CHƯƠNG MƯỜI MỘT
NHƯ MỘT PHÉP LẠ
Giết người trong nháy mắt để một mình ẵm trọn gói số tiền khổng lồ vừa trộm được, Chí chắc mẩm không một ai hay biết. Tiếng thét vừa rồi nhọn như tiếng thét của trẻ con, lọt vào trong nhà qua một khe hở nhỏ, sao y nghe như một tiếng sét giáng xuống trúng ngay đầu.
Thế là trong khoảnh khắc, bí mật lớn của y bỗng tiêu tan. Vì có người đã trông thấy hết, đã nghe thấy hết…
Cuống cuồng. Phải tìm ngay cách đối phó. Phải bịt miệng… Y mở tung cửa, hầm hầm bước ra.
Nghe tiếng động, một bé gái – bé Thu – đang cắm cổ chạy đi vội quay đầu ngó lại. Thấy bộ dạng gã đàn ông quá dữ tợn, bé sợ hết vía, hét lên một tiếng như người bị ma nhát rồi lại cắm đầu chạy.
Chí chạy rảo theo mấy bước đã túm được, bế thốc bé lên như quạ sớt gà con. Bé thét lên, dẫy dụa. Tên kia mắm môi trừng mắt, một tay bịt miệng em bé, một tay ghì chặt đôi chân đang quẫy đạp lung tung.
Y chưa kịp xốc em bé vào nhà đã thấy có tiếng người chạy vội trong sân. Và y sợ hết hồn khi có tiếng quát dõng dạc vang lên:
- Tên kia! Buông ngay em bé xuống!
Quay phắt lại, y ngạc nhiên thấy một thiếu niên, mặt búng ra sữa, đang nghiêm khắc nhìn mình.
Đó là anh chàng Bằng – các bạn y vẫn ngạo y là Bằng sữa – mà chúng ta vừa thấy đi ăn sáng với Nguyên. Điểm tâm xong, cậu ta theo bạn về nhà coi lối vào nhà bạn ra sao. Rồi cứ lần quẩn ở ngoài hàng rào, tuy chân đi đi lại lại nhưng mắt không lúc nào dời khỏi căn nhà cây ở cuối vườn. Tịnh không thấy bóng dáng một ai ra vào ngoại trừ một em bé từ đâu chạy tới nấp sau căn nhà. Chắc là chơi trò “đi trốn đi tìm” đây. Các bạn của em cùng trạc tuổi ở khu vườn kế bên có lách hàng rào bước qua, nhưng chúng kiếm quanh quẩn mấy gốc cây không thấy lại kéo nhau về không kiếm nữa.
Rồi bỗng dưng thấy em bé thét lên, một gã cao lớn mặt mày hung dữ mở cửa xông ra đuổi, em bé té và dẫy dụa trong tay gã.
Không cần suy nghĩ thiệt hơn, Bằng thấy phải ra tay tiếp cứu. Bèn phóng mình vào, quát : Buông ngay em bé xuống! Và đứng thủ thế chứ không thèm đánh lén.
Chí biết nguy cơ. Nếu không thanh toán gấp mấy đứa nhỏ này thì chưa chắc rút lui nổi cùng với va ly đầy nhóc bạc.
Chẳng nói chẳng rằng, y buông bé Thu xuống và xông vào tấn công Bằng tới tấp. Y vạm vỡ, khỏe như voi nhưng Bằng trẻ hơn và cũng lanh lẹ hơn nên hạ được Bằng chóng vánh không phải là chuyện dễ.
Mãi mới lừa được một thế, y đấm vào quai hàm Bằng một cú mạnh thật lực. Bằng ngã lăn quay, y mừng rỡ chuyển mình chạy theo bé Thu, bế thốc lên và hấp tấp chạy vào trong nhà. Nhưng chưa tới cửa đã thấy Bằng trổi dậy và xông tới, hăng như trước. Đành phải đặt bé Thu xuống. Và một cuộc đấu sức chênh lệch lại tiếp tục diễn ra.
Bằng nhỏ con và yếu hơn, nhưng khôn ngoan vừa đánh vừa la mong có người tiếp cứu. Bé Thu sợ, vừa sợ cho mình, vừa sợ cho cái anh tử tế ở đâu tới cứu mình, cũng la hét ầm lên.
Lũ trẻ đang chơi bên kia vườn nghe thấy tiếng la và tiếng đấm đá huỳnh huỵch rủ nhau chạy sang. Ngó thấy có bé Thu, một đứa lanh trí chạy về gọi:
- Anh Thuận! Mau mau, có người bắt cóc bé Thu kìa!
Thuận đang ngồi loay hoay làm toán, nghe kêu hoảng hồn, chân không kịp xỏ vào dép, chạy bay ra, tay vẫn cầm cây bút. Thuận đến đúng lúc Bằng vừa ngã quỵ và bé Thu đang dẫy đành đạch trong vòng tay to lớn của người lạ mặt.
Thuận phóng tới đánh xuống gáy y một đòn thật mạnh. Y choáng váng buông bé Thu xuống, lòng thầm lo phen này phải đương đầu với một địch thủ lớn mạnh. Y quay lại và mừng rơn thấy đối phương chỉ là một chú bé con còn nhỏ tuổi hơn cả cậu vừa rồi nữa. Nhưng y không ngờ thằng nhỏ này đã có sức lại còn có võ. Bao nhiêu ngón nghề ông chú truyền cho, thằng nhỏ đem ra ứng dụng cho bằng hết, khoan khoái vì có dịp được đấm đá hết sức mình.
Chí to lớn dềnh dàng, đánh trúng đòn nào đau thấu trời đòn nấy, mà chật vật lắm mới lừa được thế vật ngã Thuận. Thuận cũng giở miếng vật lại như chơi. Hai người, một lớn, một nhỏ, vật lộn nhau tưng bừng. Chí đoạt được cây bút trong tay Thuận và thừa thế đâm tới tấp. Thuận nghiến răng ghìm chặt tay Chí không cho ngọn bút đâm xuống sâu hơn nữa.
Bé Thu thấy anh Thuận sắp thua, sợ quá, khóc ầm lên. May Bằng vừa hồi tỉnh. Y thấy Thuận cầm cự thật dũng mãnh nhưng tất bị lâm nguy nếu không có người khỏe hơn tiếp cứu. Sực nhớ có cây còi trong túi, y lấy ra rúc lên từng hồi vừa cướp tinh thần tên gian, vừa hy vọng được cảnh binh đi tuần nghe tiếng.
Trong khi đó, các em nhỏ bạn nô đùa của bé Thu không biết làm gì hơn là đi nhặt những hòn đá, đứng xa xa mà chọi vào người tên Chí. Một em nhớ ra nhà còn chú Hiệp ở trên lầu vội ba chân bốn cẳng chạy về gọi.
- Chú Hiệp ơi! Xuống mau cứu anh Thuận! Người ta sắp giết chết kia kìa!
Không kịp hỏi đầu đuôi, Hiệp theo tay em trỏ chạy tới như bay.
Giữa sân, cuộc đập lộn đã đến hồi gay cấn nhất. Gió thổi hiu hiu như phe phẩy quạt cho những người đang tháo mồ hôi để giành lấy sự sống. Những mảng nắng từ trên những ngọn cây cao rớt xuống, lúc đọng trên sân, lúc chập chờn xê dịch theo hơi gió. Thuận đã đè được lên mình tên Chí bỗng thấy đầu óc như sáng suốt hẳn ra. Như những tia nắng đã chiếu vào đến tận cùng khối óc u mê. Nhanh như những khúc phim chiếu vội, những gì nó đã học, những hàng chữ, những con số nổi lên trong bóng tối bằng những nét lân tinh. Nó mừng rỡ, dường như quên không còn quan tâm đến cuộc đấu sức chí tử. Chỉ hơi phân tâm một chút, nó đã bị đối phương lật ngược thế cờ. Chí lật mình, cả tấm thân bồ tượng của y đè nặng lên người Thuận. Hai tay y như hai gọng kìm sắt xiết cổ cậu bé như lúc nãy y đã xiết cổ thị Tâm. Bằng liều mạng xông tới cứu nguy.
Hiệp phóng mình chạy bay tới đúng lúc Bằng vừa bị một đá té nhào, còn Thuận thì đã kiệt sức, nằm sóng soài trên mặt đất không dậy nổi.
Đang đà chạy tới, Hiệp tung chân đánh phủ đầu bằng một ngọn song phi. Trúng một lúc hai đòn nặng vào mặt và vào ngực, Chí hự lên một tiếng xoải hai tay và gục xuống. Như say đòn, y cố gượng đứng lên, nghiến răng xông tới vừa vặn để lãnh một trái đấm thẳng vào cằm mạnh như búa bổ.
Y bị bắn lùi về đàng sau đến năm sáu bước, chưa kịp nhã xuống đã nghe có hai bàn tay cứng như sắt đỡ ở lưng, đồng thời một vật lành lạnh được quàng nhanh vào cổ tay y.
Hiệp sửng sốt một giây trước khi cười ha hả và nói bông lơn:
- Thành đó hả? Sao mà căn khéo thế?... Sướng nhé! Đợi người ta làm cỗ xong mới tới sực thật là vừa miệng!
- Bọn tôi thật đoảng – cò Thành đáp – Từ sáng đứng bo bo ở đàng cửa trước chả được việc gì. Vừa may, tôi sốt ruột đảo một vòng ra phía này, nghe tiếng còi cấp cứu của chú bằng mới biết đấy chứ.
Trong khi Cò Thành vỗ vai khen ngợi Bằng thì bé Thu lại nắm tay Hiệp, chỉ vào căn nhà gỗ, mách:
- Chú Hiệp ơi! Trong đó còn một người đàn bà bị ông kia bóp cổ chết rồi!
Nghe tiếng con nhỏ thỏ thẻ, Thành và Bằng lôi tên Chí vào trong nhà đúng lúc thị Tâm vừa hồi tỉnh.
Cò Thành hớn hở bước ra khoe:
- Nhờ anh Hiệp và chú Bằng, đôi chim này mới không bay thoát. Nếu không, chắc tôi cũng còn mệt với chúng nó.
- Nhờ con nhỏ xí xọn này nè – Hiệp xoa đầu bé Thu nói – Con gái út ông Đặng văn Thụ đấy. Bé Thu nghịch tinh xé rào qua vườn hàng xóm chơi, tình cờ nghe và trông thấy cặp kia nên chuyện mới vỡ lở ra mau như anh thấy đó.
- Vậy hả? Bé Thu giỏi quá! – Cò Thành xoa má em khen – Mà cũng xinh quá đi thôi. Cho chú thơm cái nào, bé Thu!
*
Gió mát vẫn hiu hiu. Nắng vẫn xuyên qua kẽ lá, nhẩy múa trên sân. Và trong đầu óc Thuận vẫn thấy ngời lên những nét lân tinh mặc dầu thân xác nó rã rời mệt mỏi.
Thành và Bằng lo áp giải Chí cóp pho và thị tâm về Ty cùng với va ly bạc. Hiệp bồng bé Thu và dắt Thuận về nhà.
Chàng bảo lũ trẻ trong xóm:
- Các cháu về nhà đi, lúc khác hãy sang chơi với Thuận. Bây giờ anh Thuận mệt, để cho anh Thuận nghỉ nhé.
Về đến nhà, Thuận mới thấy thấm mệt. Quần áo rách tả tơi, thương tích cùng mình.
Bà nội lo đốt lưỡi dao bổ cau, xát tí muối vào và day lên trên các chỗ bầm. Mẹ nó muốn sai người tới nhà thương kêu bác sĩ Hòa về lo cho con nhưng ông nội và chú nó gạt đi.
- Không sao đâu chị – Hiệp nói – Sây sát chút đỉnh thôi, không có vết nào nặng cả. Để em lo cho cháu được rồi. Thuần lấy cồn 90 và pha thau thuốc tím cho chú là đủ.
- Má cho con ly nước cam – Thuận nhõng nhẽo với mẹ – Hay nước chanh cũng được. Con khát khô cả cổ.
Uống xong, nó nằm nhắm mắt thiếp đi, mặc cho chú nó và chị nó rửa sạch các vết thương.
Bỗng dưng, nó mở mắt ra, nhoẻn miệng cười bảo Thuần:
- Em nhớ ra rồi. Hôm nọ, chị bảo chị Hương rằng hai câu thơ:
Và trời gặp hội mây năm vẻ
Lấp bể ra công đất một hòn.
Là của cụ Phan Bội Châu. Không phải đâu chị. Trong một bài thơ của ông Tú Xương làm gửi thăm cụ Phan đó.
- Đúng rồi! – Thuần đáp – Chị cũng đã thấy chỗ lầm ấy. Mà sao em biết?
- Em vẫn thường khoe, những gì em học cũng như những gì em nghe thấy chị đọc hay trông thấy chị viết, em nhớ như in vào trong óc, nhưng chỉ được một lúc thôi, rồi tất cả bị xóa nhòa cho nên em cứ học đâu quên đó. Vừa rồi, nằm nghỉ, em nghĩ đến đâu là thấy ngay những chữ cần nhớ nổi lên như in bằng những nét ánh sáng trong óc em. Thế có lạ không chứ!
Nằm dưỡng thần một lúc nữa, nó mở mắt ra nói tiếp:
- Chị Thuần này. Bài toán chị làm tối qua trên bảng trật. Vì sao chị biết không? Chị quên không lấy căn của ab đó.
- Trời ơi! Thằng nhỏ này hay quá, chú Hiệp ơi! Nói trúng ngay boong. Hay là chú bảo nó để nó trộ cháu đó?
- Không. Chú có bảo gì đâu.
Rồi Hiệp trầm ngâm tiếp:
- Chú thấy rồi! Chú hiểu rồi!
Chàng chú ý xem xét từ trên xuống dưới tất cả các vết thương, nhất là những vết không bầm và không chẩy máu. Chàng bảo Thuận cố nhớ xem khi bị những vết ấy, trong người có thấy gì khác không.
Thuận ngẫm nghĩ và chỉ nhớ mài mại rằng khi bị ngọn bút đâm vào đầu và ống chân, nó có thấy quanh vùng bị đâm nóng rần rật lên một lúc. Cả khi bàn chân dẫm phải một viên đá nhọn, nó không thấy đau mà chỉ thấy tê tê, một cái tê tê có thể nói là rất dễ chịu.
Hiệp gật gù có vẻ thích thú, lên lầu lấy mấy cây kim dùng trong khoa châm cứu, vuốt cồn 90 cho sạch rồi thận trọng châm vào một huyệt trên đỉnh đầu, hai huyệt ở phía trên gan bàn chân và hai huyệt ở bắp chân, mé trong.
Thuận nhận thấy khi những huyệt này được châm, nó cũng thấy tê tê và nóng ran cả người, cảm giác này còn rõ ràng và khoan khoái hơn khi nãy gấp bội.
Một lát sau, nó mừng rỡ ngồi dậy ôm lấy Hiệp.
- Chú ơi! – nó reo lên – có lẽ cháu khỏi bệnh rồi, khỏi hết bệnh ngu tối rồi. Y như một phép lạ, chú ơi! Những gì cháu tưởng quên đi, giờ hiện về rõ ràng trong óc bằng những nét chữ sáng vô cùng.
Chị nó đi ngang qua, nó giữ lại và khoe:
- Chị Thuần ơi! Em khỏi rồi. Giờ em có thể theo học chương trình trung học bằng những đứa cùng tuổi em rồi.
- Thế à! Thuận thấy thế nào, nói chị nghe đi.
- Em thấy trong tận cùng óc của em có những tia ánh sáng tuyệt vời rọi tới khiến cho em nhớ lại được những gì em đã học nhưng đã chót quên mất trong lúc tối tăm.
- Trời ơi! – Thuần reo lên – Sung sướng quá! Thằng Thuận hết ngu rồi, má ơi! Thật là một phép lạ!...
______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG MƯỜI HAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét