9. – QUYẾT BẢO VỆ DANH DỰ
Chú thím gà được tám đứa con, trong đó, ba đứa là trai. Chú gà thương ba đứa con trai này hết mực. Chú chuyên luyện những thế võ gia truyền cho chúng ngay khi cơ thể chúng vừa cứng cáp. Thằng trưởng nam – Gà Ô – rất xứng đáng dòng dõi anh hùng: thân hình lực lưỡng, nhanh nhẹn, thông minh, hào hiệp, nhường nhịn. Kế Gà Ô là Ngũ Sắc. Thằng này có bộ lông sặc sỡ thật đẹp nhưng tính tình lại không ôn nhu chút nào. Trong gia đình nó chỉ sợ chú gà trống và anh Gà Ô, ngoài ra nó chẳng kiêng nể ai hết. Gà Út dáng dấp nhỏ nhắn, có vẻ học trò hơn võ sĩ, nhưng tính khí cũng ngang tàng không kém hai anh.
Sáng hôm ấy, trong lúc anh em Gà Ô đang luyện tập võ nghệ thì bác làm vườn đem đến chuồng gà một gã gà trống có bộ lông trắng mượt. Gã gà này thật lớn con: so với các chú gà của khu vườn, gà lớn đến gấp rưỡi!
Chú thím gà đang trò chuyện trong chuồng bị bác làm vườn đuổi xuống sân để đẩy gã gà trống lạ vào rồi bác đóng cửa chuồng lại. Gã gà trống lạ được tự do trong chuồng, đập cánh, vươn vai cho thoải mái, đoạn gã cất tiếng gáy vang.
Mi Lu Anh vốn nhanh nhẩu, nghe tiếng, liền chạy đến bên chuồng gà để làm quen. Chú chó trắng đốm đen cười xã giao:
- Chào chú gà, chắc chú ở phương xa mới tới?
Gà trống lạ đáp:
- Chào chú nhỏ. Rất hân hạnh được làm quen với chú. Ta tên là Đại Bạch, chú cứ gọi thế cho tiện.
- Còn tôi là Mi Lu Anh. Trong khu vườn này, ngoài tôi ra, còn có Mi Lu Em là em ruột tôi, ông Lu Lu là bậc trưởng thượng, cô Miu Miu, đàn bồ câu và gia đình chú thím gà…
- Khi nào được thả ra, ta sẽ đi thăm tất cả.
Mi Lu Anh chỉ về phía ba anh em Gà Ô:
- Đó là ba đứa con trai cưng của chú thím gà.
Đại Bạch gật gù:
- Vừa tới đây ta đã thấy chúng rồi. Hình như chúng đang luyện võ thì phải.
Mi Lu Anh:
- Chính thế! Để tôi gọi chúng lại để chú làm quen nhé - Quay về phía anh em Gà Ô, Mi Lu Anh gọi - Này anh em Gà Ô, lại đây mau.
Anh em Gà Ô chạy lại. Mi Lu Anh giới thiệu:
- Đây là chú gà Đại Bạch. Và đây là anh em Gà Ô, Gà Ngũ Sắc và Gà Út.
Anh em gà Ô khoanh cánh chào Đại Bạch thật đúng phép. Đại Bạch gật gù:
- Ờ, các cháu ngoan lắm. Các cháu đang luyện võ đó phải không?
Gà Ô đáp:
- Thưa chú, chính vậy ạ.
- Chú cũng biết ít ngón nghề, để khi nào được tự do, chú sẽ dạy lại cho các cháu, các cháu chịu không.
Dĩ nhiên là anh em Gà Ô bằng lòng.
Hôm sau, ý chừng cho rằng Đại Bạch đã quen chỗ, bác làm vườn thả gà ra. Công việc đầu tiên của Đại Bạch là đi thăm tất cả các thú trong vườn. Hết một vòng thì đã trưa, Đại Bạch trở về chuồng nghỉ ngơi.
Vào buổi chiều, Đại Bạch giữ lời hứa, dạy võ cho anh em Gà Ô. Trước hết, gã bảo anh em Gà Ô biểu diễn những đòn thế đã học. Gà Ô nghe lời, cố gắng trình bày các thế võ thật đúng cách. Nhưng… sau mỗi ngón đòn, Đại Bạch đều lắc đầu chê là còn nhiều khuyết điểm. Lúc đầu Gà Ô còn giữ được bình tĩnh, nhưng sau, bị Đại Bạch chê nhiều quá, tự ái tuổi trẻ nổi lên, Gà Ô không chịu biểu diễn nữa. Đại Bạch ngạc nhiên hỏi:
- Kìa, sao lại ngưng vậy cháu?
- Cháu tạm ngừng để mong được đón nhận lời chỉ giáo của chú!
Đại Bạch gật gù:
- Cũng được. Vậy các cháu hãy lắng nghe ta phê bình về các thế võ của Gà Ô vừa biểu diễn nhé: Những thế võ đó ta thấy thật tầm thường, dường như Gà Ô học chưa đến nơi đến chốn thì phải.
- Thưa chú, cha cháu đã từng khen cháu biểu diễn rất đúng cách.
- Thế à? Nếu thế thì đây là lỗi ở những người sáng chế ra những thế võ. Chỉ xem qua là ta có thể đoán ngay rằng kẻ đó có một bản lãnh rất tồi…
Gà Ngũ Sắc kêu lên:
- Nhưng người đó lại là cha cháu…
Gà Út thêm:
- Xin chú hãy thận trọng lời nói.
Đại Bạch:
- Ờ… thế hả? Vậy thì ta xin lỗi các cháu nhé? Nhưng mà ta vẫn giữ nguyên ý kiến: cha các cháu không phải là một tay khá đâu…
Gà Út nhắc nhở:
- Chú lại nói xấu cha cháu rồi…
- Ờ… ờ… ta quên… Ta muốn nói rằng thứ võ nghệ mà Gà Ô vừa biểu diễn chỉ là loại võ nghệ ba xu…
Lúc này thì Gà Ô không nhịn được nữa:
- Xin lỗi chú, chú không nên tỏ lời miệt thị gia đình cháu quá đáng như thế…
- Ta…
- Chúng cháu xin kiếu chú.
- Ủa, rồi các cháu không học võ ta dạy sao?
- Thưa chú, chúng cháu không thể gọi kẻ đã khinh khi cha mình bằng thầy được, xin chú hiểu cho…
Nói đoạn anh em Gà Ô kéo nhau đi, bỏ mặc Đại Bạch đứng một mình ngẩn ngơ.
*
* *
Trong lúc anh em Gà Ô về thuật chuyện cho chú thím gà nghe thì Đại Bạch đi gặp mấy ông bà bồ câu. Đại Bạch nói với họ: “Võ nghệ gia đình nhà gà thật tầm thường”. Trong khu vườn, gia đình gà vốn là người cũ, lại có cảm tình với các thú cho nên nghe Đại Bạch nói, ai cũng ừ hử cho xong chuyện. Tất cả cùng nghĩ thầm: “Cái hạng đi nói xấu người thì cũng chẳng tốt đẹp gì”.
Một thời gian ngắn thì chú gà biết tự sự. Gà Ngũ Sắc nổi nóng:
- Cha phải làm cho ra lẽ vụ này. Đại Bạch đã xúc phạm đến danh dự gia đình ta.
Gà Ô:
- Ta phải bảo vệ danh dự gia đình.
Chú gà khuyên can các con:
- Chuyện đâu còn có đó. Đại Bạch có nói xấu gia đình ta hay không, điều đó ta mới chỉ nghe đồn. Hãy để đến khi nào ta bắt gặp quả tang sẽ hay.
Gà Ngũ Sắc lầu bầu bất mãn. Nó cho rằng cha mình hiền lành quá. Rồi một lúc tức giận, một mình nó đi, tìm Đại Bạch. Lúc ấy, Đại Bạch đang bi bô chuyện trò với một bà bồ câu. Thấy Ngũ Sắc, Đại Bạch cười lớn hỏi:
- Đi đâu thế bé con?
Gà Ngũ sắc đang giận sẵn, lại nghe Đại Bạch gọi mình là “bé con” thì máu nóng bốc lên, nó sừng sộ ngay:
- Tôi đi để hỏi tội chú đây. Tại sao chú đi nói xấu gia đình tôi với các thú trong vườn?
Đại Bạch cười ngạo nghễ:
- Như thế là nói xấu đó sao? Võ nghệ gia đình mày tầm thường thì ta nói là tầm thường chứ sao nữa.
- Chú đừng khinh khi gia đình tôi như thế. Chú có giỏi thì hãy so tài với tôi một phen.
Đại Bạch cười ha hả:
- Mày đòi so tài với tao? Ha ha… Rõ là trứng muốn chọi đá mà.
Ngũ Sắc giận lắm, chẳng nói chẳng rằng xông thẳng đến bên Đại Bạch mổ một cú bất ngờ ngay đùi gã. Không đề phòng, Đại Bạch trúng đòn đau điếng. Bà bồ câu chứng kiến cớ sự hốt hoảng bay vụt đi. Thấy Gà Ô và Gà Út, bà cho cả hai biết chuyện. Hai anh em Gà Ô tức tốc tìm đến nơi. Lúc ấy, Ngũ Sắc đã bị Đại Bạch đánh tơi bời. Gà Ô vội vàng kêu lên:
- Này chú Đại Bạch. Chú không biết tự trọng sao? Chú như thế mà lại đi đánh một đứa bé đáng tuổi con cháu à?
Đại Bạch chẳng thèm nghe, gã quát tháo:
- Tự trọng với chả tự trọng. Ngay cả mày nữa, có giỏi thì cứ vào đây để thử sức xem võ nghệ ai hơn ai kém.
Gà Ô tự lượng sức mình không phải là đối thủ của Đại Bạch, nhưng nó phải bảo vệ danh dự. Nó nói:
- Đây là chú muốn gây hấn chứ không phải tôi đâu nhé!
Rồi nó bảo Gà Ngũ sắc đứng sang một bên. Gà Út vội chạy đến bên anh đấm bóp. Gà Ngũ Sắc bị đòn đau, cứ thở dốc từng hồi.
Đằng kia, Gà Ô đã giao tranh với Đại Bạch. Gã gà to lớn gấp hai địch thủ này nhảy nhót, né tránh, đưa đòn chẳng khác gì mèo vờn chuột. Chỉ một chút là Gà Ô đuối sức. Nó bị mổ mấy phát vào cổ, vào mình. Nhưng tự ái, và nhất là mối nhục gia phong không cho phép nó bỏ cuộc.
Ngay lúc ấy có tiếng xôn xao từ đằng xa. Rồi anh em Mi Lu, cô Miu Miu, vợ chồng chú thím gà, mấy đứa gà mái con, mười mấy con bồ câu kéo đến. Đại Bạch buông Gà Ô ra, gã có vẻ xấu hổ lắm nhưng vẫn cố phân bua:
- Tại chúng nó ỷ đông xông vào đánh tôi…
Gà Út gân cổ cãi:
- Chứ không phải chú ỷ lớn ăn hiếp anh em chúng tôi à?
Chú gà ngắt lời con:
- Thôi, Út! Để đó cha lo liệu (Quay sang Đại Bạch) Này chú, tôi đã nghe nhiều lời bàn tán về việc chú nói xấu gia đình tôi, tiện đây, tôi xin chú hãy xác nhận rằng điều đó có hay không?
Đại Bạch biết không thể chối:
- Ờ… có…
- Như thế thì dù lũ con tôi có đến gây sự với chú, đó cũng là một điều nên làm. Bởi vì chú đã phạm đến danh dự chúng tôi. Bây giờ tôi xin đề nghị với chú: tại đây, giữa đông đủ các thú trong vườn, chúng ta hãy so tài một phen. Trước là để tôi rửa nhục gia đình, sau là để chúng mình xem võ nghệ của gia đình tôi có tầm thường như chú đã nhận xét hay không? Thế nào? Chú bằng lòng chứ?
Đại Bạch không thể từ chối. Vì từ chối tức mặc nhiên gã chịu thua. Gà Ô, Gà Ngũ Sắc, Gà Út về đứng bên mẹ. Lũ gà mái con nhìn những vết thương trên mình hai anh mà sụt sịt khóc. Gà Út lo lắng hỏi mẹ:
- Con sợ quá mẹ à, liệu cha có thể thắng được không?
Thím gà trấn an con:
- Bộ con quên rằng trước kia cha con đã từng là thủ lãnh cả một bầy gà hàng mấy chục con sao?
Chú gà và Đại Bạch đã bắt đầu giao tranh. Hai tay đối thủ quả là ngang tài ngang sức. Qua mười mấy hiệp, cả đôi bên vẫn chưa ai bị trúng một đòn nào. Phần Đại Bạch thì chỉ có sự thắng mới biện bạch được lỗi lầm của mình. Trong khi chú gà thì không thể thua để bảo vệ danh dự.
Đại Bạch phóng mình tới, đá song phi. Chú gà lách mình sang một bên rồi vươn mỏ tới mổ thật mạnh. Đại Bạch bị trúng đòn nơi cổ lảo đảo. Chú gà thừa thắng, bồi thêm một cú đá. Đại Bạch gồng mình chịu đựng rồi tức khắc trả miếng. Song phương đều đau đớn. Mặt cả hai đỏ gay, hai bộ lông xù ra thật dữ tợn. Cuối cùng, kẻ chiến đấu vì danh dự đã thắng. Đứng bên Đại Bạch nằm mọp thở dốc, chú gà tuyên bố cùng các thú:
- Tôi vẫn xem Đại Bạch như một người bạn. Nhưng xin các bạn chứng kiến trận đánh hôm nay công nhận cho gia đình tôi rằng: võ nghệ chúng tôi không phải tầm thường.
Tất cả cùng hoan hô tinh thần mã thượng của chú gà.
*
* *
Đại Bạch xấu hổ quá, ở lì trong chuồng suốt mấy ngày. Rồi sau đó, gã ốm nặng. Bác làm vườn cho ông chủ biết. Ông chủ nói với bác gì đó. Bác xách cổ Đại Bạch đem đi. Buổi chiều, các thú thấy chị bếp đổ một ít lông gà trắng nơi thùng rác. Chú gà trống trông thấy thì biết ngay Đại Bạch đã mãn phần. Không cầm nổi nước mắt, chú khóc tấm tức như trẻ con.
*
* *
Tối hôm đó, ông Lu Lu đề nghị các thú đứng im lặng một phút để tưởng niệm vong hồn Đại Bạch vì dù sao, Đại Bạch cũng đã từng sống trong khu vườn ít lâu. Ông cũng không quên nhắc lại vụ đánh nhau, rồi kết luận:
“Phải bảo vệ danh dự”
NGUYỄN THÁI HẢI
_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 197, ra ngày 15-3-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét