CHƯƠNG VI
Tay dì L. chưa lành thì có dì Đ., bạn thân nhất của mẹ tôi từ Qui Nhơn vào chơi. Mẹ tôi đón dì tận ngõ, gặng hỏi :
- Sao hẹn vào từ tết mà nay mới vào ? Sao không đánh điện ta đi đón ?
- Rồi hẳn kể rõ, khổ quá ! Tính đi rồi chứ, mà rồi… mà rồi… (dì rớm nước mắt, thấp giọng) thằng L. nó gãy tay, băng bó cả tháng trời, làm sao đi ?
- Hả ? Thằng L. gãy tay ? Phiền chưa… năm nay nó thi phải không ?
- Ừ ! Vậy mới khổ, năm nay thi đấy chớ sao. Mình lo quá đi…
Mẹ đón va li trên tay dì, còn dì thì xách giỏ, sóng đôi vô nhà. Mẹ tôi hỏi :
- Rồi sao ? Nó có đi học được không ?
- Nằm hơn tuần lễ mới đi được, nhưng chỉ nghe giảng thôi, có viết lách gì được đâu, phải chi gãy tay trái thì còn đỡ…
Lại trái với phải ! Tôi cười thầm trong bụng. Mẹ tôi thở dài đánh sượt một cái, than :
- Con cứ làm cha mẹ khổ như vậy đó, mà nó có biết đâu. Tụi bay coi chừng, nhất là con Thu năm nay thi đó, lỡ có chuyện gì mất cả năm học… Đ. Biết không ? Mỗi lần tụi nó xách xe ra là mình lo cuống, mà nó có biết đâu… Cả thằng Vũ nữa, coi chừng !
Tôi sắp cáu. Tôi y như tấm thớt, lúc nào cũng bị lôi ra bằm xát vì chuyện xe cộ, mà nào mình có được xách xe đi đều đều cho cam ? Vả lại, đã chắc gì thằng L. gãy tay vì xe hai bánh ? Mẹ tôi có tật đó: hễ nghe ai bị tai nạn xe cộ là đổ riệt cho chuyện lái xe gắn máy liền. Tôi chờ hai người ngưng chuyện, chen vào hỏi :
- L. đi xe đụng hở dì ?
- Ờ không ! Nó chơi banh đó chớ con ! Con cái vậy đó, chơi banh mà đến nỗi gãy tay…
Đáng lẽ, nghe vậy, mẹ tôi phải thấy ngượng vì lầm, đằng này không, mẹ tôi tiếp theo liền :
- Chớ sao, con cái nó có biết lo thân đâu, trăm chuyện rồi cũng phiền khổ mình thôi. Không chuyện này thì chuyện khác, luôn luôn có chuyện.
Hai người vô phòng. Mẹ tôi và dì gặp nhau là không bao giờ dứt chuyện.
Dì Đ. ở chơi hơn một tuần mới về. Thỉnh thoảng giữa lúc đang vui, nhớ tới tay con gãy, dì lại khóc, mẹ tôi lại an ủi, dỗ dành và luôn luôn sau đó, chúng tôi được nghe một bài đại luận tràng giang đại hải về sự cẩn thận, về bổn phận phải giữ gìn thân thể ra sao, theo đúng luật giao thông thế nào, của mẹ. Kế đến là phần ba tôi, lặp lại trong bữa ăn những câu đại khái như : “Ba sinh (!) ra các con nguyên vẹn lành lẽ, ba cũng đã dặn rồi, đừng có hiếu thắng khinh thường mà hối hận thì quá muộn…”
Thật là kỳ cục: từ khi con trai của bạn mẹ tôi bị gãy tay vì chơi bóng rổ, chúng tôi phải nghe giảng dạy thêm về chuyện phải giữ gìn thân thể lúc chơi đùa, còn chuyện phải cẩn thận khi đi xe gắn máy cũng không bớt câu nào, dù chỉ là một câu ngăn ngắn !
Dì Đ. Về độ hai hôm thì chú tôi lại từ Biên Hòa xuống chơi nữa, cũng cùng phương tiện và lộ trình như kỳ trước. Lại nhằm lúc xe chị Thu hư, ba tôi cho đi sửa, tôi được chỉ định chở chị Thu đến trường, vì tôi về sớm. Ngồi sau lưng tôi, chị Thu không ngớt khen cái Brigestone là ngon lành này nọ không tiếc lời. Tôi cũng vui vẻ góp ý :
- Con trai nó vậy đó chị ơi ! Nó không giống con gái ưa khóc nhè, lâu lâu làm nũng như kiểu cái Suzuki của chị đâu !
Chị đấm thùi thụi vào lưng tôi, vừa đấm vừa cười, tôi cũng cười theo vui vẻ. Lạ quá: chúng tôi luôn luôn vui vẻ, hòa thuận mỗi khi ngồi trên yên xe !
Ngang ngả tư Phan Thanh Giản – Lê văn Duyệt thì vừa kịp đèn xanh, tôi không muốn tiến lên vội – vì ba tôi vẫn dặn rằng khi nào đèn xanh vừa báo hiệu đừng nóng chạy trước, có thể rủi ro – chị Thu giục giã sau lưng :
- Đèn xanh rồi, chạy lẹ lên, con trai gì như mày, bết quá !
Làm tôi đâm nóng mặt, muốn chạy mau cho chị ngán, hết chê mình, thế là tôi cho xe chồm tới trước, phóng nhanh hơn cả một chị chạy cùng chiều vừa chạy trước xe tôi. Sau lưng tôi, chị Thu cao giọng khen tôi làm tôi thêm hứng khởi. Đến ngả tư kế đó thì trước mặt tôi đèn xanh cũng vừa chớp lên, hàng trăm cái xe cùng nhất loạt lao tới trước, tôi cũng làm y như làn sóng xe, không khác. Trong lúc hăng say, tôi quên mất lời dặn đã thuộc nằm lòng : phải giữ đúng lằn mức xe của mình , tôi đã cho xe chạy nghênh ngang ra giữa đường, vượt quá lằn mức dành cho xe hai bánh, tuy nhiên tôi vẫn bình tĩnh để tìm cách trở về vị trí cũ chứ không sợ hãi gì.
Bất ngờ, từ trước mặt tôi, phía tay phải, một cái xe hơi bỗng chậm lại và sau lưng tôi một cái Honda phía tay trái lại cố lách, vượt lên. Tôi bị kẹt vào chính giữa… rồi thì, y như có tia lửa xoẹt lên: cái Honda không hiểu bằng cách nào lôi cái Brigestone của tôi chạy tới một khúc trong lúc cái Brigestone đã tắt máy tự bao giờ. Tôi ù tai, hoa mắt không kêu được, còn xung quanh tôi thì nhiều tiếng la hoảng hốt cất lên. Tôi ngã sấp xuống mặt đường nhựa, chị Thu sau lưng tôi cũng ngã theo. Có tiếng còi thổi “hoét” lên và một bác cảnh sát tiến lại đỡ chị Thu, một người khác cúiđỡ cái xe trong khi tôi gượng đứng lên. Kinh hãi qua rồi, tôi chỉ còn xấu hổ. Người lái xe Honda – không hiểu có ngã không – cũng đang loay hoay với cái xe của mình.
- Mấy người lộn xộn quá, có đau nhiều không ? May không thì…
- Không sao ! Không sao cả…
Cái Honda mất dạng trong nháy mắt. Tôi không bình tĩnh được như thế, tôi cố trùng trình, giả vờ phủi áo, phủi quần, để nhân đó xoa nắn tay chân xem có gãy chỗ nào không ?
Chị Thu đứng bên tôi cũng đang phủi phủi, chị xuýt xoa vì tay áo, chỗ khuỷu tay bị trầy và lủng một lỗ bằng hòn bi ve. Mặt xám ngoét, chị cố gượng cười mắng tôi là “đồ khỉ, đi ẩu” bằng giọng run run. Tim tôi đập thình thình trong lần áo, song tôi cố trấn tỉnh cho xe nổ lại và giục chị lên yên.
Đây là lần đầu, chị em tôi xịu mặt khi ngồi trên xe gắn máy. Đến cổng trường, đổ chị xuống, tôi hoàn hồn, hỏi nhỏ :
- Chị có sao không ?
- Không, tao trầy tay một chút thôi. Về đi ! Này, đừng cho mẹ biết, nghe ? Tối, nói anh Hùng đón tao, nghe ? Đón bằng xe kia, xe này xui lắm, tao ghét…
*
Cho đến tận lúc chú tôi về, câu chuyện vẫn còn kín nhẹm. Chú vô ý, không nhận ra vết trầy ở thân xe.
Còn chúng tôi, chúng tôi không giấu được lâu, vì đến sáng hôm sau chị Thu thấy cánh tay trái hơi sưng. Chị báo cho tôi hay và tôi lặng đi vì hoảng sợ. Tôi gây :
- Hồi hôm về sao chị không bóp dầu liền ?
- Sao không ? Tao bóp chớ, mà nó chỉ đau sơ sơ. Bây giờ thì…
Chị cử động cánh tay nhưng rất khó làm tôi càng sợ: muốn thẳng tay ra, chị phải vặn thân mình nghiêng về một bên. Mà không lẽ cứ vặn mình vậy hoài sao, nên khi chị ngồi thẳng mình thì tay chị co lại ngang ngực y như tay dì tôi sau khi mổ xong. Sự liên tưởng này làm tôi mất bình tĩnh và nhận thấy giấu mẹ thêm nguy hiểm…
Mẹ tôi hai tay bưng lấy trán, nhắm mắt, lắng nghe tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện, thỉnh thoảng mẹ tôi buông bớt một tay bưng trán mà đặt vào trước ngực, rên lên nho nhỏ :
- Trời ơi ! Con tôi !...
Tôi nuốt nước bọt khó khăn :
- Con bị kẹt ở giữa, bên thì xe hơi, bên thì honda…
- Thôi ! (Mẹ tôi quát khe khẽ, vì sợ ba nghe) Có một ngày tao sẽ chết vì tụi bay ! Trời ơi ! Sắp thi thể dục, kiểu này thì làm sao đây ?
Tôi đứng lặng, bối rối, khổ sở trong lúc mẹ tôi im lặng lật áo, xắn quần chị Thu xem xét coi còn chỗ nào bị thương tích gì chăng. Rồi quay sang tôi, hỏi :
- Còn con ?
Hỏi mà không chờ tôi trả lời, mẹ tốc áo tôi lên khám xét. Tôi nói là chỉ đau ở mũi sơ sơ thôi. Mẹ tôi nhìn chăm chắm vào mũi tôi :
- Coi chừng dập sống mũi đó, sơ sơ…
Sau đó, mẹ tôi yên lòng, tập trung sự lo lắng vào cánh tay chị Thu. Mẹ tôi xoa dầu và nắn nhẹ cánh tay chị, mặt mẹ tôi tối sầm lại vì chị xuýt xoa kêu đau khi bàn tay mẹ tôi đụng đến chỗ sưng. Mẹ tôi đặt cả chục câu hỏi: Không biết có sái gân không ? Có gãy xương không ? Nên đưa đi chụp hình cánh tay không ? Bóp dầu nóng có được không ? Hay là đưa đi thầy thuốc ta ? Nếu chụp hình thì chụp ở đâu ? Hôm nay chúa nhật, không biết họ có làm việc không ? v.v…
Toàn những câu hỏi chúng tôi không trả lời được. Trong lúc chưa làm gì ra trò, mẹ tôi tiếp tục xoa dầu, bóp tay cho chị Thu. Thình lình mẹ tôi kêu lên có vẻ mừng rỡ :
- Coi chừng ba xuống rửa mặt thì nói cho mẹ hay…
- Chi vậy, mẹ ?
- Đặng tao kêu điện thoại hỏi dì L. coi. Chắc dì biết rành…
Chúng tôi cùng tán thành sáng kiến mẹ tôi. Khi tiếng dép ba tôi kêu quèn quẹt từ cầu thang, tức thì tôi thông báo cho mẹ hay liền. Nói chuyện khe khẽ với dì xong, mẹ tôi có vẻ yên tâm :
- Dì nói chốc nữa tới, chắc không sao, dì nói vậy. Chờ xem !
May cái là sáng chúa nhật ba tôi có cuộc họp, nên ăn sáng xong ông đi liền, mẹ con chúng tôi tự do bàn tán trong lúc đợi dì L. đến.
Người chiến sĩ về vườn với cánh tay còn bó bột cứng ngắc, khoác áo len ra ngoài thong thả bước vô nhà, chúng tôi ùa ra đón tiếp trọng thể…
Trong lúc mẹ tôi đặt câu hỏi tới tấp thì người chiến sĩ ung dung bước lại gần chị Thu, nắn nắn cánh tay chị bằng một tay còn lại (chị Thu phải ngồi vẹo người một bên mới có thể ngay được cánh tay).
- Có lẽ không đến nỗi nào đâu. Có sưng gì mấy mà chị cuống lên ?
- Có sưng chớ, dì nhìn kỹ coi !
- Con nhỏ này mập, cánh tay kia cũng tròn lẵn, chị thấy không ? Có sưng thật mà in ít thôi. Xức dầu nóng vô cho tới chiều xem sao. Hôm nay chúa nhật, có bác sĩ nào mở cửa phòng mạch đâu mà đi ?
- Tôi ngại quá, lỡ gãy xương ở trong như dì…
- Không gãy xương đâu. Gãy thì đụng đến đau chết, như em hôm nọ đó. Chắc nó chỉ sái gân chút đỉnh, vì cũng không bầm mà.
Lần này mẹ tôi coi bộ vững lòng lắm, vì được một người có kinh nghiệm bản thân làm cố vấn cho. Chợt dì L. nhớ ra chuyện cũ, hỏi mẹ tôi :
- Vậy chớ chai thuốc gia truyền của chị C. cho đâu ? Còn không ? Sao không lấy bóp cho nó ?
- Ừ ! Lú hồn đi chớ ! May dì bay nhắc. Ờ, thuốc đó coi vậy mà hay. Lấy ra đây, mau coi !
Tức thì chúng tôi cùng nhớ ra thứ thuốc gia truyền bác C. cho mẹ hôm hè rồi, cái hôm mà chị Cúc chở mẹ đi và hai thím cháu ngã chỏng gọng ở đường Phan Đình Phùng, chị ấy bị sưng bầm trọn bàn chân và mẹ tôi thì trầy đầu gối ; chị Cúc đã dùng dầu nóng và thuốc dán Nhật cả tuần vẫn không bớt, anh Hùng phải chở đi học, sau nhờ thứ nước mầu nâu gia truyền của bác C. mà khỏi. Đặc biệt cái là thứ thuốc này không nóng lúc bôi lên da, nên không khó chịu như dầu nóng của tây y hay dầu cù là.
Mẹ tôi dùng chai nước đó xức lên cho chị Thu, mẹ tôi lại gọi điện thoại kể chuyện cho bác C. hay, bác khuyên nên xức luôn không ngừng suốt ngày, chừng nào hết thì đến nhà bác lấy thêm. Bác cũng đồng ý với dì L. rằng chị không bị nặng lắm, đừng đi đâu làm chi, vô ích.
Trọn ngày chúa nhật, cứ cách khoảng một giờ mẹ tôi lại hỏi chị Thu “Có thấy bớt chút nào không?” Và chị ấy – sau khi nghiêng người lại để duỗi thẳng tay ra – cũng trả lời có nguyên một câu không thay đổi : “Thưa mẹ, không bớt gì hết, mẹ ơi !”
Người chiến sĩ về vườn, sau khi dùng bữa cơm trưa vui vẻ, (với cái muỗng như thường lệ và có bạn đồng minh là chị Thu) đã trở về. Mặc dù chúng tôi hết sức cầm lại, vì chúng tôi biết rằng sự có mặt của nhân vật này giúp mẹ vững tâm hơn, nhưng nhân vật này nhất định cáo từ, lý do : “Bỏ tụi nhỏ ở nhà lâu, chúng làm giặc, biết chừng lại xách xe đi bậy bạ, sinh chuyện ra thêm !”
Nghe đến câu sau, mẹ tôi tỏ ra thông cảm, không cầm dì lại nữa, mà rằng :
- Thôi, để dì về, tao cũng lo chuyện đó lắm.
Khi cái bóng dáng hùng dũng, cao lớn của dì khuất sau rèm cửa, mẹ tôi trở lại sự lo lắng, bồi hồi, nhấp nhổm thấy mà sốt ruột.
Cho đến một lúc, không dằn được, mẹ tôi lại gọi bác C. báo cáo tình hình cánh tay chị Thu. Lại được bác trấn an rằng : “Cứ kiên nhẫn, qua đêm sẽ bớt”
*
Sáng thứ hai, tôi dậy sớm đi học thấy đèn trong phòng chị Thu đã được bật lên, khác với mọi ngày (chị thức học khuya nên sáng mẹ cho ngủ trưa một chút để bù).
Có tiếng rì rầm nho nhỏ. Tôi lại gần hé cửa nhìn vào thấy chị Thu ngồi nghiêng, vẹo người trong lúc mẹ xoa thuốc lên cánh tay chị, nét mặt dàu dàu. Chắc đêm rồi mẹ tôi ngủ ít vì lo chứ không phải vì tay chị Thu không bớt. Tôi nghĩ thầm, nghĩ theo sự ước muốn của mình. Rồi tôi tự cãi tôi : “Nếu tay chị Thu bớt sao chị còn phải vẹo người lại làm gì ? Vô lý !” Sau cùng, không chịu được sự mập mờ, đoán mò này, tôi đi thẳng vào phòng :
- Tay chị Thu bớt… rồi, hở mẹ ?
Tôi hỏi mà không dám nhìn vào mặt mẹ tôi. Mẹ tôi cũng không nhìn tôi, bà cúi xuống, trả lời khe khẽ :
- Không ! Không bớt chút nào ! Mẹ rối trí quá !
Tôi đứng nguyên một chỗ, cúi đầu chờ một lời quở mắng, than phiền, song lạ chưa: mẹ tôi không đả động gì đến lỗi tôi cả. Giọng mẹ cất lên, âu yếm :
- Thôi ! Con coi uống sữa rồi ăn thêm cái gì đặng đi học, có mặc áo lót ở trong không ? Phải giữ ấm ngực, dạo này buổi sáng trời hơi lạnh đấy !
Tôi dạ một tiếng nhỏ, quay ra. Tôi khổ sở, ray rứt trong lòng vì không biết làm gì để chia sớt nỗi lo lắng của mẹ, nỗi lo lắng do lỗi tôi gây ra. Chao ơi ! Sao nó không là cái gánh đè nặng trên vai mẹ tôi ? Tôi sẽ không ngại gì, tôi sẽ gánh thay cho mẹ. Sao mẹ tôi cũng không chịu mắng tôi ? Tôi biết làm cái gì bây giờ đây ? Sao thuốc gia truyền của bác C. cho lần này không hiệu nghiệm ?
Buổi học trôi quá chậm, tôi chỉ nôn nả đợi giờ về. Tôi ào vô nhà như một làn gió, tìm ngay mẹ tôi để hỏi mẹ chuyện tay chị Thu có bớt không. Vẫn bằng giọng rầu rĩ, mẹ nói :
- Không ! Nó nói không bớt, tay không co duỗi được. Mẹ lo quá. Nếu cho đến tối nay vẫn không bớt thì nhất định sáng mai phải đi bác sĩ cho xong.
- Chị ấy đi học được sao mẹ ? Ai chở chị đi ?
- Được chứ, ba chở nó đi…
Trời ơi ! Ba tôi biết rồi ? Tôi hốt hoảng hỏi :
- Mẹ nói cho ba hay ?...
- Mẹ không nói, tự nhiên ba biết, làm sao giấu được, cánh tay nó cứ co hoài…
Có tiếng xe ba tôi về trước ngõ, tôi vội vàng đặt cặp xuống, lo chạy mau đi mở cửa garage. Ông đang cáu đây, chưa biết cái gì sẽ xảy ra. Ba tôi ít cáu như mẹ, nhưng ông đã cáu thì… rất đáng sợ, không phải như mẹ tôi.
Mở cửa xong, tôi cố nán lại dưới nhà xe, không dám lên ngay.
Nom sắc diện ông vẫn tươi tỉnh, tuy nhiên điều đó đối với tôi vẫn không có gì đáng mừng, tôi lo ngay ngáy. Ba tôi hỏi :
- Vũ về sớm vậy à ?
Không đợi tôi trả lời, ba tôi đi thẳng lên nhà. Chắc ba tôi biết chị Thu bị đụng xe, nhưng không ngờ là do tôi chở ? Tôi ngừng suy nghĩ vì có tiếng ba mẹ nói chuyện trên nhà vọng xuống. Tiếng mẹ tôi thấp nên tôi không nghe rõ. Chợt ba tôi cao giọng lên :
- Không sao đâu mà, đàn bà cứ hay mua chuyện. Nó không đau nhức thêm tức nhiên nó sẽ bớt. Đau chóng lành chầy, mợ quên sao ? Nó không sưng to, không đau nhức, không bầm…
- Nhưng nó co duỗi không được…
- Cứ thong thả, hãy nghe tôi ! Cứ xức thuốc chị C. cho đều là được.
Tôi trải qua một đêm đầy ác mộng. Tôi mơ thấy tay chị Thu gãy dập, phải chở vô nhà thương, thấy chị nằm thiêm thiếp trên cái giường xe, cánh tay cộm lên vì bó bột, thấy chị nôn ọe và mẹ tôi cúi xuống gọi tên chị khe khẽ, nước mắt tuôn ròng ròng. Rồi tôi thấy tôi cũng bị thương vì đụng xe, cũng nằm thiêm thiếp trên giường xe, mồ hôi làm tóc tôi dính bết vào trán, má… Cổ tôi chua và đắng vì chất nước ọe ra, thấy ba tôi quát tháo mẹ tôi trong lúc mẹ tôi rưng rức khóc. Có lúc tôi thấy tôi bị gãy chân, thấy bác sĩ thọc một cái que sắt dài hơn 15 phân xuyên ngang ống chân tôi làm tôi đau muốn ngất đi, nhưng tôi không ngất mà mẹ tôi ngất trước. Và tôi thấy tôi, chị Thu, con Hà, chị Cúc đều phải đi bộ đến trường, theo lệnh ba tôi… Tôi cứ mơ, tỉnh, mơ, tỉnh không biết mấy lần. Mỗi lần tỉnh dậy lại hú vía vì may quá: đó chỉ là cơn mơ, không phải sự thật. Cho đến năm giờ sáng, tôi thức luôn, không ngủ nữa. Nét mặt ủ dột của mẹ tôi, giọng cương quyết của ba tôi, hai tiếng “không bớt” nhuốm đầy thất vọng của chị tôi… Tất cả những cái đó cứ chập chờn trước mắt…
Dù vậy, tôi chưa dậy ngay, vẫn nằm lặng trên giường. Tôi ao ước nhận một hình phạt nào đó: vốn rất sợ đau ốm phải nằm một chỗ, song nếu bây giờ tôi lại bị một lần thủy đậu để cứu cánh tay chị tôi, tôi chịu liền, không do dự. Không bao giờ chịu thua ai trong lúc đánh bóng bàn, song giá bây giờ phải giả vờ thua để chị Thu hết đau, tôi cũng không hối tiếc. Hay là tôi nhịn đói một bữa, hai bữa để chuộc lỗi này ? Hoặc nằm lên đi văng, hứng năm, sáu roi song thẳng cánh – mà mặc độc có cái quần đùi mỏng chứ không có quần kaki che chở – tôi cũng cam lòng. Cùng lắm, tôi hứa không bao giờ đi xe gắn máy nữa, miễn chị Thu lành. Trong những hình phạt này, chỉ hình phạt sau cùng làm tôi buồn nhất, nhưng tôi xin chịu, không ta thán nếu nhờ đó mà đánh đổi được tai nạn chị tôi. Rồi tôi buồn rầu vì biết rằng không dễ dàng như vậy, đời bây giờ không có phép mầu. Con Hà mà biết tôi nghĩ thế này, nó sẽ cười vào mặt tôi cho là sinh trước mà còn ngốc, chứ không chơi. Trời ơi ! Tôi biết làm sao bây giờ đây ? làm sao ?
Đồng hồ thong thả gõ sáu tiếng, rồi dưới nhà có tiếng chị bếp mở cửa, tiếng nước chảy rong róc, tiếng bàn chải soèn soẹt chà răng; nhà bên kia có tiếng chẻ củi bầm bầm, xe rác cũng chạy ngang… Trời ơi ! Nếu đừng vì chuyện chị Thu, các thứ tiếng này – bắt đầu cho một ngày mới – sẽ làm tôi vui thích biết bao, vì sự quen thuộc của chúng thường đánh thức tôi mỗi sáng, gây cho tôi một tin tưởng mơ hồ ở cuộc đời.
Tôi uể oải xuống nhà, mẹ tôi cũng dậy rồi. Tôi định hỏi mẹ tôi song tôi ngập ngừng nói không thành tiếng. Tôi sợ ? Phải ! Tôi sợ cái giọng buồn rầu của mẹ khi mẹ nói đến mấy tiếng: không bớt chút nào ! Trời ơi ! Bốn tiếng sao mà như một lời buộc tội, đầy đe dọa… Tôi không muốn nghe đâu, trời ạ !
Mẹ tôi đang ngậm một búng nước muối trong miệng, từ trong bếp đi ra. Dù sao, tôi không thể lặng im chịu khổ hình, thà tôi biết rõ sự thật. Đằng nào cũng khổ sở, mà không biết rõ lại khổ sở hơn. Tôi dặng hắng một cái :
- Mẹ ơi, chị…
- Đừng lo ! Nó bớt rồi ! Trời ơi ! Mẹ mừng quá sức. Cả đêm mẹ có chợp mắt đâu… Muốn qua hỏi nó mà sợ nó mất ngủ, tội. Con biết không, đêm chúa nhật nó không ngủ được… vì đau. Thuốc gia truyền của bác C. hay thật.
Mẹ tôi nhổ ngụm nước muối, nói một hơi không nghỉ. Thường, buổi sáng, trong lúc đang ngậm nước muối, chúng tôi có hỏi gì cũng phải đợi cho chất mặn thấm vào chân răng, mẹ nhổ xong mới trả lời.
Tôi nhìn mẹ tôi, mắt long lanh sáng, nét mặt tươi tỉnh, hồng hào như thường lệ. Nỗi lo lắng không còn để lại dấu vết gì, mẹ tôi như trẻ ra. Sự mừng rỡ làm tôi nghẹn lời, cùng một lúc tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, nhẹ nhõm không tả được. Mẹ cười, răng trắng bóng :
- Mấy hôm nay con cũng lo, mẹ biết ! Vậy cho tụi bay chừa…
Tôi cười theo mẹ nhưng không nói gì, trong lòng tôi muốn hét toáng lên cho mọi người cùng nghe thấy, cùng hiểu là tôi sung sướng, sung sướng hơn bao giờ hết.
Chị Thu đi xuống, chị nói liến thoắng :
- Bây giờ, con tự kẹp tóc một mình được rồi, mẹ thấy chưa ? Chà ! Mấy bữa nay con sợ thiệt tình, lỡ mà bị… như dì L. thì khổ chết !
Chị còn chi xẻ sự sung sướng với tôi bằng một màn biểu diễn trò co duỗi :
- Coi này ! Vũ !
Nói rồi chị đưa cánh tay trước mặt tôi, duỗi ra, nhưng đến khi cánh tay gần thẳng thì mình chị nghiêng – nghiêng in ít – làm tôi không thể nín cười. Sự kiện này chứng tỏ tay chị chưa hoàn toàn hết hẳn, nhưng sẽ hết, chắc như đinh đóng cột lim !
Bữa sáng đó, tôi như vừa được tháp đôi cánh dưới chân, tôi nhẹ hẫng !
*
Ba tôi nói đúng: đau chóng lành chầy ! Cánh tay chị Thu còn phải xức thuốc đều đều bốn ngày tiếp chị mới duỗi thẳng hoàn toàn. Không khí trong nhà vui vẻ như cũ. Anh Hùng tiếp tục đón chị mỗi khi bãi học, còn bận đi thì chị dùng xe lam, gặp ngày có ba tôi ở nhà, ông chở đi xe hơi.
Ba tôi nói trong bữa ăn tối, lúc cả nhà sum họp :
- Tụi này chắc cũng nên cho đi xe đạp cho chắc ăn, đỡ lo.
- Lại định trở về nguồn ? Sao từ đầu không nghe tôi: cứ để nó đi xe đạp cho gọn ? Bày hư quen rồi, bây giờ dễ gì… ?
- Sao không dễ ? Tôi nói từ lâu rồi: tôi sắm xe là cốt để nó đỡ chân, nhưng nay nó gây phiền phức lo ngại cho cha mẹ thì không được đi nữa, đó là chuyện thường…
Tôi không thấy phiền lòng chút nào. Tôi vẫn phải đi xe buýt lâu nay, có được sử dụng xe gắn máy đâu ? Lâu lâu tôi mới được lên yên một bận, song sau câu chuyện đụng chạm vừa rồi, nghĩ đến nỗi sợi hãi, lo lắng của mẹ tôi, tôi thấy mình không có can đảm làm khổ mẹ nữa. Người bất mãn nhất bây giờ là chị Thu. Vào lúc khác, tất chị đã xịu mặt xuống rồi nhưng hôm nay chị cả tôi không dám. Mặt chị thoáng buồn và chị ngồi yên lặng, cắm cúi ăn.
Một tuần trôi qua, chị Thu hớn hở lại như trước. Thừa lúc ba tôi đi công tác vắng nhà, chị gạ gẫm mẹ tôi :
- Tay con lành rồi mẹ ơi ! Chiều nay cho con đi xe, đi mẹ !
- Không ! (giọng nghiêm nghị, mẹ tôi gạt phắt đi) ba dặn mẹ rồi, con phải đi xe lam, tay còn yếu, lỡ đụng lại một lần nữa thì mệt lắm.
Chị Thu nài nỉ :
- Không đâu mà mẹ ! Con hứa từ nay đi đàng hoàng…
Mẹ cười, chị cười theo :
- Con biết ba không dặn mẹ, mẹ nói vậy thôi. (lại kỳ kèo) Cho con đi xe, đi mẹ ! Tội con mà !
- Đã nói không ! Đừng hòng tao thay đổi ý kiến. Tội con ? Còn con, con có tội mẹ không ?
Giọng mẹ dứt khoát. Chị biết không phải là lúc tấn công nên trở về thế thủ :
- Mẹ không cho con đi bữa nay thì thôi, con đi xe lam. Mà mẹ hứa chừng nào ba về mẹ xin cho con đi xe lại, chịu không ?
- Không hứa hẹn gì hết. Lo học bài đi !
- Dạ, con học rồi…
- Học rồi thì ra ngoài siêu thị mua cho mẹ cái này.
- Con đi xe thử, nghe mẹ ? Gần mà…
- Đừng giỡn với tao mà có đòn. Sẵn xe anh Hùng mới về kìa, anh ấy chở đi.
15 phút sau, chị từ siêu thị trở về, tay ôm giỏ đồ đạc vừa mua, đon đả :
- Xong rồi, mẹ ! Con vâng lời mẹ ghê chưa ? Chiều nay con đi bộ tới trường… mẹ bằng lòng không ?
- Sao lại đi bộ ? Ai hành con ? Điên sao đi ngoài nắng ? Cứ đón xe lam mà đi.
- Tốn tiền vô ích, mà con sợ xe lam quá, mẹ ơi ! Họ chạy ẩu lắm…
- Vậy thì lấy cái dù của mẹ che nắng, không rồi lại…
- Thôi mà, mẹ ! Con ưng đi bộ hơn, con sợ xe lam… chiều rồi, nắng chút đỉnh. Mẹ cứ để con đi bộ, gần mà… Chừng ba về mẹ xin cho con được đi xe…
Mẹ tôi chặn lời chị :
- Gần ? Gần sao còn đòi đi xe ?
Chị Thu nghẹn. Chị có tính đó: khi nói là cứ phát thanh bừa bãi, không đắn đo lời nói gì hết.
Câu chuyện bị nghẽn ngang đó. Chị sửa soạn đi học, đi bộ. Không hiểu để mẹ tôi thương hại, xét lại trường hợp chị hay là một cách hờn dỗi chi đây ?
*
Sáng thứ năm. Được nghỉ học nên tôi quen thói dậy trưa. Mặc dưới nhà mọi tiếng động sửa soạn cho một ngày mới: tiếng nước chảy rong róc, tiếng bàn chải soèn soẹt đánh răng, tiếng động cơ của xe rác rầm rì phía trước và cả tiếng bầm bầm chẻ củi của nhà bên. Tôi xoay mình, quay mặt vào vách thích thú trong một sự lười biếng rất là dễ chịu. Dậy trưa thú lắm chứ…
Chợt, có tiếng chị bếp nheo nhéo từ cầu thang :
- Vũ ơi ! Sao không dậy cho rồi ?
- Bữa nay nghỉ học, chuyện gì mà gấp ?
- Quên hả ? Cậu dặn cái gì ? Bộ không lo đi làm kiểm tra sao ?
Kiểm tra ! Tôi vụt nhớ ra câu chuyện giữa ba và tôi tuần trước. Ba tôi bảo :
- Thứ năm nếu ba không về kịp, con cứ ra quận xin làm kiểm tra đi. Nhớ đem theo giấy khai sinh. Tập cho quen đi, đừng mỗi chút mỗi kèm kèm ba mẹ. Cứ đi thẳng vô văn phòng bên trái hỏi người ta, sẽ có người chỉ dẫn cho, nhớ chưa ?
- Dạ… mà con đi bằng gì, thưa ba ?
- Mượn xe chị Thu mà đi. Nhớ khóa cẩn thận…
- Lỡ mất sao ba ?
- Mất sao được ? Trước cửa quận lúc nào cũng có mấy bác cảnh sát đứng gác, khóa xe lại, để gần đó, không ai dám lấy đâu.
- Sợ mẹ không cho con đi xe…
- Thì cứ thưa mẹ mà đi. Đi đàng hoàng thì thôi, sợ gì ? Ba dặn cái gì cứ làm đúng cái đó…
Tôi hí hửng nghĩ đến lúc mình cầm trong tay cái thẻ kiểm tra, điều này chứng tỏ tôi sắp trở thành người lớn thật sự ! Mình là một công dân ! Chớ sao: có kiểm tra chưa hẳn là người lớn, nhưng rồi không bao lâu nữa, tôi sẽ lớn… Cái kiểm tra cũng như cái cầu đưa tôi qua chặng đường cuối của tuổi thơ để bước vào thế giới trưởng thành. Nghĩ đến lúc mình ngồi một mình trên xe phăng phăng đến quận, khóa xe lại, ung dung, đĩnh đạc bước vào trong… mà cảm động quá đi thôi !
Ấy vậy mà suốt tuần rồi, chỉ vì cánh tay chị Thu, tôi quên béng chuyện quan trọng này đi, có tệ không ?
Tôi vùng dậy, phóng ba bước xuống nhà, rửa mặt, đánh răng, ngồi lại bàn ăn sáng để kịp giờ đến quận cho sớm sủa.
- Con đi làm thẻ kiểm tra sáng nay phải không ?
- Dạ, ba dặn con tuần rồi.
- Đi với ai ?
- Dạ, ba bảo đi một mình…
- Liệu được không ?
- Thưa mẹ, được chứ. Có gì khó đâu mà sợ…
- Mẹ không sợ chuyện làm kiểm tra, mẹ sợ lúc đi đường kìa.
Mẹ tôi trầm giọng nói câu trên, ánh mắt thoắt tối sầm trong giây phút. Tôi bồi hồi nhớ lại tất cả những chuyện đã qua, những khổ sở lo lắng của mẹ tôi từ khi ba tôi sắm xe cho chị Thu đi. Cho đến năm bốn mươi hai tuổi, mẹ tôi vẫn mỉm cười mỗi khi nghe ai nhắc đến hai tiếng “yếu tim”. Rồi khi khách ra về, mẹ tôi cười, nói với chúng tôi :
- Các con phải hãnh diện là mẹ của các con có trái tim mạnh nhất trên thế giới…
- Trên thế giới ?
Chị Thu gặng lại. Mẹ cười xòa, chữa :
- Thế giới đàn bà…
Nhưng bây giờ đây, mẹ tôi đã dùng thuốc trợ tim, luôn luôn có thuốc trợ tim phòng sẵn trong nhà. Các dì, cô chúng tôi đổ riệt là vì chuyện xe cộ nên trái tim mẹ tôi suy yếu, ba tôi thì rằng: “lớn tuổi rồi mà làm việc nhiều nó vậy, liệu chừng” Riêng mẹ tôi, mẹ không nói gì cả. Con Bé nó ngủ với mẹ tôi, lâu lâu nó lại thì thầm báo cho chúng tôi biết là đêm rồi nó sờ vào mắt mẹ, thấy ướt đẫm. “Em biết mẹ khóc – nó vênh mặt lên, nói – em thương mẹ. Bữa nay em không làm nũng nữa đâu”.
Trời ơi ! Em bé của tôi ăn nói như bà cụ, còn chúng tôi, chúng tôi lại thua nó hay sao ? Tôi ngớ người ra, mất vui đi một chút, rồi đâu lại hoàn đấy, không thay đổi ! Đâu phải tôi không thương mẹ, nhưng mà… anh Hùng lên tiếng :
- Hay là để lát nữa con đi học về, con chở Vũ đi làm kiểm tra ? Bữa nay con được về sớm nửa giờ, thưa thím…
- Ba la em. Ba dặn em phải đi một mình, tập cho quen… Em đi một mình được.
Mẹ tôi mở to mắt nhìn tôi trong lúc tôi nói tiếp, không cần suy nghĩ :
- Mẹ đừng lo, con sẽ đi bộ đến quận, gần mà.
- Con đi bộ ?
Mẹ tôi ngỡ ngàng hỏi lại như thể không nghe rõ lời tôi.
- Dạ con đi bộ, không sao đâu mẹ. Đây tới quận có một đường thẳng mà cũng gần, mẹ cứ yên tâm !
Thái độ tôi làm cho, không chỉ mình mẹ tôi mà cả nhà đều sửng sốt. Phải ! Không ai hiểu nổi tôi. Tôi muốn chuộc lại những lỗi lầm trong những ngày qua do chị em tôi gây ra, mang về cho mẹ.
Lát nữa đây, trên con đường thẳng tắp từ nhà đến quận, tôi sẽ thực sự đi đúng nghĩa với tiếng đi: tôi đi bằng hai chân, chứ không nhờ xe cộ, máy móc gì cả.
Phải chăng đây là biểu hiệu của sự sắp trưởng thành ? Tôi đi vào thế giới người lớn bằng chính chân mình, những bước chân chậm rãi mà vững vàng, tin tưởng, không hấp tấp, nhất là không làm khổ người thân yêu nhất của tôi !
Lần thứ nhất, tôi bước chân ra khỏi ngõ mà mẹ tôi theo ra với một nụ cười. Nụ cười đó như in trong lòng tôi suốt quãng đường từ nhà đến quận. Tôi không cất tiếng, nhưng trong lòng tôi như vang lên một điệp khúc vui tươi.
Khi tôi trở về nhà, tôi gặp ông phát thư ở ngõ, ông đưa tôi lá thư. Nhìn tuồng chữ tôi biết là của dì Đ. và cũng biết là mẹ tôi đang đợi thư dì, để biết tin tức về cánh tay L. Tôi réo to :
- Mẹ ơi ! Có thư dì Đ. Đây !
Mẹ vui vẻ đón phong thư trên tay tôi, xé đọc liền. Tôi đi thẳng vào phòng thay quần áo. Khi trở ra, tôi thấy nét mặt mẹ tôi kém vui đi.
- Tay anh L. chưa bớt sao mẹ ?
Mẹ tôi không trả lời tôi, mà nói với giọng buồn rầu :
- Con cái làm khổ cha mẹ không ngừng…
Tôi hơi phật ý: mẹ không chịu hiểu gì hết. Vì ai mà tôi hy sinh (!) đi bộ sáng nay ? Chả lẽ đợi tôi nói trắng, nói toạc ra mẹ mới hiểu ư ? Vậy mà mẹ tôi vẫn tự cho là mình tế nhị…
Mẹ đưa lá thư dì cho tôi, trầm giọng :
- Con đọc đi cho biết !
Không đợi mẹ tôi giục lần thứ hai, tôi đón đọc ngay.
Thư dì như sau :
“Qui Nhơn, ngày… tháng… năm…
L. thân mến,
Định viết thư ngay cho L. nhưng bận quá, phần thì chuyện thằng L. Hôm mình về, nó đã bơn bớt rồi, mình hết sức yên tâm. Đi học thì ba nó chở hay là đi bộ, không dám cho đi đâu ngoài đi học. Bữa nào cũng phải mang theo giấy than để nhờ bạn chép bài nhân thể trong lúc chép bài học, chép luôn bằng cách nhấn mạnh bút hơn thường lệ ; phải làm như vậy chớ L. nghĩ xem, ai thì giờ đâu mà chép lại giùm lần nữa ?
Vừa rồi, thằng K. – con cô nó – đến thăm ngày chúa nhật. Hai đứa xin mình cho K. chở nó đi lên cô nó chơi. Tức hết sức: mình đã không cho đi chớ, mà hai đứa cứ kỳ kèo hoài, phần thằng L. thì nhăn nhó nói “mẹ cứ giam tù con”. Sau cùng mình xiêu lòng, cho đi. Dặn phải đi cẩn thận, vậy mà L. biết sao không ? Thằng K. nó làm sao hai đứa té lăn luôn. Khi xe đưa nó về nhà, mình thấy mặt mũi sây sát chảy máu mình muốn xỉu đi. May mà chỉ trầy trụa sơ sơ, còn cánh tay gãy lại… Thiệt mình khóc hết nước mắt, vậy mà ba nó về còn la lối ầm lên, nói lỗi tại mình. Chuyến này thật hết hy vọng đến kỳ thi tay lành kịp. Ổng nổi giận đem cái xe Yamaha bán rồi. L. ơi ! Mình khổ quá đi ! Sao mà lúc nào cũng khổ, lúc còn nhỏ thì lo ấm đầu, sổ mũi, bệnh nọ, chứng kia. Giờ lớn lên lại lo chuyện học hành, hư nên, lại thêm xe cộ… Mình không muốn làm L. buồn, nhưng thật không biết nói với ai cho bớt khổ. Cô nó cũng rầu lắm, nhưng chuyện lỡ rồi, mà có phải lỗi cô đâu ?
Tay chị L. đỡ nhiều không ? L. nên bảo chị ấy đừng đi đâu, chịu khó chờ thật lành đã. Đụng lại lần nữa như thằng con mình thì cực lắm.
Mình rầu rĩ quá chừng, hết thiết làm gì. Vô thấy con L. mà thương, sao chúng ngoan quá. Con mình bướng chịu không nổi… ”
(Tôi ngừng đọc, cố nín cười: bà mẹ này cho là bà mẹ kia sướng hơn mình, con ngoan hơn con mình).
“Mình hứa với nó là hè này, thi đậu, mình cho vô nhà dì L. chơi. Cũng có ý muốn nó thấy các con L. ngoan mà bắt chước. Một chuyến đi, hai mục đích ! Bây giờ vậy là tiêu tan dự định rồi.
Thôi nghe ? Cho mình ngừng ở đây. Gửi lời thăm các cháu và L. mạnh.
(ký tên)
*
Trưa hôm đó, gần đến bữa ăn, mẹ tôi xuống garage coi chị Bếp lau xe cho ba tôi. Ba cái xe gắn máy nằm ngay hàng cạnh cái xe hơi của ba tôi: cái đỏ chóe, cái đen huyền, cái xanh biếc, nhưng không cái nào còn đủ ma lực hấp dẫn tôi. Tôi lãnh đạm với chúng như với ba khúc gỗ. Thình lình, chị Thu lại gần cái Suzuki của chị, phóc lên ngồi, hai cánh tay duỗi thẳng một cách đầy khoe khoang, nếu hai cánh tay đó mà nói được, tất chúng nói thế này :
- Trông đây ! Mọi người trông đây ! Chúng tôi mạnh mẽ ghê chưa ? Tay này mà lái xe thì vững vàng khỏi chê !
Song mẹ tôi như không hề lưu tâm đến chúng, mẹ đang tìm gì trong xe ba tôi.
Chị Thu phải gợi chuyện để mẹ tôi chú ý bằng cách hỏi chừng nào ba về.
- Chắc chiều nay. Phải lo lau xe sạch sẽ, chớ không ba la lên, khổ lắm.
Chị Thu muốn nhắc mẹ tôi là tay chị lành rồi :
- Mẹ ơi ! Coi tay con này !
- Biết rồi. Nếu nó chưa lành thì giờ này tao đâu có đứng đây ?
Chị Thu ngạc nhiên về thái độ cứng rắn của mẹ tôi, chị ngập ngừng :
- Mẹ ! Chừng nào…
- Chừng nào cái gì ?
- Chừng nào mẹ cho con…
Mẹ tôi bật lên như cái lò so, quắc mắt, quát to giọng giận dữ :
- Đi lên ! Để tao yên !
Chị Thu kinh ngạc vì cơn giận bất ngờ của mẹ tôi, chị không hiểu gì cả. Chị xuống xe trong lúc tôi lại gần chị, lừ mắt, ngầm bảo :
- Đi lên, em có chuyện kể chị nghe. Đừng làm mẹ tức thêm.
Chị riu ríu theo chân tôi, lầu bầu nho nhỏ :
- Khi không mà nổi giận lên. Tao có làm gì đâu ? Hay là ở nhà có chuyện gì, Vũ ?
Tôi không nói gì, lẳng lặng kéo chị đến cái rổ đựng thư từ, nhón cái thư dì Đ. đưa chị :
- Đọc đi, rồi khắc biết !
- Thư dì Đ. gửi cho mẹ chớ phải gửi tao đâu ?
- Thì chị cứ đọc đi mà…
Chị Thu hậm hực cầm lá thư lên, đọc.
Năm phút sau, chị vứt lá thư vào chỗ cũ, nói như rên :
- Thằng L. báo hại quá, kiểu này chắc còn lâu mẹ mới cho đi xe.
- Ăn thua gì ở mẹ ? Quyền ba chớ…
- Mày ngu lắm. Mẹ mà ngăn thì ba sẽ nghe theo. Thiệt tức mình, năm chó qua rồi sao cứ còn xui?
Sài Gòn 10-3-71
MINH QUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét