Chương 05 (hết)
Điểm sáng nơi đầu điếu thuốc lịm dần. Không gian xung quanh tôi tối om. Tôi bật ngọn đèn lên. chợt thấy trên bàn có một phong thư. Nét chữ quen thuộc nhưng đã hồ quên lâu ngày. Nét chữ của Thăng. Thư đã về đến đây, có nghĩa là Thăng còn sống. Tôi cười một mình. Sự sống mỏng manh đến thế. Hy vọng và tin yêu cũng mỏng manh như thế. Có nghĩa là cuộc đời này, cũng nhỏ nhoi và tội nghiệp như mẩu thuốc lá đang bị đè bẹp dưới chân. Thăng đã đi đến nơi nào rồi? Thằng bạn thân mến bây chừ ốm, mập ra sao? Khi viết bức thư này, Thăng còn sống. Nhưng lúc tôi đọc thư, biết đâu nó đã xuôi tay? Hay có khi nó đang bị như tôi, không chừng. Lá thư – như thế – có thể là một lá thư bình thường, có thể là một di vật, hoặc là một dấu chấm phẩy giữa đời một người. Tôi lặng lẽ mở phong bì ra.
“Chu Pao, ngày…
Nghiêm,
Sáng nay, ngồi dậy, đầu vẫn còn choáng váng, thấy có mảnh giấy trên bàn, tao viết cho mày và để cho mày biết rằng “tao vẫn còn sống đây, còn sống sót để trở về với mọi người”. Nghĩ như thế để thấy mình sung sướng và để đau khổ với chính mình.
Chiều hôm qua đơn vị tao đụng trận và “hao” mất mấy “con”, trong số đó có thằng bạn mà tao thật thương. Nó giống mày ghê đi Nghiêm ạ! Nó cũng có mái tóc nghệ sĩ giống mày mỗi khi đi hành quân lâu ngày về chưa kịp húi. Nó cũng có tia nhìn tha thứ và dáng người lanh lẹ giống mày. Thấy nó nằm chết cong queo tao tưởng như mày nằm đó. Tao thương nó quá, nhưng khóc không nổi. Tao trút căm giận vào tụi kia…
Bây giờ ngồi đây, thấy nhớ mày ghê gớm, Nghiêm ạ! Ở đây nào còn ai? Chỉ có lính mới. Bạn bè cũ đi hết rồi. Mày bây giờ về lại Sài Gòn, có gì lạ không? Cái chân của mày bây giờ ra sao? Tao không tưởng tượng nổi, chỉ nhớ hôm mày bị thương, cái chân mày lủng lẳng thấy sợ. Hết hy vọng cho nó liền lại. Mày bị cưa chân, tao biết chắc chắn như vậy. Trực thăng chở mày đi rồi, lúc đó tao mới khóc, khóc như con nít. Nghiêm ơi! Có ai biết bọn mình, những thằng lính cứng cỏi vô cùng, lại chính là những kẻ giàu tình cảm nhất thế gian? Từ thuở sống với nhau dưới một mái trường, đến lúc chiến đấu bên nhau, cho đến lúc mày về rồi, tao vẫn chưa thấy thương ai bằng mày. Tao không nghĩ rằng trở về như mày là sung sướng. Mà tao nghĩ, giá cứ làm lính sống trên rừng như tao còn sướng hơn, đỡ phải lo lắng này nọ. Biết đâu mày về sống đời dân sự lại khổ tâm hơn tao… Tao tin rằng tao nghĩ không lầm bởi tao đã thấy quá rõ những lúc về thành phố, người ta nhìn những người phế binh như những người khốn khổ đáng thương hại, mà không nghĩ rằng đó là những người đáng kiêu hãnh nhất.
Tao nói hơi lan man Nghiêm nhỉ! Tao vẫn có cái tật đó, hễ viết thư là viết dài nhằng, nếu mày không bực mình thì cứ đọc tiếp. Còn mày, mày thì tệ hơn, từ lúc về Sài Gòn sao chẳng viết cho tao cái thư nào? Tao chẳng biết mày bây giờ ra sao nữa. Cái kiểu viết thư như tao với mày, cả năm mới có một cái thư, thì dám “xanh cỏ hay đỏ ngực” cũng không ai biết ai thế nào.
Thôi, kể nhiều quá cũng không hết đâu Nghiêm. Mày cũng đã đi nhiều, đã sống nhiều, có biết thêm thì cũng chỉ như một hạt muối tan vào biển. Để cho mày yên với cuộc sống mới. Có một hình ảnh đập vào mắt tao hôm trước khi xảy ra cuộc đụng độ, mà tao thấy cần phải kể cho mày nghe. Tao gặp một người lính, mất một chân, lang thang trên quốc lộ. Gia đình anh ở tại đây. Chiều chiều anh chống nạng đi lượm những mảnh nhôm, đồng, về bán nuôi vợ con. Thế thôi! Nghiêm! Hiểu tao không? Mỗi chiếc nạng có một ý nghĩa riêng của nó. Chống chọi cho người, thay thế chân đời, thay thế cho cả đôi tay. Nhiều hình ảnh đã làm tao nhớ đến mày thật nhiều.
Có gặp các thầy nói cho tao gửi lời kính thăm. Bảo rằng thằng học trò tên Thăng vẫn còn làm lính ở rừng, nhưng không bao giờ quên được lớp học ngày xưa đầy thân ái. Sài Gòn – Chu Pao, gần mà xa ghê Nghiêm nhỉ! Ở đây chỉ có cảnh buồn, và người buồn. Hết giấy, tao dừng nha Nghiêm!...”
Tôi nói một mình, tưởng chừng như đang có Thăng trước mặt:
- Thằng khỉ! Viết thư không có đầu đuôi, rồi chấm dứt một cách đột ngột.
Tôi nhớ thuở bọn tôi chung học, lớp Mười một còn được gọi là lớp Đệ nhị, Thăng là đứa nổi tiếng làm luận độc đáo nhất lớp. Kỳ nào phát trả bài luận văn ra hắn cũng được thầy Khuê gọi lên đọc bài của hắn cho cả lớp nghe. Không phải vì văn hay, chữ giỏi, mà vì hắn có biệt tài tả lan man, quanh quẹo rồi… chấm dứt một cách bất ngờ. Cả lớp nghe, cười bò lăn. Lúc nào Thăng cũng được thầy phê vào bài luận: “Văn lủng củng nhưng đáng yêu”. Văn lủng củng nhưng đáng yêu, chỉ có thầy Khuê mới nghĩ ra cách phê bình ngộ nghĩnh đó, và chỉ có Thăng mới xứng đáng được phê như vậy.
Nụ cười vô tư thoáng qua trên môi tôi trong vài giây rồi tắt ngay. Tôi trở về với thứ hiện tại náo động đầy phiền muộn, thứ đời sống mà tôi đã quyết tham dự vào từ mấy tháng nay. Tôi là ai? Một người thương phế binh. Quá khứ đã lắm gian nan mà hiện tại thì đầy niềm thất vọng. Tôi đã cố gắng chống chọi mà chẳng tìm thấy gì toại ý ngoài sự chán nản tột cùng. Thăng nói đúng, mỗi chiếc nạng có một ý nghĩa riêng của nó. Chiếc nạng giúp người phế binh kia đi lượm mảnh nhôm, đồng về bán, nuôi vợ con. Chiếc nạng của tôi giúp tôi đi lượm lặt kỷ niệm ở mái trường xưa, giúp tôi bước tới trên con đường đã gián đoạn.
Nhưng tôi hoài công, chiếc nạng cuối cùng giúp tôi đánh vào bộ mặt bỉ ổi của lão “Tố Nữ”, một việc làm mà chính tôi cũng không ngờ. Cái đánh đó cũng gián tiếp quật vào lương tâm của ông Giám học thiếu căn bản, và cũng là một dấu chấm cho đời học sinh của tôi. Tôi đã chấm dứt rồi.
Tôi đã quyết định rời bỏ mái trường. Không còn gì kêu gọi tôi được nữa. Lần này xa trường tôi nghe xót xa hơn cả ngày tôi đi lính. Vì ngày trước tôi vẫn còn hy vọng sau khi xong nhiệm vụ, tôi còn có cơ hội trở về tiếp tục học. Nhưng lần xa cách này là vĩnh viễn, bởi lòng tôi đã muốn thế. Không trở lại nữa, bất cứ một ngôi trường nào. Vì hết cả niềm tin, nguyên liệu quý giá giúp con người vui sống. Tôi không tin tưởng vào một ai, vào một điều gì nữa.
Tôi bỗng muốn thời gian ngừng lại, trở ngược về những quá khứ huy hoàng. Tôi muốn được sống ở thời Lê Thánh Tôn, hoặc làm một thần dân của Quang Trung. Tôi muốn tất cả thanh niên thiếu nữ biến thành kẻ mang tinh thần Nguyễn Thái Học, Cô Giang. Tôi muốn tất cả sách báo là Đông Dương tạp chí, tất cả trường học là Đông Kinh nghĩa thục. Thế thôi! Rạng rỡ nhất, vinh thăng nhất là đó.
Hai ngày rồi tôi ở nhà không đến trường. Tôi nhớ thắc thỏm nhưng tôi thản nhiên ngoài nét mặt. Ba mẹ tôi tin rằng đã đến lúc tôi không cảm thấy vui thích để học nữa, nên không thắc mắc nhiều. Hai người không biết rằng tôi đã tranh đấu với chính tôi để đi đến một quyết định. Tôi sẽ không gặp ai nữa, từ người thương đến kẻ ghét. Nhưng tôi lại gặp họ ở trong trí nhớ. Đồng, Thi, Phát, Đĩnh, lão “Tố Nữ”, thầy Trần, thầy Chung, ông Giám học, thầy Hiệu trưởng… Tất cả quay cuồng trong tâm trí tôi, lại bắt tôi suy nghĩ. Tôi như kẻ bị bắt buộc làm chứng nhân cho quá nhiều vở kịch, bây giờ đã mệt mỏi thật sự.
Bỗng dưng tôi nghĩ đến chuyện về quê. Tại sao lại phải sống ở đây nhỉ? Tôi đã dâng một phần thân thể của tôi cho đất nước, tôi đã đem tất cả thiện chí của tôi tặng cho mái trường. Đến nay tôi có thể không bận lòng nữa chăng? Ba mẹ tôi cũng đủ sức lo cho các em tôi. Tôi sẽ xin về quê một thời gian, hoặc ở luôn ở dưới đó không chừng.
Tôi sẽ sống ở đó, làm một kẻ hoài niệm những ngày thơ ấu ly loạn, những ngày học hành vô tư, những lúc làm lính gian khổ và khoảng thời gian làm người phế binh trở lại trường lớp cũ. Tôi sẽ sống như Nguyễn-Khuyến-buổi-hoàng-hôn, đem tình yêu nước tuyệt vọng về ruộng đồng. Thế là xong, sống cho hết một đời và làm cho trọn một người.
***
- Như vậy, con đi có một mình?
- Thì mẹ coi, ba mẹ bận làm lụng. Nghi và lũ nhỏ đi học. Con không đi một mình thì đi với ai? - Tôi cười - Mẹ coi con là con nít sao?
- Không, nhưng… con như vậy… đi một mình làm sao mẹ yên tâm?
Tôi kêu lên:
- Trời ơi! Mẹ làm cho con tưởng mình mới biết đi vậy. Con đâu có thua ai!
Hai mẹ con cùng cười. Tôi nói, như chỉ để mình nghe:
- Mẹ không biết chứ chiếc nạng này giúp con nhiều việc lắm. Bây giờ chỉ có việc leo lên xe đò mà mẹ cũng ái ngại. Con không thích sống ở đây nữa, đời sống rộn ràng quá!
Mẹ tôi sắp thêm mấy cái áo sơ-mi vào chiếc va-li cho tôi, miệng nói:
- Mẹ cũng muốn con về quê sống cho thoải mái. Ở dưới đó, con về nhà ngoại rộng rãi yên tĩnh. Con đã nghỉ học rồi, đâu cần phải lo nghĩ gì nữa.
- Vâng.
Tôi không biết nói gì thêm, lặng yên nhìn công việc của mẹ. Ở nhà hàng xóm có tiếng chửi rủa nhau inh ỏi, rồi có tiếng radio vọng lại. Tôi thở ra… Những bản nhạc sướt mướt nghe não cả lòng. Thôi, đàng nào tôi cũng sắp rời khỏi Sài Gòn rồi. Sắp được quên, được không thấy, không nghe. Giã từ hết, những hình ảnh nặng nề, những âm thanh xô bồ ở đây. Còn ráng chịu đựng nghe những đĩa hát cải lương mở chát chúa trên xe đò, những bài cải lương mị lính, mị học trò, ca ngợi “các anh chiến sĩ” một cách trơ trẽn và ru ngủ các cô cậu học trò trong tháp ngà mơ mộng. Gắng chịu đựng cho đến hết ba tiếng đồng hồ. Rồi thì sẽ đến bờ Tiền Giang thân mến của tôi. Thế là thoát. Sẽ đứng trên bến bắc nghe sóng nước êm đềm gọi về nhà. Sẽ đi chiếc xe lam về xóm cũ. Đi ở ngoài đường và réo ngoại thật to. Sẽ ôm ngoại mà khóc, nghe ngoại tỉ tê: “ Thằng Nghiêm, bây giờ như vậy đó sao con?”. Sẽ sống ở quê nhà làm một kẻ vô vi. Tôi sẽ sống như một cụ già, như một đứa bé…
Ở ngoài cửa có người lên tiếng gọi. Mẹ tôi bỏ dở đống quần áo, chạy ra nhìn, rồi người gọi tôi:
- Nghiêm ơi! Ra đây!
Tôi ngạc nhiên chống nạng bước ra, rồi đứng sững, nghe một nỗi xúc động chạy rùng rùng trong tim. Thầy của tôi đến tận nhà tôi. Thầy yêu mến, tóc bạc trắng, nụ cười bao dung của tôi: thầy Trần! Thầy đang gấp cây dù lại và cứ nhìn tôi, mỉm cười. Tôi lúng túng, không biết phải làm gì, phải nói gì. Mẹ tôi nói:
- Dạ, mời thầy vào nhà.
Tôi còn bối rối, chỉ biết nép người để thầy Trần vào cửa. Tôi lắp bắp:
- Thầy, con xin mời thầy ngồi.
Thầy Trần tự nhiên ngồi xuống, rồi cũng nụ cười ấy trên môi, Thầy nói:
- Con cũng ngồi đi!
Thầy nhìn đăm đăm vào chiếc nạng của tôi, nhìn chân tôi, và mắt thầy long lanh. Tôi cúi đầu, không biết nói gì. Thầy liếc nhìn mớ hành trang, hỏi:
- Con sắp đi đâu?
- Dạ…
- Sao con nghỉ học?
- Thưa thầy…
Tôi bối rối vô cùng. Thầy vẫn mỉm cười và dịu dàng đôi mắt sau cặp kính già. Tôi chợt nhớ hôm tôi tìm đến nhà Đồng, cũng đã hỏi Đồng “sao Đồng nghỉ học?”, Đồng có thể mạnh dạn trả lời “vì em mất xe”. Bây giờ, tôi bỗng nói như một phản xạ:
- Vì con mất niềm tin rồi.
Thầy Trần cau đôi mày bạc trắng, nhìn tôi bằng vẻ xót xa:
- Con không tin tưởng ở một ai nữa sao?
Tôi nghẹn cả cổ, đáp:
- Thưa thầy, gần đúng như vậy. Nhưng… trừ ba mẹ con, và … thầy.
- Chỉ chừng đó thôi sao Nghiêm?
Tôi lặng im. Tôi muốn nói với thầy rằng còn nữa, còn cả một quãng đời đi chiến đấu của tôi, bốn năm gian nan ở những chốn mịt mùng, còn Đạm, còn Thăng… Tôi chống cây nạng đứng lên, đi đến tủ trà. Thầy Trần hỏi:
- Con đi đâu vậy?
- Dạ, con đi rót nước mời thầy.
Thầy đỡ lấy tách nước trà nghi ngút khói. Tôi thấy gương mặt của thầy mờ đi sau làn khói ấy. Tôi đến ngồi ở chỗ cũ. Thầy Trần nói:
- Những việc xảy ra ở trường chắc đã làm con quyết định nghỉ học?
Tôi gật đầu. Thầy hỏi tiếp:
- Con suy nghĩ kỹ chưa?
- Thưa thầy, rồi ạ.
- Thật không Nghiêm?
- Dạ, con đã nghĩ cạn cả óc. Con nghỉ học luôn. Con về quê sống, thưa thầy.
Thầy Trần thở dài:
- Trước khi đến đây, thầy định là sẽ khuyên con thật nhiều. Nhưng thầy bây giờ không biết phải khuyên con điều gì. Thầy tin rằng con đã đủ chín chắn để hành động mọi việc.
Tôi ngước lên nhìn thầy. Giọng thầy bùi ngùi:
- Thầy đi dạy học, thầy thương các học trò như thương con của thầy. Hơn thế nữa, lớp tuổi của các con đây, thầy thương như cháu nội. Nhưng có đôi khi thầy thắc mắc, không hiểu học trò của thầy nghĩ thế nào về thầy? Coi thầy như cha, như ông? Hay chỉ là người đứng bên lề, chỉ việc dạy chữ cho tinh thông? Có lẽ chỉ có Nghiêm mới cho thầy biết cảm nghĩ của con mà thôi.
Tôi xúc động:
- Thưa thầy, con kính mến thầy…
- Có khi nào con nghĩ rằng…thầy có thể hiểu con như một người bạn ở lớp tuổi của con không?
- Con đã có khi muốn thổ lộ với thầy những thắc mắc của con, từ ngày mà con làm trưởng lớp.
- Con không cho rằng thầy là người của thế hệ trước à?
Tôi lắc đầu:
- Thầy đã già nhưng tư tưởng của thầy không cằn cỗi. Còn những người mà con tiếp xúc, họ còn trẻ trung nhưng đã hao mòn. Một xã hội không vững vàng về tình cảm… con muốn xa tránh họ.
- Vâng, Nghiêm cứ nói.
Tôi nghĩ có thể đã đến lúc tôi phải thổ lộ với thầy Trần hết những điều phiền muộn u mặc trong lòng.
- Vâng, con hy vọng là thầy hiểu con. Con chỉ còn lại duy nhất lòng nhiệt thành để trở lại trường cũ. Con tưởng sau đoạn đời sóng gió, con sẽ được hưởng không khí êm đềm của chốn học đường. Thưa thầy, sự thật trái ngược với con nghĩ. Ngoài thầy, và Đồng, con đã gặp những người không hiểu con. Ngày đầu tiên, con đã mang mặc cảm với thầy Chung. Còn những người bạn đáng tuổi em con, đã nhìn con bằng ánh mắt châm chọc. Thưa thầy, những việc đó con cho là thường, vì nó không có nghĩa lý gì đối với một người đã sống lăn lóc bốn năm trong quân đội như con. Con sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách, phiền toái, cực nhọc. Nhưng có một thứ mà con cần phải tuyệt đối, là niềm tin tưởng. Mà lại chính những người thầy ở đó làm con thất vọng. Chính bộ áo mô phạm lại mất ý nghĩa giáo dục. Và chính học đường, nơi mang danh nghĩa cao đẹp là đào tạo nhân tài, trở thành chốn nuôi dưỡng những mầm mống nguy hại.
Tôi ngừng nói, ngạc nhiên khi thấy xung quanh im phăng phắc. Thầy Trần ngồi nghe, môi giữ nụ cười độ lượng. Tôi cảm thấy hơi nhẹ nhõm, đồng một lúc thấy dường như mình đã quá lời. Tôi nói:
- Con… xin lỗi thầy, nếu con đã có đụng chạm…
- Không. Thầy đang nghe con đó chứ! Thầy hiểu con. Những ý nghĩ của con chính là ý nghĩ của thầy. Thầy cũng đã buồn lòng trước sự sa sút của trường lớp, nhưng biết làm gì hơn? Thầy muốn trẻ lại như các con để la hét, đập phá, đánh đổ những cái chướng mắt. Ngày xưa thầy cũng đã buồn bực vì cái tệ trạng nam nữ rủ nhau đi tự tử ở hồ Hoàn Kiếm vì thất tình, thì bây giờ thầy cũng muốn nhìn thấy các con phẫn nộ, phẫn nộ đúng lúc, phẫn nộ sau khi đã sử dụng lòng nhiệt thành và thiện chí của mình. Thầy vui khi thấy con dám nói, dám làm.
- Thưa thầy, việc làm của con đã làm mất mặt nhiều người. Chắc ai cũng ghét con. Con cũng chán ghét cái lớp học đó. Con cũng không muốn trở lại lớp làm gì, khi mà Đồng đã bỏ học vì miếng cơm manh áo, khi mà Phát vẫn tiếp tục hao mòn tiều tụy. Và… khi mà ở lớp vắng bóng một người bạn dễ mến… vĩnh viễn…
Tôi nghẹn lời. Thầy Trần nói xót xa:
- Thi… Thầy nát cả ruột khi nghe tai nạn xảy đến cho nó.
- Thưa thầy, không phải tai nạn, mà là hậu quả của những tệ nạn trong trường. Nếu cái lớp học cuối dãy đó không bỏ trống, nếu không có khúc lan can gãy, nếu không có tên Đĩnh hung bạo nguyên nhân của mọi chuyện xấu xa, thì làm sao Thi chết được? Con muốn quên hết những điều trông thấy. Con muốn về quê con.
- Nghiêm!
- Xin thầy hiểu con.
Tôi cúi xuống nhìn chân mình, chua xót:
- Vả lại, con cũng chẳng còn gì. Con là một phế binh, một kẻ tật nguyền…
Thầy Trần thốt lên:
- Nghiêm, con đừng nghĩ vậy. Sự tàn tật của thể xác không quan trọng, chỉ có sự tàn tật của tâm hồn mới đáng ghê tởm.
Thầy nói như van lơn:
- Xã hội cần những bàn tay đen đúa và những lương tâm trong sạch. Con có còn nhớ bài học của Voltaire mà thầy đã dạy các con hồi bốn năm trước không? Lương tâm của con có tật nguyền đâu?
Tôi giật mình như vừa nghe thấy một điều kỳ lạ. Mắt tôi cay xé. Tôi tưởng như một tia nắng mới mẻ vừa chiếu rọi làm xúc cảm dâng tràn ở trong tim. Thầy Trần vẫn nói:
- Con hãy nhìn thầy đây. Đã sống đến gần hết đời người, hy vọng của thầy là gì? Là mong thấy những lương tâm trong sạch. Thầy chỉ có thể kỳ vọng ở những người như con. Con có muốn thầy phải buồn tủi không?
Tôi không ngăn mình nổi. Tôi khóc trước mặt thầy. Tâm hồn tôi xáo trộn ghê gớm. Ngày hạnh ngộ với thầy ở lớp cũ, tôi đã có ý nghĩ mình là đứa thất lễ vì không quỳ được trước mặt thầy như các vị quan xưa. Bây giờ có lý nào tôi để thầy tôi mang sự buồn tủi trong lòng? Có lý nào, hở Nghiêm?...
***
Tôi đứng cả mười phút trước trường. Cổng đóng chặt, khác hẳn mọi ngày. Tôi không muốn lên tiếng gọi ai, đứng nhìn khung cảnh quen thuộc như để in vào óc. Tôi muốn quay lưng về. Nhưng có bóng thầy Hãn từ trong văn phòng đi ra. Tôi muốn tránh mặt thầy. Không kịp, thầy đã thấy tôi và gọi vội vàng:
- Anh Nghiêm! Anh Nghiêm!
Rồi thầy lấy chìa khóa ra mở cổng. Tôi chào thầy:
- Thầy ạ!
- Anh không vào học sao, anh Nghiêm?
Tôi cúi nhìn tay mình:
- Dạ không.
Thầy Hãn vỗ vai tôi:
- Anh vào đây, anh Nghiêm. Tôi có nhiều chuyện muốn nói với anh.
Tôi đành phải đi theo thầy Hãn vào văn phòng. Thầy chỉ cho tôi ngồi xuống ghế, nói:
- Tôi được biết hôm qua thầy Trần đã đến nhà anh. Tôi định hôm nay đến, nhưng đã gặp anh đây rồi.
Tôi hết sức ngạc nhiên, nói:
- Thưa thầy, chắc có việc gì quan trọng lắm?
- Dĩ nhiên rồi. Tôi muốn nói với anh về những chuyện xảy ra ở trường này. Những chuyện thật tệ hại và đáng tiếc…
Tôi nắm chặt đôi bàn tay. Lại một sự khơi động nữa cho tôi. Tôi như kẻ “chạy trời không khỏi nắng”. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Thầy Hãn hoảng hốt:
- Kìa, anh Nghiêm! Anh khóc?
- Không, thưa thầy, em…
Tôi vừa thoáng thấy ông Giám thị xách roi đi ngang trước cửa. Lòng tự ái nổi dậy, tôi nói:
- Em hối hận vì đã xử sự như một kẻ thất học, một đứa thô bạo.
- Không, anh Nghiêm!..
- Em đã làm mất mặt thầy, làm “Ngài” Giám học xấu hổ.
Thầy Hãn nói cứng rắn:
- Nghiêm đã hành động đúng.
Tôi mở to mắt nhìn thầy Hãn. Gương mặt của thầy cương quyết lạ thường. Thầy nói:
- Anh tưởng tôi giận anh về việc anh đánh lão thương gia nọ và khai tội ông Giám học sao? À, tôi xin phép được gọi anh là Nghiêm nhé! Tôi coi Nghiêm như một người em của tôi.
- Thầy…
- Nghiêm bao nhiêu tuổi?
- Dạ, hai mươi hai
- Tôi ba mươi hai. Tôi chỉ đáng tuổi anh của Nghiêm. Đừng xem tôi quá cao. Tôi muốn mình thân mật để hiểu nhau hơn.
- Em chưa hiểu ý thầy.
Thầy Hãn mỉm cười, lấy bao thuốc lá mời tôi hút. Tôi lắc đầu:
- Thưa thầy, em đã không hút thuốc lâu rồi. Nhất là khi bước chân vào trường học, em lại càng không muốn hút thuốc.
- Vậy thì tôi cũng không hút. Nghiêm, Nghiêm có biết rằng tôi rất mến và phục Nghiêm không? Từ lúc ra trường đến nay, tôi mới gặp Nghiêm là một học sinh đặc biệt.
Tôi đáp chua xót:
- Vâng, em là một học sinh đặc biệt, từ hình vóc đến tính tình.
- Không, Nghiêm hiểu lầm ý tôi rồi!
Thầy Hãn nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi nhận ra trong cái nhìn ấy có một điều gì rất tha thiết. Tôi cúi đầu:
- Em xin lỗi thầy.
- Nghiêm đừng khách sáo với tôi quá. Ba ngày rồi Nghiêm bỏ học, tôi hiểu vì sao. Tôi mong chờ Nghiêm đến. Nghiêm có biết trong ba ngày đó, nhiều sự thay đổi đã xảy ra ở trường này không?
- Dạ không.
- “Ngài” Giám học của Nghiêm đã nghỉ rồi.
Tôi hoảng hốt:
- Tại sao vậy thầy?
- Tôi yêu cầu ông ấy nghỉ, và sự xấu hổ cũng giúp ông ấy bước ra khỏi ngôi trường này. Nghiêm nói đúng, ông ấy là một ông giám học nhưng thiếu căn bản. Ông chỉ nghĩ đến lợi riêng, và quan niệm rằng trường tư là nơi buôn chữ để lấy tiền, nên đã gây ra không biết bao nhiêu tệ nạn. Ngay cả tôi cũng là nạn nhân của ông ấy: tôi bị mời dạy môn Anh văn trong khi tôi là giáo sư Sử-Địa.
Thầy Hãn thở dài, giọng buồn buồn:
- Ngay chiều hôm ấy, tôi đưa ba tôi đến trường để nhìn những cảnh nát lòng. Ba tôi xúc động quỵ xỉu ngay tại chỗ trò Thi té xuống. Tội nghiệp ông đã già yếu quá sức. Tôi thưa với ông rằng không thể để ngôi trường này đi xuống, mà phải vươn lên , đổi mới hết, làm một tư thục gần giống một “nghĩa thục”. Cách đây một năm, đã có người khuyên ba tôi dẹp trường để mở nhà bảo sanh, hay làm khách sạn, có lời hơn – Thầy Hãn cười gằn – Hồi đó ba tôi định bằng lòng nhưng thầy Trần với tôi cản lại. Ba tôi quên rằng tôi cũng là người đi theo con đường giáo dục. Tôi có thể nối tiếp ba tôi để điều hành ngôi trường này chứ! Từ nay tôi sẽ là hiệu trưởng. Tôi sẽ mời một vị giám học khác, tôi sẽ mời giáo sư dạy đúng với chuyên môn của họ và đúng với nguyện vọng của học sinh. Tôi sẽ tăng cường nhân viên để cho ông giám thị bớt nặng nhọc và bớt cáu kỉnh. Nghiêm xem, những việc đó có khó gì đâu?
Thầy Hãn vỗ vai tôi, giọng thân ái như một người anh:
- Nhưng còn nhiều việc khó hơn, tôi không thể tự mình làm được, và có nhiều tiền cũng chưa chắc làm được. Đó là làm sao chấn chỉnh tinh thần học sinh, hướng dẫn học sinh theo một chiều hướng tốt đẹp, có ý thức, có trách nhiệm, có lý tưởng. Việc đó, tôi mong chờ ở những người như Nghiêm.
Tự nhiên tim tôi đập mạnh lên không ngờ. Bàn tay thầy Hãn vẫn ấm ở trên vai. Tôi nghe nước mắt tôi rơi trên chân. Tôi muốn nói với thầy Hãn những lời tốt đẹp nhất. Nhưng tôi nghẹn ngào, chỉ biết nhìn thầy. Ngôn ngữ có lẽ vô nghĩa trong lúc này.
Thầy Hãn vẫn nói bằng giọng êm đềm:
- Nghiêm hiểu tôi rồi chứ? Tôi sẽ làm đơn xin nghỉ dạy ở các trường công, vì một hiệu trưởng tư thục không có quyền dạy trường công lập. Dĩ nhiên tôi sẽ mất một số lợi tức. Nhưng tôi không cần. Tôi sẽ trực tiếp điều hành trường này, xây dựng lại kỷ luật và tạo truyền thống tốt đẹp cho các học sinh. Tôi còn trẻ, cũng như Nghiêm còn trẻ, chúng ta cần nhiệt tình và lý tưởng, còn tiền bạc tuy rất cần nhưng chỉ đứng hàng thứ yếu, phải không Nghiêm?
- Vâng.
- Trường ta đang ở vào lúc xáo trộn. Tôi sẽ tổ chức thi đệ nhất bán niên trễ hơn các trường khác. Rồi tất cả sẽ êm đẹp.
Thầy Hãn cầm chiếc nạng lên, đưa cho tôi:
- Bây giờ Nghiêm lên lớp học đi! Sáng nay thầy Trần thỉnh thoảng lại ra hành lang đứng nhìn như ngóng đợi Nghiêm lắm.
Tôi bùi ngùi, đứng lên. Và đích thân thầy Hãn dìu tôi lên lầu. Tôi đứng trước cửa lớp, lặng người. Nỗi xúc động còn to lớn hơn ngày đầu đến trường. Tôi thấy thầy Trần đang ngồi giảng bài. Giọng thầy ấm, tóc thầy bạc và đôi mắt thầy buồn. Thầy đã nghe tiếng nạng gõ trên nền xi-măng và thầy đang nhìn ra.Tôi nhìn thầy, cùng lúc nhìn lên tấm bảng có ghi ngày thật to, chữ của thầy: “Jeudi”.
***
- Anh Nghiêm, em muốn nhờ anh giúp em… một lần nữa.
Tôi trố mắt nhìn Phát. Việc gì sẽ xảy ra nữa đây? Đĩnh đã bị bắt rồi, Phát còn nặng nợ gì nữa? Phát nắm lấy tay tôi, giọng thành khẩn:
- Em muốn anh giúp em, khi em đi học lại, anh cho em mượn vở để chép.
- Ủa, Phát đi đâu?
- Hôm qua em thú nhận với ba em… Lẽ tất nhiên là ba em đã giận điên lên, tát em mấy cái… Nhưng sau đó, ba em bảo sẽ cho em đi nhà thương.
Tôi vui mừng:
- Trời ơi! Phát đã nói với ba của Phát rồi à?
- Dạ, vì em suy nghĩ lại những lời của anh. Em muốn được như anh, như Đồng. Em không muốn thành một đứa như thằng Đĩnh. Anh Nghiêm giúp em?
- Tôi hứa. Phát cứ yên tâm đi chữa bệnh, chắc không lâu đâu. Nếu có hơi trễ, tôi sẽ đề nghị với thầy Hãn cho Phát thi lại kỳ đệ nhất bán niên.
Phát có vẻ vui. Tôi nhìn hắn, những tưởng con người đó sẽ không thoát khỏi sự tối ám. Tôi nói:
- Tôi mong từ nay Phát sẽ mạnh dạn lên nhé! Đừng e lệ, đừng mặc cảm nữa. Nhất là… đừng có cầm tập vở che mặt về phía nữ sinh.
Phát cười… Tôi đứng lên, một cử chỉ không có chủ đích. Nhưng tôi biết rằng sau giờ chơi này, là đến giờ Toán của thầy Chung. Tôi không biết rồi tôi có nhìn ông bằng đôi mắt vô tư được chăng? Phát hỏi tôi:
- Đồng nghỉ học, anh buồn hở anh Nghiêm?
Tôi nhíu mày, đáp:
- Có lẽ vậy. Tôi lại phải đến nhà Đồng mới được.
***
Cuối giờ Toán, thầy Chung gấp sách lại, rồi lặng lẽ tự tay ông lau bảng. Những dòng chứng minh Hình học không gian bị xóa đi dần. Rồi thầy ngồi yên trên ghế. Cả lớp yên lặng, cảm thấy có một sự gì khác lạ. Tôi cũng nghe nao nao trong lòng, không hiểu vì cớ gì. Tôi tránh nhìn thầy Chung, nên cúi đầu trên trang giấy, vẽ bâng quơ những mặt phẳng, những vòng tròn.
Thầy Chung bỗng cất tiếng:
- Hôm nay là buổi học cuối cùng tôi gặp các anh chị. Bắt đầu buổi sau, sẽ có một giáo sư khác, bạn của tôi, được thầy Hãn mời dạy thế. Thầy này rất giỏi, sẽ tiếp nối chương trình cho các anh chị đến cuối năm.
Vài người hỏi:
- Thầy nghỉ sao thầy?
- Tôi được đi tu nghiệp ở Mỹ. Tôi có lời xin lỗi các anh chị trước. Tôi hiểu lớp này từ đầu năm đến giờ đã có sự thay đổi giáo sư nhiều lần. Nhưng với tôi là trường hợp bất khả kháng. Tôi rất mến lớp này. Trước khi đi, tôi xin chúc các anh chị ở lại học tấn tới, cuối năm thi đậu tất cả.
Tôi đứng lên trong tiếng xôn xao chưa dứt, trịnh trọng nói:
- Thưa thầy, em xin thay mặt các bạn, cám ơn thầy đã hướng dẫn lớp chúng em trong suốt mấy tháng qua. Chúng em xin kính chúc thầy lên đường bình an và khi về thầy lại tiếp tục dìu dắt các học sinh của trường này.
Những tiếng vỗ tay dòn dã vang lên. Tôi ngồi xuống. Thầy Chung mỉm cười:
- Tôi cám ơn anh trưởng lớp và các anh chị.
Chuông tan học reo lên nghe rộn ràng. Thầy Chung ra hiệu cho các học sinh đi ra trước. Khi chỉ còn tôi sắp sửa về, thầy Chung bước xuống, nói:
- Anh Nghiêm, cho tôi hỏi thăm.
Chưa đợi tôi nói gì, thầy Chung đã đến gần tôi:
- Trò Đồng vẫn nghỉ học sao?
Tôi buồn bã gật đầu. Thầy Chung nói:
- Tôi tưởng hôm nay gặp Đồng, để mời Đồng đi với tôi.
- Thưa thầy, đi đâu ạ?
Thầy Chung ngồi xuống bên tôi, thở dài:
- Chuyện này, tôi nghĩ là nên cho anh biết, để nhờ anh khuyên Đồng nhận lời.
Tôi không hiểu gì cả. Thầy Chung nói tiếp:
- Tôi nhờ anh khuyên Đồng nhận của tôi… một món quà.
- Một món quà?
- Vâng, một món quà của tôi, và của Thi.
Tôi nghe tim nhói lên. Tôi cố gắng nuốt nước bọt, nhưng vẫn nghe cổ họng khô khan:
- Thưa thầy, em chưa hiểu.
- Tôi có thể tâm sự với anh chứ?
- Dạ, xin thầy cứ xem em như… em của thầy.
Thầy Chung mỉm cười:
- Cám ơn anh. Tôi biết anh là bạn thân của Đồng, nên tôi không ngại nhờ anh giúp. Chắc anh Nghiêm cũng đồng ý với tôi rằng, muốn giúp đỡ một người, ta phải hết sức tế nhị, vì mặc dù sự giúp đỡ của mình rất cần thiết, nhưng người đó có thể từ chối, vì tự ái, hoặc vì không muốn làm kẻ mang ơn?
Tôi gật đầu. Thầy Chung gỡ mắt kính ra, lấy khăn tay lau kính, rồi nói tiếp:
- Thi muốn giúp đỡ một người bạn vừa bị mất xe. Anh thừa biết đó là Đồng? Thi hiểu rõ tình cảnh của Đồng. Mất xe, kể như Đồng mất học. Thi muốn giúp Đồng có lại một chiếc xe. Thi đã nói với tôi rằng phải có xe, Đồng mới kiếm tiền giúp cha một cách hiệu quả và mới có thể nuôi mình, nuôi em đi học.
Tôi bàng hoàng.Thi muốn Đồng có lại một chiếc xe! Một món quà lớn quá!
Thầy Chung hỏi:
- Chắc anh đã biết tôi với Thi là anh em chú bác?
Tôi sửng sốt nhìn thầy Chung, không nói ra lời. Ông hình như không biết rằng tôi đang bị xúc động mạnh, nên vẫn tự nhiên:
- Anh không biết cũng phải. Vì Thi nó không muốn cho ai biết, sợ nếu có được tôi cho nhiều điểm hay được ban khen thì bạn bè sẽ cho là tôi thiên vị bởi Thi là em tôi. Tôi xin nói tiếp cho anh rõ là Thi đã đòi đổi số tiền tác quyền hai quyển sách mà nó mới viết để lấy chiếc Honda của tôi. Thi lại nhờ tôi tổ chức một cuộc xổ số trong lớp trước khi tôi đi Mỹ. Người trúng số sẽ đến nhà tôi để nhận quà. Anh Nghiêm có đoán được rằng Thi đã có cách để trao “quà” cho Đồng mà anh ấy không thể nào từ chối vì nghĩ đó là quà của tôi và là do anh ấy trúng số?
Thầy Chung trầm giọng xuống:
- Thế nhưng việc chưa đâu vào đâu thì nỗi bất hạnh đã xảy đến cho Thi. Tôi đành phải nói với anh để mong anh giúp tôi khuyên nhủ Đồng nhận nơi tôi món quà đó, món quà của một người thầy sắp đi xa, và của một người bạn đã không còn…
Tôi lặng người sau những lời của thầy Chung. Dường như đôi mắt của thầy long lanh. Thầy nói:
- Tôi nghiệp Thi, một con người đầy đức tính. Anh cũng thừa biết sự giúp đỡ kín đáo và to tát ấy là do đâu? Là do Thi quý mến Đồng, anh có nghĩ như vậy không?
- Vâng.
Tôi chỉ biết nói một tiếng như thế rồi nhìn chỗ ngồi của Thi ngày nào, nghe xót xa cả lòng. Thầy Chung đứng lên, nói:
- Riêng với anh, tôi mong anh sẽ coi tôi như một người thân, giúp tôi thành công trong việc này. Tôi định sẽ không giữ tiền tác quyền của em tôi, mà sẽ trao lại cho chú thím tôi, hoặc tôi sẽ tặng cho thầy Hãn để làm học bổng cho những học sinh nghèo của trường.
Tôi đứng lên theo, cùng thầy Chung ra cửa. Còn lưa thưa vài học sinh đi trong hành lang. Tôi nói:
- Thầy về trước. Em sẽ bảo Đồng đến gặp thầy.
Thầy Chung siết chặt tay tôi rồi quay lưng. Tôi nghe có tiếng máy xe của Nghi dừng lại ở dưới đường. Tôi nghĩ đến chiếc xe của Đồng, chiếc xe của thầy Chung, và của Thi – món quà thân ái. Chúa, Phật ơi! Con chưa mất niềm tin đâu! Dưới mái học đường vẫn còn những tâm hồn cao thượng, những ái tâm đẹp đẽ, giúp con nguyên liệu để sống vui và bước tới. Tôi đã nhập cuộc, bây giờ vẫn-cương-quyết-nhập-cuộc. Tôi chưa là cụ già, cũng không còn là em bé, mà là một thanh niên. Tôi còn dào dạt nhiệt tình để góp bàn tay xây dựng cho đời.
Bỗng nhiên tôi đưa tay sờ đầu gối, nơi tận cùng của chân trái. Tôi sắp phải trở lại bệnh viện để giải phẫu cắt bớt xương. Có nghĩa là xương tôi đang tăng trưởng. Có nghĩa là đời sống còn trẻ trung. Có nghĩa là hy vọng không mất. Tôi ngậm ngùi gõ nạng đi đến lớp học bỏ trống cuối đường. Cửa mở, cho tôi nhìn thấu bên kia, khúc lan can gãy, oan nghiệt. Tôi muốn khóc khi nghĩ đến một gương mặt dấu ái, đã ngã xuống để dựng lại niềm tin trong tôi. Cám ơn Thi! Vĩnh biệt Thi, muôn đời.
Tân Định, Sài Gòn,
21-09-1973
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét