CHƯƠNG I
Tiếng bước chân chạy rầm rập trên hàng ba trước cửa phòng làm việc của ông Ngọc San. Chớp mắt, bốn cô gái, cô nọ đẩy lưng cô kia, đã tông cửa, chạy ùa vào trong phòng, ào ào như một trận phong ba. Tiếng reo, tiếng cười nổi lên như chợ vỡ:
- Ba! Ba! Ba yêu quý của chúng con. Hí Hí!
Nhà trồng tỉa đặt mạnh cây viết máy xuống bàn. Sắc mặt ông lộ vẻ phẫn nộ, nhưng trong ánh mắt nhìn lại thoáng bóng một nụ cười. Rốt cuộc, vẫn như từ bao giờ, lòng thương yêu con cái lúc nào cũng trội hơn tất cả. Ông Ngọc San đành trút sự bực bội vào hai nắm tay đập mạnh xuống mặt bàn:
- Các con hư quá! Ba đã cấm không được quấy phá khi ba làm việc kia mà! Biết thế, ba khóa quách ngay cửa lại thì có phải …
- Thế nhưng … ba lại quên không khóa. Hà, hà!
Chưa nghe dứt tiếng cười, đôi mắt người cha đã hoa lên vì hai cặp sơ-mi-dét màu trắng, hai cặp xiêm màu xanh lơ cứ quay tít như chong chóng trước mặt. Đôi tay ông cuống quít giằng giật để cố gỡ ra khỏi năm sáu cánh tay mềm mại nhưng mạnh mẽ vô cùng. Cái thì ôm đầu, cái thì níu cổ, có cái lại đưa hai ngón tay lên… khẽ cấu vào tai ông nữa.
Người cha vừa vùng vẫy, vừa la lên inh ỏi:
- Trời đất! Các con quấy phá như thế này, làm sao ba làm việc… – ông đổi giọng… “hô” theo đúng kiểu nhà binh, – tất cả… “nghiêm”! “Lập tức”! “Nghiêm”!
Thời gian ánh chớp, “nữ tứ tử” (danh từ khôi hài thân mật mọi người trong đồn điền vẫn dùng mỗi khi nói đến các em) đã xếp một hàng ngang, nhìn trước thẳng, theo thứ tự từ cao đến thấp, lưng áp vào tường, bàn tay phải đặt ngang trán. Cử chỉ trăm phần trăm quân sự, nhất là bốn khuôn mặt xinh xắn cố giữ vẻ thật nghiêm, trông lại càng hệt lắm.
Nửa giận, nửa vui, phần vui của người cha chắc chắn nhiều hơn, hiển hiện rõ rệt nơi ánh mắt nhìn các con chăm chú. Trước bốn khuôn mặt kháu khỉnh đang cố gắng lập nghiêm, nhưng bốn cặp môi tươi lại ráng mím chặt cho khỏi phì cười kia, ông Ngọc San đành lắc đầu… chịu thua. Nhưng ông vẫn “hô”:
- “Thao diễn, nghỉ”!… “Tan hàng”!… Và cấm không được phá ba nữa đó, nghe!
“Một hàng ngang” lập tức phân tán. Đồng thời tiếng khiếu nại nổi lên nheo nhéo:
- Ba dữ quá hà! Kỷ luật nhà binh ghê quá!
- Ba không thương tụi con hả? Chúng con là cánh tay phải của ba, cộng sự viên đắc lực của ba mà.
- Ứ ừ! Cộng sự viên! Danh từ quan trọng thế, hả các cô?
- Danh từ quan trọng ? Thế ba quên hết công lao của chúng con rồi. Ai đi xem xét ruộng mía, ai săn sóc gia đình các tá điền cho ba. Thế rồi, nhà máy nấu đường? Không có chúng con để mắt đến thì còn ai vào đấy, ba?
- Có thế! Có thế! Ba công nhận sự thật đúng như thế, – ông Ngọc San bật tiếng cười vui,– nhưng ai bảo các con dám “lạm quyền” ùa vào văn phòng của ba làm ồn dữ vậy?
Trong đám, có tiếng trong vắt nổi lên:
- Giờ nghỉ xả hơi mà ba!
Cả bọn nhao nhao:
- Chị Dung bưng chè lên rồi, ngoài hàng ba đó ba ơi! Ra ăn đi không nguội hết!
Dù muốn dù không, người cha cũng phải theo chân các con bước ra ngoài. Không khí mát rượi nơi hàng ba khiến ông cảm thấy thể xác và tâm hồn thật thoải mái. Cái hàng ba nhiều bóng râm này là nơi lý tưởng để cho ông vui hưởng hạnh phúc gia đình. Và đó cũng là chỗ hàng ngày ông tiếp đón các bè bạn.
Ông chủ đồn điền mía Ngọc San kín đáo mỉm cười khi liếc thấy khuôn mặt nặng chình chịch, ánh mắt sa sầm của chị người Thượng tên Dung (thật ra tên chị là K’Jun, nhưng vì thương mến chị nên cả nhà đều gọi chị bằng cái danh hiệu thật đẹp: Dung!) đang đứng canh gác mâm chè đậu đen nấu đường còn bốc khói. Thấy bóng ông chủ, chị Dung lên tiếng ngay. Ngôn ngữ của chị là một loại quốc ngữ không bỏ dấu:
- Bao giơ cung thê. Che đe nguoi hêt. Ông chu hê ngôi làm việc la khong đưng dây nưa.(Bao giờ cũng thế. Chè để nguội hết. Ông chủ hễ ngồi làm việc là không đứng dậy nữa.)
- Thôi đi mà! Chị Dung! Càu nhàu hoài! Cứ nghe chị thì đổ thóc giống ra mà ăn. Nghe chị để lúc nào cũng nằm lăn ra ngủ thì sở mía, nhà máy đường chắc rồi chỉ còn toàn cỏ và mái xưởng với bốn bức tường không. Nội vùng Đức Trọng này, sở mía đường Ngọc San là một trong những cơ sở nhỏ nhất đấy. Nhưng tôi cương quyết làm cho nó giữ vững được mãi mãi ngôi vị trù phú nhất.
Lại một tràng những tiếng càu nhàu của chị người làm trung thành với những chữ quốc ngữ không bỏ dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng mà người kể chuyện xin phép được viết lại đúng hình dạng chữ Việt cho dễ đọc:
- Nhà cửa lúc nào cũng rầm rập lộn xộn, lung tung hết. Mấy cô chỉ đùa giỡn chạy nhảy suốt ngày cứ như ngựa đua ấy thôi. Con gái nhà người ta thì dịu dàng học khâu học vá. Ngồi ở hàng ba này mà kim chỉ thêu thùa với nhau có tốt hơn không. Cười đùa đập phá quá trời. Thật là mệt vì dọn dẹp. Anh Giang chồng tôi cũng đã phát đau ốm vì các cô đấy nhé!
Bốn tiếng cười ròn rã trong như pha lê vang lên:
- A! Chị Dung bắt đầu quay mũi dùi tấn công tụi mình đấy nhé!
- Yêu cầu im lặng! “Dú” yêu quý của em!
- Hú!… Bà chằn lửa!
- Chị Dung cứ muốn chúng em suốt ngày ngồi ru rú với cái máy may, cái khung thêu, như má, như bà nội, bà ngoại ngày xưa đó hả?
Chị “dú” la lớn hơn nữa:
- À, à! Nếu má các em còn sống, chắc thế nào má cũng sẽ nói như chị vừa rồi đó.
Câu nói nhắc tới người đã khuất khiến bốn chị em im lặng, đồng thời ông chủ khẽ cau nét mặt. Ông Ngọc San nghiêm giọng:
- Thôi mà! Chị Dung! Pha nước trà tôi uống đi, lẹ lên! Có việc gấp đây!
Nơi đầu hang ba chợt xuất hiện anh gia nhân cũng người Thượng, anh Giang, chồng chị K’Jun:
- Thưa… có ông Mộng Bảo qua chơi. Ông ấy muốn gặp ông chủ!
Ông Ngọc San giương đôi mắt tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên, xen lẫn đôi phần bực bội.
- Mộng Bảo? Đỗ Mộng Bảo? Chủ nhân Sở mía đường Mộng Bảo! Kỳ lạ! Ông ta muốn gì kìa? Đã tám năm nay, cửa không qua, nhà không tới, gặp nhau ngay cả một tiếng chào hỏi cũng không. À, lạ thật nhỉ?
- Thôi, cứ để ông ấy vào chơi đi, ba!
- Dù sao ông ta cũng là hàng xóm láng giềng. Từ chối không tiện đâu ba! Nhất là đối với một… “địch thủ”, lại càng cần phải lịch sự. Ba vẫn bảo thế mà, phải vậy không ba?
Ý kiến của các con cũng là ý kiến của người cha:
- Thôi được, anh Giang! Mời ông ấy vào nhé. Này, chị Dung! Dọn hết những cái này đi, lẹ lên.
Chị “dú” thu dọn bàn, cử chỉ rất nhanh nhẹn. Sắc diện chị rõ ra vẻ một người nội trợ thành thạo đảm đang.
Chị vừa bước ra khỏi, chủ nhân trại mía Mộng Bảo đã bước vào. Mặt ông khách đỏ gay, khổ người to lớn, béo phục phịch khiến ông ta có cái dáng đi lạch bạch như vịt bầu.
Ông Ngọc San, khi trông thấy ông láng giềng đối thủ, bỗng nhiên lại cảm thấy vui vui. Niềm tức giận trong lòng chợt tiêu tan được quá nửa. Thêm nữa, sự hiện diện của bốn đứa con yêu, đứng xếp hàng dọc, theo thứ tự từ cao đến thấp, sát bên ông, sẵn sàng yểm trợ cho cha đương đầu với địch thủ cạnh tranh, lại càng khiến ông vững lòng tin tưởng. Sắc mặt ông hết sạch mọi nếp ưu tư, một cảm giác nhồn nhột nơi cuống họng khiến ông chủ chỉ muốn bật phì cười. Chủ nhân Sở mía Ngọc San cất tiếng sang sảng chào ông hàng xóm:
- A kìa! Anh Mộng Bảo! Quý hoá quá! Gần năm năm nay, giữa chúng ta vẫn có một bầu không khí bất hòa. Do đó mong anh đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi không đưa tay ra bắt tay anh. Hơn nữa, mỗi khi nghĩ đến những sự việc không vui giữa hai trại mía Ngọc San, Mộng Bảo, tôi lại cảm thấy khó chịu vô cùng. Do đó, sự tiếp đón anh nếu có điều lạnh nhạt chắc anh cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên.
Ông Mộng Bảo nhẹ nghiêng mình, miệng mỉm nụ cười châm biếm:
- À, vâng! Những lời anh vừa thốt ra cũng là những câu tôi sắp sửa nói với anh đấy. Khi đặt chân bước qua ngưỡng cửa tư thất của chủ nhân trại mía đường Ngọc San, tôi cũng đã phải cau mày khó chịu rồi. Nhưng một khi đã vào đến đây, chắc anh cho phép tôi được ngồi chứ?
- Dĩ nhiên! Rồi! Bây giờ anh đã an tọa trong nhà tôi mà tuyệt đối không có sự triệu thỉnh của chủ nhân. Mong anh chớ quên điều đó… Tiện đây, tôi trân trọng xin được giới thiệu với anh bốn cháu nhỏ con gái của tôi. Chắc anh không thấy có gì trở ngại?
- Vâng, vâng! Xin anh cứ tùy tiện!
- Đây là cháu Huệ, mười bẩy tuổi, giàu lòng nhân ái và rất tận tâm. Các anh em công nhân, tá điền của tôi không ai là không khen ngợi cháu. Suốt ngày chỉ mải mê đi thăm nom gia đình các người làm, săn sóc khi có người nào đau ốm, đồng thời… chỉ thích hỉ mũi, tắm rửa cho tụi lau nhau con em các công nhân trong trại mà thôi.
Ông Mộng Bảo gật gù cái đầu hói:
- À, à! Đúng là một cô tiên hiền dịu!
- Cám ơn anh đã tự ý khen cháu! Tôi không đòi hỏi anh điều đó đâu đấy nhé! Mong anh nhớ dùm cho. Và… đây! Cháu Trà, mười sáu… rất giỏi toán. Thích nghiên cứu máy móc lắm. Tối ngày chỉ quanh quẩn trong xưởng nấu đường theo dõi, coi sóc máy ép mía, máy lọc nước đường, nồi nấu mật… rất nhiều sáng kiến về vấn đề cơ khí. Đã được anh chị em công nhân tặng cho cái biệt hiệu “tiểu kỹ sư”.
- À, biệt hiệu hay lắm!
- Đây là cháu Mai, mười bốn, nữ thể tháo gia, thỉnh thoảng cảm hứng lại… làm thơ không tồi lắm. Khu vực sở mía của chúng mình ở đây có hoa có lá sẵn sàng, sông nước thơ mộng đẹp vô cùng. Kể ra thì ai cũng thích làm thơ đấy, nhưng vì công việc túi bụi, chưa rảnh rỗi lắm, nên đành chịu đó thôi, phải không anh? Cháu còn có tài phóng Honda, cưỡi ngựa đi thăm ruộng mía, đánh quần vợt rất hay, “sì mát” mạnh như sấm sét, bơi lội nội vùng này chưa có ai bứt nổi. Tóm lại, cháu Mai có một sức mạnh khá khác thường. Có thể nói, cháu là đại lực sĩ trong gia đình tôi đấy.
- Xin có lời khen!
Sắc diện ông khách khi thốt những lời nói trên có nhiều nét vui vẻ xen lẫn chút chế riễu trông rất khôi hài. Chủ nhân trại mía Ngọc San vẫn bình tĩnh như không:
- Còn đây là cháu Cúc, út nhất, mười hai tuổi. Cháu Cúc có cái tài là cái gì cũng biết nhưng cái gì cũng dở cả. Xục xạo dữ lắm, mắt rất tinh, tai thật thính. Các cháu coi bộ mặt mũi cũng sáng sủa lắm đấy chứ, phải không anh. Hai cháu Huệ, Trà đã đậu Trung Học đệ nhất cấp. Hai cháu nhỏ Mai, Cúc còn đang học lớp sáu và lớp bẩy tại Đức Trọng. Hà, hà! Anh thấy không? Huệ, Trà, Mai, Cúc…, đúng là một bó hoa sắc màu rực rỡ đẹp vô cùng. Anh đồng ý chứ?
Kiên nhẫn ngồi nghe những lời giới thiệu tràng giang đại hải, ông Mộng Bảo dù cố gắng lắm cũng vẫn để lộ đôi chút bực mình trên nét mặt. Ông cất tiếng trả lời. Giọng nói nhẹ nhàng châm biếm:
- Tự anh nói ra điều đó chứ không phải tôi đâu nghe!
Ông Ngọc San có sắc giận, nhưng thái độ vẫn bình tĩnh:
- Vâng, vâng, tôi biết thế! Từ lâu lắm, tôi đã biết anh là một người khó tính như thế nào rồi. Thế… à, có lẽ bữa nay anh thấy nhớ khung cảnh êm đềm mát mẻ của cái hàng ba này nên mới lại qua đây? À, hay là anh thích coi lại cái mảnh vải lịch sử dưới tấm kính này? – Ngón trỏ bàn tay phải ông Ngọc San gõ gõ lên mặt kính dày và trong trên mặt bàn, – một mảnh cánh buồm trên chiếc hải thuyền của vị thảo khấu anh hung Lầm Chí Khả, tay chọc trời khuấy nước đã một thời tung hoành trên mặt biển vùng Hòn Gai, Móng-Cái vòng suốt mãi tới tận Phả-Lại, Đông-Triều vào những năm 1912-13-14-15. Lầm Chí Khả, một bộ tướng của Hùm thiêng Yên-Thế Hoàng-hoa-Thám… có hơi hướm họ hàng với gia đình tôi đó. Nguyên bà cụ sanh ra ba tôi, tức cụ nội của các cháu đây là chị em con chú con bác với bà cụ sanh ra Lầm-chí-Khả, tay đại hải khấu anh hùng đó.
Ông láng giềng nhấp nhổm trên chiếc ghế bành. Vẻ nóng ruột lộ ra nét mặt. Bất thình lình “bộp” một tiếng, bàn tay mập mạp của ông khách đã vỗ mạnh lên tay ghế gỗ. Giọng ông Mộng Bảo tràn đầy phẫn nộ:
- Ủa! Anh ba hoa những gì mà trên trời dưới biển dữ vậy. Mục đích hôm nay tôi qua đây gặp anh đâu có phải là để ngồi chịu trận nghe anh hết ca tụng con cái mình lại kể lể tông chi họ hàng bà con mấy đời với ông tướng giặc bể họ Lầm nào đó. Mấy cháu nhỏ con gái anh đây thông minh, đĩnh ngộ, mặt mũi sáng sủa thế kia, chắc tánh tình cũng ngoan ngoãn lắm, tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng còn ông tướng giặc bể kia thì… ăn nhằm quái gì đến thế hệ chúng mình nữa mà anh phải kể lể dài dòng dữ vậy. Chỉ cần biết: hiện thời, anh, anh đây này, anh là hàng xóm láng giềng của tôi. Một ông láng giềng khó chịu nhất từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy bao giờ đó!
Ông Ngọc San bật cười rộ:
- Khó chịu nhất? Tôi là ông hàng xóm khó chịu nhất? Trời đất! Bây giờ anh nói ra tôi mới biết đấy! Không ngờ tôi lại nổi tiếng đến thế kia nhỉ?! Nhưng xin thú thực với anh: sở dĩ tôi phải đề cập đến toàn những chuyện chẳng liên hệ gì tới anh là nhằm mục đích trêu tức anh đấy. Có trêu tức anh, tôi mới hả cơn giận phải tiếp chuyện một người đã cư xử với tôi chẳng có gì tốt đẹp cả. Thôi, bây giờ ta đi vào đề: anh qua đây gặp tôi có việc gì vậy?
- Tôi có việc cần nói với anh! Tôi bực mình vì anh ghê lắm! Anh cạnh tranh một cách không chánh đáng. Công nhân người Thượng của tôi bỏ đi gần hết qua đây làm cho anh để được hưởng lương cao hơn. Anh trả cho họ quá giá tiền do nghiệp đoàn trồng tỉa ấn định.
Ông Ngọc San cười nhẹ:
- Sao anh không nói thẳng ra là tôi đã trả lương cho họ cao hơn lương của bên anh có phải đúng hơn không?
- Chúng ta nói chuyện đứng đắn một chút, anh Ngọc San. Vụ mía năm rồi thất thoát nhiều quá. Mà mùa này coi bộ cũng chẳng khá gì hơn.
- Anh tưởng thế. Mía của anh ra sao tôi không rõ. Còn của tôi thì hứa hẹn lắm lắm kìa! Lá um tùm xanh tốt, gióng nào gióng ấy cứ mỡ ra, tươi đẹp vô cùng.
- Vậy ra anh chưa biết sở khí tượng vừa loan tin sắp sửa có mưa bão lớn sao? Tôi lo quá. Thú thực với anh, hồi này sao tôi cứ gặp toàn những chuyện gì đâu không à! Từ trước đến nay, tôi vẫn đặt hết tin tưởng vào ba đứa con trai, đinh ninh là thế nào chúng nó cũng sẽ giúp tôi trông coi săn sóc trong ngoài trại mía. Rồi một mai mình có già yếu đi chắc hẳn sẽ được anh em nó thay thế tiếp tục kinh doanh điền địa. Ai dè! Không một đứa nào tha thiết đến việc mía đường hết thẩy. Tôi chán quá! Thằng cháu Hải thì chỉ hăm hở vùi đầu vào học nốt y khoa, mải miết suốt năm suốt tháng ở Saigon. Cháu Huy lại suốt ngày lo tập thể dục, chơi thể thao. Còn thằng cháu út Hinh thì chỉ thích mò mẫm sưu tầm khảo cổ.
Tiếp theo lời nói không vui của ông Mộng Bảo là một nụ cười buồn bã của ông Ngọc San:
- Chắc anh không biết chuyện đứa con trai độc nhất của tôi bị mất tích hồi cháu được mười bốn tháng đâu nhỉ? Thành thử từ đó tới nay, quanh ra quanh vào, tôi chỉ còn có bốn con bé nối nghiệp mà thôi. Chắc hẳn anh cũng đã nghĩ như thế chứ phải không, anh Mộng Bảo? Và thế nào anh chẳng lấy làm thú vị ngầm trong bụng: ngữ "thị mẹt" ấy thì làm được trò trống gì! Ấy vậy mà tôi lại được nhẹ gánh hơn anh nhiều lắm đấy nhé. Anh có công nhận như thế không nào?
Ông Mộng Bảo gật đầu:
- Phải, phải, tôi công nhận. Nhưng thôi, thông qua chuyện đó đi. Riêng phần tôi, bây giờ tôi bắt buộc phải tìm người cộng tác, phụ tá cho một tay chứ không thì mệt quá. Lão Khu-Ma-Ra, tay người Miên vẫn chỉ huy toán thợ trồng tỉa của tôi đó. Thấm thoát, sau gần mười năm làm cho tôi, anh ta đã để được một số vốn kha khá. Bây giờ y bỏ tiền ra hùn hạp với tôi, nhiệm vụ lo chung, quyền hạn ngang nhau. Do đó ý kiến của Khu-Ma-Ra cũng là ý kiến của tôi, và mọi điều y đòi hỏi cũng là các điều tôi đòi hỏi. Nói thực mà nghe, anh Ngọc San à! Anh liệu xét lại giá biểu lương công nhân bên anh thế nào chứ! Nếu anh cứ tiếp tục trả họ cái giá đó là anh làm hại cơ sở của chúng tôi đó.
Ông Ngọc San nghiêm sắc mặt:
- Nghe anh phân trần, tôi cũng áy náy lắm nhưng... chịu, không thể giúp anh gì được. Trại anh sử dụng người, đãi ngộ họ ra sao, có bao giờ tôi cần tìm hiểu đâu. Vậy thì phần tôi, tôi đối xử với anh chị em làm việc dưới quyền tôi thế nào, mặc tôi chứ. Chỉ cần nói để anh biết rằng: công nhân của tôi, họ một sương hai nắng, tận tâm tận lực với tôi, thì đáp lại, tôi cũng phải đãi ngộ cho họ xứng đáng. Nếu có thể, tôi sẽ làm cho họ, ngày một trở nên khá giả, có mức sống cao nhất so với các đồng nghiệp khác tại vùng Đức Trọng này cho anh coi, – Ông Ngọc San hướng về bốn cô con gái, – Các con tôi đây, chúng nó cũng cùng một ý hướng như tôi, phải vậy không Huệ, Trà, Mai, Cúc?
Bốn chị em đồng thanh reo lên:
- Đúng đó. Ba!
Trong tiếng reo vui của bốn chị em, nếu tinh ý một chút, người nghe có thể nhận ra đôi phần tức giận hướng về ông khách Mộng Bảo, một người, theo ý nghĩ của các em, không thích tìm hiểu tâm lý của các đồng bào miền núi, và do đó không khiến được họ mến phục chút nào.
Ông Mộng Bảo thất vọng đứng lên, sửa soạn ra về:
- Thì ra anh không chịu thông cảm gì cả. Anh bất chấp cả tinh thần hỗ tương giữa các hội viên trong nghiệp đoàn trồng tỉa tại quận Đức Trọng này.
- Tôi hành động theo tiếng gọi của lương tâm. Và tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi việc tôi làm.
Ông Mộng Bảo cất giọng chua cay:
- Thôi được, cái đó tùy anh! Anh cứ việc làm theo ý thích. Thì ra anh vẫn chứng nào tật ấy... Thân mật chuyện trò với bọn người ăn người làm, vui vẻ lắm, bình dân lắm! Các cô con gái của anh cũng vậy. Cha nào con ấy! Người ta cười vào mũi cho mà không biết... Con gái con đứa gì mà trâng tráo, xấn xổ như con trai.
Ông Ngọc San quát lên:
- Thôi! Anh im đi! Nếu đến đây chỉ là để thốt ra những lời như thế, thì xin lỗi, tôi không thể tiếp chuyện anh thêm một phút nào nữa. Cửa đã rộng mở, mời anh cứ tùy tiện ra về.
Ông Mộng Bảo cũng không vừa:
- Được, được, anh yên trí, tôi cũng muốn ra khỏi nơi đây sớm phút nào hay phút ấy. Tôi lại còn mong không còn phải gặp mặt anh nữa đó.
Chủ nhân sở mía đường Mộng Bảo đã mất hút phía đầu hàng ba, ông Ngọc San còn đứng nguyên tại chỗ, niềm tức giận vẫn sôi sục trong lòng.
Bốn chị em sáp lại, quây lấy cha:
- Ông khách khó chịu về khỏi rồi! Ghê chưa! Ông Mộng Bảo ngang nhiên bảo chúng con là con gái trâng tráo xấn xổ như con trai.
Người cha rít qua hai hàng răng nghiến chặt:
- Người gì đâu mà khó thương! Kỳ quái! Đối xử với công nhân thì diết gióng chẳng có cảm tình gì cả. Không sợ trời phạt, giông bão phá hư hết mía cho trắng mắt ra ấy chứ.
Nơi cuối hàng ba, chợt thấp thoáng cái áo cánh trắng, cái quần lãnh đen của chị gia nhân người Thượng tên Dung:
- Ông chủ uống nước trà nghe!
Cơn giận chưa nguôi, ông Ngọc San quát lên:
- Thôi, trà với cháo gì! Tôi đi bây giờ đây! Ra ngoài một chút cho thoáng mát dễ chịu. Có thế mới quên đi được cái lão Bảo Mập khó thương này. Dám ngoác miệng ra mà dè bỉu chê bai con cái người ta trong khi mấy đứa con trai của mình lại chẳng được tích sự gì. Chỉ dài lưng tốn vải. Chị Dung! Bảo anh Giang đánh xe ra cho tôi. Phóng một tua quanh đồn điền cho đỡ bực mình. Tối ba về!
Huệ, chị lớn hơn tất cả, từ lâu đã biết im lặng tôn trọng giây phút cha cáu giận. Chợt nghe cha nói, em vội cản ngay:
- Ba lái xe đi bây giờ nguy hiểm lắm ba ơi! Trời sắp sửa giông bão rồi đấy!
- Giông bão thì giông bão, ba bất chấp! Vả lại có gì thì ba cũng cố về cho kịp kia mà. Con sợ gì chứ! Lớn đầu mà còn nhát quá.
Mười phút sau, chiếc xe hai ngựa của ông Ngọc San đã phóng nhanh trên con đường đỏ dọc theo cánh đồng mía rộng ngút ngàn. Gió lớn từng cơn bắt đầu thổi mạnh. Trong toàn khu vực, cây cối lả ngọn xô dạt ngả nghiêng.
Hơn tiếng đồng hồ sau, mưa bão nổi lên cuồng bạo. Bốn chị em ngơ ngác nhìn nhau bồn chồn khắc khoải. Ông Ngọc San vẫn chưa về.
Bên ngoài mưa như trút nước. Thân tre, tàn cây lớn quằn quại vặn mình ghê rợn. Mỗi cơn gió ập tới, mái nhà lại kêu răng rắc, rung chuyển như muốn sập xuống. Cuồng phong quét mặt đất hung bạo như lưỡi hái của tử thần trong cơn phẫn nộ, lia ngang phạt dọc, nhổ bứt cây, hốt tung cả người. Tiếng gió lộng hí, tiếng người la hét, gọi nhau ơi ới vang động khắp nơi.
Huệ cất tiếng trấn an các em:
- Ba mắc mưa về trễ chút xíu. Có gì mà các em phải lo lắng băn khoăn dữ vậy. Chị em mình can đảm vốn nổi tiếng xưa nay mà.
Mai, cô gái "lực sĩ":
- Chắc ba ghé đụt mưa trong nhà một công nhân nào đó. Đêm không về kịp thì sáng mai ba về sớm. Chúng em có lo gì đâu.
Có tiếng thở mạnh và dài. Mấy chị em quay mặt lại. Trà, sau khi thở ra, đăm chiêu nét mặt:
- Bão lớn thế này, chắc mía gẫy hết mất. Thiệt hại nhất định phải ghê lắm chứ không ít đâu.
Cả bọn lại cười nói nhao nhao. Huệ nhìn em:
- A, dữ quá! Cô "tiểu kỹ sư" bây giờ lại lo cho mía nữa. Yên trí đi Trà! Em đừng quên bác An là một tay trồng tỉa rất giỏi mà không cần phải đỗ đạt ở trường nào hết thẩy. Mía gẫy cây nào, bác ấy sẽ đặt ngọn mới thay vào ngay lập tức. Và chỉ hai tuần sau thì lại tốt um lên ngay đó mà. Vả lại, hiện thời mía đẵn rồi hãy còn chất đầy trong xưởng. Cối ép đâu có bị hết việc làm mà lo, – giọng nói Huệ nghiêm hẳn lại, – khi không ba xách xe chạy lung tung để đến nỗi bị mắc mưa bão. Nhưng, nói dại, cho dù có sao đi nữa thì tụi mình cũng cứ vững tâm coi như là ba vẫn nằm nghỉ trên giường vậy. Chỉ ngại nhất là... chị Dung. Chút xíu chị cũng la lên như giặc vậy đó.
Cúc, cô gái út cười tươi:
- Chị Huệ nói đúng! Thôi, tất cả… “nghiêm!” “Hướng cầu thang, lên phòng ngủ, đằng trước, bước!” Một hai ba bốn! Một hai ba bốn! Một hai …
Cho tới rạng đông, trận mưa bão vẫn còn gầm thét hãi hùng. Nhiều cây tre non gẫy đổ ngổn ngang. Gió tốc nhiều mái nhà công nhân tá điền bốc cuốn đi từng mớ lớn rơm rạ lợp trên mái.
Mãi tới lúc trời sáng rõ, gió mới nhẹ đi một phần. Bốn chị em Huệ, Trà, Mai, Cúc, từ lúc nửa đêm, vào phòng nhưng chẳng em nào ngủ được. Nữ tứ tử cứ đi đi lại lại, ghé mắt qua cửa sổ nhìn ra cảnh vật tăm tối, mưa bão ghê rợn bên ngoài. Trong lòng ai nấy xốn xang. Mãi sau, bốn chị em mệt mỏi quá mới gục xuống giường ngủ thiếp đi.
Tiếng người nói ồn ào dưới sân khiến các em giật mình thức giấc. Tiếng Kinh, tiếng Thượng lao xao… Hốt hoảng, Huệ tung chăn nhẩy bổ khỏi giường. Giữa đám đông nhốn nháo, tiếng chị Dung, giọng la của anh Giang chồng chị, nổi bật nghe rõ mồn một:
- Trời ơi! Khổ rồi! Nguy rồi! Ông chủ! Trời ơi!
- Bị thương nặng lắm! Ngất xỉu đi không còn biết gì nữa hết!
Huệ tông cửa chạy ra bao lơn, nhìn xuống. Đồng thời em hét lên:
- Tất cả các em, dậy đi! Ba làm sao rồi! Dậy mau! Xuống nhà mau lên!
Chớp mắt, bốn chị em đã xuống tới hàng ba dưới nhà. Có tới hơn hai chục người, công nhân Thượng nhiều hơn, đứng tụ tập bàn tán xôn xao.
Huệ nắm tay mọi người hỏi dồn dập:
- Ông chủ đâu? Ông chủ đâu?
Toán công nhân sững sờ nhìn bốn chị em. Họ do dự ngập ngừng, nửa như muốn nói, nửa lại muốn lặng thinh.
Cô gái quát thét:
- Ủa! Tôi hỏi ông chủ đâu? Sao lại đứng im cả thế này? Hả?
Chị Dung rẽ đám đông, bù lu bù loa:
- Trời đất thánh thần ơi! Người ta bắt gặp ông nằm sóng sượt ở cuối bãi mía số 2 đó kìa. Cái cây to lắm bật gốc đổ trúng xe ông. Chết mất, trời ơi!
Chị người làm vừa dứt lời, đã thấy một toán người xuất hiện nơi đầu con đường hai bên trồng dừa dẫn vào khu nhà ở. Họ xúm xít nhau khiêng một cái cáng. Hai ba người lại tay nón, tay căng áo tơi, cố che mưa, che gió cho người nằm trên cáng.
Bốn chị em lao mình nhẩy xổ ra. Bốn cái miệng xinh xinh cùng la lên một lượt:
- Ba ơi! Ba ơi! Ba làm sao vậy, ba ơi!
Ông Ngọc San nằm thiêm thiếp trên cáng. Hai mắt ông nhắm nghiền. Trên đầu, suốt từ người đến chân, không có vết thương nào nhưng sắc mặt ông xanh lợt như tàu lá chuối.
Huệ nắm cánh tay anh Giang:
- Hãy mời bác sĩ Bích đến ngay đi, anh Giang! Chạy lẹ lên! Mau đi!
Cáng được khiêng vào trong phòng. Bốn người đàn ông nhẹ nhàng nâng ông Ngọc San đặt lên giường. Suốt mười phút đồng hồ, chị Dung, bốn cô gái nhỏ thay phiên nhau kêu gọi bên tai. Ông vẫn bằn bặt hôn mê.
Chợt, một giọng nói ồm ồm vang lên:
- Dang ra! Dang ra!
Mọi người quay mặt lại: ông Bác sĩ đứng tuổi tên Bích, tay xách chiếc va li nhỏ xíu đang tiến vào:
- Tôi đã nói: tất cả hãy dang ra. Đi ra ngoài kia hết đi. Khỏi cần người phụ. Ra hết, ra hết!
Huệ đứng thẳng người lên. Em nhìn thẳng mặt ông bác sĩ, giọng nói đanh thép:
- Ông để chúng cháu ở đây săn sóc cho ba cháu.
Đụng tia nhìn sắc lạnh của các cô gái, bác sĩ Bích bất giác khẽ quay mặt đi. Lui tới thăm nom con cái ông Ngọc San từ hồi các em còn bé, ông thầy thuốc không còn lạ gì tánh nết cang cường của các em. Bác sĩ Bích đành gật đầu đấu dịu:
- Thôi được! Hai cháu lớn có thể ở lại! Còn hai cháu bé tí kia và chị vú, đi ra ngoài!
Hai "cháu bé ti" còn là ai khác nếu không phải là Mai và Cúc. Hai chị em uất ức lắm! Hừ! Hai "cháu bé tí"! Cái danh từ đầy tính chất coi thường mọi người vẫn dùng để gọi các em. Mai, Cúc chưa kịp phản ứng đã thấy hai bàn tay ông thầy thuốc đẩy rất khẽ nhưng rất quyết liệt phía sau lưng. Phút sau hai "cháu bé tí" đã bị đứng sớ rớ ngoài hàng ba cùng với chị vú. Chị Dung không ngớt bưng mặt khóc sướt mướt, miệng lải nhải than trời oán đất đã giáng họa nhầm ông chủ hiền lành nhân đức của chị.
Mai nhìn em:
- Ông bác sĩ Bích này rắc rối quá hà! Nhưng không cần! Này Cúc! Đứng đây hậm hực cũng chẳng ích gì! Chi bằng, bây giờ chị em mình lợi dụng lúc này, đi tới chỗ ba gặp nạn xem cái cây đổ đè trúng xe của ba ra sao đi. Như vậy, may ra có thể giúp ích được chút gì trong việc săn sóc chạy chữa cho ba, còn hơn là đứng đây không? Mưa tạnh rồi, gió cũng hết hẳn. Đi!
- Ờ, ờ, chị Mai nói đúng đấy! Các bác ấy nói ở cuối ruộng mía số hai. Vậy thì em biết rồi! Chỗ gần sát cánh rừng nhỏ có nhiều sim đó mà! Tụi mình chạy đi coi xem cái cây đổ ấy thế nào và tại sao lại đè trúng xe hơi của ba như vậy chứ.
Rồi, mặc cho chị Dung la lối cấm cản, Mai, Cúc chạy vun vút xuống nhà để xe, nhẩy phóc lên hai chiếc xe đạp. Thật may, hướng đi lại xuôi gió, hai chị em đạp nhẹ nhàng. Hai chiếc xe băng đi như bay, trực chỉ cuối bãi mía số hai.
Năm phút sau, Mai, Cúc đã tới nơi. Dựa xe vào một gò đất thấp, hai em vạch cây, rẽ cỏ tiến tới.
Một cây xoài lớn khoảng hai người ôm, bị cuồng phong nhổ bật gốc đổ rạp đè trúng chiếc xe hơi hai ngựa khiến nó bẹp rúm còn nằm kẹt cứng dưới thân cây vĩ đại.
Quang cảnh trước mắt chứng tỏ ông Ngọc San khi bất ngờ gặp mưa bão, đã lái xe tới trú ẩn ngay dưới gốc cây to, hy vọng tránh né được giông tố. Nào ngờ, bất chợt gió to đã vật ngã cây xoài đè trúng xe. Lúc đó ông còn ngồi bên trong.
Cúc luôn miệng lẩm bẩm. Giọng nói ẩm mùi nước mắt:
- Trời ơi! Tội nghiệp ba quá! Tội nghiệp ba quá chị Mai ơi!
Cô chị bình tĩnh hơn:
- Chắc là ba đã cố lách ra khỏi cái xe bẹp rúm này. Các bác ấy bắt gặp ba nằm bất tỉnh trên mặt đất phía ngoài mà. Có lẽ ba không bị thương. Có thấy vết máu nào đâu.
- Em chỉ sợ ba gẫy dập xương bên trong thôi.
- Ừ, chị cũng lo thế. Vái trời cho ba không bị cái gì nguy hiểm nghe!
- Chị Mai! Coi cái hốc ở gốc cây xoài đổ này. Eo ơi, sâu hoắm, to vô cùng! Xe cam nhông chui vào cũng lọt đó.
Tính hiếu kỳ thúc đẩy, hai chị em sáp lại bên miệng hố:
- Ghê quá! Gió mạnh kinh khủng thật! Cây xoài to lớn cỡ này kia mà. Mong sao bác sĩ Bích đã chẩn bệnh xong cho ba và lậy trời cho ba chỉ bị sơ sịa chút xíu thôi. Bây giờ, chị em mình về đi, Cúc!
- Khoan, khoan đã chị Mai!... Này, dưới hố có cái gì lạ lắm, chị Mai ơi! Một miếng gỗ hay sắt gì vuông vuông, chữ nhật đó kìa! Dính đầy đất sét, lá cây mục phủ đen sì à. Chắc ở xe hơi của ba rớt ra đó. Để em xuống coi nha chị Mai!
Dứt lới, không để chị kịp trả lời, Cúc đã thả đôi chân, xéo bừa lên đám sình trơn trượt, nhanh nhẹn khom lưng luồn qua đám rễ cây dài ngoẵng, ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ nhầy nhụa, sáp lại gần, đưa tay nắm lấy mảnh sắt hay miếng gỗ hình chữ nhật đó. Khá nặng! Miếng "sắt" hay "gỗ" gì đó khá nặng lại dính đất sét trơn khiến Cúc phải mím môi lợi ì ạch mãi mới na được nó đặt lên trên miệng hố.
- Chị Mai! Hộ em một tay! Nặng lắm! Và kéo em lên chứ! Để em chết ngộp dưới cái huyệt này luôn hả?
Mai chìa bàn tay khỏe mạnh cho em:
- Cúc kỳ ghê! Cái miếng "gỗ mục" ấy hì hục móc lên làm gì vậy không biết. Úi da! Mặt mũi áo quần lấm lem hết trơn rồi!
- Kệ em! Để xem coi là cái gì đã! Nặng ghê hồn! Phụ em một tay chùi sạch nó đi chị Mai!
Hai chị em quay qua vốc cát, lá cây khô, nạo hết lớp đất sét đen xám. Dưới ánh sáng, miếng "gỗ mục" phơi trần mặt phẳng bằng... đá hoa cương màu trắng, loáng thoáng điểm những vân đen. Trên mặt phiến đá còn dính kết lớp lá cây mục ải lâu ngày dán chặt như gắn liền vào phiến đá. Một vài nét vạch khắc sâu ẩn hiện dưới đám mùn cây trét cứng như keo. Mai, Cúc lại ra công chùi nạo. Mấy hàng chữ nho hiện ra rõ rệt, rồi lại một hàng gồm bốn con số 1916.
Cúc bật reo khẽ, tay chỉ vào hàng chữ cuối cùng:
- Mấy chữ này là chữ quốc ngữ, chị Mai! Đúng rồi, quốc ngữ! Chùi cạo nữa đi, mạnh tay lên chút!
Chưa đầy năm phút sau, Cúc đã vui mừng:
- Rồi rồi! Rõ lắm rồi! Trời ơi! Chữ gì mà như vết chân chim thế này, chị Mai?... A, a! Mấy chữ cuối này đọc được! Cái gì... à, m, hi, K, hả chị Mai?
Tay em không ngớt cạo sồn sột, nạo sạch lớp mùn bám chắc trên mặt phiến đá:
- Thôi đúng rồi!... am, L... a... m, Lầm, hi, C...h...i, Chí, K... hả, Lầm-Chí-Khả, đúng rồi chị Mai! Đúng chữ ký của Lầm-Chí-Khả, vị thủy khấu anh hùng, mấy đời trước có họ với gia đình mình. Tuyệt quá, chị Mai ơi! Không ngờ tụi mình lại phát giác ra cái động trời này! Thú quá!
Mai đăm chiêu nét mặt:
- Nếu thế thì phiến đá này được chôn ở đây đã có tới gần sáu chục năm rồi. Nhưng nếu vậy thì là sao nhỉ?
- Có thể ông Lầm-Chí-Khả, khi lưu lạc qua vùng này, nán ở lại một thời gian, đã chôn phiến đá này ở đây. Mà để làm gì chứ?… Hừ! Nếu tụi mình đọc, hiểu được nghĩa những chữ nho ghi ở trên đây thì may ra biết được đó.
- Nội ngày nay không được đâu. Phải mất thì giờ nhiều lắm mới tìm được cách đọc và hiểu được đó Cúc. Việc gấp bây giờ là phải lo cho bịnh tình của ba. Vậy, chúng ta hãy đem phiến đá hoa cương này giấu kín một chỗ. Bữa nào rảnh, bảo anh Giang lái xe của ba tới đem về. Xe đạp không chở được đâu, nặng lắm. Mà phải kín miệng chớ nói cho ai biết, nghe!
- Nhất định phải thế rồi! Nhưng em chỉ ngại các công nhân, khi tới gỡ cây xoài để đem cái xe của ba ra, họ sẽ lục lạo đào bới, trông thấy thì lộ mất còn gì.
- Yên trí đi Cúc. Chị có ý kiến này. Tụi mình đem phiến đá lạ chôn dưới gốc “cây phượng hoa vàng” kia kìa. Chỉ cách đây khoảng hai chục thước thôi mà. Nhưng chị tin chắc không một công nhân nào, nhất là người Thượng dám mon men tới gần đó đâu.
- Hay lắm! Trời! Chị Mai có ý kiến hay quá! Em không nghĩ ra đấy! Chị thông minh thật nên mới nghĩ ra cách lợi dụng lòng mê tín dị đoan của toán công nhân để giấu món đồ cổ của chúng ta. Nào! Đỡ em một tay nhấc cái bảo vật này lên đem đi cất giấu.
“Cây phượng hoa vàng”! Trong khu vực trại mía Ngọc San mọi người ai nấy đều truyền khẩu nhau gọi “nó” là cây phượng hoa vàng. Thực ra, đó chỉ là một cây điệp to lớn, cành lá xum xuê, quả sai lúc lỉu, nhưng có điểm dị biệt hẳn so với các cây phượng khác. Thay vì hoa đỏ tươi rực rỡ, cây phượng vĩ này lại trổ toàn một loại hoa vàng. Danh từ “cây phượng hoa vàng” nguyên do là thế. Từ lâu lắm rồi, có tới gần bốn chục năm nay, không ai giải thích nổi hiện tượng kỳ bí “phượng hoa vàng” ấy. Đồng bào Kinh cũng như Thượng, trí óc thật thà chất phác đã kết luận một cách nhanh chóng rằng: “trời sinh cây phượng vĩ nào cũng hoa đỏ. Cây này lại trổ hoa vàng, vậy thì nó là của thần linh, thiêng lắm. Bén mảng đến gần là nguy hiểm chết người đó.”
__________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét