Chương 1
Ngày gia đình tôi phải rời bỏ căn nhà cũ là một ngày thật buồn. Không buồn sao được khi nơi đó còn biết bao kỷ niệm buồn vui, nơi đó anh em tôi đã sinh ra đời, đã lớn khôn, đã đùa nghịch, đã phá phách, bố mẹ tôi đã sửa sang, đã bồi đắp. Cho đến bây giờ, tôi không còn nhớ rõ được rằng đầu tiên, căn nhà của gia đình tôi ra sao? Nhưng tôi biết chắc là nó được sửa sang rất nhiều, nghĩa là bố mẹ tôi đã phải tốn vào đấy bao mồ hôi, công khó.
Thế mà bố mẹ tôi phải treo bảng bán. Buổi tối hôm ấy, bố tôi lấy đâu ra một miếng các-tông khá vuông vức đặt lên bàn học của anh em tôi rồi sai cái Trâm đi mua đồng bạc phấn. Tôi đang ngồi tập viết cho cái Loan, thấy thế mới hỏi:
- Mua phấn làm gì vậy bố?
Bố tôi nhếch mép cười- nụ cười thật lạ lùng, trông như mếu - Bố không trả lời câu hỏi của tôi mà hỏi ngược lại:
- Mầy có viết hộ bố mấy chữ lên đây (Bố vừa chỉ lên tấm các-tông) có được không?
- Có cần viết đẹp không hở Bố?
- Đẹp hở... ờ ... đẹp càng hay...
- Nhưng viết gì cơ?
Lại một lần nữa bố tôi nhếch mép cười như mếu. Sau đó , bố thở dài và nói:
- Bố nhờ mày viết hộ bố mấy chữ như thế này... Hai chữ thôi... Mà không ... Năm chữ tất cả... Hàng trên mày viết : Nhà bán, hàng dưới viết: Hỏi tại đây...
Tôi mở tròn đôi mắt, cái miệng hơi chu ra. Bán nhà? Bố tôi bán nhà? Gia đình tôi sa sút đến độ phải bán nhà sao? Sao bấy lâu nay, tôi chả nghe bố mẹ tôi đá động gì đến chuyện làm ăn thua lỗ? Căn nhà này rồi sẽ về tay người khác? Thật thế sao?
Như đọc được ý nghĩ của tôi, bố tôi trầm giọng kể:
- Mấy tháng nay bố mẹ làm ăn thua lỗ quá, thầu chuyến nào là y như rằng lỗ vốn chuyến ấy. Bố mẹ không dám cho các con biết vì bố mẹ không muốn các con bận tâm về việc tiền bạc trong gia đình, bố mẹ định thầu thêm vài chuyến nữa may ra có vớt vát được gì không? Chả ngờ... Đến nay thì tình thế bắt buộc, không cho các con biết không được. Bố định bán nhà rồi xoay sang nghề khác...
Tôi hỏi chận:
- Bố đổi nghề thì cứ đổi, sao lại phải bán nhà?
- Cái nghề mới của bố, bố thấy không cần đến ngôi nhà này. Vả lại, bố cần một số tiền để trang trải nợ nần...
Cái Trâm mua phấn về. Bố tôi trao cho tôi một viên, khẽ nói:
- Viết cho Bố đi, hàng trên hai chữ “Nhà bán”, hàng dưới chữ “hỏi tại đây”, nhớ viết cho đèm đẹp...
Tôi ngước nhìn Bố. Tôi thấy bố tôi cười mà đôi mắt long lanh ngấn lệ. Bố tôi vẫn hay bảo: đàn ông con trai mà khóc thì yếu lắm . Thế mà...
Tôi cúi xuống và bắt đầu viết lên tấm các-tông hàng chữ như bố tôi vừa dặn. Cái Trâm đứng tựa bàn chăm chú theo dõi. Cái Loan cười toe toét khen:
- Anh Tấn viết đẹp ghê!
Tôi viết xong, ngước nhìn bố tôi lần nữa. Lần này, tôi không còn thấy ông cười nữa.
Tấm bảng rao bán nhà được treo trước cửa nhà tôi độ bốn năm hôm thì có người đến hỏi. Lúc khách đến, bố tôi không có nhà, mẹ tôi thay mặt dẫn họ đi xem xét khắp nơi trong nhà. Khách có vẻ bằng lòng lắm, ông ta hẹn gặp bố tôi vào sáng hôm sau. Và rồi giá cả xong xuôi, dễ dàng một cách không ngờ.
Bố tôi bảo cái Trâm ra hạ tấm bảng bán nhà xuống. Nhà tôi đã bán mất rồi.
Phải mất ba chuyến xe lam đầy, đồ đạc của gia đình tôi mới di chuyển hết. Tôi chưa từng sống những phút giây biệt ly giữa người và người. Nhưng tôi chắc rằng buổi chiều hôm ấy, buổi chiều ly biệt giữa tôi và căn nhà cũ, dù là giữa người và một vật vô tri, cũng chẳng kém thâm tình thân thiết.
Từng món đồ được khiêng ra xe, từng phút giây căn nhà trở nên trống trãi hơn. Bao kỷ niệm buồn vui trong căn nhà này từ nay sẽ rời xa tôi mãi mãi rồi. Hết còn ngày một buổi, tôi, cái Trâm, cái Loan, đứa nọ đùn cho đứa kia múc nước lau nhà, rồi cãi nhau chí chóe, rồi chê nhau lau nhà không sạch, chê nhau lau nhà lâu, chê nhau làm không kỹ... hết rồi những buổi tối bố con tôi nằm lăn trên nền gạch vừa chuyện trò, vừa đùa nghịch. Hết rồi...
Lúc món đồ cuối cùng được đem ra xe, người chủ mới cũng vừa đến. Mẹ tôi, cái Trâm, cái Loan đã về nhà mới trong hai chuyến xe trước. Chuyến thứ ba này chỉ còn bố con tôi. Bố tôi bắt tay người chủ mới từ giã. Tôi lí nhí chào ông ta. Ông ta cười thật tươi, lấy tay xoa đầu tôi và nói:
- Cháu đi mạnh giỏi nhé. Hôm nào rảnh về đây chơi.
Bố tôi ngồi ghé trên hộp đồ nghề của chiếc xe lam gắn cạnh tài xế. Tôi ngồi đằng sau xem chừng đồ. Chiếc xe lam như sắp hỏng máy, tiếng máy nổ bùng bục không đều, thỉnh thoảng bị tắc nghẹn như ông cụ khục khặc ho. Tôi ước chi nó hỏng máy để tôi được thêm ít phút nữa mà nhìn ngắm căn nhà lần cuối cho thỏa. Thế nhưng cái xe kỳ khôi vừa ho lục bục, lại vừa lăn bánh đều!
Người chủ mới của căn nhà chúng tôi đứng trước cửa, đưa tay vẫy. Bố tôi ngoái lại vẫy trả. Tôi cũng bắt chước bố tôi. Nhưng khơng phải vẫy chào người đã tước đoạt của tôi bao kỷ niệm nơi căn nhà cũ, mà vẫy chào căn nhà thân yêu, vẫy chào bốn bức tường gạch quét vôi vàng, cánh cửa ra vào màu xanh lá cây, mái ngói chỗ mới thay đỏ au, chỗ cũ xì mốc thếch.
Vĩnh biệt nhau rồi, căn nhà cũ thân yêu của tôi ơi!
Vào lúc chúng tôi dọn nhà thì lũ bạn cùng xóm của tôi, của cái Trâm bận đi học, không có đứa nào đến tiễn anh em tôi cả. Nhưng nơi căn nhà mới, tôi thấy thật nhiều trẻ đứng sẵn như đón chào. Đâu mười mấy đứa. Tôi nghĩ, trước sau gì thì tôi với chúng cũng quen nhau, thành bạn bè nhau, nên vừa nhảy ra khỏi xe, tôi đã quay về phía chúng, cười duyên một nụ. Thế mà có hiệu quả ngay. Một đứa cười đáp lại, nó hỏi tôi:
- Hết chưa mày?
Tôi đáp :
- Hết rồi.
Nó:
- Nhà mày nhiều đồ ghê!
Nhà tôi quả nhiều đồ đạc thật. Và đó chính là đầu mối gây ra sự rắc rối tối hôm ấy. Ba chuyến xe lam đồ đạc thu gọn vào một căn nhà ba thước rưỡi bề ngang, sáu thước hơn bề dài hỏi làm sao không chật chội. Bố tôi kê đi, mẹ tôi sửa lại, tôi bàn vào, cái Trâm tản ra... Đống đồ đạc suốt tối hôm ấy được dịp chạy lăng quăng khắp nơi trong nhà. Cuối cùng, chỉ có vài món được yên thân yên chỗ. Đó là cái giường lớn của mẹ tôi, cái Trâm, cái Loan; cái giường con của bố con tôi; cái tủ đứng và bộ bàn ghế! Kỳ dư, bao nhiêu đồ đạc khác, nằm la liệt chỗ này một món, chỗ kia một món, hôm sau tính.
Thời gian đi thật nhanh khi người ta làm việc. Thu dọn đồ đạc chỉ mới được chừng đó mà đồng hồ đã chỉ tám giờ hơn. Bấy giờ mẹ tôi và cái Trâm mới đi sửa soạn thổi cơm. Cái Trâm, em gái tôi thật ngoan và đảm đang. Mới mười tuổi đầu mà nó đã biết thổi nồi cơm, làm vài món ăn thông thường. Khi còn ở nhà cũ trên tỉnh, gia đình bề thế, mẹ tôi dạy nó làm bếp chỉ để có dịp khoe con gái mình với khách khứa; giờ đây, buổi tối đầu tiên nơi căn nhà mới chật hẹp, và rồi còn nhiều ngày nối tiếp nữa, em gái tôi có phải làm bếp thì thực sự là làm bữa cho gia đình no lòng, chứ không còn tính cách là để làm dáng như trước nữa. Với cái Trâm, tôi chỉ thương nó nhất ở điểm này: nó rất chăm chỉ nhưng lại kém thông minh, kém vô cùng. Tôi nhớ có một lần tôi cho nó làm toán. Bài toán chẳng có gì là khó hiểu, tôi chỉ giảng sơ qua và tưởng thế là đủ. Ngờ đâu em gái tôi lắc đầu mà rằng:
- Em chả hiểu gì cả!
Tôi giận quá , suýt chút nữa buột miệng mắng em nếu không kịp nghĩ rằng có lẽ tại tôi giảng chưa kỹ nên nó chưa hiểu. Tôi giảng lại từ đầu và giảng thật chậm. Để chắc ý, sau mỗi câu, tôi đều hỏi nó:
- Có hiểu không?
Em gái tôi gật đầu nói “hiểu”, để rồi sau đó, khi giảng hết bài toán, nó lại lắc đầu:
- Em chả nhớ gì hết!
Tôi hết dằn được, giơ tay cốc vào đầu nó một cái, miệng mắng:
- Sao mày ngu thế?
Em gái tôi không khóc ngay khi ấy. Nó lấy tay che mặt sợ tôi đánh nữa, mắt lấm la lấm lét. Tôi thấy hối hận, định mở lời xin lỗi. Đúng lúc ấy, bố tôi đi làm về. Cái Trâm không mách bố tôi, và lúc này nó vẫn chưa khóc. Nhưng rồi sau đó, tôi bắt gặp nó ôm mặt nức nở trước cuốn tập toán trong một góc nhà. Tôi biết rõ lắm, em gái tôi tủi thân.
Chín giờ tối hôm dọn nhà, mẹ tôi và cái Trâm dọn cơm ra. Bữa cơm thật đạm bạc nhưng vì suốt buổi chiều quần quật với công việc, bụng ai nấy đã đói meo, cả nhà cùng ăn thật ngon lành. Nồi cơm hôm ấy hết sạch. Cái nồi sạch nhẵn, một hình ảnh kỷ niệm mà không bao giờ tôi quên được trong bữa cơm đầu tiên của những ngày cơ cực.
Ngày hôm sau, rồi nhiều ngày sau nữa, gia đình tôi mới thu xếp chỗ để các vật dụng trong nhà được gọn gàng. Hẳn là chật như nêm. Và có nhiều thay đổi nữa. Ở nhà cũ, chúng tôi có một bộ sa-lông, một cái bàn ăn học cho anh em tôi, một cái bàn ăn dưới bếp. Lên đây, bộ sa-lông về tay người khác, đổi cho bố mẹ tôi một món tiền. Chiếc bàn học của anh em tôi bây giờ kiêm luôn ba việc: để tiếp khách, để ngồi học, và ... để ăn cơm. Còn chiếc bàn ăn cũ? Nó phải nằm sát góc nhà giơ mặt ra chịu đựng nào hai cái bếp dầu hôi, nào chai, lọ, đèn, đóm cùng những vật dụng linh tinh khác của một cái bếp.
Đấy! cứ nhìn đấy thì đủ thấy cảnh sa sút của gia đình tôi. Sa sút một cách thình lình không ngờ. Mười mấy năm trời nay, tuy không khá giả lắm, nhưng chúng tôi sống sung túc nơi tỉnh thành, tiện nghi đầy đủ. Nơi căn nhà mới, một xa cách rõ rệt với căn nhà cũ, bố mẹ tôi hẳn buồn lắm. Cứ nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của mẹ thì rõ. Đôi khi tôi đã thấy mẹ tôi khóc. Tôi hiểu sự xót thương của những giọt nước mắt đó. Không phải để tiếc nuối những ngày sung sướng đã qua, mà vì lo cho anh em tôi, ba đứa con đã quen sống trong nếp sống đầy đủ, nay phải chịu đựng cảnh bần hàn. Nỗi lo lắng của mẹ tôi không phải là không có lý đâu, mà thật có lý. Vì cho đến tôi, tuy đã hiểu được phần nào hoàn cảnh gia đình, đã tự nhủ là sẽ cố chịu đựng những ngày thiếu thốn, mà còn thấy bực bội nữa là hai em tôi, chúng đã biết suy nghĩ gì?
Bố tôi thật đúng là một người bình tĩnh rất mực. Và còn khéo thích nghi với hoàn cảnh mới nữa. Nét mặt của ông bình lặng vô cùng. Một đêm, vừa thiu thiu ngủ, tôi giật mình vì tiếng trò chuyện của bố mẹ. Mẹ tôi than van và tỏ ý lo ngại cho anh em tôi. Bố tôi để mẹ tôi nói hết rồi mới ôn tồn rằng:
- Mẹ nó cứ để mặc tôi. Rồi tôi sẽ tìm cách nói cho con hiểu mà vui vẻ chấp nhận cuộc sống này. Tôi vẫn hy vọng trời thương , giúp mình đủ tiền lên tỉnh, tìm được căn nhà kha khá và làm cái nghề gì có danh giá một tí... Hy vọng rằng mình sẽ ở đây không lâu...
Vâng, con cũng hy vọng như thế đó bố. Hy vọng rằng gia đình mình sẽ trở lên tỉnh một ngày gần đây...
Chương 2
Dù đã nhủ mình phải cố hòa đồng vào nếp sống mới của gia đình, tôi cũng thấy rằng tôi khó mà thích hợp, mà chịu đựng được.
Trước tiên là những tiện nghi vật chất. Căn nhà mới của gia đình tôi, như tôi đã kể, chỉ là một căn nhà với ba thước rưỡi bề ngang, hơn sáu thước bề dài, nằm trong môt xóm nhỏ khoảng trăm nóc gia. Chừng đó gia đình, chừng đó căn nhà lúp xúp, nghèo nàn, chen lấn nhau trong một khoảng đất biệt lập.
Thật ra , gọi là biệt lập thì không đúng lắm. Vì tuy xóm tôi trơ vơ thật đấy- phía trái và sau lưng là ruộng, phía mặt là một khu rừng, nhưng đằng trước , cách một con đường, là một ấp nhỏ, tuy chẳng mấy gì sang trọng nhưng cũng danh giá hơn xóm tôi ở nhiều. Ruộng lúa và rừng thưa đã ôm trọn xóm tôi như một ông chủ đứng giữa bồ lúa, trong khi thật sự không một gia đình vào trong xóm đứng ra canh tác một thước ruộng.
Theo lời bố tôi kể, cái xóm nhỏ này được thành lập trong một trường hợp thật đặc biệt. Hồi đó, dân trong xóm đều là những người chạy giặc.Chính phủ định giúp đỡ bằng cách định cư họ trong vùng đất cuối khu rừng- tức là cách địa điểm hiện tại chừng hai cây số. Hẳn nhiên chính phủ cho xe ủi đất, trợ cấp vật dụng để dân xóm dựng nhà cửa. Nhưng sống như vậy có khác gì tự bó chân một chỗ. Từ nơi định cư đến căn nhà đầu tiên của khu ấp phía bên kia đường cũng cả cây số, nói gì đến chợ búa nằm giữa ấp. Làm sao dân trong xóm buôn bán, sinh hoạt được? Bàn ra, tán vào, cuối cùng mọi người đồng ý với nhau cùng chọn một chỗ đất khác tiện lợi cho sinh hoạt hàng ngày hơn, rồi tự ý chia lô, dựng nhà.
Khu đất được chọn là nơi tọa lạc của xóm tôi hiện nay. Đây là mảnh đất ruộng có chủ nằm sát đầu khu rừng, đối diện với trung tâm ấp bên kia đường. Chủ ruộng phản đối, chính phủ không bằng lòng. Nhưng cả trăm gia đình đoàn kết, nắm tay nhau nhất định ở lì, cuối cùng, chính phủ phải nhượng bộ, đứng ra mua đất và hợp thức hóa khu xóm.
Thế là nhà cửa được sửa sang lại cho ra hồn một tí. Khổ một nỗi, lúc chiếm đất, chưa ai tin là mình sẽ được ở nơi này vĩnh viễn, nên chỉ chiếm vừa đủ khoảng đất cho gia đình ở tạm. Được hợp thức hóa rồi, nhà nào nhà nấy mới kêu than là chật chội. Trừ vài gia đình ở phía mặt đường chiếm được nhiều đất, còn phần đông chỉ vừa đủ dựng một căn nhà khiêm nhượng!
Căn nhà mới của gia đình tôi là một trong những căn nhà khiêm nhượng ấy.
Nó nằm cách trục giao thông chính của xóm đến ba mươi mấy thước. Và phải quẹo hai con hẻm mới đến. Nói đến những con hẻm trong xóm thì..., chỉ nghĩ đến không thôi, tôi cũng phải lắc đầu le lưỡi. Không con hẻm nào ra hồn cả. Vừa vặn khít khao một chiếc xe lam đi vào. Rồi rác rưởi, rồi ruồi nhặng, rồi ổ gà... Thế đã hết đâu; nhà cửa chật chội, người này nhích ra chút đất, người kia xé ra một hàng hiên... con hẻm hết còn ngay thẳng mà thỉnh thoảng lại có chỗ nhô ra hàng thước( Có lẽ những nhà đó nghĩ rằng đã lấn đất thì cũng phải lấn cả thước mới bõ). Tính đến lúc gia đình tôi đến xóm này, vẫn theo bố tôi, có hai con hẻm bị bít lại hoàn toàn, nhà nào may mắn ở ngoài thì còn sửa cửa về phía con hẻm khác, như bằng ở giữa, xoay đủ bốn phía, phía nào cũng là nhà hàng xóm, chỉ còn cách đi nhờ hoặc chung nhau chừa một lối mòn nhỏ ra hẻm! Thật rõ là có đường đi đàng hoàng lại hóa ra không! Ấy thế mà đó vẫn chưa là cái gương để những người khác trong xóm tránh, các ngõ hẻm vẫn bị lấn thêm hoài...
Đường sá thì thế đó, những tiện nghi khác cũng chẳng hơn gì. Cả xóm mới có một cái giếng, người này chờ, người kia đợi... Mẹ tôi từ ngày về đây, chỉ một bận ra giếng đó lấy nước, mất cả buổi mới được hai thùng, khiếp vía, đành ruổi gánh qua xin nước giếng hoặc mua nước máy ở ấp bên kia.
Việc đèn đóm nữa, trong lúc ở bên kia đường mỗi đêm đèn thắp sáng choang, ở xóm tôi chì lèo tèo vài nhà câu điện nhờ là có chút ánh sáng coi được. Còn lại bao nhiêu là đèn dầu vàng vọt, tối mù. Mới dọn đến, bố tôi đã nghĩ ngay đến việc xin câu điện nhờ và tự lấy làm lạ không hiểu sao cả xóm lại chỉ có vài nhà câu điện? Sự thật đã trả lời thắc mắc của bố tôi. Điều kiện để được câu điện nhờ của những nhà có công-tơ bên kia đường như sau: hai mươi ngàn đồng thế chân, người câu điện phải chịu mọi phí tổn về cột điện, dây điện, đồng hồ, luôn cả tiền sửa chữa nữa. Đấy là chưa kể mỗi khi có nhân viên nhà đèn đi kiểm soát, phải góp tiền nhau đút lót hầu họ không làm khó dễ người có công-tơ cho câu nhờ. Bố tôi nghe qua đã phải lắc đầu quầy quậy mà rằng:
- Hèn gì chỉ có vài nhà dám câu điện.
Từ những tiện nghi đầy đủ thuở còn ở nhà cũ đến những thiếu thốn nơi đây, gia đình tôi gặp thật nhiều phiền phức. Cái Trâm, cái Loan thì hẳn rồi, luôn miệng than van. Tôi cũng chẳng hơn gì, càng cố bảo mình gắng chịu đựng, càng bực mình. Mẹ tôi cũng thế, tuy rằng mẹ chỉ cằn nhằn vào lúc không có mặt chúng tôi. Chỉ có bố tôi là lúc nào cũng cười được. Tự nhiên, từ sau ngày bán nhà, bố tôi hay cười. Mà không phải nụ cười lạ lùng méo xệch đâu nhé, nụ cười thật đúng nghĩa nụ cười! Phải chăng bố tôi đã tìm được một triết lý (!) sống hay ho lắm?
Tuy nhiên, nếu chỉ có những thiếu thốn về vật chất thì có lẽ tôi cũng quen dần được. Đằng này, còn một chuyện đã khiến tôi bận tâm không ngơi. Tự nhiên, viết đến đây, tôi sực nhớ đến lời bố tôi ngày nào
- Cái nghề mới của Bố , bố thấy không cần đến căn nhà như thế này
Và tôi muốn khóc.
Có ai ngờ được không, khi từ một ông thầu khoán, bố tôi trở thành ông bán phở!
Lúc bố tôi đẩy chiếc xe phở (chiếc xe không) về nhà, tôi cười rộ:
- Bố định mở tiệm bán sinh tố phải không bố? Hoan hô bố!
Cái Trâm ao ước:
- Mỗi ngày bố quay cho chúng con mỗi đứa một ly sinh tố nghe bố.
Cái Loan:
- Con thích uống mãng cầu, mà phải thêm nhiều sữa con mới chịu đấy.
Không phải là chiếc xe sinh tố như anh em tôi tưởng. Mà vài hôm sau đó, với sự sửa sanh của bố tôi, chiếc xe phở thành hình. Một bên là thùng nước dùng luôn sôi sùng sục nhờ hơi nóng của lò than hừng hực đỏ phía dưới. Bên kia là tủ chén bát, đũa tre cắm trong ống bơ ghi-gô. Và thịt, bánh phở, nước mắm, xì dầu, tương, ớt, dấm, chanh, rau...
Bố tôi đi bán phở! Tôi muốn khóc. Tôi không muốn tin đó là sự thật chút nào. Cái Loan hỏi bố:
- Bố biết làm phở từ bao giờ vậy bố?
Bố tôi đáp:
- Bố biết lâu lắm rồi, từ ngày con còn bé tí cơ.
Cái Loan tin lời bố tôi, nhưng tôi , tôi biết, để học được cái nghề này, bố tôi đã mất ba bốn hôm đến nhà một người bạn có cửa tiệm trên tỉnh để tập tành.
Rồi tiếng rao của bố tôi hàng sáng, hàng đêm vang vọng trong xóm, ngoài đường cái, tít tận đằng chợ, đằng trụ sở ấp. Những tiếng rao “phở” lơ lớ thành “phớ” như những mũi kim xuyên thấu hồn tôi, một đứa trẻ mười hai bất lực chứng kiến cảnh sa sút của gia đình và nỗi khổ của người cha.
Khi mới dọn đến xóm này, bố tôi đã bỏ mấy tối để đi khắp xóm làm quen. rồi khi sửa soạn xong chiếc xe phở, bố lại bỏ một đêm đi mời khách. Bố tin tưởng ngay ngày mở hàng sẽ được phát tài to. Sáng sớm hôm ấy, ngày khai trương của xe phở bố tôi, bố tôi đãi chúng tôi, bốn người còn lại trong gia đình, mỗi người một bát phở tái nạm. Mẹ tôi bảo:
- Ông chỉ khéo vẽ trò.
Bố tôi cười không đáp, ngồi nhấp trà nhìn bốn mẹ con tôi ăn phở, cái Trâm húp nước dùng xùm xụp, khen béo quá. Cái Loan chê ít thịt. Mẹ tôi khen vừa vặn lắm.
Cái Trâm, cái Loan, hai em tôi còn chưa biết gì, chúng ăn phở của bố tôi rất tự nhiên. Nhưng mẹ tôi, tôi hiểu, mẹ tôi ăn phở mà trong dạ đầy nỗi xót xa. Không xót xa sao được khi ngày nào còn ở trên tỉnh, mỗi lần đi ăn phở ở nhà hàng, mẹ tôi vẫn bảo chúng tôi:”Muốn ăm thêm gì cứ gọi nhà hàng, người ta đem ra cho”. Và anh em chúng tôi rất thích đước sai bảo người khác, hạch sách nhà hàng đủ điều. Lấy thêm miếng chanh, cho thêm tí ớt, đổi chai nước mắm đi, lấy rau coi nào... Những người bán hàng chừng như chẳng chút khó chịu vì những lời đòi hỏi đó. Nhưng liệu bố tôi có chịu được như thế không?
Nghĩ đến bố, tự dưng tôi mắc nghẹn, nuốt không trôi miếng phở.
Hôm ấy, đúng như đã dự đoán, xe phở của bố tôi được chiếu cố đặc biệt. Bố tôi không nói, nhưng mẹ tôi hỏi bố có cần đứa nào đi theo giúp một tay không? Bố tôi đáp không, để con nó ở nhà chơi, một mình tôi bán được rồi. Mẹ tôi không chịu, hỏi anh em tôi có đứa nào muốn theo bố không? Tôi ngần ngừ, cái Trâm ngần ngừ, có lẽ nó cũng như tôi, hơi thấy xấu hổ. Nhưng cái Loan thì không, nó nói:
- Con đi theo bố, bố nhé!
Bố tôi:
- Con còn nhỏ quá, theo chả ích gì. Thôi, cứ ở nhà...
- Con trông xe lúc bố bê phở cho người ta, chứ không ăn cắp nó lấy trộm phở thì sao?
Tội nghiệp em gái tôi, nó còn thơ ngây quá.
Xe phở với bố tôi và cái Loan đi vòng trong xóm, đã bán được đến phần ba. Ra ngoài đường cái, chỉ được quãng non cây số, nghĩa là vừa tới trụ sở ấp, xe phở cạn hàng.
Chuyến tối, bố tôi lấy thêm bánh và cũng thu hoạch rất khá. Bố tôi nói:
- Cả khu không có một tiệm phở thành ra lạ miệng, họ mới ăn nhiều như thế. Đấy rồi xem, chỉ vài hôm là hàng bán kém ngay, không chừng lại ế rạc ế dài ra nữa.
Tôi thì tôi nghĩ rằng xe phở của bố tôi sẽ bán chạy mãi mãi. Lạ chưa? Tại sao tôi lại mong bố tôi bán chạy trong khi tôi còn thấy xấu hổ vì cái nghề mới của bố?
Nụ cười vẫn còn trên môi bố tôi. Chừng như bố muốn dùng nụ cười của mình để khuyến khích, để đưa đẩy nên những nụ cười an phận của bốn mẹ con tôi...
Nhưng tôi biết chắc, ngày nào hình ảnh cuộc sống dư giả ngày trước còn lẩn khuất trong trí mẹ con tôi, ngày ấy chúng tôi còn chưa cười trọn nụ.
*
* *
Rồi một buổi sáng nọ, cái Trâm đã thấy rõ nỗi xót xa như mẹ nó, anh nó đã thấy.
Sáng hôm ấy, một lũ bạn nó từ trên tỉnh kéo xuống chơi. Tìm đến xóm tôi là một diều dễ, nhưng tìm được nhà tôi thì khó lắm. Thật ra, muốn tìm nhà tôi, cứ việc hỏi thăm người cùng xóm câu này:
- Nhà ông bán phở ở đâu?
Tất họ chỉ đến nơi. Nhất định đúng, vì trong xóm, bố tôi là ông bán phở duy nhất. Nhưng lũ bạn của em tôi đâu đã biết rằng hiện giờ bố tôi bán phở, chúng nó hỏi:
- Nhà ông thầu khoán mới dọn đến ở đâu?
- Cái nhà có ba anh em, một trai, hai gái ở đâu?
Cho nên loanh quanh một lúc lâu, cả bọn mới tìm được.
Vào giờ ấy, bố tôi đi bán phở chưa về, mẹ tôi lại đi chợ, nhà chỉ còn ba anh em tôi. Cái Trâm gặp bạn bè, chạy ra mừng rỡ, hỏi han tíu tít từng đứa một. Lũ bạn nó chia nhau ra, đứa ngồi ghế, đứa tựa bàn, đứa ngồi giường, đứa thơ thẩn. Chúng nó thầm thì với nhau:
- Sao bây giờ nhà cái Trâm nghèo quá nhỉ?
- Cái nhà gì bé tí ti, thấp chùn chụt...
Tôi nghe hết, có lẽ cái Trâm cũng nghe, nhưng chúng tôi giả vờ không biết. Cái Loan líu lo như chim:
- Anh Hiến còn gấp tàu bay giấy không? Chị Hường đi xe đạp được chưa? Cu Ngan-em hết ốm rồi chứ?
Cái Trâm cũng hỏi thăm:
- Cô giáo có nhắc tớ không?
Cái Hường đáp:
- Sao không! Cô bảo đằng ấy dọn nhà, lớp mất một người học trò chăm chỉ...
Em tôi pha trò:
- ... Nhưng bớt được một đứa ngu... phải không?
Tôi hỏi thăm một đứa về căn nhà cũ:
- Này Tố, mày thấy nhà cũ của tao có còn như xưa không?
Tố:
- Ông chủ nhà sửa lại đằng trước hiên rồi. Nhà ông ấy bán tạp hóa đấy. Lũ con có đến chín đứa nghịch như quỷ...
Tôi thấy bồi hồi lạ. Thương quá đi thôi, căn nhà cũ của tôi ơi! Lũ con chín đứa của người chủ mới phá phách lắm, hẳn căn nhà phải “buồn” nhiều? Tội nghiệp...
Bỗng có tiếng ra “phở” từ xa vọng lại, cái Hường chép miệng:
- Eo ơi! Ở cái xóm bé tí tèo này mà cũng có hàng phở nữa à?
Cái Trâm hé miệng định cho bạn biết ông bán phở kia chính là bố tôi, nhưng nó chưa kịp nói, cái Hường đã thêm:
- Giá giờ này mỗi đứa có một tô phở ăn thì tuyệt nhất đi rồi.
Bố tôi đẩy chiếc xe phở đến trước hiên nhà. Lũ bạn của em tôi bấy giờ trố mắt ra nhìn. Tôi thấy rõ sự ngạc nhiên của chúng. Thằng Hiển ghé tai cái Hường nói nhỏ:
- Bố cái Trâm lại đi bán phở, đằng ấy à.
Có lẽ em gái tôi cũng nghe thấy, tôi thấy nó cúi đầu buồn bã.
Bố tôi bước vào, lớn tiếng hỏi thăm bọn trẻ. Cả lũ khoanh tay, cúi đầu chào. Bố tôi vui vẻ:
- Xuống chơi với cái Trâm phải không? Sao ? Đã ăn sáng chưa?
Cái Hường khoanh tay lễ phép:
- Thưa bác, chúng cháu ăn rồi ạ.
- Các cháu đi xe gì xuống đây?
- Dạ thưa bác xe lam.
- Mấy đồng một đứa?
- Dạ mười đồng.
Bố tôi lẩm nhẩm tính:
- Mười đồng bận đi, mười đồng bận về, vị chi là hai chục. Thế bây giờ bác hỏi thật cac cháu điều này nhé, các cháu còn bụng để ăn nữa không? Bác đãi! Ờ ! bác đãi mỗi đứa một bát phở thật đầy. Các cháu chịu không nào? Đền hai chục tiền xe cho các cháu đấy...
Lũ bạn cái Trâm nhìn nhau. Bố tôi nói:
- Các cháu e gì? Ngày trước nhà bác khá, các cháu sang sang chơi với cái Trâm, bác đãi nho, táo, kem, ... bây giờ bác nghèo, bác đãi các cháu bát phở không được sao?
Lũ trẻ ấp úng:
- Dạ... dạ...
Bố tôi đẩy xe phở vào nhà. Rồi vừa hỏi thăm bọn trẻ về tình hình xóm giềng trên tỉnh, bố tôi vừa làm phở.
Mẹ tôi đi chợ về đang khi chúg tôi xì xà xì xụp ăn phở. Lũ bạn cái Trâm hơi ngượng. Mẹ tôi vui vẻ:
- Tiệc thịnh soạn quá nhỉ?
Bọn chúng đua nhau buông đũa, thưa:
- Chào bác ạ.
- Mời bác ăn phở ạ.
Bố tôi:
- Mẹ nó ăn không? Tôi đãi
- Thôi , cám ơn ông, tôi ăn bún riêu ngoài chợ rồi.
Nghe mẹ nói, tôi mới sực nhớ đến một điều, tôi hỏi bố:
- Bố đã ăn sáng chưa?
Bố tôi cười:
- Chưa... nhưng mà tao đang ăn đấy, mầy không thấy sao... Bố nhìn chúng mầy ăn, bố no lắm rồi...
Rồi bố tôi đổi giọng hỏi:
- Sao, phở ăn được chứ các cháu?
Thằng Hiển vừa xuýt xoa vì ớt cay, vừa đáp:
- Ngon lắm bác ạ, bác nấu phở thật tuyệt...
Bố tôi cười khoái trá. Cái Trâm ngước lên nhìn được nụ cười đó, nhưng nó không cười theo mà nhăn mặt. Đó, em tôi đã thấy rồi đó, thấy một cái gì đó, khó gọi tên nhưng hiện diện thật rõ trong hồn. Cái gì đó là nỗi xót xa thân phận...
Phải không em Trâm?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét