Chương 08
BÍ MẬT BỊ BẬT MÍ
Thỏ thường trở ra bờ sông, nhưng không ghé vào quán Nghinh Phong để tán phét như những lần trước nữa. Nó cúi đầu vừa đi vừa suy nghĩ: “Mấy trạm đầu mình tưởng đã thắng được Rùa rồi, không ngờ lại bị bại. Mình chỉ kém nó có năm bảy thước. Cũng tại mình mà ra cả, vì mình không chịu dốc hết toàn lực. Nay mình hãy chịu khó luyện tập rồi nhờ anh Khỉ thách đấu với Rùa may ra lấy lại được số tiền năm quan đã thua hôm trước”. Còn kiếm đâu cho ra năm quan thì nó không nghĩ đến.
Thỏ đổ cát vào bốn cái bị mang tòn ten ở chân chạy lên rồi chạy xuống, chạy xuống rồi chạy lên cho đến khi nào mệt nhoài mới chịu nghỉ. Nó tự bảo: “Trong khi mang những bị cát ta chạy lanh năm phần, thì khi cởi bị cát ta sẽ chạy lanh thành mười, mười lăm phần. Mà đã chạy lanh như vậy thì làm sao thua sút Rùa được vì hiện nay nó hơn ta chỉ có một ít”.
Quyết tâm phục thù nên Thỏ rất siêng năng trong việc luyện tập. Cứ chiều chiều hay những đêm trăng sáng, Thỏ chạy từ quán Nghinh Phong đến gốc đa, từ gốc đa đến bụi tre, ngang qua hốc đá đến Bến Đò thì dừng lại. Nó vừa chạy vừa nhìn về phía con sông đang êm đềm chảy rồi tưởng tượng Rùa đang bơi hì hục một cách nhọc mệt và sau nó cả một đoạn dài.
Một con Chuột nước từ bờ sông đi lên đứng xem Thỏ tập dượt. Nó hỏi Thỏ:
- Nầy anh Thỏ, anh chạy làm gì mà nhọc xác thế?
Thỏ thở dài đáp:
- Cái nhục nầy không rửa không được chị ạ. Thỏ mà thua Rùa thì là cả một câu chuyện ngược đời không ai tin được. Thế mà không ngờ lại là sự thật trăm phần trăm. Nay tôi cố sức luyện tập quyết đánh bại Rùa để ngửa mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn với đất.
Chuột cười khanh khách khi nghe câu nói quan trọng của Thỏ. Nó đã định chuyện đâu bỏ đó, nói đi nói lại người ta lại bảo đàn bà hay mách lẻo. Nhưng thấy Thỏ luyện tập một cách khổ sở nó cũng thương tình, nên bảo với Thỏ:
- Nầy anh Thỏ ơi! Cho dẫu anh rèn luyện bao nhiêu đi nữa cũng vô ích mà thôi, anh không sao thắng Rùa được.
Thỏ ngạc nhiên hỏi:
- Tôi chạy dở lắm à?
- Anh chạy đâu có dở! Rùa còn dở hơn anh nhiều.
- Chị nầy nói lạ, tôi không hiểu gì cả. Rùa chạy dở sao lại về đích trước tôi, hay nhờ có thần Hà Bá phù trợ?
Chuột lại phì cười:
- Khúc sông nầy thì làm gì mà có Hà Bá? Anh chuyên môn phỉnh phờ thiên hạ, nay bị Rùa gạt trở lại là phải rồi. Vỏ quít dày, móng tay nhọn là thế đó.
Thỏ nằn nì:
- Chị hãy nói rõ cho tôi nghe với nào? Úp mở làm tôi khó chịu lắm. Tôi thấy Rùa về trước tôi rõ ràng chứ đâu có mà mắt tôi được!
- Tôi sống trên con sông nầy, gì mà tôi chẳng hay? Trạm thứ nhất vợ của anh Rùa đã đứng chực sẵn từ trước. Trạm hai và trạm ba thì về phần hai đứa con của ảnh. Chị Rùa và hai con nhô đầu lên khỏi mặt nước, anh ở trên bờ nhìn xuống đâu có phân biệt được? Anh đã lầm về hình dáng còn lầm luôn cả giọng nói nữa. Không phải mình anh mà Khỉ con, chị Nai, chị Ốc Sên cũng không tránh được sự lầm lẫn ấy. Chị Rùa và hai con kéo dài hết chuyện nầy đến chuyện khác, cố làm cho anh mất khá nhiều thì giờ, trong khi ấy anh Rùa từ bến nước quán Nghinh Phong mải miết lội thẳng một mạch đến Bến Đò để thắng cuộc. Kể ra thì anh Rùa đã dùng mưu gian nhưng cũng phải hết sức cố gắng mới hơn anh được. Đáng khen là ở chỗ đó.
Thỏ tự giận mình, bứt mạnh một nạm tóc, nói với Chuột:
- Tôi tự phụ thông minh tài trí đâu ngờ lại bị mắc lừa một cách dễ dàng như vậy! Trước đây Rùa cũng đã dùng mưu bắt tôi mà dâng cho Đại vương Sư tử. Câu nói của chị thế mà đúng: “Vỏ quít dày thì có móng tay nhọn”. Nhưng dầu sao tôi cũng phải trả thù Rùa một phen.
Chương 09
THỎ TRẢ THÙ RÙA
Khi nghe chuột tiết lộ chuyện Rùa chơi xấu nó, Thỏ nhất định phải trả thù cho bằng được, nhưng nó chưa nghĩ ra nên trả thù như thế nào.
Nó đang đi lang thang ra chiều tư lự thì gặp hai vợ chồng Ngỗng Trời đứng rình bắt cá một bên bờ sậy.
Thỏ quen biết hầu hết loài thú con loài chim thì chẳng có bao nhiêu. Nó chơi thân với Quạ làm tổ trên cây gạo ngay trước mặt nhà nó. Thỉnh thoảng hai bên lại biếu nhau vật nầy vật nọ. Chim sẻ thì ra vào như người trong nhà. Chúng lượm những hạt thóc còn sót lại trong đống rơm mà vợ chồng Thỏ chất đầy hang để mùa đông sưởi cho ấm.
Hai vợ chồng Hoàng anh lâu lâu mới ghé lại một lần vào tuần trăng sáng. Thế nào Thỏ cũng giữ lại ăn cơm và đêm đó nhất định Thỏ tổ chức một cuộc trình diễn văn nghệ cho bà con lối xóm coi. Để cho được đặc sắc, Thỏ mời thêm chị Sơn ca và anh Sáo Ngà để hát chèo, anh Gõ Kiến đánh nhịp, Khỉ kéo nhị, Chó gảy đàn bầu, còn nó tự đảm nhận việc đánh trống. Thỏ Cái vì bận tiếp khách cho được chu đáo nên không dự vào ban văn nghệ, chứ chị hát bội đóng vai đào điên giả dại qua ải thì không ai ăn đứt được.
Còn đối với hai vợ chồng Ngỗng Trời, Thỏ thấy lạ hoắc chưa gặp mặt lần nào. Loại chim nầy thường bay ở những vùng trời biển xa xôi không mấy khi lảng vảng quanh vùng Thỏ ở.
Thỏ xưa nay vốn hâm mộ những kẻ kiến thức. Trong trí của nó vợ chồng Ngỗng Trời bay liệng khắp nơi chắc là hiểu nhiều biết rộng. Nó lân la bước đến làm quen:
- Hai ông bà từ đâu đến đây? Tôi là Thỏ nhà ở chỉ cách nơi nầy chừng nửa dặm.
Ngỗng Đực đáp một giọng văn hoa khiến Thỏ càng thêm kính trọng:
- Chúng tôi thường ngao du chốn hải hồ, nay mỏi gót phong trần, tạm dừng lại trong một đôi ngày để viếng thăm giang san cẩm tú của bác.
Ngỗng Cái bảo chồng:
- Thiếp trông bác quen lắm, đã trông thấy nhiều lần. Chỉ tiếc vợ chồng chúng ta chưa gặp được cơ hội thuận tiện để làm quen đấy thôi.
Ngỗng Đực ngảnh mặt nhìn trời ra chiều suy nghĩ. Nó gật gù bảo vợ:
- Lời nói của nàng rất đúng. Bây giờ tôi mới nhớ ra. Chúng ta gặp bác ngồi chơi trong cung Quảng.
Thỏ biết hai vợ chồng ông khách quí lầm nó với ông Thủy tổ dòng họ Thố, nhưng nó cũng nhận bừa để tự nâng cao giá trị.
Thỏ nói:
- Trí nhớ của ông bà quả không sai chút nào. Mỗi tháng, từ hôm mười ba, khi trăng bắt đầu tròn, dưới nách của tôi mọc ra một cặp cánh. Tôi liền bay thẳng lên cung trăng ở chơi. Đến hôm mười bảy, trăng bắt đầu khuyết, tôi lại trở về hạ giới vì lông cánh của tôi cũng từ hôm ấy rơi rụng lần lần.
Nói đến đây mắt Thỏ như sáng lên, đầu óc nó vừa nghĩ được một mưu kế gì kỳ lạ.
Ngỗng Cái:
- Như thế thì bác hơn hẳn chúng tôi nhiều. Chúng tôi tuy trời đất vẫy vùng ngang dọc, nhưng cũng chỉ quanh quẩn giữa chốn trần gian, đâu được như bác thoát tục lên tiên, kết bạn với Chị Hằng trong cung Quảng?
Thỏ xoay đổi câu chuyện:
- Thế thì ông bà còn ở chơi bao lâu?
- Chúng tôi thường thực hành theo câu ca dao: Khi vui chim đậu, khi buồn chim bay. Nhưng ngày mai thì chúng tôi chưa cất cánh, vì nhà tôi còn phải quan sát vùng nầy để viết cho xong tác phẩm Rừng Xanh Núi Đỏ.
- Thế thì tốt lắm! Sáng mai, tôi sẽ trở lại giới thiệu với ông bà anh bạn Rùa của tôi. Anh ấy vốn thuộc Thủy tộc, sống dưới nước nhưng ưng dạo chơi trên khô, gần đây lại ao ước được bay liệng trên không như chim trời tung gió. Tôi hy vọng ông bà sẽ giúp bạn tôi thỏa mãn được ước vọng ấy.
Thỏ không đợi vợ chồng Ngỗng Trời hỏi gì thêm nữa, vội vã cáo từ ra về, hẹn sẽ tái ngộ.
Tối về nhà, Thỏ bàn với vợ cách thức trả thù Rùa. Sáng hôm sau dậy sớm, Thỏ vội vã ra đi.
Từ hôm bị bại trong cuộc chạy đua, Thỏ không có dịp nào gặp lại Rùa nữa. Vả lại Thỏ cũng cố lánh mặt không muốn gặp.
Đến nơi, Thỏ thấy Rùa đang ăn sáng với vợ bên mỏm đá xanh dờn rêu phủ. Rùa Cái vừa thấy Thỏ liền lặn ngay xuống nước.
Thỏ giả vờ không hay biết gì về việc Rùa gian lận trong cuộc đua. Nó nói:
- Thật tôi không ngờ anh lại lội lanh đến thế! Nào phải chỉ mình tôi, cho đến anh Nai, anh Chó Sói hay anh Ngựa cũng bị anh đánh bại dễ dàng.
Rùa cười tự đắc:
- Nói thật với anh, hôm đó nếu chân tôi không vướng phải bèo và rong chắc tôi còn về trước anh một đoạn dài hơn nữa.
Thỏ cố nén giận hỏi:
- Anh có quen với vợ chồng ông Ngỗng Trời không?
- Rùa dưới nước, Ngỗng trên trời làm sao quen nhau được?
- Trong khi nói chuyện, tôi tán dương tài bơi lội trên đời có một của anh. Ngỗng Trời nhờ tôi mời anh đến cho hai vợ chồng được hân hạnh làm quen.
Rùa nghe bùi tai liền khệ nệ bò theo Thỏ. Cứ đi một đoạn, Thỏ phải dừng lại để chờ Rùa. Thỏ rủa thầm:
- Ỳ à ỳ ạch như mầy mà lừa được tao lấy năm quan ngon lành. Nhưng chuyến nầy thời mầy khổ với tao, mầy ơi!
Thỏ dẫn Rùa đến gặp hai con Ngỗng Trời bên bờ sậy. Thỏ giới thiệu:
- Thưa ông bà, đây là anh bạn Rùa của tôi vừa đoạt chức vô địch thế giới môn bơi lội. Anh lội dưới nước, nhưng thú chạy ngoài đồng nội hay chim bay trên trời cũng không sao lanh bằng.
Rùa đắc chí gật gù cái đầu, mặc cho Thỏ muốn tán hươu tán vượn thế nào tùy thích. Thỏ nói tiếp:
- Trong buổi đầu gặp gỡ, hình như hai ông bà định đưa anh Rùa tôi dạo chơi một vòng giữa không trung để nhìn xem phong cảnh chốn hạ giới, chẳng biết có phải như vậy không?
Để tỏ ra mình lịch thiệp, Ngỗng Đực nói:
- Chính chúng tôi cũng muốn làm một việc gì để tỏ lòng ngưỡng mộ bậc anh tài hiếm có trong thiên hạ.
Tuy nói câu ấy nhưng Ngỗng cũng chưa nghĩ mình làm thế nào để đem Rùa đi chơi được. Còn về phần Rùa cũng không muốn tỏ ra mình nhát gan nên chỉ ừ hử cho qua chuyện.
Thỏ đã mang sẵn trong mình một sợi thừng, đưa ra và nói:
- Nếu ông bà muốn đưa anh bạn tôi đi chơi thì chỉ có cách nầy là tiện hơn cả. Ông bà mỗi người cắn lấy một đầu dây, anh bạn tôi ngậm ở giữa. Khi ông bà bay sẽ xách bổng anh bạn tôi theo, lơ lửng giữa không trung, biết bao thích thú.
Rùa lo ngại hỏi:
- Nếu rủi sợi thừng bị đứt thì sao?
Thỏ cười đáp:
- Anh khéo lo lắm. Anh thử xem: thừng chắc chắn như thế nầy sao đứt được?
Rùa chưa hết lo ngại, xây hỏi vợ chồng Ngỗng:
- Nếu ông bà để tuột sợi thừng thì còn gì tánh mạng tôi nữa?
Ngỗng Cái:
- Chúng tôi xưa nay tánh rất thận trọng. Lắm lúc bắt được giữa biển khơi những con cá lớn xấp đôi, xấp ba bác, phải mang đi hàng chục dặm đường, chúng tôi vẫn phải giữ thật kỹ chứ đâu có thể để cá sẩy ra mà rơi xuống đất được!
Nghe thế Rùa được vững bụng nhưng nó vẫn dặn dò:
- Tôi quen sóng chứ không quen gió, ông bà hãy bay chầm chậm một chút kẻo tôi hay chóng mặt bất thường.
Ngỗng Đực và Ngỗng Cái lấy mỏ cắn chặt hai đầu dây, từ từ cất cánh, mang Rùa theo nhẹ nhàng như tàu lá.
Thỏ chỉ chờ có lúc đó. Nó tức tốc chạy về nhà huy động nào vợ con, nào chim quạ, chim sẻ, nào bạn bè quanh xóm, hãy kéo nhau đến xem cảnh tượng Rùa thần không cánh mà bay.
Nó đã soạn sẵn câu hát từ hồi hôm, nó ẩn sau một gốc cây để Rùa khỏi trông thấy, bảo tất cả hãy ngước mặt nhìn theo Ngỗng và Rùa. Nó vừa hát vừa đánh nhịp để mấy con kia bắt chước hát theo:
“Tranh tài hơn Thỏ bội phần
Dạo chơi trên ấy Rùa Thần phải chăng?
Là chăng phải chăng?
Giữa trời bay khắp xa gần,
Nhìn xem phải bác Rùa Thần đó không?
Là không phải không?”
Khi bổng lên khỏi mặt đất, Rùa hồi hộp run sợ, nhưng rồi nó cảm thấy dễ chịu ngay. Nhìn xuống bên dưới, Rùa thấy những bụi lau bụi lách bên bờ suối, cây đa cành lá sum sê bên bờ sông cát trắng, quán Nghinh Phong chị Nai đang chuyện trò với anh Khỉ. Nó định cất tiếng gọi nhưng không dám vì nó biết hễ nó há mồm thì thế nào cũng rơi xuống đất.
Rùa đang suy ngẫm cái số phận may mắn của nó, sinh sống dưới nước mà liệng trên trời, đồng loại của nó dễ mấy ai được cái diễm phúc ấy?
Bỗng mấy câu hát ca tụng nó từ dưới đất vang lên khiến nó càng thêm khoái chí. Lòng tự phụ của nó như men rượu cứ dâng cao lên mãi. Nó mắng thầm cái bọn đứng dưới rõ thật ngu ngốc. Rùa thần chính là ta chứ con ai nữa mà hỏi “không phải không?” và “chăng phải chăng?”
Nó nghĩ một câu hát để đáp lại cho bọn nầy biết, ngoài cái tài bơi lội, nó còn cái tài ngâm nga nữa. Nó nghĩ ngay được một câu để đối đáp:
Rùa Thần chính thật là ta
Bay quanh bay quất gần xa phục tài.
Nhưng nó mới nói lên được hai chữ “Rùa Thần” liền từ trên cao vùn vụt rơi xuống đập mạnh lên mặt đất đánh “bịch” một cái nó nằm bất tỉnh. Cũng may chỗ ấy không có đá nhọn nên nó chỉ què mất một chân sau.
Hai vợ chồng Ngỗng vội vàng hạ cánh thì Thỏ cũng vừa chạy đến nơi xem thương tích của Rùa nặng nhẹ như thế nào. Ngỗng thấy chuyện không may xảy đến cho mấy ông bạn mới quen biết nên không buồn lưu lại nữa, cáo từ Thỏ bay thẳng vào rừng để thám hiểm.
Trả thù xong thì Thỏ lại hối hận, nó đưa Rùa về nhà, thủy chung không nói gì đến việc Chuột đã tiết lộ cho nó biết mưu gian của Rùa.
___________________________________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét