Chương 7
Mẹ con tôi mong anh Phúc như mong mẹ về chợ, vậy mà anh ấy biền biệt chẳng thấy đâu. Chúng tôi chỉ cầu mong có tiếng xe mô-bi-lét trước cửa , rồi anh ấy bước xuống, nói một câu:
- Cháu đã mua được nhà rồi bác à!
Là sau đó, nhất định càng nhanh càng tốt, mẹ con tôi thúc hối bố tôi lo chồng tiền, làm giấy tờ cho xong để còn nhận nhà, dọn khỏi xóm này. Vậy mà...
Bố tôi, dù đã nhất định dọn lên tỉnh, vẫn khăng khăng, đòi giúp tay với dân xóm họp bàn cách cải thiện tình hình nơi này. Mới rồi, bố tôi lại gặp ông Hiền. Ông Hiền kể cho bố tôi biết:
- Sau cái hôm cảnh sát về lập biên bản buổi họp đằng nhà bác Phủ, tôi đã đi giải thích cho những người hôm ấy bị lấy lý lịch hiểu rõ luật lệ, họ đã bớt lo nhiều. Sau đó, tôi ngỏ ý với họ xem có nên tổ chức một cuộc họp nữa không? Dĩ nhiên lần này mình xin phép đàng hoàng, nhưng ai cũng thế, lắc đầu quầy quậy mà rằng: “Chả dám nữa” . Thật khổ, sao trước kia, khi chiếm đất, họ hung hăng thế. Bây giờ, mới chạm mặt với cảnh sát có một lần, họ đã sợ bở vía...
Bố tôi :
- Tôi nghĩ rằng nguyên nhân không phải chi do sự sợ sệt đâu, mà còn do cái tính an phận của dân xóm nữa...
- An phận! Gì chứ tình trạng này mà an phận mãi thì có ngày đến mà ... như bác Phát gái mất...
Bố tôi:
- Bây giơ chỉ có cách nào cho mọi người thấy rõ sự tai hại của cảnh lụt lội, may ra họ mới chịu tham gia việc họp bàn...
- Cách gì? (ông Hiền chép miệng) Tôi thấy chả có cách gì ngoài... một tai nạn như tai nạn của cái Loan nhà bác hay tai nạn của bác Phát gái cả...
- Đâu phải muốn có tai nạn là có được ngay...
Bố tôi thở dài, trầm ngâm. Bỗng bố đập tay xuống mặt bàn đánh bốp một cái, thở phào nhẹ nhõm:
- Tôi nghĩ ra rồi. Tại sao mình lại không cố ý tạo ra một tai nạn, bác thấy thế nào?
Tôi thấy ông Hiền cười mỉm, vỗ vai bố tôi:
- Bác thật nhanh trí... Cầu giời cho mình thành công....
Cách hôm bố tôi và ông Hiền gặp nhau một ngày, chiều hôm ấy, trời mưa to. Tôi đang khoác áo mưa đứng đợi nơi hiên lớp thì thấy bố tôi đạp xe đến, dáo dác tìm kiếm. Tôi gọi:
- Con đây này bố!
Bố tôi lái xe đạp về chổ tôi đứng trú mưa, vẫy tay bảo tôi:
- Lên đây bố chở về... Thắt dây lưng áo mưa lại cho cẩn thận cái đã...
Tôi làm theo lời bố, sau đó, leo lên yên sau chiếc xe đạp, tay ôm cái cặp luồn trong áo mưa, tay ôm bụng bố. Cái áo mưa nhà binh bố tôi mặc rộng thùng thình ướt đẫm mà tôi ôm choàng, một tí thấy ấm áp lạ. Chừng như trong cái ấm áp đó có cả hơi ấm tình thương. Tôi hỏi bố:
- Sao hôm nay bố lại đi đón con?
- Bố có việc lên gần đây, thấy trời mưa bố ghé lại đón mày về luôn thể...
Nói đoạn, bố tôi gò lưng đạp xe. Chiếc xe thoạt chạy, hơi lảo đảo một tí rồi lao vun vút. Thoáng chốc đã ra khỏi sân nhà thờ, xuống đường cái. Bố tôi chạy xe đạp xem thế mà cừ. Tay lái vững vàng như bàn thạch!
Đường phố đã bắt đầu ngập nước, nơi cổng chợ, mực nước dâng đến phần ba bánh xe đạp, chắc lối vào xóm tôi, nước cũng đã lên đến đầu gối tôi. Xe cộ đã bắt đầu bị chết máy khi đi qua khu cổng chợ. Bố tôi đạp xe rẽ nước, tôi co chân lên để khỏi bị ướt , thế mà vẫn không tránh được. Xe chạy phăng phăng, tiếng nước rèn rẹt dưới bánh xe nghe vui tai quá. Tôi mỉm cười ao ước , giá buổi trời mưa nào bố tôi cũng dí dỏm thì thật là thú!
Ngõ vào xóm tôi, nước đã đến đầu gối trẻ con thật. Tôi hỏi bố:
- Mình dừng trú mưa đằng ông Phủ không bố?
Bố tôi lắc đầu:
- Có xe đạp đây mà phải trú cái gì. Bố đạp về dư sức...
Bố tôi đạp dư sức thật. Nước ngập nửa bánh xe, hẳn nhiên bi-đan khi đạp xuống, đập xuống nước rồi. Mỗi lần một chân đạp bi-đan của bố tôi đập xuống nước, tôi lại nghe bộp một tiếng. Bố tôi đạp có vẻ nặng nhọc thật đấy, nhưng chiếc xe đạp vẫn chạy ngon lành.
Đột nhiên , khi đi ngang nhà ông Hiền, chiếc xe lảo đảo. Tôi hoảng hốt ôm chặt lấy bụng bố. Có lẽ cái áo mưa rộng thùng thình làm bố tôi vướng chân, bố tôi líu quíu thế nào để chiếc xe đạp ngã xiêu vẹo, đâm sầm vào hàng rào kẽm gai nhà ông Hiền. Tôi ngã vật xuống ngõ, nơi dòng nước cuồn cuộn chảy. May mà không ngã vào hàng rào kẽm gai. Bố tôi xui xẻo, cả thân mình đổ vào cái hàng rào ấy. Tôi nghe tiếng bố tôi kêu lên:
- Chết tôi rồi!
Tôi hoảng quá, chạy lại bên bố. Từ trong nhà, ông bà Hiền nghe tiếng kêu chạy ra, rồi mấy ông bà nhà phía bên kia cũng đội mưa đến. Tất cả xúm lại, người giữ hàng rào- cái hàng rào đổ xiên vì sức mạnh của bố tôi- người gỡ bố tôi ra khỏi kẽm gai. Cái áo mưa làm vướng víu , phải một lúc, người ta mới đỡ bố tôi vào nhà ông Hiền được. Tôi vừa thút thít khóc vừa bước theo. Tôi hỏi:
- Bố có sao không bố?
Bố tôi không đáp mà nhăn mặt. Ông Hiền cởi áo bố tôi ra xem xét. Lưng bố tôi bị tám chín vết kẽm gai đâm, máu rịn chảy. Tôi sợ quá, khóc òa lên. Bấy giờ bố tôi mới gượng nhịn đau, bảo tôi:
- Nín đi con, bố không sao đâu. Chạy về cho mẹ với em mày biết... Mà thôi... ở đây với bố... Mưa gió thế này, mày đi thế nào được...
Ông Hiền:
- để nhà tôi đi cho bác gái biết cho. Bác ngồi yên đây nhé, tôi vào lấy an-côn rửa vết thương cho... Khổ thân,, đi đâu giữa lúc mưa gió thế này...?
Bố tôi kể:
- Ấy, tôi đi lên chợ mua ít rau, nhân tiện ghé trường đón thằng cháu về học... Hôm nay thật xui xẻo, đạp xe vừa đến đây thì sa ổ gà, loạng quạng đến ngã...
Một người buột miệng:
- Lụt lội thế này thì còn tai nạn...
Bố tôi vừa rên rỉ khi ông Hiền thoa an-côn lên vết thương, vừa nói:
- Bác nói phải đấy... lụt lội thế này thì chẳng sao tránh được tai nạn.
Tôi thấy mắt ông Hiền lóe ngời, chừng như ông vừa nghĩ ra điều gì. Ông tiếp lời bố tôi:
- Khổ quá, tình trạng xóm mình thì thế đấy mà tôi đi hô hào họp nhau bàn cách chống lụt , chẳng ai chịu tham gia cả...
Tôi sực nhớ đến lời bố tôi hôm trước: ”Tại sao mình lại không cố ý tạo ra một tai nạn?”... Tôi nhớ rõ vừa rồi, bố tôi bảo tại sa ổ gà, bố tôi mới bị ngã. Nhưng... làm gì bố tôi có sa ổ gà... nếu có thì tôi đã biết rồi chứ... Ít ra tôi cũng bị nẩy người lên, đằng này chả thấy gì hết...
Nhưng tai nạn ngã xe có phải do bố tôi cố ý tạo ra hay không thì chỉ có bố tôi mới rõ, có điều, sau đó tôi đâm nóng sốt. Mẹ tôi lo cuống lên, bảo là tôi bị nhiễm mưa - lúc bị ngã, người tôi ướt hết nhưng vì mãi lo cho bố tôi, mọi người quên bẳn tôi, tôi đứng đợi đến lúc bố tôi được rịt băng xong xuôi, quần áo mới chỉ khô được chút ít, có lẽ tôi đâm nóng sốt vì nhiễm mưa thật - Bố tôi cũng lo không kém, chạy đi gọi y tá đến tiêm cho tôi ngay khi tôi lên cơn sốt. Nhờ thế, hai ngày sau, bệnh tôi đã thuyên giảm nhiều.
Lại một sáng chủ nhật, bố tôi nghỉ bán phở. Mẹ tôi hỏi:
- Hôm nay ông khó chịu à?
Bố tôi lắc đầu:
- Khó chịu gì đâu, tôi nghỉ để đi họp...
Mẹ tôi rối lên:
- Không được đâu... tôi xin ông... Chả họp với hành gì nữa, rồi lại cò bót lôi thôi... Ông thương mẹ con tôi mà...
Bố tôi gắt:
- Ở nhà để người ta khinh cho ấy à? Tôi nhận lời rồi...
- Thế ông nhất định đi đấy hở?
- Chờ tôi nói chơi đấy?
Mẹ tôi thở dài thườn thượt:
- Khổ thân tôi... Ông mà có bề gì thì tôi biết lo liệu làm sao đây...
Ngừng một chút, mẹ tôi nói tiếp:
- Mà lần này họp ở đâu? Ai chủ trương? Ai cầm đầu?
Bố tôi bật cười :
- Bà lo là tôi cầm đầu phải không? Cứ yên trí đi, tôi lại họp với người ta cho có mặt thế thôi... Chuyện này là do bác Hiền chủ xướng... và lần này họp ở nhà bác ấy, có xin phép Trưởng ấp rồi...
- Ừ, như thế tôi cũng bớt lo một tí...
- Ấy cũng nhờ cái vụ ngã xe của tôi mà bác Hiền đi cổ động dân xóm, họ bằng lòng đấy...
Nói rồi, bố tôi mỉm cười ra vẻ hài lòng lắm.
Lần họp này, tôi không đi chứng kiến được. Mẹ tôi đã ra trông sạp báo, cái Trâm, cái Loan bỏ đi xem, tôi ốm chưa khỏi, đành ở nhà trông nhà. Tôi dặn cái Trâm, cái Loan:
- Chúng mày xem một tí rồi một đứa chạy về kể cho tao nghe nhé!
Cả nhà đi khỏi còn một mình, nóng bụng như có lửa đốt. Đến gần mười giờ, cái Trâm chạy về. Nhìn vẻ mặt hớt ha hớt hải của nó, tôi đoán chừng có chuyện gì lôi thôi rồi; quả nhiên, cái Trâm vừa thở vừa kể cho tôi biết:
- Dân xóm họp ở nhà ông Hiền đông lắm. Họ đứng cả ra ngoài ngõ nữa. Em thấy ông Hiền kể chuyện cái Loan bị ngã, chuyện bà Phát bị chết, cả chuyện bố bị ngã xe nữa. Ông ấy dẫn bố ra, cởi áo ngoài của bố chỉ những vết thương cho mọi người xem. Ông ấy cũng nhắc đến anh nữa, ông ấy bảo chỉ vì bị nhiễm nước mưa, anh ốm nặng. ông ấy gắn hết tôi tình cho trời mưa và nước lụt. Anh biết sao không? Sau khi ông ấy nói xong không biết ai hô lên: “Đả đảo nước lụt” . Rồi mọi người nắm tay lại, giơ lên trời cùng hô theo: ”Đả đảo! Đả đảo!”, xem buồn cười ghê vậy đó...
- Nước lụt mà đả đảo cái gì?
- Ông Hiền cũng nói như anh vậy. Ông ấy bảo trách trời là một lẽ, dân xóm phải tự trách mình nữa. Rồi sau đấy, ông ấy nói về cách chống lụt, mọi người lên cho ý kiến như hôm trước vậy...
- Thế bây giờ họ còn họp không?
- Hết họp rồi...
- Sao bố chưa về?
- Bố theo người ta đi sang ấp bên kia...
- Sang bên ấy làm gì vậy?
- Em nghe ông Hiền nói: để đưa thỉnh nguyện lên chính quyền! Mà thỉnh nguyện là gì vậy anh?
- Ơ... thì là... là xin cái gì đó... Nhưng sao lại phải đi nhiều người? Mày có biết không?
- Để em kể cho anh nghe. Một lúc, ông Hền nói :”Chúng tôi sẽ đưa tờ thỉnh nguyện này lên trụ sở ấp nhờ họ chuyển giao tới cấp trên”. Một người nói :”Đưa như thế vô ích, họ sẽ dìm đi ngay”. Một người khác :”Muốn có kết quả, mình phải gây một tiếng vang mới được”. Người khác nữa :”Mình phải kéo hết đến trụ sở ấp để làm áp lực”... Thế rồi mọi người ùn ùn kéo đi... Em định chạy theo thì nhớ lời anh dặn, chạy về kể cho anh biết... Bây giờ, anh biết rồi nhé, em ra ngoài ấy được không?
- Ừ , mày ra ngay đi, coi chừng họ đi mất thì nguy. Có gì lạ chạy về cho tao biết nữa nghe... Mà này, cái Loan đâu?
- Nó đi theo mọi người rồi...
Cái Trâm chạy vụt đi. Tôi càng nóng bụng hơn. Bực thật, chuyện sôi động như thế mà tôi phải ở nhà! Không ngờ chuyện lại diễn tiến như thế, chắc thế nào cũng có rắc rối... Cầu mong cho bố tôi đừng bị lôi thôi gì...
Một lúc sau, cái Trâm lại chạy về. Nó kể;
- Người ta đến trụ sở ấp rồi, đông lắm anh ơi! Mấy anh lính ở đằng ấp cầm súng đứng canh xem dễ sợ lắm. Vậy mà dân xóm mình chẳng e gì, hễ khi một người lính nào lên tiếng dọa, họ lại ồn ồn lên đả đảo...
- Mẹ vẫn còn ở sạp báo đấy chứ?
- Cái Loan cũng ở đấy luôn, mẹ không cho đi... Anh biết không, đến bố, mẹ cũng cản nữa, nhưng bố nhất định đi theo mọi người...
- Mày chạy ra ngoài sạp báo nói với mẹ cho cái Loan về trông nhà để tao đi ra đấy xem một tí xem mẹ có chịu không?
Cái Trâm chạy đi, lát sau, nó trở lại, lắc đầu nói:
- Mẹ không cho, mẹ bảo anh còn ốm, không đi được...
Tôi buồn ra mặt, cái Trâm an ủi:
- Anh chịu khó ở nhà vậy,để em đi xem, về em kể cho anh nghe...
Tôi buông thõng:
- Ừ, thì mày đi đi...
Cái Trâm ngần ngừ:
- Anh ở nhà đừng buồn nhé...
Rồi mới chịu đi.
Tôi đi ra đi vào, nôn nao khó chịu. Người tôi vẫn còn hơi hâm hấp nóng, sợ gió nữa, thế mà tôi chẳng dừng một chỗ được, ra ngoài cửa, măc gió máy, nắng nôi, mắt ngóng em tôi về để nghe chuyện.
Khá lâu, cái Trâm mới chạy về. Nhưng lần này, cả mẹ tôi nữa. Mẹ tôi ôm hai hộp báo, cái Trâm ôm hộp thuốc lá , sing-gôm, cái Loan le te theo sau. Đến nhà, mẹ tôi bảo tôi:
- Mau mau, mặc quần áo và đi xuống đằng ấp xem bố mày ra sao... Khổ quá, lại cảnh sát họ đến...
Tôi riu ríu nghe lời mẹ, cái Trâm kể:
- Có đến hai xe cảnh sát hú còi ghê lắm anh à...
Mẹ tôi đóng cửa rồi hối hả dắt chúng tôi đi.
Mẹ con tôi đến Khu Trụ Sở đúng lúc bố tôi đang bị một người cảnh sát hỏi gì đó. Mẹ tôi vẹt đám đông tiến lên hàng đầu nghe ngóng. Người cảnh sát hỏi bố tôi:
- Ông là Nguyễn Văn Khang, người đứng đầu trong danh sách những người hội họp hôm nọ ở nhà ông Đặn Huy Phủ phải không?
Bố tôi:
- Vâng, tôi là Nguyễn Văn Khang
- Chúng tôi được lệnh mời ông, ông Đặng Huy Phủ và người cầm đầu cuộc họp gây náo loạn hôm nay về ty. Xin lỗi ông, vụ hôm nay ai là người tổ chức?
Ông Hiền bước ra:
- Thưa ông, hôm nay, tôi có tổ chức một cuộc họp ở nhà riêng và tôi đã xin phép Trưởng ấp. Việc kéo đến đây là do ý kiến chung của dân xóm chợ không ai cầm đầu cả...
Người cảnh sát:
- Vậy chúng tôi xin mời ông về Ty luôn...
Lúc ấy, một người cảnh sát khác đang cầm loa phóng thanh nói với đám đông:
- Chúng tôi xin loan báo cho bà con được biết: cuộc họp của bà con hôm nay là bất hợp pháp, chúng tôi đã được lệnh tạm giữ những người cầm đầu, riêng phần bà con, chúng tôi yêu cầu bà con giải tán trong vòng trật tự. Nếu không, buộc lòng chúng tôi phải đưa bà con về ty...
Có vài tiếng la ó phản đối trong đám đông. Một người nói:
- Chúng tôi đến đây để đưa thỉnh nguyện chứ đâu có làm loạn...
- Chúng tôi yêu cầu bà con giữ im lặng và giải tán...
Đằng này, ông Phủ, ông Hiền và bố tôi đang phân bày với người cảnh sát chỉ huy. Không biết ba người lớn nói gì mà người cảnh sát chỉ lắc đầu. Cái Loan gọi:
- Bố ơi!
Bô tôi quay lại:
- Cái Loan đấy hở? Mẹ mày đâu rồi?
Mẹ tôi rươm rướm nước mắt:
- Tôi đây... ông có sao không?
- Họ cho đòi tôi và bác Phủ, bác Hiền về ty...
- Khổ thân tôi...
- Đã ngả ngũ ra sao đâu
Mẹ tôi tấm tức khóc:
- Tôi đã bảo mà ông không chịu nghe...
- Nghe với không nghe cái gì... Đàn bà... có nín đi không thì bảo?
Giọng bố tôi hơi gắt. Mẹ tôi rất kính nể chồng, thấy ông gắt, mẹ vội lau nước mắt, đứng im.
Người cảnh sát nói với ông Phủ, ông Hiền và bố tôi:
- Xin mời các ông theo tôi...
Ông Phủ, ông Hiền và bố tôi nhìn nhau rồi lặng lẽ bước theo người cảnh sát ra xe. Mẹ tôi bật khóc:
- Ông ơi! Ông bỏ mẹ con tôi rồi!
Đám đông cũng xôn xao hẳn lên khi thấy ba người bị đưa lên xe cảnh sát. Những tiếng “đả đảo” vang lên át hẳn tiếng loa phóng thanh yêu cầu giải tán.
Tôi bấu chặt lấy tay mẹ tôi, môi run run vì lo, vì sợ. Cái Loan khóc theo mẹ tôi, cái Trâm mới đỏ đôi mắt nhìn đăm đăm về phía bố tôi. Bố tôi chợt quay sang người cảnh sát nói gì đó, và ông ta gật đầu. Sau đó, ông ta dẫn bố tôi tiến về phía người cảnh sát đang cầm loa phóng thanh. Ông ta bảo người cảnh sát kia trao loa phóng thanh cho bố tôi. Bố tôi hướng về phía dân xóm nói:
- Thưa các bác, cuộc họp của chúng ta với mục đích tạo một tiếng vang tuy gặp rắc rối, nhưng tôi nghĩ rằng đã thành công . Nghĩa là tiếng nói của chúng ta đã được chính quyền lưu tâm. Bác Phủ, bác Hiền và tôi được lệnh lên trình diện ở Ty cảnh sát tỉnh. Chúng tôi xin hứa với các bác, xin hứa với dân xóm là chúng tôi sẽ trình bày hết những nỗi khốn khó của xóm chúng ta được giải quyết mau lẹ. Bây giờ, tôi xin các bác một điều: các bác hãy giải tán, ai về nhà nấy lo làm ăn bình thường... Mong các bác vị tình tôi...
Sau lời kêu gọi của bố tôi, dân xóm mới chịu giải tán. Thấy đám đông đã phân tán, người cảnh sát ngỏ lời cám ơn bố tôi rồi lại mời bố tôi lên xe, bố tôi xin phép được nhắn với mẹ con tôi ít điều. Bố tôi nói với mẹ tôi:
- Ở nhà cứ đi lấy báo về bán như thường, cho mấy đứa trẻ nghỉ học...
Dặn tôi:
- Thằng Tấn còn ốm, đừng đi đâu chơi nghe không, ở trong nhà cho chóng khỏi...
Dặn cái Trâm, cái Loan:
- Mẹ chúng mày có sai gì thì phải nghe lời, không được cãi, nghe chưa? Bố về, bố nghe mẹ mách chúng mầy hỗn thì có mà no đòn đấy...
Mẹ tôi hỏi:
- Rồi .. rồi liệu bao giờ ông về được?
- ... không chừng chiều nay tôi về được rồi... À này, thằng Phúc xuống thì dặn nó đợi tôi ít hôm...
Bố tôi quay đi, leo lên xe cảnh sát ngồi cạnh ông Phủ, ông Hiền. Hai ông này cũng vừa dặn dò vợ con xong xuôi. Người cảnh sát tài xế cho xe chạy. Tiếng còi hú lên thật to rồi nhỏ dần theo bóng chiếc xe mất hút về cuối đường.
Tôi quay nhìn lại mẹ tôi. Mẹ tôi òa lên khóc. Cái Trâm, cái Loan khóc theo. Tôi cũng hu hu bưng mặt... Tiếng cái Loan:
- Mẹ ơi! bố đi bao giờ mới về?
Chương 8
Chiều chủ nhật, tối chủ nhật, sáng thứ hai, chiều thứ hai, tối thứ hai, rồi sáng thứ ba, bố tôi vẫn chưa về. Ông HIền, ông Phủ cũng thế, bặt tin.
Có xa vắng, mẹ con tôi mới thấy rõ rằng sự có mặt của bố tôi trong gia đình là cần thiết. Bình thường, thật khó nhận ra vai trò quan trọng của người trưởng gia đình, nếu có, tôi nghĩ cũng chỉ rất lờ mờ. Thiếu bố tôi, muốn giải quyết một việc gì, mẹ tôi không quyết định dứt khoát được. Cái Trâm bảo để con trông sạp báo, mẹ lên tỉnh nghe ngóng tin tức bố xem sao? Mẹ tôi nói phải, song lắc đầu ngay mà rằng mày còn bé lắm, phải để thằng Tấn ngồi trông, mày trông nhà, mà cũng không được nữa, mày mà trông nhà thì tao chẳng yên tâm được, thôi, chả đi đâu hết, bác Phát bác ấy đi hộ rồi. Tao tính thế có phải không Tấn?
Vai trò của tôi bây giờ được đôn lên hàng quan trọng. Nhưng tôi không thấy hãnh diện chút nào, mà còn lo ngay ngáy nữa. Chả biết việc tôi giải quyết cách đó có đúng ý bố tôi không? Chả hiểu việc kia tôi làm thế nọ bố tôi về có bằng lòng không? Tôi còn bé quá mà, mới mười hai gần mười ba tuổi đầu.
Ông Phát chạy đi , chạy lại liên lạc trên tỉnh để dò hỏi tin tức của ba người bị bắt, nhưng chỗ này chỉ chỗ kia, chỗ kia đẩy sang chỗ nọ, loanh quanh mà không được trò gì. Chúng tôi chỉ được một tin duy nhất từ sau khi bố tôi bị bắt là tin ba người vẫn bình yên, người nhà đừng lo lắng gì hết.
Đừng lo lắng gì hết! Làm sao không lo lắng được. Hết sáng thứ ba này là đúng ba ngày rồi, gia đình tôi vắng người lèo lái mọi sinh hoạt. Mẹ tôi có lên tỉnh hai lần vào tối chủ nhật và tối thứ hai để nhờ người quen trên ấy chạy chọt hộ bố tôi nếu chẳng may bố tôi bị gặp rắc rối. Mẹ tôi cũng đã tìm anh Ngọc và nhờ anh. Anh tiếp tin với sự ngạc nhiên khôn tả, sau đó, anh hứa sẽ liên lạc hỏi thăm hộ, dù gì, anh cũng ở Tiểu Khu, có thể nhờ vả được.
Về phần cái xóm nhỏ này, bây giờ tôi đã hết biết tâm trạng của tôi đối với nó thế nào nữa? Oán hận nó ư? Oán hận trời mưa ngập lụt, oán hận những con hẻm chật chội bẩn thỉu? Dân xóm nữa. Mẹ tôi bận liên miên,, người này hỏi thăm một câu, người kia an ủi một câu... Có một điều đã làm tôi thấy vui vui trong nỗi buồn lo mấy ngày nay là tôi được nghe rất nhiều người bàn tán phê bình đẹp về bố tôi. Họ nói bố tôi là một người rất tốt , dù sắp dọn nhà lên tỉnh cũng tham gia tranh đấu với dân xóm để đến nỗi bị vạ lây.
Tôi lại nghĩ đến việc gia đình tôi sắp dọn nhà lên tỉnh... Và tôi bỗng thấy hiện diện thật rõ sự xa lạ của gia đình tôi nơi căn nhà mới trên ấy, đồng thời, sự thân mật quen thuộc của chúng tôi với cái xóm nhỏ này...
Dù bồn chồn lo lắng về tình trạng của bố tôi, nơi sạp báo vào buổi trưa thứ ba, mẹ tôi và cái Trâm vẫn phải làm công việc thường lệ là mở máy phát thanh nghe xổ số, ghi kết quả lên giấy cứng, treo nơi sạp báo cho khách hàng dò số trúng.
Tôi đem tiền ra cho mẹ tôi để xem có ai trúng số, đem đổi không? Lúc ấy, cái Trâm đang loay hoay treo tấm bảng kết quả. Cái bảng vừa treo xong, hai ba người đi đường đã ghé lại, móc vé số trong túi ra dò, và cả mấy người đó cùng lắc đầu thở dài than
- Thế là toi mấy chục bạc!
Kỳ này, vé số mẹ tôi bán còn thừa rất ít. Ấy cũng nhờ những người láng giềng cùng xóm lúc ghé lại hỏi thăm bố tôi, thấy có vé số, mua một hai tấm. Ấy, lúc mình hoạn nạn thì láng giềng đâm ra rộng rãi, chẳng như ngày thường, mời mọc mãi cũng chẳng mua một tấm vé, còn hỏi trêu: ”Vé số có trúng không mà mời tôi mua?”
Cái Trâm lấy mấy cái vé còn thừa ra dò, tôi cười nói:
- Trúng mỗi vé bốn chục rồi...
Mẹ tôi:
- Này, có về trông nhà không? Để nhà trống thế đấy hở?
- Có cái Loan ở nhà rồi, mẹ cho con ở đây chơi một tí đã...
Bỗng có tiếng cái Trâm kêu lên:
- Trúng rồi!
Rất nhiều lần cả nhà tôi bị nó lừa, giả vờ kêu trúng để mọi người châu đầu vào xem, bấy giờ mới bật ngửa ra rằng... chả trúng gì hết! Em gái tôi tuy kém thông minh, kém trí nhớ nhưng nếu xét về phương diện này, nó cũng láu lắm đó chứ! Mẹ tôi dí tay vào trán nó mắng:
- Mày lại định lừa tao đấy phải không?
Cái Trâm ấp úng:
- Con không lừa mẹ đâu... trúng thật mà...
Gương mặt ngẩn ngơ của nó, thêm bàn tay cầm cái vé số run run khiến mẹ con tôi cũng có linh cảm nó đã nói thật. Mẹ tôi cúi xuống tấm vé số:
- Tấm này hở? Trúng bao nhiêu?
Tôi liếc qua hai số cuối của tấm vé số rồi tìm trên bảng kết quả. Hai con số cuối đó không có ở lô trúng bốn trăm , cũng không ở lô hai ngàn, không nốt ở lô bốn ngàn, nó nằm ở một lô đến sáu con số...
- Trúng hai trăm ngàn!
Tiếng em gái tôi vang lên làm tim tôi đập mạnh. Mẹ tôi cầm tờ vé số đưa cho tôi:
- Đâu mày xem lại xem có phải không Tấn?
Giọng mẹ tôi run run. Tôi cầm tờ vé số , lẩm nhẩm đọc sáu con số trên đó rồi nhìn lên tấm bảng kết quả... Trúng thật rồi... Tôi đang cầm trên tay tờ vé số trúng hai trăm ngàn. Gia đình tôi giàu rồi... Đến lượt tôi run giọng
- Trúng... trúng thật rồi... mẹ à...
Mẹ tôi đưa hai tay ôm ngực:
- Cảm ơn trời phật đã giúp đỡ chúng tôi...
Tôi đưa trả tờ vé số cho mẹ. Mẹ tôi bỏ vào túi áo, lấy kim băng gài túi lại cẩn thận. Lúc này, chúng tôi mới để ý đến những người khách đứng dò số nơi sạp báo. Có lẽ họ đã chứng kiến mọi việc. Một người cười nói:
- Thế là bà hàng có quyền mở tiệc ăn khao rồi đấy nhé!
Một người khác kể lể:
- Chả bù với tôi, quanh năm chẳng trúng lấy một cắc...
Cái Trâm:
- Để con chạy về cho cái Loan biết mẹ nhé!
Mẹ tôi:
- Này đừng có khoe ai đấy nhé, cái mồm mày thì khiếp lắm đấy...
Cái Trâm cười toe toét:
- Con chả khoe ai đâu...
Nó đi rồi, tôi nói với mẹ:
- Con cũng về mẹ nhé!
Mẹ tôi:
- Không, mày ở đây trông sạp báo hộ mẹ, tao sang nhà bác Phát gửi bác ấy tấm vé số mới được... Bác ấy giữ, mình yên tâm hơn...
- Mẹ hỏi thăm tin tức của bố luôn nghe mẹ!
- Ừ... mày tưởng tao quên đấy hở?
Lòng tôi rộn lên một niềm vui. Tự nhiên tôi có ý nghĩ thật tốt lành về trời đất. Tôi tin thế nào bố tôi cũng được về. Về dể cùng mừng với mẹ con tôi chứ... trúng đến hai trăm ngàn cơ mà...
Mẹ con tôi đang ngồi bàn bạc về số tiền trúng được thì bố tôi về. Tôi chạy lại ôm chầm lấy bố:
- Bố về!
Bố tôi bế cái Trâm, cái Loan, mỗi đứa một bên tay xem nhẹ hẫng. Bố ghé sát má hai đứa hôn lấy hôn để. Mẹ tôi mừng đến phát run:
- Ông... ông được họ tha rồi à?
Bố tôi:
- Ừ... tôi được tha rồi... À mà không, tha cái gì, mình có tội đâu mà tha...
- Họ không bắt tội ông à?
Bố tôi đặt cái Trâm, cái Loan xuống, kéo ghế ngồi:
- Thong thả rồi tôi kể cho nghe... Tôi mới về, không cho tôi uống nước uống nôi gì cả sao? Giàu rồi quên tôi phải không?
Tôi hỏi:
- Thế ra bố biết nhà mình trúng số rồi à?
- Chứ sao không biết. Vừa về đến đầu ngõ đã nghe người ta kể chuyện mẹ con nó trúng hai trăm ngàn rồi... Sao mà khéo quảng cáo thế?
Mẹ tôi, lâu lắm rồi, mới được dịp tiêu tiền rộng rãi:
- Thằng Tấn đi ra đề-bô mua cho bố mày chai bia...
Bố tôi:
- Mẹ con mày mỗi người một chai cô-ca nữa... Mình ăn mừng...
- Mừng gì bố?
- Thì mừng bố được về, mừng mẹ con mày trúng số chứ gì!
Đến hai nỗi mừng cơ. Mừng quá... mừng quá...
Thế là nguyện vọng của dân xóm đã được giải quyết phần nào. Ba người bị bắt : ông Hiền, ông Phủ và bố tôi, đã thành công khi trình bày tất cả những khốn khó của khu xóm cho ông Trưởng Ty biết. Nội vụ được đệ trình lên cấp có thẩm quyền cao hơn. Chiều thứ ba thì ông Hiền, ông Phủ và bố tôi được đưa lên gặp ông Chủ tịch hội đồng tỉnh. Ông Chủ tịch thì không biết ông Hiền, ông Phủ, nhưng với bố tôi thì trước kia , khi bố tôi còn đi thầu, đã gặp ông nhiều lần. Chỗ quen biết, mọi việc trôi xuôi dễ dàng. Ba người đại diện khu xóm đưa lên ông Chủ tịch nhiều đề nghị, nhưng cuối cùng, sau khi bàn thảo kỹ lưỡng, việc chống lụt vẫn chưa đi đến đâu, vì không ai tìm ra cách giải quyết toàn vẹn cả. Ông Chủ tịch hứa sẽ xin với ông Tỉnh cấp ngân khoản cho việc ấp để đặt một dãy cống làm hệ thống thoát nước, tuy không tránh được sự ngập lụt trong xóm tôi, nhưng cũng đỡ phần nào. Riêng xóm tôi, tỉnh sẽ cho mắc công-tơ điện để ban đêm có ánh sáng, những ngày mưa ngập, tối có lau chùi nhà cửa, có ánh sáng nó vui hơn.
Sau hai cuộc họp mà lần nào, cảnh sát cũng đến hỏi giấy phép. Lần này, cuộc họp thứ ba được tổ chức ở sân trụ sở ấp, có lính gác bảo đảm an ninh đàng hoàng. Dân xóm tôi tụ tập nơi đó thật đông để nghe ông Hiền, ông Phủ và bố tôi trình bày tự sự. Từng tràng pháo tay vang dội, từng loạt hoan hô ầm ĩ làm mẹ con tôi đứng dưới chứng kiến thấy hãnh diện quá. Ông Hiền, ông Phủ và bố tôi đã trở thành những anh hùng của khu xóm rồi.
Ông Hiền đưa thêm một đề nghị với dân xóm :
- Chúng ta sẽ đóng góp nhau để mua vật liệu xây hai bên các đường hẻm những bức tường thấp chừng ba bốn tấc. Nếu hệ thống cống được hoàn thành, chắc chắn mực nước ngập sẽ hạ xuống. Có cá bức tường ngăn, chúng ta sẽ tránh được tình trạng nước tràn vào nhà, tôi thấy như vậy, đỡ được rất nhiều việc, chẳng hạn chúng ta sẽ khỏi lau nhà, tát nước... mỗi lần mưa lớn nữa. Các bác nghĩ thế nào?
Mọi người cùng tán đồng ý kiến đó và cử ông Hiền phụ trách việc quyên tiền.
Lúc cuộc họp chấm dứt, mẹ tôi về trước lo cơm nước. Anh em tôi ở lại về cùng bố. Ông Hiền, ông Phủ cùng đến bắt tay bố tôi:
- Chúng mình đã thành công rồi!
Ông Hiền:
- Hôm nay là ngày tôi cảm thấy sung sướng nhất...
Ông Phủ:
- Bác có thấy không, dân xóm cùng như rất bằng lòng tư cách đại diện của ba anh em ta... Bao giờ cống thoát nước đặt xong, tường ngăn quanh xóm này xong, có lẽ tôi sẽ mở một buổi tiện ăn mừng. Nhất định phải có mặt các bác đấy nhé! À , mà bác Khang... chắc lúc ấy thì bác đã ở tên tỉnh rồi còn gì...
Bố tôi lắc đầu nói:
- Không đâu bác ạ, tôi sẽ ở lại... Tôi đã nghĩ kỹ rồi, tôi sẽ không dọn nhà đi đâu cả...
Ông Hiền vỗ vai bố tôi:
- Bác nói thật thế hở? Giời ơi! Thật vạn hạnh cho khu xóm chúng tôi...
Bố tôi:
- Khu xóm của tôi nữa chứ...
Rồi bố quay sang hỏi anh em tôi:
- Sao? Tấn, Trâm , Loan? Chúng mày thấy thế nào? Chúng mày thích ở đây hay thích lên tỉnh?
Ba người lớn cùng nhìn đăm đăm vào ba anh em tôi. Tôi nói:
- Con thích ở đây hơn...
Cái Trâm:
- Con cũng vậy...
Cái Loan:
- Con sẽ không sợ bị ngã đến nỗi uống nước phình bụng nữa, bố nhỉ?
Ông Hiền, ông Phủ và bố tôi cùng cười. Tôi thấy ba nụ cười đó cùng tươi như ba đóa hoa, ba đóa hoa thật đẹp...
ĐOẠN KẾT
Bây giờ là mùa mưa thứ hai kể từ ngày gia đình tôi dọn lên ở xóm này. Dù đã được đặt hệ thống cống thoát nước, dù đã xây tường quanh các đường hẻm, thỉnh thoảng, khi trời mưa thật lớn, nước mưa vẫn tràn ứ qua những bức tường ngăn, ào vào nhà chúng tôi. Những lần như thế, chúng tôi lại phải tát nước , lau nhà như trước. Nhưng không phải chúng tôi làm việc dưới ánh đèn dầu lờ mờ nữa, mà dưới ánh đèn điện sáng choang.
Những buổi chiều mưa, nước đằng cổng chợ vẫn ngập ứ, xe cộ vẫn chết máy la liệt. Có khác năm trước một điều là tôi đã vào được đệ thất trường công trên tỉnh, không còn cái thú về học, lội nước ngang vùng ấy nữa. Nhưng bù lại, với chiếc xe đạp cũ của bố tôi, bố tôi đem sơn lại cho tôi đi học, một lúc nào hứng chí, tôi chở cái Trâm hay cái Loan chạy ngoài đường, len lỏi giữa những chiếc xe lam, những chiếc xe hơi chết máy. Để nhớ lại một hôm xa xưa, bố tôi chở tôi về học. Để co chân thật cao mỗi khi xe đảo vào chỗ nước ngập. Để nghe tiếng nước rẽ rèn rẹt dưới bánh xe...
Gia đình tôi không một ai còn tỏ ý than thở về những tiện nghi thiếu thốn trong khu xóm nữa. Cũng không ai hối hận chút nàovề quyết định ở lại đây. Chúng tôi đã tham gia vào sinh hoạt của khu xóm, đã thực sự trở thành dân xóm.
Bố tôi vẫn đi bán phở, mẹ tôi vẫn trông sạp báo và vé số. Tối đến, hôm nào không có bài vở phải soạn hay học, tôi theo bố tôi đi bán phở. Không còn một chút mặc cảm trong tôi. Tôi vui vẻ và hãnh diện khi bưng phở vào nhà khách. Dĩ nhiên, càng bán phở lâu, tôi càng sợ mùi phở, nhưng tôi yêu cái tên quen thuộc của tôi mà người trong xóm đã gọi “thằng con ông bán phở”
Vâng, tôi yêu những tiếng thương mến đó. Như yêu căn nhà chật hẹp của gia đình tôi. Như yêu những con ngõ rác rưới, ổ gà, nhô ra, thụt vào. Như yêu những chiều mưa ngập lụt.
Tôi yêu xóm nhỏ của tôi vô cùng.
Phúc Hải, mùa mưa 1971
NGUYỄN THÁI HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét