Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

CHƯƠNG I - II_Chim Phụng THÁI LAN

Chương 01

Giáo sư Vũ Anh

Đồng hồ quả lắc trên tường gõ một tiếng buồn nản. Một giờ khuya, Hoàng Minh trằn trọc không ngủ được, chàng càu nhàu nho nhỏ: 

- Chắc tại mình uống cà phê đen đậm quá… Lần sau thì có lẽ tấm lòng trinh bạch từ đây xin chừa. 

Tính tình vui vẻ nên ngay lúc bực mình vì mất ngủ chàng vẫn… nói đùa với chính mình được. Hoàng Minh ngả đầu xuống gối, nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ. Sự yên lặng và bóng đêm bao trùm gian phòng làm Minh dễ chịu. Chàng khoan khoái mỉm cười thú vị nhớ đến câu nói đùa của các bạn: 

- Thằng Minh có nước lên rừng mà ở. Nó chỉ thích cô độc. Có rất nhiều bạn bè nhưng chẳng bao giờ có người bạn thân, dù rằng có rất nhiều người muốn được làm bạn thân với nó. 

Bản chất của Minh như thế. Nhưng vẻ bề ngoài của chàng khác hẳn. Vui tính, hoạt bát, thông minh và dí dỏm, luôn luôn chàng chiếm được cảm tình người đối diện trong phút đầu tiên gặp gỡ. Điều ấy có lợi cho nghề nghiệp hiện tại của chàng: trinh thám tư. 

Reng…reng…reng…reng… 

Chuông điện thoại reo vang trên bàn ngủ. Minh bật đèn mờ, với tay cầm ống liên hợp. Một giọng quen quen vọng lại từ đầu dây bên kia: 

- Anh Minh đó phải không? Tôi, Vũ Anh đây… 

- Hân hạnh được tiếp chuyện với Giáo sư giờ này… 

Nghe câu trả lời đầy trách móc, Giáo sư cười ha hả, đắc ý: 

- Dễ gì chọc được bạn tôi nổi giận. Nhưng lần này có lẻ anh Minh nổi giận thật đó. Vì một giờ khuya tôi gọi điện thoại đến anh để… nói chuyện chơi cho đỡ buồn… tôi không ngủ được… 

Hoàng Minh là bạn học cùng lớp với Giáo sư từ bậc tiểu học. Lớn lên, một người du học ngoại quốc và trở thành nhà bác học nổi tiếng thế giới về các công trình nghiên cứu Y học, người kia phiêu bạc giang hồ nhiều năm, sau cùng về mở văn phòng Trinh Thám. Minh không buồn cho mình, trái lại chàng còn luôn hãnh diện: 

- Mỗi người có một cuộc đời…và đời ta không phải là loại bị cầm tù trong phòng thí nghiệm. 

Đôi bạn hiểu nhau lắm. Nên Minh nghe giọng nói của Giáo sư là biết ngay ông ta có chuyện quan trọng muốn nói: 

- Anh cứ nói, Vũ Anh. Tôi không phiền đâu… 

- Bạn năn nỉ tôi phải không? Được, tôi bắt đầu nhé – Giáo sư thấp giọng, thở dài rất khẽ - tôi đang bị đe dọa vì phát minh mới nhất của tôi, một loại thuốc dùng bồi bổ sức khỏe con người, nhất là đối với đại chúng lao động nghèo khổ. 

Hoàng Minh thắc mắc: 

- Anh nói mau đi? Phát minh một thần dược như thế lại là một tội lỗi hay sao? Ai đe dọa anh? 

- Không ai cả… 

- …… 

- Tôi linh cảm thấy như thế. Tôi muốn ngạt thở rồi. Một sự nặng nề chết chóc bao phủ quanh tôi. Có những người lạ mặt đang lảng vảng quanh biệt thự “LÚA VÀNG” của tôi. Nhất là mới hồi chiều, tôi bắt gặp cặp mắt chăm chú kỳ lạ của Tiểu Phụng… 

- Tiểu Phụng? 

- À, tôi quên nói anh hay: Tiểu Phụng là con nhỏ người lai Thái, con gái của ông Nguyễn Viễn Đăng, bạn thân của tôi. Bà vợ lớn của ông ta ghen quá, ông không dám mang con riêng về sợ bị hành hạ, ngỏ ý muốn nhờ tôi. Tôi thấy con bé dễ thương, nhận lời… 

- Từ bao giờ? 

- Tuần lể nay thôi. Vợ ông ta là người Thái Lan, Tiểu Phụng giống mẹ như hệt. 

- Con nhỏ biết nói tiếng Việt không? 

- Dĩ nhiên là có. Cha nó là người Việt mà. Anh sao lẩn thẩn…tôi nói tiếp nhé. Tôi mới chế ra một loại thuốc có thể rút ngắn giấc ngủ của con người mà người ấy vẫn khỏe mạnh như thường. Thí dụ: hàng đêm anh phải ngủ đủ tám giờ đồng hồ sáng mai mới khỏi ngáp, chảy nước mắt… thì nay anh chỉ cần một giờ là đủ. 

- Một giờ? 

- Phải. Giấc ngủ trong đêm của con người có nhiều gian đoạn: lúc bắt đầu ngủ, bao giờ cũng chập chờn, tiếp theo là ngủ say và thật say, sau đó nhạt dần và tỉnh giấc buổi sáng, đó là theo tiến trình tự nhiên, còn nếu dùng đồng hồ báo thức thì cũng tương tự. Nếu giấc ngủ bị tiếng chuông cắt ngang lúc đang say giấc thì rất hại, vì có ảnh hưởng đến sự yên nghỉ của những “ nơ ron”, tế bào thần kinh. 

Ngưng một lúc Giáo sư tiếp: 

- Thuốc của tôi có tác dụng đưa con người vào cõi vô thức ngay lập tức và họ ngủ say gấp hai, ba lần lúc ngủ say nhất của một giấc bình thường. Thuốc không hại như những loại thuốc ngủ hay thuốc mê từ trước tới nay vì động tác của mi mắt khép lại trong một phút bất động sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng sinh hóa chớp nhoáng, người dùng thuốc ngủ ngay sau 10 giây… 

- Nghĩa là muốn ngủ, tôi uống thuốc, nhắm mắt một phút và mười giây rồi ngủ thật ngon? 

- Đúng. Giấc ngủ không mộng mị, không chập chờn. Ngủ say. Chỉ một giờ đồng hồ là quá đủ. Hai mươi ba giờ đồng hồ còn lại trong ngày có thể làm việc nặng nhọc mà không biết mệt. 

Hoàng Minh riễu: 

- Bác Học ơi! Ông biến người ta thành cái máy mất rồi… 

Vũ Anh quả quyết: 

- Xứ nghèo nếu muốn tiến bộ, phải làm việc và làm việc. Còn thực tế, những người nghèo khổ có thể nhờ thuốc của tôi làm thêm nhiều giờ phụ trội, gia đình họ sẽ sung túc hơn. Anh có biết hiện giờ trong các xưởng kỹ nghệ như xưởng dệt chẳng hạn, ta rất thiếu công nhân chuyên môn không? 

Hoàng Minh phản đối: 

- Trong lúc thế giới đang cố giảm số giờ làm việc hằng ngày, hằng tuần mà anh lại muốn con người làm việc 23/24 giờ. Tôi không đồng ý. 

- Một công dụng nữa là thuốc của tôi có thể trị được cả chứng mất ngủ nan y. Tôi đã trắc nghiệm ở nhiều nhà thương và thành công mỹ mãn. 

- À. Trở về với Tiểu Phụng đi. Con nhỏ chùng bao nhiêu tuổi? 

- Mười hai. Tôi đâm ra sợ đôi mắt sáng quắc của Tiểu Phụng. Nó quyết tâm làm một điều gì bí mật, không cho tôi biết, gạn hỏi cách nào cũng không nói. Nó không ngủ ngon như mọi khi, ngược lại đêm nay mới mê hoảng, hét lên ú ớ… bằng tiếng Thái Lan. Tôi hiểu sơ hình như nó gọi mẹ nó… 

Hoàng Minh gượng đùa cho bớt sự căng thẳng sợ hãi đang bao quanh nhà bác học ở đầu dây kia. 

- Sao anh không thử cho nó uống thuốc mới của anh? Nó sẽ ngủ ngon một tiếng đồng hồ… rồi trở dậy theo dõi anh 23 giờ liền. Anh đừng nghĩ ngợi, chắc nó có việc chi lo lắng nên hơi lạ thường thế thôi. 

- Không hiểu tại sao tôi vẫn có cảm giác bất ổn? 

- Hay tôi lại ngủ chung với anh nhé? Hai người bớt sợ. 

- Trời ơi! 

- Cái gì đó Vũ Anh? 

- Một cái đầu đen vừa nhô lên qua khung cửa kính? Hay là tôi hoa mắt? 

- Tiểu Phụng? 

- Không. Một gã mặt rỗ như hung thần… Giáo sư thở phào… nhưng cái đầu biến đi rồi… tôi phải thú nhận với anh sống một mình trong ngôi biệt thự mênh mông nhiều khi muốn điên lên được. Anh Minh này, sáng mai anh lại thăm tôi nhé. 8 giờ đúng... 

Đầu dây kia nín bặt. Hoàng Minh nhận biết đầu dây chưa cúp bấm nút giục liên hồi. Im lặng một cách khó hiểu 5 giây đồng hồ. Rồi có tiếng Giáo sư vừa nói vừa thở hổn hển: 

- Minh… Minh… tôi bắt gặp cặp mắt nâu qua khe cửa sổ… cặp mắt của Tiểu Phụng… 

Hoàng Minh hơi bực mình, gắt nhỏ: 

- Làm gì anh sợ đứa nhỏ quá vậy. Nó là người chớ có phải ma đâu. 

- Ma? Người? Tôi không biết. Nhưng đêm nay tôi sẽ không chợp mắt được. 

- Làm sao tôi giúp anh bây giờ? Xe hơi của tôi hư rồi. Hay để tôi gọi Cảnh sát đến anh? 

- Không, đừng gọi vô ích. Tôi có thể tự xoay sở giải quyết lấy được. Nhưng sáng mai anh lại tôi nhé. 8 giờ. Chào anh. 

Lần này thì máy cúp thật. Hoàng Minh bỏ ống nghe, thẩn thờ. Giáo sư hôm nay như người bị ma ám, nói năng lộn xộn khó nghe. Thứ thuốc điên cuồng của ông ta đã làm ông lâm vào tình trạng bi thảm thế sao? Tiểu Phụng là ai? 

Minh nằm vào giường với ý nghĩ sau cùng: 

- Dù sao, thuốc mới của Giáo sư sẽ làm cho con người phí mất 1/24 của cuộc đời để ngủ thay vì phải tốn đến 8/24 của đời người.



Chương 02

Tiểu Phụng

Tám giờ sáng hôm sau, Hoàng Minh bấm chuông nhà giáo sư Vũ Anh. Biệt thự “LÚA VÀNG” hửng sáng đỏ hồng dưới ánh nắng chói chan của ban mai. Thật ngoài ý liệu của chàng khi chú làm vườn ra cổng trả lời:

- Thưa ông Minh, ông chủ tôi mới đi khỏi.

Minh từng đến đây nhiều lần nên chú đã quen mặt. Minh nhìn lại đồng hồ tay, chép miệng:

- 8 giờ.

- Dạ, đúng 8 giờ. Thưa ông có chuyện gì không?

Hoàng Minh không có thói quen tiết lộ cho người khác tất cả những điều mình biết nên lờ luôn vụ giáo sư hẹn chàng lại thăm ông lúc 8 giờ. Chàng nói cho xuôi:

- Tôi lấy làm lạ vì thường ông bạn tôi ít đi chơi trước 8 giờ… ông ấy thích phòng thí nghiệm hơn cả… người yêu nữa mà. Chú nghe chừng nào đám cưới?

- Chắc cũng còn lâu. Vì giáo sư bận và thích làm việc quá. Cô Lan hơi buồn nhưng phải đành chấp nhận vậy.

Lan là người yêu của giáo sư Vũ Anh. Nàng cũng đẹp, bướng bỉnh một cây nhưng khi gặp giáo sư thì đành nhượng bộ vì ông là một khối nước đá khi đã muốn làm điều gì thì có trời cản được ông. Minh hỏi ướm:

- Có phải cô Lan rủ giáo sư đi chơi không?

- Không? Hai người đàn ông trung niên xin vào gặp giáo sư lúc 7giờ 30. Ba người hình như có cãi vã đôi phút rồi giáo sư theo họ ra xe đi ngay.

- Chú mở cửa cho tôi vào phòng khách. Mau lên.

Minh đoán ngay ra sự thật: Phòng khách còn in hằn dấu vết một cuộc xô xát nho nhỏ chứng tỏ giáo sư chống cự rồi bị dẫn đi. Tấm thảm chùi chân bị xô lệch một góc, những dấu giầy lờ mờ trên thảm và…gần bên giỏ đựng giấy vụn, sót lại một mảnh vải tetoron hàng may áo nổi tiếng của Nhật bản. Vải hơi hôi mùi…da thịt của người và không phải là của giáo sư Vũ Anh. Vậy là của ai? Của bọn gian mới đột nhập vào biệt thự “LÚA VÀNG” chăng?

- Sao chú không lên phòng khách xem giáo sư có bị hại gì không? Trời ơi!

Chú làm vườn cãi:

- Tôi không được phép lên nhà trên. Cửa kính phòng khách kín mít, tôi làm sao nghe được tiếng động mà biết có xô xát như vầy? Hơn nữa, giáo sư chịu đi theo họ mà.

Hoàng Minh muốn hét lên: “Ngu như bò” về lối cãi của chú ta nhưng dằn lại kịp. Mắt chàng sáng lên khi thấy một con sóc nhỏ, lông xám thu hình trong góc. Con vật ngộ nghĩnh, nhí nhảnh, tình cờ lại là… nhân chứng duy nhất của cuộc bắt cóc này. Nhưng con sóc không biết nói.

- Chú ra mở cổng cho họ phải không?

- Vâng, nếu bây giờ gặp lại họ, tôi bảo đảm sẽ nhận ra họ.

Hoàng Minh lắc đầu:

- Vô ích. Vì họ thừa thông minh để biết hóa trang trước khi vào đây. Để tôi điện thoại cho cảnh sát.

Dây điện thoại bị cắt đứt ngay. Hoàng Minh vội rút ngay chiếc khăn mu soa sạch gói mảnh tetoron vào trong, đút túi và vội vã đi ra. Qua cổng sắt, chàng thấy vết bánh xe là lạ trên cát sát lề đường nhựa. Con đường vắng, chiếc xe taxi đưa Hoàng Minh đến không thể tạo ra những vết bánh xe như thế này. Vết bánh rất dầy, loại xe du lịch thể thao mắc tiền, 10.000 đô la một chiếc. Có lẽ là xe bọn gian.

- Giáo sư không lái xe hơi đi hả?

- Không. Xe của giáo sư bỏ garage lâu rồi. Ông nói để ở nhà thêm chật chổ và ông cũng không cần đi đâu.

- Cám ơn chú, tôi đi nhé.

Cánh cổng sắt đóng và khóa cẩn thận, chú làm vườn sợ xảy ra vụ bắt cóc thứ hai mà đề phòng chăng? Hoàng Minh mỉm cười, xòe tay đo ướm chiều ngang vệt bánh xe trên cát: 30cm

Xe taxi trờ đến. Hoàng Minh ngoắc lại, trèo vào. Khi xe đến trạm điện thoại công cộng, chàng ra lệnh:

- Tốp…

Xe chưa kịp thắng, Minh đổi ý:

- Thôi, chạy luôn đến Sở Cảnh sát Trung ương. Mau lên.

Sở Cảnh sát cách đây chừng 5 phút đường xe chạy. Chàng đã định gọi điện thoại nhưng rồi tính toán thấy chậm trể 5 phút mà được gặp mặt nói chuyện thẳng với ông cò vẫn lợi hơn nên đổi ý. Thình lình, Minh gọi lớn:

- Vũ Anh ! Giáo sư Vũ Anh !

Kìa, giáo sư Vũ Anh bằng xương bằng thịt đang rảo bước ra khỏi Ngân hàng Hong Kong, tay xách theo một gói nặng. Ông ta đi một mình, trèo lên một chiếc taxi xanh vàng vọt đi. Hoàng Minh mới kịp hét taxi của chàng bám theo thì…mắc kẹt đèn đỏ ngừng lại:

- Trời ơi, làm sao đuổi kịp bây giờ? Giá xe hơi của ta không hư?

Tiếng còi hụ dồn dập rất gấp quen thuộc của xe Hồng thập tự vang ra: tất cả xe cộ vội nép vào lề, nhường chỗ. Hoàng Minh nhìn ra đường: chiếc Toyota 2600 trắng mới tinh sơn dấu thập đỏ lao vút vội vàng. Xe cấp cứu của bệnh viện Phúc Kiến của người Trung Hoa. Số xe không nhìn rõ vì số kẻ rất dài và hẹp trên bảng thiếc xanh.


***


Ông cò lắc đầu, bảo Minh:

- Không có gì mới lạ về giáo sư Vũ Anh. Tôi rất tiếc là cuộc điều tra phải kéo dài.

Hoàng Minh cười trừ:

- Cám ơn ông Cò. Ông cho tôi mượn điện thoại chút nhé… A lô, a lô…cho tôi nói chuyện với ông Giám đốc Ngân hàng Hong Kong có việc gấp.

Minh vào đề ngay:

- Tôi là Minh, ở Sở Cảnh sát Trung Ương, muốn ông Giám đốc cho biết về trương mục của giáo sư Vũ Anh. Mong ông Giám đốc vui lòng hợp tác với chúng tôi vì nhu cầu điều tra…

- Ông đợi một chút, tôi hỏi phòng phát ngân…

Minh nheo mắt cười với ông cò:

- Suýt chút nữa tôi quên khuấy việc giáo sư vào Ngân hàng Hong Kong. Xin lỗi ông Cò nhé.

Ông Cò có vẻ bực mình, chắc ông nghĩ Hoàng Minh thiếu tinh thần hợp tác với Sở Cảnh sát. Nhưng thực sự là Hoàng Minh đã nói cho ông Cò nghe việc ấy và ông đã điện thoại qua Ngân hàng hỏi một lần nhưng đường dây bị bận. Lần thứ hai cũng bị bận. Ông tức mình gác luôn điện thoại. Và hai người, Hoàng Minh và ông Cò cùng không nhớ đến Ngân hàng Hong Kong nữa cho đến bây giờ.

Tiếng rè rè ở đầu dây bên kia vang lên:

- 8 giờ 10 phút sáng nay, giáo sư Vũ Anh đã lấy hết số bạc của ông gởi trong Ngân hàng, kể cả trương mục tiết kiệm và hoạt kỳ. Tổng cộng 20 triệu 800 ngàn đồng. Ông thỏa mãn chưa?

- Ông có biết giáo sư còn gởi tiền nơi đâu nữa không?

- Không. Giáo sư Vũ Anh rất tín nhiệm Ngân hàng Hong Kong của chúng tôi, ông gởi tất cả tiền vào một ngân hàng mà thôi. Chúng tôi làm ăn rất đứng đắn…

- Cám ơn ông. Chúc ông Giám đốc nhiều may mắn.

Ông Cò nhịp nhè nhẹ trên mặt bàn:

- Giáo sư Vũ Anh bị bắt cóc? Tại sao ông lại rút hết tiền gởi ngân hàng ra?

- Ông nghi là giáo sư dàn cảnh trốn nợ?

Thấy Hoàng Minh nói có ý không bằng lòng. Ông Cò vội bảo:

- Tôi không có ý ấy nhưng mọi giả thiết đều nên được đặt ra trong khi điều tra. Rồi chúng ta sẽ loại bỏ dần.

- Tôi tình nguyện đi hỏi giáo sư Vũ Anh trong đám bạn bè, họ hàng của ông là ông có nợ nần ai không?

- Cám ơn ông Minh.

Ngay lúc ấy một viên Thiếu úy cảnh sát đưa vào một bản báo cáo của Sở Phân chất và Giảo nghiệm. Ông Cò đọc qua, bảo:

- Chúng không để lại một dấu vết nào cả ngoại trừ vết giày trên tấm thảm.

- Và chúng chỉ việc liệng bỏ những đôi giày đã sử dụng sáng nay vào một bãi rác nào đó là xong.

- Đúng thế.

Hoàng Minh từ biệt ông Cò. Chàng trở lại biệt thự “LÚA VÀNG”. Nhân viên cảnh sát cho chàng vào. Minh vào phòng khách, gọi chú làm vườn lên hỏi:

- Từ sáng đến giờ có ai rời khỏi biệt thự này chưa?

- Thưa chưa.

- Thật không? Kể cả mấy đứa nhỏ?

- Vâng. Tiểu Phụng không được phép đi học như thường lệ. Mấy ông cảnh sát canh gác bảo thế.

Minh ngập ngừng một giây rồi bảo chú:

- Tôi muốn nói chuyện với Tiểu Phụng. Chú kêu nó xuống đây.

Con bé xinh xắn, da trắng, mắt nâu, dáng người mảnh khảnh. Minh chú ý đến nó nhất ở điểm đôi mắt sáng quắc một cách lạ lùng. Nó tỏ ra thông minh, ứng đáp rất nhanh nhẹn:

- Cháu là Tiểu Phụng?

- Thưa ông vâng. Ông ở sở Cảnh sát?

Minh cười lắc đầu:

- Không, chú là bạn của giáo sư Vũ Anh thôi. Cháu biết giáo sư Vũ Anh không?

Chàng nhắc tới tên Vũ Anh hai lần vì thấy mắt con bé lại càng sáng lên quyết liệt mỗi khi nghe nhắc đến tên giáo sư. Tại sao thế? Hoàng Minh đang tìm lời giải đáp.

- Vâng, cháu sống chung với giáo sư hàng ngày mà, không biết sao được. Cháu…

Tiểu Phụng ngắt ngang câu nói. Mắt con bé hơi sầm lại và đỏ. Minh nhẹ nhàng vuốt tóc nó:

- Cháu ghét giáo sư lắm hả?

- …Không…

Tiếng phủ nhận kém mạnh mẽ kia đồng nghĩa với một lời xác nhận. Minh tiếp:

- Giáo sư thương cháu lắm mà. Còn Dũng và Y Shroe làm bạn với cháu nữa chứ. Cháu buồn, tại sao cháu buồn?

- Giáo sư thương cháu nhưng ông ta…

- Ông ta làm sao?

- Cháu không thể nói được. Cháu thù ghét ông ta.

Minh biết lúc này nên chuyển đề tài cho câu chuyện vui vẻ thì hơn. Chàng cười nhẹ:

- Chú là bạn với ba cháu, ông Nguyễn Viễn Đăng đấy. Cháu có…nhận ra chú không? Chú đến chơi từ lúc cháu còn nhỏ xíu và có lẽ chưa về nước nữa…A, trong số các con ông Đăng, không có đứa nào dễ thương bằng cháu đâu, Tiểu Phụng ạ…Chú có gặp cháu một lần, cách đây 5 năm ở Thái Lan. Cháu nhớ ra chưa?

Tiểu Phụng ngẫm nghĩ. Con bé rụt rè:

- Chú…hồi xưa chú húi cua và mập lắm phải không?

- Đúng rồi. Cháu nhớ thêm chút nữa tên chú là gì nào?

- Chú Minh.

Minh biết ngay chú làm vườn đã cho Tiểu Phụng biết chàng tên Minh nên chàng lại gật đầu:

- Minh là tên hiện thời thôi. Chú có nhiều tên lắm. Cháu nhớ lại tên hồi xưa của chú kìa?

- Chú là…chú Văn. Trời ơi! Sao chú không bảo ngay cho cháu mừng? Chú Văn?

Con bé ôm choàng lấy Hoàng Minh. Lần này chàng biết nó nói thực. Nó đã lầm chàng với chú Văn nào đó bạn của ông Viễn Đăng trong thời gian ông buôn bán ở Thái Lan. Minh sẵn sàng đóng vai Văn với Tiểu Phụng một thời gian để điều tra được dễ dàng.

- Cháu không ở lại Thái Lan với má? Bỏ má một mình buồn chết.

Phụng khóc nức nở:

- Má cháu không buồn được nữa… má cháu chết rồi!

- Trời đất ? Sao ba cháu không nói chú biết ? Anh Đăng tệ thật…Cháu đừng buồn, đời người ai cũng phải chết một lần, má cháu chết đi là được sung sướng lắm đó.

Tiểu Phụng không nói gì. Hoàng Minh gọi to:

- Dũng ơi! Y-Shroc ơi ! Xuống đây chú bảo.

Phụng lẳng lặng đi vào nhà trong. Minh không giữ lại. Nửa phút sau thấy có tiếng chân chạy xuống thang gác rầm rập: Dũng và Y-Shroc hiện ra mừng rỡ.

Dũng hét lên:

- Chú Minh ! Tụi cháu bị giam trong nhà chán quá. Không được phép ra vườn nữa. Chú nói dùm với mấy ông cảnh sát cho tụi cháu đi chơi với chú đi.

Dũng mười hai tuổi, bằng tuổi Tiểu Phụng và là cháu ruột của giáo sư Vũ Anh. Y-Shroc cũng kêu:

- Tụi cháu được nghỉ học mà không vui chút nào.

Thằng bé sau này mười một, người Thượng nhưng cũng thông minh, chăm học và là bạn thân của Dũng. Giáo sư Vũ Anh giàu có, không để ý đến tiền bạc bằng lòng cho Y-Shroc ở biệt thự Lúa Vàng làm bạn với Dũng. Con sóc xám hồi nảy của Y-Shroc đó.

- Y-Shroc !

- Dạ. Chú dạy gì ?

- Con sóc của cháu đẹp ghê hả? Nó có khôn không Y-Shroc?

Y-Shroc cười khoe hàm răng đều, trắng và to như hạt bắp rừng:

- Không hiểu nó có khôn không nhưng nó đánh hơi giỏi lắm chú ơi. Hơn chó xa lắc.

- Chà, con sóc của cháu đặc biệt quá. Nhưng làm sao mà Y-Shroc biết là nó đánh hơi giỏi?

- Chú thử coi. Chú gặp nó rồi phải không?

- Rồi.

- Chú bồng nó đi.

Con sóc lập tức ôm cánh tay Minh và thè lưởi liếm áo chàng. Y-Shroc giải thích:

- Nếu người lạ gặp nó lần đầu, mà bồng nó sẽ bị cắn chảy máu ngay. Nó cũng…không hiền lắm đâu.

Trong óc Hòang Minh lóe lên tia sáng của hướng điều tra vụ bắt cóc giáo sư Vũ Anh. Trong ấy con sóc sẽ đóng một vai quan trọng trong việc “nhận diện” thủ phạm. Con sóc hay hơn con người ở điểm nó có thể nhận được người ta dù khuôn mặt đã thay đổi.

- Tiểu Phụng dễ thương chứ Y-Shroc?

- Dễ thương nhưng lắm lúc nó làm phách lắm. Không thèm nói chuyện với cháu đó chú.

- Thì để chú bảo Phụng. Chắc tại nó mới vào sống trong biệt thự nên còn nhát.

Dũng xen lời:

- Chú Minh ! Cháu bắt gặp Tiểu Phụng hay rình ngoài cửa sổ phòng chú Vũ Anh. Cháu hỏi nó rình làm gì nó không nói, lại còn…

Minh đoán ngay:

- Phụng dữ lắm hả?

- Nó cấu cháu đau điếng và hăm nếu cháu méc với chú Vũ Anh nó sẽ nghỉ chơi cháu ra.

Minh đùa:

- Cần gì chơi với Phụng, phải không Y-Shroc?

- Đúng đó chú. Cháu bảo hoài mà thằng Dũng không nghe.

Mặt Dũng đỏ lên, thằng bé chống chế:

- Nhà có ba đứa mà chia rẽ thì buồn chết.

- Dũng nói phải. Chú giỡn chơi cho vui thôi. Dũng gọi Tiểu Phụng ra đây chú bảo.

Tiểu Phụng đi ra. Hình như con bé nấp ở phòng trong nghe lỏm hết câu chuyện rồi nên nét mặt nó không vui, Minh chặn đầu ngay:

- Phụng này, con gái lớn rồi nghe lén chuyện người ta nói không tốt đâu nhé.

Nó lúng túng:

- Làm sao chú biết?

- Cái gì chú chả biết. Bây giờ chú nói cả ba cháu phải nghe lời, nhà có ba đứa, các cháu nên xem nhau như anh em, chơi đùa vừa phải và nhất là đừng bao giờ cãi nhau nhé.

- Vâng.

Ba đứa trẻ vâng ngoan như bụt. Minh nói tiếp:

- Các cháu đã biết, chú Minh làm thám tử nghĩa là phải đi tìm cho ra chú Vũ Anh bị bắt cóc. Các cháu có bổn phận phải tiếp tay với chú làm việc này. Bao giờ các cháu thấy có gì lạ, báo ngay chú biết. Các cháu biết gọi điện thoại chứ?

- Thưa chú biết.

- Số máy của chú đây này. Chú mong nhất là Phụng đó. Nếu cháu…nhìn được qua cửa sổ trong phòng giáo sư thấy có gì lạ bảo chú nhé.

- Cháu…cháu sẽ không làm vậy nữa chú Văn.

Đối với Dũng và Y-Shroc, Minh là Minh. Còn với Tiểu Phụng, Minh là Văn.

Minh lắc đầu thân mật:

- Nên làm nữa chứ, sao lại thôi Tiểu Phụng. Cháu có muốn làm thám tử tí hon không? Cháu có dịp may mắn lắm đó. Thôi ba đứa ở chơi, chú phải về.

Minh nắm tay Dũng, dắt thằng bé ra vườn, ghé tay nó bảo mấy câu thì thầm rồi đi ra đường. Lúc trở vào mắt Dũng sáng lên và nó luôn liếc nhìn Tiểu Phụng với cặp mắt khó hiểu.
______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III & IV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét