Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Vòng Tay Mẹ - Chương 4

Chương 04

Mẹ đi lúa về rồi, mẹ cho Ngôn năm trái quit, Ngôn để dành chiều con Bông tới, Ngôn cho nó ăn. Ở miệt vườn, quít không thiếu gì, mà cũng không có đứa con nít nào không ăn quít. Vậy mà Ngôn cũng để giành biếu xén. Quít không quý giá, mà Ngôn thấy le le khi cầm trái quít đưa cho con Bông. Chắc con Bông sẽ nghĩ là Ngôn thảo ăn, chứ không biết là Ngôn muốn… lấy le đâu…

Cái hôm nhát ma, con Bông sợ muốn… té đái trong quần, nó chạy thiếu điều vắt giò lên cổ. Sáng đi học, nó méc thầy. Thầy bắt Ngôn, Thạnh, Khôi ra quì gối ngoài cột cờ. Tụi học trò chộ mắc cỡ muốn chết. Ai đời học trò lớp nhất, già đầu mà còn bị phạt. Xấu hổ gì đâu. Ngôn tức lắm đó chớ, mà không biết làm sao. Ngôn nghĩ thầm trong bụng : “ Con gái dữ còn hơn chằng tinh, cóc thèm quen nữa, lạy cũng không chơi. ” Con Bông cũng chẳng chịu thua. Nó cũng thề thốt với tụi con Cúc, con Cẩm là không đời nào quen với thằng Ngôn, thằng con trai khỉ gió nào hết. Ngày nào đi học cũng hay nguýt nhau tưng bừng.

Nhưng sau cái hôm phiêu lưu… hụt đó, Ngôn dẹp tự ái xuống, mấy lần muốn làm quen lại với Bông, Ngôn biết nhường nhịn bạn bè, không nên thù vặt… tại giấc chiêm bao lạ lùng. Hôm bữa kia, tới phiên đội con Bông trực, con Bông làm đội trưởng nên phải đi sớm lau bảng, tưới nước vô mấy lon trầu bà treo ở cửa sổ và cửa lớp, còn mấy đội viên quét lớp cho sạch sẽ. Ngôn cũng đi sớm nữa, Ngôn nhúng ẩm nùi giẻ, rồi lau bảng dùm Bông, Ngôn mở tủ nhỏ lấy khăn trải bàn cho thầy, lấy sổ, lấy thước, lấy viết đặt lên đó. Con Bông bắc ghế leo lấy mấy cái lon trầu bà ra sau ao tưới nước, nó thấy Ngôn làm chớ, mà nó không thèm nói.

Ngôn còn đi theo nó đòi xách giùm… một lon trầu bà. Con Bông bĩu môi quay đi. Ngôn xấu hổ trở lại lớp. Nhỏ Bông làm le ác ! Vậy đó mà Ngôn cũng không thèm giận lại, Ngôn thấy Bông bước vô, nó chỉ bảng :

- Tui lau dùm trò đó nghen !

Rồi chỉ cái bàn :

- Tui trải dùm trò đó nhen !

Con Bông sẵng giọng :

- Ai mượn trò mà trò kể công ! Mấy trò quét lớp, quét lẹ đi, rác rưởi quét cho gọn, quét luôn ai không phải đội trực mà vô sớm nữa nghe mấy trò.

Tụi con gái dụm đầu lại cười khúc khích, Ngôn thiếu điều độn thổ. Nó lầm lũi bước ra khỏi lớp. Nghĩ mà buồn con Bông hết sức, Ngôn làm quen mà nó còn chấp nhứt hoài. Biết vậy, Ngôn khỏi thèm. Con gái lại hay lẻo mép. Chuyện Ngôn bị Bông đòi quét ra khỏi lớp, tụi nó xúm nhau hát lớn :

- Làm quen con chó leng keng, con chó thổi kèn, con chó làm quen.

Quê với tụi con gái đã đành, Ngôn lại còn quê với phe con trai nữa. Sau này, chẳng biết ai mà ác đức đi thóc mách với con Bông cái chuyện Ngôn bỏ nhà ra đi bị té sông, Bông đồn rùm và từ đó Ngôn có thêm cái “ mỹ danh ” vô cùng độc đáo “ anh hùng phiêu… lọt ”. Cái gì cũng bị kêu “ anh hùng phiêu lọt ” hết. Riết rồi Ngôn chẳng dám nói chuyện với ai ngay cả thằng Thạnh, thằng Khôi mà cũng kêu Ngôn như vậy. Nhất là lúc tan học về, qua Đò chợ quận con Cẩm nhí nhảnh đứng lên diễn tuồng :

- Ta biết trôi dạt “ dìa ” đâu, ôi phương trời vô định…

Học trò chung xuồng cười vậy thôi muốn bể bụng. Rồi con Cẩm còn làm bộ té sông nữa chớ, thấy mà phát ghét. Ngôn tưởng là kể từ đó, hết mong làm lành với con Bông, vì Ngôn đã chỉ vào mặt con Bông, hầm hầm :

- Nói cho trò biết, cười người hôm trước hôm sau người cười, trò liệu hồn !

Con Bông bịt lỗ tai lại không thèm nghe nó nói :

- Chó sủa điếc tai, điếc mũi quá, Cẩm ơi, trò xuống sáu câu cho mùi coi.

Cẩm xảnh xẹ chống nạnh hai quai, ong óng cái họng :

- Xuồng trôi xuôi một nước, tưởng đâu ta “ dìa ” nơi bồng lai tiên cảnh, dè đâu ta lọt tuốt một cái… ơ… ơ… ùm.

Trời ơi Ngôn dằn ghê lắm, nếu không Ngôn xán cái con nhỏ đó mấy bạt tay cho méo miệng luôn chớ đừng nói. Vậy mà, cái câu hăm he của Ngôn “ linh ” thiệt. Bữa đó, con Bông vô nhà gì Tám Mịch, chắc để mua trầu, bận về thấy Bông vừa chạy vừa khóc, tới trước ngõ nhà Ngôn.

Bông bị một thằng nhỏ nắm áo lại, chạy lúp xúp đằng sau còn có thằng nhỏ khác mập mạp hơn, hai đứa này Ngôn thấy lạ, Ngôn đoán nó ở tuốt trong ngọn. Mà sao con Bông bị hai thằng này túm áo chận đường đến nổi khóc lận ? Ngôn núp vào bụi tre, không ngớt theo dõi. Hai bên nói với nhau cái gì đó, thằng kia thì hùng hổ, mạnh dạn quơ tay múa chân, còn con Bông tội nghiệp hết sức, cãi yếu xịu và quẹt mắt lia lịa.

Chợt thằng mập giơ tay xô con Bông cái mạnh. Ngôn hết hồn chạy ra la lớn :

- Ê ! Ê ! Làm gì xô con người ta vậy ? Bông, coi chừng…

Tiếng la của Ngôn vừa dứt thì con Bông chới với cũng vừa té xuống sông. Hai thằng nhỏ dông mất. Ngôn không thế bỏ qua được, con Bông hụp hụp dưới kia, hình như nó không biết lội. Ngôn nhảy xuống ôm lấy con Bông :

- Có tui nè Bông, trò đừng lo, trò… trò…

Ngôn chưa nói hết câu thì bị con Bông ôm cổ thắt chặt làm nó nghẹt thở ráng nói mà cứ kêu è… è… Con Bông sợ quýnh lên, nên khi thấy có người cứu là bắt lấy, Ngôn cố gỡ tay Bông ra mà không được, nó quơ hai tay lội vào bờ, lội ì ạch, lúc nào cũng muốn chìm lỉm, đeo thêm con Bông thật là nặng nề, cổ nó bị ôm cứng hơn, hơi thở nó đứt đoạn. Con Bông vẫn không biết, mắt Bông nhắm nghiền, Ngôn thấy máu dồn cả lên đầu rần rần, mệt quá, mắt nó mờ đi, nó ráng hết sức của nó… May làm sao vô được tới bờ mấp mé nước, Ngôn lăn đùng ra xỉu. Bông cũng vậy. Đến chừng mở mắt ra, Ngôn thấy mình đang nằm trên giường mẹ, mẹ thoa dầu nóng lên thân thể Ngôn, mặt lo âu. Con Bông thì ngồi bên cạnh khóc thút thít. Mẹ nhìn Bông dỗ dành:

- Thôi Bông ! Ngôn nó tỉnh rồi kìa ! Nín đi cháu !

Bông đưa tay áo lên chậm chậm mà :

- Cháu sợ trò Ngôn… chết quá hà.

Lúc đó, đang mệt ngất ngư, vừa mới choàng tỉnh mà Ngôn cũng phát tức cười, huống gì bây giờ ngồi nhớ lại.

- Làm cái gì mà ngồi cười một mình vậy ta ?

Con Bông mới quẹo vào ngõ đã vội vàng lên tiếng. Ngôn mất hứng khép miệng lại, gãi gãi đầu :

- Đợi trò tới nè, nhớ chuyện cũ nên cười cho vui.

Bữa nay Bông mặc cái áo bà ba tím, quần đen, tóc Bông kẹp lại gọn gẽ chứ không buông xõa như mấy lần đi học. Ngôn khen Bông một câu

- Trò Bông dễ thương ghê nơi.

Bông cười tự nhiên :

- Má tui mới mua cây kẹp ba lá đó, đẹp hông ? Tui kẹp tóc lại coi cũng dở dở hén trò !

Ngôn móc túi áo, lấy trái quít vàng khè ra đưa trước mặt Bông, làm điệu người lớn :

- Thưởng cho trò đó ?

- Cha ! Làm bộ dữ, lâu lâu cho trái quít cái lên chân à.

Nói thì nói chứ Bông cũng đưa tay lấy. Nó tẩn mẩn lột vỏ quít, mùi thơm cay cay bay vào mũi hai đứa ngon sao đâu. Bông tách ra cho Ngôn hai múi, vừa ăn Bông vừa kể chuyện :

- Trò biết hôn, lóng rày đánh giặc dữ quá, đạn lạc ngoài ruộng nhiều ghê ! Tía tui ông hết dám ra cấy thường rồi, ổng buồn hết nói. Nội cái nhìn miếng ruộng bị xe tăng chạy lằn ngang lằn dọc, ổng đủ nát ruột. Mới hôm trước đây hà, tá điền nhà ông Chạo bị lạc đạn chết người, thấy ớn xương sống !

- Sao trò biết ?

- Tui theo tía tui ra đồng chiều bữa đó mà. Xác nằm dài xọc ghê luôn.

Ngôn mơ màng :

- Ờ, tui cũng ghe chú Ban, với mấy người khác kể lại. Sợ quá héng trò ! Bây giờ lính về gác ở đầu cầu Cả. Đâu cũng đông lắm.

- Tui không thích đánh giặc đâu trò, máu me, chết chóc, trời ơi sao dễ sợ quá!

Con Bông nói xong nó rùng mình mấy cái, rụt cổ vào, le lưỡi ra, tưởng như là trước mặt nó đang có xác chết nào vậy.

Ngôn mỉm cười nhưng nụ cười bỗng méo xẹo não nề vì nó vừa nghe tiếng con Bông nói :

- Ngôn à, có lẽ tía má tui sẽ lên Saigon làm ăn. Dưới này lộn xộn quá chừng…

Ngôn nhìn Bông thật lâu :

- Chừng nào mới đi lận ?

- Hễ tính xong công chuyện nhà là đi, không biết chắc.

- Rồi trò nghỉ học luôn sao ? Trò không thi Đệ Thất sao ?

Bông vò vò miếng vỏ quít quăng ra sân :

- Ờ, chắc vậy. Tía tui nói học vậy đủ rồi, con gái mà.

Tự nhiên mà Ngôn thấy lòng nặng nặng, chắc buồn nhiều hơn vui. Mỗi lần đi học trên chợ quận, hễ thấy xe đò ghé lại đổ xuống vài ba người khách Saigon là Ngôn dòm trối chết. Họ mặc quần áo bảnh bao, ngộ nghĩnh, ăn nói gọn gàng thanh bai, thân hình thì chẳng dơ dáy cục mịch như dân ở đây.

Có người cũng yêu thích sông ngòi đồng lúa, có người lại ngoảnh mặt chê vách đất nhà tranh, Ngôn ước mong lần nào đó được lên Saigon. Chắc là vui lắm. Nhưng có khi nào ba tỏ ý dẫn Ngôn theo đâu. Rồi dạo này có mấy nhà bỏ làng mạc ào đi, xe đò về chợ quận cũng như thủa trước nhưng khách Saigon về thăm quê càng lúc càng thưa so với số khách quê đi ngược lên Saigon, mà hễ lên Saigon rồi thì không thấy họ về. Ngôn cũng nhìn theo dáng họ trên những chiếc xe đò lầm lũi, để nao nao trong dạ. Sao mà Ngôn thấy thương bộ bà ba đen cày cấy, thương những mái tóc chỉ biết bới lại sau ót thật thà. Họ đi rồi, đi hoài, làng mạc vắng lặng hơn, buồn bã hơn. Bây giờ tới lượt con Bông ? Làm sao biết được lúc nào nó trở về hay di luôn ?

Saigon yên vui, náo nhiệt, đèn đỏ đèn xanh, ngựa xe đông đúc. Không nghe tiếng súng đe dọa mạng sống. Không có những con đường bị giựt mìn đứt đoạn lở loét, ai lại chẳng ham sống ở đó ? Ngôn nhớ tới lời cô, khi giảng bài chính tả “ Saigon”: “ Saigon là một đô thị mỹ lệ trang nhã và thanh lịch với những nét đặc biệt của một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến ”, cô còn đọc cả một bài thơ nói về Saigon mà Ngôn chỉ nhớ lỏm bỏm, gì mà :

Saigon có bến Chương-Dương

Có Tòa Đô Sảnh, có đường Tự-Do.

Quả thật Saigon là một thiên đường, nơi chỉ toàn là an lành sung sướng, nơi chỉ toàn là dinh thự nguy nga, mai mốt gia đình con Bông lên Saigon, chắc gì còn chịu quay về đây ! Ngôn buồn bã cúi đầu nhìn thấy hột quít nằm trơ trên mặt đất. Ngôn hỏi Bông bằng một giọng thẩn thờ :

- Saigon chắc vui lắm, héng Bông ?

- Ừa, chắc vui lắm.

- Saigon chắc đông người lắm, héng Bông ?

- Ừa, chắc vậy.

Rồi thôi, nó không biết nói thêm gì nữa.

Ngôn muốn đừng ai bỏ làng mà đi, đánh giặc đâu phải đánh hoài, có ngày cũng sẽ hết. Bỏ làng mạc sẽ làm dòng sông khắc khoải, hàng dừa sẽ biết thở dài, và đám lục bình còn biết trôi tắp vào đâu ? Chẳng lẽ lục bình cũng tìm tới Saigon ? Ôi ! Tất cả sẽ buồn thiu. Con Bông thấy bạn không dưng ít nói, lại có vẻ suy nghĩ chuyện gì, mắt Ngôn tối lại, môi Ngôn mím mím. Bông nghĩ có lẽ chuyện Bông lên Saigon làm Ngôn xụi lơ. Bông bèn xoay sang chuyện khác:

- Ngôn nè, hôm bữa tui mém chết chìm trò cứu tui được đó, trò có hứa dạy tui tập bơi. Trò nhớ hông?

Ngôn gật đầu. Bông cười nhẹ:

- Rồi chừng nào trò dạy tui đây?

Ngôn im lìm. Biết chừng nào bây giờ? Hôm đó, con Bông nói cho Ngôn nghe lý do Bông không biết lội. Lúc sanh nó ra, bà mụ đở đẻ kiêm luôn bà thầy bói, bả nói con Bông mạng Hỏa nên kỵ Thủy lại tuổi con gà nữa, không nên cho Bông tắm sông, Bông sẽ bị "mắc đàng dưới". Tía má nó nghe lời không khi nào cho nó héo lánh xuống sông. Thành thử, con nhà quê mà chẳng biết bơi lội gì hết ráo.

Ngôn mới hứa là bữa nào sẽ lấy tàu dừa tập cho con Bông lội, để rủi ro có té sông thì chẳng bị chết chìm. Nhưng Bông sắp sửa theo tía má lên Saigon, chắc Bông không còn lo bị té sông nữa, mà nếu có biết lội thì sông đâu cho Bông lội bì bõm.

- Chừng nào trò dạy tui? Sao trò hổng nói? Bộ trò muốn cho tui thành "con chổng" lắm sao hả?

Tiếng Bông phụng phịu nhắc nhở Ngôn, nó nói đại:

- Không cần tui dạy trò cũng biết bơi như thường.

Bông tròn mắt:

- Ủa, sao kỳ vậy?

- Ờ, trò cứ việc bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún trò ba cái, là trò bơi te te như vịt vậy.

Bông xoa xoa bụng:

- Mèn ơi, đau chết còn gì.

Ngôn mắc cười cho nhỏ bạn, nó nói:

- Thà chịu đau mà biết bơi. Chớ trò hổng chịu hả?

- Thôi sợ lắm. Tưởng gì chớ cho chuồn chuồn cắn rún, hổng được đâu.

Nắng chiều lung linh xuyên qua tàng lá cây trong sân, đậu lốm đốm trên mặt, trên tay Bông, cả Ngôn nữa. Ngôn thấy con Bông sáng lên lạ lùng. Bông gần lên Saigon nên Bông vui chớ gì. Ngôn dặn dò:

- Chừng nào trò đi Saigon, trò nhớ cho tui hay nghen!

Bông gật đầu, đứng lên ra về, Ngôn nhìn theo đuôi tóc kẹp đong đưa sau lưng Bông cho tới khuất.



***

Ngôn nắm lấy bàn tay cô Tam xoè ra trước mắt. Ngôn nghiêng qua rồi nghiêng lại nhắm nhía đủ bề. Cặp lông mày nhíu lại ra cái điều suy nghĩ. Cô Tam che miệng cười:

- Sao thầy? Thầy coi dùm tui, quẻ tốt hay xấu?

Ngôn tằng hắng, chỉ vào lằn tay dài nhất:

- Cái đường này tỉ như đường sông, cho biết tình cảm của thân chủ dồi dào, nhiều như là... là... nước sông vậy?

- Tình cảm là cái gì hả thầy?

Ngôn nhìn cô Tam bối rối:

- Thầy không biết cắt nghĩa, thân chủ... ráng hiểu một mình.

Cô Tam cười ngất:

- Dạ, cũng được, rồi mời thầy coi tiếp.

Ngôn bấm mấy ngón tay lẩm bẩm:

- Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Tý, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi... hung hung kiết kiết.

- À, cái này thân chủ sống lâu lắm số trường thọ mà, cũng tới hơn bảy mươi mới theo ông theo bà...

Rồi Ngôn buông tay cô Tam ra:

- Thôi, Ngôn hổng làm thầy bói nữa đâu, Ngôn biết có bi nhiêu đó hà.

Cô Tam nựng má Ngôn:

- Ông thầy coi bói hay quá, mai mốt tui thưởng cho nhen!

Ngôn cười. Ngôn thấy lạ ghê, sao cô Tam không thèm lấy chồng, có con đi ở riêng mà lại ở chung với nội với mẹ hoài để lâu lâu bà chưởi bới, đánh đập. Dù bây giờ mẹ đã cho phép Ngôn nói chuyện với cô Tam, Ngôn vẫn phải e dè. Vì có lần Ngôn bắt gặp nơi mẹ một cái nhìn thật dữ khi Ngôn ngồi nghe cô Tam kể chuyện. Mẹ dặn Ngôn cô Tam có nói gì thì nói cũng đừng tin, đừng nghe theo mà bị đòn, Ngôn cũng không biết tại sao mẹ dặn Ngôn như vậy. Với Ngôn, những lời cô Tam nói, đều hiền lành, đều đáng tin hết.

Ngôn nắm ngón tay út của cô Tam vuốt vuốt:

- Sao cô Tam không có chồng, có con hả? Bộ cô Tam hổng thích hả?

Cô Tam cú lên đầu Ngôn:

- Mèn ơi, ai cho Ngôn hỏi kỳ cục vậy nà? Nhưng mà cô Tam cũng trả lời cho Ngôn nghe, lần này thôi, cấm hỏi nữa nghe chưa, Ngôn còn nhỏ hỏi chuyện vợ chồng làm chi? Bất cứ với ai cũng vậy. Ngôn nhớ chưa?

- Dạ nhớ!

Cô Tam kéo Ngôn ngồi sát bên cô:

- Ngôn nghe cô nè. Cô không lấy chồng, không có con là vì Ngôn đó. Cô thương Ngôn như là... con của cô vậy.

- Bộ cô hổng buồn khi bị mẹ Ngôn đánh, mẹ Ngôn la sao?

Mắt cô Tam nhìn ra dòng sông:

- Cũng buồn chớ, nhiều lúc cô muốn trốn, mà nhớ tới Ngôn cô không đành. Xa Ngôn cô còn buồn hơn là bị mẹ Ngôn đánh nữa.

- Sao vậy cô?

- Vì cô không có con, mà Ngôn dễ thương lắm, làm cô thương Ngôn nhiều, có khi cô tưởng Ngôn chính là... con của cô đó.

Ngôn ngước nhìn cô:

- Ngôn cũng thương cô nữa.

Cô Tam ôm mặt Ngôn, ngó thẳng vào mắt Ngôn:

- Bây giờ héng! Ngôn nghe cô nói nè. Giả bộ như cô với Ngôn là... hai mẹ con ngồi nói chuyện...

- Cô làm mẹ, còn Ngôn làm con hả?

- Ờ, Ngôn chịu hôn?

Ngôn ngẫm nghĩ sao đó, rồi gật đầu, cô Tam hớn hở ra mặt. Cô Tam tằng hắng.

- Bắt đầu nhen! Ngôn làm con của cô Tam à.

Cô Tam ôm Ngôn vào lòng, giọng cô run run:

- Con của mẹ ơi!

Ngôn ngoan ngoãn dựa đầu lên vai cô:

- Dạ!

- Con có thương mẹ không?

- Dạ, thương.

- Nhiều hay ít?

- Dạ, nhiều.

Cô Tam hôn lên tóc Ngôn, giọng cô thổn thức thấy rõ:

- Con thương mẹ nhiều mà con để ở đâu.

Ngôn lắp bắp vì sợ cô Tam sẽ khóc bất tử:

- Con thương mẹ con... để... trong... tim.

Ngôn tính nói "để trên đầu" nhưng nhớ lại, trên đầu để thương nội, trong lòng để thương ba, Ngôn thấy... chật quá và hết chỗ rồi. Ngôn nói đại "để trong tim". Cô Tam vụt khóc, nước mắt nhiễu xuống mặt Ngôn nữa. Ngôn hốt hoảng, Ngôn tưởng cô Tam không bằng lòng khi nghe Ngôn nói như vậy, nó nhổm người lên:

- Con... con... thương mẹ... nhiều lắm, để lung tung hết, chỗ nào cũng có.

Cô Tam siết chặt Ngôn trong tay, hôn lên trán Ngôn mấy cái hôn dài, cô thì thầm qua màn nước mắt, cảm động lắm, làm Ngôn khóc theo:

- Con ơi, từ lâu mẹ vẫn mong được gọi con như vậy. Con của mẹ, mẹ thương con nhiều lắm con biết không?

Ngôn không ngờ cô Tam dễ khóc đến như vậy, chỉ giả bộ thôi mà làm như thật. Cô Tam vuốt tóc Ngôn:

- Sống bên con, nhìn con vui vẻ bên người ta, mẹ thấy xót xa mà cũng cam chịu. Làm sao con hiểu được lòng mẹ đây, Ngôn?

Bỗng có tiếng mẹ la lớn đàng sau lưng cô Tam và Ngôn:

- Trời ơi, quá lắm rồi mà. Má ơi, má ra đây coi con Tam nè. Thiệt không ngờ mà.

Cô Tam hết hồn xô Ngôn ra thật mạnh, chút nữa là Ngôn té sấp xuống đất. Cô Tam lính quýnh lau nhanh nước mắt, nhìn má sợ sệt:

- Chị Năm...

Mẹ nạt ngang:

- Không có chị Năm, chị Sáu gì hết. Tao không dè mày lại khốn nạn như vậy.

Rồi mẹ xấn tới đánh cô Tam túi bụi; đầu tóc cô Tam xổ ra hết, mẹ túm lấy ghịch tới, ghịch lui, cô Tam khóc tấm tức mà không hề đánh lại mẹ. Sẵn có cây chổi chà quét sân gần đó mẹ chụp ngay, đập lên đầu lên cổ cô Tam liên hồi, Ngôn sợ quá khóc lên, nội trong nhà, chạy ra, la hoảng:

- Năm, Năm, gì vậy hả? Ngừng lại, Năm...

Mẹ xán thêm mấy bạt tay nữa mới chịu buông tha cô Tam, người cô Tam lúc đó bèo nhèo, xốc xếch trông thật thảm. Ngôn chạy lại đỡ cô Tam:

- Cô Tam có sao không? Cô Tam...

Mẹ quát lên:

- Ngôn, lại đây biểu.

Ngôn co ro đứng trước mặt mẹ, mẹ nhìn cô Tam tóe lửa, rồi gằn giọng hỏi Ngôn:

- Ai cho mày gọi con mọi đó là mẹ, xưng con ngọt xớt vậy. Trời ơi, mẹ mẹ con con đầm ấm dữ mà.

Mẹ vừa nói vừa cú lên đầu Ngôn ba bốn cái đau điếng. Ngôn vò đầu khóc ré lên. Nội kéo Ngôn lại gần nội. Nội hỏi:

- Chuyện gì vậy Năm?

Mẹ thở hổn hển:

- Phải chi má ra sớm mà coi. Con Tam ngoài này nó lộng giả thành chơn, nó xưng mẹ với thằng Ngôn, kêu thằng Ngôn bằng con, lại khóc kể nỉ non nữa chớ.

Rồi mẹ quay sang xỉa xói vào mặt cô Tam:

- Đi, mày cuốn gói đi khỏi nhà tao, đi ngay lập tức, tao không muốn mày ở trong nhà nữa.

Cô Tam vén tóc run run:

- Chị Năm, chị tha cho em lần này, tại em quá...

Cô Tam chưa nói dứt lời thì bị mẹ bạt tay một cái thật mạnh. Cô Tam bật ngửa. Ngôn chạy lại quì gối xuống năn nỉ mẹ:

- Mẹ, mẹ đừng đánh cô Tam tội nghiệp, nãy giờ chỉ là giả bộ thôi mẹ, chớ cô Tam đâu có tội tình gì đâu mẹ!

Mẹ hứ một tiếng rồi bảo với Ngôn:

- Con không biết gì đâu mà xin với xỏ. Con đứng lên, lại với nội kìa, mau.

Nội đến bên cô Tam, cô Tam cúi đầu chưa hết khóc. Bà nội nâng mặt cô Tam lên giọng nghiêm nghị:

- Tam, tao tưởng mày giữ lời chứ, nào dè... tao cho mày ở đây là vì lòng thương. Bây giờ chuyện như vậy đó, không còn cách gì khác hơn, mày đi khỏi nhà tao, mày đừng làm tao giận lên.

Cô Tam òa lên khóc, đôi vai run theo tiếng nấc nghẹn ngào. Ngôn bối rối quá, chỉ có một chút mà sinh ra lớn chuyện.

Cô Tam bị mẹ và nội đuổi đi, Ngôn ôm tay nội:

- Sao lại đuổi cô Tam hả nội?

Nội quắc mắc nhìn Ngôn:

- Mày liệu hồn mày! Tao đập một cái chết tươi bây giờ. Đi vô nhà!

Ngôn không dám cãi lời nội, nhưng Ngôn cũng không đành lòng bỏ cô Tam ở lại, dù rằng sự có mặt của Ngôn không giúp ích gì được cho cô Tam. Ngôn cứ tần ngần nửa muốn vào, nửa muốn không. Mẹ bới đầu tóc lại rồi nói như ra lệnh với cô Tam:

- Nội nhựt ngày nay, mày phải ra khỏi nhà tao. Dung túng mày trong nhà như nuôi ong tay áo. Nếu không nghe thì đừng trách tao.

Cô Tam gọi nhỏ:

- Chị Năm.

Nhưng mẹ vẫn quày quả đi một nước. Mẹ đã quyết định rồi. Nội cũng như mẹ:

- Bây giờ mày vô thu xếp quần áo của mày, tao cho thêm một ít tiền bạc đi xe, tao cũng cho mày luôn chiếc xuồng đó, muốn làm gì thì làm.

Cô Tam quỳ xuống níu chân nội van xin:

- Bác Hai, bác Hai thương cháu, cháu tứ cố vô thân, cháu bỏ xứ về đây chỉ còn nhờ vào bác Hai, bây giờ bác với chị Năm đuổi cháu đi, cháu biết đi đâu?

Nội cười gằn hất tay cô Tam ra:

- Mày đi đâu mày đi chớ. Tao hết còn thương mày nổi rồi, mày liệu mà thu xếp. Tao không ưa nói nhiều, tánh tao chắc mày cũng biết. Thôi, vô nhà Ngôn!

Nói xong, nội kéo tay Ngôn, lôi thằng nhỏ đi lẹ. Ngôn ngoái đầu lại thấy cô Tam ngẩng đầu lên kêu tên Ngôn rồi gục xuống đất. Ngôn chảy nước mắt:

- Cô Tam xỉu nội ơi!

Nội không nghe dắt Ngôn đi tuốt vào nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét