CHƯƠNG VII
Về Marát, ông Ích-miên cho người nhà đưa Tuấn đi xem các danh lam thắng cảnh và các nhà máy dệt vải. Tuấn cũng đến thăm Trung tâm bào chế thuốc rắn.
Vì nhân viên trong Trung tâm đã chứng kiến tính can đảm nhanh nhẹn của Tuấn nên mọi người đều tỏ lòng quý mến Tuấn. Ông Giám đốc Trung tâm dẫn cậu đi xem và giải thích tường tận công việc trong Trung tâm. Bây giờ Tuấn mới biết thêm : Những con rắn sau khi bị rút hết chất độc đều bị lột da. Da nó, người ta đem phơi rồi thuộc kỹ, để phân phối cho các nhà sản xuất giày, dép, ví, cho phụ nữ. Loại da rắn nhỏ, làm dây đeo đồng hồ. Thịt rắn thì đóng hộp bán ra thị trường cho các người khoái thịt rắn.
Tuấn hỏi ông Giám đốc các thứ thuốc trị nọc rắn. Ông cho biết :
- Ở đây, chúng tôi bào chế 2 loại thuốc bán ra thị trường : Một loại thuốc uống sau khi bị rắn độc cắn. Thuốc này công hiệu một trăm phần trăm. Trừ trường hợp nọc rắn quá độc mà chúng tôi chưa hề thấy. Loại thuốc thứ hai là thuốc xoa, để rắn ngửi thấy mùi thì không dám lại gần. Loại thuốc xoa là thuốc phòng ngừa. Khi ai đi đâu mà sợ chỗ đó có rắn độc, xoa thuốc này vào là chắc ăn !
Chúng tôi cũng còn chế tạo một thứ thuốc xoa, dành riêng cho nhân viên làm việc trong Trung Tâm , nhất là những nhân viên đi bắt rắn. Xoa thuốc này vào, rắn sẽ không cắn, lại ngoan ngoãn nằm yên cho người ta bắt bỏ vào giỏ.
Tuấn thắc mắc :
- Thưa ông, sao Trung tâm không chế tạo thuốc phòng ngừa ?
- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng loại thuốc này. Nhưng xét ra : hoạ hoằn lắm, ta mới bị rắn cắn một lần, mà uống thuốc phòng ngừa, thì lâu lâu phải uống lại. Thuốc có lợi giúp phòng ngừa nếu lỡ bị rắn cắn, nhưng lại có hại cho cơ thể, nếu uống nhiều lần. Vì thế, chúng tôi chỉ bào chế loại thuốc uống sau khi bị rắn độc cắn, ít có hại hơn !
Tuấn vui vẻ :
- Thưa ông, cháu hiểu rõ : Vì thuốc trị nọc rắn cũng là một thứ thuốc độc, nếu uống nhiều sẽ có hại cho dạ dày !
Ông Giám đốc gật đầu, mỉm cười :
- Đúng thế !
Tự nhiên, Tuấn nảy ra ý định xin ở lại làm nghề đi bắt rắn và học cách bào chế thuốc trị rắn. Cậu hỏi dò ông Giám đốc :
- Thưa ông, hôm kia cháu từ Bombay đến đây, định mua thuốc trị rắn đem về Sàigòn. Không ngờ vì chuyện con rắn sổ lồng mà cháu trở về trễ, tàu nhổ neo đi rồi.
Bây giờ, cháu phải ở lại đây 6 tháng, đợi tàu qua chuyến khác. Trong lúc chờ đợi, cháu muốn xin ông cho cháu làm nghề bắt rắn và học cách bào chế thuốc trị rắn, có được không ?
Ông Giám đốc tỏ vẻ hoan hỉ :
- Được lắm ! Được lắm chứ ! Nói thiệt với cậu, hôm kia chúng tôi được mục kích tính can đảm của cậu, chúng tôi cảm phục lắm ! Nếu cậu muốn, chúng tôi sẵn lòng chỉ vẽ cho cậu cách thức bào chế thuốc. Sau này cậu về Sàigòn, mà không tìm mua được nguyên liệu bào chế, thì cứ biên thư cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gởi biếu cậu.
Còn việc đi bắt rắn, thì cứ như lệ thường ở đây : Trung tâm sẽ cung cấp cho cậu đầy đủ dụng cụ. Cậu bắt được bao nhiêu rắn, thì Trung tâm sẽ trả tiền cho cậu tuỳ theo loại rắn. Rắn càng độc thì tiền thưởng càng nhiều.
Ở đây có nhiều sông, lạch, cây cối âm u rậm rạp, rắn độc vô số. Nhưng ít người dám làm nghề bắt rắn, mặc dầu được nhiều tiền hơn các nghề khác, vì họ nhát gan lắm. Mới trông thấy con rắn màu loang lổ, họ đã chết khiếp rồi, nói chi đến chuyện giơ tay bắt nó ! Chúng tôi thấy cậu can đảm lắm, chắc chắn cậu sẽ thành công !
Tuấn nghe nói thế, trong lòng càng thêm thích thú, háo hức :
- Thưa ông, để cháu về hỏi lại ý ông Ích-miên, rồi cháu sẽ trả lời dứt khoát !
*
Tối hôm ấy, nhân lúc Tuấn thuật chuyện đi thăm Trung tâm bào chế thuốc cho ông bà Ích-miên nghe, Tuấn ngỏ ý xin ở lại làm nghề bắt rắn và học bào chế thuốc, trong thời gian chờ đợi tàu Nam Hải sang chuyến khác.
Ông Ích-miên gật đầu tán thành :
- Cháu tính như vậy cũng là một điều hay. Ở vùng cháu có nhiều rắn độc, nếu cháu biết cách bào chế thuốc trị, chắc sẽ cứu mạng sống được cho nhiều người !
Cô bé Xuy-dan reo lên :
- Anh ở lại đây dạy tiếng Việt Nam cho em, để sau em lớn lên, em sẽ sang thăm anh và nói tiếng Việt Nam với anh !
Bà Ích-miên cũng tỏ vẻ vui mừng, bà bảo Tuấn :
- Ban ngày cháu đi làm, nhưng chiều thì cháu về đây ăn, ngủ. Ông bà sẽ dọn cho cháu một căn phòng riêng, cháu đi vắng thì nhớ khoá cửa lại.
*
Tuấn viết thư về nhờ Minh đưa tin cho má và em yên tâm. Và cậu cũng viết một lá thư riêng cho bác Thái Phong, tuy biết rằng còn vài ba tuần nữa ông mới về đến Sàigòn.
Ít hôm sau, Tuấn chính thức làm việc cho Trung Tâm. Mấy tuần đầu, cậu làm chung với một người khác để cho quen việc và biết các nơi có nhiều rắn độc. Lần thứ nhất giơ tay nắm một con rắn độc màu loang lổ, Tuấn rùng mình khiếp sợ, nhưng thấy con rắn trở nên hiền lành vì hơi thuốc, cậu yên tâm. Và mỗi ngày cậu càng bạo dạn thêm.
Nhờ sự khuyến khích của ông Giám đốc và anh em trong sở, Tuấn hăng hái say mê vào công việc. Sau vài tuần, cậu xin đi làm riêng.
Buổi sáng điểm tâm xong, Tuấn thay áo xống, mang găng tay, xịt thuốc lên khắp người và mang theo thuốc phòng ngừa, đoạn vác giỏ ra bờ sông. Mỗi nhân viên có sẵn một thuyền độc mộc, muốn đi đâu tuỳ ý.
Tuấn ngồi vào thuyền rồi nhắm hướng đi. Chỗ sông sâu thì dùng chèo để chống. Có chỗ cạn quá, phải lội xuống đẩy thuyền đi.
Lúc đầu chưa biết nhiều chỗ, Tuấn chỉ lanh quanh những nơi đã đi. Thường không phải gặp rắn nào cũng bắt, Tuấn phải lựa con nào có vẻ lạ, độc, mới bắt.
Về sau quen dần, Tuấn chèo thuyền đến những nơi xa hơn, rồi vác giỏ lên bộ, đi sâu vào trong rừng. Nhiều chỗ có vô số rắn quấn vào cành cây, thả đầu xuống tòng teng, lưỡi nó le vào le ra, miệng há đỏ lòm !
Từ đó, mỗi ngày Tuấn xách về một giỏ đầy rắn rất độc và rất lạ ! Mọi người đều thán phục. Tuy vậy, Tuấn không ích kỷ, cậu chỉ chỗ cho các bạn cùng sở biết, để họ đến bắt.
Tính ra Tuấn ở lại Ấn Độ được gần hai tháng. Một hôm cậu nhận được một lúc hai lá thư, một của em Hiền và một của bác Thái Phong. Em Hiền đưa tin má và em ở nhà bằng an và trông anh chóng trở về. Trong thư, Hiền còn nhõng nhẽo viết :
- Chừng nào anh hai về, anh nhớ bắt về cho em một con rắn thật đẹp để em nuôi chơi, nghe anh !
Thư ông Thái Phong khá dài. Ông cho Tuấn biết : Lúc tàu sắp nhổ neo mà không thấy Tuấn đâu, ông lo lắng hết sức. Mãi đến khi Dũng tìm được lá thư Tuấn để lại trên bàn, ông mới yên tâm. Ông bảo ông không phiền trách gì Tuấn, nhưng ông cho là Tuấn quá liều lĩnh.
Ông dặn dò tuấn, cố gắng ăn ở lịch sự, lễ phép, để làm vừa lòng mọi người. Nhờ đó mà học hỏi được nhiều điều hữu ích, hầu sau này có thể giúp cho đồng bào bớt được tai hoạ.
Ông cũng hứa, chừng nào tàu Nam Hải soạn sửa đi Bombay , ông sẽ đưa tin cho biết trước. Cuối cùng thư, ông thêm :
- Bác gái và em Minh gởi lời thăm con và mong con chóng về.
Hai lá thư ấy chẳng khác gì hai thang thuốc bổ tâm hồn và thể xác Tuấn. Cậu thấy yêu đời hơn lúc nào hết.
________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét