Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

CHƯƠNG III_NGƯỜI ĐIÊN KHÔNG BIẾT NHỚ

III

THỬ THÁCH

Châu Uyên cắm cúi vẽ. Cây bút trên tay nàng nguệch ngoạc thành những đường ngang, những lằn dọc trên trang giấy. Nàng vẽ như say mê, những ngón tay mềm mại uyển chuyển theo cây bút “rông” màu xanh. Tuyên theo dõi những cái nhíu mày, nhăn mặt của nàng một cách thương mến.

- Em vẽ xong chưa?

Châu Uyên gật đầu:

- Xong rồi.

- Em vẽ gì đấy?

- Bông hoa. Đẹp không anh?

Tuyên suýt phì cười:

- Ờ… đẹp. Thế hoa gì cô bé?

- Thược Dược nè, Huệ nè, Hồng nè. Thứ nào em cũng thích.

Tuyên nhìn những “bông hoa” của cô gái, mỉm cười:

- Em vẽ đẹp lắm.

Châu Uyên buông viết nhìn Tuyên chờ đợi. Chàng hôn nhẹ lên trán nàng ; Uyên mỉm cười. Tuyên không hiểu nổi nụ cười của nàng biểu lộ sự sung sướng trong tình yêu hay sự hài lòng.

Hai hôm trước chàng gặp Diễm. Một Diễm dịu dàng xinh đẹp và thông cảm. Nàng tỏ ra hiểu hoàn cảnh Châu Uyên và sẵn sàng bỏ qua những cử chỉ “thân mật” từ lâu nay Tuyên phải áp dụng cho “bệnh nhân”, nhưng với một điều kiện : Tuyên phải chấm dứt nghề thầy thuốc tâm bệnh… bất đắc dĩ của mình.

Diễm cho Tuyên biết là gia đình nàng ở Nha Trang đang mở một Laboratoire tại đường Độc Lập. Và căn nhà kế bên, ông bà sẵn sàng giúp cho bạn của con gái mở một phòng mạch. Như vậy là nhất. Tuyên hiểu đối với một bác sĩ mới ra trường như chàng, đó là cơ hội bằng vàng không nên bỏ. Diễm thuyết phục Tuyên nên đi với nàng ra gặp ông bà cụ để bàn định công việc và chuyến đi được nàng ấn định vào tuần tới, vì Tuyên thấy rằng mình cần phải suy nghĩ trước một quyết định tương lai hệ trọng.

Trước hết là tự ái của một người con trai không cho phép Tuyên nhận sự giúp đỡ của gia đình Diễm. Tuyên đã thoát khỏi sự nhờ vả cha mẹ mình, chàng không muốn phải ghép mình vào lệ thuộc nào khác. Hơn thế, chàng còn phải vào lính hai năm, làm việc tại Quân Y viện rồi mới được ra hành nghề tư. Theo Diễm thì việc đó không khó khăn gì. Ông bà cụ sẽ lo cho Tuyên được làm việc tại Quân Y viện Nha Trang, và ở đó, chàng có thể vừa là y sĩ vừa khám bệnh riêng ngoài giờ làm việc. Tuyên ái ngại vì sự giúp đỡ quá lớn lao đó. Chàng cũng không yên tâm nếu phải bỏ dở việc giúp đỡ Châu Uyên, vì thế mà Tuyên chưa quyết định được.

- Có gì lạ không, bác sĩ?

Tiếng Hoàng vui vẻ. Tuyên chỉ những bức vẽ của Châu Uyên:

- Công trình vĩ đại của nhà danh họa đấy.

Hoàng nhìn lên rồi kêu:

- Mày dạy nó vẽ gì vậy?

- Tao không dạy, tự nàng phát minh ra đấy. Những bông hoa.

- Bông hoa? Sao không nói luôn là con bé vẽ… mày.

- Biết đâu ở những hành tinh khác lại không có những bông hoa giống như vậy…

- Có lý. Nhưng tao khuyên mày nên ghi tên học Luật để làm thầy cãi hơn là thầy thuốc. Thầy thuốc phải đúng công thức, đúng phân lượng nguyên tắc răm rắp chứ không có ngoắc ngoéo hai với hai là… năm như thầy cãi được.

Chợt nhớ ra điều gì, Hoàng hỏi bạn:

- Mày gặp Diễm?

- Hôm thứ năm.

- Xong xuôi rồi chứ?

- Xong rồi, thêm một ít rắc rối.

- Gì vậy?

Tuyên nói với bạn về dự định của Diễm.

- Tóm lại ông bà cụ Diễm muốn bắt cóc mày?

- Chuyện đó xa vời. Chỉ biết họ muốn giúp mình phương tiện.
- Mày trả lời sao?

- Chưa. Tao đợi suy nghĩ và hỏi ý kiến mày. Dù sao việc nhờ người ta phải đắn đo, tế nhị lắm mới được. Tao không muốn mang tiếng lợi dụng.

- Đã chắc gì mày lợi dụng. Đôi khi chính mình bị lợi dụng thì có. Nhưng dù sao, nếu mày và Diễm yêu nhau, nghĩ đến chuyện xây dựng thì đó là lẽ thường. Ba me Diễm tạo tương lai cho mày và cho con gái họ sau này đó chứ.

- Diễm rủ tao tuần tới ra Nha Trang thăm ông bà cụ, luôn tiện bàn luận dự định đó.

Tuyên không nói cho bạn biết quyết định “tối hậu” của Diễm là buộc chàng phải chấm dứt vai trò người tình của Châu Uyên. Dù sao việc đó quá sớm và chàng chưa có quyết định gì.

Hoàng gật gù:

- Mày nên đi. Biết đâu không là dịp tốt để tạo dựng sự nghiệp. Hơn nữa dự định là một chuyện mà làm hay không lại là chuyện khác, ai đã “bắt cóc” mày đâu mà lo.

Tuyên nói thật ý mình:

- Tao sợ bỏ Châu Uyên một mình…

Hoàng bật cười:

- Mày là một lương y tận tâm, nhưng đôi khi vì ích chung thầy thuốc cũng phải bỏ con bệnh.

Tuyên nghiêm mặt:

- Thật đấy Hoàng. Uyên đã quen với sự có mặt của tao rồi, bây giờ…

Hoàng cắt ngang:

- Mày đi chừng tuần lễ, nửa tháng chứ bộ đi luôn sao.

- Chừng đó thời gian cũng đủ tác dụng…

Hoàng trấn an bạn:

- Không sao, mày tin tao đi. Tao đã có cách dỗ dành nó. Việc cần mày phải đi chứ, đừng vì em tao mà bỏ qua cơ hội.

Tuyên nhìn bạn, và đọc thấy trong mắt Hoàng vẻ chân thật, trìu mến. Chàng gật đầu:

- Tao sẽ nghe lời mày. Có lẽ tao sẽ đi sớm để về sớm.


*


- Má ơi anh Tùng đâu?

Đây là lần thứ ba trong ngày Châu Uyên hỏi Tùng. Bà Tâm bối rối:

- Anh Tùng con đi phố.

- Đi là gì má?

- Là ra ngoài phố đó con.

- Ra ngoài phố? Làm gì má?

- Anh con đi mua quà cho con.

Châu Uyên im lặng. Một lát nàng lại lên tiếng:

- Anh Tùng đâu rồi má?

Bà Tâm lại bỏ dở công việc đến bên con gái:

- Tùng về bây giờ đấy. Con ngoan, đừng hỏi má hoài chứ.

Cô gái buồn buồn:

- Con nhớ anh Tùng lắm.

- Lát nữa anh con về.

- Má nấu gì vậy?

- Má chiên chả giò.

- Tùng về ăn hả má?

- Ừ. Tùng về ăn.

Bà Tâm vuốt tóc con gái. Làn tóc đen mượt thuở mới lớn Châu Uyên vẫn chăm chút chải gỡ. Bây giờ nàng quên hẳn việc đó, mỗi ngày bà vẫn chải tóc cho con. Từ ngày có Tuyên, chàng thay bà công việc đó. Nhiều khi nhìn Tuyên ngồi săn sóc, dạy dỗ con gái, lòng người mẹ chợt ao ước đó là một cảnh hạnh phúc bình thường của con mình. Rồi giọng cười ngô nghê, rồi những câu nói vô nghĩa của Châu Uyên đưa bà rời xa ảo tưởng.

Tuyên đi Nha Trang lúc sáng, bây giờ chưa đến bữa cơm trưa mà không biết mấy lần Châu Uyên hỏi Tùng. Bà Tâm lo ngại không biết trong những ngày sắp tới vắng Tuyên, bà sẽ phải chật vật bởi những câu hỏi của con gái đến thế nào nữa.


*


Hoàng lượm những tờ giấy Châu Uyên ném tung tóe xuống nền nhà, vừa để gọn lại vừa nói:

- Sao em quăng hết vậy?

- Em không vẽ nữa.

- Vẽ đi – Em vẽ đẹp lắm. Ngoan anh thương.

Nàng đáp cộc lốc:

- Không.

Hoàng dỗ:

- Vẽ đi rồi Tùng về mua bánh cho em.

- Hổng thèm.

- Anh nói biết nghe anh thương.

Châu Uyên xé nát một tờ giấy cầm trên tay:

- Hổng chơi nữa. Ghét rồi.

- Em không sợ Tùng giận hả?

Cô gái trố mắt:

- Sợ. Tùng đâu?

- Ngoài kia. Tùng vô bây giờ.

Châu Uyên reo lên:

- Hay quá! Để Tùng vô em nói ảnh nghe cái này.

- Nói gì?

- Nói Tùng đừng giận em. Em thương Tùng.

- Ờ. Đợi nó vô rồi nói.

Châu Uyên lắc đầu:

- Em không biết.

Hoàng bỗng nhớ rằng mình đang nói chuyện với kẻ điên như là nói với người tỉnh. Chàng tiếp tục dỗ dành em gái:

- Em ăn kẹo không?

- Em vẽ.

Châu Uyên lượm lại cây bút dưới chân bàn và ngồi vào ghế. Hoàng khuyến khích:

- Vẽ những bông hoa đi cưng. Hoa hồng, hoa thược dược.

- Em vẽ ông khổng lồ.

- Cũng được. Vẽ ông khổng lồ đi.

Hoàng đáp theo để tránh rắc rối. Hai ngày phải săn sóc Châu Uyên thay bạn Hoàng thấy vất vả quá. Con bé rắc rối lạ, không có gì vừa ý nó cả. Châu Uyên đòi cái này, chưa có là hỏi cái khác. Tối ngày cứ Tùng đâu làm Hoàng chới với. Hoàng không hiểu tại sao Tuyên lại có thể khuất phục con bé dễ dàng đến thế.


*


Bà Tâm lấy lược, gọi con gái:

- Lại má chải tóc cho con.

Châu Uyên lắc đầu:

- Anh Tùng chải cho con hà.

- Vì không có anh Tùng má chải cái đã.

Châu Uyên lắc đầu quầy quậy. Hoàng bưng chén cơm đến cạnh nàng:

- Nghe anh, ăn cơm đi bé.

- Anh Tùng đâu?

Bà Tâm nhìn Hoàng:

- Khổ quá tối ngày nó cứ hỏi thằng Tùng. Không biết cậu Tuyên đi mấy ngày mới về hả con?

Hoàng ngập ngừng:

- Nó nói với con độ mười ngày.

- Chà, điệu này con Uyên nó khổ dữ.

- Nó có khổ đâu. Mình khổ chứ thím. Trả lời với nó làm sao bây giờ?

Bà Tâm than thở:

- Hồi trước mỗi lần nó nhớ thằng Tùng nó ra vườn ôm lấy cây hoa mà nói chuyện, mà khóc. Bây giờ có cậu Tuyên rồi nó đâu có chịu vậy nữa, cái mới chết.

- Kệ, mình phải ráng chớ sao giờ thím.

Bà Tâm dò hỏi:

- Theo chỗ con biết thì cậu Tuyên có cảm tình với em Uyên nhiều không?

Hoàng thẳng thắn:

- Nhiều chứ thím. Nó nói với con nó thương con nhỏ lắm. Nó cố tình giúp đỡ để hy vọng con bé tìm lại tình thương.

- Chuyện khó như mò kim đáy biển chứ dễ gì. Có điều cậu ấy thương thì giúp, cho con Uyên nó bớt khổ phần nào. Đôi khi thấy em Uyên nó làm nũng hành xách cậu quá thím cũng ngại…

Hoàng lo lắng:

- Em nó bớt nóng không thím?

- Nó uống thuốc đỡ đôi chút nhưng nó không chịu ăn con à.

- Mấy độ thím?

- Gần băm chín.

- Chắc nó cảm.

Bà Tâm gật đầu:

- Bị nó cứ ra vườn, vừa nắng vừa gió. Lâu ngày lủi thủi trong nhà quen rồi, bị cảm. Lại còn không chịu ăn uống nữa không nằm li bì sao được.

- Điệu này thằng Tuyên lâu về là mệt.

Bà Tâm nhìn lịch:

- Cậu ấy đi mới năm ngày.

- Sáng giờ em nó chưa ăn gì hả thím?

- Nó cứ lắc đầu, đòi có thằng Tùng mới chịu.

Hoàng thở dài:

- Khổ thật.

Bà Tâm chợt hỏi:

- Con biết địa chỉ cậu Tuyên đến không?

Hoàng biết bà muốn gì. Lòng mẹ thương con đã khiến bà trở nên ích kỷ, chỉ biết đến nỗi khổ của con mình mà quên hẳn người khác. Hoàng vờ hỏi:

- Chi vậy thím?

Bà có vẻ ngần ngại, nhưng rồi bà cũng nói:

- Thím muốn… hay là con thử đánh điện cho cậu ấy biết tình trạng hiện tại của em nó xem sao? Thím lo quá.

Hoàng lắc đầu:

- Con cũng quên không hỏi địa chỉ nơi nó đến nữa, giờ biết đâu mà tìm.

Thật ra nếu biết, chắc Hoàng cũng không làm công việc đó, chàng không muốn bạn hy sinh cả tương lai cho em mình. Tình trạng của Châu Uyên cũng chưa đến nỗi nào. Sự lo lắng của bà Tâm hơi quá so với bịnh trạng con gái,


*


Bà Tâm vụt ngẩng nhìn khi có tiếng chuông gọi cổng. Nhận ra Tuyên bà mừng rỡ đi nhanh ra. Nhưng sự có mặt của người con gái cạnh Tuyên làm bà khựng lại. Tuyên giới thiệu:

- Thưa thím, đây là Diễm, bạn con. Còn đây là má của Châu Uyên.

Diễm chào bà Tâm và người đàn bà cũng đáp lại bằng nụ cười hơi gượng. Tâm lý người mẹ thương con làm bà Tâm không mấy cảm tình với Diễm dù bà biết con mình không phải là người yêu của Tuyên.

- Thưa bác, em Uyên vẫn khỏe?

Nếu chỉ có mình Tuyên chắc bà Tâm sẽ kể lể tất cả. Nhưng có Diễm, bà chợt thấy không nên “hạ giá” con mình. Bà nói:

- Hai hôm nay nó bị cảm.

Tuyên sốt sắng:

- Con vô thăm cô ấy.

Chàng kéo tay Diễm:

- Đi em.

Diễm theo Tuyên, bước chân hơi nặng nề. Ở Nha Trang Tuyên đã hứa rằng sẽ ở lại nửa tháng. Vậy mà mới một tuần chàng đã hối về, đến Sàigòn việc đầu tiên của chàng là đến thăm Châu Uyên. Diễm không bằng lòng nhưng nàng muốn dò xét và đo lường xem tình cảm của Tuyên dành cho cô gái bao nhiêu nên nàng dằn lòng theo chàng ghé lại.

Tuyên đứng lặng nhìn Châu Uyên thiêm thiếp trên giường bệnh. Gương mặt nàng vốn trắng xanh càng bệch bạc. Tóc xõa phủ gối, drap kéo tận cổ. Nàng gầy hẳn.

- Hoàng đi đâu thím?

- Nó đi có việc gì cho chú từ hồi trưa.

- Uyên đau bao lâu rồi thím?

- Hai bữa nay.

Tuyên biết bà Tâm nói dối. Ốm hai hôm khó mà gầy sút rõ rệt như thế. Chàng quay sang Diễm:

- Tội quá em nhỉ? Giá Uyên không bệnh em nói chuyện với cô ấy. Hiền lành dễ thương lắm. Chỉ có mất trí nhớ thôi.

Diễm gượng cười:

- Cô ấy xanh quá.

Tuyên thành thật:

- Sao ốm dữ vậy không biết. Hồi anh đi Uyên khá lắm mà.

Diễm cắn môi không nói. Dù biết Tuyên thật vô tình nàng vẫn không muốn nghe những lời lo lắng đầy âu yếm như vậy. Nhưng đã ở vào khung cảnh này nàng không biết tính sao.

- Uyên ăn được cháo không hả thím?

Bà Tâm lắc đầu:

- Nó không chịu ăn.

Diễm thì thầm:

- Chắc nàng tương tư anh.

Tuyên cau mặt:

- Đừng đùa ác thế em.

Diễm dằn giọng:

- Sao lại đùa. Thật đấy chứ.

Tuyên quay lại, bà Tâm đã xuống bếp, chàng thở ra nhẹ nhõm. Chàng chỉ sợ bà Tâm nghe được những lời chua chát của Diễm.

- Anh đưa em về nhé.

- Còn anh?

Tuyên nhìn Châu Uyên:

- Anh cần săn sóc cô ấy.

- Em không muốn.

Chàng nghiêm nghị:

- Em không thấy cô ta ốm nặng sao? Nên nhân đạo một tí Diễm ạ. Em để cho anh làm theo lương tâm một y sĩ.

Diễm bĩu môi:

- Lương tâm y sĩ hay lương tâm tình nhân?

- Anh cấm em.

Diễm nặng giọng:

- Khỏi cấm. Tôi về.

- Để anh đưa em.

- Không cần. Uổng công tôi lôi anh đi xa, tưởng anh quên, ai dè…

Tuyên chôn chân trước thố lộ đột ngột của Diễm, mãi đến khi nàng ra khỏi cổng chàng mới giật mình lẩm bẩm : “Thì ra… Diễm muốn mình đi để quên… Thảo nào những dự định bấp bênh không đâu vào đâu cả… Cô bé cũng ghê thật”.Chàng trở lại cạnh giường Châu Uyên, ngồi xuống, cúi nhìn gương mặt hốc hác của nàng. Có tiếng bà Tâm nói sau lưng:

- Tội nghiệp, em nó ngày nào cũng hỏi cháu đến cả chục lần. Cả thím lẫn thằng Hoàng tìm hết cách để dỗ dành nó mà nó cứ khóc, nhất định không ăn. Nó trốn ra vườn đi thơ thẩn riết rồi nhiễm nắng nhiễm gió…

Giờ đến lúc cho bà Tâm kể hết những ẩn ức mà từ nãy bà cố dằn vì sự có mặt của Diễm. Bà kể từ ngày đầu đến ngày cuối. Tuyên ngồi nghe, lặng yên như một tội nhân đang nghe lời buộc tội. Chàng thấy mình có một phần trách nhiệm trong sự bệnh hoạn của Châu Uyên. Bà Tâm nói hết lại xuống bếp “để thím nấu lại cháo cho em. Có cháu về may ra nó chịu ăn”.

Còn một mình với Châu Uyên, Tuyên nắm bàn tay mướt xanh gầy guộc của nàng lay nhẹ:

- Uyên.

Tuyên cúi xuống tai nàng:

- Châu Uyên.

Nàng rên nho nhỏ.

- Anh đây. Tùng đây Uyên.

Lần này Châu Uyên khẽ chớp mắt. Tuyên tiếp tục lay tỉnh nàng:

- Anh Tùng về nè Uyên. Tỉnh chưa em?

Cô gái mở hẳn mắt. Đôi mắt thâm quầng, sâu thêm, lớn thêm dưới cặp chân mày cong. Nàng nhìn Tuyên. Nàng không khóc, không nói. Châu Uyên chợt cười, nụ cười lạc hồn của người mất trí. Nàng biểu lộ sự hài lòng bằng nụ cười ngây dại. Môi nàng nhợt nhạt làm Tuyên liên tưởng đến nữ nhân vật Partrice Hollmann trong Les Camarades của E. Maria Remarque. Khi Hollmann bị bệnh lao, nàng cũng hốc hác như Châu Uyên bây giờ. Nhưng Châu Uyên diễm phúc hơn Hollmann là ốm mà không biết mình ốm, tàn tạ mà không cảm nhận sự tàn tạ của mình, còn nhân vật của Remarque là đón nhận cái chết đến từ từ, quằn quại.

- Anh cho em ăn cháo nghe.

Châu Uyên ngoan ngoãn gật đầu.

- Anh cho em uống thuốc nghe.

Nàng lại gật đầu.

Tuyên vuốt nhẹ bàn tay xanh xao của cô gái đáng thương. Chàng nhìn thật lâu, thật sâu vào mắt nàng. Châu Uyên vẫn mở lớn đôi ngươi, không biết thẹn thùng trốn tránh. Bất giác chàng cúi hôn lên đôi má nàng, nụ hôn bất ngờ, không phải trong vai trò mà cũng chưa được phân định rõ.


*


Tuyên đọc lại lần nữa thư của Diễm:

Anh Tuyên,

Em viết cho anh sau khi đã suy nghĩ nhiều. Em muốn nói đến trường hợp Châu Uyên.

Cô ta đáng thương và đang cần anh lắm, em biết điều đó, tiếc rằng em không thể chấp nhận được nên anh không thể là người yêu của em vừa là người yêu của Châu Uyên dù là qua nhân vật Tùng nào đó.

Hơn thế, giữa chúng ta chỉ mới là tình bạn. Một chút mật thiết là thường, nên sự xa nhau không có gì vương vấn lắm.

Thành thật khuyên anh nên tận tình giúp đỡ Châu Uyên, đó là thiện chí của em. Nói là em hy sinh cho nàng cũng không đúng. Thật ra, em lợi điểm hơn nàng là dễ dàng có bạn, dễ vui và quên, còn nàng, không thể thiếu anh.

Em ngăn cản anh đến với Châu Uyên vì tự ái hơn là yêu. Hãy quên em để lo cho hạnh phúc anh sau này.

Em muốn làm áp lực để giữ anh cũng được, để thỏa mãn tự ái của em nhưng em không làm. Không phải em cao thượng gì nhưng tự dưng hình ảnh cô gái bệnh hoạn làm em không nỡ.

Gặp nhau mình vẫn là bạn.
Thân : Diễm. 

Tuyên châm thuốc lá. Chàng xếp thư bỏ vào ngăn kéo. Chàng rít những hơi thuốc lá thật dài, thả khói và nhìn lên trần nhà. Tuyên thấy đầu óc trống rỗng. Có lẽ sự giao động làm đông đặc cảm giác. Thư Diễm đó, và những lời tạ từ gần như hy sinh, gần như hờn dỗi. Chàng không hiểu nổi đích thực những ý tưởng hiện tại của nàng nhưng Tuyên biết rằng khi Diễm đã nói như thế, khó mà lay chuyển. Chàng nghĩ không biết có phải Diễm đã tìm ra một đối tượng trong những kẻ bao quanh chăng? Điều mà Tuyên biết Diễm nói đúng là nàng dễ dàng có bạn, dễ vui và dễ quên.

Dù sao đó cũng là một mất mát. Tuyên chưa biết mình sẽ có thể nối lại thân tình với Diễm hay không nhưng thời gian chắc không phải là bây giờ. Chàng muốn Diễm hiểu nhưng nàng không chấp nhận “anh không thể là người yêu của em vừa là người yêu của Châu Uyên dù là qua nhân vật Tùng nào đó.” Diễm đã khẳng định như thế với chàng.

“Đàn bà – Tuyên lẩm bẩm – là một sinh vật dễ thương mà khó hiểu. Đôi lúc mình như hiểu rõ về họ mà rốt lại chả biết gì”. Tuyên cười thầm chính sự ngớ ngẩn của mình. Bên cạnh Châu Uyên, chàng đứng ở cương vị một người anh. Những tiếp xúc, những va chạm trong vai trò người tình đôi lúc cũng đánh thức cảm giác con trai của Tuyên mãnh liệt. Nhưng rồi nhìn nụ cười ngây ngô, nhìn ánh mắt lạc hồn của cô gái, Tuyên lại thấy thương xót và trở lại ý niệm thuần túy của mình.

Tuyên nhìn đồng hồ : 9 giờ. Chàng thay đồ rồi lấy xe đến nhà Châu Uyên. Một ý nghĩ thoáng qua, chàng vòng quanh Givral mua một hộp bánhh kem. Tuyên thích nhìn cô bé hồn nhiên ăn quà vặt như vậy.

Khi Tuyên đến, bà Tâm đã đi chợ. Hoàng mở cổng đón bạn và nhìn hộp bánh trên tay chàng:

- Mày mua cho con bé hở?

Tuyên gật. Hoàng thở dài:

- Chán quá. Cũng mang danh người đẹp, lại phải nhận những món quà dành cho trẻ con, Hỏng.

- Châu Uyên thức chưa?

- Lâu rồi. Nó chưa biết nói lên nỗi chờ mong nhưng tao biết nó đang đợi mày.

Cô gái nhìn thấy Tuyên reo lên “anh Tùng” rồi chạy đến. Tuyên dang tay đón tấm thân bé bỏng của nàng như thường lệ. Hoàng khẽ lắc đầu:

- Tình ác. Ai nhìn thấy chúng mày chắc phải cho rằng anh chị yêu nhau kinh khủng. Tao cũng không hiểu sao khi người ta điên, sự bộc lộ tình cảm lại nồng nàn, dữ dội hơn khi tỉnh? Có lẽ họ bộc lộ theo đúng bản năng “thật” nhất của mình vì không biết ngượng. Tao tin rằng bình thường, dù có yêu điên cuồng, con nhỏ cũng không đến nỗi đam mê đến thế.

Tuyên bỗng có ý muốn tìm một khung cảnh khác, có thể giúp mình thoải mái hơn cái ồn ào chật hẹp của thành phố. Chàng đề nghị với Hoàng:

- Hay mình về quê chơi vài ngày đi mày. Cho Châu Uyên theo cho cô bé đổi gió luôn.

Hoàng ngần ngại:

- Tao ngán con nhỏ nó dở chứng, khóc khóc cười cười rồi thiên hạ dòm ngó.

- Có tao, cô bé không dở chứng đâu. Trời Sàigòn mấy hôm nay nóng nực, bứt rứt quá.

- Mày bảo đảm “an toàn” về phần Châu Uyên nghe.

- D’ accord!

- Xong rồi. Chiều dzọt. Kiến Hòa hả?

- Ừ, Kiến Hòa. Ông anh nuôi tao thấy mình về vui lắm.

Hoàng sửa soạn một vài thứ cần thiết. Chàng hỏi Tuyên:

- Mình đi xe đò?

- Khỏi. Trưa tao về mượn xe nhà ông chú. Chiếc Volkswagen cà tàng của ổng mà dễ xài lắm. Đi xe đò Châu Uyên không chịu đâu.

Ba giờ chiều, hai người chào bà Tâm đưa Châu Uyên ra xe. Bên cạnh Tuyên, cô gái ngoan ngoãn lạ. Bà Tâm đã soạn cho nàng mấy bộ đồ thật đẹp và nàng mặc đi đường quần patte trắng, áo chemise hồng nhạt.

Hoàng lái xe. Tuyên và Châu Uyên ngồi sau. Bà Tâm đứng chờ xe nổ máy, bà ân cần dặn Tuyên:

- Cháu lo cho em dùm thím, nó không bình thường nên đi đây đi đó bất tiện lắm.

Tuyên gật đầu. Chiếc xe lao đi trên những con đường đưa họ ra khỏi thành phố.

Hoàng nhìn bạn qua kính chiếu hậu:

- Mày định đi du lịch mấy ngày?

- Tùy mày nữa. Bao giờ chán tỉnh lẻ thì về. Sàigòn đông đúc quá nhiều khi tao nghẹt thở.

- Dân mình nghèo, không dám nghĩ đến chuyện du lịch mày nhỉ. Cứ chen chúc nhau ở thành phố quanh năm suốt tháng.

Gió tạt vào cửa xe lồng lộng. Con đường liên tỉnh thênh thang trước mắt. Qua bắc, chiếc xe dừng chờ đến lượt, những người bán hàng rong ập đế tranh nhau mời mua. Hoàng mua mấy gói mía. Châu Uyên nhìn mọi người bằng sự lặng yên ngơ ngác.

Khi xe vào tỉnh, Tuyên chỉ đường cho bạn đi về ty công chánh. Anh chàng là kỹ sư trưởng ty. Chiếc xe ngừng và Tuyên xuống xe vào văn phòng tìm anh.

Ông Lân rất vui vẻ gặp lại người em nuôi sau những năm dài xa cách. Ông siết tay Tuyên:

- Chú khỏe là anh mừng rồi. Cách đây ba tháng có gặp chú Mỹ, nghe ổng nói chú sắp về mà anh không biết ngày nào. Được, về đây ở với anh thời gian cho vui. Ở đây anh ít bạn tri kỷ, chỉ có bạn nhậu mà thứ đó bà xã anh kỵ lắm.

Tuyên nói:

- Em đi với hai người bạn. Họ ngồi ngoài xe. Tụi em ở nhà anh chị có phiền gì không?

Ông Lân khoa tay:

- Khách sáo. Không được. Anh với chú như ruột thịt, gia đình anh là gia đình chú, toàn quyền. Có thêm bạn bè càng vui. Cư xá của trưởng ty còn nhiều phòng trống, đừng lo.

Tuyên cười. Ông Lân vẫn vui vẻ như bao giờ. Ông là bạn của chú Mỹ, nhưng lớn hơn chàng không bao nhiêu nên vẫn anh anh chú chú. Ông Lân theo Tuyên ra xe. Hoàng chào. Tuyên giới thiệu:

- Hoàng, bạn em. Đây anh Lân.

Và nhìn Châu Uyên ngồi trong xe. Ông Lân ra vẻ hiểu biết:

- Sao? Định chừng nào cho anh uống rượu đây?

Tuyên nháy mắt cho Hoàng ra hiệu để chàng nói:

- Cũng chưa biết anh ạ, bao giờ cô ấy khỏi bịnh mới tính.

Ông Lân ngạc nhiên:

- Trông cô ấy khỏe đấy chứ?

- Không được bình thường đâu anh. Nàng bị tai nạn mà trí nhớ không sáng suốt lắm. Em ruột của Hoàng đấy.

Ông Lân lắc đầu:

- Tội nghiệp. Có chữa trị ở đâu không?

- Gia đình chạy đủ thầy mà chưa ra sao cả. Em từ Mỹ về mới biết đây.

Ông Lân trách móc:

- Chú cũng phải lo nữa chứ. Chuyện hạnh phúc của mình, bộ chờ… phép lạ sao?

Tuyên không cãi. Ông Lân trở vô văn phòng thu xếp một ít câu chuyện để đưa ba người về nhà. Hoàng hỏi:

- Sao mày nhận kỳ vậy?

- Không được à?

- Ai lại “bồ” mày là một cô bé mất trí bao giờ?

- Sao lại không? Trường hợp tao yêu cô ấy, rồi cô ta bị tai nạn thì sao? Mày hủ lậu bỏ mẹ.

- Nhưng tao thấy không cần thiết. Không muốn người ta thương hại mày.

Tuyên nhún vai:

- Tao đề phòng sự tò mò dị nghị của thiên hạ hơn là lòng thương hại. Họ sẽ thắc mắc nếu tao và Uyên “không là gì của nhau” mà lại có cử chỉ thân mật.

Hoàng gật gù:

- Mày lo xa hơn tao.

Nửa giờ sau, bà Lân đã sốt sắng đưa Châu Uyên về phòng nàng. Bà không ngớt tấm tắc:

- Chú thật khéo chọn, thím xinh quá. Gương mặt này phúc hậu phải biết.

Tuyên giải thích sơ về tình trạng của Châu Uyên, bà Lân có vẻ thông cảm, nhìn cô gái bằng ánh mắt trìu mến:

- Thỉnh thoảng chú nên đưa thím ấy về đây nghỉ ngơi đổi gió, đôi khi cũng là một cách chữa bệnh. Dù sao đã lễ hỏi rồi, trước sau gì cũng thành vợ chồng, phải biết lo lắng cho nhau chứ.


*


Tuyên không biết mình đã ngồi bao lâu và đã hút hết mấy điếu thuốc. Căn phòng như đọng màn khói. Tiếng nhạc từ Cassette vọng ra giọng ca thê thiết của Thái Thanh trong bài “Kỷ vật cho em”. Từng âm thanh vụn vỡ, từng âm thanh tỉ tê xoáy động. Tuyên cố gắng chú ý đến bài hát. Tuyên cố gắng phân tách từng lời ca, từng âm điệu để quên đi những ý nghĩ phủ vây chàng từ chặp tối, đúng hơn là từ hai ngày nay.

Chàng cũng không hiểu tại sao mình lại có những ý nghĩ đó. Và nó là hiện tượng tự nhiên hay bất thường? Chàng sợ phải trả lời chính mình. Nhưng càng trốn tránh càng phải nhận diện rõ ràng hơn. Tuyên lẩm bẩm “mình khổ rồi”.

Nỗi khổ đầy thi vị. Nỗi khổ bởi một bóng hồng dễ thương. Tuyên nghĩ thế từ lúc Châu Uyên bị tai nạn. Tuyên cảm thấy rõ rệt sự lo lắng của mình không phải là của người anh dành cho đứa em, cũng không phải của y sĩ dành cho bệnh nhân mà là của người tình dành cho người tình.

Chàng đã hoảng hốt đến lặng người khi Hoàng báo tin Châu Uyên bị ngã cầu thang, vết thương ở đầu và tay khá nặng. Chàng vội vã lên xe phóng thẳng tới bệnh viện và nóng nảy chờ đợi hàng giờ trước phòng cấp cứu.

Bây giờ thì nàng đã thoát qua nguy hiểm. Nhưng đến lúc Tuyên cảm thấy nỗi nhớ da diết làm tê buốt từng mạch máu, từng tiếng thở của mình.

Đêm lạnh và căn phòng trống trải như tất cả mùa đông đang tụ tập về đây. Tuyên đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác. Chàng đã lên giường ngủ rồi lại trở dậy. Không tài nào chợp mắt được.

Trời lâu sáng, thật lâu. Thức đêm mới biết đêm dài. Tuyên không dám nhìn đồng hồ để đo lường giờ khắc. Chàng tự mình kiềm chế nỗi ray rứt một cách thật khó khăn.

Tuyên không biết rằng mình sẽ nói sao với gia đình Châu Uyên, với Hoàng về tình yêu của chàng? Vì nàng không phải là cô gái bình thường nên vấn đề trở nên phức tạp. Chàng không muốn ai nghĩ rằng chàng yêu Châu Uyên vì thương hại.

Tình cảm là con vật vô hình đáng sợ. Nó ràng buộc con người ta một cách êm ái và mãnh liệt. Khi biết thì không còn phương thế gỡ… và cũng không ai muốn gỡ làm gì.

Tuyên phân vân, tự kết án mình lợi dụng vào nỗi bất hạnh của Châu Uyên để gắn bó tình cảm. Chàng cố gắng hạn chế cảm nghĩ của mình trong những tiếp xúc thường ngày với cô gái nhưng càng ngày ý nghĩ càng lan rộng như một vết dầu loang trên nước. Cũng thật lạ lùng! Cũng thật trớ trêu! Châu Uyên yêu Tùng và Tuyên yêu nàng! Cô gái đáng thương vô tội trong trò chơi nhức tim và chàng là kẻ chịu trận. Nhiều khi Tuyên thấy mình cáu kỉnh khi nghe Châu Uyên âu yếm gọi mình là Tùng. Và nũng nịu đòi hỏi những cử chỉ âu yếm của một người không phải là chàng, để rồi Tuyên tự cười thầm mình đã ghen với kẻ đã khuất.

Trời lâu sáng quá! Hết chịu đựng nổi Tuyên nhìn đồng hồ. Gần 6 giờ sáng. Chàng bật dậy đi rửa mặt sửa soạn cho một ngày mới bên giường bệnh Châu Uyên.
_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét