CHƯƠNG BẨY
BỨC ĐIỆN TÍN
Cũng thì là công chức mà kẻ thì ngự xe hơi, kẻ thì cọc cạch chiếc xe đạp. Ấy thế mà người đi chiếc xe đạp tập tàng lắm khi đi làm còn đúng giờ và đều đặn hơn mấy người chễm chệ trên xe hơi hay là phóng ào ào trên xe gắn máy. Trong đám công bộc lãnh lương vào hàng khiêm tốn nhất của Quốc gia này, người dân đô thành không thể quên được việc làm đứng đắn của mấy ông bưu tá. Ai kia có nghỉ bữa nào cũng chẳng sao, chứ vắng mấy ông này là người ta thấy nhớ. Là vì ngày ngày, cứ đúng hai giờ rưỡi chiều, người ta lắng chờ mấy tiếng kêu quen thuộc:
- Số 7 ra lấy thư!… Số 14 ra lấy thư!... Số 21 ra lấy thư…
Và chiều nay, cũng vừa đúng hai giờ rưỡi, có tiếng cất vang:
- Số 13 ra lấy thư!...
Cửa xếp mở toang ra như có phép thần. Ông bưu tá giật mình, không ngờ có người ngóng thư chăm chỉ đến mức ấy.
- Có điện tín đó cô! – người công chức nói.
- Vâng, tôi biết! – một cô gái tuổi trạc 25, 26 bước ra đáp.
- Người nhận là ông Chí, Lý Quý Ý Chí.
- Anh tôi đi khỏi có dặn tôi lãnh giùm. Ông làm ơn…
- Được. Cô ghi căn cước vào cột này nghe!
Cô gái đỡ lấy cuốn sổ, ngẩng nhìn viên bưu tá, hỏi:
- Sao lần này khó thế ông? Mọi bữa ông cho ai ký giùm cũng được mà!
- Đâu có! Cô bác ở đường này tôi quen mặt biết tên hết nên không sợ lầm lẫn. Nhưng cô, xin lỗi, cô mới tới đây nên phải theo đúng thể lệ. Chỉ một lần đầu thôi, lần sau khỏi cần… Đó là vấn đề nguyên tắc, xin cô thông cảm. Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi bị rắc rối, đơn khiếu nại tùm lum, chỉ vì không giao các điện tín hay thư bảo đảm vào đúng tay người nhận.
Viên chức nhiều lương tâm nghề nghiệp của chúng ta cố phân trần trong khi cô gái rút thẻ kiểm tra trong xắc ra và loáy hoáy ghi.
- Tôi không có làm khó dễ gì cô đâu. Là vì, đằng thằng ra, nếu ông Chí không có ở nhà, tôi có thể để lại một báo thư cho ổng để khi nào ổng về ổng thân hành ra Bưu điện lãnh.
- Vâng, tôi hiểu. Đây, ghi đủ rồi đây, ông.
Ông bưu tá đỡ lấy cuốn sổ, đón luôn tấm thẻ căn cước, nhìn kỹ bức hình rồi ngẩng nhìn chăm chú cô gái.
- Cảm phiền cô ghi cả địa chỉ hiện tại của cô vào đây nữa.
Người con gái cau mày có vẻ bực mình nhưng cũng đành phải tuân theo lời yêu cầu hợp lý của người nhà nước.
Cầm bức điện tín trong tay và cám ơn hai tiếng lạt như nước ốc xong, nàng quày quả bước vào nhà, làm bộ đóng cửa sắt lại nhưng cố ý để hé một cánh vừa đủ để ngó ra ngoài quan sát.
Viên bưu tá giao thư cho mấy căn kế tiếp xong, dắt xe bước sang bên kia đường, đứng nói chuyện với một người trẻ tuổi lạ mặt. Gã này cười cười, cầm cuốn sổ đọc rồi rút sổ tay trong túi áo ngực ra ghi chú.
Người phát thư đi rồi, gã vẫn còn đứng quanh quẩn ở đầu đường, hút thuốc lá vặt.
- Cho mày đứng đó cho rục xương!
Người con gái đóng chặt cửa lại, đi vào, lẩm bẩm.
Đọc đi đọc lại bức điện tín, nàng có vẻ đắc ý, đến trước gương nhoẻn miệng cười làm duyên một mình. Rồi leo lên giường hát nho nhỏ một bài hát thời trang, lên dây chiếc đồng hồ báo thức, để đúng bốn giờ. Xong đâu đó, mở cuốn tiểu thuyết đang đọc dở dang để rồi không mấy chốc đắm mình vào trong một thế giới trữ tình hư ảo.
Chuông reo. Mừng rỡ. Ngồi nhỏm dậy, nhẩy phắt xuống và dợm bước ra vì tưởng là chuông gọi cửa. Hóa ra chuông đồng hồ báo thức. Nhìn lại quả đã đúng 4 giờ.
- Sao giờ này chưa về tới kìa? – Nàng lẩm bẩm một mình.
Khẽ mở hé cánh cửa, ngó ra vẫn thấy anh chàng lúc nẫy đứng hơi khuất sau một sạp báo ở đầu đường.
- Bực mình hết sức! – Nàng càu nhàu một mình – Lỡ hết trơn hết trọi!
Chốc chốc lại nhìn đồng hồ, lại càng thêm sốt ruột.
Đúng bốn giờ rưỡi, người nàng chờ đợi vẫn chưa thấy tới.
- Điệu này không khéo lại có chuyện rắc rối rồi đây! – Nàng tự nhủ.
Cương quyết, nàng trang điểm qua loa và sửa soạn dời khỏi căn nhà. Hé cửa ra ngó. Gã trẻ tuổi lạ mặt vẫn còn đó. Đang làm bộ đọc chăm chỉ một tờ báo mới ra lò.
Nàng cười khẩy, nói một mình như thách thức:
- Mặt búng ra sữa mà cũng bầy đặt học đòi theo dõi. Chờ đó, cô nương sẽ cho mi một bài học để đời, tha hồ đứng đó mà trơ mắt ếch!
Đợi một đám người đi qua cửa án ngữ tầm mắt của kẻ kia, nàng mở cửa, bước ra thật nhanh, khóa lại thật lẹ và rảo cẳng đi về phía đối nghịch.
Quẹo trái. Quẹo phải. Lại quẹo trái. Loáng cái đã qua mấy khu phố, yên trí thằng bé đã bị bỏ rơi từ khuya, bây giờ chắc vẫn đứng bơ vơ ở chỗ cũ. Bất ngờ, đến trước một sạp bán kính, liếc vào tấm gương dựng trên quầy thấy ngay cái bản mặt đáng ghét của anh chàng đếm bước ở xa xa như một người nhàn rỗi nhất đời đang kiếm ý thơ đánh rơi trên mặt đất.
- Thế này thì quá rồi! – Nàng tự nhủ, bực tức – Nguy nữa cũng nên! Nhưng chẳng lẽ công việc đã bại lộ rồi sao? Việc bí mật này có thể gọi là trời không hay, đất không biết, chẳng lẽ cảnh sát đã khám phá ra được rồi sao? Vô lý! Đâu có chỗ nào sơ hở? Mà cảnh sát thì xưa nay làm việc chậm như rùa, có bao giờ họ nắm được đầu mối trong vòng mấy tiếng đồng hồ đâu. Còn đòi hỏi, còn giấy tờ, báo cáo trình lên, lệnh trên truyền xuống, còn là chán!...
Khoảng cách giữa hai người vẫn phải chăng. Nếu vô tình, người đi trước ắt không ngờ mình đang bị theo sát một cách thật tự nhiên. Phải cho thằng chả rơi với bất cứ giá nào!
Một chiếc tắc xi trờ tới. Nàng vẫy lại và leo lên. Đi vòng vèo từ Chợ Lớn qua Saigon, vẫn thấy một chiếc tắc xi khác lẽo đẽo theo sau. Bực thật! Chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, thương xá Tax đây là chỗ sát sà bông cho đỉa rơi dễ nhất.
- Tốp, tốp! Ông cho xuống đây đi!
Hai cầu thang chụm vào một chỗ. Quê thật! Không có thang xếp, không có cửa sau, đỉa cứ bám hoài chân thang thế kia là mình hết đường bứt đi cho thoát!
Vô kế khả thi, cô ả đành tìm thế khác. Cứ đi xuống, kiếm một rạp chiếu bóng nào đang đông khách, trà trộn vào một lúc rồi lẻn ra, khắc xong.
Nghĩ là làm, nàng đón xe đi. Chưa định tới rạp nào, bất ngờ khi xe vừa qua một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nàng nhìn qua khung kính sau xe thấy chiếc tắc xi đuổi theo phải ngừng lại vì không vượt kịp lằn đinh trên mặt lộ khi ánh đèn vàng trên cột đã đổi mầu.
Dịp may thật là hiếm có, nàng trả vội tiền xe, bước xuống cố lẩn tránh cho nhanh cặp mắt cú vọ của chàng trai.
Quả nhiên, khi xe cậu này qua được ngã tư thì tà áo xanh đã lúc ẩn lúc hiện trong giòng người đang chẩy ở quá xa. Chạy thật mau, gắng bắt cho kịp, may ra… Nhưng chỉ vừa kịp thấy một vệt xanh phất phới một lần chót ở dẫy nhà khá xa rồi mất hút… Đến nơi coi cho kỹ. Nhà nào cũng cửa sắt đóng kín. Không biết đích cô ả lẩn vào nhà nào. Có thể vào trong trường này lắm. Hôm nay nghỉ học, sân trường vắng tanh. Không có bóng một con mèo, nói chi đến bóng một cô con gái! Ngẩng đầu lên, a thì ra đây là trường Tiến Đạt. Được rồi, biết vậy, hãy cứ để con chim xanh nằm yên trong tổ, đừng bay đi đâu hết nghe, ngày mai ta sẽ xách lồng tới tóm, vội chi…
Sau khi đánh một vòng quanh khu phố xem cho kỹ các đường đi lối lại, chàng thanh niên yên trí rảo bước trở về Tổng Nha báo cáo.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG TÁM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét