Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Nỗi buồn hoa Phượng - THANH SƠN - LÊ DINH (Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền)



Tiếng hát THANH THÚY


Tiếng hát PHƯƠNG DUNG


Tiếng hát THANH TUYỀN




NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG và Nhạc sĩ Thanh Sơn

Nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của bài hát "Nỗi buồn hoa phượng" và nhiều ca khúc lừng danh của dòng nhạc bolero đã trút hơi thở cuối cùng do tuổi già sức yếu, vào lúc 14 giờ 30 ngày 4.4.2012 tại Sài Gòn, hưởng thọ 74 tuổi. Nhạc sĩ Tiến Luân, bạn thân của nhạc sĩ Thanh Sơn và gia đình, cho biết thông tin trên.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1.5.1938, tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong gia đình có 12 anh chị em.

Ông là tác giả của nhiều ca khúc bolero nổi tiếng như: Nỗi buồn hoa phượng, Nhật ký đời tôi, Lưu bút ngày xanh, Hình bóng quê nhà, Thương về cố đô, Hương tóc mạ non, Hành trình trên đất phù sa…
Vốn có tình yêu ca hát từ nhỏ, nhạc sĩ Thanh Sơn học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu). 

Đến năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất. Sau khi đoạt giải, nhạc sĩ Thanh Sơn khởi nghiệp con đường ca hát của mình trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng.

Đến năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác.

Những ca khúc trong thời kỳ đầu sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn (trước năm 1975) thường nói về tình cảm của tuổi học trò. Trong đó, những ai từng qua một thời cắp sách đến trường không thể không biết đến lời ca:

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...” (Nỗi buồn hoa phượng).

Hay giai điệu đầy hoài niệm trong ca khúc "Lưu bút ngày xanh": "Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi/Nhắc lại câu chuyện buồn/Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu/Nơi kỷ niệm êm ái...”.

Các ca khúc về mùa hè của nhạc sĩ Thanh Sơn thường chứa chan nỗi buồn man mác của giây phút chia tay bạn bè, tình yêu tuổi học trò.

Ngoài ra, nhạc sĩ còn có nhiều tác phẩm trữ tình với chủ đề ca ngợi thiên nhiên, mà quen thuộc nhất là "Mùa hoa anh đào": "Mùa xuân sang có hoa anh đào/Màu hoa tôi trót yêu từ lâu...".

Ông nổi tiếng với dòng nhạc bolero. Nhiều nhà lý luận âm nhạc nhận xét, trước năm 1975, nhạc Thanh Sơn chịu ảnh hưởng của nhạc vàng: chân thật, giản dị, ít trau chuốt.

Sau 1975, ông chuyển hướng sang nhạc quê hương, với "lời ca được chú trọng" (theo chính ông nhìn nhận). Một trong những bài hát nổi tiếng nhất phải kể đến là "Hình bóng quê nhà".

Ca khúc của ông đậm chất Nam bộ, từ giai điệu đến ca từ.

Ngoài nhạc về miền Nam, nhạc sĩ Thanh Sơn còn viết một số bài ca ngợi các miền của đất nước như: "Non nước hữu tình" (miền Bắc), "Thương về cố đô", "Đôi lời gửi Huế" (miền Trung), "Quê hương 3 miền" trong đó, đặc biệt nổi tiếng là "Thương về cố đô".

(Nguồn: internet)





NS Thanh Sơn hát trong Ban Tiếng Tơ Đồng

Từ trái: NS Hoàng Trọng, Duy Trác, Thanh Sơn, Kim Tước, Tuyết Anh, Ánh Tuyết, Mai Hương

Từ trái: Thanh Sơn, Thanh Thoại, Nhật Bằng



NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG - Nhạc & lời: Thanh Sơn

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,
ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
phút gần gũi nhau mất rồi,
tạ từ là hết người ơi.

Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
biết ai còn nhớ đến ân tình không,
đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
những chiều hẹn nhau lúc đầu,
giờ như nước trôi qua cầu.

Giã biệt bạn lòng ơi,
thôi nay xa cách rồi,
kỷ niệm mình xin nhớ mãi.
buồn riêng một mình ai,
chờ mong từng đêm gối chiếc,
mối u hoài này anh có hay?

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
cảm thông được nỗi vắng xa người thương,
màu hoa phượng thắm như máu con tim,
mỗi lần hè sang kỷ niệm,
người xưa biết đâu mà tìm.



Thanh Tuyền hátNỗi Buồn Hoa Phượng: mp3 Video





Giai thoại tình khúc "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…"

Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn hồi trẻ
Nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của những ca khúc mang giai điệu buồn thương về tuổi học trò, mái trường, hoa phượng như: Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Thương ca mùa hạ, Nhật ký đời tôi, Mùa hoa anh đào, Hương tóc mạ non, Bài ngợi ca quê hương…

Hầu hết ca khúc của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, lẫn một vài điệu thức của vọng cổ, cải lương như đã thấm đẫm trong tâm hồn ông. Nên vừa trữ tình vừa ngọt ngào, dễ hát, dễ thuộc và đặc biệt là dễ nhớ, vì trong nhạc có nhiều hình ảnh, kỷ niệm phù hợp với tâm tư, tình cảm bình thường của nhiều người. Đã có người ví, nhạc Thanh Sơn như chiếc xuồng quê đưa biết bao tâm hồn trở về với ký ức tuổi học trò, dòng sông, hàng dừa rủ bóng, cánh đồng đầy cò trắng, ngạt ngào hương mạ xanh rờn thắm đượm tình quê…

Có điều ít ai biết, trước khi trở thành nhạc sĩ, Thanh Sơn đã là ca sĩ. Số là vào năm 1959, từ quê nhà Sóc Trăng ông lên Sài Gòn giúp việc cho một gia đình. Vốn có giọng hát hay và từ lâu ôm ấp mộng làm ca sĩ. Một lần ông nghe radio và biết Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức tuyển lựa ca sĩ, ông ghi tên tham dự và đến ngày thi xin gia chủ cho mình nghỉ 2 giờ đồng hồ để đi thi. Sau một năm chờ đợi, ông nhận được thông báo mình đạt vị trí thủ khoa kỳ thi tuyển chọn đó. Và với kết quả này, ông đã được nhiều ban nhạc danh tiếng ở Sài Gòn lúc đó mời cộng tác. Từ đây, Thanh Sơn đã bước vào lĩnh vực ca hát của Sài Gòn hoa lệ, dần dà quen biết, gần gũi với những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Lam Phương, Duy Trác, Kim Tước, Mai Hương… Và về sau này, hai nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Lê Dinh đã khuyến khích và giúp đỡ ông rất nhiều trong bước đầu sáng tác.

Về hoàn cảnh ra đời của bài hát Nỗi buồn hoa phượng, ông kể: năm 13 tuổi, học trường Hoàng Diệu - Sóc Trăng, tôi chung lớp và quen với một cô gái khá dễ thương, có cái tên cũng khá lạ: Nguyễn Thị Hoa Phượng, con của một gia đình công chức từ Sài Gòn, biệt phái về làm việc tại Sóc Trăng. Ông hồi tưởng: “Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết, bỗng hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp tôi để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau.



Bẵng đi thời gian khá lâu, khi đã nổi tiếng ở Sài Gòn với nghệ danh nhạc sĩ Thanh Sơn, một ngày hè năm 1963, bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm khi ngang qua một sân trường, tôi bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay... Và, vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, tôi đã viết: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương, Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, Phút gần gũi nhau mất rồi, Tạ từ là hết người ơi…Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, Biết ai còn nhớ đến ân tình không, Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu, Những chiều hẹn nhau lúc đầu, Giờ như nước trôi qua cầu…Giã biệt bạn lòng ơi, thôi nay xa cách rồi, kỷ niệm mình xin nhớ mãi, buồn riêng một mình ai, chờ mong từng đêm gối chiếc, mối u hoài nào ai có hay. Có ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,Cảm thông được nỗi vắng xa người thương, màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”. Bài hát sau đó được thu với giọng hát của ca sĩ Thanh Tuyền và rất được nhiều người, nhất là lứa tuổi học trò yêu thích.

Như đã nói, nhạc Thanh Sơn với giai điệu ngọt ngào, dễ thuộc, dễ hát nên đã có người vui tính đặt lời hát nhại theo một cách hài hước, như bài Mùa hoa anh đào: Mùa xuân sang có hoa anh đào, Mùa hè sang có hoa đào anh, Mùa thu sang có hoa anh đào, Mùa đông sang cũng có hoa anh đào, Vậy cả năm có… hoa anh đào! Ngay cả bài Nỗi buồn hoa phượng cũng “bị” nhại: Mỗi năm đến hè… thì tôi… nghỉ hè…! Một cách mà như kiểu nói Miền Nam là “Trớt hơ”! Những điều này càng cho thấy tính phổ biến ở nhiều sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn và ông cũng không buồn phiền gì khi nghe những lời hát nhại này.

Một đời ông đam mê âm nhạc và sáng tác nhiều bài hát, được đông đảo công chúng mến mộ, song mai này chỉ mong người đời khi nhớ đến Thanh Sơn thì hãy nhớ về Nỗi buồn hoa phượng, ông tâm sự như thế.

Phụ lục:

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1/5/1938 tại Sóc Trăng, là thứ 10 trong một gia đình 12 anh chị em.

Nhà đông con, cuộc sống bữa đói bữa no nên tuổi thơ của ông rất cơ cực. Lại nữa, gia đình ông bấy giờ có che dấu cán bộ Việt Minh nên bị ngụy quân ngụy quyền truy bức gắt gao, phải rày đây mai đó.

Những năm học tiểu học, ông được nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu nổi tiếng về tài dạy đàn ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960) nhận làm học trò. Năm 1955, thầy Phấn qua đời, ông bắt đầu lên Sài Gòn kiếm sống, làm gia nhân cho ông Giám đốc Công ty Dầu lửa Quốc gia với đồng lương 150 đồng/tháng. Mê âm nhạc nên ông theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông thời đó là chép và kẻ khung nhạc.

Năm 1959, ông đăng ký dự thi cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn với ca khúc Chiều tàn (Lam Phương). Thí sinh Lê Văn Thiện với nghệ danh Thanh Sơn giành giải nhất, giải thưởng ông nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitare.

Bắt đầu từ thành công đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng và hát cho Đài Phát thanh Sài Gòn. “Lương ngon lắm! Tôi hát cho ba ban trong đài, lãnh tiền theo từng bài, cộng lại tới 6.000 đồng/tháng, trong khi lương công chức lúc đó có 1.800 đồng thôi” - ông nhớ lại. 

Từ năm 1960, ông bắt đầu sáng tác. Ông chọn đề tài về lứa tuổi học trò để nhớ về thời áo trắng, với ông, đó là thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Bài hát đầu tiên ông viết là Tình học sinh. Sau khi được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ góp ý, hướng dẫn, ông gửi cho đài phát thanh và có rất nhiều ca sĩ hát ca khúc này trên sóng phát thanh thời ấy. (Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết, ông có hơn 200 bài hát ông viết về tuổi cắp sách đến trường. Trong đó có những ca khúc nổi tiếng như: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn và đặc sắc nhất là Nỗi buồn hoa phượng).

Năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác. Ngày đó mỗi tháng đi làm, chỉ được lãnh 150 đồng, nhưng tiền tác quyền của ông một tháng lên đến 6.000 đồng, giúp gia đình ông vượt qua nghèo khó. Ông nhờ vào tiền sáng tác mà mua nhà, mua xe, cưới vợ.

Năm 1973, nhận thấy âm hưởng dân ca Nam Bộ rất gần gũi với đời sống người lao động, dễ lan tỏa và sống mãi trong lòng người nghe, ông chuyển hướng sáng tác đề tài quê hương. Ca khúc ông viết đầu tiên về thể loại này là Ngợi ca quê hương. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác hơn 200 ca khúc về đề tài quê hương, lấy chất liệu từ miền châu thổ sông Hậu và âm nhạc ngũ cung. Ông kể: “Tôi đã viết ca khúc về 26 tỉnh, thành miền Nam, trừ Tiền Giang chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ra cái tứ để ca ngợi mảnh đất Tiền Giang trong thời gian tới”. Có lẽ ông đang giữ kỷ lục là tác giả có nhiều bài hát sáng tác riêng về các địa danh nhất Việt Nam?

“Lập kỷ lục” như thế chắc ông phải có nhiều đơn đặt hàng và tiền tác quyền để viết “địa phương ca” lắm? Nhạc sĩ Thanh Sơn nhỏ nhẹ cười, lắc đầu: “Mấy khi tôi nhận được tiền từ các tỉnh, thành phố, mà có thì số tiền cũng chẳng là bao. Mình cầm chỉ là tượng trưng cho vui để thấy cái tình, sau đó tặng số tiền này lại cho người nghèo. Cái chính là tôi rất tự hào và yêu mến vùng quê hiền hòa, trù phú nơi mình sinh ra, lớn lên. Tôi muốn khoe với mọi người quê hương của tôi đẹp đẽ như thế, con người quê tôi chất phác, đôn hậu như thế; trước nhất là khoe với… vợ tôi!”. Lấy vợ người miền Trung, ông thường kể với người bạn đời về sự giàu đẹp, màu mỡ ở quê mình và hứa với bà ngày hòa bình sẽ đưa bà đi khắp vùng châu thổ. Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ông mới thực hiện được lời hứa với vợ, đồng thời khẳng định “mỗi chuyến đi qua mỗi vùng đất sẽ sáng tác một bài hát để kỷ niệm”. Cứ thế, Hành trình trên đất phù sa và nhiều bài hát về miền Tây theo bước chân đôi vợ chồng tiếp nối ra đời. Tính đến nay, gia tài ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn có hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó viết về quê hương, con người Nam Bộ.


Có một bài hát rất nổi tiếng của Thanh Sơn là


Mùa Hoa Anh Đào (bấm vào tên bản nhạc để nghe Ngọc Lan hát). Dạo ấy, mới cưới nhau, trong một lần đi Đà Lạt, khi ngắm gương mặt nhỏ nhắn có nhiều nét như người Nhật của vợ, ông đã sáng tác bài hát này chứ chẳng có chút xíu dây mơ rễ má gì với loài hoa anh đào của Nhật Bản như nhiều người lầm tưởng.

Trải qua một ca mổ tim sinh tử cách đây mấy năm, điều mà ông mong muốn nhất là có đủ sức khỏe để tiếp tục sáng tác: “Tôi nghiên cứu kho tàng nhạc dân tộc mênh mông của nước mình, đặc biệt say mê vọng cổ, nhạc tài tử cải lương. Khi sáng tác tôi vay mượn, phát triển từ gốc âm nhạc Việt giàu có như bản Mẫu tầm tử, Trăng thu dạ khúc, câu hò, điệu lý dân ca… chứ không để nhạc mình lai tạp. Những gì tôi viết là đời sống thật bởi tuổi thơ của tôi từng cấy lúa, tắm sông, hái dừa, chèo thuyền… Tôi lại đi nhiều để thấy, để hiểu, để cảm được nhiều chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng ra nên bài hát không giả tạo, từ đó không dễ quên với nhiều người nghe”.

Cao Vũ Huy Miên

Âm Nhạc Việt Nam 1 (7/2009)








Bấm vào tên bản nhạc để nghe một số nhạc phẩm của NS Thanh Sơn:




Tình Học Sinh - Ngọc Hải Ba Tháng Tạ Từ - Trường Vũ Buồn Như Phượng - Như Quỳnh 


Lưu Bút Ngày Xanh - Mỹ Huyền Hạ Buồn - Thanh Tuyền


Thương Ca Mùa Hạ (viết chung với Bảo Thu) - Minh Tuyết


Phượng Buồn (viết chung với Nguyên Vũ) - Mai Thanh Vân


Dối Lòng - Thái Thanh Nhật Ký Đời Tôi - Mạnh Đình & Hạ Vy 


Hoài Cổ - Hương Lan Bài Ngợi Ca Quê Hương - Sơn Ca & Thái Châu 


Hành Trình Trên Đất Phù Sa - Tâm Đoan Hương Tóc Mạ Non - Quang Lê & Hà Phương 


Thương Về Cố Đô - Bảo Yến Non Nước Hữu Tình - Quang Linh 




Chương Trình Phát Thanh
 

70 Năm Tình Ca_P45_Chủ Nhật 10.08.2008 (Hoài Nam -SBS Úc Châu)
 

Thy Nga (2008-10-19)

Quê hương ba miền” … Dòng nhạc đậm tình quê hương mà Thy Nga đang gửi đến quý vị, tác giả là nhạc sĩ Thanh Sơn.

Sau khi quý vị nghe chương trình này, thì trong 10 tiếng đồng hồ nữa, nhạc sĩ sẽ trở lại với khán thính giả vùng Quận Cam, Nam California trong buổi “Chiều nhạc Thanh Sơn” do trung tâm băng nhạc Thúy Nga mở cho ông, nhân tổ chức chương trình qui tụ các nhạc sĩ có những bản nhạc mà trung tâm từng trình diễn.

Thanh Sơn sang Mỹ lần này là chuyến thứ hai, và chắc đây cũng là chuyến chót ông được cơ hội ra nước ngoài. Lần trước là vào năm 2006, cũng do Trung tâm Thúy Nga mời để xuất hiện trong chương trình “Những khúc hát ân tình”. Khi đó, Thanh Sơn vừa mới mổ tim, và đã không nén được nước mắt khi kể là cần 180 triệu đồng để mổ, mà gia đình tom góp tất cả chỉ có một triệu đồng! May sao có người cứu giúp, một số ca nhạc sĩ trong và ngoài nước cũng góp tiền nên ông mới có thể đi mổ. Và ông ngỏ lời cám ơn trung tâm Thúy Nga, vì hoàn cảnh như vậy thì làm sao ông dám nghĩ đến chuyện một ngày được ra nước ngoài thăm bạn bè cũ?

“Hương tóc mạ non” Quang Lê hát với Hà Phương …

Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, chào đời năm 1940 tại Sóc Trăng trong một gia đình có tới 12 con.

Theo tài liệu thì tuy gia cảnh cơ cực nhưng Thiện lại mê ca nhạc và có cơ duyên theo học thày nhạc Võ Đức Phấn. Sau khi thi Trung học Đệ nhất cấp hai lần mà không đậu, rồi thày Phấn lại từ trần, Thiện bỏ Sóc Trăng lên Saigon kiếm sống, và theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương.

“Ai đến Saigon” qua giọng hát Lý Hải …

Khởi đầu từ “Tiếng Tơ Đồng”

Sau bốn năm trời nhẫn nhục chịu khổ, khúc quanh cuộc đời đến với chàng trai 19 tuổi, như lời kể lại:

Tôi đi làm để kiếm tiền sinh sống, rất cực khổ nhưng cái mộng ca sĩ của tôi vẫn ấp ủ từ lâu. Khi nghe đài Phát Thanh Saigon thông cáo tuyển lựa ca sĩ, tôi liền đi ghi danh. Cái ngày thi, tôi xin ông chủ cho phép nghỉ hai tiếng đồng hồ, tôi không cho chủ biết là tôi đi thi tuyển lựa ca sĩ. Sau một năm chờ đợi kết quả, tôi đã đậu thủ khoa!

Giải thưởng mà anh còn nhớ mãi, là một cái radio và cây đàn guitar!

Từ đó, với nghệ danh Thanh Sơn, anh bước vào con đường ca hát, khởi đầu là trong ban “Tiếng Tơ Đồng” của nhạc sĩ Hoàng Trọng, và nhiều ban nữa trong đài Phát Thanh Saigon, đài Phát Thanh Quân Đội và đài Truyền Hình Saigon.

Có cơ hội quen biết giới nghệ sĩ ngày càng nhiều, Thanh Sơn tham gia đoàn Văn Nghệ Việt Nam do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm trưởng đoàn, trong chuyến sang Singapore hát năm 1963.

Thành công các ca khúc Tuổi Học Trò

Và rồi, Thanh Sơn tự học viết nhạc từ cuốn “Để sáng tác một ca khúc phổ thông” của Hoàng Thi Thơ. Được bài nào thì nhờ các nhạc sĩ đàn anh như Hoàng Thi Thơ, Lê Dinh, Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, … xem và chỉnh lại.

Năm 1962, Thanh Sơn trình làng sáng tác đầu tay, là bài “Tình học sinh” nhưng chẳng được lưu ý. Qua năm sau thì Thanh Sơn vụt nổi tiếng với nhạc bản “Nỗi buồn hoa phượng” được mọi người, nhất là giới học sinh nhiệt tình đón nhận, và ở miền Nam thời đó, đâu đâu cũng vang lên nhạc khúc ấy.

“Nỗi buồn hoa phượng” Thanh Tuyền trình bày vào thời gian mà giọng ca của cô sung mãn nhất …

Bài này, Thanh Sơn cho biết là để ghi lại mối tình học sinh của mình. Ông thuật lại “lời chia tay của cô bạn gái cùng trường khiến mình xao xuyến, bâng khuâng …” và tới giờ, sắc đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi Hè về, luôn gợi cho ông cảm xúc.

Sự thành công của bài “Nỗi buồn hoa phượng” làm cho Thanh Sơn hứng khởi chuyển hẳn sang sáng tác, không đi hát nữa. Ông viết một loạt nhạc bản về đề tài học sinh và hoa phượng như “Lưu bút ngày xanh”, “Ba tháng tạ từ”, “Hạ buồn”, …

Khi được hỏi vì sao thích viết về đề tài ấy, Thanh Sơn nói là do không được học hành tới nơi tới chốn thành ra ông luôn nuối tiếc tuổi học sinh.

“Lưu bút ngày xanh” tôi sáng tác bắt nguồn từ trường học này mà ra

(tiếp đến, Thanh Sơn hát trong một lần về thăm ngôi trường tiểu học mà ông theo học thuở nào)

Những ca khúc về quê hương

Sau biến cố tháng Tư 1975, Thanh Sơn tuy chỉ là nhạc sĩ với các bài hát không vào loại bị cấm đoán, nhưng cũng chịu cảnh bế tắc trong cuộc sống. Phải 15 năm sau, thấy chính sách cởi mở đôi chút, Thanh Sơn mới tìm cách viết nhạc trở lại. Lần này, ông chuyển sang viết về quê hương, nhất là về nông thôn miền Nam mà ông gắn bó tha thiết.

“Hành trình trên đất phù sa” Hạ Vy hát …

Khởi đi từ nơi ra chào đời tại Sóc Trăng; nhạc sĩ đến Bạc Liêu, ghi lại địa danh xuất phát nền Cổ nhạc.

“Chuyện tình Bạc Liêu” qua “Chiều mưa xứ dừa” đến “Áo trắng Gò Công”, “Tình em Tháp Mười”, “Yêu dấu Hà Tiên”, “Áo mới Cà Mau”, … Thanh Sơn nói là những câu hát điệu hò vùng sông nước đồng bằng Cửu Long đã thấm vào hồn từ thuở ấu thơ nên trong ông, luôn tiềm ẩn những giai điệu đậm chất dân ca Nam bộ.

Ra miền Trung thì có các bài “Thương về cố đô”, “Đôi lời với Huế” và “Tưởng như Huế trong lòng” rồi ghé Đà Lạt với nhạc bản “Trở lại thành phố sương mù”.

Từ mái trường thời học sinh, mở ra tình thương yêu quê nhà,

Thanh Sơn viết nhạc bản “Quê hương ba miền”.

Với ca khúc này, Thy Nga xin kết thúc chương trình về nhạc sĩ Thanh Sơn. Hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.





Mùa Hoa Anh Đào - Ngọc Lan hát



THANH SƠN: một lòng gắn bó với quê hương - Trường Kỳ 

Mặc dù là tác giả của 187 nhạc phẩm, trong số có nhiều nhạc phẩm rất nổi tiếng, nhưng nhạc sĩ Thanh Sơn đã tâm sự với người viết là ông tâm đắc nhất với nhạc phẩm Nỗi Buồn Hoa Phượng, đặc biệt qua sự diễn tả của Thanh Tuyền mà theo Thanh Sơn là giọng ca nữ rất thích hợp với những sáng tác của mình vào nhưng thập niên 60 và 70 tại Việt Nam.

Người viết đã đến thăm ông tại ngôi nhà trong một hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, Sài Gòn là nơi ông cư ngụ từ năm 1960 sau khi lập gia đình và đã được ông dành cho một cuộc nói chuyện rất thú vị, chẳng hạn như giai thoại về nhạc phẩm Nỗi Buồn Hoa Phượng đến từ một mối tình thời niên thiếu xuất phát từ Sóc Trăng.

Với một giọng kể chậm ri, Thanh Sơn cho biết: “Hồi đó tôi đi học có quen với một cô tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng. Rồi sau đó gia đình cô đó chuyển lên Sài Gòn. Trước khi chia tay, tôi nói với cô ta là như vây là hai đứa xa nhau rồi làm sao còn gặp nhau nữa. Thì cô ấy nói mỗi năn vào mùa hè có hoa phượng thì nhớ cô ấy! Câu nói đó là vào năm 1953. Tới năm 1963, tôi chợt nhớ lại câu nói đó để viết thành ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng. Lúc đầu để tựa là Nỗi buồn Của Hoa Phượng nhưng nhận thấy chữ “của” hơi nặng nên tôi bỏ đi”.

Nỗi Buồn Hoa Phượng gần đây đã được 3 tiếng hát Hương Lan, Hoàng Oanh và Như Quỳnh trình bày trên một chương trình Paris By Night đặc biệt dành cho ông cùng hai nhạc sĩ Xuân Tiên và Nguyễn Ánh 9...


Bằng giọng nói còn đôi chút ngọng nghịu, thỉnh thoảng hơi bị khựng lại do một lần bị tại biến mạch máu não cách đây khá lâu, nhưng nhạc sĩ Thanh Sơn luôn tỏ ra say sưa khi đề cập tới những hoạt động âm nhạc của mình, tính cho đến nay đã 46 năm kể từ khi ông viết tác phẩm đầu tay là Tình Học Sinh vào năm 1960.

Hơn thế nữa, những năm gần đây sức khỏe của ông không mấy đước khả quan vì bệnh bao tử. Và gần đây nhất ông đã phải trải qua một cuộc giải phẫu tim vào năm 2005, một thời gian trước khi sang Mỹ để góp mặt trong chương trình Paris By Night 83. Tỉnh lại sau khi giải phẫu, Thanh Sơn mới biết là mình còn sống mặc dù mang nhiều vết thẹo ở tay chân. “Nhưng không sao! Còn sống là được rồi”, như ông nói với một vẻ tươi tỉnh.

Đầu tiên ông được đưa vào bệnh viện 115, mổ không được nên được chuyển qua bệnh Viện Chợ Rẫy. Sau khi mổ xong ở đây ông được đưa về Bệnh Viện Điều Dưỡng ở quận 8 để nghỉ ngơi một thời gian trước khi trở về nhà.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, Ông sinh năm 1940 tại Sóc Trăng và là người con áp út trong một gia đình có 12 người con. Vợ chồng ông có tất cả 7 người con, 4 gái, 3 trai và 10 cháu nội ngoại.

Mê say văn nghệ từ khi còn bé nên việc học vấn không được nhạc sĩ Thanh Sơn chú trọng nên ông chỉ theo học được đến lớp Đệ Tứ sau khi nhiều lần thi rớt Trung Học Đệ Nhất Cấp. Và cũng vì quá ham thích ca hát nên ông đã bỏ nhà lên Sài Gòn vào năm 1957.

Vì chàng thanh niên người miền Tây ấy nhận thấy nếu muốn có được cơ hội phát triển khả năng văn nghệ của mình, không gì hay bằng đến với nơi được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Thế là Thanh Sơn trốn nhà lên Sài Gòn để bắt đầu cuộc sống “bụi đời” như ông nói. Thật ra ông lên Sài Gòn sống với mẹ để cùng đi làm công, làm mướn rất vất vả.

Trước đó, khi hiệp định Genève chưa được ký kết vào năm 1954, gia đình nhạc sĩ Thanh Sơn đã lâm vào tình trạng ly tán trong một hoàn cảnh sa sút do thân phụ ông bị người Pháp theo dõi bởi những hoạt động chống Pháp của mình.

Vì vậy thân phụ ông đã phải xuống tận Cà Mau trốn tránh, trong khi thân mẫu ông đã bươn chải lên tận Sài Gòn đi làm mướn. Mãi đến năm 54, gia đình ông mới lại được đoàn tụ ở Sóc Trăng. Tuy nhiên một gia đình đông người như gia đnh của ông vẫn còn ở trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn nên thân mẫu ông vẫn ở lại Sài Gòn tiếp tục công việc vất vả của mình.

Sau khi lên Sài Gòn được 2 năm, cậu thanh niên tên Lê Văn Thiện đánh bạo ghi tên tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức vào năm 1959. Với tên Thanh Sơn, thí sinh Lê Văn Thiện đã oanh liệt đoạt giải nhất với nhạc phẩm Chiều Tàn của Lam Phương, trước cả nhưng thí sinh sau này đều trở thành những giọng ca nổi tiếng như Chế Linh, Phương Dung, Nhật Thiên Lan, vv...

Trước đó, trong phần sơ khảo, ông đã trình bày nhạc phẩm Gió Hoan Ca của Thẩm Oánh và đã gây ngay được chú ý với ban giám khảo. Về lý do lấy tên Thanh Sơn làm nghệ danh cho mình, người nhạc sĩ có nhiều gắn bó vói quê hương này cho biết hồi nhỏ, ông có một người bạn gái thân tên Thanh. Nhưng chẳng may cô này sau đó bị chết vì lựu đạn trong thời kỳ chống Pháp. Để tưởng nhớ về người bạn thân thời niên thiếu nên ông đã dùng tên Thanh của cô ghép với tên Sơn thành nghệ danh của mình.

Nhờ chiếm được giải nhất cuộc tuyển lựa ca sĩ năm 59 và dần dần tên tuổi được biết đến qua những chương trình ca nhạc nổi tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn, Thanh Sơn được thu nhận vào đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào năm 60 dễ hát tại vũ trường Maxim’s cũng như được tham gia lưu diễn tại một số quốc gia Á Châu như Lào, Kăm-Pu-Chia, Singapore, Malaysia, Indonesia, vv...

(Thanh Sơn ngồi thứ 3 từ trái, trong đoàn Văn Nghệ Việt Nam)
Cùng một lúc, ông vẫn tiếp tục hát cho nhiều chương trình ca nhạc trên đài phát thanh cho đến cuối năm 63 với sự thay đổi hoàn toàn cơ câu tổ chức tại đây sau sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam. Cũng trong thời gian là thành viên của Đoàn Văn Nghệ Việt Nam, Thanh Sơn đã may mắn được gần gũi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nên cũng mon men đến với lãnh vực sáng tác.

Ngoài phần được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chỉ dẫn, ông còn học thêm sách của nhạc sĩ này cùng của nhạc sĩ Hùng Lân và một sách của Pháp được dịch ra tiếng Việt. Thêm vào đó ông còn có may mắn được gần gũi nhiều nhạc sĩ nổi danh như Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, vv...

Thế là Thanh Sơn bước chân vào con đường sáng tác và ông coi nhac sĩ Hoàng thi Thơ là người thầy của mình trong lãnh vực này với sự nâng đỡ hết lòng của nhạc sĩ họ Hoàng...

Sau khi tung ra nhạc phẩm đầu tay “Tình Học Sinh” vào năm 60, Thanh Sơn cho ra đời ngay sau đó nhạc phẩm Lưu Bút Ngày Xanh và trở thành nổi tiếng ngay. Từ sự thành công đó, ông lên tinh thần để cho ra đời một nhạc phẩm cũng rất nổi tiếng là Mùa Hoa Anh Đào.

Nhạc phẩm này được Thanh Sơn sáng tác vào năm 1962, hai năm sau khi ông lập gia đình với người vợ hiện nay của ông mà ông cho là có khuôn mặt hao hao như một thiếu nữ Nhật Bản. Và khuôn mặt đó đã tạo nguồn cảm hứng cho ông để viết thành Mùa Hoa Anh Đào để ca ngợi người vợ thân yêu của mình.

Sau đó, Thanh Sơn đã rất hăng say trong lãnh vực sáng tác để liên tiếp cho ra đời nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác. Trong số có Nỗi Buồn Hoa Phượng, Nhật Ký Đời Tôi, Thương Về Cố Đô, Trả Lại Thời Gian, Những Vùng Đất Mang Tên Anh, vv...

Tất cả những nhạc phẩm này dã được in thành nhạc rời bởi các nhà xuất bản như: Minh Phát, Diên Hồng, Tinh Hoa Miền Nam, vv... Thanh Sơn cho biết thật sự việc trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng là một sự bất ngờ đối với ông vì chưa bao giờ ông nghĩ tới điều này mà chỉ nhắm tới con đường ca hát. Nhưng bây giờ được hỏi, Thanh Sơn cho biết là “Tui khoái làm nhạc sĩ hơn. Bởi vì mình là nhạc sĩ mình có tâm sự gì thì viết ra thành lời được. Ca sĩ thì chỉ diễn đạt bài của người ta làm sẵn thôi.“

Một thời gian sau ông gia nhập quân đội vào năm 1965 và phục vụ trong binh chủng Quân Vận thuộc Tổng Cục Tiếp vận. Nhưng sau đó ông được biệt phái về Tổng Tham Mưu và vẫn tiếp tục sáng tác. Trong thời gian trong quân ngũ, ông đã viết được một số ca khúc rất nổi tiếng, nhất là Mười Năm Tái Ngộ rất được mến chuộng qua tiếng hát của Duy Khánh.

Khác với nhiều nhạc sĩ cùng thời còn ở lại Việt Nam, Thanh Sơn là một người sáng tác rất nhiều sau năm 75, có thể coi như là một trong vài nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất.

Nhưng thật sự thời gian đầu tiên sau biến cố tháng 4 năm 75, nhạc sĩ Thanh Sơn đã lâm vào một tình trạng chán chường, tưởng như không còn có thể tiếp tục đi theo con đường sáng tác như ông tâm sự. Chán chường đến nỗi ông đã tự tử 3 lần vì ông chỉ thấy một tương lai mù mịt trước mặt. Ngay cả con cái ông cũng bị ảnh hưởng nặng nề do vấn đề sưu tra lý lịch. Có thời gian ông đã phải lặn lội đi bán chợ trời và đi bán dầu khuynh diệp cùng với nghệ sĩ Hồng Vân để kiếm miếng ăn.

Nhưng rồi dần dần Thanh Sơn đã tìm lại được nguồn cảm hứng khi ông hướng tâm hồn mình về với những vẻ đẹp của quê hương. Đề tài thuộc về thể loại nhạc quê hương của ông sau đó đã vượt trội hơn những đề tài khác là tình yêu đôi lứa và tình học sinh.

Với đề tài sau, trong thời gian đầu sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn từng được coi là người nhạc sĩ của mùa hè và hoa phượng đỏ mang ít nhiều ảnh hưởng về đề tài này qua một số nhạc phẩm của Hùng Lân và Canh Thân như Hè Về, Khúc Ca Mùa Hè, Mùa Hợp Tấu, vv...

Sáng tác gần đây nhất của ông là Chiều Mưa Xứ Dừa, viết về Bến Tre trong lúc nằm trên giường bệnh vào năm 2005. Đại đa số những sáng tác về quê hương của mình, nhạc sĩ Thanh Sơn đều lấy những tỉnh thuộc miền Tây ông từng đi qua làm bối cảnh như Cần Thơ, Sóc Trăng, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liêu, Cà Mau, vv... Và từ đó rất nhiều nhạc phẩm đã được gửi đến người nghe như Áo Mới Cà Mau, Công Tử Bạc Liêu, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, vv...


Những nhạc phẩm sáng tác sau 75 của Thanh Sơn không những chỉ được phổ biến trong nước mà còn rất được khán thính giả hải ngoại mến chuộng cùng với rất nhiều sáng tác trước 75 của ông sau khi được thu thanh trên những CD hoặc đưa vào những chương trình video. Đó là những ca khúc Gợi Nhớ Quê Hương, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, vv..

Riêng về nhạc phẩm Hương Tóc Mạ Non, nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết bắt nguồn từ tên vợ ông là Hương. Thoạt đầu nhạc phẩm này mang tựa Tóc Em Thơm Mùi Mạ, nhưng sau đó ông đổi thành Hương Tóc Mạ Non để tặng cho người vợ thân yêu của mình.

Bây giờ sau khi trải qua một cuộc giải phẫu tim, nhạc sĩ Thanh Sơn cho là ông sống một cuộc đời bình lặng “không bon chen” nữa, để tận hưởng hạnh phúc bên vợ, bên con. Đối với Thanh Sơn đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất hiện nay.


Ngoài ra khi tìm được nguồn cảm hứng ông sẽ còn tiếp tục sáng tác vì đó là niềm đam mê vô cùng to lớn của cuộc đời ông.

Sau khi có dịp sang Mỹ và ở đây hơn 2 tháng, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 20 tháng 7 năm 2006 vừa để thu hình video vừa nhân tiện gắp gỡ những bạn bè trong giới nghệ sĩ quen biết từ trước năm 75, nhạc sĩ Thanh Sơn đã đưa ra một số nhận xét ngắn gọn.

Theo ông cuộc sống hàng ngày ở Mỹ rất cao, trong khi sinh hoạt ca nhạc chỉ ở mức bình bình, không có gì sôi động.

Riêng về mặt tình cảm, ông khẳng định là con người ở đây không có tình cảm bằng những người ở quê nhà. Nhiều người có ý rủ ông sang Mỹ để tiếp tục hoạt động, nhưng nhạc sĩ Thanh Sơn với số tuổi 66 hiện nay cho rằng đã quá muộn, nên ông chỉ muốn gắn bó với quê hương cho đến ngày nằm trong lòng đất mẹ.




Paris By Night 83 - 27/5/2006 - Vinh Danh 3 nhạc sĩ Xuân Tiên, Thanh Sơn, Nguyễn Ánh 9
THANH SƠN

08. Nhật Ký Đời Tôi - Mạnh Quỳnh, Hạ Vy

09. Phóng Sự Nhạc Sĩ Thanh Sơn

10. Nhạc Sĩ Thanh Sơn & Hương Lan Lúc Tập Dợt

11. Hoài Cổ - Hương Lan

12. Mùa Hoa Anh Đào - Dương Triệu Vũ

13. Bài Ngợi Ca Quê Hương - Thái Châu, Sơn Ca

14. Phóng Sự Nhạc Sĩ Thanh Sơn : Thời Thơ Ấu

15. Thương Ca Mùa Hạ - Minh Tuyết

16. Hương Tóc Mạ Non - Quang Lê, Hà Phương

17. Phóng Sự Nhạc Sĩ Thanh Sơn : Trở Thành Ca Sĩ

18. Thị Trấn Mù Sương - Hương Thủy

19. Mười Năm Tái Ngộ - Mạnh Quỳnh, Mạnh Đình

20. Phóng Sự Nhạc Sĩ Thanh Sơn : Lời Tâm Sự Cuối Cùng

21. Liên Khúc : Nỗi Buồn Hoa Phượng & Lưu Bút Ngày Xanh - Hoàng Oanh, Hương Lan, Như Quỳnh

Nguyễn Ngọc Ngạn và Kỳ Duyên phỏng vấn NS Thanh Sơn

Thanh Sơn & Hương Lan

Ca sĩ Sơn Ca & Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét