CHƯƠNG V
Lớp học im lìm không một tiếng động. Trên bảng, anh Trần, một học sinh giỏi toán nhất lớp đang giải một bài đại số. Bài toán khó đến nỗi chúng tôi bó tay chịu, dù thầy giáo đã cho hẳn một giờ để thảo luận, làm bài. Cuối cùng đám học trò, nhất là bọn con gái chúng tôi cũng đành buông tay… ca bài “liều”.
Bao nhiêu cặp mắt theo dõi những hàng chữ, những con số, anh Trần viết trên bảng. Bài toán vẫn mờ mịt. Chúng tôi láy mắt cho nhau. Châu rỉ tai tôi:
- Bài khó thấy bà, anh Trần còn “tịt” nữa là tụi mình… cho gì mà cho kỳ vậy.
Sâm chen vô:
- Chắc là bài để thi phần một đó, ổng thử sức tụi mình mà… bữa nay ổng ngứa tay muốn “ban” nhiều hột vịt đó!
Tôi nói:
- Bất quá thì cho zéro cả lớp chứ gì. Đứa nào cũng một cặp thì khi chia điểm tính ra cũng huề. Mà tao chắc thấy tình trạng cả lớp “bi đát” như vậy ổng không nỡ “xuống tay” đâu.
Nhung khúc khích cười, vừa làm bộ ho cho thầy khỏi để ý. Tôi cúi xuống tờ giấy chỉ mới có cái “đề” và mấy con số ngoằn ngoèo, Sâm rỉ tai tôi:
- Ê Thụy, mày lén dòm lên coi cặp mắt ổng kìa, như tóe lửa vậy đó, ghê thấy mồ.
Tôi hất tóc một bên, len lén ngó lên. Đúng như Sâm nói, đôi mắt thầy ngó chằm chằm xuống đám học trò một cách giận dữ. Tôi vừa quay đi, bất chợt giật nẩy mình vì tiếng quát của thầy:
- Trò làm không xong à ?
Mặt anh Trần tái xanh, anh ấp úng:
- Thưa thầy…
Giáo sư đập tay xuống bàn:
- Vô tích sự ! Học với hành. Thế này thì làm sao mà thi cử. Bài toán đến đứa bé đệ thất cũng làm được mà các anh chị ngồi im như phỗng đá thế à ?
Cơn giận của thầy giáo lên đến cực điểm. Tôi nhìn Sâm, không dám nhích môi. Cả lớp biết rằng thầy đã nói oan, vì bài toán khó thật. Không khí nặng nề bao trùm lớp học, một tiếng thạch sùng chắc lưỡi cũng nghe rõ. Bỗng tiếng chuông reo… thì ra đến giờ chơi mà vì không khí “gay go” quá nên chúng tôi không buồn để ý nhìn đồng hồ nữa. Những tiếng thở hắt ra nhẹ nhõm. Thầy ôm cặp ra khỏi lớp. Có tiếng bên nam sinh nói vói theo:
- Thưa thầy… em giải toán được rồi ạ !
Tiếng cười rộ tiếp theo. Châu ở bàn dưới gọi Sâm:
- Sâm ơi ! Xuống đây nói nghe nè.
Sâm lắc đầu:
- Mệt, “nhà ngói” ta không thèm xuống “nhà tranh” đâu. Nhà ngươi muốn “thưa” gì thì lên đây hà.
Châu nguýt dài:
- Mặt làm tàng há. Được rồi, thôi tao không nói nữa đâu.
Tò mò làm Sâm vội kéo tay tôi:
- Đi Thụy, xuống “nhà lá” chơi.
Chúng tôi vẫn có lệ phân chia giai cấp như thế ở lớp, đứa nào ngồi bàn trên là ở “nhà ngói”, ngồi bàn dưới là “nhà tranh”. Tôi gật đầu:
- Mày ra trước đi.
Hai đứa đứng bật dậy… bỗng tôi bị giật ngược người về phía sau: thì ra vạt áo dài phía sau của tôi đã bị… bàn tay nào cột chặt vào bàn sau rồi. Tôi nhìn Sâm… Nó cũng "bị" y như tôi. Nó lẩm bẩm:
- Con Nguyệt chứ còn ai nữa.
Tôi quay ra phía sau… có tiếng cười khúc khích. Tôi gắt:
- Bà nào chơi trò ma giáo vậy ? Lỡ rách áo người ta sao.
Nguyệt chỉ Lan:
- Con Lan nó ngứa tay đó. Tao hỏng có à.
Lan trợn mắt cãi:
- Xạo. Mày chớ tao hả ? Hồi thầy kêu anh Trần lên là mày cột áo tụi nó chớ bộ.
Những chuyện “ma giáo” như thế vẫn thường xảy ra giữa chúng tôi luôn. Nguyệt cười làm lành:
- Thôi tao xin lỗi. Bị thấy mặt thầy đằng đằng sát khí, thành tao… hoạt động cho tay đỡ tê máu.
Chúng tôi bỏ xuống bàn Châu. Gương mặt nó có vẻ quan trọng ra phết. Nó bảo Sâm:
- Hồi chiều qua tao gặp “kép” của mày.
Sâm cười:
- Rồi sao ? Mày “mết” lúy à ?
Châu đập vào vai bạn:
- Nói bậy. Tao gặp nó cặp với một con bé nào vào Pole Nord ấy.
Tôi nhìn Sâm, mặt nó thoáng cau lại:
- Cái gì ? Mày gặp Tân đi với “ai” hả ? Chắc mày nhìn lầm …
Châu cả quyết:
- Khỏi đi. Chính tao thấy rõ ràng mà. Thằng Tân mặc quần jeans màu ngà, áo montagut đỏ, còn con bé đi với nó mặc cái mini hồng mà. Nó liếc thấy tao nên cúi xuống… lơ đi như không thấy vậy đó.
Mặt Sâm làm ra vẻ lạnh lùng, nhưng giọng nó hơi run:
- Để tao hỏi lại coi, có khi là em nó.
Châu nhún vai:
- Em gì mà cặp tay nhau đi kỳ vậy. Mầy tin nó, có ngày “hố” à em. Bọn con trai choai choai bây giờ khó tin nổi.
Tôi theo dõi câu chuyện của hai đứa nó và bỗng thấy buồn cười. Lần trước, chính Sâm “tố cáo” bồ của Châu có mèo. Giờ lại đến lượt Châu tố cáo lại. Cũng may, tôi không ở trong cái vòng lẩn quẩn như chúng nó. Mệt trí quá.
Một dáng người bỗng thập thò ở ngưỡng cửa. Màu áo hoa rừng với dáng cao dong dỏng của anh ta thật hợp với làn da rám nắng. Anh ta tiến vào lớp và hỏi con Thủy ở bàn đầu câu gì đó, nó bỗng quay xuống gọi tíu tít:
- Thụy ơi, ai tìm mày kìa.
Tôi ngỡ ngàng, ơ hay, sao anh ta lại đi tìm tôi nhỉ ? Tôi có quen ai Biệt Động Quân đâu cơ chứ ? Trong thoáng, tôi chợt nhớ đến anh Phong, thôi chắc anh ấy rồi. Có lẽ anh ấy về thăm, rồi chị Liễu chỉ đến đây tìm tôi cho biết mặt. Tôi ra khỏi ghế và tiếng Sâm đuổi theo:
- Le ác ta, có bồ Trung úy Biệt Động mà giấu kỹ.
Tôi ra khỏi lớp trong tiếng xầm xì của các bạn. Người lính trẻ nghiêng người nói nhỏ:
- Liễu bảo anh tới đây.
Sự ước đoán của mình đúng quá, tôi nghĩ thầm mỉm cười:
- Anh ạ.
Hai anh em ra đứng ngoài lan can. Anh Phong nhìn tôi:
- Thụy có ngạc nhiên không ?
Tôi nghịch ngợm hỏi lại:
- Thế anh có ngạc nhiên không ?
Anh Phong lắc đầu:
- Anh là lính… Không có gì làm ngạc nhiên nữa cả. Hơn nữa, với Thụy, anh đã nghe chị Liễu nói nhiều rồi.
Tôi chu môi:
- Chắc chị Liễu nói… Thụy là con nhỏ nghịch ngợm và dễ ghét lắm phải không ?
- Không. Liễu nói Thụy ngoan và xinh lắm.
- Bây giờ gặp Thụy anh còn thấy chị Liễu nói đúng nữa không ?
Anh Phong khẽ gật:
- Liễu nói rất đúng.
- Nghĩa là Thụy ngoan và xinh nữa.
- Ừ, chị Liễu nói Thụy thương chị lắm. Anh mến ai thương chị Liễu.
Anh Phong nói với tôi bằng giọng giải thích y như nói với một đứa bé lên 10. Tôi nói:
- Anh thấy Thụy lớn chưa ?
- Chưa. Thụy bé lắm. Bé bỏng y như con búp bế của Liễu vậy.
- Thụy lại thấy Thụy lớn rồi chứ.
- Lớn gì cô bé, 17 tuổi đã biết gì đâu. Mà lớn khổ lắm Thụy ạ, em mong lớn làm gì.
Lại cái giọng người lớn. Làm như tôi bé lắm vậy. Nhớ đến thư anh Phong viết cho chị Liễu, gọi tôi là “bé Thụy” tôi bỗng nghe tưng tức. Tôi bướng bỉnh:
- Em lại muốn lớn cơ. Con nít thiệt thòi lắm.
Anh Phong nhìn thẳng tôi như vừa nghe một câu nói lạ:
- Sao em nói lạ vậy ?
Tôi bối rối. Tôi biết mình vừa đi vào một câu hỏi không giải đáp. Thật ra, chính tôi cũng không hiểu mình “thiệt thòi” gì khi bị coi là bé con. Tôi lảng đi:
- Anh về bao giờ thế ?
- Anh về chiều qua. Sáng nay gặp Liễu. Liễu chỉ trường Thụy và bảo anh đến thăm em.
Tôi hỏi đột ngột:
- Anh thương chị em lắm hả ?
Giọng anh Phong thản nhiên như người anh cả:
- Ừ, Thụy biết rồi. Anh thương Liễu. Chị ấy đáng thương…
Anh hơi ngập ngừng:
- Và đáng yêu nữa.
Rõ ràng là anh Phong coi tôi như đứa con nít không biết gì mới thản nhiên nói về tình yêu của anh như thế. Nếu coi tôi là người lớn hẳn anh phải có một chút ngại ngùng nào chứ… Dù sao, tôi là một đứa con gái… và không phải là em của anh ấy.
Tự ái bỗng dưng bị va chạm. Tôi muốn mọi người biết tôi đã lớn, công nhận tôi là người lớn, kể cả anh Phong. Nhưng tôi chưa biết mình phải chứng tỏ bằng cách nào. Anh Phong tiếp:
- Anh có quà cho Thụy.
Anh đưa cho tôi một gói giấy. Sự hồn nhiên trở lại, tôi mở vội vàng gói giấy và sửng sốt.
- Búp bê !!!
- Búp bê. – Anh Phong tiếp lời – Anh chắc em thích.
Mắt tôi trĩu xuống nhìn con búp bê nhồi bông và vải vụn, làm thật khéo nhưng đồng thời nó cũng nhắc cho tôi biết rằng “Thụy ơi, người ta coi thường mày, vì mày chỉ là đứa con nít”.
Bình thường bản tính tôi vốn hiền lành, không hiểu sao hôm nay trở nên căng thẳng dữ dội. Tự ái bị tổn thương làm ngực tôi nghèn nghẹn. Tôi muốn khóc, nhưng cố dằn. Thật là đột ngột, những phản ứng quá mạnh đột khởi tự nhiên làm tôi trở nên xa lạ với chính mình. Tôi dằn lại, cố nói bằng giọng reo vui:
- Đẹp ghê, Thụy cám ơn anh.
Sợ những câu nói tiếp theo của anh Phong sẽ làm tôi thêm bực tức, tôi tìm câu hỏi:
- Sao Thụy nghe nói anh ở quân trường, Thụy tưởng anh mới vô lính.
- Anh đi lính hơn ba năm rồi chứ. Mấy tháng trước anh đi học thêm khóa huấn luyện cấp chỉ huy.
- Hèn chi, chứ mới ra trường đâu đã lên trung úy liền anh nhỉ ? Chị Liễu hách ghê.
Anh Phong nhìn tôi:
- Liễu “hách” là sao hả Thụy ?
Biết anh hiểu lầm câu tôi nói, tôi giải thích:
- Dạ, em nói “hách” là chỉ có bồ trung úy oai đó chớ. Em nghe nói Biệt Động Quân dữ lắm. Thế anh có dữ không ?
Anh Phong cười sau câu nói. Thấy tôi im lặng anh tiếp:
- Khi Thụy lớn, Thụy cũng sẽ có người yêu. Muốn chọn mũ nâu thì anh giới thiệu cho.
Tôi bướng bỉnh:
- Khỏi chờ anh giới thiệu, Thụy có người yêu rồi.
Anh Phong cười lớn:
- Ai mà yêu Thụy chắc sẽ phải sắm nhiều khăn tay lắm.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
- Chi vậy anh ?
- Thì… để lau nước mắt khi cô khóc chứ còn làm gì nữa. Các cô bé… mệt lắm.
Anh chợt nhìn đồng hồ:
- Thôi anh ghé thăm Thụy một lát, bây giờ anh phải đi trình diện. Chiều anh ghé nhà chơi nhé !
Tôi hỏi:
- Chị Liễu có dặn anh ghé không ?
Hỏi câu đó là vì tôi nghĩ đến sự khe khắt của mẹ tôi. Tôi chắc chị Liễu không muốn anh Phong tới đó. Anh như hiểu ý tôi:
- Có. Liễu nói chiều nay dì bận đi thu hụi đâu đó, chắc anh ghé qua một tí cũng không sao.
Tôi hơi ngượng khi thấy anh Phong cũng quá rõ sự khe khắt của mẹ. Tôi nói vớt:
- Anh ghé chơi nghe. Có mẹ Thụy cũng đâu có sao.
Chúng tôi chia tay nhau. Tôi trở vào lớp. Tụi bạn nhao lên:
- Bà Trung úy oai ghê há tụi bây.
Biết tụi nó hiểu lầm, tôi lên tiếng:
- Đừng nói bậy tụi mầy. Anh tao đó.
Có tiếng cười rộ, rồi tiếng con Nhung riễu cợt:
- Anh, đúng rồi. Anh… họ từ đời Adong cơ mà. Thảo nào mà hỏi có bồ không nó cứ cười mím chi hoài. Chắc nếu anh chàng không tới tìm, họa là đến ngày cưới mình mới biết...
Sâm phụ họa:
- Đã chắc nó mời mình. Mình nghèo, mang mặt lại nó mắc cỡ. Dù gì cũng là ông... Trung úy chứ.
- Mà Trung úy Biệt Động nữa mới chì, Châu tiếp lời. Coi anh chàng được quá chớ, cao cao, đen đen nè. Thêm hai bông mai trên áo nữa nè… Con nhỏ Thụy coi vậy mà lấn hết bọn mình à ta.
Sâm gật lia lịa:
- Là cái chắc. Tao còn sợ mai mốt ra đường gặp mình nó hổng thèm nhìn nữa chứ.
Tôi gân cổ lên cãi:
- Tao đã nói là không phải bồ tao mà. Tụi mày sao ác quá vậy.
Nước mắt gần ứa ra, tôi cố gắng dằn lại. Sự nghịch ngợm và đùa dai của đám bạn cùng lớp làm tôi không sao cải chính được. Sâm vuốt tóc tôi như nó là một “bà chị” chính hiệu con nai:
- Thôi mà cưng, đùa tí mà. Thấy cưng có người yêu thì tụi này mừng dùm chứ sao.
- Nhưng mà... có người buồn đấy nhé.
Tôi biết Nhung muốn ám chỉ ai khi nói câu đó. Nó đang nói đến Nhật, anh học sinh lớp đệ nhất vẫn thường nhìn tôi và kiếm cớ trò chuyện với tôi mỗi khi trường tổ chức văn nghệ, vì chúng tôi cùng ở trong ban văn nghệ nhà trường.
Tôi rất mến Nhật, anh hiền và học giỏi, anh không hay theo “tán” các cô khác một cách suồng sã. Tôi đã được thấy nhiều anh nam sinh như thế nên tôi mến Nhật, nhưng chỉ “mến” thôi.
Biết không nói lại những con bạn “quỷ sứ” tôi đành im lặng. Sự im lặng của tôi như một sự công nhận “luận điệu” của chúng nó nãy giờ. Nghĩa là đúng 100 phần trăm tôi là bồ của anh Phong.
Tự dưng, trong sự thán phục của các bạn tôi cũng thấy hay hay. Tôi bỗng dưng thấy mình không còn là “con bé Thụy ngu ngơ” như ý nghĩ của anh Phong và chị Liễu nữa. Tôi là một thiếu nữ, tôi đã đàng hoàng có một người yêu rất “hách” dưới mắt của các bạn.
Tôi mỉm cười trong ý nghĩ ngộ nghĩnh đó. Ừ, thì ta có người yêu đấy, cho tụi mày biết tay, khỏi chê ta “cù lần”. Ta không thèm bắt bồ với bạn trai cùng trường đâu. Ta quen “mí”... chiến sĩ miền xa cơ.
Tôi cười thầm chính mình. Tôi cảm thấy thích thú hơn là bực tức. Thì có sao. Đâu có đứa nào biết mà lo… Tụi nó đã “lỡ” phục mình rồi, cho nó “ngán” luôn càng tốt.
Thấy mặt tôi đã “tươi” lại chứ không còn ủ rũ, cau có nữa, Châu lên tiếng:
- Rồi, thấm ý cô nàng cười rồi đó. Đang lan man nhớ đến "chàng" chứ gì ?
Tôi nói ỡm ờ:
- Nhớ… thì sao ?
Có tiếng vỗ tay, và Sâm nói như reo:
- Hết chối nghe. Vậy mà làm bộ hoài. Từ nay tao xin chừa, không dám chê mày “ngây thơ” nữa đâu.
Có tiếng chuông reo vào lớp học. Chúng tôi tạm ngưng câu chuyện, đứa nào vào bàn nấy. Tôi lấy tập Việt văn ra ghi bài mà vẫn còn nghe thích thú với ý nghĩ mình đã nghiễm nhiên “oai” hẳn trước mắt các bạn.
_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét