Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Qua Giấc Mù Sương (KỲ IV) - NGUYỄN THỊ MỸ THANH


Ba thở ra:

- Lạ thật! Một kẻ man rợ đến đâu cũng không ăn thịt mèo. Ba quyết tìm cho ra nguyên nhân chuyện lạ này.

Bữa cơm dọn ra. Ba má ăn qua quít còn em thì vẫn húp cháo và ăn bánh mì. Xong bữa, ba mệt mỏi nằm nghỉ ở nhà ngoài. Má lo dọn dẹp ở dưới bếp. Bây giờ là lúc thằng Mai hiện ra. Nó liếm quanh mép như thèm thuồng một cái gì. Em giật mình. Lần này thì em cảm thấy sợ nó. Nó đấm tay xuống nệm, bực tức nói:

- Hỏng cả công trình!
Em hỏi:

- Hỏng gì?

- Ba ném thịt mèo Na vô thùng rác!

Em há hốc miệng nhìn thằng Mai. Nó gắt gỏng:

- Trí không biết à? Ngu quá vậy?

- Mai… Mai???

- Tôi đã làm thịt mèo Na để làm món “mèo nướng”.

Em ôm đầu, bịt chặt lấy tai. Khủng khiếp quá đi! Ngoài sức tưởng tượng của em. Thằng Mai đến ngồi bên chân em. Em sợ hãi xích ra nhưng khối bột nặng như đè em xuống. Thằng Mai bĩu môi:

- Không cần. Ta vẫn còn hơn hai nghìn đây, tha hồ ăn phở.

Em kêu lên một tiếng nhỏ trong cổ họng. Thằng Mai móc trong túi quần ra một xấp giấy bạc, thích thú nói:

- Trí không hiểu hở? Tiền trong tủ của má chứ đâu! Gớm, Trí thông minh chỗ nào không biết, mấy chuyện này Trí khờ quá! Vậy mà hồi sáng nay ông Hiệu trưởng vào phát bảng danh dự cho Trí đó!

Em nắm chặt tay thằng Mai:

- Mai cũng đi học nữa sao?

- Ừ.

- Đúng rồi! Tháng trước tôi nhiều điểm nhất lớp. Tôi hạng nhất phải không? Bảng danh dự đâu?

Thằng Mai lục trong túi quần, rồi lắc đầu:

- Chắc tôi liệng mất rồi.

Em nghẹn cả họng, nhìn thằng Mai, giận tràn lòng. Em thở dài:

- Tôi không thể tin Mai được.

Mai cười:

- Không tin? À, vậy thì ngày mai tôi sẽ làm cho Trí tin.

Rồi nó đứng dậy đi đến gần chân bàn đá hất nhúm lông mèo. Em kêu:

- Mai!

Nhưng nó đã tan biến mất rồi.



Tám


Cô giáo Hòa đợi chờ thắc thỏm. Bầy học trò đã vào lớp hết mà vẫn chưa thấy bé Trí. Có một chuyện gì đã xảy đến cho thằng bé chăng? Trăm nghìn câu hỏi giăng đầy óc cô. Vạn mối hồ nghi làm cô thấy mình như đang ở trong một cơn khủng hoảng. Một sự thật nào sắp hé màn? Nhưng tất cả chỉ làm cô rối óc thêm. Nếu cô không ở gần nhà cô y tá Trang? Nếu cô không thấy bức tượng chú lính có đề “Thân tặng chị Trang – Em Trí”? Cô đã sửng sốt khi nghe Trang nói: “Đây là món đồ chơi của một cậu bé rất dễ thương, bị xe đụng gãy chân, phải bó bột”. Trang cả quyết rằng mình không bao giờ nghe lầm tên của cậu bé bệnh nhân dễ mến là Trí, trường của cậu bé học là trường Việt Ấu, lớp của cậu bé là lớp ba. Khi cô giáo Hòa bảo rằng cậu bé Trí không bị bó bột nằm nhà, mà vẫn đi học và đã gây cho cô nhiều phiền toái, Trang đã lạ lùng nhìn cô giáo và băn khoăn:

- Chị… chị vẫn khỏe trong người chứ?

Cô Hòa cười khổ sở:

- Trang nghĩ rằng chị nói tầm bậy à?

Trang cười:

- Dạ không. Nhưng chính em cũng đang thắc mắc đây. Hay là… để ngày mai đến săn sóc cho Trí, em bảo Trí viết vài chữ thăm chị?

Cô Hòa mừng rỡ đồng ý ngay:

- Trang nhớ nói với nó là chị… cô Hòa, chị ở gần nhà Trang…

Nhưng rồi bây giờ cô vẫn không thấy an tâm chút nào. Cô hoang mang, lo lắng, như người đang chờ đón một tai họa sắp xảy đến cho mình.

Kìa! Trí đã đến! Cô giáo Hòa sửng sốt. Vẫn thằng bé Trí xinh đẹp mọi ngày. Nó đi đến chỗ ngồi và liếc nhìn lên cô. Tia mắt ẩn giấu một sự độc ác. Cô Hòa cúi xuống, nghe một nỗi sợ hãi vô cớ hiện đến. Cô đứng dậy viết bài Sử Ký‎ lên bảng. Cô vẫn cảm thấy đàng sau lưng, có đôi mắt tinh quái của Trí nhìn chòng chọc vào cô.

Khi chép xong bài học, cô Hòa đến bên Trí, nói thật khẽ:

- Trí, con hãy vui lòng trả lời câu hỏi của cô nhé!

Trí ngước mắt nhìn cô, gật đầu ra vẻ ngoan ngoãn. Cô Hòa lấy lại nét tự nhiên, hỏi:

- Con có một người anh hay em sinh đôi nào không?

- Không.

Thằng bé đáp cụt ngủn làm cô Hòa lùi lại một bước.

- Nhà con ở đâu?

- Đường Hoàng Diệu, số 3300…

- Ba má con có đứa con nào nữa không?

- Không.

- Trí là con một?

Trí gật đầu, thản nhiên. Cô ngạc nhiên thấy tập vở của nó trắng tinh. Cô giục:

- Trí chép bài đi!

Rồi cô bước lên bục, lòng rối như tơ vò. Cô cầm cây thước kẻ lên, sửa soạn giảng bài. Thấy Trí cúi đầu trên trang giấy, hí hoáy viết, cô bỗng hành động một cách không chủ ý, đưa tay sờ mái tóc. Cô giật mình. Cây bút bằng vàng, mà cô luôn luôn giắt trên đầu, đâu mất rồi? Cô vội vã lục lọi ví tay, trong sách vở, vẫn không tìm ra. Những đôi mắt ngây thơ nhận ra vẻ hoảng hốt của cô, cũng nhìn lên, chờ đợi. Cô Hòa run giọng nói:

- Các con, cô bị mất cây bút bằng vàng, các con hãy tìm giúp cô.

Những chiếc cặp được dốc ngược. Những hộc bàn được xem xét. Nhưng vẫn không thấy cây bút. Cô Hòa đặc biệt chú tâm quan sát Trí. Nó cũng dốc cặp, lục hộc bàn, nhưng thỉnh thoảng nó nhìn cô bằng tia mắt bén như dao. Cô nói, trong khi cổ họng khô đét:

- Cô không bao giờ rời cây bút đó. Sáng nay khi vào lớp cô vẫn còn nó ở trên đầu. Các con cũng thường khen và đã biết đó là di vật độc nhất mà mẹ cô đã để lại cho cô. Cô qu‎ý nó lắm. Nếu cô đã làm rơi và có trò nào lượm được, hãy đem lên cho cô xin lại.

Những gương mặt ngây thơ nhìn nhau. Không có ai đáp lại lời cô. Đứa bé nào trông cũng vô tội. Cô lại đưa thêm một giải pháp:

- Bây giờ, cả lớp làm theo lời cô, úp mặt xuống bàn hết. Cô cũng quay mặt vào tường. Trò nào đã giữ cây bút của cô, hãy tự động đem lên để ở bàn cô. Cô sẽ không phạt, cô sẽ không tìm hiểu trò đó là ai.

Tất cả học sinh làm y lời cô. Cô Hòa quay lưng lại, nhìn vào tường. Cô tin rằng đứa học trò dại dột nào đó sẽ không bị xấu hổ và tự động lên trả bút cho cô.

Năm phút qua đi. Cô Hòa xoay người lại. Cô ngạc nhiên vô cùng, vì không có gì khác ngoài mấy quyển sách để trên bàn. Cô nói:

- Ngẩng mặt lên hết đi! Cô buồn lắm, không lẽ cô phải khám xét từng trò? Cô sẽ không phạt nếu…

Cô Hòa im bặt. Cô vừa nhìn thấy trên tay của Trí, cây bút vàng lấp lánh. Trí đang xoay xoay cây bút và nhìn cô bằng ánh mắt trêu chọc. Cô không thể bình tĩnh được, hấp tấp bước xuống. Cô giật mạnh cây bút trên tay Trí. Thằng bé la lên:

- Á! Cô làm gì vậy?

Cô Hòa thở dồn dập, nói:

- Tại sao Trí không đem lên trả, hở?

- Bút của em, bút của em.

- Láo!

Cô tát Trí một cái tưởng chừng tóe lửa. Thằng bé khóc òa lên, gào to:

- Bút của em mà! Cô nhận lầm rồi!

- Còn chối nữa hả? Cái gì đây?

Con bé Phương Hương ngồi cạnh Trí, kêu lên:

- Thưa cô, viết của Trí mà!

Cô Hòa nhìn lại tay mình. Không phải cây bút của cô, mà là cây bút chì của Trí. Cô ngơ ngác. Mắt cô đã lòa chăng? Không, rõ ràng cô thấy cây bút vàng mà! Trí vẫn khóc nức nở như bị oan ghê gớm.

Chuông reo tan học như những sợi thủy tinh nhức nhối chạy vào tai cô, lan đầy óc. Cô cho các học trò về, và uể oải lên ngồi trên ghế. Lần đầu tiên trong đời một nhà giáo, cô thấy chán nản và gớm ghiếc một lớp học. Nó đã làm cô mệt mỏi và căng thẳng. Hay là vì cô đã già nua, đã lú lẫn? Đến những phút giây này cô mới thấy nghề giáo là một nghề nhiều đau khổ.

Kìa! Bây giờ thì không phải cô nhìn lầm nữa. Cây bút vàng của cô lại xuất hiện trên tay của Trí. Cô dụi mắt hai, ba lần và vẫn thấy đó là cây bút vàng. Thằng bé nhìn cô, kiêu hãnh. Cô đẩy xô những bàn ghế học trò, chạy đến nắm tay Trí, hét to:

- Đưa cây bút đây!

Thằng bé thản nhiên đưa ra: cây bút chì. Cô Hòa mở to đôi mắt nhìn tay nó, nhìn mặt nó, rồi nhìn toàn thân nó. Cô nói như nói sảng:

- Mày… mày là ai?

- Dạ, em là Trương Đức Trí, con của ông…

- Câm đi! Mày là ai? Mày không phải là bé Trí dễ thương. Mày là người… hay là… quỷ?

- Ơ! Bà này kỳ quá!

Thằng bé vùng vẫy trong tay cô Hòa. Và cô – con người điềm tĩnh, ưu ái đó, nhà giáo mấy mươi năm trong nghề chưa bao giờ giận dữ với một học trò đó – đã túm lấy thằng bé mà đánh túi bụi như một kẻ điên. Cô vừa đánh, vừa khóc… Nó cũng kêu la đau đớn… Cho đến khi ông Hiệu trưởng xuất hiện ở cửa lớp và la lên:

- Bà Hòa! Xin bà dừng lại!

… thì cô Hòa vẫn không nghe gì hết. Ông Hiệu trưởng chạy vào, kéo Trí ra. Thằng bé khóc tru tréo. Cô giáo Hòa thở hổn hển:

- Mày là ai? Mày là ai?

Ông Hiệu trưởng nói:

- Kìa! Bà Hòa! Đây là bé Trí. Bà nói gì vậy?

Trí nức nở:

- Con cầm cây bút này, mà cô cứ nhất định là con ăn cắp cây bút vàng cài tóc của cô. Cô đánh con…

Nó vừa nói vừa đưa cây bút chì ra. Cô Hòa rên rỉ:

- Không! Nó nói láo…

Thằng bé nép người bên ông Hiệu trưởng như sợ hãi lắm. Ông Hiệu trưởng bảo:

- Con đi về đi! Có thầy đây, con đừng sợ.

Trí chạy vụt ra khỏi lớp, quên cả cặp vở. Ông Hiệu trưởng bấy giờ mới tỏ thái độ. Mặt ông rắn đanh lại, ông nói:

- Tôi thật không ngờ.

- Thưa ông…chuyện gì?...

- Còn chuyện gì nữa? Một cô giáo hành hung học trò sau giờ học. Bà hãy nhớ lại, bà đã đánh nó bao nhiêu lần, thưa bà Hòa?

Cô Hòa cúi đầu không đáp. Ông Hiệu trưởng gằn giọng:

- Nguyên tắc căn bản của một nhà giáo là chỉ đánh học trò với tính cách răn dạy và yêu thương. Một đứa bé lớp ba chỉ chịu đựng một thước kẻ vào tay là đủ. Bà đã đánh nó như đánh một kẻ thù.

Cô Hòa kêu lên:

- Tôi không hề thù nó. Ông Hiệu trưởng hãy nghe tôi…

- Bà Hòa! Tôi không xét đoán oan cho bà, vì tận mắt tôi đã trông thấy những lần bà đánh bé Trí. Dù với lý do nào đi nữa, tôi cũng không thể chấp nhận hành vi đó. Tôi không thể nói hơn nữa. Xin bà tự giải quyết.

Rồi ông đi nhanh ra khỏi lớp. Cô Hòa bước theo, nói:

- Ông Hiệu trưởng! Ông…

Cánh cửa lớp đóng sầm chắn lối đi của cô. Cô ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt khóc nức nở. Cô phải tự giải quyết? Nghĩa là cô phải rời khỏi ngôi trường này chăng? Không có con đường nào khác. Đến những phút cuối của đời dạy học, cô thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết.



Chín


- Thưa chị, em đem cháo qua cho chị đây!

Cô giáo Hòa mở mắt. Gương mặt của Trang hiện mờ mờ qua khung cửa, rồi rõ dần. Trang nâng đầu cô Hòa dậy, nói:

- Sao chị mệt quá vậy? Chị cảm thấy trong người ra sao?

Cô Hòa cười héo hắt:

- Không, chị không sao cả. Trang hãy nói cho chị nghe, sáng nay bé Trí thế nào?

Trang tươi hẳn nét mặt:

- Vết thương của nó khá rồi. Nhưng hình như nó có vẻ buồn chị ạ! À, Trí có viết thư cho chị, khi nghe em bảo rằng em ở cạnh nhà chị.

Cô Hòa ngồi bật dậy, mừng rỡ:

- Đâu? Em đưa cho chị xem!

Cô run rẩy cầm lá thư của Trí. Cô mở ra, đọc: 

“Thưa Cô,

Con đã làm cô buồn lòng. Xin Cô tha thứ tất cả cho con. Con sắp đi học lại để xin lỗi cô. Trí vẫn là Trí ngoan muôn đời của Cô.

Bé Trí” 

Hai giọt lệ lăn ra từ khóe mắt cô Hòa. Đúng là nét chữ của thằng bé yêu dấu. Nhưng qua cơn xúc động ấy, cô Hòa lại rối óc với những câu hỏi. Trí nào đã đi học? Trí nào đã bị thương? Trí nào đã phá quấy cô để đến nỗi cô phải bỏ trường? Trí nào đã được Trang săn sóc? Và Trí nào đã viết bức thư này? Trí “sắp đi học lại”, nghĩa là bấy lâu nay vắng mặt, mà tại sao lại “xin cô tha thứ tất cả”…??? Đầu óc cô Hòa xoáy lộn như cơn gió lốc. Cô nhìn Trang. Trang thì cũng không biết gì hơn ngoài một bé Trí dễ thương ở căn nhà mà cô thường đến mỗi buổi sáng. Trang không hề tin có một thằng Trí tàn ác, tinh quái ở lớp ba trường Việt Ấu. Nếu có bàn cãi thêm, chắc Trang cũng sẽ nghĩ cô Hòa là một người đã đến tuổi già nua, mất quân bình, nói những điều khó tin. Cũng như đối với ông Hiệu trưởng, thì thằng bé Trí vẫn là một đứa học trò ngoan ngoãn, vô tội. Chỉ có cô là lẩm cẩm và thù hằn với học trò. Cô đau đớn khóc một mình và chẳng biết hé răng bày tỏ cùng ai.

Trang nhỏ nhẹ nói:

- Thôi, em về nhé! Chị ăn hết bát cháo đi, có gì cần chị cứ gọi em. Em về dạy học mấy đứa nhỏ bên nhà.

Cô Hòa gượng cười gật đầu. Trang đã về, còn lại cô với nỗi buồn lớn lao. Cô nhìn khắp nhà. Ảnh của mẹ cô, ảnh của chồng cô, những người đã chết. Cô lẻ loi trong cảnh sống buồn tẻ. Có một niềm an ủi duy nhất là một đứa bé ngoan hiền và một lớp học vui như tổ chim cũng bỏ cô mà lui gót. Cô sẽ sống như một chiếc bóng trong căn nhà này hay sao? Tự nhiên cô sợ hãi. Hình ảnh thằng bé Trí hiện ra như đe dọa cô. Lần đầu tiên cô thấy căn nhà của mình rờn rợn. Cô gắng gượng bước xuống, mang dép đi ra sân.

Trời đang lúc hoàng hôn. Mặt trời gần khuất sau dãy nhà cao ở phía tây. Trong sân nhà cô, những bông hoa dường như cũng lạnh lẽo như bầu trời đỏ nắng quái trên kia. Cô bước dần ra thăm luống hoa hồng. Mấy ngày rồi bỏ quên, chắc hôm nay cây đã có nhiều hoa lớn. Nhưng kìa! Không có một nụ hoa nào cả. Cành lá chỉ còn trơ những gai nhọn. Cô ngạc nhiên bước đến gần. Có dấu cắt của dao hay kéo trên những cành cây. Cô hoảng hốt khi thấy cây kéo của cô dùng để xén lá nằm dưới gốc hồng. Cô cầm cây kéo lên. Ai đã cắt những hoa hồng của cô? Chỉ có Trang là hay lui tới nhà cô, ngoài ra không có một ai. Nhưng cô không tin Trang có thể tự tiện cắt hoa mà không xin phép trước. Trang không phải là kẻ bất lịch sự. Vậy thì ai? Cô nhìn cây kéo, rồi nhìn quanh. Trong sân vắng vẻ, chỉ có tiếng chim gọi nhau yếu ớt. Bỗng cô lùi lại, vì vừa nhìn thấy ngoài cổng có dáng thằng bé Trí. Cô vừa mừng, vừa lo sợ. Cô nhìn nó đăm đăm. Cô gặp một tia mắt tinh quái. Cô hoảng hốt, lắp bắp:

- Trí, trò… đến đây… làm gì?

Thằng bé cười thật hiểm ác. Cô Hòa bước lùi lại. Cô cảm thấy cổ họng nghẹn đắng. Cô kêu lên:

- Mày đi về đi! Tao ghét mày…

Nhưng Trí đang xăm xăm mở cổng đi vào. Cô Hòa bỏ chạy vào nhà. Cô chạy được vài bước bỗng đứng khựng lại. Trí đang đứng trên thềm nhìn cô cười ngạo nghễ. Cô há miệng, ú ớ không thành lời. Thằng bé càng cười to. Cô kinh hãi quay lưng, cũng lại thấy nó bên luống hoa hồng. Đâu đâu cũng có nó. Cô đâm đầu chạy theo một hướng bất định. Nỗi hoảng sợ làm chân cô ríu lại, và cô vấp chân té xuống…

Tiếng thét của cô Hòa làm Trang hấp tấp chạy qua. Những người hàng xóm cũng đổ xô sang. Người ta thấy cô giáo Hòa té sấp trên cây kéo của cô. Trang òa khóc bên người bạn già nua đáng kính nay đã lìa đời...


Mười

Em cố gắng nhấc đầu lên cũng không nổi. Từ sáng sớm, em nghe thân mình ớn lạnh. Em không thể làm một động tác nào hơn là nắm mở mắt, nghe tiếng đùa giỡn của trẻ hàng xóm. Toàn thân em rã rời, mệt mỏi. Em không hiểu tại sao trong khi vết thương đang lành lặn dần thì bên trong cơ thể lại từ từ suy yếu. Nhưng "bên trong" đó không phải là trái tim, là lá gan. Đối với sự hiểu biết nhỏ bé của em, thì đó hình như là cái trí óc để giúp em suy nghĩ, giúp em hồi tưởng, giúp em thương yêu... Tất cả đang sa sút. Em cũng không hiểu rõ tại sao. Không thể đổ lỗi cho vết thương ở chân. Cũng không thể đổ lỗi cho những ngày em nằm trên giường bệnh. Mà phải nói là từ ngày có thằng Mai. Khổ thay, thằng Mai không phải là một đứa nào xa lạ, đến phá quấy cuộc đời bình yên của em. Nó – chính là em. Mai và Trí là một, thật dễ hiểu và cũng thật lạ lùng đối với em. Em ngạc nhiên khi thấy nó, và em cũng hoan hỉ nhận nó làm bạn suốt thời gian này. Bởi vì Trí với Mai là một. Em đau khổ biết điều đó, cũng như trước đây em đã thích thú với sự hiện diện của Mai.

Bây giờ em lại cảm thấy sợ thằng Mai thật sự. Em hết thích thú. Em hết mong chờ. Em muốn nó đừng đến với em nữa. Em đã viết thư cho cô Hòa. Nhưng lời lẽ trong thư em chắc là không chỉnh. Cô Hòa có vui lòng tha thứ cho những lỗi của thằng Mai gây ra không? Cô có biết rằng em đã khổ sở vô cùng khi thằng Mai khoe em cây bút vàng, vật yêu dấu mà cô không rời? Em phải chịu đựng nghe nó kể chuyện trêu tức cô, chuyện cô đánh nó... Trời ơi! Đối với cô, lúc này thằng học trò tên Trí là một đứa độc ác, mất dạy. Cô mà nhận được lá thư của em, cô có đọc không? Chắc cô không còn thương em một tí nào nữa. Em khóc khi nghĩ như vậy.

Ngay lúc em vừa khóc, thằng Mai đã đứng bên cạnh em. Nó cười ngạo nghễ hỏi em:

- Trí, sao khóc?

Em quay mặt đi, thổn thức:

- Tôi nghĩ đến cô giáo, tôi khóc. Hỏi làm gì?

- Xì, cái bà già đó mà thương dữ vậy?

- Ừ, kệ tôi. Tôi thương cô giáo tôi, tôi không muốn Mai phá cô giáo tôi. Đứa nào ngu mới chê cười cô giáo, chọc quấy cô cho cô buồn.

- Rồi sao nữa?

Em quay phắt lại, trừng mắt với thằng Mai:

- Rồi sao? Tôi muốn mai đem trả cây bút cho cô giáo. Tôi muốn Mai xin lỗi cô, rồi nghỉ học đi.

- Ha ha! Bà ta chết rồi!


Em há hốc miệng nhìn thằng Mai. Em nghe tai em ù đi. Nó đang chậm rãi kể cho em nghe chuyện gì đã xảy ra chiều hôm qua. Em kinh hoàng bịt tai lại. Nhưng tiếng nói của nó vẫn chui vào tai em. Em nức nghẹn:

- Mai ơi! Mai im đi! Mai đi chỗ khác... Tôi sợ Mai quá! Mai ác quá! Tôi không chơi với Mai nữa.

Thằng Mai rút cây bút vàng ra, gõ gõ lên chân em, nói:

- Nói dễ không! Tôi và Trí là một đứa. Dù mỗi đứa mang một tính khác nhau, tôi vẫn không rời Trí được. Chính Trí đã yêu cầu tôi ở bên cạnh Trí, thay thế Trí làm những việc mà Trí không làm được. Tôi đã làm theo lời Trí rồi mà.

Em nói một cách tuyệt vọng:

- Nhưng bây giờ tôi không muốn có Mai nữa. Tôi muốn Mai đi mất. Tôi đau yếu như thế này, Mai chưa vừa lòng sao?

Mai cười khanh khách:

- Nếu Trí không thích tôi, thì chỉ có một trong hai đứa ta sống. Hoặc tôi, hoặc Trí ở lại căn phòng này. Đứa kia phải chết.

Nghe chữ "chết", em giật mình hoảng kinh. Quá sức tưởng tượng của em rồi! Em, hoặc Mai sẽ chết? Em muốn gọi một ai đó ở bên ngoài. Ba đi làm rồi. Má đi chợ rồi. Chị Trang chưa đến. Cô giáo Hòa chết rồi. Em muốn òa lên khóc. Nhưng không, em không khóc. Khóc sẽ làm em có vẻ yếu đuối trước mặt thằng Mai. Nó sẽ khinh thường em. Không được. Kẻ yếu đuối bạc nhược sẽ thất bại. Lời giảng của cô Hòa sống lại trong em thật mạnh mẽ. Em phải tranh đấu với thằng Mai – với chính em, với một con người ác độc của em.

- Được rồi! Một trong hai đứa ta sống. Nhưng phải có một cuộc so tài. Nếu tôi thua, tôi sẽ chết cho Mai sống. Bằng ngược lại, Mai phải đi khỏi nơi này.

Thằng Mai vẫn giữ nụ cười tinh ranh:

- Ô-kê.

- Tôi cho Mai bày cuộc trước.

- Được. Chúng ta sẽ đánh cờ.

Thằng Mai sắp bàn cờ ra nệm. Nó rành rẽ hơn em, nên chỉ vài phút đầu là nó đã lấn lướt em. Đầu óc em tối đặc lại vì cơn đau. Em phải khó khăn lắm để theo đuổi, ngăn chặn nó. Em đã tự nhủ lòng "mình sẽ không bao giờ ghiền, không bao giờ ghiền" nên em đã không học những nước cờ cao của thằng Mai. Mồ hôi em đổ giọt. Thằng Mai cười đắc chí. Nhưng kìa, sau lưng thằng Mai, cô giáo Hòa hiện ra. Cô đang ra dấu bày cho em phải nắm con cờ nào, đi đường nào. Em làm theo tay cô. Em thoát được ngõ bí. Và em đã thắng thằng Mai.

Em thở phào. Thằng Mai nói:

- Khoan mừng vội. Còn một cuộc so tài nữa, nếu tôi thắng, sẽ bày cuộc lại.

- Bây giờ tới phiên tôi. Mai lấy cho tôi hai tờ giấy, hai cây bút.

Thằng Mai quay lại phía bàn để lấy giấy bút. Nó hơi nao núng khi thấy cô giáo Hòa ở đó. Em bảo:

- Con xin cô cho một đề toán. Mai và con sẽ làm, đứa nào xong trước là thắng cuộc.

Thằng Mai bối rối. Nhưng cô Hòa đang đọc:

- Tìm chu vi một thửa ruộng hình chữ nhật có chiều dài 30 mét, chiều rộng kém chiều dài 5 mét.

Em chép nhanh vào giấy rồi làm nhanh. Em trừ 30 với 5, rồi cộng 30 với 25, đem nhân đôi. Em thốt lên:

- Thưa cô, ra 110 mét.

Trong lúc đó, thằng Mai không viết được một chữ nào trên giấy. Mặt nó xanh nhợt trong khi em nghe mừng rỡ. Cô giáo Hòa xách lấy tai nó và lôi đi. Nó vùng vẫy nhưng không thoát khỏi bàn tay cô. Em ngơ ngẩn nhìn theo. Cô Hòa và thằng Mai tan biến sau tấm màn cửa sổ gió bay...


Kết

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không giải thích được những sự việc đã xảy ra cho Trí. Nhưng tôi không còn dám cho đó là chuyện đùa. Chính Trí đã kể cho tôi nghe khi tôi đến thay cho cậu bé lớp băng mới trên vết thương đã gần lành lặn. Lời thuật của Trí phù hợp với những điều xảy ra cho chị Hòa. Cậu bé bảo rằng chỉ có tôi là người đầu tiên, cuối cùng và duy nhất để cậu bé thố lộ. Lần đầu tiên trong đời y nghiệp của tôi, tôi được nghe một chuyện lạ. Tôi vốn ít tin chuyện huyền hoặc. Bằng cớ là sau đó tôi đã đến trường Việt Ấu để hỏi thăm về cậu bé tên Trí. Ông Hiệu Trưởng bảo rằng Trí vẫn đi học đều đặn nhưng sau ngày cô giáo Hòa nghỉ dạy thì Trí cũng nghỉ học luôn. Thế là không ngờ vực gì nữa. Chuyện của chị Hòa là thật. Chuyện của bé Trí kể là thật. Tôi phải tin, dù là tin với một tấm lòng thắc mắc.

Cậu bé bệnh nhân dễ mến đã khóc khi nhắc đến cô giáo. Trí bảo rằng nó sẽ không học trường Việt Ấu nữa, mà sẽ xin ba má cho đến một trường khác. Tôi nghĩ nếu vậy cũng hay, vì Trí đã không muốn cho ai biết chuyện kỳ quái của mình, thì sự hiện diện của Trí ở lớp cũ sẽ gây nên nhiều thắc mắc cho thầy, cho bạn. Tôi không biết làm gì hơn là an ủi Trí thật nhiều và hứa sẽ là người bạn thân của Trí.

Câu chuyện về hai cậu bé Trí – Mai, hai mà một đó, tôi định giữ kín đến trọn đời. Nhưng bỗng hôm nay tôi lại muốn viết để cho các em tôi đọc. Các em tôi mê nghe và mê đọc truyện ma cũng như tôi mê nghề thuốc. Nhưng tôi không muốn các em tôi bị chìm ngập trong rừng sách ma quái đầy đặc ngoài vỉa hè đường phố. Tôi có một ý tưởng nhỏ mọn là "Lấy độc trị độc". Đúng hơn, tôi muốn biến truyện ma – câu chuyện mà tôi kể ra đây– thành một viên thuốc bổ. Các em tôi sẽ cười khi nghe ý kiến này? Không, tôi sẽ phải giải thích với các em rằng hãy nghe câu chuyện bé Trí như nghe một "chuyện ma" thông thường, đừng tin là có thật. Nhưng phải nhớ một điểm chính yếu rằng : cậu bé Trí, có hai con người : một Trí ngoan ngoãn, hiền lành, nhân ái – và một Trí tinh quái, biếng lười, ác độc. Vì cả hai con người ấy đều mạnh mẽ nên đã tách làm hai. Bé Trí đã phải tranh đấu trong cơn đau yếu để cho con người "thiện" thắng con người "ác". Như thế là bé Trí đã thành công. Tôi tin rằng từ nay Trí sẽ học giỏi, tấn tới và nên người, vì không còn sợ bị phá phách bởi con người xấu xa kia.

Nhưng còn các em tôi, còn tôi, cũng như bao nhiêu người, phải nói rằng chúng ta không may mắn như bé Trí. Bởi vì mỗi chúng ta cũng có hai con người – một tốt đẹp và một xấu xa, nhưng hai con người đó không tách rời nhau như Trí và Mai. Mà chúng hiện diện cùng lúc trong tâm hồn ta, trong thể xác ta. Có khi con – người – tốt mạnh mẽ hơn, giúp ta làm những việc ích lợi, nhân ái. Nhưng cũng có khi con – người – xấu nổi dậy mãnh liệt hơn, sẽ thúc đẩy ta đến bao điều tệ hại. Sẽ không có một sống, một chết như Trí và Mai. Mà tôi, mà các em, phải tự tranh đấu trong chính tư tưởng, trong chính tâm hồn mình, sao cho con người thiện đè ép bản năng thấp kém của mình đi. Đó là điều khó, nhưng không phải là không làm được. Các em tôi sẽ hiểu ý tôi khi tôi kể chuyện này – tạm gọi là một "chuyện ma" – Nhé các em, hãy bắt chước bé Trí. và hãy hiểu chị. Chị Trang.

Tân Định Saigon, 6-10-1973 
NGUYỄN THỊ MỸ THANH

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét