Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Bức Tranh Dòng Họ Nguyễn - CHƯƠNG II

CHƯƠNG II

CHUYỆN NHÀ HỌ NGUYỄN THIỆN

Sắp đến giờ đóng cửa văn phòng, ông chủ hãng Kiến Bình mời Cường ngồi chơi ở chiếc ghế bành nơi phòng khách, đối diện với ông, tất cả con cháu cũng được ngồi vây quanh để nghe ông nói chuyện gia đình.

Ông nâng tách trà đượm hương thơm ngát, mời:

- Cậu Cường dùng trà đi, thử xem trà Việt Nam trồng, Việt Nam sấy, Việt Nam ướp có thua gì trà Tầu không nào.

Cường nhấp vài hớp nhỏ, đặt tách xuống thưa:

- Thưa bác, bấy lâu nay trà ở Việt Nam vẫn do Việt Nam trồng. Người Tầu chỉ có cái mánh khóe mua về để nào sấy, nào hồ, rồi ranh mãnh đặt ra những cái tên thật kêu để đánh lận con đen, làm cho những người cả tin và ưa dùng đồ ngoại hóa yên trí đó là sản phẩm chính thức của người Tầu. Còn nói về phương diện ướp hương thì từ xưa đến nay chỉ có Việt Nam là nhất. Duy có điều ta chỉ sản xuất được ít để dùng trong phạm vi gia đình mà thôi vì quá tốn công, tốn của và tốn luôn cả thì giờ nữa.

Ông chủ hãng Kiến Bình đắc ý cười ha hả:

- Phải rồi. Người Tầu bất quá ướp được lài. Thơm nhưng không nhã. Còn ướp sen, ướp sói, ướp ngâu thì phải ta mới làm được. Nhưng thôi, chuyện ấy để khi nào nhàn rỗi ta sẽ bàn sau. Giờ ta nói chuyện hệ trọng, chuyện gia đình…

Cậu Cường à! Cậu chơi với em Căn đã lâu, anh em thân thiết, tôi coi cũng như người trong một nhà. Nay tôi đem chuyện riêng trong gia đình ra nói cho cậu nghe, mong nhờ cái hồng phúc của cậu giúp thêm vào cái hồng phúc của gia đình tôi để may ra tìm được một người cháu ruột mất tích đã mấy năm nay.

Câu chuyện dài dòng, phải kể rành mạch từ gốc cho đến ngọn mới được.

Gia đình họ Nguyễn Thiện tôi là một gia đình có bề thế nhất nhỉ ở tỉnh Bến Tre, nay là Kiến Hòa. Các cụ thân sinh ra tôi có hai người con trai : anh hai tôi là ông Nguyễn Thiện Nhân, và tôi là Nguyễn Thiện Sỹ.

Anh hai tôi lấy vợ người Thừa Thiên, họ Phạm, sanh được hai con trai, đứa lớn là Nguyễn Thiện Căn, bạn của cậu đây, năm nay 16 tuổi, đứa nhỏ là Nguyễn Thiện Cơ, thua anh nó hai tuổi, tức là năm nay 14 tuổi.

Vợ chồng tôi cũng sanh được hai con như cậu đã biết, trai là thằng Nguyễn Thiện Chính, 12 tuổi, và gái là con Thanh Trúc năm nay lên 8.

Trước khi trăm tuổi, các cụ chia gia tài cho hai anh em chúng tôi. Anh tôi là con trưởng được giữ ngôi từ đường cùng 10 mẫu vừa ruộng vừa vườn quanh ngôi từ đường làm của hương hỏa. Còn bao nhiêu thì chia đều cho hai anh em.

Chị hai tôi chẳng may mất sớm, anh hai tôi thương xót lắm. Chắc là trước khi mất, chị tôi có trối trăng lại cho anh tôi nhờ đùm bọc cho người em trai là ông Phạm văn Khánh vừa nghèo vừa không có con nối dõi. Thành ra lòng thương vợ bao nhiêu, anh tôi đổ dồn vào lòng thương người em vợ bấy nhiêu.

Cứ đằng thằng mà nói thì thương thiếu gì cách thương mà giúp đỡ cũng thiếu gì cách giúp đỡ. Chỉ tức một điều là anh tôi thương và giúp đỡ không nhằm lối, khiến cho anh tôi bỗng dưng lạc mất đứa con trai.

Nói cho ngay, ông Khánh không phải là người xấu, nhưng người vợ xem ra có ý tham lam. Tôi cũng không hiểu vợ chồng Khánh nói ra nói vào thế nào mà anh tôi gọi bán hết tất cả ruộng nương về phần anh tôi, chỉ bớt lại có ngôi từ đường với mười mẫu hương hỏa mà thôi. Anh tôi có thiếu thốn gì đâu cho cam mà phải bán ruộng, bán đất. Thậm chí đến 100 mẫu ruộng được quyền giữ lại làm xuất lưu trí theo luật cải cách điền địa hồi bấy giờ, anh tôi cũng bán luôn. Chẳng qua là muốn cho có thật nhiều tiền để cung cấp cho người em vợ làm vốn kinh doanh.

Còn một điều này nữa mới thật là kỳ cục, tôi nghĩ mãi không tìm ra nguyên ủy. Đó là, thay vì để cho hai đứa con trai mồ côi mẹ hủ hỉ với mình, anh tôi chả biết nghĩ quẩn nghĩ quanh thế nào, hay là nghe ai nói ngon nói ngọt làm sao mà nỡ đem giao thằng Cơ từ khi nó mới có lên năm tuổi đầu cho vợ chồng cậu Khánh đem biệt lên Saigon nuôi và cho ăn học.

Tôi có tìm lời khuyên can nhưng anh tôi nhất định không chịu nghe.

Được vài năm, nghe đâu vợ chồng cậu Khánh làm ăn thất bại, phải bỏ đất Saigon dắt nhau ra Huế sinh sống.

Ở Huế, họ cũng không khá hơn. Tệ hại hơn là đàng khác. Họ nhiều lần thúc bách anh tôi phải gửi tiền ra chu cấp. Không hiểu anh tôi tiêu pha hay bị rút rỉa cách nào mà vào khoảng một tháng trước Tết Mậu Thân anh tôi cạn hết tiền phải hỏi mượn đỡ tôi một số khá lớn. Anh tôi bảo đây là lần sau chót giúp đỡ cho vợ chồng Khánh theo lời yêu cầu của họ để nhân dịp này họ thuận cho rước thằng Cơ vào Nam kẻo ở mãi ngoài ấy e có ngày đói khổ.

Tiền thu xếp xong, nhưng việc lại không xong vì không lấy được vé máy bay. Thôi đành vậy, anh tôi than, không ra được trước Tết thì để đến ra giêng, chứ biết làm sao bây giờ!

Ai ngờ xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân!

Khi tình hình đã tạm yên thì tìm đâu cũng không ra tông tích vợ chồng Phạm văn Khánh và của thằng Thiện Cơ. Thế có khổ cho anh tôi không?

Anh tôi đích thân ra ngoài ấy tìm. Không thấy. Hỏi thăm mãi mới có người cho tin rằng vợ chồng Khánh đã chết trong khói lửa. Về Thiện Cơ thì bặt vô âm tín.

Còn nước còn tát, anh tôi lại thuê người lặn lội đi tìm khắp mấy tỉnh miền Trung, song vẫn hoài công vô ích.

Rốt cuộc, thua buồn quá, phần thương nhớ con, phần ân hận vì quá vụng suy và cũng quá tin người, anh tôi ngã bệnh và từ trần vào mùa thu năm Thân.

Trước khi nhắm mắt, anh tôi khóc và trối trăng mấy lời tâm huyết căn dặn tôi phải cố gắng tim cho ra cháu Thiện Cơ, nuôi dậy và gây dựng cho cháu nên người, có được vậy thì vong hồn anh tôi mới siêu thoát được.

Ma chay cho anh tôi xong, tôi cất công ra Huế một chuyến, ra sức tìm tòi, rồi nhờ cả các cơ quan công quyền điều tra giúp mà cũng chẳng thấy vân mồng gì.

Về Nam, tôi cho đăng báo “tìm người nhà” luôn mấy tháng ròng. Vẫn bặt tăm hơi. Vẫn không lóe một tia hy vọng.

Quá chán nản, tôi bán hết phần gia tài của tôi lấy tiền làm vốn lên đây sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, ngôi từ đường và đám ruộng hương hỏa của anh tôi, tôi vẫn giữ và giao cho một người tớ già trung thành trông nom.

Tôi vẫn nhớ như in trong óc, lúc sắp tắt hơi, anh tôi còn nắm chặt tay tôi và dặn đi dặn lại rằng dù có đói khổ thế nào đi nữa cũng không được bán khoảnh ruộng đất ấy, mà phải để đó làm căn bản sau này cho anh em thằng Căn, thằng Cơ.

Anh tôi nói, nước mắt ràn rụa:

“Tôi rất hối ngày trước đã không chịu nghe lời chú để đến nỗi bây giờ không được trông thấy mặt thằng Cơ trước khi nhắm mắt… Nhưng không, không… tôi trông thấy rõ ràng thằng Cơ mà… Nó bơ vơ, nó khốn khổ, nhưng nó hãy còn sống. Chú phải tìm nó cho tôi…

Tất cả những gì tôi để lại cho anh em chúng nó đều nằm ở trong mảnh đất hương hỏa này.

Hễ tìm được cháu, có bằng chứng hẳn hoi, mấy chú cháu cứ đó mà suy ra, ắt hiểu những lời tôi nói và thấy những gì tôi cất giữ.”

- Đó – ông Sỹ kết luận – câu chuyện thằng cháu Thiện Cơ tôi mất tích là như vậy.

Mấy lúc sau này, tôi đã tưởng là vô vọng. Nay tình cờ cậu Cường gặp thằng Có, tôi cảm thấy như lời nói sau cùng của anh tôi sắp đến lúc ứng nghiệm.

Thực vậy, cậu Cường à, mặt mũi anh em chúng nó giống nhau như tạc, tiếng nói chúng nó cũng giống nhau nữa. Nếu cậu đã nhận thấy thằng Có mặt mũi hao hao giống thằng căn, và giọng nói lại y hệt thì mười phần chắc đến chín phần đích nó là thằng Cơ rồi, cậu nghĩ sao?

Cường chưa kịp trả lời, Căn đã vội đưa ra ý kiến:

- Cháu lại còn thấy có một điểm này nữa rất đáng được quan tâm. Đó là : chữ Cơ viết vội vàng có thể đọc lầm thành chữ Có, và ngược lại, chữ Có đánh dấu thấp một chút cũng đọc ra chữ Cơ như thường. Cứ đó mà suy, ta có thể cho rằng thằng Có và thằng Cơ chung quy vẫn chỉ là một đứa. Người ta chỉ đọc trại tên nó đi một chút mà thôi.

- Ờ, ờ – ông Sỹ vừa nói vừa suy nghĩ – cháu có lý. Nhưng không biết người ta vô tình đọc trại tên nó ra như vậy cho có vẻ bình dân, hay là họ đã cố ý đổi tên nó chính thức bằng một tờ giấy khai sanh khác?

- Thưa bác – Cường tiếp lời – dù cố ý hay vô tình, việc đọc trại tên cũng chứng tỏ rằng họ vẫn giữ giấy khai sanh của chú bé Thiện Cơ. Là vì nếu họ dụng ý lập một bản khai sanh khác cho thằng nhỏ thì họ phải chọn một cái tên hoàn toàn xa lạ. Hà tất phải giữ cái tên mài mại với cái tên cũ làm chi cho thêm rắc rối. Đặt bất cứ một cái tên nào cho đứa nhỏ mà chả được.

- Phải rồi – ông Sỹ tấm tắc khen – cậu Cường luận chí lý. Bây giờ mà gặp được mặt thằng Có, lại có cả tờ giấy khai sanh của Nguyễn Thiện Cơ kèm theo, thì địch thị nó là cháu của tôi rồi. Phen này, tôi phải bỏ ra mấy ngày về Saigon điều đình ngay mới được.

- Thưa bác, cháu thấy vội quá không nên – Cường lựa lời can – Hai vợ chồng người nuôi thằng Có hiện giờ thuộc vào loại người tham lam gần như vô sỉ. Ai đời người lớn mà bóc lột hơi sức thằng bé con 14 tuổi đầu đến mức tàn tệ. Mỗi ngày phải kiếm cho ra hai ngàn đồng bạc đưa đủ cho họ mới xong. Vị chi mỗi tháng hơn bù kém phải kiếm được sáu chục ngàn đồng. Lương công chức nào bằng? Thằng Có thật là cây tiền cây bạc của người ta đó, đâu có dễ họ buông tha ra cho bác. Nếu biết bác là một nhà doanh thương kỹ nghệ, nghĩa là một nhân vật có máu mặt ở đô thị này, nhất định họ phải làm khó, nhất định họ phải bóp nặn sao cho thật đúng mức. Họ dám vòi bác bạc triệu. Làm sao có tiền mà nhét cho đầy túi tham của họ được. Một khi không được thỏa mãn, họ có thể gây rắc rối cho ta và luôn thể làm khổ thêm cho thằng bé nữa…

- Anh Cường nói phải đó chú – Căn nói – Cháu tính hãy nên nhờ anh Cường về Saigon điều tra cho kỹ lai lịch của thằng Có. Nếu đúng là em Thiện Cơ, chú sẽ về Saigon điều đình cũng chưa muộn. Như vậy công việc chú ở đây tạm thời không bị gián đoạn.

- Thế cũng được – ông Sỹ gật đầu đáp – Bác nhờ cậu Cường giúp bác việc ấy nhé. Liệu có điều gì trở ngại không?

- Thưa bác – Cường đáp – việc ấy cháu làm được dễ dàng. Ngày nào cháu cũng dậy Có học một tiếng đồng hồ, thế nào cháu cũng có thì giờ truy ra được sự thật. Biết đến đâu, cháu sẽ biên thư trình bác rõ đến đó để bác tùy nghi định liệu.

- Không tiện đâu, Cường – Căn đỡ lời cho ông Thiện Sỹ – Vì khi định liệu không có mặt và không có ý kiến của Cường, e có chỗ không thấu đáo, dám hỏng việc như chơi. Chi bằng ngay bây giờ đông đủ, ta định sẵn một kế hoạch hành động có phải hơn không?

- Kế hoạch thế nào? – Cả ông Sỹ lẫn Cường cùng hỏi.

- Trước hết, Căn nói – hãy nhờ anh Cường điều tra giùm tông tích của chú bé tên Có. Nếu y đúng là em Thiện Cơ, anh Cường hãy trổ tài làm quen với cặp vợ chồng đang nuôi dưỡng nó, liệu lời thuyết phục họ trước để họ sẵn sàng buông tha thằng nhỏ ra với một cái giá phải chăng.

Khi nào xem chừng ý họ đã xiêu xiêu, anh Cường sẽ tự động đăng báo, đứng tên chú tìm người nhà. Rồi kín đáo cho họ biết tin đó. Một là họ sẽ lên trên này điều đình, hai là họ sẽ biên thư báo cho chú xuống Saigon gặp họ. Như thế có phải là giản dị và thuận tiện không nào? Cường nghĩ sao?

- Cũng được – Cường nhanh nhẩu đáp – À, Căn có bản khai sanh nào của Cơ không?

- Không có mới chết chứ – Căn thở dài đáp – Không biết ba cất ở đâu mà tìm khắp nơi chả thấy một bản nào.

- Sao không biên thư nhờ Tòa Tỉnh hay quận Châu thành tìm cho? – Cường hỏi.

- Tại không nhớ số, không nhớ ngày khai. Không có các dữ kiện đó, e họ không chịu tìm giùm cho mình đâu.

- Thôi được – Cường bình thản nói – hãy cứ biết vậy. Rồi tùy cơ ứng biến sau.

- Cường à – Căn dặn dò – Cường chỉ nên liên lạc bằng thư trong những trường hợp không có kết quả. Thí dụ như : điều tra không ra manh mối, hay là thằng Có không phải là thằng Cơ, hay là họ tỏ ý nhất định không chịu buông tha thằng bé, hoặc giả họ đòi hỏi tiền bạc quá đáng, vân vân…

- Em Căn nó bàn như vậy, cậu Cường nghĩ có xuôi không? – Ông Thiện Sỹ hỏi.

- Thưa bác, được ạ. Căn tính vậy cũng tiện và nhặm lẹ, cháu xin cố gắng. Bác cứ yên tâm. Có điều chi bất trắc, cháu sẽ biên thư trình bác rõ ngay.

- Thế thì quý hóa lắm – ông Sỹ hân hoan nói – Thôi thì trăm sự nhờ cậu giúp cho bác và các em nhé. Nếu chú cháu, anh em họ Nguyễn Thiện được trùng phùng, một phần cũng là nhờ tài trí và lòng tốt của cậu Cường đó, gia đình bác sẽ không bao giờ quên ơn cháu.

- Thưa bác – Cường nói – bác dậy chi điều đó. Cháu là bạn của anh Căn thì cũng như là con cháu của bác.

Nãy giờ, chú bé Thiện Chính cũng như cô bé Thanh Trúc phải ngồi lặng yên nghe người lớn bàn chuyện đã thấy ê ẩm cả người. Đã không dám nói leo sợ phải mắng, lại không được chạy nhẩy la hét, chúng cảm thấy ngứa ngáy cả chân tay.

Cuộc họp vừa mãn, mọi người chưa ai kịp đứng dậy, Chính đã nhẩy dựng lên, nắm vai Thanh Trúc, lắc lắc hỏi:

- Chúng ta sắp có thêm một anh nữa, bé Trúc thích không?

- Thích chứ – bé Trúc nhanh nhẩu đáp – Có nhiều anh, chơi mới vui. Bé thích luôn cả anh Cường nữa…
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét