TAI NẠN BẤT NGỜ
Con họa mi mái thật là khôn ngoan và chu đáo, nhưng làm sao cho khỏi thiếu sót. Nó quên không cho Bách Thanh biết rõ về sự tác hại của hoa phù dung, nhất là những hột đen đen trong hoa này. Vì vậy, Bách Thanh đã ăn nhằm chất ma túy ấy. Sáng hôm sau, xóm giềng đã tản mác đi bốn phía kiếm ăn mà hắn còn ngủ mê man chưa tỉnh. Chim mái đứng cạnh chồng lay lắc mấy lần mà Bách Thanh vẫn ngáy khò khò. Nó phải bay quanh đây đó cho đỡ cuồng cẳng và thỉnh thoảng lại bay về xem bạn nó đã thức giấc chưa. Chính lúc nó mới bay đi lần thứ ba thì Bách Thanh giật mình, chợt tỉnh, nhìn quanh chẳng thấy vợ đâu. Nó đâm bổ đi tìm. Đúng là “ Tìm em như thể tìm chim ”, vợ bay đi ngả này chồng bay về đường kia thì gặp nhau sao được. Thế là anh chàng bay bở cả hơi tai, đến xế trưa vẫn chưa gặp vợ, mặc dầu chốc chốc vẫn hót lên ít tiếng gọi đàn. Lần này nó vừa hót xong, phía cây thông rậm rạp đàng kia đã có lời đáp ứng ngay. Mừng quýnh, chàng ta bay phóng tới như tên bắn, và hả miệng định chào mừng thì: Rụp!!!
Bách Thanh tối tăm cả mắt mũi vì một làn lưới chỉ rất mong manh đã quấn chặt lấy toàn thân. Nó mất đà, rớt xuống cỏ cái đụi và nằm êm luôn. Khi định thần mở mắt ra thì thấy một đứa nhỏ đang tuột nhanh từ trên cây xuống, chạy vội đến nhặt tấm lưới có chim ở trong. Nó chạy vội về nhà, gọi chị nó tíu tít và bảo rằng nó tặng chị nó con họa mi để mừng sinh nhật cô ta. Cô chị mừng quá, cám ơn em rối rít rồi đem chim nhốt vào lồng, treo ngay cửa sổ trên phòng riêng của cô ta. Lúc đầu, nó mổ vào các song tre để tìm lối ra, sau lấy đầu húc cũng vô hiệu. Chán nản, nó đứng thu mình vào một xó. Vừa kinh sợ, vừa lo buồn, nên mấy ngày liền không thèm ăn uống gì hết. Tuy cô bé đã hết sức cưng chiều.
Qua ngày thứ ba, nó đã mệt lả vì đói khát và tuyệt vọng, thì may mắn làm sao, chim mái ở đâu là nhẹ vào đậu ở ngoài song.
- Anh làm em lo sợ đến phát điên trong mấy ngày nay. Em đi tìm anh khắp các cánh rừng lân cận. Tại sao anh lọt vào cảnh tù túng này?
- Anh cũng tưởng chẳng bao giờ được gặp em. Bây giờ gặp mặt như thế này, mai đây xảy ra chuyện gì, anh cũng cho là mãn nguyện.
Nói những câu tình tứ với nhau rồi, Bách Thanh liền kể cho vợ nghe tại sao lại lọt vào bẫy của thằng bé con lão tiều phu, chủ nhà này.
- Anh đừng lo, nếu đói khát cứ ăn uống để lấy lại sức khỏe, em sẽ có cách giải cứu anh. Em đi đây, anh cứ yên chí.
*
Sáng hôm ấy, chú khỉ Bu Du đang đùa nghịch với con sóc, chúng đuổi nhau từ cành này qua cành khác, từ cây nọ qua cây kia thoăn thoắt chuyền cành, đu dây ngoạn mục. Bỗng chú khỉ ngưng ngang cuộc chơi, để bàn tay sau tai nghe ngóng, Con sóc thấy vậy cũng ngồi im, vểnh tai nghe. Từ phía xa, có tiếng kêu ơi ới: “ Bu Du ơi ! Bu Du ! Chú đâu rồi cứu tôi ! Cứu tôi !... Bu Du ! Chú Bu Du ơi…”
- Hình như tiếng kêu cứu từ phía hồ sen đưa lại phải không sóc?
- Hình như thế, gió thổi từ hướng hồ sen mà. Ta chạy về phía ấy xem sao.
- Ừa đi mày !
Thế là cả hai lại chuyền cành, leo dây nhanh như cắt, chạy gấp về hồ sen. Chú khỉ vừa chuyền cây này qua cây kia vừa rít ầm lên như kiểu trả lời cho kẻ lâm nạn: “ Ta đến đây ! Ta đến đây ! ”. Chúng chưa tới hồ sen thì chim mái đã bay tới đón đường, Bu Du chận hỏi nó:
_ Tao thấy mày bay nhanh lắm, có gì mà kêu cứu ầm lên thế ?
_Riêng tôi thì chú khỏi cứu, nhưng Bách Thanh đang gặp nạn chú ơi ! Chỉ có bàn tay của chú mới cứu được Bách Thanh mà thôi.
Nói rồi, nó kể hết câu chuyện chồng nó bị lưới và hiện bị nhốt tại nhà ông tiều phu.
- Lại cái thằng quái con của lão tiều phu. Được rồi, phải đi ngay mới được.
Lúc chim và khỉ nói chuyện ồn ào như vậy thì một con Mang đực vừa uống nước dưới hồ về, dừng lại vểnh tai nghe. Chú khỉ vốn tinh khôn, muốn lợi dụng nó cho đỡ mệt, liền lên tiếng:
- Này Mang ơi ! Bạn đã biết một tên họa mi đang mắc nạn – Cùng là con cái của rừng xanh chúng ta, ta phải ra tay tiếp cứu nó. Vậy bạn có thể đưa tớ đến nhà lão tiều với hai cặp giò chạy nhanh như gió của bạn không ?
- Được, được. Sẵn lòng. Nhảy xuống lưng tớ đi.
Chim mái bay là là gần mặt đất dẫn đường, con Mang phi nước đại, chú khỉ có con sóc trên vai, ngồi bỏ hai chân trên cổ Mang; hai tay nắm cứng cặp sừng nhọn hoắc của nó.
Tới gần nhà lão tiều, chú khỉ bảo con Mang ngừng lại và chúng bàn kế hoạch giải cứu Bách Thanh. Một hồi bàn luận, sau hết chú khỉ ra lệnh: “ Thằng Sóc phải đánh lạc hướng thằng oắt con lão tiều. Thấy nó, mày vờ bị thương, chạy lết dưới đất để nó đuổi theo mày đi thật xa nhà. Họa mi mái lo việc cầm chân con chị nó. Mày có thể vờ thân thiện, đến gần cho nó giơ tay bắt lại nhảy đi mấy bước, dụ cho nó ra khỏi phòng, cho tao hành động. Anh Mang cứ núp ở bụi cây này, nếu tớ thất bại thì trở về báo động cho bà con trong các cánh rừng quanh đây.”
Phân công xong, theo lời chỉ dẫn của chim mái, nó leo lên cây, chuyền đến phía sau nhà lão tiều, chờ đợi. May sao, lát sau cô gái xách giỏ đi ra vườn hái rau, bóng dáng thằng em cũng không thấy, có lẽ đang chạy đuổi con sóc. Nhanh như chớp, khỉ ta nhảy tót vào phòng, leo lên cái kệ gần lồng chim và chẳng mấy chốc đã mở tung cửa phòng và thúc hối:
- Tao đến đến cứu mày đây, ra đi, mày. Ra đi!
- Cảm ơn lắm! Cảm ơn!
Như tên bắn, Bách Thanh bay vụt ra trước. Kế đến Bu Du nhảy vọt ra sau. Chim mái đón bạn ở bên ngoài, mừng quýnh bay lên nhào xuống lung tung, miệng cám ơn Bu Du rối rít. Rồi cả bọn phân tán trở về rừng.
_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét