
- Dạ, thưa cụ đúng thế ạ.
- Thưa cụ, tất cả chim chóc trong cánh rừng này đều nói rằng cụ có thể giúp họ tìm thấy hạnh phúc. – Chim mái nhỏ nhẹ chen lời.
- Phải. Từ lâu rồi, bao nhiêu đôi trai gái đã đến đây nhờ lão việc ấy. Nhưng muốn có hạnh phúc, không phải chỉ đến đây cụi đầu vào cái mai rùa của lão là gặp may mắn ngay đâu.
- Thưa cụ, vậy chúng cháu phải làm gì ạ ?
Đến đây, không phải chỉ có đôi chim gáy chăm chú nghe, mà đôi họa mi của chúng ta cũng dỏng tai nghe không bỏ sót một tiếng. Lão Quy hắng giọng, trang trọng buông từng tiếng một.
- "Muốn xứng đáng để hưởng hạnh phúc, trước hết phải thật tâm thương yêu những ai yêu thương mình. Phải thương yêu những kẻ đang đau khổ, nghĩa là có lòng nhân từ, tìm cách giúp đỡ họ một cách thiết thực, không phải chỉ nói thương yêu nơi lỗ miệng. Sau hết phải biết đền ơn thật xứng đáng đối với những ai đã thi ân bố đức cho mình.
Đó là tất cả bí quyết của lão để có thể vui sống và hưởng hạnh phúc trên cõi đời này. Cô, cậu nhớ kỹ chưa ? ".
- Dạ thưa cụ, chúng cháu xin ghi nhớ suốt đời mình những lời cụ vừa dạy bảo. Chúng cháu xin cảm ơn cụ và kính chào cụ.
- Ừa. Các cháu về. Chúc may mắn.
Bách Thanh vốn là chim máy nên cảm ứng hơi chậm. Riêng chim mái, sau khi nghe lời khuyên của lão Quy, trong đầu nó đã nảy sinh nhiều ý kiến. Nó ngầm cảm tạ lão Quy đã vô tình dạy nó một bài học vô cùng quý giá để vui sống trên đời. Trên đường bay về tổ nó vui vẻ ném về phía Bách Thanh:
“ Cưng ơi ! Em cam đoan với cưng, chẳng bao lâu nữa, tâm hồn cưng sẽ hoàn toàn thư thái, tha hồ ca hót vui chơi ! ”
*
Đã khá lâu rồi, vợ chồng Bách Thanh bỗng nhiên biến mất. Anh chàng tu hú là láng giềng tò mò theo dõi mọi hoạt động của gia đình Bách Thanh đã sang xem tại chỗ. Anh ta thấy cái tổ họa mi trống trơn và có vẻ lạnh lẽo thế nào ấy. Anh về thuật lại với vợ. Tình cờ có cặp Ác Là bay qua, nghe được. Thế là, hôm sau cả mấy cánh rừng liên khu đều biết việc vợ chồng Bách Thanh mất tích. Họ bàn tán với nhau, đưa ra nhiều giả thuyết. Họ cho rằng chẳng ai nỡ bắt cóc hay làm hại chúa tể họa mi, có lẽ cao hứng ảnh đưa vợ đi du sơn du thủy đâu đó. Có kẻ trách Bách Thanh ra đi đột ngột mà chẳng nói với với ai một lời, nhưng hầu hết đều tỏ vẻ luyến tiếc cặp vợ chồng trẻ khả ái ấy.
*
Mỗi lần ngừng cánh nghỉ mệt, Bách Thanh lại hỏi vợ định đưa mình đi đến nơi nào mà tự dưng bỏ cả rừng cũ và bạn bè như vậy ?
Mấy ngày đầu, chim mái chỉ cười duyên ỡm ờ bảo chồng: “ Rồi mình sẽ biết.” Nhưng đến ngày thứ ba, Bách Thanh nhất định đòi phải cho biết rõ mục đích chuyến đi xa này, nếu không chàng sẽ quay về. Chim mái đành nói thật:
- Chúng mình đi tìm một nhân vật có đủ quyền năng giúp chúng ta trả nợ.
- Nợ gì kìa ?
- Anh sao chóng quên thế, anh không nhớ rằng nhờ ai mà anh được tự do bay nhảy với em như thế này ư ?
- Thực ra, tự anh, anh không biết được, nhưng nhờ em cho biết đó là nhờ Hoàng Tử và quan Khâm Thiên Giám. Nhưng bây giờ trả nợ hai vị ấy bằng cách nào ?
- Anh nên dùng chữ trả ơn mới đúng. Ta mang ơn họ, bây giờ ta phải tìm cách trả ơn. Anh còn nhớ câu nói cuối cùng của lão Quy hôm trước không ?
- Nhớ không hết, nhưng đại ý cụ bảo phải đền ơn xứng đáng những ai giúp đỡ mình.
- Phải rồi. Anh nhớ được nhiều rồi. Phải đền ơn. Nhưng quan Khâm Thiên Giám chẳng thiếu gì mà cần ta trả ơn. Duy có Hoàng tử yếu đuối quá, âu sầu quá, nên cần được giúp đỡ để được khỏe mạnh và vui đời. Anh có đồng ý vậy không ?
- Ồ, điều ấy em nói đúng quá. Nhưng nếu để mình anh, e rằng chả khi nào anh nghĩ ra.
- Anh có biết ai có thể giúp ta trong việc này không ?
Bách Thanh làm thinh, suy nghĩ giây lâu rồi lắc đầu chịu thua luôn.
- Theo em nghĩ, có lẽ chỉ có Nữ Hoàng giúp ta được mà thôi.
- Ừa, phải rồi. Thế mà anh không sáng ý như em. Giá biết vậy hôm Đại hội mừng Xuân, anh xin ngay ân huệ cho Hoàng Tử có phải hay biết mấy !
- Anh nói rất đúng. Nhưng cơ hội qua rồi. Bây giờ chúng ta bay đi tìm Nữ Hoàng để xin ngài giúp đỡ đây. Anh có bằng lòng bay tới nữa không ?
- Ồ, việc gì khác thì không kể, chớ việc đi tìm Nữ Hoàng thì đi đến đâu anh cũng đi. Nào ta lại lên đường.
Kể từ lúc ấy, chim mái công khai hỏi thăm đường bay, không còn dè dặt và thầm thì như mấy ngày trước nữa. Khi ra đến bờ biển cực Nam của đảo Cửu Đằng, chim mái không ngần ngừ một phút, bay thẳng đến bầy hải âu đang canh chừng vùng duyên hải:
- Các bác có thấy Nữ Hoàng đi qua đây không ?
- Có, Ngài và đoàn tùy tùng đi qua đây lối nửa tuần trăng rồi.
- Ngài đi về hướng nào ?
- Ngài đi chếch về hướng Tây Nam. Có lẽ đến tiểu đảo Hải Yến đó…
- Cảm ơn các bác.
Trước khi vượt eo biển với những đôi cánh bé nhỏ, vợ chồng Bách Thanh đi tìm thức ăn và nghỉ cánh một chặp khá lâu. Cứ thế đuổi theo Nữ Hoàng từ đảo này qua đảo khác, đôi bạn của chúng ta được ngắm nhìn không biết bao nhiêu cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp của xứ Phù Tang. Sau Đại hội mừng Xuân, Nữ Hoàng liền đi tuần thú khắp cõi thần dân của ngài đang sinh sống kiếm ăn. Nơi nơi, Ngài đều được chim chóc ở địa phương tiếp rước rất linh đình và năn nỉ mời Ngài ở lại ít ngày với các thị tộc. Vì thế, vợ chồng Bách Thanh đến tiểu đảo thứ ba đã đuổi kịp Nữ Hoàng.
Chim mái tới xin phép trưởng bầy Hồng hạc rồi đưa Bách Thanh vào ra mắt Nữ Hoàng. Hắn khéo léo nói thay chồng:
- Kính lạy Nữ Hoàng. Hôm nay con xin Nữ Hoàng rộng lượng cho chồng con là Bách Thanh được trình bày sự hối tiếc của hắn.
- Ủa ! Lạ chưa ? Chồng mày nó thụt mất lưỡi rồi hay sao mà mày phải nói thay cho nó.
- Lạy Ngài. Chồng con nó không phải là một con chim rừng như con. Khi con biết nó, nó đứng im trong lồng…
- Ta biết rồi.
- Con lạy Nữ Hoàng, xin Ngài rộng dung tha tội cho Bách Thanh. Đối với thị tộc chúng con, hắn chỉ là người xa lạ nên không hiểu được cơ hội quý báu vô ngần mà Nữ Hoàng đã dành cho hắn đêm Đại hội.
- Hắn vừa là kẻ xa lạ, vừa là thằng nhỏ kiêu căng.
_ Lạy Nữ Hoàng, con yêu hắn lắm. Hắn và con hôm nay tới đây cầu xin Nữ Hoàng giúp chúng con trả món nợ ân nghĩa…
- Cho Hoàng Tử Thần Lực chớ gì ?
- Lạy Ngài, Ngài dạy rất đúng với ý nguyện của chúng con.
- Được rồi, chỉ vì con có lòng nhân từ hiền hậu, mà ta chấp nhận lời cầu xin của con. Ta nhắc lại, chỉ vì nể lời con mà thôi, nghe rõ chưa ?
Nói rồi, Nữ Hoàng ra hiệu cho trưởng bầy Hồng hạc lại gần nói nhỏ gì bên tai không biết. Chỉ thấy trưởng bầy loay hoay một lát mới rứt được một viên tròn và nhỏ ở cuối một chiếc lông dài sau ót Nữ Hoàng, lễ phép đặt xuống trước chân Ngài. Nữ hHàng trịnh trọng bảo chim mái:
- Này con. Ta cho con viên ngọc này, kết tinh công phu tu luyện hằng mấy trăm năm. Nó là một thứ tiên dược trị được bá bệnh. Riêng đối với hoàng tử Thần Lực, sau nhiều năm ốm yếu triền miên, chắc cậu ta đã ý thức được sức khỏe là thứ quý nhất trên đời. Viên ngọc này sẽ phục hồi sinh lực cho hoàng tử để từ nay vui sống như những thiếu niên cùng trang lứa. Trả lại sức khỏe cho Hoàng tử, con đã thay chồng đền ơn một cách xứng đáng.
Riêng tên Bách Thanh kia, nó mang ơn Hoàng tử và quan Khâm Thiên Giám quá nặng, nhưng nó chịu ơn con cũng nhiều. Không có con khẩn khoản cầu xin Hoàng tử, thì giờ đây nó đâu được bay nhảy tự do như thế này? Không có con đưa nó đi luyện giọng thì tự nó làm gì tranh nổi chức “Chúa tể họa mi”.
Bách Thanh nãy giờ đứng như trời trồng, bây giờ tỏ ra xúc động. Nó cúi đầu sát đất và lí nhí nói theo vợ những lời cảm tạ hết sức chân thành và lễ phép xin cáo biệt. Nữ hoàng dịu giọng:
- Thôi các con về đi! Từ nay hạnh phúc ở trong tay, hãy giữ gìn lấy nó.
*
Hai vợ chồng Bách Thanh được ngọc rồi ngày bay đêm nghỉ, chưa đầy bảy ngày đã trở về chốn cũ. Chúng bay ngay đến đài Khâm thiên.
Quan Khâm Thiên Giám mấy ngày nay thấy vui vui trong lòng. Ngôi sao chiếu mệnh của Thái tử, bao năm bị lu mờ, bỗng thấy sáng dần trở lại. Mới đêm qua đây, ngôi sao ấy chiếu hào quang chẳng kém gì các vì tinh tú khác. Ông khấp khởi mừng và hồi hợp chờ đợi biến cố. Suốt đêm ông không ngừng chĩa ống kính lên nhìn trời. Mãi khi phương đông hừng sáng, nhuộm đỏ các ngọn núi cao và làm mờ nhạt các vì sao, ông mới chịu nằm nhắm mắt dưỡng thần trên chiếc da gấu. Mệt mỏi, ông nằm thiếp đi được một lúc, bỗng nghe có tiếng chim họa mi rù rì nơi cửa sổ. Mở choàng mắt, đã thấy hình dáng đôi chim quen thuộc, đứng sát vào nhau nơi bậu cửa, nổi bật trên nền trời xanh nhạt.
Ông vội đi đến bên cửa sổ. Lạ thay, tại sao chỉ một mình con trống mấp máy cái mỏ, còn con mái nó ngậm cái gì kìa. Nhìn kỹ mới thấy một hạt tròn nhỏ màu vàng óng ánh thật đẹp. Đúng rồi! Đây là viên ngọc Hạnh Phúc. Gương mặt nhăn nheo của quan Khâm Thiên Giám nở nụ cười rạng rỡ chưa từng thấy. Mắt ông ngời lên và lẩm bẩm nói với mình:
“Thế là ta đoán đúng. Ta vẫn trực nhận rằng, sứ giả đem tin lành đây thuộc về loài cầm. Vạn tạ Thượng Đế! Vạn tạ Thượng Đế!”
Ông giơ ngang cánh tay, mời đôi chim đậu trên đó, rồi tất tưởi xuống lầu. Tới trước phòng Thái Tử, thấy A Li đang nằm trên mấy tấm da sói, miệng hả rộng ngáy như sấm. Ông đá mạnh vào chân hắn, gọi giật:
- A Li ! A Li!
Hắn ngồi bật dậy, thủ thế và quắc mắt nhìn người phá giấc ngủ đang ngon của mình. Khi nhìn thấy quan Khâm Thiên Giám hắn vội quỳ xuống xin lỗi.
- Thôi đứng lên. Hãy vào trình với Thái Tử, ta xin yết kiến có việc khẩn cấp.
A Li đứng lên dụi mắt, xốc lại quần áo, đẩy cửa bước vào. Lát sau hắn trở ra, mở rộng cửa, nghiêng mình mời quan Khâm Thiên Giám vào.
A Li lại mở toang mấy cánh cửa sổ, ánh sáng ban mai tràn vào phòng. Thái Tử tuy đã thức giấc, nhưng vẫn ngồi co ro trên giường, quấn mình vào tấm mền lông thú. Thấy Tùng Vĩ Úc tiến vào, Thần Lực không đợi ông làm lễ ra mắt, vui vẻ nói ngay:
- Quan Khâm Thiên Giám đấy à? Có việc gì khẩn cấp thế? Đêm qua tôi ngủ được. Khá ngon giấc, lại thêm mơ đẹp nữa kìa…
- Thưa Thái Tử, giấc mơ đẹp đến mấy cũng chỉ là giấc mơ, khi tỉnh giấc không còn gì cả. Nhưng hôm nay, ước mơ của Thánh Hoàng và Hoàng Hậu, của Thái Tử và của thần nữa, đã thành sự thật. Xin Thái Tử nhìn kỹ đôi bạn tí hon đây. Họa mi mái đang ngậm trong miệng viên ngọc Hạnh Phúc. Không biết chúng xin hay lấy ở đâu, nhưng theo thiên tượng mấy đêm qua và quẻ độn thần vừa bấm đây, thì đây là thứ tiên dược đem lại sức khỏe cho Thái Tử. Vận hạn của Thái Tử đến nay đã dứt. Đó là nhờ hồng phúc của Hoàng gia khá cao dày.
- Ừ nhỉ. Chim mái nó ngậm viên gì nho nhỏ mà bóng loáng, đẹp quá!
- Này hai bạn, đã có công lấy thuốc từ phương xa về đây, hãy dâng lên Thái Tử đi.
Vừa nói Tùng Vĩ Úc vừa đưa cánh tay có đôi chim đậu về phía Thần Lực. Con chim mái liền chuyền từ cánh tay của ông qua bờ vai Hoàng Tử. Nó rướn cao hết sức trên những ngón chân đỏ hồng bé xíu và nghển cổ đưa ra viên ngọc vào tận vành môi Hoàng Tử. Thần Lực mới lấy đầu lưỡi nếm thử, xem vị thuốc như thế nào, thì viên ngọc nọ tan ngay thành nước ngọt ngào và thơm phức. Lạ lùng thay thứ nước ấy trôi vào đến đâu dường như nó truyền điện vào người đến đó. Thần Lực thấy người nóng ran, vội tung cái mền đang quấn trên người. Chỉ trong chốc lát, cậu thấy ngứa ngáy tay chân muốn chạy nhảy, đấm đá lung tung. Thật là kỳ diệu. Từ nét mặt xanh mét ẻo lả, quan Khâm Thiên Giám thấy Hoàng tử đổi dần thành màu trắng rồi đổi ra màu hồng. Cặp mắt u sầu thường ngày có vẻ linh động hơn rồi rực sáng.
Tùng Vĩ Úc đang vui sướng ngắm nhìn mọi sự đổi thay trên sắc diện của Hoàng tử, bỗng giật bắn người lên. Cậu Hoàng không thể kìm hãm được nguồn sinh lực mới cuồn cuộn dâng lên, nhảy phóc xuống đất, ôm chầm lấy vị thần trung nghĩa và cảm ơn rối rít. Buông Tùng Vĩ Úc ra, cậu nhảy cà tưng chạy quanh căn phòng vừa cười, vừa hò hét như điên. Vợ chồng chúa tể họa mi cũng chập chờn bay hòa nhịp ở trên đầu cậu bé. Thỉnh thoảng cậu lại nhảy cao lên, vươn tay như với bắt cặp họa mi, miệng hô lớn hai tiếng:” Cám ơn ! Cám ơn !”
Quan Khâm Thiên Giám và A li đứng ở giữa phòng, nhìn Hoàng tử chạy nhảy hò hét mà cười, cười sung sướng đến ra nước mắt. Hồi lâu, có vẻ thấm mệt, Thần Lực chạy lại, tươi cười nói với Tùng Vĩ Úc :
- Nhờ quan Khâm Thiên Giám chịu phiền đích thân tới Tây cung thuật rõ vụ này cho Mẫu Hậu tôi mừng. Còn A li, ngươi đến tìm quan Đô Úy, nhờ ngài tâu với Phụ Vương ta, hôm nay ta đã đủ sức theo ngài phi ngựa tới tận Tràng Đình. Xong rồi, ngươi xuống bảo mã phu thắng ngay con ngựa ô cho ta. Mau lên !...
*
Sáng hôm ấy, trời đã xế trưa, nắng tuy không gay gắt lắm, nhưng bầy trẻ mục đồng đã lùa trâu vào núp trong các lùm cây ở bìa rừng. Thế mà nhà Vua cùng Thái Tử và quan quân hộ giá đang còn hăm hở phi ngựa như bay, vọt qua khe, qua suối hay nhảy qua các thân cây cổ thụ bị gió bão xô ngã từ lâu. Những người cưỡi ngựa xem chừng còn hăng hái lắm, nhưng bầy tuấn mã thì có vẻ thấm mệt rồi. Con nào con ấy, mồ hôi ướt đẫm, bọt mép trắng xóa chảy dài nơi khóe miệng, cánh mũi phì ra những làn hơi mờ nhạt. Đã lâu, lâu lắm rồi, cái cảnh sinh động ấy mới diễn ra trước con mắt ngạc nhiên của những bác tiều phu chặt củi bên rừng và bầy trẻ mục đồng ngất ngưởng trên lưng trâu.
*
Tin Thái Tử phục hồi sinh lực loan truyền rất nhanh trong cung cấm. Bấy lâu thấy Vua và Hoàng Hậu lo buồn vì sức khỏe hao mòn của Thái Tử, nên thị vệ và cung nữ ít khi dám cười đùa to tiếng. Nay không cần phải giữ ý và dồn nén niềm vui nữa. Đi đâu họ cũng cười nói tự nhiên, hân hoan bàn tán đến phép mầu do đôi chim đem tới.
Riêng Hoàng hậu, sau giây phút ngạc nhiên, vì đây là lần đầu, quan Khâm Thiên Giám đường đột vào tận Tây cung xin bà tiếp kiến. Nghe xong lời trần thuật của Tùng Vĩ Úc và thấy nói con mình đang nhảy nhót trong phòng riêng, bà rưng rưng nước mắt, quỳ ngay xuống đất chắp tay, ngửa mặt lên trời, lâm râm khấn vái cảm tạ Hoàng Thiên và vị Thần nào đó đã cho con bà thứ tiên đơn vô cùng quý báu như vậy. Kế đó, bà truyền cung nữ vào lấy một vò ngự tửu và mười nén vàng ra thưởng quan Khâm Thiên Giám. Bà ra lệnh chăng đèn kết hoa sửa soạn đại yến để cùng chồng con ăn mừng được tai qua nạn khỏi.
Trong khi chờ đợi nhà Vua và Thái Tử trở về, Hoàng Hậu lại đem cây đàn thập lục ra gảy. Nhưng lần này tiếng đàn không còn như oán như than nữa, tiếng tơ đồng dìu dặt nói lên cả niềm vui rào rạt trong lòng người mẹ đã qua những năm dài đau khổ. Niềm vui sướng dâng cao tỏa rộng, nguồn thơ lai láng, bà vừa đàn vừa xuất khẩu hát rằng:
Một con chim rừng bé nhỏ
Ngậm trong miệng nó
Một viên ngọc tí hon.
Tương truyền đó là
VIÊN NGỌC HẠNH PHÚC
Vị thần ban ngọc bảo chim rằng:
Hãy đem về! Hãy đem về!
Cho cậu hoàng niên thiếu.
Thứ tiên đơn cải tử hoàn sanh
Viên ngọc đã cho hoàng ta
Phục hồi sinh lực như xưa.
Và từ đó, trong lòng ta,
Cũng như ngoài rừng xanh ngát,
Dường như nơi nơi đều vang tiếng hát.
VÕ TOÀN
Nguồn : http://tuoihoa.hatnang.com