7. Vào Đời
Thế là con xa gia đình gần một tuần rồi. Lần thứ nhất đi xa, và nghĩ là có thể xa mãi mãi, con thấy trong lòng bâng khuâng, bồi hồi thế nào. Mẹ chắc đang trông thư con lắm. Con cũng biết thế mà không sao viết thư sớm về cho mẹ được. Con bận việc quá mẹ à.
Hôm đi con tưởng con sẽ can đảm lắm và thích thú vì thấy mình sắp được tự mình điều khiển lấy cuộc đời, con thầm nhủ trong lòng : mình sẽ không khóc, chắc chắn như thế. Con có cảm tưởng kỳ cục là nếu con khóc, chắc ở Huế mẹ cũng sẽ khóc. Mẹ con mình đã chẳng từng có những cái rất trùng hợp với nhau là gì phải không mẹ ? Ấy thế mà lúc lên xe đò, nhìn từng ngọn cây, từng dấu đường trôi
về sau lưng, nơi đó mẹ đang nằm khóc thương con, con không sao cầm được nước mắt. Mẹ cũng biết, con mà khóc thì tai mũi gì đều đỏ chót lên, cả giờ sau mới hết. Mấy người trên xe quay lưng nhìn con nhạc nhiên. Có người tủm tỉm, có người ghé sang người bên cạnh nói gì đó mà cả hai cùng cười. Con tức quá, xấu hổ nữa. Con chả biết làm gì hơn là lấy khăn chậm nước mắt và đeo kính đen lên. Thế mà nước mắt cứ ràn rụa làm con cứ phải cất gương lau nước mắt hoài đó mẹ. Con mẹ yếu đuối quá mẹ nhỉ.
về sau lưng, nơi đó mẹ đang nằm khóc thương con, con không sao cầm được nước mắt. Mẹ cũng biết, con mà khóc thì tai mũi gì đều đỏ chót lên, cả giờ sau mới hết. Mấy người trên xe quay lưng nhìn con nhạc nhiên. Có người tủm tỉm, có người ghé sang người bên cạnh nói gì đó mà cả hai cùng cười. Con tức quá, xấu hổ nữa. Con chả biết làm gì hơn là lấy khăn chậm nước mắt và đeo kính đen lên. Thế mà nước mắt cứ ràn rụa làm con cứ phải cất gương lau nước mắt hoài đó mẹ. Con mẹ yếu đuối quá mẹ nhỉ.
Đường Huế, Quảng Trị có đoạn đẹp lắm mẹ. Đi trên đường, nhìn ra quãng núi xa, dòng sông con uốn khúc và rừng thông xanh mát. Con tưởng tượng đến một hôm nào, khi thanh bình, mẹ con mình mua đất ở đấy, cất mái nhà lá, rồi mẹ trồng hoa (hoa hồng ấy mẹ nhỉ), rồi em Trương ươm cây, anh Trần dựng cổng. Hẳn ngôi nhà của mình sẽ đẹp nhất vùng và ấm cúng nhất vùng, vì có tình thương của mẹ, tiếng hát của Trương, vòng tay anh Trần và tiếng cười của con, luôn cả tiếng khóc nũng nịu của em Thủy nữa. Mà tiếng cười của con đâu chưa thấy, đã thấy con khóc rồi đó. Nhìn những ngọn núi xanh sẫm khắc lên màu trời như nét cắt, nhìn dòng nước xanh chảy nhẹ nhàng con nhớ Thanh Khê của mình ghê. Ngôi nhà tranh nhỏ, bờ cát trắng bên dòng suối ngoan hiền của mình chừ chắc không còn chi ? Cả rặng liễu nữa. Con vẫn mơ ước về sống ở đó. Nơi ấy trông thơ mộng như nét vẽ một bức tranh tàu. Còn bây giờ, bức tranh tàu ấy bị cháy nham nhở, mất cả đẹp. Tiếc quá phải không mẹ ?
Con đến Quảng Trị lúc 9g30. Chúa nhật nhưng chả đông gì mẹ ạ. Bác Hoàng bảo con « Thành phố Quảng Trị nhỏ ri nè, cháu sống được không ? » Con chỉ cười. Con đã thấy rõ, đã biết nhiều gì về nó đâu. Xe đi qua phố mà con có cảm tưởng đi vào một con đường nào đó bên lề ngoại ô, vì phố vắng không mấy sầm uất.
Nhà bác Hoàng ở dọc theo bờ sông Quảng Trị. Con sông này cũng hiền và phảng phất như sông Hương nhưng ít thuyền đò hơn. Nó đẹp hơn ở chỗ bên kia bờ là rặng dương liễu và bãi cỏ xanh, không thấy nhà cửa gì. Bên này sông dọc theo con đường ven bờ là hàng phượng. Bây giờ là mùa hè, phượng trổ hoa đỏ rợp. Con mẹ cũng may mắn đấy chứ. Được sống ở một nơi thơ mộng như thế còn mong gì hơn. Con không còn bị chắn mắt bằng những lớp tường cao kéo dài suốt đường. Mắt con thong thả nhìn giòng sông, nhìn qua bên kia bờ, và tít tận trời xanh nữa kia. Con bằng lòng ở chỗ mới này lắm mẹ ạ. Mẹ cứ yên tâm, đừng lo gì nhiều cho con. Bác Hoàng tử tế, bác gái cũng hiền. Chỉ một nỗi ở đây nhiều con nít quá. Con mong chúng không phải là những đứa bé cứng đầu và tinh ranh.
Bác Hoàng dành cho con một phòng ở trên lầu. Phòng bé lắm nhưng con nghĩ con sẽ trang hoàng tử tế và nơi đây sẽ là nơi sau mỗi buổi đi làm, con nằm nhìn dòng sông, tưởng tượng như sông Hương đang hiển hiện trước mắt. Và sẽ nghĩ về mẹ thực nhiều.
Chiều hôm ấy, bác Hoàng đưa con đi ăn cao lâu. Tiệm ở đây cũng thường. Xong, bác ấy dắt con dạo qua một vòng phố. Ban ngày trông thường, ban đêm nhờ có đèn và tối trời, trông cũng vui vẻ không khác gì thành phố chúng mình vào ban đêm mẹ ạ.
Con đường chính ở đây cũng mang tên Trần Hưng Đạo. Tại sao các đường chính ở các thành phố lớn đều mang tên Trần Hưng Đạo há mẹ ?
Đưa con tới tận phòng, bác Hoàng bảo con : « Cháu có gì không vừa ý cứ nói với bác. Phòng này tuy bé nhưng mát lắm, nếu cháu không thích, cháu có thể đổi phòng cho con Đào. Nó học ở Huế, lâu mới về, không sao đâu ». Con phải thưa với bác là con thích ở phòng này lắm, và cảm ơn lòng tốt của bác, bác ấy mới chịu xuống nhà đó mẹ.
Suốt cả ngày hôm đó, con phải don dẹp phòng, sắp đặt đồ đạc. Vừa mệt, vừa nhớ, vừa xôn xao trong lòng, con bây giờ chỉ muốn ngủ cho khỏe. Vậy mà ngủ không được. Con cứ trằn trọc hoài... Con không dám bật đèn để đọc sách hay ngắm ảnh mẹ mà con đặt trên bàn cạnh giường, dù con ao ước được ngắm nụ cười của mẹ không biết bao nhiêu. Có lẽ tại lạ giường nên con không ngủ được đấy mẹ ạ.
Sáng hôm sau, con dậy sớm. Mở cửa sổ ra, gió mát rượi. Suốt cả ngày, chỉ có buổi sáng là dễ chịu. Khí hậu ở đây cũng không thua gì Huế, có phần hơn là khác. Nóng và bụi kinh khủng. Gió ở đây hay có gió xoáy mẹ ạ. Còn nhớ hồi xưa, bọn bạn con nó bảo, khi nào có gió xoáy là có ma, và nếu mình lấy nón úp lên, khi mở ra thế nào cũng có một hòn máu đỏ. Con nghe sợ lắm. Bây giờ thì con biết chúng nó nói phượu thế thôi. Làm gì có ma mẹ nhỉ. Chúng nó nói nhảm thế mà con tin bằng thích. Con nít thật. Con mẹ bây giờ đã lớn, và còn lớn nữa. Đã vào đời rồi còn gì.
*****
Thưa mẹ,
Tối hôm qua, lúc đang viết thư cho mẹ bác Hoàng gọi con xuống ăn chè, rồi ngồi nói chuyện đến khuya, con không viết tiếp được...Tối nay con lại đặt ảnh mẹ trước mặt, viết như kể lại cho mẹ vậy. Mẹ ạ, cái hôm đầu tiên con đến sở thật là buồn cười. Bác Hoàng chở con đến nơi, bỏ con đấy để đi làm. Con bước vào. Ở đấy nhiều phòng quá khiến con cứ phân vân không biết nên vào phòng nào. Con không dám tới ngay phòng ông Giám Đốc, sợ có « thủ tục hành chánh » gì rắc rối thì phiền. Sẵn chiếc ghế đặt cái bàn nhỏ không có ai, con ngồi đại xuống, đầu cúi gầm. Trong óc có sắp sẵn mấy câu trả lời. Đang nghĩ miên man, chợt con cảm tưởng có ai đang nhìn, con ngẩng phắt lên. Một anh chàng đang đứng trước bàn, lạ lùng nhìn con. Anh ta nói, giọng bối rối : « Xin lỗi, cô có thể cho tôi mượn cái máy đánh chữ trên bàn một chút không ? » Con giật mình khi thấy mình đang chống tay vào cái máy đánh chữ, coi bộ thật tội nghiệp. Lúng túng, con vội đứng dậy, xin lỗi rối rít. Nhân thể, con hỏi thăm khi nào con có thể gặp ông giám đốc. Anh ta kêu lên : « À, cô là cô Thường hả ? Cô định đến nhận việc phải không ? Tôi là Đặng, ông ấy sắp đến đấy ». Nói xong, anh ta nhắc cái máy đánh chữ, đem vào phòng trong... và biến luôn. Anh ta nhường cái ghế cho con đó mẹ. Đứng coi kỳ quá, con lại ngồi xuống. Thấy tờ báo trên bàn, con vớ lấy đọc luôn. Hết cả tin tức, truyện dài, truyện ngắn, quảng cáo nữa, ông giám đốc mới lái xe tới.
Con lúng túng chào ông. Ông gật đầu chào trả rồi cũng đi luôn vào phòng, không hỏi con một lời. Con tủi quá, muốn khóc lên được ấy, nhưng nước mắt chưa kịp tràn ra thì anh chàng xưng tên Đặng tìm đến. Con vội vã quay mặt vào phía tường, giả vờ ngắm nghía tấm lịch nhỏ, và lén đưa tay chùi nước mắt. Con xấu hổ ghê đi khi anh ta nhìn con ranh mãnh. « Ông giám đốc mời cô vào ». Con cảm ơn anh ta xong cúi đầu đi. Phòng ông giám đốc nằm trong cùng, phía ngoài là phòng nhân viên. Con phải đi qua giữa mấy mươi bộ mặt xa lạ ấy, con bối rối quá, mặt cứ đỏ bừng như say rượu. Đôi gót guốc bỗng như muốn cao thêm làm con lảo đảo. Con mẹ tội nghiệp quá, phải không mẹ. Từ phòng này sang phòng kia chừng mươi thước mà con tưởng như cả cây số. Gần cửa phòng tim con đập loạn lên. May quá cửa phòng mở sẵn, con chỉ gõ vài tiếng nhẹ là ông giám đốc đã bảo con, giọng tử tế : « Cô cứ vào ».
Ông ấy cũng không có vẻ gì nghiêm khắc, lạnh lùng hay kiêu căng như con tưởng. Ông đứng đắn, và có cặp mắt nhìn thẳng, nghiêm nghị làm con nể. Ông chỉ đưa cho con một tờ giấy trắng, một cây bút, và bảo con thảo một cái thư mua hàng cho nhà buôn Thanh Lịch, xong đánh máy và đưa cho ông xem. Ông coi đồng hồ và tính chữ thử con làm xong trong mấy phút. Con ngồi ở chiếc bàn trong góc phòng, chếch với bàn ông giám đốc. Con run quá mẹ ạ, đánh máy cứ sai bét. Sau con phải đánh bạo xin ông tờ giấy khác. Ông đưa cả một sấp giấy cho con và lần thứ nhất con thấy ông cười. Nụ cười thương hại hay diễu cợt, con không biết, nhưng con yên tâm hơn. Sau khi hỏi qua loa về gia đình, học lực... ông nhờ anh Đặng đưa con sang phòng nhân viên.
Phòng con gồm tất cả 6 người. Chỉ có một nữ thôi mẹ ạ. Con hy vọng sẽ quen thân chị ấy trong nay mai.
Khuya quá, con đi ngủ đây. Kính chúc mẹ của con an lành và xin đừng nghĩ nhiều về con.
Con của mẹ
NGỌC THƯỜNG
*****
Thưa mẹ,
Con chưa quen hết các nhân viên trong sở, nhưng con đã quen với mấy anh chị ở cùng phòng. Họ bảo con là cô bé trẻ nhất ở đây đó mẹ. Họ hỏi con tại sao không học nữa. Con chối là học dốt không theo nổi nên đi làm cho vui. Nào có gì xấu hổ khi bảo mình nghèo đâu phải không mẹ ? Nhưng con không muốn kể lể làm gì. Vô ích, vì họ hỏi để mà hỏi, ai cần để tâm mà hiểu cho mình. Con đã nói về chị Á Liên chưa nhỉ. Hình như chưa. Chị ấy mới thoạt nhìn, con tưởng còn trẻ. Ai ngờ chị ấy đã hai con rồi đó. Con lớn của chị những 10 tuổi kia. Chị bảo chị lấy chồng sớm từ năm 16. Năm nay đã 28 tuổi mà trông như 23, 24. Chồng chị ấy là thiếu úy, à quên trung úy bộ binh, đi hành quân luôn. Chị ở nhà với hai đứa con, lủi thủi buồn lắm. Chị rủ con đến nhà chơi. Con định chúa nhật này sẽ ở lại với chị ấy, nhưng không biết có tiện không.
Mẹ à, con tính một tháng về Huế một lần. Thế mà mới có một tuần con đã nhớ như điên. Chúa nhật vừa rồi con nằm vùi trong phòng cả ngày. Bác Hoàng bảo để chở con đi chơi La Vang, nhưng tối thứ sáu nghe đâu có đánh nhau gì đó, bác ấy hoãn cuộc đi chơi lại. Con chả biết làm gì suốt ngày thứ bảy và chúa nhật, chỉ nằm đọc sách chán lại thêu áo gối, và nhớ mẹ kinh khủng.
Con chưa làm quen được với mấy đứa bé con bác Hoàng. Chúng nó thì đông mà con có một mình. Con thấy « phe ta » yếu ớt quá. Bọn chúng chưa thích con. Có lẽ tại con ít biết đùa và không chịu làm quen với chúng trước. Ở nhà, con buồn quá, chỉ mong cho mau chóng hết ngày thứ bảy, chúa nhật để đi làm trở lại. Không khí ở đó dễ chịu hơn, và nhất là công việc sẽ làm con bận rộn mà quên đi những nỗi nhớ thương.
Nhiều lúc con nghĩ cũng buồn cười. Người ta chỉ mong đến ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, giải trí, còn con thì mong cho chóng hết mấy ngày nghỉ để đi làm. Mong ước độc nhất của con bây giờ là được trông thấy mẹ. Đêm nào ngủ con cũng mơ thấy mình đang ngồi trong vườn, ăn ổi mọng và cười đùa với bé Thủy. Còn mẹ, mẹ cũng nhớ con đấy chứ ?
Công việc của con ở sở không có gì mẹ ạ. Cũng chỉ viết thư, đánh máy, kiểm soát lại sổ chi tiêu của hãng từ mấy tháng trước, con đánh máy chưa được đều. Chị Á Liên bảo, dù sao mới mà đánh được thế cũng khá lắm rồi. Con sẽ cố gắng để mọi người bằng lòng và để không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Thôi con ngừng.
Nhớ mẹ vô cùng
Con của mẹ
NGỌC THƯỜNG
*****
Thưa mẹ,
Con vừa mới đi La Vang với bác Hoàng về xong. Bây giờ đã khá chiều rồi, nhưng con sẽ viết ít hàng trước khi xuống ăn cơm với cả nhà.
La Vang đẹp lắm mẹ ạ. Con không vào trong nhà thờ, chỉ đi quanh thôi. Từ cổng vào đến nhà thờ cũng xa. Hai bên là những bức tượng đối diện nhau bằng đá trắng. Tượng xây theo kiểu lập thể mới mà đẹp lạ. Con thích nhất là tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng ở phía trong, bên tay trái. Tượng này lớn nhất. Mới thoáng nhìn như hình cái cây vút lên, nhưng nhìn kỹ mới tưởng tượng được dáng âu yếm của mẹ Maria.
Con cứ đi lui, đi tới, ngắm nghía mấy bức tượng đến mê. Bác Hoàng chắc quen thuộc với cảnh này quá rồi nên chỉ ngồi trên xe, hút thuốc lá. Kể ra từ thành phố đến đây cũng gần, đường lại dễ đi. Nếu không bị những vụ quấy rối, hàng ngày vào buổi chiều có thể lên đây chơi được. Đi xe đạp cũng thú chán.
Thành phố này nhỏ quá mẹ ạ, con chả biết đi đâu cả. Vào buổi chiều khi tan sở, con muốn làm một vòng cho mát như hồi còn ở Huế, con thường thơ thẩn đi quanh trước khi về nhà. Nhưng con không dám. Con sợ phiền bác gái. Bác ấy vẫn có lệ ăn cơm sớm, nếu con còn đi dạo, bác ấy phải chờ cơm. Mình ở trọ nhà người ta, không nên làm phiền họ nhiều, nhất là cả hai bác đều yêu mến con.
Mẹ ạ, bác Hoàng gái vừa gọi con xuống ăn cơm. Vậy con tạm ngừng đó nhé.
Thưa mẹ,
Chị Á Liên có bảo con, nếu muốn con có thể đến ở chung với chị ấy. Con có thưa là để con hỏi ý kiến của mẹ đã. Tuần trước con có đến nhà chị ấy ăn cơm trưa. Con thấy tuy ở đấy không gần sông, nhưng cũng rộng rãi, có vườn ổi. Nhà thì loại xưa, nghĩa là thấp và có cột gỗ như nhà dì Hảo đó, tối nữa, nhưng thực là xinh. Chị ấy bảo nếu con chịu đến ở với chị, chị sẽ cho con căn phòng trông ra vườn ổi. Rồi chị cười : « Thường tha hồ mà rỏ nước miếng ». Quả thế mẹ ạ, ổi nhà chị Á Liên ngon, trắng không kém gì ổi Sài Gòn mà mẹ mua hồi năm ngoái. Con không dám quyết định và chờ mẹ đó. Hôm nào con vào mẹ cho con biết ý mẹ nhé.
Có một điều con muốn thưa với mẹ là ở đây, tuy con không thiếu thốn gì, nhưng con vẫn khó chịu thế nào ấy. Đến bữa cơm, con thường xuống bếp, mong giúp bác gái và tìm cách gây cảm tình. Nhưng bao giờ bác ấy cũng xua tay : « Thôi, khỏi, cháu lên phòng mà nghỉ, để đó cho bác ». Con nghĩ, nếu con không đáp lại bác một món quà nào cho lòng tử tế mà bác đã cho con sống ở đây thì con vô tình và bất lịch sự. Mà nếu con đưa tiền hay mùa quà cho bác, chắc bác không chịu nhận đâu. Con tính mua quà cho các con của bác nhưng chúng xa lạ quá. Mẹ bảo làm sao bây giờ ?
Nếu ở với chị Á Liên, con sẽ dễ tính hơn một chút. Con sẽ trả tiền trọ và ăn uống. Chị ấy không nhận nhiều đâu. Chị ấy đã hiểu tình cảnh gia đình mình. Với lại, chị ấy chỉ cần có bạn thôi mẹ ạ. Hai đứa con của chị, thằng Trịnh, con Nguyên, thật dễ thương. Chúng nó bảo con : « Hôm nào chị Thường tới với bọn em nghe. Rồi vẽ cho em học... » Con gật đầu, thấy gần gũi với chúng nó nhiều lắm. Sao bà con mà mình không thân bằng người dưng mẹ hè ? Con thấy nhiều cái mâu thuẫn ghê.
Con mong cho hết tuần này để con được trở về thăm mẹ. Con sẽ ôm mẹ như ngày xưa. Bé Thủy có nhắc gì đến con không mẹ ?
Con của mẹ
NGỌC THƯỜNG
*****
Mẹ yêu kính,
Đáng lẽ con không viết thư này cho mẹ vì ngày mai con đã ở trong vòng tay của mẹ rồi, nhưng hôm nay, con vui quá mẹ ạ. Có nhiều chuyện làm con không sao không kể cho mẹ của con nghe được.
Hồi sáng này con đã lãnh lương rồi. Ký tên mình lên bảng lương đầu tiên, con run lên vì sung sướng. Đấy là món tiền đầu tiên trong đời con tự mình kiếm được. Con không sao diễn tả nổi nỗi bồi hồi, nôn nao của con lúc bấy giờ. Niềm ao ước mãnh liệt nhất của con là có mẹ ở bên cạnh để con được trao ngay số tiền ấy cho mẹ. Giúp đỡ được gia đình và tiêu số tiền do chính mình làm nên là một hạnh phúc nhỏ trong muôn ngàn loại hạnh phúc để tạo nên một hạnh phúc vẹn tròn, phải thế không mẹ ?
Hình như ông giám đốc cũng thấy tay con run rẩy, mặt con đỏ bừng. Ông mỉm cười bảo : « Nếu cô thành thạo, vài tháng nữa tôi sẽ đề nghị tăng lương cho cô ». Con lúng túng cảm ơn ông, dù con không tin tưởng ở lời hứa của ông lắm.
Mấy anh trong sở chế con : « Cô Thường chiều ni chắc đi bát phố ». Có anh bảo : « Dám chiều ni phải kêu sở lục lộ Huế vô sửa đường lắm nghe ! » Con đang còn ngơ ngác, anh ấy thêm : « Vì cô đi mòn đường hết đó mà ». Cả phòng cùng phá lên cười. Con liếc nhìn chị Á Liên, chị ấy cũng nhìn con, nửa thông cảm, nửa có vẻ không bằng lòng. Ánh mắt ấy con chưa hiểu được. Nhưng con lờ mờ thấy chị ấy sắp xa con. Không lẽ mới quen lại có thể ghét nhau liền sao mẹ ? Con cố gắng không nghĩ đến điều đó. Con tin chị Á Liên sẽ giúp đỡ con suốt trong thời gian con làm ở đây.
Trưa về, con mân mê cái ví trong tay. Cái ví bé xíu thế mà đựng cả công lao của con một tháng đó mẹ. Ghé qua phố, con mua ít bánh và một nải chuối tiêu cho mấy bé con bác Hoàng. Chúng nó đã bắt đầu mến con. Buổi tối, chúng nó lên phòng con, cùng con nhìn ra phía sông đen, và nghe con kể chuyện. Bốn đứa con của bác đều xinh, chỉ phải cái hơi kiêu căng vì bố mẹ giàu quá. Con tin là khi lớn, chúng sẽ hiểu rằng giàu nghèo không phải là thứ cố định. Cuộc đời lắm thăng trầm, và biết đâu có ngày chúng lại không phải cúi mình xuống vì bát cơm manh áo. Con muốn nói là chúng sẽ phải đổ mồ hôi để tìm phương tiện sống. Con dĩ nhiên không chấp nhận sự luồn cúi, sự đê hèn. Tuy thế, con cũng hãi sợ. Nếp sống vật chất, thiếu thốn vật chất đôi khi mãnh liệt hơn thiếu thốn tinh thần. Chỉ trừ những người siêu việt, có ý chí mạnh hơn thể xác thì không kể. Con cầu mong cho mẹ con mình không bao giờ phải đầu hàng những đòi hỏi của thể xác. Con đang chờ xe bác Hoàng về để đưa con ra bến xe. Chị Á Liên có gửi tặng mẹ ít ổi. Chắc là số ổi này, một nửa sẽ vào miệng con trước, rồi bé Thủy. Anh Trần ghét ba « của » này, Trương thì thích thanh trà, bưởi hơn. Chỉ có con với Thủy là « hạm trưởng » thôi.
Mẹ có cần mua gì ở Quảng Trị không ? Bột sắn cơm chẳng hạn, hay cà phê Khe Sanh ? Con sẽ nhờ bác Hoàng mua giúp. Bác ấy giao thiệp rộng, chắc mua dễ. Bột sắn cơm uống với đường, nước đá, ngon và mát lắm mẹ ạ. Nếu mẹ cần, khi con vào, mẹ nhớ nhắc con nhé.
Ấy, hình như có tiếng xe. Con ngừng đây, sắp gặp mẹ sau một tháng dài, con nôn và mừng quá mẹ ạ.
Con mẹ,
THƯỜNG
*****
Mẹ của con,
Trước hết, con muốn xin lỗi mẹ. Mẹ ơi, con đã làm mẹ buồn. Con đã quá liều lĩnh và nhất là đêm qua, mẹ đã khóc nhiều lắm. Con có lỗi, con biết. Nhưng nếu mẹ hiểu cho con nỗi thất vọng ghê gớm khi bước chân trở về, lòng bừng nở bao nhiêu hy vọng và bao nhiêu mừng vui, chắc mẹ thông cảm mà không mắng con là đứa con bất hiếu nữa.
Thưa mẹ, suốt từ trên đường Quảng Trị, Huế, con đã nôn nóng không biết bao nhiêu. Hành trang con chỉ là chiếc sắc nhỏ đặt dưới chân và trên tay cái ví con đựng số tiền lương thứ nhất trong đời. Con đã tưởng tượng khuôn mặt mẹ rạng rỡ. Và con biết chắc nét rạng rỡ ấy là do sự hiện diện của con, chứ không phải do số tiền nhỏ nhoi con mang về cho mẹ. Con mong gặp mẹ, bá cổ mẹ, ôm em Thủy, cười với em Trương và đùa anh Trần về chuyện chị Quỳ. Con tưởng tượng mẹ rưng rưng nước mắt, thương xót con như mẹ thường nhỏ nước mắt khóc anh Trần sau mỗi chuyến hành quân xa. Con tưởng tượng bé Thủy sẽ năm lấy áo con mà reo :
- Chị Thường về, chị Thường vê !
Và sẽ nũng nịu :
- Quà của em đâu ?
Con tưởng tượng em Trương nheo mắt sau làn kính cận :
- Có gì vui không ta ?
Bao nhiêu những mừng vui sẽ vây bọc lấy con và làm con nghẹn lời. Con nghĩ con sẽ kể chuyện bác Hoàng trai và bác gái cãi nhau về vụ đi xem phim Ấn Độ, bác Hoàng trai thích xem phim gián điệp, bác Hoàng rủ cả nhà cùng đi. Bác gái không chịu, bảo mai hãy đi, phim bắn nhau chán lắm. Bác trai hỏi : « Cũng được, nhưng mai họ chiếu phim chi đó? ». Phim « Con của ai » Ấn độ hay lắm. Thế là bác trai đưa cả hai tay lên trời, than não nuột : « Trời đất thế thì thà giết tôi còn hơn ! ». Vụ đi xem chớp bóng không thành. Có điều con cũng không tiếc, bởi con ghét cả hai loại phim đó. Với lại rạp hát ở đây nhỏ mà nóng lắm, ở nhà đón gió từ mặt sông lên thích hơn.
Con cũng nghĩ con sẽ kể cho cả nhà nghe về bé Phụng Hoàng, con út của bác Hoàng mà ở nhà thường gọi bằng con Út, con bé thông minh đáo để, cái gì cũng hỏi. Nó còn biết ca cải lương nữa. Buồn cười lắm.
Bao nhiêu chuyện để kể phải không mẹ ? Thế mà con có kịp nói gì đâu, con có kịp tươi vui phút nào đâu.
Nếu mẹ thấy con mẹ tung tăng nhảy từ trên xe chạy biến vào nhà tìm mẹ để ôm mẹ như nó hằng ao ước suốt cả tháng trời, chắc mẹ không chỉ liếc mắt nhìn con : « Về đó à ! » rồi tiếp tục công việc của mẹ. Mẹ biết con đã đau khổ thế nào không ? Mẹ biết con đã thất vọng thế nào không ? Nếu con không giữ kịp, có lẽ con đã òa lên khóc ngay khi đó.
Bây giờ thì con hiểu mẹ cũng khổ. Mẹ không muốn cho con đi làm. Mẹ mong con được tiếp tục học, kéo dài được thời học sinh khi nào hay khi ấy. Nhưng mẹ ơi, mẹ đã không làm được điều mẹ ao ước. Và mẹ cảm thấy mẹ không tròn bổn phận với con.
Mẹ yêu của con,
Công mẹ lớn như biển cả. Tình yêu mẹ mênh mông biết lấy gì so sánh được. Con đi làm như thế này, có nghĩa lý gì với những ngày con còn thơ, mẹ đã săn sóc con, âu yếm con. Sao mẹ có thể nghĩ như thế ?
Con cũng hiểu rằng sự hiện diện của con đã làm mẹ chợt thoáng buồn cho thân phận mình, mẹ không vui khi con về không phải vì mẹ không yêu con nữa, nhưng vì mẹ không cảm thấy gần con nữa, phải thế không mẹ ? Mẹ sợ đối diện với con như đối diện với sự thực tủi buồn, mẹ đã quá bi quan và cái bi quan của mẹ đã làm sụp đổ mọi hy vọng trong con. Con về đó với tất cả non nả và mừng vui cho mẹ. Con chưa bao giờ nghĩ tưởng sẽ gặp cái không khí lắng đọng đến nghẹt thở như hôm qua. Điều đó làm con choáng váng lẫn khổ sở.
Con xin lỗi mẹ đã không ở lại đến một phút giây nào. Con đã trở ra lại Quảng Trị liền khi ấy.
Thưa mẹ !
Con nông nổi quá ! Đáng lẽ con phải ở lại để tìm hiểu mẹ, để làm cho dễ thở cái không khí nặng nề ấy. Nhưng từ trong tâm hồn, con hiểu con không đủ sức. Con không dám làm phiền mẹ nữa đâu.
Sáng nay, anh Trần đã ra tìm con. Chúng con nói chuyện trong phòng, anh Trần giải thích cho con hiểu. Con của mẹ hư quá. Mẹ tha lỗi cho con.
Trước khi anh Trần về Huế, con viết thư này, mong mẹ đừng buồn nữa.
Đêm qua, con có ý nghĩ là sẽ không bao giờ trở về Huế nữa. Nhưng bây giờ con lại nghĩ là con sẽ về Huế một tháng một lần như con đã định trước.
Lần sau vào, con hy vọng lại thấy nụ cười của mẹ, tươi hơn bao giờ hết.
Đường Huế, Quảng Trị không được yên. Mẹ đừng ra đây. Nhỡ có chuyện gì, con không chịu nổi đâu. Mẹ cố gắng ngủ cho ngon và đừng nghĩ gì về những chuyện đã qua. Câu Trời phù hộ mẹ.
Con của mẹ
NGỌC THƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét