Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu


Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều phóng viên bỗng trở nên nổi tiếng được cả thế giới biết đến. Họ cũng đã đạt được đỉnh cao sự nghiệp nhờ các giải thưởng quốc tế trao tặng cho những công việc đòi hỏi tài năng cùng sự may mắn khi hoạt động trong lãnh vực báo chí tại điểm nóng là Việt Nam. 

Điểm qua các khuôn nặt phóng viên chiến trường nổi bật ta có thể kể đến Eddie Adams (1) với bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tại chỗ một đặc công VC vào Tết Mậu Thân 1968 và Nick Út (2), phóng viên ảnh người Việt làm cho hãng thông tấn AP, chụp tấm ảnh cô bé Kim Phúc bị dính bom napan cháy toàn thân vào năm 1972.

Hai bức ảnh nói trên đã làm đảo lộn những suy nghĩ của một số người trên thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam, từ “diều hâu” họ chuyển sang “bồ câu” vì những hình ảnh tàn bạo của chiến tranh. Nhân vật thứ ba, sau Eddie Adams và Nick Út, là Malcolm Browne (3), người đã “góp phần” lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963 với bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức (4) tự thiêu để phản đối chính phủ đã “đàn áp Phật giáo”.

Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, người được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật về cùng một sự kiện như Browne.

Malcolm Browne là phóng viên người nước ngoài duy nhất đã ghi lại hàng trăm bức hình về những diễn biến của cuộc tự thiêu. Sau này, những hình ảnh đó được chính Browne thuyết minh như một phóng sự bằng hình với giờ khắc được tính theo từng phút một cách chi tiết.

Một số bức hình đăng trong bài viết này có nguồn từ trang Flickr của Mạnh Hải, một kiến trúc sư về hưu, chuyên sưu tầm những hình ảnh trước năm 1975, số ảnh này tính đến nay đã vượt con số 34.000 tấm.

Trang Flickr của Mạnh Hải

Lúc 7g50 sáng ngày 11/6/1963 phóng viên Malcolm Browne cùng một đồng sự người Việt tên Trần Văn Hà thuộc Associated Press (AP) có mặt tại chùa Từ Nghiêm. Ngoài hai người của AP còn có phóng viên của Agence France Presse (AFP, Pháp) và United Press International (UPI, Mỹ) tuy nhiên chỉ có phóng viên AP mang theo máy ảnh. Browne là phóng viên chứ không phải là nhiếp ảnh viên vì vào thời điểm ấy, AP không có phóng viên ảnh nên các nhà báo phải tự chụp hình. 

Tối hôm trước (10/6/1963), Malcolm Browne và một số phóng viên nước ngoài làm việc tại Sài Gòn đã nhận được điện thoại từ chùa Xá Lợi báo tin sẽ có một “sự kiện đặc biệt quan trọng diễn ra tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt” (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng Tháng Tám) vào sáng hôm sau.

Sau khi nhận được tin báo, đa số các nhà báo thấy không có gì quan trọng với loại tin đó nên nhiều người đã bỏ qua. Tuy nhiên, với tính nhạy bén của một phóng viên chuyên nghiệp, Malcolm Browne cảm thấy đó là một tin báo đáng lưu ý trong tình hình Phật giáo “xuống đường” chống Tổng thống Ngô Đình Diệm. 

Mười phút sau khi có mặt tại chùa Từ Nghiêm, ngôi chùa nhỏ hẹp tọa lạc tại số 415-417 đường Bà Hạt , quận 10, Sài Gòn, dành cho ni giới, các tăng ni cử hành nghi thức tụng niệm trước khi “xuống đường”. Browne chụp tấm ảnh dưới đây lúc 8g sáng ngày 11/6/1963:

Ảnh chụp lúc 8g sáng 11/6/1963 tại chùa Từ Nghiêm
Sau nghi thức tụng niệm tại chùa Từ Nghiêm, đoàn tăng ni di chuyển sang chùa Xá Lợi. Trong hình dưới đây, ta thấy phần đông những người có mặt là hàng ngũ “xuống đường” là ni sư từ chùa Từ Nghiêm. 

Ảnh chụp lúc 9g trên đường đến chùa Xá Lợi
Đoàn tăng ni tiến đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt. Phía trước là chiếc xe hiệu Austin, màu xám, mang biển số DBA – 599. Đây là chiếc xe chở Hòa thượng Thích Quảng Đức. Chiếc xe này hiện được trưng bày tại chùa Thiên Mụ, Huế.

Ảnh chụp đoàn tăng ni trên đường đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt
Một lúc sau, Browne thấy ba nhà sư bước xuống xe tại ngã tư và một vị ngồi xuống đường trong tư thế kiết già, tay cầm hộp diêm. Một trong hai nhà sư còn lại tiến đến với bình xăng và tưới xăng vào người vị sư đang ngồi. Người ngồi trong tư thế kiết già là Hòa thượng Thích Quảng Đức.

Browne hồi tưởng: “Three monks emerge and remove a 5-gallon jerry can full of aviation fuel from under the hood. Aviation fuel burns more slowly than gasoline” (Ba nhà sư ra khỏi xe và lấy một can 5 galon đầy xăng máy bay để dưới nắp máy xe hơi. Xăng máy bay cháy chậm hơn xăng thường). Ông tiếp: “I realized at that moment exactly what was happening, and began to take pictures a few seconds apart.” (Ngay lúc đó tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra và bắt đầu chụp liên tiếp những hình ảnh chỉ cách nhau vài giây).

Browne kể lại chi tiết trước khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu: “He sat down, pulled his feet over his thighs cross-legged in the traditional Buddhist position, and waited, his head slightly bowed, while the two other monks brought the gasoline over and poured all but about one liter of it over his head.” (Ông ngồi xuống, đặt chéo hai bàn chân lên đùi theo tư thế truyền thống của Đạo Phật và chờ đợi, đầu hơi cúi xuống, trong khi 2 nhà sư kia mang xăng đến và đổ hết can xăng chỉ chừa lại khoảng 1 lít lên đầu ông). 

Ảnh chụp lúc 9g17: một nhà sư đang đổ xăng
Ngay sau đó, Hòa thượng Thích Quảng Đức bật que diêm. Browne kể lại: “I was standing about 20 feet to the right and a little in front of Quang Duc. I clearly saw him strike a match in his lap, and with a slight movement, touch the robes at lap level.” (Tôi đứng cách khoảng 20 feet [6m] về phía bên phải và gần ngay trước mặt Quảng Đức. Tôi thấy rõ ông đánh que diêm đặt trên đùi và với một cử động nhẹ nhàng chạm tay vào vạt áo).

Dưới đây là bức ảnh đã được phóng to để nhận rõ hành động tự bật diêm châm lửa để tự thiêu:
Cận ảnh lúc Hòa thượng 
Thích Quảng Đức bật que diêm
Ngọn lửa bùng lên trước sự kinh hoàng của đông đảo tăng ni, Phật tử và những người đang đứng bao quanh. Sự kiện diễn ra trước mắt Browne và ông đã ghi lại bức hình bằng máy ảnh của mình từ một vị trí cách nơi ngài ngồi không bao xa. Nếu quan sát kỹ bức hình, ta sẽ thấy một nhà sư bên góc trái đang di chuyển, trên tay có cầm máy ảnh. Bình xăng màu trắng nằm sau lưng Hòa thượng và chiếc Austin còn đang mở nắp máy.

Ảnh chụp lúc 9g22 ngay sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức bật que diêm trên tay
Ảnh chụp vài giây sau đó
Bức hình được phóng to
Theo lời kể của Browne: “By 9:35, Quang Duc had fallen over backwards, and after a few convulsive kicks, was clearly dead and charred, although he was still burning.” (Vào lúc 9g35, Quảng Đức ngả ngược về phía sau và sau vài cơn co giật rõ ràng là ông đã chết và biến thành than mặc dù thân thể vẫn còn đang cháy).

Ảnh chụp lúc 9g35
Browne có thể ngửi thấy mùi khét của da thịt bị thiêu cháy và nghe tiếng náo động càng lúc càng lớn khi quân đội đang cố gắng để tiếp cận để dập tắt ngọn lửa. Họ đã bị cản lại bởi những vòng tròn lớn bao quanh ngài do tăng ni và Phật tử tạo nên.

Chỉ vài giây sau đó, một nhà sư quỳ lậy trước thi thể cháy đen của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong khi các nhà sư khác chắp tay quỳ và tiếng cầu kinh vang lên. Nhiều người dân cũng đứng chứng kiến, chắp tay hoặc khoanh tay niệm Phật. Ở góc chụp này chúng ta thấy phía sau lưng họ là một trạm bán xăng.

Ảnh chụp lúc 9.35: một nhà sư quỳ lậy trước thi thể Hòa thượng Thích Quảng Đức

Ảnh chụp lúc 9.35 theo một góc nhìn khác
Lúc 10g các nhà sư dùng áo cà sa để bọc thi thể và sau đó đoàn tăng ni “xuống đường” tiếp tục cuộc hành trình trở về chùa Xá Lợi. Góc chụp trong tấm hình này cho thấy hậu cảnh là trường Trung học Tư thục Nguyễn Khuyến. Khi đó nhiều phóng viên mới lục tục kéo đến và họ nhập cùng đoàn tăng ni trở về chùa Xá Lợi. 

Ảnh chụp lúc 10g: các nhà sư bọc thi thể Hòa thượng Thích Quảng Đức bằng áo cà sa
Browne trở về văn phòng của AP lúc 10g45, những cuốn phim được chuyển ngay qua Phi Luật Tân và vào lúc 11g15 Browne điện thoại liên lạc với văn phòng AP tại Tokyo. Đó là một buổi sáng đầy ắp sự kiện trong cuộc đời làm báo của Browne.

Malcolm Browne bên bức ảnh lịch sử được trao giải Ảnh báo chí Thế giới 1963
Khi rời Việt Nam và trở về Hoa Kỳ, vào năm 1965 Browne đã viết cuốn sách nhan đề The New Face of War (Bộ mặt mới của chiến tranh), và một cuốn sách hướng dẫn cho các phóng viên nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, ông có lời khuyên: “Làm phóng viên ở Việt Nam phải có một đôi giày bền chắc, phải cảnh giác với các “mật vụ” chuyên nghe lén cuộc trò truyện của phóng viên tại các quán nước. Trong trường hợp đang thu thập thông tin trên chiến trường cùng với quân đội mà nghe thấy tiếng súng thì đừng ngốc đầu lên để xem đạn từ đâu đến, nếu không thì bạn sẽ là mục tiêu tiếp theo”.

Browne (góc trái) và phóng viên ảnh Horst Faas tại văn phòng của AP Sài Gòn
(Ảnh chụp ngày 3/4/1964)
Trong cuộc phỏng vấn của Patrick Witty, biên tập viên hình ảnh của Tạp chí Time, Malcom Browne tiết lộ nhiều điều thú vị khi thực hiện loạt hình tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Được hỏi về những chi tiết của buổi sáng ngày 11/6/1963 Browne tiết lộ: 

“Tôi sử dụng một máy ảnh rẻ tiền của Nhật Bản có tên là Petri. Tôi đã sử dụng nó rất thành thạo, nhưng tôi muốn chắc chắn rằng tôi không chỉ cài đặt đúng chế độ chụp trên máy ảnh mỗi khi chụp và tập trung vào sự kiện một cách thích đáng, mà còn phải thay phim một cách nhanh chóng để theo kịp với những gì đang diễn ra. Hôm đó tôi chụp hết khoảng mười cuộn phim, bởi vì tôi đã chụp liên tục…”

Về việc chuyển các cuộn phim đã chụp ra khỏi Việt Nam để tránh kiểm duyệt, Browne cho biết:“Chúng tôi đã sử dụng “chim bồ câu” để gởi đến Manila, Philippines. Ở Manila người ta có thiết bị để gửi đi bằng sóng vô tuyến… “Chim bồ câu” ở đây là một hành khách trên một chuyến bay thương mại bình thường mà mình đã thuyết phục để họ nhận chuyển gói đồ nhỏ cho mình. Thời gian là vấn đề cốt yếu trong việc này, tôi đã nhanh chóng đem các cuộn phim ra sân bay, và được chuyển đi trên một chuyến bay đến Manila không lâu sau đó”.

Về quang cảnh hiện trường của cuộc tự thiêu, Browne mô tả: “Âm thanh chính lúc đó là tiếng gào khóc và lời tiếc thương của các vị tu sĩ, những người đã biết đến Ngài Quảng Đức trong nhiều năm qua và cảm mến Ngài. Sau đó là tiếng hét trên loa phóng thanh của những người lính cứu hỏa, họ cố gắng tìm lối đi để đưa Ngài ra ngoài, dập tắt những ngọn lửa xung quanh Ngài. Vì vậy, đó là một mớ hỗn độn các âm thanh”.
Các tu sĩ đã nằm ngang xe cứu hỏa để ngăn chặn việc tiếp cận hiện trường

Tổng thống Kennedy khi nhìn những bức hình của Browne đã phải thốt lên: “No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one” (Không có một hình ảnh tin tức nào trong lịch sử đã tạo ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như tấm hình này!).
.
***
Chú thích:

(1) Xem bài viết “Tướng Nguyễn Ngọc Loan và bức ảnh hành quyết”

(2) Xem bài viết “Phóng viên chiến trường Nick Út và ‘cô bé napalm’ Kim Phúc”

(3) Malcolm W. Browne (1933 - 2012) là một nhà báo và nhà nhiếp ảnh người Mỹ giành Giải thưởng Pulitzer với bộ ảnh chụp cảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức năm 1963.

Ban đầu Browne được giao làm việc cho tờ báo quân đội Stars and Stripes, bản dành cho khu vực Thái Bình Dương. Sau đó, ông gia nhập Associated Press và làm việc tại Baltimore từ năm 1959 đến năm 1961 và sau đó làm trưởng đại diện ở Đông Dương.

Ông là một trong những nhà báo đầu tiên thường trú tại Việt Nam để đưa tin về chiến tranh. Năm 1968, ông trở thành nhà báo của The New York Times, và đến năm 1972 là đại diện của tờ báo ở khu vực Nam Mỹ. Năm 1977, ông làm cho tạp chí Discover, rồi trở lại Times năm 1985. Năm 1991, một lần nữa ông lại làm phóng viên chiến trường ở Iraq trong Chiến tranh Vùng vịnh 1991.

Browne mất năm 2012 tại New Hampshire sau một thời gian mắc bệnh Parkinson, hưởng thọ 81 tuổi.

Giải thưởng và danh hiệu:

· Bức ảnh chụp hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn của Browne. Browne giành Giải Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) năm 1963.
· Giải Pulitzer cho bài báo quốc tế (1964)
· Giải George Polk
· Giải Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài (Overseas Press Club Award)

Tác phẩm:

· Browne, Malcolm W. Muddy Boots and Red Socks, Random House: New York, 1993, ISBN 0-8129-6352-0 (hồi ký)
· Saigon's Finale (bài báo viết về quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam ngày 30/4/1975)
· The New Face of War (Bobbs-Merrill, Indianapolis, 1965) ISBN 055325894X.

Malcolm Browne (1965)
(4) Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, (1897 - 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Ông sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là Nguyễn Thị Nương.

Năm lên bảy tuổi, cậu bé Lâm Văn Tức xuất gia tu học với hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Cậu được hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết.

Năm mười lăm tuổi Lâm Văn Tức thọ giới Sa Di, năm hai mươi tuổi thọ Tỳ Kheo giới lấy tên là Thích Quảng Đức. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi tên là Hòn núi Đất thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, về sau ông đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc.

Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp miền Trung để giảng pháp. Sau 2 năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên gần thành phố Nha Trang. Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong suốt thời gian ở miền Trung Việt Nam, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa.

Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để giáo hóa, ông cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, ông đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy, ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cung là nơi ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm ở quận Phú Nhuận, Gia Định, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Đức.

Ông đã từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, ông có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt. Khi trụ sở này đời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm.

Sau khi tự thiêu, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận.

Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn.

Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, Lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước, lấy được trái tim của Thích Quảng Đức. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức.

Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/11/1963 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

(Nguồn: Wikipedia)

Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức

(5) Đọc thêm về Mạnh Hải qua bài viết “Flickr.com: Kho hình vô tận” 
Trang web của Mạnh Hải trên Flickr: http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét