Chương 4
Tôi đã thật sự trở thành một người lính tự bao giờ tôi cũng chẳng cần hay biết. Cuộc đời đã vẽ cho tôi nhiều khúc rẽ. Và khúc rẽ quan trọng nhất là con đường mà tôi đang đi. Không hiểu trong suốt kiếp sống còn lại sẽ có bao nhiêu đổi thay quan trọng nửa đến với tôi ? Tôi vẫn miệt mài và khắc khoải trong niềm ưu tư sâu đậm đó. Lát nữa đây, trở lại con đường mà tôi đã bỏ gần năm trời nay, không hiểu tôi sẽ thấy gì. Những kỷ miệm xa xưa lần mò tìm về hay chỉ là một sự trống rỗng ? Nỗi xót xa của đổi thay ?
Tôi muốn tìm cho mình một đối tượng tuyệt vời để có thể sống ít nhất trong lúc này. Nhưng bây giờ trong tôi không còn gì cả. Tôi thấy mình bệ rạc, trác táng và tấm thân điêu tàn này tôi vẫn cưu mang như một món nợ đời chưa thể trả. Giây phút này tôi thật sự muốn tìm về những kỷ niệm xa xưa. Có thể là ôn lại cuộc tình đã gẫy đổ. Tôi muốn gọi ‘‘Diễm ơi’’ đằm thấm như ngày nào.
Tôi muốn sống lại với Diễm dù chỉ một ngày để tôi thấy ít ra trong suốt cuộc đời còn lại cũng đã có lần tôi được trở về nguyên thủy của những tháng năm mơ mộng nhất một đời người.
Diễm ! Không ! Diễm xưa thì đúng hơn. Bởi vì Diễm đã vuột khỏi tầm tay tôi. Bởi vì Diễm đối với tôi chỉ còn là kỷ niệm. Một kỷ niệm buồn nhưng đẹp. Tôi muốn quên đi nhưng thỉnh thoảng hình ảnh Diễm đến với tôi thật nồng nàn. Và sau những lần ngồi nhìn lại dĩ vãng, một chút xót xa nuối tiếc vẫn dâng lên trong tôi. Như một giấc mơ! Tôi nghĩ vậy. Không đầy một năm mà cuộc tình của tôi dãy chết. Tôi không trách Diễm mà tôi cũng chẳng oán hờn ai cả. Tôi chỉ buồn cho thân phận của mình thế thôi.
Tôi còn nhớ như in trong óc... Một buổi chiều trời mưa tầm tã, tôi ngồi thu mình trong căn hầm ẩm ướt viết thư cho Diễm. Lá thư còn đang viết dở thì người bưu tín viên đem vào cho tôi tấm thiệp cưới. Tôi không thể đoán được người báo tin vui là ai nên vội vàng xé phong bì ra xem. Hàng chữ nhảy múa trước mắt tôi, tôi không còn thấy gì cả, tấm thiệp rơi nhẹ nhàng xuống đất sau khi tôi đọc kịp ba chữ ‘‘Hoàng Thúy Diễm’’. Thế là hết. Những điều tôi nghĩ đã thành sự thật. Một sự thật phũ phàng mà tôi đã đón chờ nó từ ngày chấp nhận nhập cuộc. Thế nhưng tôi vẫn giật mình sửng sốt bởi vì tôi không ngờ nó đến với tôi sớm quá, đột ngột quá.
Tôi buông tiếng thở dài sau khi thốt được một tiếng «đời » ngắn ngủi. Chiếc xe rẽ về đường Thống Nhất và dừng lại trước Thảo cầm viên. Tôi xuống xe, dặn người tài xế:
- Anh đem xe lại quán đằng kia ngồi chờ tôi.
- Vâng!
Người tài xế đáp xong, cho xe chạy. Tôi bắt đầu thả bộ hướng về trường Trưng Vương ‘‘khung trời dấu ái’’.
Tôi đi suốt con đường không còn tia nắng mặc dù trời đang lập Hạ. Tôi muốn ngủ vùi trong không khí bình lặng của một ngày tự do. Tôi muốn chết đi một giờ để sau khi sống lại, tôi sẽ tìm được một cái gì khang khác vừa hiện diện trong tôi. Tôi nhặt những chiếc lá me rớt rụng ấp ủ trong lòng bàn tay biểu lộ lòng thương của loài người. Tôi chợt nghĩ đến thân phận mình cũng đang được ấp ủ và vỗ về bằng bom đạn và khói lửa ngút ngàn. Tôi thả những chiếc lá me vung vãi xuống mặt đường như tôi đã từng vứt đi tuổi xanh ngà ngọc
Bởi một thoáng ưu tư nào đó tôi thấy mình trong đóm lửa hắt hiu của đầu điếu thuốc. Tôi chìm đắm trong cái nóng rát bỏng của mặt trời. Tôi ước xác thân mình được nung chảy trong đó để tôi không còn là tôi mà tôi vừa được thoát thai từ một kiếp nào. Tôi ngồi xuống bên đám cỏ xanh tươi để tìm lại một chút thanh thản trong tâm hồn.
Tôi làm tất cả những gì tôi muốn để tôi thấy rằng tôi đang được tự do. Tôi vừa bắt gặp một tia nắng thật hỗn đang cố tình len lỏi trong tàn lá xanh um rớt xuống đỉnh đầu tôi. Tôi dừng lại vì bị cuộn concertina chắn bước.
Tôi đếm từng bước chân thật nặng nề gõ đều trên mặt con đường quen thuộc. Con đường Nguyễn Bình Khiêm, ngôi trường Võ trường Toản thân yêu, ngôi trường Trưng Vương tình tứ... Khung trời đang nhiều kỷ niệm nhất trong đời mà đến chết tôi cũng không thể quên. Theo tháng năm mòn mỏi, tôi nhận được sự đổi thay trong nó. Nó không còn cái nét hiền hòa ngày xưa tuổi dại mà đã được khoác vào một bộ mặt thật dữ dằn. Cái bộ mặt mà những người yêu chuộng tự do ghét bỏ.
Có thể tôi đang chán chường về sự đổi thay đó, có nghĩa là tình thương trong tôi đã giảm không còn như thuở mà tuổi hai mươi chưa biết ngủ vùi trong một cơn mê dài không dứt. Tôi muốn bay lên ngồi trên một cụm mây nào đó để thấy rằng tôi không lệ thuộc vào ai. Trên đó hẳn tôi sẽ tự do vùng vẫy vì thế giới này là của riêng tôi cùng những người không thích gây thù gieo oán.
Tôi muốn ngự trên vùng trời bao la để có một dịp nào tôi hát theo tiếng gió nhè nhẹ đưa. Tôi gào lên trong tiếng gầm của sấm sét để nói cho mọi người biết rằng tôi yêu tự do, tự do bình thường của một con người.
Tôi quay trở lại và tiếp tục bước. Mọi người nhìn tôi như một con quái vật. Không hiểu tại sao ? Có lẽ tại bộ mặt của tôi không hợp với bộ quần áo pha màu đất mà tôi đang khoác trên mình. Tôi vẫn đi trong rừng người xa lạ đó và tôi thấy mình khác xa họ. Tôi hát một câu nào đó trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn mà tôi không nhớ. ‘’ Hỡi ơi! Thân phận làm người’’...
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Hạ sĩ Hùng - người tài xế - anh ta hỏi tôi:
- Mình đi chưa Thiếu úy?
Tôi kẹp một điếu thuốc lên môi:
- Anh uống xong chưa ?
Hùng đáp:
- Dạ rồi.
Tôi gọi chủ quán tính tiền rồi quay sang nói với Hùng:
- Mình về ngang Duy Tân một chút rồi đến Thiếu úy Dương.
- Dạ, khúc nào Thiếu úy?
- Công trường Chiến Sĩ.
Cả hai chúng tôi cùng đứng dậy. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi quay nhìn khung cảnh nơi đây lần cuối, vẫy tay chào. Tôi thấy hình ảnh Diễm nhảy múa rộn ràng trong rừng lá me bay lả chả.
‘‘Trả lại em yêu, khung trời Đại học, con đường Duy Tân...’’ vùng trời kỷ niệm thứ hai của tôi. Tôi lặng người trong giây lát. Những hình ảnh xa xưa lại có dịp lần mò về. Ôi! Sao mà đẹp dịu dàng tuyệt vời quá. Còn đâu chàng sinh viên Nguyên ngày xưa nữa nhỉ !? Mất rồi. Mất tất cả rồi. Tháng, ngày thần tiên đó chỉ ở bên ta, đến với ta một lần. Tôi muốn trở lại cương vị của tôi ngày trước. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ hão huyền.
Tôi không còn can đảm ngồi ôn lại dĩ vãng đời mình. Bây giờ có hối tiếc lắm cũng chẳng vớt vát được một ân huệ nào. Tôi đã tự trách mình quá ngu xuẩn làm lạc hướng đời tôi. Ngày xưa!... Cái ngày xưa thật gần gũi nhưng cũng thật xa vời đó, nếu tôi có ý thức được con đường mình đang đi thì bây giờ tôi không phải là Thiếu úy Nguyên mà là chàng sinh viên Cử nhân Luật khoa năm thứ hai rồi. Chỉ một chút nông nổi. Chỉ một giây buông thả... tôi không còn gì ! Tôi trở về với muôn ngàn xót xa nuối tiếc...
Chiếc xe rẽ về đường Hai bà Trưng, hướng về Phú Nhuận ngoại ô thành phố. Khoảng mười lăm phút sau đến nhà Dương. Xe vừa ngừng ở cửa, tôi thấy hắn từ trong nhà chạy ra. Dương hét lên một tiếng thật to:
- Nguyên!
Cả hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi. Giá là con gái có lẽ chúng tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói :
- Linh tính báo cho tao biết là mày có ở nhà.
Nét mặt Dương hân hoan:
- May quá!... Mày về lâu chưa?
Tôi theo Dương bước vào phòng khách:
- Mới về sáng nay. Tao đi thăm ‘‘khung trời kỷ niệm’’
Dương trách :
- Thằng đểu ! Sao không rủ tao đi với ?
- Tiện đường về tao ghé ngang chứ đâu có chủ đích đi.
- À, em Diễm sao?
Một thoáng buồn len nhẹ trong tôi:
- Lấy chồng rồi!
Dương kinh ngạc:
- Hả! Không đùa chứ?
Tôi gật đầu:
- Thật!
Dương hỏi:
- Lý do?
- Không rõ.
- Tao thành thật chia buồn với mày.
- Cám ơn, chẳng hề gì. Đời mà mày ! Tao đã từng nói với mày chuyện sẽ xảy ra như vậy từ ngày mình lên đường nhập cuộc cơ mà!
- Tao không ngờ!
- Còn em Vy của mày làm sao?
- Cũng chẳng hơn gì mày. Thằng sinh viên Y Khoa bảnh hơn tao là cái chắc.
- Lại đến lượt tao chia buồn với mày.
Chúng tôi nhìn nhau... phá lên cười sặc sụa. Tôi biết đó chỉ là giọng cười điên cuồng, bất mãn. Cười để quên đời. Quên thế thái nhân tình chứ không phải nụ cười sung sướng.
Nép sống quân ngũ đã uốn nắn chúng tôi thành những con người biết kiên nhẫn, chịu đựng và thật lạnh lùng, bình tĩnh trước mọi sự việc xảy ra. Nếp sống quân ngũ đã biến chúng tôi thành những con người can đảm phi thường. Nếp sống quân ngũ là một hấp lực lôi cuốn chúng tôi.
Thật vậy ! Có thể nói hiện tại, chúng tôi yêu binh chủng và màu áo của chúng tôi vô cùng. Cuộc sống khổ ải và cam go thật đấy nhưng bên trong nó là một hạnh phúc hiếm có trên trần đời. Từ những kẻ hoàn toàn xa lạ khắp bốn phương trời, chúng tôi quây quần bên nhau dưới bóng đại gia đình quân đội. Đơn vị là một gia đình thứ hai của chúng tôi. Chúng tôi gần gũi và yêu thương nhau chân thành. Tình thương của một chiến binh dành cho một chiến binh thật khó mà diễn tả và đo lường được.
Nhiều lúc rời xa đơn vị, tôi cảm thấy nhớ những khuôn mặt của các chiến hữu và nhớ nếp sống quen thuộc của mình. Có lẽ tại những sự kiện này mà đôi lúc tôi nghĩ tôi yêu cuộc sống hào hùng, bấp bênh của một người lính chiến.
Ngược về dĩ vãng, thuở mới chấp nhận bắt tay nhập cuộc, tôi bở ngỡ, xa lạ, sợ sệt và không mấy thích cuộc sống khắt khe, đầy khổ ải này. Nhưng bây giờ, càng trưởng thành trong quân đội, tôi càng yêu màu áo của mình hơn. Tôi có cảm tưởng, mình đã trưởng thành từ lúc đặt chân vào Quang Trung rồi qua giai đoạn thứ hai ở trường Thủ Đức!… Nghĩ đến kỷ niệm xưa, tôi lại nhớ một hình phạt thật oan ức mà một vị huynh trưởng áp dụng cho tôi. Thời gian đó hình như là tuần lễ đầu của giai đoạn huấn nhục thì phải. Hôm ấy, tôi, Dương, Dũng, Bằng đang đứng nói chuyện với nhau dưới gốc cây bã đậu. Một huynh trưởng đi ngang, có lẽ anh ta đang buồn, chắc không có trò gì để tiêu khiển nên vị huynh trưởng đó bắt chúng tôi ra trình diện. Thật là phi lý. Thật là ngang ngược. Đó là một trong những cái uất ức phải cắn răng chịu đựng.
Sau phần trình diện, huynh trưởng hỏi chúng tôi :
- Các anh có người yêu chưa ?
- Có rồi !
- À, vô đây các anh còn mơ mộng nghĩ đến người yêu phải không ? Làm hai mươi cái «hít đất » anh.
Không có quyền cãi ! Chúng tôi phải thi hành lệnh phạt. Hít đất xong, huynh trưởng hỏi lại :
- Các anh có người yêu chưa ?
- Dạ chưa !
- Các anh nói láo. Dám qua mặt huynh trưởng hả ? Làm hai mươi cái ‘‘nhảy xổm’’ anh.
Lại nhẩy xổm. Không còn gỉ để bực tức hơn. Nhưng truyền thống của trường là như vậy. Chúng tôi chỉ là những kẻ được hấp thụ kỹ lưỡng để nhớ nằm lòng và truyền lại cho đàn em.
Bây giờ, tất cả những bực tức, nhục nhằn, khổ ải trong trường Bộ Binh Thủ Đức là những kỷ niệm đẹp không bao giờ chết trong chúng tôi. Tôi nhìn Dương nói đùa :
- Anh có người yêu chưa ?
Dương bật cười :
- Mau thật mày nhỉ ! Mới ngày nào ! Mày có nhận được thư từ của con nhà Dũng với con nhà Bằng không ?
Tôi lắc đầu :
- Không !
Dương tiếp :
- Chắc nó còn để thì giờ viết thư cho em.
- Mong rằng vậy ? Hy vọng tụi nó không đến nỗi đen như mình.
Dương yên lặng. Tôi hỏi :
- Mày gặp em Vy lần cuối vào lúc nào ?
Dương nhíu mày :
- Hồi đầu năm ! Tao về phép ghé thăm em, em ruột của em nói cho tao biết em đi chơi với ‘‘kép độc’’ rồi. Hắn là sinh viên Y Khoa năm thứ hai.
Tôi chặc lưỡi :
- Đau thật ! Phản ứng của mày ra sao ?
- Nhún vai, quay lưng, buồn năm phút !
Tôi đùa :
- Có năm phút thôi à !?
Dương mỉm cười :
- Ấy là nói vậy chứ cũng thấm thía và buồn hơi dai.
- Bây giờ quên chưa ?
- Không quên cũng phải quên ! …Còn mầy ?
- Quên rồi ! Thỉnh thoảng nhớ lại để hưởng tí ti ‘‘thú đau thương’’ thôi.
- Thôi dẹp chuyện đó qua một bên. Bây giờ xoay về chuyện tụi mình ? Chỗ mày khá không ?
- Tàm tạm ! Tương đối ‘‘thọ’’
- Tao cũng vậy ! Chỉ một lần suýt chết vì chiến dịch ‘‘Nguyễn Trãi’’.
- An phận. Không ngờ mình lại trở thành cán bộ ‘‘chiến tranh chính trị’’ mày nhỉ ?
- Ừ ! Con nhà Bằng coi vậy mà sướng nhất. Hắn làm "phòng" chứ đâu phải "lội " như mình.
Ngày "xuống núi" chúng tôi vẫn gọi ngày ra trường là "xuống núi' chúng tôi được đưa đi học thêm một khóa căn bản chiến tranh chính trị sau ba tháng học tập, mỗi thằng một ngả và hôm nay là ngày đầu tiên tôi với Dương chạm mặt. Đời quân ngũ không cho phép chúng tôi có mặt thường xuyên ở Sài Gòn. Những lần gặp mặt chỉ là sự tình cờ chứ không bao giờ hẹn trước được. Bởi thế chúng tôi ao ước có một lần trùng phùng cả bốn đứa. Nhưng niềm mơ ước thật mong manh và có lẽ không bao giờ chúng tôi được toại nguyện.
Đời lính đã ngăn cách bốn đứa chúng tôi. Biết đến bao giờ mới được hưởng lại những buổi đi chơi vui vẻ, những kỷ niệm êm đềm nhất của bốn đứa ngày xưa.
Dương đập nhẹ vào tay tôi:
- Ở lại ăn cơm với tao nghe.
Tôi đáp
- Không được. Phải về trình diện ông bà cụ cái đã. Chiều tao đến mày.
- Chắc nhé?
- Chắc!
Tôi đứng dậy bắt tay Dương; cái xiết taythật đượm đà, gắn bó như tình bạn của chúng tôi.
Tôi trở về căn nhà thân yêu mà tôi đã sống ở đó từ thuở chưa biết gì cho đến ngày khôn lớn. Vẫn không có gì thay đổi. Tôi yêu nét hiền hòa không thay đổi của nó.
Buổi sáng không còn ai. Các em tôi đi học chưa về. Không khí vắng vẻ làm tăng thêm nỗi buồn hiện hữu trong tôi. Tôi bước vào thế giới của riêng tôi để tìm lại một chút thanh bình cho tư tưởng. Căn phòng nhỏ hẹp này, thế giới tù túng này tôi đã sống và dưỡng nuôi mình trong đó. Bây giờ thì thật yên tĩnh, tôi không còn khó chịu vì tiếng ầm ầm của những chiếc GMC xuồng xã. Tôi không còn xót xa với những tia mắt nhìn xoi mói của mọi người.
Nơi này chỉ có tôi với chiếc bàn cũ kỹ và chiếc giường ọp ẹp. Tôi khép chặt cửa. Tôi không muốn bất cứ người nào bước vào thế giới của tôi. Thế giới mà tôi lìa xa nó hơn một năm trời kể từ ngày nhập cuộc.
Thật tình cờ tôi vớ được quyển giai phẩm Xuân "Đôi Mươi ", kỷ niệm của những năm về trước. Tôi ôm nó thật chặt như sợ đánh mất một vật vô giá mà suốt đời tôi không tìm lại được. Dĩ vãng lại hiện về trong tôi. Tôi giở từng trang và ngủ vùi trong đó. Tiếng gõ cửa của một cơn gió làm tôi bực mình. Tôi uể oải đứng dậy, tiến lại gần cửa sổ nhìn xuống đường.
Ngày mai tôi trở về đơn vị tiếp tục sống nốt chuỗi ngày còn lại của tuổi hai mươi. Hai mươi bốn giờ phép thật ngắn ngủi đã không giúp tôi tìm lại được một tia sống nào trong đời? Tôi thất vọng và bây giờ, tôi thấy ước mơ của mình thật bình thường nhưng không bao giờ đạt được. Tôi chán nản khi nhận thấy mình quá yếu hèn, gần như nô lệ trước cuộc đời.
Tôi buông tiếng thở dài, quay lưng bước xuống nhà dưới. Ánh mắt tôi dừng lại ở một khung ảnh bán thân nho nhỏ của Diễm đặt trên bàn học. Diễm của tôi đó. Nhưng năm ngoái kìa. Chứ bây giờ thì Diễm đã thuộc về người khác rồi. Có phải giờ này Diễm đang đắm chìm trong bể hạnh phúc? Diễm có biết rằng tôi đã trở lại con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thân yêu để tìm hình ảnh Diễm với những kỷ niệm êm đềm xa xưa không? Diễm có biết rằng tôi đang nghĩ về Diễm và nhớ Diễm không? Chắc là không! Tôi đóng mạnh cửa và đếm từng bước nặng nề gõ đều trên mặt nấc thang ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét