Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Anh yêu dấu - LV: TÚ QUYÊN


Anh không dám nói yêu em - QUỐC DŨNG


Anh đi mùa cưới - VŨ LAI


Anh còn nợ em - ANH BẰNG - PHẠM THÀNH TÀI


Anh chỉ yêu em - LV: KỲ PHÁT

Ân tình lên ngôi - NGUYỄN HIỀN


Ai khổ vì ai - THƯƠNG LINH


Ai đi ngoài sương gió - NGUYỄN HỮU THIẾT


Ai biểu anh làm thinh - TRẦM TỬ THIÊNG


Ai đưa em về - NGUYỄN ÁNH 9


Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Chưa Tắt Nụ Cười - Chương 7 (hết)

Chương 7 (hết)

Tôi nhìn mình trong gương. Lần đầu tiên tôi đứng trước tấm gương thật lâu để đối diện với khuôn mặt của mình. Tôi không cười nhưng tôi có cảm tưởng đôi môi tôi vẫn hé mở như những nụ hoa vừa chớm nở. Chưa tắt nụ cười. Vâng ! Cuộc đời tôi đâu đã héo úa như tôi tưởng. Nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi. Tôi vẫn sống trong hạnh phúc tuyệt vời và cuộc đời bình thường của riêng tôi. Tôi bây giờ và tôi của những tháng về trước hẳn là hai thái cực. Tôi tin vậy.

Tôi đã ‘‘già’’ chưa nhỉ ! ? Tôi bật cười khan. Mới có hai mươi ba tuổi mà cứ nghĩ mình là một ‘‘ông cụ’’không bằng ! Nhảm quá ! Tôi còn trẻ lắm. Trẻ vô cùng. Và tôi yêu đời kinh khủng. Tôi yêu đời hơn bao giờ hết dù bên tôi, đôi nạng vẫn quấn quít như một người bạn thân. ‘‘Kỷ vật cho em’’. Tôi sẽ giữ đôi nạng này làm kỷ vật cho Mai. Tôi tin rằng Mai sẽ hoan hỉ đón nhận bởi vì dù sao nó cũng là một chứng tích tuyên dương tình yêu của hai đứa.

Mai ! Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Mai. Nhiều lúc tôi mời Mai đi chỗ khác để tôi làm việc. Mai cũng nhất định không đi. Hình ảnh Mai vẫn chễm chệ ngự trong tiềm thức tôi. Cuộc đời tôi đã thực sự gắn liền với cuộc đời Mai. Niềm vui của Mai là niềm vui của tôi. Nỗi buồn của Mai là nổi buồn của tôi. Tôi cảm thấy chúng tôi đã có trách nhiệm với nhau kể từ giờ phút này. Tình yêu mầu nhiệm như thế đó. Liên hệ như thế đó. 

Tâm hồn của Mai trong vắt như nụ cười hồn nhiên của Mai. Hẳn Mai cũng đang tin tưởng vào tình yêu nồng thắm của mình và hy vọng thật mãnh liệt vào tương lai. Tôi thương Mai hơn ở đức tính chân thật và ngây thơ bé bỏng đó. Trong thâm tâm, tôi tự hứa, tôi sẽ dìu Mai từng bước thật nhẹ nhàng, thanh thản trên suốt quãng đời còn lại. 

Tôi vuốt qua mái tóc một lần cuối trước tấm gương. Tôi chống nạng ra đường, đến nhà Mai theo như lời hẹn. Những buổi hẹn hò đầy hứa hẹn và thật náo nức của những kẻ yêu nhau.

Thiên hạ bắt đầu để ý đến tôi và nếu bất chợt tôi ngước nhìn lên, chắc hẳn tôi sẽ bắt gặp một vài tia nhìn dửng dưng pha lẫn khinh miệt. Tôi cũng chẳng buồn để ý đến họ và tôi rất thản nhiên. Thản nhiên như tôi đang đi giữa chốn không người.

Nhà Mai gần nhà tôi vì thế tội đi chỉ mất độ 5 phút là cùng. Vừa trông thấy tôi, bé Tuyết chạy ra đón :

- Anh ạ !

- Ừ! Chị Mai có nhà không em ?

Tôi biết chắc là Mai có nhà bởi vì tôi đã hẹn với Mai rồi cơ mà. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ hỏi mặc dù tôi biết câu hỏi của tôi thừa thãi và tôi chẳng cần nghe câu trả lời.

Bé Tuyết nhường chỗ cho tôi bước vào:

- Có ạ ! Chị Mai đang ở trong nhà đó anh.

Tôi theo Tuyết bước vào nhà trong; Mai đang bận với chiếc máy đánh bánh trên tay. Trông thấy tôi, Mai ngước nhìn lên hỏi:

- Anh đúng hẹn quá vậy ?

- Chuyện, hẹn với người đẹp thì phải đúng giờ giấc chứ. Không sai một khắc.

- Anh lại trổ tài nịnh rồi.

- Nịnh cũng được chả sao.

Mai chỉ vào chiếc ghế trước mặt:

- Anh ngồi tạm đó đi. Mai đang bận tay một chút.

- Chịu khó nhỉ!

- Làm bánh thú vị lắm anh ơi. Nhưng mệt và mất công vô cùng.

- Bác gái đâu rồi Mai ?

- Mẹ Mai có việc cần phải đi ra phố. 

Bây giờ tôi mới để ý đến lối cột tóc bím của Mai. Buộc tóc theo kiểu này, Mai xinh xắn và trẻ trung hơn xõa tóc thề. Khuôn mặt của Mai rực rỡ hơn và tươi vui hơn. Mai còn trẻ con quá ! Nhưng chắc chắn là chỉ trẻ con trong ý nghĩ của tôi thôi. Còn đối với mọi người, Mai vẫn là một thiếu nữ đang trong tuổi lớn khôn từ vóc dáng đến tư tưởng. 

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt Mai …đôi mắt buồn và thăm thẳm có một sức lôi cuốn thật mãnh liệt tia nhìn của kẻ đối diện. Khuôn mặt này đã ăn sâu vào tâm não tôi, nằm ngủ thật hiền hòa trong đôi mắt tôi và chễm chệ ngự giữa trái tim tôi. Tôi không nói nhưng ánh mắt của tôi đã nói lên thật nhiều và tôi linh cảm Mai cũng đón nhận được nhờ những giác quan bén nhậy của tình yêu. 

Dường như khi yêu, người ta không cần phải nói lên thật nhiều. Chỉ cần im lặng nhìn nhau.. sự yên lặng đầy ý nghĩa chất chứa hàng vạn ngôn ngữ tình yêu. Và cũng chẳng cần phải diễn tả. Hãy để cho thời gian và không gian trở gót. Để cho trái tim cùng hòa nhịp !...

Tiếng Mai đưa tôi về với hiện tại :

- Anh lại nghĩ đến cô nào đó phải không ?

Tôi nhìn Mai hẳn ánh mắt của tôi thiết tha vô cùng. Tôi nói :

- Nhảm ! Làm gì có cô nào để mà nghĩ ? Nếu có chỉ nghĩ đến Mai thôi.

Mai cười :

- Anh chỉ được cái nịnh là giỏi.

Tôi tiếp :

- Dĩ nhiên ! Nịnh người yêu của mình đâu phải là một cái tội !

- Anh đừng giả vờ lái sang chuyện khác. Mai hỏi anh đang nghĩ gì vậy ?

- Anh đang nghĩ đến thân phận của anh. Nghĩ đến người đời. Nghĩ đến tình yêu thánh thiện của Mai.

- Mai đã bảo rồi. Tại sao anh cứ phải nghĩ đến nó vậy ! ?

- Mai đừng cản anh khi tình yêu đã đến với anh thật bất ngờ, thật diệu vợi. Cho đến giờ phút này anh vẫn ngỡ rằng mình đang sống trong một giấc mơ. Anh chưa tin lắm về sự hiện diện của Mai, người yêu của anh. Từ ngày ngã xuống, trở về trên đôi nạng gỗ, anh vẫn nghĩ thật khó mà tìm thấy một tình yêu chân thành của một người con gái không đến với anh bằng cái vỏ bề ngoài và địa vị trong xã hội. Anh muốn nói đến một tình yêu không vụ lợi, không tính toán. Anh bất mãn và luôn nhìn người đời bằng ánh mắt nghi ngờ. Có đôi lúc anh tưởng tượng anh có thể phát điên lên, hung hăng, đập phá tất cả bởi vì anh không thể chịu đựng thêm được nữa trước những tia nhìn hẹp hòi, ích kỷ của người đời, nhưng rồi ... nghĩ đến lời nói của chị Loan, anh lại cúi đầu nhẫn nhục. Anh tha thứ cho tất cả người đời và tấm lòng anh lại rộng mở để đón nhận những tình thương gần gũi, xung quanh anh. Mặc dù diễn tiến của nó không tốt đẹp như lời chị Loan nói. Anh thấm thía nỗi cô đơn và anh mang nhiều mặc cảm đối với đời. Đời bất công quá. Anh khao khát một tình thương, một tình yêu chân thành !? Nhưng tất cả đã xa lánh anh, ghê tởm anh mặc dù anh không có tội. Anh chán nản và anh tin rằng ước mơ nhỏ bé tầm thường của anh không bao giờ thành sự thật. Bất mãn và hận thù dâng cao từ đó ! Cho đến ngày bóng dáng Mai đập vào đôi mắt anh, khuôn mặt Mai ăn sâu trong tiềm thức anh. Anh quên tất cả, quên cả thân phận nhỏ nhoi của mình để bắt đầu mơ ước, tin tưởng một tình yêu chân thành sẽ đến với anh. Và anh không ngờ niềm mơ ước mong manh đó đã thành sự thật. Mai đã đến với anh để đạp đổ tất cả những thành kiến bất công. Để dửng dưng trước những tia nhìn dèm pha soi mói. Để thản nhiên trước những lời nói tầm thường, ghen ghét, hẹp hòi, ích kỷ. Tình yêu của Mai thật cao đẹp, thật hiếm có trong xã hội vô tâm lừa lọc này. Mai có quyền hãnh diện đón nhận những lời nói chân thành của anh bởi vì Mai có cả một tâm hồn tuyệt diệu, bởi vì Mai rất xứng đáng là ‘‘người’’.

- Anh ! Thôi anh đừng nói nữa. Anh làm Mai sắp khóc rồi đó.

- Nếu khóc được Mai cứ khóc. Bởi vì giọt lệ của Mai là những giọt nước mắt thanh khiết, ngọt ngào.

- Anh lại đưa Mai lên nữa rồi.

- Đã sao? Mai của anh là ‘‘nhất’’ mà !

Mai e thẹn cúi đầu, dáng dấp thơ ngây đó làm tình yêu trong tôi bừng cháy mãnh liệt. Tôi nòi đùa với Mai :

- Anh ‘‘già’’ quá Mai nhỉ !

Mai vùng vằng, cử chỉ thật dễ thương :

- Anh đừng nói anh ‘‘già’’ nữa. Anh còn trẻ lắm. Tại anh có mặc cảm, anh cứ nghĩ là anh ‘‘già’’ đó chứ ! Hai mươi ba tuổi mà già cái gì ? Đối với Mai, Mai cũng đã từng nói rằng anh ‘‘nhất’’ rồi cơ mà.

- Cám ơn Mai ! Tình yêu của Mai là mạch sống của anh. Anh yêu Mai nhiều lắm Mai biết không ?

- Anh nói dối !

- Làm gì để Mai tin bây giờ ?

- Anh bay bướm lắm. Anh nói cái gì Mai cũng chỉ tạm tin thôi. Chưa tin hẳn đâu.

- Thế thì chết anh rồi. Khi yêu người ta trở nên ích kỷ, ghen tuông, và đa nghi. Mai của anh thì đủ tất cả. Cấm đoán đủ mọi điều. Và bất cứ một sơ hở nào của anh, Mai cùng có thể nghi được.

- Anh có tật không mà anh giật mình ?

- Không có tật nhưng nghe Mai hăm dọa hoài anh cũng đâm ra sợ.

- Anh mà sợ ai ?

- Có chứ ! Sợ một người.

Mai trợn tròn mắt hỏi :

- Ai ?

- Mai. 

Mai cấu nhẹ vào tay tôi. Tôi nhìn Mai say đắm. Giây phút này, tôi muốn nói với Mai thật nhiều. Tôi muốn diễn tả bằng đủ mọi cách để Mai hiểu rằng tôi yêu Mai với tất cả chân thành. Tình yêu của tôi nồng thắm lắm, vĩ đại lắm. Vũ trụ này không có gì để mà so sánh được. Ngay cả những ngôn từ tình yêu cũng không còn để mà nói với Mai. Tôi muốn nói một tiếng gì đằm thắm hơn, rung động hơn và đẹp hơn tiếng ‘‘yêu’’ mà tôi đã nói với Mai. Nhưng nghĩ mãi tôi vẫn chưa tìm ra được tiếng nói tuyệt vời đó. Tôi chỉ còn biết nhìn Mai bằng những ánh mắt si mê tột đỉnh của một kẻ đang yêu.

Bỗng dưng tôi mỉm cười. Một nụ cười sung sướng khởi đầu cho nỗi hân hoan của riêng tôi Tôi thấy, hiện tại không còn gì để mà mơ ước hơn, hạnh phúc hơn. Tôi cám ơn Thượng Đế đã dun dủi cho tôi gặp được những tấm lòng cao đẹp, những yêu thương chân thành của Mai, chị Loan và Phương. 

Phải chăng đó là phần thưởng cuối cùng Thượng Đế ban cho tôi ? Cho một tâm hồn xót xa chai đá không còn niềm tin để mà sống sót. Cho một tấm thân điêu tàn không còn hy vọng để mà vươn lên. Cho một kẻ cô đơn không còn tình yêu thương để mà nương dựa. Tôi không còn nước mắt để mà khóc. Khóc vì sung sướng như chưa bao giờ được sung sướng.

Tôi cầu xin cho tình yêu của mình đừng tan vỡ. Tôi tin tưởng con đường tình mà tôi và Mai đang đi rất đẹp. Tôi nhìn thấy cuối đường hạnh phúc có muôn ngàn đóa hoa chớm nở, có muôn triệu ánh hoa đăng chào đón chúng tôi. Tôi sẽ dìu Mai đi từng bước thật nhẹ nhàng trên thảm cỏ xanh tươi hạnh phúc. Tôi sẽ ôm Mai thật chặt trong vòng tay và tôi sẽ giữ Mai mãi mãi trong cuộc đời ! ‘‘Mai, anh yêu em ! Anh muốn nói em là tất cả của riêng anh ! ...’’ 

- Lúc nào anh cũng có thể suy tư được !

Tôi vuốt tóc Mai :

- Nếu Mai biết rằng những giây phút suy tư đó, anh chỉ nghĩ về Mai thì Mai sẽ không nỡ trách anh.

Mai chớp mắt cảm động :

- Anh yêu Mai nhiều đến thế sao ?

- Tình yêu của anh dành cho Mai không có đơn vị để mà so sánh.

- Cám ơn anh. Anh làm Mai cảm động quá.

- Mai ! Em hãy nhìn thẳng vào đôi mắt anh em sẽ thấy em ở trong đó. Hãy nhìn thẳng vào lồng ngực anh, em sẽ thấy hình ảnh em ngự trị muôn đời trong trái tim anh.

- Em thấy rồi. Em muốn ngủ vùi trong mắt anh.

- Anh cũng vậy. Anh muốn được chết thật nhẹ nhàng trong mắt em.

Cả hai chúng tôi nhìn nhau thật lâu như đang trao đổi một khối tình diệu vợi vĩnh cửu. Tôi không cần biết những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tôi chỉ thấy khuôn mặt Mai thật sáng ngời, thật tuyệt diệu như tấm lòng rộng mở của Mai. Tôi vừa đón nhận một tình yêu ngọt ngào, thanh khiết. Hạnh phúc đã đến với tôi. Tôi khép hờ đôi mắt để tận hưởng những phút giây sung sướng nhất trong cuộc đời. . . .

Tháng 6-1972
NGUYỄN SỸ NGUYÊN

Chưa Tắt Nụ Cười - Chương 6

Chương 6

Sau hai tháng nằm trong bệnh viện, tôi trở về trên đôi nạng gỗ. Thân xác héo hon, điêu tàn. Từng bước nghiêng ngửa, nặng trĩu u buồn như đôi nạng mà tôi đang kẹp bên hai cánh tay yếu ớt. Những dự đoán của tôi quả không lầm. Tôi đã nhận đón những tia nhìn dửng dưng, những cái bĩu môi nhẹ nhàng và những nụ cười khinh miệt. Cặp lon trên cổ không đủ để níu kéo phần nào tư cách của tôi. Mọi người đã hẹp hòi, chỉ đánh giá trị tôi qua đôi nạng, sản phẩm của chiến tranh. 

Bông mai vàng lóng lánh thật đấy nhưng chắc chắn nó không nổi bật bằng đôi nạng mà tôi đang có bên người. Tại sao thiên hạ chỉ nhìn tôi qua cái bề ngoài tầm thường, xót xa thôi nhỉ! ? Còn con người của tôi!? Tư cách của tôi!?

Tôi nhìn đôi nạng, mặc dù nó chỉ là một vật vô tri nhưng tôi yêu nó vô cùng. Dáng dấp của nó thật hiền hòa và dễ thương. Vậy thì tại sao mọi người lại ghét nó ? Nó có tội tình gì ? Bạn thân của tôi ơi. Đôi nạng là bạn thân của tôi đó. Hãy ở bên tôi, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nào đó. Tôi vẫn quý mến bạn, tôi vẫn yêu bạn như yêu một kỷ niệm khó quên trong đời. Sau này, cho dù tôi không cần đến bạn nữa thì bạn vẫn chễm chệ ngự trong căn phòng của tôi, muôn đời và mãi mãi.

Tôi cảm phục và cám ơn những tia nhìn, ánh mắt xót thương tôi. Họ đã nghĩ gì về tôi ? Xót xa cho một thân phận tật nguyền nhỏ nhoi yếu đuối? Xót xa cho một khuôn mặt trẻ nhăn nhúm vì vết tích của chiến tranh ? Xót xa cho một tương lai ghập ghềnh xiêu vẹo như đôi nạng gỗ chống đỡ nặng hề ? Xót xa cho một tâm hồn khao khát sống đang nuốt thầm những giọt lệ đau thương ?... Tôi vẫn gục mặt, tập cúi đầu kể từ ngày tôi hân hoan khoác cho mình một khuôn mặt mới, chiếc áo mới. Tôi thấm thía nỗi cô đơn và tôi thú nhận tôi mang nhiều mặc cảm đối với người đời. Thật khó mà tìm được một Phương, một chị Loan thứ hai trong cuộc sống đầy rẫy những ưu phiền và bất công này. 

Tôi sẽ làm gì với chuỗi ngày tàn tạ còn lại ? Vẫn khập khễnh trên đôi nạng, lê từng bước nặng nề trong căn nhà nhỏ nhoi ấm cúng này, giữa khu phố lao xao này !? Tôi cảm thấy tôi là kẻ cô đơn nhất trên đời. Tôi cần một đối tượng để sống ít nhất trong lúc này. Hình như khi đạt đến tận cùng của cô đơn... Người ta khao khát một tình thương, tình yêu không tính toán. Nhưng ai là người có cả một tấm lòng, một tia nhìn cao đẹp để sẵn sàng đến với tôi bằng một tình yêu thương chân thành. Một ước mơ thật tầm thường nhưng cũng thật khó kiếm !? Đến với tôi tức là chấp nhận sự kiên nhẫn, chịu đựng. Đạp đổ tất cả mọi thành kiến bất công. Dửng dưng trước những tia nhìn dèm pha, soi mói. Quay lưng trước những lời nói tầm thường của những kẻ hẹp hòi, ích kỷ ! Ai !? Người con gái nào có đủ can đảm thản nhiên đi bên tôi ! Đi bên cạnh một kẻ tật nguyền ! Dìu tôi trên khắp nẻo đường thành phố !

Niềm hy vọng mong manh quá. Vì thế tôi an phận. Tôi không dám ngước nhìn lên, tôi không dám mơ ước khi nhìn lại thân phận mình. Có phải đời đã dạy cho mọi người nhìn bằng những tia nhìn thật tàn nhẫn. Có phải đời đã dạy cho mọi người những mưu mô xảo quyệt, những tính toán hơn thua. Bề ngoài: Tôi chỉ là một tên lính trẻ tầm thường. Địa vị: Tôi chỉ là một anh sĩ quan có cấp bậc nhỏ bé nhất. Đó ! Con người của tôi đó. Vốn liếng của tôi đó. Chỉ có ngần ấy thôi. Vì thế tôi không có quyền, không được quyền thì đúng hơn, mơ ước những cái viễn vông như vậy được ... 

Nhưng đó chỉ là ý nghĩ riêng của tôi trong những giây phút bất mãn và hận thù dâng lên trong huyết quản. Những điều tôi sợ, tôi trốn tránh lại là những sự việc Thượng Đế đem đến cho tôi. Vâng ! Có nghĩa là tôi đã mơ ước, tôi đã bị cuốn hút bởi ánh mắt buồn vô tận của Mai. Người con gái đã hiện diện trong tôi thật bất ngờ như cơn nắng quái nhảy múa rộn ràng giữa buổi chiều tàn. Mai! Tôi muốn gọi tên Mai trong suốt kiếp sống tàn tạ còn lại này. Tôi muốn nuốt trôi khuôn mặt tươi vui của người con gái đó. Tôi muốn ngủ vùi trong suối tóc mây tung bay vần vũ nghiêng xuống vai gầy của Mai. Tôi muốn ngụp lặn trong đôi mắt buồn sâu thăm thẳm của Mai. Và tôi muốn chết đi hàng giờ khi tôi dừng lại giữa lúc đôi môi Mai hé cười thật xinh tươi. Tôi đã nhớ nhung, khắc khoải và ngủ vùi trong niềm mơ ước đó. 

Dấu chân ngọc ngà và dáng dấp xinh xắn của Mai đã dẫm trong lòng ngực, đi sâu vào tiềm thức của tôi. Tôi bắt đầu tin tưởng và tìm lại được nguồn sống trong bể hạnh phúc bao la đó. Để bây giờ tôi vẫn cầu xin những gì đã và đang xảy ra đều là sự thật chứ không phải là một giấc mơ hão huyền.

Tôi đưa tách cà phê lên môi nhấp vào từng ngụm nhỏ. Cà phê chưa chắc đã đắng bằng cuộc đời của tôi. Tôi mỉm cười, nụ cười kiêu hãnh của một người chiến binh còn đang tin tưởng mãnh liệt vào tương lai đời mình.

Người đời nhìn tôi và đánh giá trị tôi như thế đấy. Nhưng tôi bất cần. Bởi vì tôi có quyền hãnh diện rằng tôi là đứa con yêu của Tổ Quốc. Tôi có quyền hãnh diện rằng tôi đã làm một việc mà ít người làm được. Dĩ nhiên cái số ít đó là những kẻ vô ý thức, đang sống phè phỡn trên sự hy sinh cao cả của chúng tôi. 

Mặc cảm thật đấy. Nhưng có lẽ đó chỉ là những giây phút buồn bực vây hãm tôi. Còn bình thường, tôi cũng vẫn hãnh diện khi tôi đang khoác trên người bộ quần áo ka-ki pha màu đất.

Tôi nhướn người nhìn thật kỹ bóng dáng quen thuộc vừa đập vào mắt tôi. Tôi gọi thật to, gần như hét:

- Dũng, Dũng !...

Tôi đưa tay vẫy Dũng. Nhận ra tôi, Dũng mừng còn hơn vớ được của. Hắn nhảy xổ vào quán, chúng tôi ôm nhau chầm lấy nhau trước hàng chục con mắt ngạc nhiên của mọi người.

Dũng kéo ghế ngồi :

- Mày bị thương bao giờ vậy ?

Tôi chìa gói thuốc mời Dũng :

- Hai tháng rồi.

Dũng nhả ngụm khói đầu :

- Sao không viết thư báo cho tao biết ?

- Quên địa chỉ của mày rồi.

Dũng mắng yêu :

- Thằng khốn ! Bị thương trận nào ? Nhẹ chứ ?

- Tương đối nhẹ. Gãy xương đùi. Tao bị ở chiến khu D trong chiến dịch Đồng Khởi.

- Mừng cho mày! Liệu có được giải ngũ không ?

- Không biết! Nhưng tao muốn ở lại.

Dũng ngạc nhiên :

- Sao vậy ?

Tôi rít mạnh hơi thuốc :

- Thích, sau lần bị thương này, tự dưng tao thấy yêu nếp sống đại gia đình Quân đội. Khung cảnh sinh hoạt và anh em trong đơn vị khiến tao thấy nhớ nhớ thương thương và tao thấy đời quân ngũ không còn gì đẹp bằng?

Dũng yên lặng, tôi tiếp :

- Ngày xưa phải giã từ sách vở lên đường nhập cuộc, bỡ ngỡ, xa lạ ở những bước chân đầu cho một khúc quanh cuộc đời, chưa bao giờ tụi mình nghĩ đó là lý tưởng. Bây giờ trưởng thành trong quân ngũ, mặc dù tuổi lính chưa được bao nhiêu nhưng tao cũng cảm thấy không thể rời xa nó được. Nó đã quá quen thuộc với mình, gần gũi với mình và tao thương nó như thương cuộc đời của tao.

- Mày đổi thay nhiều quá.

- Đổi thay từ hình hài đến tư tưởng phải không mày? Có như thế mới là lính. Thú thật với mày ban đầu tao cũng bất mãn và mặc cảm về sự thua thiệt của mình lắm. Nhưng nghĩ lại, sự hy sinh của tao chưa thấm thía vào đâu nếu đem so với sự hy sinh của muôn ngàn người khác! Vì thế tao không có quyền bi quan mà ngược lại tao phải hãnh diện về chiến tích mà tao đang có trên người. Mày đừng nghĩ rằng tao đang tuyên truyền và méo mó nghề nghiệp. Tao đã rất thành thật khi nói như vậy. Mày thử nghĩ lại xem.

Dũng gật gù :

- Mày nói đúng. Có đôi lúc tao thấy tao không thể tách rời đơn vị được. Bằng chứng là những lần về phép, nếu ở Sàigòn chừng hai ngày là tao thấy nhớ đơn vị ngay. Tao công nhận tình huynh đệ và nếp sống quân ngũ rất gắn bó với mình !... Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Mày giờ sao?

Tôi nhún vai :

- Vẫn nghỉ 29 ngày tái khám. Hy vọng sẽ trở lại đơn vị trong một ngày gần đây. Còn mày?

- Tao ? Vẫn tà tà ! Không có gì thay đổi.

- Mau thật mày nhỉ?

- Ừ, mau thật ! 

Tôi nhìn những khuôn mặt trẻ có mặt trong quán cà phê quen thuộc này. Họ là hình ảnh của tôi ở những năm về trước. Chắc chắn khối óc non nớt của họ chưa thể ý thức được rằng thế nào là ý thức? Thế nào là tương lai? Họ đang vùi đầu trong một nếp sống buông thả, hưởrng thụ. Họ là những con thiêu thân đang lao đầu vào lửa mà họ không hề hay biết ! Tôi không dám trách cứ họ bởi vì tư cách nào để mà trách cứ ?

Mỗi người có một ý nghĩ và sự lựa chọn khác nhau. Quan trọng chăng là ở chỗ lựa chọn đúng con đường mà mình sẽ đi. Có người chọn binh nghiệp làm lý tưởng đời mình, như ông anh tôi chẳng hạn. Và cũng có người quyết tâm theo đuổi việc học. Nhưng thà rằng quyết định hẳn như vậy và cứ thế mà đi. Tôi không có quyết định dứt khoát vì thế tôi mới đánh lạc hướng tương lai đời tôi. Tôi thương hại những khuôn mặt trẻ đó như những người đã đi trước chúng tôi, thương hại tôi. 

Dũng phá tan sự yên lặng :

- Mày không bất mãn. Lạ thật.

- Bất mãn ? Có chứ ! Như những lúc tao đặt chân ra đường chẳng hạn. Mày biết không ? Thiên hạ chỉ nhìn đôi nạng mà tao đang khoác trên người. Tại sao họ lại có thể có những tia nhìn dửng dưng và khắt khe như vậy được ? Đúng lý ra họ phải dành cho tao nhiều niềm cảm mến chứ ? Đó, bất mãn là ở chỗ đó.

- Chuyện ! Đời mà mày ! ‘‘Thể thái nhân tình gớm ghiếc thay !’’

- Ừ, thế thái nhân tình !

Dũng vỗ nhẹ vào vai tôi :

- Tao hỏi thật mày nhé. Những lúc nhìn lại thân thể mình, mày nghĩ sao ? Cho cả hiện tại và tương lai ?

Tôi rút một điếu thuốc khác gài lên môi :

- Thân thể!? Hiện tại!? Tương lai!? Hừ!

(Tôi bật cười khan). Lúc vừa tỉnh, tao nhìn lại thân xác mình ngay. Tao cầu xin cho hình hài tao còn nguyên vẹn. Tao không muốn mất mát bất cứ một phần nhỏ nào trên thân thể. Tao thèm sống. Tao khao khát sống và yêu đời kinh khủng. Tao công nhận tao đã ích kỷ khi van xin như vậy. Nhưng đó chỉ là cái ích kỷ nhỏ mọn đáng thương của cá nhân tao, không động chạm đến quyền lợi của bất cứ ai cả. Và khi tao đủ tỉnh táo để nhận thức được rằng thân hình tao nguyên vẹn, tao mỉm cười sung sướng !... Nhưng nụ cười không trọn vẹn khi tao tiếp tục nghĩ đến ngày trở về trên đôi nạng gỗ. Tao đã mường tượng ra những khuôn mặt lạnh lùng, dửng dưng của người đời. Tao đau đớn, xót xa cho thân phận tật nguyền của tao. Tao không còn một chút tin tưởng và hy vọng vào tương lai. Tao nghĩ, tương lai của tao sẽ u buồn như đôi nạng gỗ mà tao đang khoác bên người ! Tao chán nản, buông xuôi và không còn tha thiết sống như lúc vừa tỉnh lại. Nhưng. . đời nó hay có những chữ ‘‘nhưng’’ bất ngờ lắm mày ! Nhưng tao lầm và tao lại bắt đầu tin tưởng từ lúc tao đón nhận được một tình thương chân thành không vụ lợi của một người chị kết nghĩa. Nhìn xung quanh phòng bệnh, tao thấy tao còn may mắn và diễm phúc hơn anh em nhiều. Họ còn bị nặng hơn tao, người cụt chân, người cụt tay, thế mà họ vẫn bình thản cười đùa... nụ cười thật hồn nhiên và đầy tin tưởng. Như thằng Phương chẳng hạn, hắn mới có 18 tuổi, cụt mất một chân tao nhận hắn làm thằng em kết nghĩa. Từ đó tao không còn buồn và mặc cảm một mảy may nào cả. Tao vẫn vui để mà sống. Tao vẫn cười để dồn hết tin tưởng vào tương lai. Cho đến ngày tao rời khỏi bệnh viện, chống nạng trở về và thực sự đối diện với đời. Tao lại mất niềm tin và cô đơn hơn bao giờ hết. Tao thù ghét người đời, tao bất mãn cùng cực. Lúc bấy giờ tao thật sự xót xa cho thân phận của tao. Tao thèm thuồng, tao ao ước có một tình thương để nương vào đó mà sống. Nhưng nhìn lại thân phận mình, tao thấy tao quá ngu xuẩn khi ước mơ như vậy. Và rồi tao lại cúi đầu an phận. Nhưng... -lại chữ ‘‘nhưng’’ tai ác ! - Đời tao sao có nhiều chữ nhưng ghê mày ạ. Tao đã gặp một khuôn mặt ngây thơ bé bỏng, một ánh mắt thiết tha, một tấm lòng chân thật rộng mở, nàng đã đến với tao thật bình thản, không đắn do, suy nghĩ và chúng tao đang bắt đầu một cuộc tình diệu vợi !...

Dũng ngạc nhiên, ngắt lời tôi :

- Khoan, nàng nào ? Còn em Diễm của mày đâu ? Quên mất ! Mãi nói chuyện với mày, tao quên hỏi thăm.

Tôi búng đi mẫu thuốc còn lại. Một thoáng buồn len nhẹ vào hồn tôi. Tôi gõ tay lên mặt chiếc bàn trơ trụi :

- Diễm !? Phải gọi là ‘‘Diễm xưa’’ mày ạ ! Bởi vì em đã bỏ tao đi lấy chồng từ lúc tao còn đang hăng say đánh đấm trên Bình Dương. Còn nàng của tao bây giờ mày không biết đâu. Em tên Mai ! Hiền, ngoan và cao cả kinh khủng.

- Lạ nhỉ ! Con Diễm nó yêu mày lắm cơ mà ?

- Có thể vì hoàn cảnh. Biết đâu ông cụ bà cụ em ép buộc ? Tao cũng không tận tường về nguyên do mà em bỏ tao để bước lên thềm hoa đăng với người khác?

- Chuyện khó tin ...

- Nhưng lại có thật !

- Phản ứng của mày ?

- Buồn lai rai. Tội gì buồn nhiều cho khổ vào thân lại còn mang tiếng thất tình. Thỉnh thoảng nghĩ lại tao vẫn thấy đau như thường. Nhưng bây giờ thì hết rồi.

- Nhờ cuộc tình đẹp như chuyện thần tiên đang vun đắp !?

- Ừ ! Hạnh phúc của tao đó. Nguồn sống của tao đó. Em đã đem lại cho tao những bất ngờ sửng sốt, niềm hy vọng để mà vươn lên.

- Mừng cho mày, còn thằng Dương ?

- À ! Mày nhắc tao mới nhớ. Con Vy đá nó rồi. Nghe nói em chê Thiếu úy để xây ‘‘lâu đài tình ái’’ với một chàng sinh viên Y khoa.

- Thêm một đổi thay ! Tao không ngờ.

- Còn mày ? Em Ngọc sao?

- Chẳng có gì thay đổi.

- Đến lượt tao mừng cho mày ! À ! còn thằng Bằng sao ? Có được tin tức gì của nó không ?

- Không !

Dũng đáp thật ngắn ngủi . Chúng tôi lại ngồi yên lặng mỗi thằng theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. 

Trong một thoáng, hình ảnh Mai lại đến với tôi thật nồng nàn. Tôi ôn lại ngày đầu gặp gở. Ngày mà cho đến chết tôi cũng không thể quên được. Mai đến với tôi thật tình cờ... người con gái đó nhìn tôi mỉm cười. Đôi mắt cô ta phát ra những tia nhìn thật đầm ấm, thật xót xa, là cả một an ủi diệu vợi đối với tôi. Tôi mỉm cười đáp lễ và cám ơn. Chẳng nhẽ chỉ có ngần ấy thôi sao ? Vô lý quá ! Tôi hỏi :

- Cô là chị của bé Tuyết ?

Nàng gật đầu và đáp bằng một nụ cười :

- Vâng !

- Xin lỗi cô ! Tôi hơi tò mò. Cô tên chi ?

- Dạ Ị Em tên Mai.

- Mai ! ? Một loài hoa !... Hằng ngày cô phải đi đón bé Tuyết và em tôi ?

- Vâng !

- Thế mà bây giờ tôi mới biết. Có muộn không Mai ?

Mai e lệ mỉm cười. Người con gái đứng trước mặt tôi là chị của bé Tuyết, bạn của bé Chi, em tôi.

Mai hỏi tôi, giọng trong mát :

- Anh bị thương làm sao đấy ạ ?

- Cám ơn Mai. Tôi bị đạn làm gãy xương đùi. Không đến nỗi nào. Nhẹ thôi.

- Anh bị lâu chưa ạ ?

- Khoảng hơn hai tháng.

- Cũng may anh nhỉ !

- Tôi cũng nghĩ vậy !... Mai học đến đâu rồi?

- Dạ! Em học lớp II (chú thích của người sửa lỗi: chắc là lớp 11); năm nay thi. Sợ ghê anh ơi.

- Giỏi quá ! Chúc Mai thi đổ để thôi sợ.

Mai bật cười :

- Anh chúc sớm quá. Còn lâu mà anh ... Anh đi lính lâu chưa ạ?

- Gần hai năm rồi Mai. Mau thật. Như một giấc mơ. Thỉnh thoảng đi ngang các trường học lại thấy nhơ nhớ, thèm thuồng.

- Xin phép anh cho Mai về kẻo trể. Chúc anh mau bình phục.

- Cám ơn Mai ! Nếu Mai không chê, cho anh được cái hân hạnh nhớ ngày hôm nay là ngày kỷ niệm. Hôm nào rảnh, mời Mai vào chơi, chúng ta nói chuyện nhiều.

- Vâng, Mai hứa sẽ vào thăm anh. 

Có ngờ đâu buổi gặp gỡ tình cờ đó đã thay đổi hoàn toàn con người tôi !? Tôi bắt đầu mơ ước và tin tưởng mãnh liệt vào ngày mai hạnh phúc sẽ đến với tôi. Cái ngày mai mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Hạnh phúc ở trong tầm tay tôi. Tôi phải ôm nó thật chặt bởi vì trong suốt một đời người, dễ gì tìm được một bất ngờ, một may mắn thứ hai ! Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tin lắm vào những diễn tiến tốt đẹp không ngừng. 

Tôi hãnh diện với những gì mà tôi đang có. Tình yêu của tôi đã được đắp xây, vun trồng từ những ngọt ngào thanh khiết, hy sinh cao cả. Tôi cảm phục Mai, một tâm hồn bé nhỏ nhưng ẩn chứa bên trong cả một kho tàng thương yêu vĩ đại. Tôi có quyền và tôi phải tuyên dương tình yêu của tôi như tôi vẫn hằng tuyên dương thân thể tật nguyền của tôi. 

‘‘ Tình yêu như trái phá ! Con tim mù lòa !’’ ... Vâng ! Con tim tôi đã mù lòa bởi những tia nắng rực rỡ hào quang xuất phát từ mặt trời Mai. Tình yêu quả thật có một sức công phá mãnh liệt. Trái phá nổ tung, thay đổi cuộc đời tôi, con người tôi. Tôi thầm cám ơn Thượng Đế đã ban cho tôi nhiều diễm phúc bất ngờ. 

Bây giờ thì tôi không còn gì để mà mơ ước hơn. Tôi không có quyền bất mãn và để hận thù dâng cao. Tôi không có quyền gục đầu an phận và tôi cũng chẳng buồn để ý đến tình đời để mà lên án gắt gao hoặc đả phá mãnh liệt. Tôi không cần gì cả bởi vì bên tôi đã có Mai. Một Mai thật huyền diệu Tuyệt vời… 

Dũng cắt dứt tư tưởng tôi :

- Mộng mơ nhỉ !

Tôi cười thú tội :

- Có quyền chứ ?

- Cho tao gửi lời ‘‘tuyên dương’’ em gì đó !

- Mai !

- Ừ ! Mai ! Cao cả lắm. Đẹp lắm. Thánh thiện vô cùng. Mày hãy sung sướng với tình yêu mà mày đang có. Tao khoái những ‘‘huy hoàng’’ như vậy.

- Cám ơn mày. Thay mặt Mai tao cám ơn mày.

- Ít ra cuộc đời cũng phải ngó lại mình chút chứ mày nhỉ !

- Tao nghĩ vậy !

- Tao mong rằng tình yêu của mày sẽ thênh thang chứ không đầy sóng gió bạo tàn.

- Tao cũng cầu xin và hy vọng như thế.

- Nguyên này !

- Ờ?

- Tao cũng bắt đầu ‘‘yêu’’binh nghiệp rồi đấy nhé.

- Chẳng có gì lạ. Không theo được lý tưởng này thì đặt ra cho mình một lý tưởng khác. Đời quân ngũ cũng là một lý tưởng cao đẹp nếu đã bắt tay nhập cuộc. Những con mắt bàng quang thường nhìn nó bằng một khía cạnh lệch lạc, sai lầm cũng chỉ vì họ không phải là người trong cuộc thế thôi !...

Dũng im lặng. Chúng tôi nhìn nhau... đôi mắt phát ra những tia nhìn tin tưởng !...

Chưa Tắt Nụ Cười - Chương 5

Chương 5

Tôi mở mắt trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Căn phòng trắng toát, lạnh ngắt, nồng nặc mùi Oxy khiến tôi có thể đoán được đây là phòng hồi sinh. Không biết tôi đã thiếp đi bao nhiêu tiếng đồng hồ? Bây giờ là mấy giờ? Đây là bệnh viện nào? Thương tích của tôi ra sao?

Tôi nhìn trên mình tôi và tôi chẳng thấy gì ngoài tấm drap đắp từ cổ đến chân. Hai tay tôi bị buộc trên giường bằng hai sợi giây băng. Có lẽ họ sợ tôi vùng vẫy nên phải buộc chặt thân thể tôi chăng? Lạ lùng quá. Tôi chẳng thấy đau đớn ở chỗ nào!? Thế này thì mù tịt. Tôi đâm ra lo sợ cho số mạng mình. Tôi nghĩ nhỡ tôi mất một phần thân thể, chắc chắn tôi không đủ can đảm để mà sống. 

Thuốc mê chưa tan hẳn, tôi nghĩ thế, cho nên tôi chẳng nhận được một cảm giác rõ rệt nào cả? Tôi nhìn một lượt xung quanh, có tám người cùng chung số phận như tôi. Chưa ai tỉnh cả. Họ vẫn còn mê man nằm im lìm như người đã chết. Tôi cảm thấy ớn lạnh ở xương sống. Thế là một cảm giác đầu tiên đã đến với tôi. Như vậy là tôi vẫn còn sống hẳn hoi. 

Tôi cảm thấy cổ họng tôi đắng chát và khô khan. Tôi thèm một ngụm nước. Tại sao không có ai ở trong căn phòng này hết vậy kìa ? Tôi cựa mình rên nho nhỏ! .. Màn kịch của tôi có kết quả ngay khi cánh cửa bên trái được đẫy vào. Người Y tá, tôi chắc vậy, trong bộ quần áo mổ, đầu đội mũ vải xanh, mặt bịt khăn xanh chỉ chừa đôi mắt, quần áo cũng xanh, đúng là màu xanh mà tôi vừa muốn thấy, tiến lại gần tôi. Ông ta cởi ‘‘trói’’ cho tôi và hỏi thật nhẹ nhàng :

- Tỉnh rồi hả ?

Tôi gật đầu. Ông ta hỏi tiếp :

- Cần gì không ?

Tôi đáp khó nhọc :

- Có. Tôi khát nước.

Người Y tá để nhẹ bàn tay lên ngực tôi :

- Chờ chút nghe.

Nói xong ông ta bỏ đi và lát sau trở lại với ly sữa trên tay. Ông ta nâng đầu tôi dậy, cho uống. Tôi uống thật tham lam, chỉ trong khoảng khắc ly sữa hết sạch. Tôi nhìn ông ta hỏi :

- Tôi bị thương đâu đó ông ?

- Ở chân.

Tôi hơi giật mình :

- Có bị cưa không ông ?

- Không ! Nhưng chân của anh bị gãy xương nên phải băng bột... À quên mất ! Xin lỗi anh cấp bậc gì ?

- Tôi thiếu úy Nguyên.

- Xin lỗi thiếu úy...

- Không ! Anh cứ gọi tôi là anh như lúc nãy. Tôi thích vậy.

- Thiếu úy cho phép !?

- Đừng gọi tôi bằng cấp bậc. Anh lại quên rồi.

- Vâng xin phép... anh ! Anh có gia đình chưa ?

- Tôi còn độc thân !... Anh tên gì ?

- Tôi là Cận. Y tá.

- Anh Cận ! Liệu chân tôi có sao không ? Ngoài chân ra tôi còn bị chỗ nào khác nửa không ? Sao người tôi cứng ngắc vậy anh ?

Cận nắm tay tôi :

- Anh yên chí. Chỉ vài tháng chân anh sẽ lành. Anh chỉ bị một viên đạn vào đùi thôi. Ngoài ra không còn chỗ nào nữa cả. Vì băng bột lên gần ngực nên anh không cựa quậy được đó. Chẳng sao đâu !

Tôi vẫn còn nghi ngờ :

- Anh không thương hại tôi đấy chứ ?

- Không tôi nói thật !... Anh còn đẹp trai lắm.

Câu nói đùa làm tôi bật cười :

- Đẹp trai con khỉ gì. Buồn quá anh ơi.

- Anh nên mừng, vì như thế là may mắn. Anh may mắn lắm.

- Cám ơn anh ! …À, quên ! Đây là đâu vậy anh.

- Anh muốn hỏi phòng này?

- Cả bệnh viện này nữa.

Cận đáp :

- Đây là Tổng y viện Cộng Hoà và anh đang nằm trong phòng hồi sinh.

Tôi hỏi :

- Mấy giờ rồi anh ? Sáng hay chiều ?

- Tám giờ sáng rồi. Anh được giải phẫu đêm qua, gần hai tiếng đồng hồ. Anh mới ngủ được có bảy tiếng thôi mà !

- Tôi chẳng biết gì cả !

- Nhà anh có gần đây không ?

- Cám ơn anh. Tôi ở Phú Nhuận.

- Thế thì gần. Để tôi báo tin dùm anh nghe.

Tôi lưỡng lự và không biết nghĩ sao tôi lại từ chối :

- Thôi khỏi anh ạ. Tôi không muốn cho gia đình biết ... Anh Cận này

- Anh nói đi.

- Tôi nằm đây luôn à ?

- Không tí nữa người ta sẽ đưa anh xuống trại bệnh. Có lẽ anh sẽ nằm ở trại Chỉnh Trực 1.

- Cám ơn anh

Cận gõ tay vào chiếc chân bột của tôi :

- Anh nằm nghỉ. Xin phép anh tôi qua phòng mổ.

Tôi mỉm cười :

- Vâng ! Cám ơn anh. 

Cận bước đi, căn phòng trở lại cái không khí nghẹt thở của nó. Tôi trở về với những ý nghĩ của riêng mình. Thế là tôi yên chí lắm rồi. Tôi chỉ bị một viên đạn bắn vào chân và chỉ gãy xương thôi. Như vậy tức là thân thể tôi vẫn còn nguyên vẹn, không mất mát một bộ phận nào cả. Không đến nỗi nào nhưng cũng là một đổi thay quan trọng. Tôi nghĩ nếu mình có lành lặn, chắc chắn tôi cũng sẽ mang tật. Thân hình của tôi sẽ xiêu vẹo vì chân thấp chân cao. Tôi buông tiếng thở dài. 

Bây giờ thì tôi đã tỉnh táo lắm rồi. Tôi muốn xem qua cái chân mình một chút. Tôi vén tấm drap lên... họ bó bột cái chân tôi từ gót lên đến bụng, tôi nhìn thấy vết máu thấm ra ở đùi. Người Y tá nói thật. Tôi chỉ bị thương ở đùi thôi. Một chút vui mừng len nhẹ trong tôi, tôi nghĩ, đó chỉ là niềm vui tạm bợ, dấy lên trong khoảnh khắc. 

Tôi nằm trong căn phòng trắng toát nặc nồng mùi Oxy đó khoảng mười lăm phút kể từ lúc người y tá bỏ đi. Cánh cửa lại được đẩy vào, lần này không phải Cận mà là một người khác. Ông ta tiền lại gần tôi nói:

- Thiếu úy Nguyên phải không ?

Tôi gật đầu. Ông ta tiếp:

- Bây giờ Thiếu úy xuống trại bệnh.

Nói xong ông ta đẩy tôi đi. Bây giờ tôi mới biết tôi đang nằm trên chiếc giường có bánh xe. 

Chiếc xe, tạm gọi như vậy, dừng lại trước một dãy nhà trắng. Tôi đọc kịp hàng chữ ‘‘Trại Chỉnh trực I’’ trước khi bị đẩy tuốt vào trong. Tôi được khiêng sang giường số 10, phòng 2 của trại này. Tôi đưa mắt quan sát chung quanh .. Phòng có tám giường. Tôi nhìn sang chiếc giường đối diện... Một khuôn mặt thật trẻ đập vào mắt tôi. Anh ta chỉ khoảng 18 là cùng, khuôn mặt còn đầy nét ngây thơ và thương tích của anh ta là chiếc chân trái bị cụt. Tự dưng tôi thấy thương người lính trẻ đó mặc dù tôi chẳng hơn gì họ. Hắn, tôi gọi thế cho thân mật, nhìn tôi mỉm cười, tôi cười đáp lễ. Hắn tụt nhanh xuống giường, ngồi gọn trong lòng chiếc xe lăn, lái lại phía tôi.

- Thiếu úy!

Tôi ngạc nhiên:

- Sao chú biết tôi là Thiếu úy?

Hắn nhe răng cười thật vô tư:

- Dạ em thấy ghi ở đầu giường.

Tôi hỏi:

- Chú tên gì ? Bao nhiêu tuổi ? Đơn vị nào ?

Hắn đáp :

- Em tên Phương, 18 tuổi, ở tiểu khu Gia Định.

Tôi nhìn hắn:

- Phương này !... Chú hãy gọi tôi bằng anh, đừng gọi cấp bậc nữa nghe. Tôi tên Nguyên, 23 tuổi, Sư đoàn 5.

Phương móc túi lấy gói thuốc Pall Mall mời tôi:

- Anh hút một điếu !... Thấy anh là em khoái liền. Anh có vẻ ngang tàng. Anh bị thương ở đâu?

Tôi gài điếu thuốc lên môi :

- Cám ơn Phương . Anh bị thương ở chiến Khu D.

- Ồ! ‘‘Hết xẩy !’’

Tôi bật cười vì cử chỉ và lời nói trẻ con của Phương. Tôi hỏi :

- Phương đi lính lâu chưa ?

Phương dáp :

- Dạ em mới đi năm ngoái. Em còn ‘‘sữa’’ lắm. Em tình nguyện mà.

- Sao em không học tiếp ? Đi lính chi sớm vậy ?

- Ai cho học anh ?

Bi thảm quá ! Lời nói làm tôi xúc động !... Tôi im lặng nhìn khói thuốc lãng đãng trong không. Hương vị của điếu thuốc làm tôi thèm thuồng một tách cà phê. Tôi đập nhẹ vào tay Phương :

- Ở đây có bán cà phê không Phương ?

- Anh ‘‘thèm’’ hả ? Để em pha cho. Em có mà.

Nói dứt câu, Phương quay xe trở về giường của hắn. Mặc dù mới quen Phương chưa đầy mười lăm phút nhưng tôi có cảm tình với Phương rất nhiều. Tôi yêu khuôn mặt trẻ con của Phương. Tôi yêu đức tính tốt của Phương và tôi yêu tấm lòng rộng mở của Phương.

Ở Phương tôi đã tìm được một cái gì quen thuộc lắm thì phải. À ! Tôi nhớ ra rồi. Phương gần gũi với tôi ở tấm lòng rộng rãi. Tôi cũng vậy, rất dễ làm thân và kết bạn. 

Phương còn quá trẻ, chỉ bằng tuổi em tôi. Rồi mai đây trở về với tấm thân tàn phế, Phương sẽ nghĩ gì ? Phương sẽ làm gì ? Cuộc đời của Phương còn dài quá. Tương lai của Phương còn xa vời quá. Niềm tin của Phương còn to tát quá. Ánh mắt của Phương còn ngây dại quá. Và khối óc của Phương còn non nớt quá !... Phương không thể làm gì được với chuỗi ngày dài lê thê tàn tạ. Tôi muốn nói với Phương một lời gì khác hơn là những câu thăm hỏi tầm thường. Nhưng tôi không đủ can đảm để mà nói.

Phương có người yêu chưa nhỉ. Nếu có, người yêu của Phương sẽ nghĩ sao ? Sẽ phản ứng thế nào khi đứng trước mặt Phương ? Một người lính trẻ tàn phế !? Một thân hình không còn nguyên vẹn !? Xót xa quá !Thật thiệt thòi ? Tôi cầu xin cho Phương được nhiều may mắn…

Tôi nhìn lại thân phận mình. Cũng may tôi không có gì để mà chua xót, đắng cay nhiều như Phương. Dầu sao thân hình tôi vẫn còn nguyên vẹn và hiện tại tôi không có người yêu để phải chứng kiến thêm một cảnh đau lòng.

Vị Đại úy trưởng trại cất tiếng nói cắt đứt tư tưởng tôi :

- Yêu cầu các anh em thương bệnh binh trở về giường của mình để phái đoàn truyền giáo Tin Lành đến viếng thăm và ủy lạo. 

Một vài tiễng vỗ tay, la hét vang lên. Tôi ngạc nhiên, họ có thể vui vẻ, hồn nhiên như vậy được sao ?

Tôi tưởng không khí của một trại bệnh phải buồn như tâm trạng của những người thiếu may mắn chứ ? Như tôi chẳng hạn. Mặc dù có thể được coi như là nhẹ nhưng tôi vẫn buồn và xót xa vô cùng khi nhìn xuống thân thể minh. Có lẽ họ tìm quên qua những phút giây vui vẻ ngắn ngủi đó chăng ? 

Tôi nhìn Phương, hắn ngồi trên giường phì phà điếu thuốc, trên môi không tắt nụ cười. Phin cà phê để bên cạnh đang nhỏ từng giọt thật chậm như nỗi buồn của tôi lây lất kể từ ngày khôn lớn. 

Tôi nhìn xuống hai bàn chân của mình nằm song song với nhau. Tôi ngo ngoe những ngón chân của bàn chân trái. Tôi thấy con người của tôi là những ngón chân cử động yếu ớt đang cố gắng ngoi lên trong vũng lầy phù ngập đến cổ. Niềm hy vọng mong manh quá. Nhỏ nhoi quá.

Cơn nhức bắt đầu hành hạ tôi. Tôi nhăn mặt đau đớn. Một nửa thân tôi gần như tê liệt hoàn toàn. Từng thớ thịt, thần kinh giật lên theo nhịp độ đục khoét của vết thương ung mũ. Tôi nhắm mắt để cơn đau lắng xuống. Một khoảng tối dày đặc giăng ra trong tầm mắt hẹp hòi của tôi. Tôi thấy mình vùng vẫy, lần mò trong bóng tối u mê đó cho đến lúc một bàn tay đặt nhẹ trên cánh tay trần trụi của tôi. Tôi mở mắt, một khuôn mặt hiền hậu của người con gái đập vào mắt tôi. Tôi còn đang ngơ ngác thì cô ta hé môi cười, thật xinh tươi.

Cô ta hỏi tôi, giọng ngọt ngào :

- Anh còn mệt ?

Tôi gật đầu, hỏi một câu thật ngớ ngẫn :

- Cô là ai ?

Vẫn nụ cười đó, cô ta trả lời :

- Tôi là một người trong phái đoàn đi ủy lạo.

- A! Tôi hiểu rồi !... Mời cô ngồi.

Tôi chỉ vào chiếc ghế đầu giường; cô ta ngoan ngoãn ngồi xuống. Bỗng dưng tôi thấy mình thèm nói chuyện một cách lạ lùng. Tôi hỏi cô ta :

- Xin lỗi cô tên chi ? Bao nhiêu tuổi ?

Nhận thấy câu nói của tôi có vẻ tự nhiên quá, bởi tôi đã quen như vậy rồi. Tôi vội vàng xin lỗi :

- Xin lỗi cô vì tôi quen tự nhiên và thân mật rồi. Mong cô đừng chấp. Tôi tên Nguyên, 23 tuổi, sư đoàn 5. Đó là lý lịch tạm của lôi.

Cô ta che miệng cười :

- Tôi thích cái tự nhiên của anh. Nó có vẻ ‘‘lính’’ quá. Cám ơn anh đã cho tôi cái cảm tưởng gần gũi với anh hơn. Thân thiện với anh hơn. Tôi tên Loan 26 tuổi.

Tôi cố vui :

- A ! Như vậy thì phải đổi cách xưng hô. Chị lớn hơn là chị, em là em, được không chị ?

Chị Loan tròn mắt :

- Rất hân hạnh. Nguyên làm chị ngạc nhiên và cảm động quá. Chị thích những tâm hồn phức tạp nhưng ngay thẳng và chân thật như Nguyên.

- Cám ơn chị đã quá khen ! .. Em nghĩ đời giả dối đã nhiều rồi. Ta không nên dối trá để khoác vào bộ mặt tầm thường đó. Nghĩa là chúng ta phải làm một cái gì để đừng tầm thường như họ.

- Đó là ý kiến của Nguyên. Hay lắm ! Chị rất vui khi gặp được một khuôn mặt trầm buồn nhưng có cả một tấm lòng rộng mở như Nguyên.

- Em cũng rất vui khi gặp được một tấm lòng bác ái như chị.

- Chị em mình lại khen nhau rồi đấy nhé !

Tôi bật cười. Chị Loan hỏi :

- Nguyên vào quân đội lâu chưa ?

Tôi đáp :

- Dạ gần hai năm.

- Hồi trước Nguyên học ở đâu ?

- Em học Luật.

- Nguyên bị thương trong trường hợp nào ? Có thể kể chị nghe được không ?

- Chị thích nghe chuyện nhà binh ?

- Không hẳn. Nhưng chị muốn biết trường hợp bị thương của Nguyên.

- Vâng, chị chờ em chút.

Thói quen của tôi khi nói chuyện là phải có điếu thuốc cầm tay. Tôi gọi Phương :

- Phương.

- Dạ !?

- Chú cho anh điếu thuốc.

Phương ném gói thuốc cho tôi. Tôi rút một điếu gài lên môi, châm lửa rồi bắt đầu câu chuyện :

- Em bị thương vào khoảng 17 giờ chiều hôm qua.

Chị Loan ngắt lời tôi:

- Ồ! Vậy là Nguyên mới nằm đây!?

- Vâng, vừa nằm đây chưa đầy một tiếng đồng hồ thì chị đến. Em xin kể tiếp, em là Sĩ quan chiến tranh chính trị của đơn vị. Em theo đơn vị trong cuộc hành quân tảo thanh địch ở chiến khu D. Địa danh này chắc chị đã được nghe nói đến nhiều. Khi cánh quân của đơn vị vừa tiến vào vùng địch trú ẩn khoảng nửa tiếng đồng hồ thì Bộ chỉ huy của đơn vị đứng ở ngoài bị phục kích. Và em là một trong những người thuộc bộ chỉ huy. Lúc ấy khoảng 17 giờ thiếu 10. Khi tiếng súng đầu tiên của địch nổ, tụi em vội vàng lăn mình trên mặt đất và chống trả mãnh liệt. Địch rất đông - em nghĩ vậy - bởi tiếng súng liên hồi và tiếng hô xung phong của chúng. Nhưng không phải vì thế mà chúng em mất hết can đảm. Các bạn em vẫn anh dũng chiến đấu trước sự tấn công bất ngờ và vũ bão của địch. Chỉ không đầy năm phút sau chúng em làm chủ tình hình và tiến đến gần địch hơn. Cùng lúc đó, cánh quân vào vùng địch trú ẩn quay trở ra tiếp viện. Địch bị chúng em đánh ‘‘gọng kềm’’. Trong một phút sôi nổi, em nhào lên, lăn xả vào vùng mưa đạn của địch và kết quả là em bị một viên vào đùi sau khi hạ gục được hai tên. Em thiếp đi và không biết gì nữa cho đến lúc tỉnh lại; em thấy em nằm trong phòng hồi sinh của bệnh viện này!... 

Câu chuyện của tôi đã kết thúc nhưng chị Loan vẫn ngồi yên như đang chăm chú nghe âm thanh của câu chuyện còn văng vẳng. Đôi mắt chị thật xa xăm; chi cất tiếng hỏi:

- Nguyên nghĩ sao khi thấy thân thể mình mang thương tích?

Tôi cười gằn : 

- Làm gì bây giờ hả chị? Nghĩ gì bây giờ hả chị ? Em buồn lắm chị ạ Cuộc đời của em bất hạnh quá. Khi mở mắt, còn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, em thèm sống, em khao khát được sống. Lúc biết chắc rằng mình đã sống, em lại chán tất cả. Em đã thiệt thòi và mất mát nhiều quá ! .. Bây giờ em đang chuẩn bị đón tiếp những cái nhìn dửng dưng pha lẫn ái ngại của người đời. Em phải chuẩn bị để em đừng điên lên trước những khuôn mặt hèn hạ đó. Dĩ nhiên em không dám nói tất cả bởi vì dầu sao cũng còn những người xứng đáng là người. Em muốn nói đến chị.

- Cám ơn Nguyên !...Chị khuyên Nguyên nên bình tĩnh và tha thứ cho những người đó. Nguyên đừng có mặc cảm để gây thù oán chung quanh mình. Hãy giữ nguyên cánh cửa lòng đang rộng mở bởi vì xung quanh Nguyên còn rất nhiều tình thương chân thật. Nguyên phải hãnh diện bởi vì Nguyên đã góp một phần xương máu trong việc giữ gìn quê hương đau khổ này. Nguyên phải hãnh diện khi Nguyên được Tổ Quốc nhìn nhận mình là một đứa con yêu. Nguyên cố gắng tìm quên trong công việc của mình và Nguyên phải nghĩ rằng Nguyên đang sống như trăm ngàn người bình thường khác. Tương lai của Nguyên còn đầy hứa hẹn. Cuộc sống của Nguyên còn dài. Nguyên còn quá trẻ. Nguyên hy sinh cho đất nước này ngần ấy cũng đủ lắm rồi. Bây giờ, Nguyên có quyền nghĩ đến riêng mình. Hãy coi như ta trở lại từ khởi điểm. Chị tin rằng Nguyên sẽ làm được bởi vì trong ánh mắt Nguyên, chị thấy được cả một đức tính kiên nhẫn và chịu đựng. Mỗi người trong chúng ta đang thi hành sứ mệnh của Thượng Đế giao phó. Nguyên phải vui vẻ sống để làm tròn sứ mệnh của mình !...

- Chị Loan!

- Nguyên muốn nói gì!

- Em muốn nói... em vừa tìm được một nguồn an ủi vô biên, một hy vọng còn sót lại, một tình thương chân thật của một người không ruột thịt. Dù sao trong suốt kiếp sống tàn tạ còn lại, em cũng đã được cái hân hạnh nhận chân được một tình thân không vụ lợi, không tính toán. Chị Loan! Em có một ước nguyện này, em muốn chị nhận em là đứa em kết nghĩa của chị. Chị nhận lời nghe chị Loan ?

Nét mặt chị hân hoan:

- Chị rất vui sướng khi có một đứa em như Nguyên. Nguyên à ! Kể từ giờ phút này, em là em của chị, chị có cảm tưởng rằng chị có một trách nhiệm thật lớn lao đối với Nguyên. Chị sẽ giúp đỡ và an ủi Nguyên trong suốt kiếp sống còn lại. Chị mong rằng em sẽ tìm được một nguồn vui, một sự thảnh thơi trong tâm hồn mỗi khi chị đến với em.

- Như vậy là em không có quyền bất mãn và kết án đời nữa phải không chị ? Chị đã đến với em như buổi chiều vàng của rừng thu chờ cơn gió thoảng. Em sẽ hát cho chị nghe những ca khúc trẻ xóa bỏ hận thù như bài ‘‘Huế - Sàigòn - Hànội’’...

- Em của chị có vẻ nghệ sĩ lắm.

- Bởi cái chất nghệ sĩ mà em mới khổ, mới trầm buồn lạnh lùng như chị nói !... Nhưng đó chỉ là khuôn mặt của em thôi. Em vẫn cần tình thương, vẫn rộng mở cửa lòng để đón nhận những tình thương chân thành đó !...

- Chị nghĩ như thế này Nguyên. Loài người cần nhau, chờ nhau và cho nhau tình yêu. Mà trong tình yêu thì khó tránh được vị kỷ, khó tìm đến vị tha. Nếu có, thì tìm đến một mức độ nào đó thì hết, thì vỡ. Không chịu đựng được nữa, rồi tiếp đó là đầy rẫy ưu phiền, cay đắng, oán trách ! .. Đó là nguyên nhân sâu kín nhất để xua đẩy con người đến chỗ mất niềm tin, chết hy vọng. Nhưng nếu chúng ta có được một thứ ‘‘tình thương’’ như tình thương của Thượng Đế đã thương yêu loài người thì mỗi đời sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao. Thoải mái biết bao. ‘‘Tình yêu thương hay nhịn nhục, nhân từ, chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng kiêu ngạo mà tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy và nhẫn nhục trước mọi sự...’’. Thật là tuyệt. Nếu chúng ta có một tấm lòng như vậy thì chúng ta mới tin tưởng, hy vọng và hy sinh cho nhau mà không hề thắc mắc, so bì... Tại sao chúng ta không sống như vậy được ? Dĩ nhiên, chung quanh chúng ta đầy rẫy dối gian, lừa lọc .. Nhưng kệ họ. Ai gần được mình , ai thấy được đời sống mình tức là thấy được một thứ thương yêu ngọt ngào, thanh khiết. Chính đó, ta mới gây được niềm tin trong ta, trong họ, trong những người gần gũi ta. Hạnh phúc là ở chỗ đó đó Nguyên ! Đời sống của chúng ta có ý nghĩa cũng ở chỗ đó. Và giá trị cũng ở chổ đó !...

Tôi gài một điếu thuốc khác lên môi :

- Em quá nhỏ bé khi đứng trước mặt chị.

Chị Loan cười :

- Chị cũng chẳng hơn gì Nguyên. Nếu có, chỉ là những điều chị đã học hỏi và thu lượm được trong kinh sách, trong giáo lý thế thôi !... Chị thấy Nguyên có những đức tính khiêm nhường, nhịn nhục và kiên nhẫn. Nguyên đã có đủ điều kiện để xứng đáng là ‘‘người’’. Nguyên hãy quên tất cả để tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn. Nguyên hãy nghĩ và cầu xin ở Thượng Đế. Tìm sự bình an tuyệt diệu trong Chúa. Ngài yêu thương và không bao giờ phản bội loài người. Chúa ở gần chúng ta lắm. Bất cứ ai cần Ngài, cần tình thương Ngài, cần sự san sẻ của Ngài, cần một nơi nương tựa cho tâm linh mình, chỉ việc đến với Ngài, kêu Ngài nho nhỏ sẽ có tiếng phán êm dịu bên tai mình ‘‘Hởi những kẻ gánh nặng và mệt mỏi, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho ngươi được yên nghỉ. Ta sẽ ban cho ngươi tình yêu thương vĩnh cữu ...’’. Nguyên sẽ tìm thấy ánh sáng cho tâm hồn mình qua niềm tin trong Thượng Đế. An ủi lắm Nguyên ạ ! Hạnh phúc lắm Nguyên ạ !.

- Em cám ơn chị đã cho em một niềm tin, một hy vọng còn sót lại. 

Tôi nhìn thẳng lên trần nhà, tôi không thấy gì cả bởi vì trong tôi xúc động vẫn âm ỉ cháy. Tiếng Phương gọi làm tôi giật mình:

- Anh Nguyên!... Cà phê nguội rồi.

Tôi nhìn hắn cười thật tươi :

- Nguội uống theo nguội. Chú qua đây.

Vẫn những cử chỉ thật nhanh nhẹn, Phương tụt khỏi giường, ngồi gọn trong lòng chiếc xe lăn. Tôi yêu Phương thật nhiều như tôi vừa đón nhận một tình thương hiếm có trong cuộc sống đầy rẫy mưu mô này...

Chưa Tắt Nụ Cười - Chương 4

Chương 4

Tôi đã thật sự trở thành một người lính tự bao giờ tôi cũng chẳng cần hay biết. Cuộc đời đã vẽ cho tôi nhiều khúc rẽ. Và khúc rẽ quan trọng nhất là con đường mà tôi đang đi. Không hiểu trong suốt kiếp sống còn lại sẽ có bao nhiêu đổi thay quan trọng nửa đến với tôi ? Tôi vẫn miệt mài và khắc khoải trong niềm ưu tư sâu đậm đó. Lát nữa đây, trở lại con đường mà tôi đã bỏ gần năm trời nay, không hiểu tôi sẽ thấy gì. Những kỷ miệm xa xưa lần mò tìm về hay chỉ là một sự trống rỗng ? Nỗi xót xa của đổi thay ?

Tôi muốn tìm cho mình một đối tượng tuyệt vời để có thể sống ít nhất trong lúc này. Nhưng bây giờ trong tôi không còn gì cả. Tôi thấy mình bệ rạc, trác táng và tấm thân điêu tàn này tôi vẫn cưu mang như một món nợ đời chưa thể trả. Giây phút này tôi thật sự muốn tìm về những kỷ niệm xa xưa. Có thể là ôn lại cuộc tình đã gẫy đổ. Tôi muốn gọi ‘‘Diễm ơi’’ đằm thấm như ngày nào.

Tôi muốn sống lại với Diễm dù chỉ một ngày để tôi thấy ít ra trong suốt cuộc đời còn lại cũng đã có lần tôi được trở về nguyên thủy của những tháng năm mơ mộng nhất một đời người.

Diễm ! Không ! Diễm xưa thì đúng hơn. Bởi vì Diễm đã vuột khỏi tầm tay tôi. Bởi vì Diễm đối với tôi chỉ còn là kỷ niệm. Một kỷ niệm buồn nhưng đẹp. Tôi muốn quên đi nhưng thỉnh thoảng hình ảnh Diễm đến với tôi thật nồng nàn. Và sau những lần ngồi nhìn lại dĩ vãng, một chút xót xa nuối tiếc vẫn dâng lên trong tôi. Như một giấc mơ! Tôi nghĩ vậy. Không đầy một năm mà cuộc tình của tôi dãy chết. Tôi không trách Diễm mà tôi cũng chẳng oán hờn ai cả. Tôi chỉ buồn cho thân phận của mình thế thôi.

Tôi còn nhớ như in trong óc... Một buổi chiều trời mưa tầm tã, tôi ngồi thu mình trong căn hầm ẩm ướt viết thư cho Diễm. Lá thư còn đang viết dở thì người bưu tín viên đem vào cho tôi tấm thiệp cưới. Tôi không thể đoán được người báo tin vui là ai nên vội vàng xé phong bì ra xem. Hàng chữ nhảy múa trước mắt tôi, tôi không còn thấy gì cả, tấm thiệp rơi nhẹ nhàng xuống đất sau khi tôi đọc kịp ba chữ ‘‘Hoàng Thúy Diễm’’. Thế là hết. Những điều tôi nghĩ đã thành sự thật. Một sự thật phũ phàng mà tôi đã đón chờ nó từ ngày chấp nhận nhập cuộc. Thế nhưng tôi vẫn giật mình sửng sốt bởi vì tôi không ngờ nó đến với tôi sớm quá, đột ngột quá.

Tôi buông tiếng thở dài sau khi thốt được một tiếng «đời » ngắn ngủi. Chiếc xe rẽ về đường Thống Nhất và dừng lại trước Thảo cầm viên. Tôi xuống xe, dặn người tài xế:

- Anh đem xe lại quán đằng kia ngồi chờ tôi.

- Vâng!

Người tài xế đáp xong, cho xe chạy. Tôi bắt đầu thả bộ hướng về trường Trưng Vương ‘‘khung trời dấu ái’’. 

Tôi đi suốt con đường không còn tia nắng mặc dù trời đang lập Hạ. Tôi muốn ngủ vùi trong không khí bình lặng của một ngày tự do. Tôi muốn chết đi một giờ để sau khi sống lại, tôi sẽ tìm được một cái gì khang khác vừa hiện diện trong tôi. Tôi nhặt những chiếc lá me rớt rụng ấp ủ trong lòng bàn tay biểu lộ lòng thương của loài người. Tôi chợt nghĩ đến thân phận mình cũng đang được ấp ủ và vỗ về bằng bom đạn và khói lửa ngút ngàn. Tôi thả những chiếc lá me vung vãi xuống mặt đường như tôi đã từng vứt đi tuổi xanh ngà ngọc

Bởi một thoáng ưu tư nào đó tôi thấy mình trong đóm lửa hắt hiu của đầu điếu thuốc. Tôi chìm đắm trong cái nóng rát bỏng của mặt trời. Tôi ước xác thân mình được nung chảy trong đó để tôi không còn là tôi mà tôi vừa được thoát thai từ một kiếp nào. Tôi ngồi xuống bên đám cỏ xanh tươi để tìm lại một chút thanh thản trong tâm hồn. 

Tôi làm tất cả những gì tôi muốn để tôi thấy rằng tôi đang được tự do. Tôi vừa bắt gặp một tia nắng thật hỗn đang cố tình len lỏi trong tàn lá xanh um rớt xuống đỉnh đầu tôi. Tôi dừng lại vì bị cuộn concertina chắn bước.

Tôi đếm từng bước chân thật nặng nề gõ đều trên mặt con đường quen thuộc. Con đường Nguyễn Bình Khiêm, ngôi trường Võ trường Toản thân yêu, ngôi trường Trưng Vương tình tứ... Khung trời đang nhiều kỷ niệm nhất trong đời mà đến chết tôi cũng không thể quên. Theo tháng năm mòn mỏi, tôi nhận được sự đổi thay trong nó. Nó không còn cái nét hiền hòa ngày xưa tuổi dại mà đã được khoác vào một bộ mặt thật dữ dằn. Cái bộ mặt mà những người yêu chuộng tự do ghét bỏ.

Có thể tôi đang chán chường về sự đổi thay đó, có nghĩa là tình thương trong tôi đã giảm không còn như thuở mà tuổi hai mươi chưa biết ngủ vùi trong một cơn mê dài không dứt. Tôi muốn bay lên ngồi trên một cụm mây nào đó để thấy rằng tôi không lệ thuộc vào ai. Trên đó hẳn tôi sẽ tự do vùng vẫy vì thế giới này là của riêng tôi cùng những người không thích gây thù gieo oán.

Tôi muốn ngự trên vùng trời bao la để có một dịp nào tôi hát theo tiếng gió nhè nhẹ đưa. Tôi gào lên trong tiếng gầm của sấm sét để nói cho mọi người biết rằng tôi yêu tự do, tự do bình thường của một con người.

Tôi quay trở lại và tiếp tục bước. Mọi người nhìn tôi như một con quái vật. Không hiểu tại sao ? Có lẽ tại bộ mặt của tôi không hợp với bộ quần áo pha màu đất mà tôi đang khoác trên mình. Tôi vẫn đi trong rừng người xa lạ đó và tôi thấy mình khác xa họ. Tôi hát một câu nào đó trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn mà tôi không nhớ. ‘’ Hỡi ơi! Thân phận làm người’’...

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Hạ sĩ Hùng - người tài xế - anh ta hỏi tôi:

- Mình đi chưa Thiếu úy?

Tôi kẹp một điếu thuốc lên môi:

- Anh uống xong chưa ?

Hùng đáp:

- Dạ rồi.

Tôi gọi chủ quán tính tiền rồi quay sang nói với Hùng:

- Mình về ngang Duy Tân một chút rồi đến Thiếu úy Dương.

- Dạ, khúc nào Thiếu úy?

- Công trường Chiến Sĩ.

Cả hai chúng tôi cùng đứng dậy. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi quay nhìn khung cảnh nơi đây lần cuối, vẫy tay chào. Tôi thấy hình ảnh Diễm nhảy múa rộn ràng trong rừng lá me bay lả chả.

‘‘Trả lại em yêu, khung trời Đại học, con đường Duy Tân...’’ vùng trời kỷ niệm thứ hai của tôi. Tôi lặng người trong giây lát. Những hình ảnh xa xưa lại có dịp lần mò về. Ôi! Sao mà đẹp dịu dàng tuyệt vời quá. Còn đâu chàng sinh viên Nguyên ngày xưa nữa nhỉ !? Mất rồi. Mất tất cả rồi. Tháng, ngày thần tiên đó chỉ ở bên ta, đến với ta một lần. Tôi muốn trở lại cương vị của tôi ngày trước. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ hão huyền. 

Tôi không còn can đảm ngồi ôn lại dĩ vãng đời mình. Bây giờ có hối tiếc lắm cũng chẳng vớt vát được một ân huệ nào. Tôi đã tự trách mình quá ngu xuẩn làm lạc hướng đời tôi. Ngày xưa!... Cái ngày xưa thật gần gũi nhưng cũng thật xa vời đó, nếu tôi có ý thức được con đường mình đang đi thì bây giờ tôi không phải là Thiếu úy Nguyên mà là chàng sinh viên Cử nhân Luật khoa năm thứ hai rồi. Chỉ một chút nông nổi. Chỉ một giây buông thả... tôi không còn gì ! Tôi trở về với muôn ngàn xót xa nuối tiếc...

Chiếc xe rẽ về đường Hai bà Trưng, hướng về Phú Nhuận ngoại ô thành phố. Khoảng mười lăm phút sau đến nhà Dương. Xe vừa ngừng ở cửa, tôi thấy hắn từ trong nhà chạy ra. Dương hét lên một tiếng thật to:

- Nguyên!

Cả hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi. Giá là con gái có lẽ chúng tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói :

- Linh tính báo cho tao biết là mày có ở nhà.

Nét mặt Dương hân hoan:

- May quá!... Mày về lâu chưa?

Tôi theo Dương bước vào phòng khách:

- Mới về sáng nay. Tao đi thăm ‘‘khung trời kỷ niệm’’

Dương trách :

- Thằng đểu ! Sao không rủ tao đi với ?

- Tiện đường về tao ghé ngang chứ đâu có chủ đích đi.

- À, em Diễm sao?

Một thoáng buồn len nhẹ trong tôi:

- Lấy chồng rồi!

Dương kinh ngạc:

- Hả! Không đùa chứ?

Tôi gật đầu:

- Thật!

Dương hỏi:

- Lý do?

- Không rõ.

- Tao thành thật chia buồn với mày.

- Cám ơn, chẳng hề gì. Đời mà mày ! Tao đã từng nói với mày chuyện sẽ xảy ra như vậy từ ngày mình lên đường nhập cuộc cơ mà!

- Tao không ngờ!

- Còn em Vy của mày làm sao?

- Cũng chẳng hơn gì mày. Thằng sinh viên Y Khoa bảnh hơn tao là cái chắc.

- Lại đến lượt tao chia buồn với mày.

Chúng tôi nhìn nhau... phá lên cười sặc sụa. Tôi biết đó chỉ là giọng cười điên cuồng, bất mãn. Cười để quên đời. Quên thế thái nhân tình chứ không phải nụ cười sung sướng.

Nép sống quân ngũ đã uốn nắn chúng tôi thành những con người biết kiên nhẫn, chịu đựng và thật lạnh lùng, bình tĩnh trước mọi sự việc xảy ra. Nếp sống quân ngũ đã biến chúng tôi thành những con người can đảm phi thường. Nếp sống quân ngũ là một hấp lực lôi cuốn chúng tôi. 

Thật vậy ! Có thể nói hiện tại, chúng tôi yêu binh chủng và màu áo của chúng tôi vô cùng. Cuộc sống khổ ải và cam go thật đấy nhưng bên trong nó là một hạnh phúc hiếm có trên trần đời. Từ những kẻ hoàn toàn xa lạ khắp bốn phương trời, chúng tôi quây quần bên nhau dưới bóng đại gia đình quân đội. Đơn vị là một gia đình thứ hai của chúng tôi. Chúng tôi gần gũi và yêu thương nhau chân thành. Tình thương của một chiến binh dành cho một chiến binh thật khó mà diễn tả và đo lường được. 

Nhiều lúc rời xa đơn vị, tôi cảm thấy nhớ những khuôn mặt của các chiến hữu và nhớ nếp sống quen thuộc của mình. Có lẽ tại những sự kiện này mà đôi lúc tôi nghĩ tôi yêu cuộc sống hào hùng, bấp bênh của một người lính chiến.

Ngược về dĩ vãng, thuở mới chấp nhận bắt tay nhập cuộc, tôi bở ngỡ, xa lạ, sợ sệt và không mấy thích cuộc sống khắt khe, đầy khổ ải này. Nhưng bây giờ, càng trưởng thành trong quân đội, tôi càng yêu màu áo của mình hơn. Tôi có cảm tưởng, mình đã trưởng thành từ lúc đặt chân vào Quang Trung rồi qua giai đoạn thứ hai ở trường Thủ Đức!… Nghĩ đến kỷ niệm xưa, tôi lại nhớ một hình phạt thật oan ức mà một vị huynh trưởng áp dụng cho tôi. Thời gian đó hình như là tuần lễ đầu của giai đoạn huấn nhục thì phải. Hôm ấy, tôi, Dương, Dũng, Bằng đang đứng nói chuyện với nhau dưới gốc cây bã đậu. Một huynh trưởng đi ngang, có lẽ anh ta đang buồn, chắc không có trò gì để tiêu khiển nên vị huynh trưởng đó bắt chúng tôi ra trình diện. Thật là phi lý. Thật là ngang ngược. Đó là một trong những cái uất ức phải cắn răng chịu đựng.

Sau phần trình diện, huynh trưởng hỏi chúng tôi :

- Các anh có người yêu chưa ?

- Có rồi !

- À, vô đây các anh còn mơ mộng nghĩ đến người yêu phải không ? Làm hai mươi cái «hít đất » anh.

Không có quyền cãi ! Chúng tôi phải thi hành lệnh phạt. Hít đất xong, huynh trưởng hỏi lại :

- Các anh có người yêu chưa ?

- Dạ chưa !

- Các anh nói láo. Dám qua mặt huynh trưởng hả ? Làm hai mươi cái ‘‘nhảy xổm’’ anh.

Lại nhẩy xổm. Không còn gỉ để bực tức hơn. Nhưng truyền thống của trường là như vậy. Chúng tôi chỉ là những kẻ được hấp thụ kỹ lưỡng để nhớ nằm lòng và truyền lại cho đàn em. 

Bây giờ, tất cả những bực tức, nhục nhằn, khổ ải trong trường Bộ Binh Thủ Đức là những kỷ niệm đẹp không bao giờ chết trong chúng tôi. Tôi nhìn Dương nói đùa :

- Anh có người yêu chưa ?

Dương bật cười :

- Mau thật mày nhỉ ! Mới ngày nào ! Mày có nhận được thư từ của con nhà Dũng với con nhà Bằng không ?

Tôi lắc đầu :

- Không !

Dương tiếp :

- Chắc nó còn để thì giờ viết thư cho em.

- Mong rằng vậy ? Hy vọng tụi nó không đến nỗi đen như mình.

Dương yên lặng. Tôi hỏi :

- Mày gặp em Vy lần cuối vào lúc nào ?

Dương nhíu mày :

- Hồi đầu năm ! Tao về phép ghé thăm em, em ruột của em nói cho tao biết em đi chơi với ‘‘kép độc’’ rồi. Hắn là sinh viên Y Khoa năm thứ hai.

Tôi chặc lưỡi :

- Đau thật ! Phản ứng của mày ra sao ?

- Nhún vai, quay lưng, buồn năm phút !

Tôi đùa :

- Có năm phút thôi à !?

Dương mỉm cười :

- Ấy là nói vậy chứ cũng thấm thía và buồn hơi dai.

- Bây giờ quên chưa ?

- Không quên cũng phải quên ! …Còn mầy ?

- Quên rồi ! Thỉnh thoảng nhớ lại để hưởng tí ti ‘‘thú đau thương’’ thôi.

- Thôi dẹp chuyện đó qua một bên. Bây giờ xoay về chuyện tụi mình ? Chỗ mày khá không ?

- Tàm tạm ! Tương đối ‘‘thọ’’

- Tao cũng vậy ! Chỉ một lần suýt chết vì chiến dịch ‘‘Nguyễn Trãi’’.

- An phận. Không ngờ mình lại trở thành cán bộ ‘‘chiến tranh chính trị’’ mày nhỉ ?

- Ừ ! Con nhà Bằng coi vậy mà sướng nhất. Hắn làm "phòng" chứ đâu phải "lội " như mình. 

Ngày "xuống núi" chúng tôi vẫn gọi ngày ra trường là "xuống núi' chúng tôi được đưa đi học thêm một khóa căn bản chiến tranh chính trị sau ba tháng học tập, mỗi thằng một ngả và hôm nay là ngày đầu tiên tôi với Dương chạm mặt. Đời quân ngũ không cho phép chúng tôi có mặt thường xuyên ở Sài Gòn. Những lần gặp mặt chỉ là sự tình cờ chứ không bao giờ hẹn trước được. Bởi thế chúng tôi ao ước có một lần trùng phùng cả bốn đứa. Nhưng niềm mơ ước thật mong manh và có lẽ không bao giờ chúng tôi được toại nguyện.

Đời lính đã ngăn cách bốn đứa chúng tôi. Biết đến bao giờ mới được hưởng lại những buổi đi chơi vui vẻ, những kỷ niệm êm đềm nhất của bốn đứa ngày xưa.

Dương đập nhẹ vào tay tôi:

- Ở lại ăn cơm với tao nghe.

Tôi đáp

- Không được. Phải về trình diện ông bà cụ cái đã. Chiều tao đến mày.

- Chắc nhé?

- Chắc!

Tôi đứng dậy bắt tay Dương; cái xiết taythật đượm đà, gắn bó như tình bạn của chúng tôi.

Tôi trở về căn nhà thân yêu mà tôi đã sống ở đó từ thuở chưa biết gì cho đến ngày khôn lớn. Vẫn không có gì thay đổi. Tôi yêu nét hiền hòa không thay đổi của nó.

Buổi sáng không còn ai. Các em tôi đi học chưa về. Không khí vắng vẻ làm tăng thêm nỗi buồn hiện hữu trong tôi. Tôi bước vào thế giới của riêng tôi để tìm lại một chút thanh bình cho tư tưởng. Căn phòng nhỏ hẹp này, thế giới tù túng này tôi đã sống và dưỡng nuôi mình trong đó. Bây giờ thì thật yên tĩnh, tôi không còn khó chịu vì tiếng ầm ầm của những chiếc GMC xuồng xã. Tôi không còn xót xa với những tia mắt nhìn xoi mói của mọi người. 

Nơi này chỉ có tôi với chiếc bàn cũ kỹ và chiếc giường ọp ẹp. Tôi khép chặt cửa. Tôi không muốn bất cứ người nào bước vào thế giới của tôi. Thế giới mà tôi lìa xa nó hơn một năm trời kể từ ngày nhập cuộc.

Thật tình cờ tôi vớ được quyển giai phẩm Xuân "Đôi Mươi ", kỷ niệm của những năm về trước. Tôi ôm nó thật chặt như sợ đánh mất một vật vô giá mà suốt đời tôi không tìm lại được. Dĩ vãng lại hiện về trong tôi. Tôi giở từng trang và ngủ vùi trong đó. Tiếng gõ cửa của một cơn gió làm tôi bực mình. Tôi uể oải đứng dậy, tiến lại gần cửa sổ nhìn xuống đường.

Ngày mai tôi trở về đơn vị tiếp tục sống nốt chuỗi ngày còn lại của tuổi hai mươi. Hai mươi bốn giờ phép thật ngắn ngủi đã không giúp tôi tìm lại được một tia sống nào trong đời? Tôi thất vọng và bây giờ, tôi thấy ước mơ của mình thật bình thường nhưng không bao giờ đạt được. Tôi chán nản khi nhận thấy mình quá yếu hèn, gần như nô lệ trước cuộc đời.

Tôi buông tiếng thở dài, quay lưng bước xuống nhà dưới. Ánh mắt tôi dừng lại ở một khung ảnh bán thân nho nhỏ của Diễm đặt trên bàn học. Diễm của tôi đó. Nhưng năm ngoái kìa. Chứ bây giờ thì Diễm đã thuộc về người khác rồi. Có phải giờ này Diễm đang đắm chìm trong bể hạnh phúc? Diễm có biết rằng tôi đã trở lại con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thân yêu để tìm hình ảnh Diễm với những kỷ niệm êm đềm xa xưa không? Diễm có biết rằng tôi đang nghĩ về Diễm và nhớ Diễm không? Chắc là không! Tôi đóng mạnh cửa và đếm từng bước nặng nề gõ đều trên mặt nấc thang ...