Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

CHƯƠNG V_TÊN TÀI XẾ SUZUKI...

CHƯƠNG V

Tôi đi học lại. Vẫn chăm chắm rình nhưng không có cơ hội nào để lên yên cả. Trong lúc chờ đợi dịp may, tôi không ngừng tìm hiểu thêm về con người tôi: soi gương thấy cao hơn, chiều ngang, chiều dài đều tăng trưởng ! Mắt tôi sáng ngời, mũi miệng đều cân đối. Mầu tóc và mầu mắt tôi rất giống mẹ tôi ! A ! Hình như sau trận ốm, tôi vụt thấy mình lớn mau hơn, đổi khác đi. Tôi già giặn thật tình chứ không phải chỉ lớn thôi.

Bà tôi vô chơi. Bà cưng tôi nhất. Nhân một bữa hai bà cháu đi phố, bà chọn cho tôi một đôi giày da nâu bóng nhoáng, trông cũng khá mê. Phải cái chân tôi hơi lớn: số 43. Khi đem giày về, cả nhà tụm lại như là thấy một kỳ quan của thế giới: chị Thu chê là thô, lũ nhỏ chê là nặng. Mẹ tôi trầm ngâm :

- Không biết con sẽ mang vào dịp nào đây ?

Tôi trả lời liền :

- Tết ! Tết chớ dịp nào mẹ ! Gần tết rồi mà !

Chả mấy chốc là tết đến. Tôi đem giày ra, mang thử: nó nặng kinh khủng, bó cứng lấy chân. Tệ hơn nữa là quần tôi cái nào cũng ngắn trên mắt cá. Mang giày tây mà quần ngắn coi sao ổn ? Tôi năn nỉ chị Thu xuống lai quần cho (Kỳ thật: mới may chớ lâu la gì, sao mình mau cao thế không biết) Chị Thu gật đầu nhưng không chịu làm ngay, còn hẹn.

Và rồi, chị ấy bận làm mứt với chị Cúc – quên cho các bạn biết là hai chị tôi đều thích ăn ngọt – bận lau dọn, quét tước đủ thứ, quên mất chuyện giúp tôi.

- Được rồi ! Để tao làm cho, mà mai đã, bữa nay mồng một Tết, mồng một Tết mà làm việc liền xúi quẩy tao cả năm. Ai biểu không nhắc tao chi ?

Đó, chị trả lời tôi như vậy, khi tôi sắp sửa thắng bộ vào sáng đầu năm. Tôi giận lắm, song cũng sợ nhăn nhó đầu năm không hên, nên đành nhịn. Vả chăng, đối với con người như tôi, chuyện bề ngoài không mấy quan hệ, cần thiết.

Ngày tết, chúng tôi được chơi bài tự do. Hoàn toàn tự do ngoại trừ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng với ba mẹ, không phải làm gì cả. Nay quần ngắn lại còn là dịp tốt để tôi từ chối chuyện thi hành dịch vụ thăm viếng chán ngấy này.

Huống chi chuyện mang giày mới có chi là gấp, tôi còn có cả năm để mang mà ! Chớ đánh bài ấy ư: qua ngày mồng bảy là bị cấm ngay, chơi bài cũng là chuyện vui. Vui cho đến nỗi tôi quên béng đôi giày mới.

Ngày mồng tám, chị Thu mới có thì giờ xuống lai quần cho tôi, nhưng không phải làm giúp như đã hứa mà đòi một trăm bạc công, tờ trăm mới tinh ! Công bình mà nói, chị ấy không phải là người chị xấu, muốn làm tiền, song vì chị thua nhẵn túi. Còn tôi, tôi lại ăn. Tôi chịu liền. Tôi cũng chẳng rộng rãi chi, mà vì tôi biết lát nữa đây tất cả chúng tôi đều phải nạp hết số tiền trong túi để mẹ mang ra quỹ tiết kiệm theo truyền thống cũ.

- Con nít không được giữ tiền ! Giữ tiền rồi ăn quà vặt bậy bạ đau bụng. Vả lại, đứa nào cần gì mẹ sẽ sắm cho, ăn gì mẹ mua cho. Còn đòi giữ tiền làm chi ?

Bằng giọng nghiêm nghị, mẹ tôi nói và sau đó, ba tôi phụ họa thêm :

- Phải ! Mẹ con nói đúng đó ! Cất vô quỹ tiết kiệm là phải !

Cái màn ấy sắp tái diễn lát nữa đây, tôi tiếc làm chi trăm bạc ? Tôi móc túi đưa liền và muốn cho các chị em biết tôi rộng rãi, tôi nói :

- Đáng lẽ, Cu không đưa cho chị đâu, tiền này phải để mẹ trả, mà thôi, Cu tốt không ?

Và tôi cười khà thích thú. Chị Thu đón tờ trăm mới tinh, đỏ chóe, cười cũng khá tươi. Thật là vui vẻ. Đang lúc chị em tôi vui vẻ thì con em gái tôi – con Hà – chen vô giễu một câu làm tôi cụt hứng:

- Thôi đi anh Vũ ơi ! Xưng người lớn mà còn chưa chịu bỏ tiếng Cu, nghe không được chút nào hết…

Tôi còn đang tức nghẹn mà không biết trả đũa cách nào thì chị Thu can :

- Thôi, Vũ ! Có chuyện quan trọng đây, muốn biết không ? Chị nói cho mà sáng mắt ra, tụi mày ngu quá !

Tôi và Hà xáng lại gần chị, cùng hỏi :

- Chuyện gì quan trọng đâu, chị nói đi !

- Chuyện mẹ ! Mẹ mị dân !

- Mẹ mị dân ?

- Ừ ! Mẹ mị dân…

Rồi chị thấp giọng hơn, vẻ sành sỏi chỉ cho chúng tôi biết mẹ mị dân cách nào, về điều gì (nói lớn sợ Minh, Bé mách mẹ). Theo chị, thà làm chủ một trăm bạc thực sự còn hơn là làm chủ mười ngàn bạc trên giấy tờ. Chị gằn giọng :

- Đó, tụi mày nghĩ tao nói có đúng không ?

Hà phản đối hăng hái :

- Mẹ có lấy đâu ? Mẹ bỏ vô quỹ để dành cho tụi mình mà ! Chính tụi mình giữ sổ mà, tên mình mà!

- Lại ngu ! (chị Thu bực tức) thì tên tụi mình, nhưng tao thử hỏi: có đứa nào được quyền rút ra một đồng không? Còn lâu…

Tôi thấy chị Thu thật chí lý, Hà ngớ mặt ra một chút rồi không chịu thua, tuy nhiên, tôi nhận thấy giọng nó yếu ớt chứ không hùng hồn như vừa rồi :

- Lấy không được… chớ sao, mà để lớn…

Chị Thu “xùy” một tiếng :

- Để lớn ! Chừng nào ? Lâu lắc, tao, tao ưng tiêu bây giờ kìa…

Tôi càng phục chị Thu. Chị nói đúng, để lớn làm chi, lâu lắc, tôi, tôi cũng muốn tiêu ngay bây giờ kìa !

Nhưng chúng tôi biết làm sao ? Chúng tôi bị lệ thuộc về kinh tế ! Điều đó rõ như hai cộng với hai là bốn !

Tôi và chị Thu tức mình, con Hà thì không. Nhưng tôi biết nó, nó không mách mẹ. Nó không đến nỗi tiểu nhân, nó có tư cách, tôi biết. Tôi mơ màng tưởng tượng đến một ngày kia tôi đường hoàng ra ngân hàng, tay cầm cuốn sổ, đi thẳng vô ghi sê, ký tên rút tiền ra hay gửi tiền vào, ung dung, tự toại y như… y như người lớn !

Nhưng, ngày ấy còn lâu quá, nghĩ thế, tôi thấy mất vui.

Chợt mẹ tôi từ trong phòng nói vọng ra :

- Bữa nay hết chơi bài rồi, có đứa nào chở mẹ xuống bác C. không ?

Tôi xung phong liền, nhân cái quần vừa xuống lai và chị Thu cũng đã ủi cẩn thận, tôi mặc vào, mang giầy mới, áo mới để làm cái việc mà tôi ưa thích hơn hết: lái xe hai bánh chở mẹ đi ! Mẹ tôi ngắm nghía tôi từ đầu chí chân, vuốt tóc tôi, khen :

- Coi con trai của mẹ chỉnh quá !

Thế mà khi ra xe, xe vừa nổ, mẹ tôi lại nói :

- Vũ ơi ! Mẹ hơi ngại…

- Dạ, mẹ ngại ? Cái gì…

- Đôi giày ? Con chưa quen mang giày, mẹ sợ chân con bị bó trong giày, con sẽ chậm phản ứng trong lúc lái xe, mẹ ngán…

Tưởng gì ! Tôi không phàn nàn một tiếng, tức thì vô nhà thay xăng đan ngay. Với tôi, không còn việc gì đáng kể hơn là việc được ngồi trên xe hai bánh.

*

Thật là một buổi sáng khó quên, khó quên vì nhiều lẽ : trước hết là vì kể từ sau trận đau dậy tôi chưa được lái xe lần nào, thứ đến là vì từ lúc đi cho tận lúc về tôi tỏ ra đủ tư cách, phong độ làm một tài xế: tôi đã, không chỉ được bác C. khen – bác cũng nhát gan như mẹ tôi – mà còn được mẹ tôi khen một câu rất là đặc biệt.

Thật vậy. Tôi hết sức nhũn nhặn, nhường nhịn mọi người trên đường đi, giữ một tốc độ rất vừa phải làm hài lòng mẹ tôi, cho đến nỗi vốn hà tiện lời khen mà mẹ đã phê một tiếng “vững” làm tôi vô cùng phấn khởi. Vững ! Chưa một ai trong nhà được nhận lãnh tiếng ấy, thế mà tôi, tôi được !

Phải công bình mà nhận rằng về mặt tiền bạc, mẹ tôi không hà tiện so với sự mẹ tôi hà tiện lời khen con cháu trong dịch vụ tài xế. Tàm tạm, cũng được, khá ! Thế là nhất rồi đấy. Lâu lâu, tôi lại nghe những lời quở trách đại khái như :

- Nó làm mẹ hết hồn. Đã dặn hàng trăm bận là nên nhường nhịn, phải hết sức thận trọng khi ngồi trên xe. Không bao giờ vượt lên trước.

Hoặc nhẹ nhàng hơn :

- Chắc mẹ đến phải tập lái xe trở lại mất thôi. Lái xe hơi dù sao cũng… bảo đảm hơn. Giao tính mạng cho tụi bay, tao ngán quá !

Phản ứng của chúng tôi về những lời mẹ tôi tuyên bố không giống nhau: trong lúc Minh, Bé vỗ tay reo mừng vì cái ảo tưởng mẹ sẽ chở chúng đi chơi, đi học, không phải năn nỉ với ba, không phải tốn tiền cho tài xế xe nhà trường thì chúng tôi, trái lại, tỏ ra dè dặt bằng sự im lặng, không góp ý. Cỡ mười phút trôi qua, chờ mẹ tôi nguôi sợ – hay nguôi giận cũng thế – anh Hùng mới sửa kính cận cho ngay ngắn, tiện tay, kéo mái tóc trước trán xuống thấp một chút, cười rất tươi :

- Dạ, con nghĩ là thím tập lái xe lại rất tốt, rất tiện, nhưng… nhưng cũng có cái bực: nguyên mỗi chuyện tìm chỗ đậu xe cũng đủ mệt…

- Ờ… ờ…

Mẹ tôi gật gù hai tiếng, ra vẻ công nhận anh Hùng nói đúng. Chị Cúc góp lời :

- Mà xe hơi hay bị kẹt đường. Xe hai bánh đi mau hơn nhiều. Thím thấy chú đó không: bữa nào cũng về trễ vì nạn kẹt xe…

- Ui cha ! Mà ngồi trong xe hơi lúc kẹt đường thì thiệt khổ, nóng muốn điên.

Hùng rụt vai lại, lè lưỡi ra để biểu tỏ cái khổ của kẻ ngồi trong xe hơi lúc kẹt đường (tôi không khỏi cười thầm: anh ấy có bao giờ đi xe hơi đâu ? Luôn luôn đi xe hai bánh, nhưng tôi không phản đối, không có lợi gì) Mẹ tôi lại gật gù :

- Ờ… ờ… phải…

Chị Thu ỡm ờ :

- Con không lo mấy cái đó, con lo cái khác…

- Con lo cái gì ? – Mẹ tôi nóng nảy hỏi.

Chị tôi thôi cười, nghiêm giọng :

- Con lo mẹ hay quên. Hôm mẹ đi xuống bác C. mẹ mải nghĩ ngợi gì đó, xe taxi chạy thẳng tuốt ra gần xa lộ, mất công quay lại, mẹ nhớ chưa ?

Lần này mẹ tôi “à” to một tiếng, cười ngượng nghịu :

- Phải ! Mẹ cũng ngán cái tính đãng trí của mẹ lắm. Ngồi trên xe mà không tập trung tinh thần thì nguy hiểm quá…

- Có chớ ! (chị Thu cười) Mẹ có tập trung tinh thần, nhưng tập trung vào chuyện khác, không tập trung vào chuyện lái xe. Mệt ở chỗ đó !

Giọng mẹ xuôi xị :

- Với lại, bỏ lái lâu, nay tập lại e cũng… phiền…

Anh Hùng :

- Dạ, phiền là cái chắc !

Rốt cuộc, chuyện mẹ tôi tập lái xe lại chỉ là chuyện bàn suông trên đầu lưỡi, xa vời tựa như chuyện vãn hồi hòa bình trên đất nước ta. Thật vậy, đó chỉ là những lời bàn mỗi khi mẹ tôi bị các tay tài xế hai bánh của gia đình làm bực mình hay sợ hãi mà thôi. Nó không hề được thực hiện, tuy nó được đề cập nhiều lần, qua nhiều năm tháng.

Đôi khi, những lời ấy được chúng tôi hiểu theo nghĩa khác, theo nghĩa một lời đe dọa ngầm của mẹ tôi : “À ! Tụi bay không lái xe đàng hoàng , nói hoài cũng vậy hả ? Được rồi ! Tao sẽ tự lái xe lấy, tụi bay không được làm tài xế chở tao nữa đâu, liệu chừng !”

Đó, không phải tôi muốn dài lời, làm rườm tai các bạn, nhưng tôi phải kể có đầu đuôi để các bạn hiểu rõ cái mừng của tôi vào ngày đáng ghi nhớ: ngày mồng tám tết, năm con lợn ! Dù là phần thưởng của tôi nó vô hình, nó cũng không thuộc loại ngôn từ hoa mỹ, hay là thứ ngôn ngữ dao to búa lớn chi: nó vỏn vẹn có một tiếng “Vững” mà thôi !

Tôi có cảm tưởng mình vượt qua một kỳ thi tuyển khó khăn nhất, tôi có lý do chính đáng để tự khen mình.

Tuy nhiên, khen thì khen, tôi vẫn không được tự do lái xe đi như anh Hùng. Mà nếu mẹ có cho đi đâu thì gặng đi hỏi lại rất là nhiều lần, có khi làm tôi đến bực.

Mẹ tôi vẫn bảo là bà không làm ăn gì được (xin hiểu là làm chứ tiếng ăn mẹ dùng ở đây vô nghĩa) trong khi tôi chưa đem xe về, cất trong nhà xe. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấy cảm phục ba tôi: ông luôn giữ được thái độ trầm tĩnh, đáng khen, không như mẹ.

Thế rồi một bữa nọ, chú tôi từ Biên Hòa xuống chơi. Lộ trình là xa lộ rộng thênh thẳng tắp, phương tiện là cái Brigestone đỏ rực, mới tinh khôi. Tắt máy xong, dắt xe vào hiên nhà, chú tôi cười, đon đả :

- Vũ ưa xe này không ? Muốn đi chơi một vòng không ? Chú cho đi ! Ngon lắm à !

- Xe chớ phải bánh sao mà ngon, hở chú ?

Con Hà nghịch ngợm hỏi chú. Chú tôi vẫn giữ nụ cười dễ dãi :

- Con nhỏ này lý sự dữ há ? Mà chú có hỏi con đâu ? Chú hỏi Vũ kìa ! Sao Vũ ?

Tôi chộp lấy cơ hội tốt liền :

- Dạ đi chớ ! Con mà không muốn đi xe thì ai muốn…

Chú tôi đưa chìa khóa xe cho tôi :

- Đây ! Đi cẩn thận, nghe không ? Thưa mẹ là chú không ăn trưa, tối chú mới ăn, chú bận đi đằng này có chút việc.

Trước khi đi, chú còn quay lại dặn tôi nhớ khóa xe cẩn thận kẻo mất của chú, chú không có tiền mua cái khác, xe bây giờ đắt lắm.

Tôi xách chìa khóa lủng lẳng ở tay, vô nhà, cao giọng hỏi con Hà :

- Hà ! Ưng đi chơi không ? Anh chở một vòng ?

- Không ! Em ghét cái bình xăng…

- Hả ? Bình xăng sao mà ghét nó ?

- Xe gì bình xăng nằm ềnh trước mặt, thấy kỳ cục quá.

Bằng giọng thành thạo, tôi giải thích cho em gái tôi biết rằng nó ghét như vậy rất bất công và còn quê là khác. Theo tôi, tất cả những xe hai bánh nào mà bình xăng nằm ềnh trước mặt đều là xe tốt. chạy vững, lại mau. Chưa kể hợp thời, tiện lợi v.v… Hà nghe một cách thờ ơ, sau cùng, nó trả lời :

- Anh nói gì thì nói, em ghét Brigestone ! Thô lắm !

- Thô gì, vậy mới thể thao chớ. Đi, tao chở ra trụ sở chơi ! Vui lắm !

- Em đã nói em không đi, anh muốn đi thì đi đi !

Vậy là, một lần nữa, em gái tôi vào tròng, tôi cười với nó :

- Ờ ! Thôi, anh đi nghe ! Mà… mà đừng mách mẹ nghe ?

Hà gật đầu rồi chăm chú đọc sách. Tiếng xe nổ làm chị Thu phóng ra ngay :

- Vũ ! Đi đâu đó ? Coi chừng mẹ về la tao cho coi. Giờ này mà còn đi…

- Bữa nay chúa nhật, ba mẹ đi ciné mà, em ra trụ sở một chút.

- Tao đi với !

- Thì đi ! Mà em chở chị chớ em không chịu chị chở em đâu, chịu không ?

- Được ! Tao chở một vòng, mày chở một vòng.

- Phải để em chở chị trước, vòng về tới phiên chị.

Tôi ra điều kiện. Chị Thu bằng lòng ngay.

Cái Brigestone của chú tôi thật giống tôi: trẻ trung, nhanh nhẹn, có vẻ xông xáo, mạo hiểm, gan góc… thật là tôi với nó tuy hai mà một ! Nó chạy như muốn lồng lên, lao tới phía trước, ngồi trên yên xe mà tưởng như sắp mọc cánh bay bổng lên mây ! Nó như một thiếu niên cường tráng cỡ tôi mà cái Suzuki của chị Thu chỉ là một cô gái rụt rè, nhút nhát, còn cái Yamaha của chị Cúc thì tựa một bà mệnh phụ quá tuổi thanh xuân; đến như cái Honda của anh Hùng lại tệ hơn: nó là một ông già thường xuyên nhức đầu sổ mũi ! Tôi tự nhủ nếu ba tôi sắm cho tôi xe gắn máy thì tôi nhất định đòi cho kỳ được loại này mới hài lòng. Khi tôi nói ra miệng sự so sánh ngộ nghĩnh này liền được chị Thu tán đồng tức khắc và hai chị em tôi cười nức nở (thật ít khi mà chị em tôi thấy hợp nhau như vậy).

Trọn buổi trưa, tôi không sao chợp mắt. Cái xe mầu đỏ loang loáng dưới nắng ngoài hiên nhà ám ảnh tôi, sự cường tráng hăng hái của nó choán rợp lấy tâm hồn tôi như một bóng râm khả ái ! Tôi chỗi dậy, ra hiên đứng ngắm. Thật chưa bao giờ tôi thấy thèm khát một cái gì bằng thèm khát được làm chủ cái xe đến mức ấy.

Thình lình, từ trong nhà có tiếng chuông điện thoại réo to. Tôi giận sôi lên. Ai mà bất nhã ! Buổi trưa phá giấc ngủ của người ta…

Rồi thì, tiếng mẹ tôi cất lên :

- Vũ ! Con làm gì ngoài đó mà không nghe coi điện thoại của ai ?

Tôi vội vàng quay vào nhà, nhưng chưa đến nơi, mẹ tôi đã nhấc ống điện thoại lên, nghe. Tôi đứng gần mẹ, thầm rủa kẻ bất nhã và đợi xem kẻ đó là ai. Nhưng rồi, tôi kinh ngạc thấy mẹ tôi run rẩy, đổi sắc, giọng thấp và nghẹn lại, mẹ tôi kêu lên nho nhỏ mấy tiếng “Trời ơi ! Trời ơi !...” Sự hốt hoảng bất ngờ này làm tôi hiểu rằng có gì nghiêm trọng, tôi khe khẽ hỏi :

- Ai vậy ? Mẹ ?

Mẹ tôi khoát tay ra hiệu bảo tôi im và lặng lẽ nghe tiếp. Sau cùng, mẹ tôi nói vắn tắt :

- Được rồi ! Bình Dân… tôi sẽ đến ngay bây giờ đây.

Nói xong, mẹ tôi gác ống điện thoại, ngồi phịch xuống ghế, dựa ra sau, buông mấy tiếng ngắn :

- Dì L. gãy tay rồi… Đứa nào chở mẹ lên nhà thương Bình Dân ngay.

Nói vậy, nhưng mẹ tôi vẫn ngồi lặng, hai mắt nhắm nghiền, mồ hôi tuôn lấm tấm trên trán, có vẻ mệt nhọc khác thường.

Chỉ một nhoáng, cả nhà hay tin dữ. Chúng tôi nhao nhao hỏi nguyên do xảy ra tai nạn. Mẹ tôi cắt nghĩa rõ ràng nhưng vắn tắt :

- Dì đi đóng tiền hụi, đi bằng xe lam, bị xe hơi đụng.

- Bây giờ sao, mẹ ?

- Cái gì sao ? Đứa nào chở mẹ lên Bình Dân chớ còn hỏi gì nữa, sốt cả ruột…

Tôi nhanh nhẩu nhận nhiệm vụ làm tài xế, viện cớ chị Thu chưa thay quần áo, mấy người kia đang ngái ngủ. Mẹ tôi bằng lòng ngay. Nhà tôi đến bệnh viện Bình Dân gần quá, lộ trình lại thẳng tắp một đường, không rẽ trái, rẽ phải chi hết, một nhoáng đã đến nơi.

Mẹ tôi hấp tấp bước vào trong quên cả thói quen căn dặn giữ xe cẩn thận. Tôi lại được dịp ngồi trên xe, ngắm nghía nó và hình dung đến cái ngày – không biết ngày nào – tôi làm chủ cái xe như vậy. Tuy nhiên, tôi không được thanh thản trong lòng mấy, vì cái tin dì tôi bị gãy tay. Cỡ 15 phút mẹ tôi trở ra, nói cho tôi biết là dì tôi đã được nhân viên trong bệnh viện chụp hình cánh tay rồi: tay dì gãy, phải mổ. Bây giờ mẹ tôi ở lại với dì, chưa về được. Giọng thắc thỏm, mẹ tôi nói :

- Thật là khổ, bây giờ… con có thể về một mình không ?

- Thưa mẹ, được chớ… nhưng con muốn vô thăm dì một chút đã.

- Thong thả, bây giờ dì đang đau, con vô vô ích. Để mổ xong rồi sẽ thăm. Có điều, để con đi một mình mẹ lo quá, không yên tâm, mà về với con lại mất công đi nữa…

- Không sao, con về được mà mẹ, giờ này vắng người, với lại con rẽ qua Phan Đình Phùng đi thẳng một đường, có gì đâu…

Tai nạn bất ngờ của dì tôi làm mẹ tôi lại mất tin tưởng ở tôi ít nhiều, tôi hiểu điều đó nên không tỏ ra khó chịu chút nào. Do dự hồi lâu, mẹ tôi tặc lưỡi quyết định :

- Thôi được, con về đi ! Nhớ đi cẩn thận và về ngay nhà, đừng đi đâu hết, nghe không ?

Tôi dạ to một tiếng, mở công tắc, rồ ga, song hết sức ý tứ trước mặt mẹ, không phóng nhanh như lúc đi với chị Thu ban sáng. Trên đường về, tôi ngẫm nghĩ hoài về cái lo sợ vô lý của mẹ: tai nạn của dì tôi do xe hơi gây ra trong lúc đi xe lam , can gì đến chuyện xe hai bánh đâu, kia chứ ?

Cỡ một giờ sau mẹ tôi về. Chúng tôi được biết là Bình dân họ không chịu mổ ngay cho dì tôi mà còn hẹn vào một ngày vô định vì có nhiều người đến trước dì, chờ để mổ. Cho nên sau một hồi bàn bạc, mẹ đưa dì vô nhà thương St. Paul và bác sĩ hứa sẽ mổ vào ngày mai. Mẹ cho biết thêm:

- Ngày mai, bác sĩ mổ cho dì vào lúc một giờ trưa. Mẹ phải vô trong đó với dì…

Chúng tôi muốn hỏi thêm đôi điều song nom khí sắc mẹ, biết là không nên quấy rầy, nên thôi.

Khi mẹ tôi vào phòng nằm nghỉ, chúng tôi họp nhau bàn tính. Ngày mai tôi đi học, anh Hùng, chị Cúc chắc cũng không thể chở mẹ được vì hai giờ họ cũng đi học. Chỉ mình chị Thu là có thể chở mẹ tôi vào giờ đó. Chị Thu cầu nhầu :

- Ông bác sĩ ác: nhè một giờ trưa mà làm việc. Sao không để đến ba giờ chiều hay là tám giờ sáng, tiện hơn ?

Chị Cúc giọng thành thạo :

- Ông ấy làm việc nhiều chỗ, thì giờ phải chia ra chớ, đâu phải rảnh rang…

Hà nhăn nhó :

- Mẹ không được khỏe, bà bác sĩ H. dặn mẹ phải ngủ trưa, mà phải đi lúc một giờ, dễ ghét.

*

Năm giờ chiều hôm sau như thường lệ, tôi và Hà đi học về. Mẹ tôi vẫn còn ở trong nhà thương. Mổ gì mà lâu dữ vậy kìa ? Tôi sốt ruột hỏi và Minh trả lời :

- Mẹ mới kêu điện thoại về, dặn chiều nay lúc chị Thu đi học, anh cùng đi với chị Thu, vô St. Paul chở mẹ về.

- Đi hai xe hay… sao ?

- Em không biết, anh hỏi chị Thu coi.

Chị Thu đang tắm. Tôi phải đợi và thất vọng biết bao khi nghe lệnh mẹ: tôi phải đi cùng xe với chị, sau khi chị tới trường, tôi mới vô nhà thương. Như vậy còn thú vị gì ? Sao mẹ tôi cẩn thận quá vậy chứ ? Chú tôi chưa về Biên Hòa, xe còn nằm trong garage, để không làm chi chứ ? (từ khi được đi Brigestone, tôi đâm chán Suzuki). Nhưng lệnh mẹ, tôi đành phải tuân theo. Tôi kiếm cớ cầu nhầu :

- Em làm sao biết tới chỗ nào ? Nhà thương rộng…

- Đừng lo, tao biết. Tao ở trong đó với mẹ, tới ba giờ mới về. Lát nữa, tao sẽ đưa mày vô trước khi đi học.

Hai đứa tôi cùng hỏi một lượt :

- Mổ xong chưa ?

- Chưa ! Nói một giờ mà gần hai giờ bác sĩ mới đến. Ba giờ dì còn trong phòng mổ, chưa ra. Mẹ bảo về học bài, chớ không tao đã ở lại chờ coi…

- Chị thấy gì ? Chị được vô phòng mổ không ? Dì có đau không ?

Chúng tôi hỏi dồn. Chị Thu chậm rãi :

- Tao được lên thang máy với dì, dì nằm trên cái xe dài như cái giường, có bánh xe. Tao với mẹ đi theo vô tới cửa phòng mổ, thấy đèn rọi xanh biếc, lạnh ngắt, nhưng… họ ngăn lại không cho vô…

- Rồi sao nữa ?

- Sao hả ? Đứng ở ngoài chớ sao ? Hai giờ mới thấy ông bác sĩ xách cặp lên lầu, đi thẳng vô phòng thay áo rồi biến mất, chẳng thấy ổng đi ngả nào vô phòng mổ hết. Trời ơi ! Đợi sốt ruột quá! Cứ một chốc, lại thấy một người chạy ra, áo quần trắng lốp, có khi là một bà xơ, rồi họ lại vô, tay bưng y cụ sáng loáng, cánh cửa cứ nhả ra, nuốt vô, mà toàn người lạ, nó không chịu nhả dì ra…

Chợt chị giật mình :

- Thôi ! Đi chớ, coi chừng mẹ đợi !

Hai chị em lên xe. Đến nhà thương, chị đưa tôi vô phòng mà không cho lên lầu :

- Lên vô ích. Mẹ dặn đợi đây, chắc cũng sắp xong. Đáng lẽ xong rồi mới phải.

Nói xong, chị bỏ tôi đứng một mình, không quên dặn coi chừng xe kẻo mất, rồi đi ngay. Tôi đứng tần ngần, quan sát chung quanh: phòng có ba giường xếp theo hình chữ U, hai giường kia đã có người nằm, còn giường phía ngoài (chắc dành cho dì tôi) thì trải ra trắng phẳng phiu. Chợt có tiếng lao xao phía ngoài. Tôi mở cửa chạy ra xem: từ góc hành lang, một cái giường xe đang được hai người y công đẩy lại phía tôi, mẹ tôi theo sau, dáng bộ buồn rầu, mỏi mệt. Tôi chạy đến đón, dì tôi nằm thẳng trên giường, được đắp một tấm ra trắng, mặt dì tôi tái nhợt, miệng hơi hé mở, hai mắt nhắm kín, mồ hôi tuôn nhớp nháp khắp trán, mặt, cổ. Cánh tay trái dì tôi được đặt ngang dưới ngực một chút, cứng còng trong lớp bột, bó kín tận lên vai và một nửa lưng.

Tôi chạy vô trước, kéo cửa để họ đẩy giường vào và sang dì xuống giường. Ống sérum chuyền vào cánh tay phải được cô y tá nâng theo sau, bây giờ treo chúc ngược trên trần mùng, giọt giọt xuống không ngừng.

Mẹ tôi luôn tay lau mồ hôi cho dì, tóc dì dính ướt, dán vào da mặt, hai bên má. Cứ chốc chốc dì lại nôn ọe ra một thứ nước nhờn. Cái khăn lông to ướt đẫm mà dì không ngừng nôn ọe, tuy vậy, dì vẫn mê man, chưa tỉnh. Cô y tá nghiêng mặt dì tôi lại để nước nôn được chảy ra dễ dàng. Thấy mẹ tôi lúng túng vì không có gì ngoài cái khăn ướt đẫm, một bệnh nhân cùng phòng gọi tôi đưa cho cuộn giấy xốp để mẹ tôi lau cho dì, tôi đón lấy, đứng bên mẹ, xé giấy ra đưa liền liền không nghỉ tay. Mẹ tôi lặng lẽ lau miệng cho dì, mặc cho nước mắt nhỏ ròng ròng xuống không lau. Thỉnh thoảng mẹ tôi dùng ống tay áo gạt đi rồi cúi xuống gọi nho nhỏ tên dì, nhưng dì tôi vẫn không hay biết.

Tôi xúc động trước cảnh ấy và chợt nhớ đến lúc mẹ tôi cúi xuống bên tôi trong những ngày tôi lên thủy đậu. Rồi tôi chớp mắt một cái, hai cái tiếp để xua đuổi cái hình ảnh đáng sợ là hình ảnh tôi trong tình trạng dì tôi, nằm mê man, thiêm thiếp vì một tai nạn xe cộ như thế, bị mổ lâu lắc như thế, nôn ọe khổ sở như thế mà kinh hãi. Càng kinh hãi hơn nữa là dáng bộ thảm não của mẹ tôi khi cúi xuống bên tôi… Tôi thấy nghẹn nghẹn ở cổ, cay cay ở mắt, đau nhói tận tim…


Hơn nửa giờ sau dì tôi mới hơi tinh tỉnh, dì trả lời mẹ tôi một cách yếu ớt, rời rạc rồi lại chìm trong cơn mê. Thỉnh thoảng dì nhăn mặt lại, nói lảm nhảm gì đó làm mẹ tôi đang khóc mà phải bật cười. Bà bệnh nhân cùng phòng hỏi mẹ tôi :

- Bà ấy nói gì thế, hở bà ?

- Đủ thứ: hỏi sao tôi không về ăn cơm đi, chê bác sĩ dở, y tá ác, kêu mệt, có mùi khó chịu trong cổ…

- Tỉnh rồi đó ! Nhưng chưa tỉnh hẳn đâu, còn lâu.

Bà nọ nói. Mẹ tôi gật đầu, rồi lại cúi xuống nói với dì tôi :

- Này ! Có thằng Vũ vô thăm dì đó, biết không ?

Dì mấp máy đôi môi tái nhợt như sắp trả lời nhưng một cơn nôn ọe đến làm dì nhăn mặt, phì nhổ ra trong lúc mẹ tôi vội vã xé thêm giấy lót dưới cổ dì và lau không kịp. Nôn xong, dì chìm lại trong mê.

*

Mười ngày sau, dì tôi được bác sĩ cho về nhà, với cánh tay trái còn bó cứng trong bột, với một nửa vai và lưng cũng cứng còng trong khuôn bột. Ba tôi đi công tác dưới tỉnh đã về và ông mang xe đến nhà thương đưa dì về. Tôi không được chứng kiến lúc dì tôi lên xe, xuống xe. Chúng tôi thương dì lắm, nhưng chuyện tai nạn của dì được chúng tôi mang ra bàn tán một cách khá khôi hài. Tất cả chúng tôi đều cho là dì may mắn nên bị gãy tay trái, vì nếu gãy tay phải thì hết làm ăn. Rồi anh Hùng làm chúng tôi cười bò ra bằng một câu hóm hỉnh :

- Tất cả tụi mình đều bị méo mó nghề nghiệp, thật ra đối với người lớn thì tay phải hay tay trái đều ngang nhau, họ có cầm bút mỗi ngày đâu ?

Chị Thu bĩu môi :

- Thôi đi ông tướng, ông cứ nói như người thông thạo, chính tôi phải gãi lưng hộ dì đây, tôi biết hơn ông…

- Biết cái gì ? Nếu vậy càng chứng tỏ tôi nói đúng: dì bị gãy tay trái nhưng tay phải còn lại có gỡ gạc gì đâu ? Vẫn phải cậy nhờ người khác kia mà ?

Chị Thu chứng minh lời anh Hùng sai :

- Thì cậy nhờ, nhưng ít thôi, vì bữa nay dì đã tự gãi lưng được, dì nhờ là vì bột bó cứng không gãi tới chớ không vì tay phải vô dụng. Dì tự đánh răng được, rửa mặt được…

Một điều thiệt thòi lớn nhất là từ khi bị tai nạn, dì không năng đến nhà tôi nữa, mà có đến là phải đợi dịp ba tôi chở, chớ đi xe taxi tốn tiền, còn để các con dì chở thì dì – cũng như con chim bị tên một lần, thấy cây cong đủ sợ – không dám. Chúng tôi không được nhờ dì mua sắm cho các vật dụng trong lúc mẹ tôi bận nhiều việc khác như trước nay. Song bù lại, mỗi lần dì đến, dì ở lại suốt buổi, tha hồ cho chúng tôi giễu dì là thương binh , là chiến sĩ về vườn , đủ thứ. Đến bữa cơm, chị Thu phải đặt trước dì một cái muỗng chứ dì không dùng đũa được.

Gần hai tháng qua, dì tôi vẫn chưa được tháo bột ra, tuy vậy, dì cũng đi đây đi kia chứ không nằm nhà hoài đâu. Trời nóng mà dì cứ khoác ngoài cái áo len coi ngộ nghĩnh quá, chúng tôi lại được dịp cười.
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét