Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

CHƯƠNG IV_MƯA SA MẠC

CHƯƠNG IV

Ti ngồi bên cửa sổ, đưa mắt ra như thói quen hay ngừng học để ngắm cảnh hoặc để theo dõi một cánh chim bên ngoài. Song bây giờ Ti không quan tâm, không theo dõi gì hết. Nỗi khổ sở, đau đớn, phẫn uất làm chai lỳ thằng bé đi rồi. Trước mắt nó không còn gì đẹp, có ý nghĩa nữa. Ti thù ghét tất cả, dửng dưng với tất cả.

Hơn ba tháng nay, kể từ khi nhà trường gửi văn thư đến, chính thức xoá tên Ti trong lớp, vậy mà mỗi lần mường tượng đến cái bút nguyên tử đỏ gạch ngang hai ba lằn liên tiếp đè lên tên Ti, Ti lại nghe tim mình đau thắt lại, đau thấm thía.

Ai đã làm cái cử chỉ độc ác đó ? Ông hiệu trưởng ? Vị giáo sư nào ? Hay là ông giám học ? Khi loại bỏ tên Ti trong lớp, bàn tay đó có do dự chút nào không ? Hay Ti cũng như một con số dưới ngòi bút họ ? Có bao giờ người đã cầm cái bút đỏ gạch xoá tên Ti băn khoăn về số phận đứa học trò kém may mắn hay không ? Chắc không đâu. Vị đó không có thì giờ.

Nếu sự thôi học của Ti gây ra một chút thương hại ở các bạn cùng lớp và các giáo sư thì cũng thoáng qua thôi. Rồi vài ngày sau lớp học đã bình thường trở lại. Khoảng trống do sự vắng mặt của Ti được lấp kín ngay sau đó. Người ta quên Ti như quên một con số vô tri, không đáng kể. Ủa, vậy còn thầy Hảo ? Ti vụt nhớ đến lá thư thầy gửi cho Ti, do Du đưa lại sau ngày Ti bị đuổi. Lá thư làm Ti xúc động sâu xa, vừa đọc, nước mắt Ti vừa tuôn ròng ròng nhoè cả những hàng chữ rắn rỏi mà thân mến của thầy. Ti nhắm mắt lại, lắng nghe trong thâm sâu sự đau đớn lặng lẽ dâng tràn. Tắm dìm mình trong nỗi đau khôn cùng đó, Ti cảm thấy một sung sướng khác thường, khó tả ; chắc vì có thầy Hảo hiểu Ti. Thầy không tỏ ra thương hại một cách hời hợt như kẻ khác. Thầy ân cần chia xẻ tuyệt vọng của Ti, khuyên Ti cố gắng để vượt qua, khuyên Ti nên tin tưởng vì cuộc đời còn dài, tương lai luôn luôn dành cho những người có chí. Trời không đóng cửa ai mãi bao giờ ! Thầy viết thế. Ti còn nhớ những giòng quan trọng ấy, dù là một lần quá đau đớn và căm phẫn, Ti đã xé lá thư quí báu ấy đi (Hành động đó làm Ti hối hận mãi đến nay). Thầy ân cần dặn Ti đừng xao lãng sự học, hãy cứ theo dõi chương trình học trong các sách và ôn lại bài vở,chờ đợi dịp may. Chính vì mấy giòng úp mở này khiến Ti phát khùng xé vụn lá thư cho vào bếp lửa. Dịp may ư ? Làm sao Ti quên được cái ngày Ti cùng bà đến nhà thầy ?

*
*     *

Đó là lần đầu trong nhiều năm sống cạnh bà, Ti thấy bà chăm sóc áo quần cẩn thận trước khi ra ngoài. Nét mặt bà trông như tươi lên, trẻ ra vì một niềm vui hay vì một hy vọng nào đó, Ti không biết được nhưng có thể đoán ra đôi chút. Và Ti còn đoán thêm rằng bà đang rất nóng nảy nữa, y như dáng bộ ông ngoại trước giờ nghe đài, đón tin xổ số vào chiều thứ ba. (Mắt bà luôn luôn canh chừng cái đồng hồ cổ lỗ treo trên tường, cái đồng hồ hiệu “Odo” cứ đều đều 15 phút lại bính bong, bính bong làm tròn phận sự). Ti không rõ bà đi việc gì mà coi bộ bà rất cẩn trọng : bà xức một tí dầu của dì Mai lên tóc, chải và chắp vào mớ tóc (thật ít oi vì rụng nhiều) của bà một cái lọn tóc giả. Một chút son môi làm khuôn mặt bà sáng hẳn lên. Bà mặc cái áo hàng xưa, khá đẹp, nhưng cũng có tuổi như người mặc, thứ hàng muốt-xơ-lin mầu rêu trang nhã. Sau cùng, bà chải thật kỹ đôi giầy muyn đen có đính những hạt cườm có hình hai cánh hoa cúc vàng lóng lánh. Mầu nhung đen làm nổi bật đôi hoa cúc lên. Cái quần xa tanh trắng, tuy hơi vàng song được bà ủi cẩn thận giúp cho bà thêm phần trang trọng và thanh tú.

Khi đã chuẩn bị cho chính mình xong, bà mới gọi Ti lại và bảo Ti thay quần áo tử tế để cùng đi với bà đến nhà thầy Hảo.

Ti hết sức ngạc nhiên song vẫn tuân lời bà và đến khi hai bà cháu ra khỏi nhà Ti không thể nén được tò mò, hỏi thì bà mỉm cười bí mật :

- Rồi cháu sẽ biết khi đến đó gặp thầy.

Hai bà cháu đến nhà thầy Hảo vào lúc thầy Hảo đang ngồi đọc báo. Lạ lùng một điều đối với Ti là hình như thầy có vẻ đợi bà, chứ không phải là một cuộc thăm viếng bất ngờ.

- Chào bà, mời bà ngồi chơi !

Thầy nói và khi nhận ra có Ti đi với bà, thầy tiếp luôn :

- A ! Trò Ti cũng đến nữa đó à ? Vào đây, đi con !

Ti lễ phép chào thầy rồi vòng tay đứng sau lưng bà. Thầy gọi người nhà pha trà mời khách, rồi hắng giọng :

- Thưa bà, chắc là bà đến để biết kết quả việc hôm nọ bà nhờ tôi giúp cháu…

- Vâng ! Thưa thầy, trăm sự nhờ thầy. Tôi già cả, dốt nát… tội nghiệp, cháu nó ham học, nhưng… Không giấu chi thầy, ông ngoại cháu sắp về hưu… dì nó thì đã có chồng…

- Tôi biết, tôi biết. Và tôi rất muốn giúp cháu điều này. Nhưng thưa bà, tôi đã trình lên Uỷ ban cứu xét cấp phát học bổng của nhà trường, tôi cũng có đề nghị cho cháu được ưu tiên, song… (thầy thở dài một cái) đơn của trò Ti bị bác vì lý do gia cảnh. Muốn được cấp phát học bổng, học viên phải đủ những điều kiện sau đây : học giỏi về tất cả mọi môn, nhà nghèo và mồ côi, hoặc cả cha lẫn mẹ, hay một người…

- Thưa thầy, cháu nó học khá, thầy biết mà…

- Phải ! Tôi dạy nó sao tôi không biết…

- Thầy cũng biết cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu về sống với chúng tôi…

Giọng bà van vỉ. Thầy hảo đưa mắt nhìn Ti :

- Có một điều bà chưa biết rõ và chính vì điều đó, tôi không thể nào vận động để xin được học bổng cho cháu Ti…

- Xin thầy cứ nói !

Bà thấy thầy ngần ngừ liền giục. Lần này, thầy không úp mở gì nữa :

- Thưa bà, thực tế thì cháu mồ côi, song ông nhà đã khai man cháu là con trai để được hưởng lương. Mà ông không phải là công chức hạng thấp và không có quá nhiều con, các cô cậu đều đã tự lập, trừ cậu Toàn, nhưng cậu Toàn thì…

Mồ hôi trên trán bà lấm tấm, bà cúi xuống để che giấu sự bối rối. Bà nhìn chăm chăm vào mũi giầy không thốt được một lời nào.

Thầy cũng có vẻ ái ngại và lúng túng không kém. Hình như thầy muốn an ủi bà già khổ sở ngồi trước mặt mà tìm chẳng ra lời. Có lẽ thầy biết rõ tính nết keo kiệt của ông ngoại Ti, biết rõ tình cảnh khổ sở của Ti, song chắc thầy chưa biết rõ lắm về những gì mà bà già đáng thương từng chịu đựng.

Sau cùng, thầy ôn tồn nói :

- Tôi nghĩ là cháu còn nhỏ, hiện giờ đang học gần nhà, cũng chưa tốn kém bao lăm. Xin ông bà cố gắng ít lâu. Sau này, nếu cháu đi học xa, ta sẽ tìm cách…

- Xin cảm ơn thầy…

- Không có gì mà bà phải cảm ơn tôi ! (giọng thầy buồn rầu). Tôi không giúp cháu được gì cả, dù rằng tôi đã cố gắng hết sức mình. Có những nguyên tắc mà không thể vượt qua nổi, mong bà hiểu cho, đừng phiền tôi.

- Thưa không ! Tôi biết thầy có lòng tốt, tôi biết lắm, thưa thầy.

Suốt buổi hội kiến giữa hai người, Ti lặng lẽ theo dõi trong tò mò và kinh ngạc. Ti không ngờ là ông ngoại không muốn cho Ti đi học, không biết là bà đã cố gắng nhiều để thuyết phục ông nên mình mới được cắp sách đến trường trong bao lâu nay. Ti không biết gì cả. Bà tế nhị, luôn luôn tránh bàn cãi đến chuyện học hành của Ti trong lúc nó có mặt tại nhà.

Mặc dù bà đã thoả thuận điều kiện ngặt nghèo với ông rồi : cho người giúp việc nghỉ từ lâu, đảm nhiệm hết mọi nặng nhọc – so với số tuổi và sức khoẻ rất kém của bà – ông vẫn không ngớt phàn nàn, nhăn nhó, kêu ca là tốn kém quá nhiều vì thằng bé. Bà không biết ông khai nó là con vì mục đích muốn hưởng lương. Bây giờ nghe thầy Hảo nói, bà nghĩ là ông muốn cho cháu đỡ tủi thân với bạn bè ở lớp. Tâm hồn bà nhân hậu, đơn giản cho đến nỗi không bao giờ bà có thể đoán ra những ngoa ngoắt của lòng người, dù cho đó là người bà sống chung gần ba mươi sáu năm tròn.

Mặc dù thất học, bà hiểu rõ là sự học cần thiết đối với cháu bà cho nên bà cố gắng bằng mọi cách để nó khỏi bỏ học nửa chừng. Mỗi lần gặp thầy Hảo, bà hỏi thăm, được biết Ti học chăm và giỏi, bà rất hài lòng.

Biết mình sức khoẻ mong manh, bà luôn luôn suy nghĩ, tìm cách để Ti được tiếp tục con đường học vấn sau khi mình nằm xuống.

Thầy Hảo vốn có cảm tình với bà và rất thương yêu Ti, đứa học trò ngoan, giỏi của mình nên vài bận nghe bà tỏ ra lo lắng cho tương lai cháu, thầy hứa sẽ cố gắng giúp đỡ bằng cách vận động để xin cho nó cái học bổng do trường cấp phát. Song chưa thực hành ý định thì thầy phải đổi đi dạy ở một trường khác, hơn hai năm. Khi thầy trở về trường cũ, bà lại đến nhà thầy, nài nỉ thầy giúp cháu điều đã hứa.

Thầy Hảo thương hại bà đành phải ậm ừ - vì thầy vừa biết ông ngoại Ti đã chạy chọt cách nào đó mà khai Ti là con trai để hưởng lương. Do đó, thầy không thể giúp học trò mồ côi được. Nhưng thầy không đủ can đảm làm bà ngoại Ti thất vọng. Thầy biết sự hy vọng – dù là mong manh – đôi khi vẫn có sức mạnh làm người ta yêu đời, sống lâu hơn…

Rồi đến một ngày, thầy phải nói thật, trước mặt hai bà cháu, vì không thể dối quanh mãi.

Trên đường về, bà nắm chặt tay cháu, nỗi buồn hiện rõ trên nét mặt ủ dột của bà. Hình như bà lê chân một cách khó khăn, hình như bà mỏi mệt nhiều sau câu chuyện. Đứa cháu hỏi bà :

- Bà ơi ! Sao bà phải xin học bổng cho cháu ? Có phải ông ngoại không cho cháu học nữa không?

- Ờ, không ! Sao cháu lại nghĩ bậy bạ thế ? Đó là tại bà muốn xin cho cháu, bà muốn phòng xa…

Bà tránh nhìn cháu, vì vốn không quen nói dối. Ti vẫn vô tư, không biết gì cả.

Mãi cho đến cái hôm mà ông ngoại gây gổ với bà, Ti nghe được mấy tiếng úp mở : Học ! Học ! Thôi, tốp lại ! Tốp… của ông và những lời van nài của bà : Tôi van ông, tôi xin ông, cháu nó côi cút, thương được ngày nào… Những lời đó làm Ti choáng váng. Và đó là lần cuối cùng bà cố gắng để bênh vực đứa cháu bất hạnh của mình. Phải ! Đó là lần cuối và cũng là lời cuối. Bà đã mãi mãi lặng im, vĩnh viễn yên nghỉ không còn phải nhọc lòng vì chồng, con, cháu nữa.

Nhớ đến đây, bất giác Ti gục đầu xuống bàn, khóc lên rưng rức. Ti biết rằng, Ti không bao giờ được gặp một người nào như bà nữa. Ti biết rằng Ti sống vô tư hồn nhiên trong nhiều năm qua cho đến ngày nay phần lớn là nhờ bà, rằng bây giờ đây, Ti mới thực sự mồ côi !
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét