Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG - CHƯƠNG IV

CHƯƠNG IV

Bác sĩ Bích nện gót giầy lộp cộp bước vào trong phòng. Ông Ngọc San đang nằm nghỉ trên một chiếc ghế xích đu. Huệ ngồi bên cạnh cha. Người bịnh nhìn ông thầy thuốc: 

- Thế nào bác sĩ? Ảnh chụp có cho biết được gì không? Tám ngày nay tôi cảm thấy trong mình khỏe hẳn ra nhưng không hiểu sao đôi chân cứ nằm im bất động, không nhúc nhích được chút nào hết. 

- Đây, tôi đem phim tới cho anh coi đây. Tôi và mấy ông bạn đồng nghiệp đã xem kỹ lắm. Chẳng thấy gì khác thường cả. Mà không hiểu sao... 

- Mấy ông bạn đồng nghiệp của anh cũng lờ mờ chết đi ấy mà. Mỗi ngày tôi lại thấy khỏe ra một chút, hai tay lại nhanh nhẹn cử động như thường. Nhưng còn hai cái chân thì lạ quá. 

- Bây giờ chỉ còn cách là nói thẳng với anh. Tôi nghi cái xương sống lưng của anh cũng đã bị phạm rồi đó. 

Ông Ngọc San la lên: 

- Cái gì? Anh nói sao? Xương sống lưng cũng bị phạm rồi? Xin anh nói rõ ra đi!... Nghĩa là tôi sẽ bị què liệt? Tôi sẽ phải chống nạng mỗi khi di chuyển? Hay là bằng xe lăn? Ủa, có thế nào thì anh cứ nói thẳng ra đi! Ngại gì mới được chứ? 

Huệ khẽ vuốt ve bờ vai cha, miệng cười tươi: 

- Ba bớt nóng giận chút đi! Ba nói lớn khiến bác sĩ Bích buồn đó. 

- Không sao! Không sao! Cứ để ba cháu nói chuyện tự nhiên. Bệnh của anh rồi thế nào cũng khỏi. Có điều tôi xin nói thật: anh phải nằm dài một thời gian khá lâu đó. Còn khỏi thì thế nào cũng khỏi. 

Ông Ngọc San lại quát ầm lên: 

- Khỏi! Khỏi sao được mà khỏi? Tôi biết thừa là anh nói dối rồi. Sự thật thế nào anh cứ nói thẳng ra đi. Tôi có phải là con nít đâu mà anh cứ giấu giếm sự thực hoài vậy! 

Bác sĩ trầm giọng: 

- Thôi được! Nếu anh cố ép buộc thì tôi xin nói thật. Đôi cẳng chân của anh... coi như là hỏng rồi đấy. Tai nạn cây đổ đè trúng đã khiến một hay hai đốt xương sống lưng anh bị lệch đi. Đốt xương lệch ấy làm liệt dây thần kinh chỉ huy bắp thịt nơi hai cẳng chân anh. Giải phẫu thì nguy hiểm vô cùng. 

Ông Ngọc San rút mùi xoa thấm mồ hôi nhỏ giọt trên vầng trán rộng. Liếc mắt thấy con gái lớn núp mặt vào hai bàn tay, người cha lạnh lùng nói tiếp: 

- Có thế thôi mà anh cứ nói quanh nói quẩn mãi. Rốt cuộc sự thực vẫn là sự thực. Dù sao thì việc cũng đã rồi. Huệ con, can đảm lên nghe! Còn nước còn tát, lo gì! Hai chân ba coi như bỏ đi rồi. Nhưng ba còn... cái này này, – Ông Ngọc San mỉm cười nhẹ vỗ vào vầng trán cao – Chân mất nhưng đầu ba vẫn còn thì các con vẫn có thể yên tâm nghe! 

Huệ lau khô nước mắt, gượng cười: 

- Ba nói đúng đó ba! Nữ tứ tử chúng con sẽ cố gắng hết sức làm việc nghe, ba! Hơn nữa, khoa học đâu đã tuyên bố chịu thua... 

Bác sĩ Bích cũng vui lây cái vui của cô gái can đảm: 

- Cháu Huệ nói đúng đó! Tôi mới được tin là hiện nay ở Saigon... 

Ông Chủ trại mía Ngọc San cắt ngang lời bác sĩ Bích: 

- Thôi, thôi anh Bích! Tôi cũng chưa dám hy vọng là tại Saigon có bác sĩ nào chữa nổi không đây. Trong khi chờ đợi, thôi... được, nhờ anh cất giữ dùm cái phim chụp đôi cẳng chân tàn phế của tôi đi. Và anh cho phép tất cả các cháu con gái tôi vào hết đây. Tôi cần họp bàn với các cháu chương trình hoạt động để đối phó với tình thế mới. Thỉnh thoảng rảnh việc, anh lại chơi, nói chuyện đời mà nghe. Chứ còn việc giải phẫu, chữa chạy cho khỏi được bệnh tình của tôi thì, thôi... trăm sự nhờ trời. Anh khỏi cần thắc mắc gì đến nữa, nghe. Thôi, kính chào anh Bích. Mong gặp lại anh sau! Cháu Huệ sẽ tiễn anh thay cho tôi. 

Bác sĩ Bích buồn rầu quay ra, theo chân cô gái đệ nhất nữ tứ tử xuống tới hàng ba dưới nhà, ông thầy thuốc lặng nhìn cô con gái bạn: 

- Bác vẫn ngại là giây phút bi thảm này thế nào cũng phải tới. Ba cháu là một người chúng ta không thể nói dối được. Nhưng, nghĩ cho cùng, thế lại càng hay. Để ba cháu tiện việc tổ chức lại việc làm trong trại sao cho hợp tình hợp cảnh. 

Huệ bùi ngùi nói với bác sĩ Bích: 

- Cháu kính chào Bác sĩ! Lúc nào rảnh rỗi, bác sĩ lại chơi với ba cháu luôn. Chúng cháu còn phải nhờ tới bác sì nhiều lắm. 

Ông thầy thuốc cũng thấy ái ngại: 

- Nhất định là thế rồi. Tội nghiệp các cháu quá. Con gái chân yếu tay mềm. Bác cứ băn khoăn tự hỏi, rồi đây các cháu biết xoay sở làm sao. 

Cô gái đầu đàn sáng ngời ánh mắt: 

- Cái khó không phải ở chỗ đó đâu bác. Bốn chị em chúng cháu sẽ cố gắng đem hết sức ra làm việc. Có lo là chỉ lo cho ba cháu. Vốn ưa hoạt động, bây giờ bắt buộc phải nằm lì một chỗ chắc bực bội lắm. Ba cháu cần được giải trí, chuyện trò với bạn hữu, đánh cờ, cho khuây khỏa... 

- Được! Được! Chuyện đó bác có thể giúp các cháu và ba cháu được. Các cháu có thể yên trí. Thôi, bây giờ bác về nhé! Can đảm lên nghe, cháu Huệ! 

Chờ cho vị thầy thuốc đi khuất sau hai cánh cổng lớn ngoài vườn, Huệ mới đặt bước đi vào hàng ba. Trà, Mai, Cúc đang xúm xít đọc thơ của bà con trong họ gửi về. Cô chị cả nói với các em: 

- Bác sĩ Bích mới vào thăm ba xong, ông về rồi. Ông ấy cho biết là hai chân ba sẽ... không đi được nữa đâu. 

Mấy chị em điếng người lặng thinh. Cả bốn người đưa mắt nhìn nhau. Miệng há ra nhưng không ai thốt nên lời. 

Có tới hai phút sau, Cúc mới bật ra một tiếng rên khẽ: 

- Tội nghiệp ba quá, ba ơi! 

Mai: 

- Rồi trại mía, nhà máy nấu đường, làm sao đây? 

Cô chị lớn quắc mắt: 

- Bốn chị em mình sẽ thay ba trông coi tất cả. Nào, các em hãy cùng chị xung phong! 

Trà ửng hồng sắc mặt: 

- Cối ép mía vẫn chạy đều đều như trước! 

Nữ tứ tử đồng thanh, giơ cao tay: 

- Chúng ta thề quyết tâm thay ba làm việc! 

Chợt có tiếng anh Giang vang vọng từ phía trên cầu thang: 

- Ông chủ cho gọi các cô! Vào gặp ông ngay kìa! 

Chớp mắt, bốn cô gái đã rầm rộ vượt hết cầu thang, mở cửa phòng cha, ào vào như cơn gió lốc. 

Nhà trồng tỉa đưa mắt nhìn các con, buồn bã. Nhưng miệng ông lại cười tươi: 

- Bó hoa đẹp của ba! Thế nào? Nghe tin bác sĩ Bích nói cho biết, các con có lo buồn không? Bây giờ ba bị tê liệt nằm một chỗ, các con có khổ không? 

Cúc, cô gái út nghẹn ngào: 

- Không! Chúng con không khổ! Chúng con chỉ thương ba thôi! Chúng con sẽ cố gắng, nghe ba! 

- Giỏi! Gái út của ba giỏi lắm! Ba yêu thương các con và tin tưởng nơi các con nhiều lắm. Nào, bây giờ ba muốn nói chuyện đến nhà máy đường. Ba muốn nói rằng: nhà máy đường vẫn hoạt động như thường, các con nghe rõ chưa? Có bốn đứa con gái giỏi giang tháo vát thế này, không có lý gì nhà máy lại có thể ngưng hoạt động. Ba đặt hết tin tưởng nơi các con. Các con sẽ thi hành lệnh ba để điều khiển trông coi mọi việc. Bốn đứa đã hiểu chưa nào? 

Cả bọn đồng thanh: 

- Rồi, rồi ba! 

Ông Ngọc San gật đầu thỏa mãn: 

- Tốt lắm! Vậy mọi việc vẫn như cũ, không có gì thay đổi hết. Các con ai nấy đều biết công việc của mình rồi phải không? Hai đứa "bé tí" cũng như các chị lớn, phải trông coi săn sóc trong ngoài cho ba những ngày được nghỉ không phải đi học. Các con chịu không? 

- Chịu liền, ba! 

- Rồi, bây giờ. Mai cưỡi xe gắn máy chạy ra bãi mía số 1, chở bác An về đây cho ba dặn dò công việc. Đồng thời Trà xuống nhà máy đường gọi bác Mẫn. Ba muốn nói chuyện với các bác ấy trước mặt các con. 

Mười lăm phút sau, hai bác An, Mẫn đã tề tựu đông đủ. Huệ với Cúc đã nói chuyện với cha và cả một chương trình làm việc đã được luận bàn chu đáo. 

Hai anh em bác An, bác Mẫn, từ đời ông cho tới đời cha, gia đình hai người vẫn làm việc tại trại mía Ngọc San. Do đó, hai anh em đều tận tâm, đem hết khả năng và tinh thần ra phục vụ cho chủ. Ông Ngọc San đối lại, cũng tin yêu hai người hết lòng. Phần các công nhân, Kinh cũng như Thượng, ai nấy đều một niềm tin yêu kính phục ông chủ, một người, ngoài mặt rất cương quyết cứng rắn, nhưng bên trong lại chăm lo đời sống cho họ hết lòng. Nhất là bốn cô gái con ông chủ, hết thẩy mọi người đều yêu mến, gọi là "nữ tứ tử". Đối với họ, đúng là bốn cô tiên xinh đẹp vô cùng, nhưng nghịch ngợm thì cũng hơn ai hết. Mặc dầu vậy, công nhân trong trại ai cũng đều vui mừng khi được các em đến nhà chơi. Sự hiện diện của bất cứ em nào cũng đem lại cho nếp sống dưới mái nhà tranh thanh đạm của họ, nếu không một đôi chút tiện nghi thì cũng là một luồng sinh khí tưng bừng vui vẻ. 

Nhất là các phụ nữ người Thượng. Họ ca tụng các em không tiếc lời. Từ bao nhiêu thế hệ, phụ nữ người Thượng vẫn vốn nặng mang kiếp buồn nhân thế. Nỗi buồn cố hữu lý do không ngoài sự nghèo đói và cam tâm chịu đựng, cũng nhờ tính tình vui vẻ hồn nhiên của mấy cô tiểu chủ và vơi bớt rất nhiều. Do đó, họ luôn luôn nghe lời các em khuyên bảo, vui vẻ làm theo điều các em chỉ dẫn. 

Một em bé đau ốm! Các bà mẹ chạy đến tìm ngay cô Huệ. Trường hợp có bệnh thời khí hoành hành, Mai và Cúc tức tốc cho thuốc uống, tiêm chích phòng ngừa không để tai họa lan tràn phá hoại. 

Biết bao lần, chị S'Ra, người vợ thượng xinh đẹp của bác An đã phải trông nhờ vào bộ óc thông minh, bàn tay khéo léo và tấm lòng sốt sắng thương người của mấy chị em. Đứa con gái lớn của chị, con Mát-Ta biết cắt quần, may áo, khâu vá, nấu ăn thật ngon cũng là nhờ cô Huệ. 

Chỉ riêng Trà là suốt ngày mê mải say sưa trong xưởng nấu đường. Hiếm thấy một cô gái nào mới mười sáu tuổi đầu đã sớm đam mê học hỏi về vấn đề cơ khí. Cối ép mía quay, phát ra tiếng kêu kẹt kẹt, chảo nấu đường sôi ùng ục, bốc hơi mật thơm ngon, những thân mía vàng đẹp chui vào cối ép kêu răng rắc, ứa nước ngọt chẩy vào máng hứng như nước mưa. Tất cả những cái đó, đối với Trà, là những thứ em thích hơn hết. 

Hai bác An, Mẫn về tới nơi. Ông Ngọc San ra hiệu bảo họ tới gần bên: 

- An, Mẫn lại đây tôi dặn. Hai anh em chắc hẳn đã thấy cơn mưa bão vừa qua gây tai nạn cho tôi như thế nào rồi chứ! Nhưng dù sao cũng đừng thất vọng nghe! Đôi cẳng chân tôi có hư hỏng mất rồi, nhưng còn cái đầu tôi đây hiện vẫn được vô sự. Chúng ta vẫn có thể cùng nhau làm việc như thường. Trước hết, tôi giới thiệu cho hai anh em biết. Đây, nữ tứ tử, bốn cô tiểu chủ của hai anh em. 

Các anh phải tuân lời các cô cũng như tuân lời tôi vậy. Lệnh của các cô ra tức là lệnh của tôi. Bác An vẫn tiếp tục điều khiển chỉ huy toán trồng trọt. Bác Mẫn trông coi nhà máy đường cho tôi. Từ trước tới nay, các anh em đã quen việc rồi. Bây giờ cứ tiếp tục như thường lệ. Có sáng kiến gì ích lợi cứ việc thi hành rồi cho biết kết quả, nghe. Thế nào? Tôi có thể đặt hết tin tưởng vào hai anh em chứ? 

- Dạ, xin ông chủ cứ tin là anh em chúng tôi sẽ dốc lòng đem hết tài sức ra làm việc. 

Giọng bác An run run cảm động: 

- Trận bão vừa qua kể cũng không gây tai hại gì nhiều lắm. Chỉ có lô số 4, mía còn non nên bị gẫy đổ nhiều. Tôi đã cho dậm lại, thay thế các gốc hư hại. Vì phải làm gấp cho kịp vụ, tôi đã tuyển thêm một số thợ trồng, trong số có một công nhân cũng người Thượng, tên Gô-Ban, nhanh nhẹn, tháo vát, giấy tờ đầy đủ, có thể tin tưởng được lắm, thưa ông chủ. 

Ông Ngọc San gật đầu, mỉm cười vui vẻ. Từ nhiều năm nay, ông và các con gái vẫn quý mến bác An vô cùng. 

- Vậy hả! Bác biết lo liệu cho công việc chạy đều như thế, tôi hài lòng lắm. – Người bệnh bật cười thành tiếng – Hà! Thợ giỏi bên Mộng Bảo cứ lần mò qua hết bên này làm cho chúng ta. Như thế, chứng tỏ là ở đây chúng ta đối đãi với họ khá hơn bên đó nhiều. 

Huệ vui vẻ nhìn bác An: 

- Tôi cũng đã thấy mặt anh Gô-Ban rồi. Coi bộ ngoan ngoãn dễ thương lắm. 

Ông Ngọc San quay sang bác Mẫn: 

- Sao? Lò nấu đường có gì lạ không, anh Mẫn? Cối ép mía chạy đều chứ? 

- Dạ, đúng như vậy! Thưa ông chủ! Không có gì trục trặc cả. 

Vẻ mệt nhọc hiện trên nét mặt người ốm. Ông Ngọc San nhăn nhó cựa mình. Huệ quay nhìn hai nhân viên: 

- Thôi bữa nay như vậy là tạm xong. Hai bác đi về làm việc nhé. Khi nào ông chủ cần đến tôi sẽ cho đi gọi. 

Hai anh em An, Mẫn quay ra sau khi lễ phép cúi đầu chào mọi người. 

Trà, cô tiểu kỹ sư chạy đến sát bên giường cha, nói như reo: 

- Thế là bây giờ người nắm quyền chỉ huy là chúng con, là "nữ tứ tử" hả ba? 

Mai kê lại gối đầu, kéo chăn đắp kín ngực ông Ngọc San vừa hắng giọng: 

- Và bây giờ chúng con ra lệnh cho ba: "Nằm yên, nghỉ!". 

Cúc, cô gái út nhìn cha, nghẹn ngào: 

- Ba nằm nghỉ, nghe...! 

Chưa nói hết câu, cô bé đã nấc khẽ một tiếng, quay mình chạy vút ra ngoài. Nhà trồng tỉa khẽ nói với các cô con lớn: 

- Tội nghiệp con nhỏ út! Nó còn bé quá, các con là chị phải quý thương em, đừng chấp, trách nó, nghe! 

Huệ nhìn cha: 

- Ba nói đúng! Thôi bây giờ ba ngủ đi cho khỏe. Chúng con chạy một vòng quanh đồn điền xem xét công việc nghe ba! Khi nào thức giấc ba bấm chuông gọi chị Dung, nghe ba! 

Người bịnh lim dim đôi mắt, không nói gì, chỉ sẽ gật. 

Ba chị em Huệ, Trà, Mai xuống đến hàng ba dưới nhà đã thấy Cúc đứng chờ sẵn ở đó: 

- Chị Mai, bữa nay chúng mình có hẹn. Đem xe gắn máy chở em đi đi. 

Mai nhìn cô chị lớn: 

- Ồ, đúng rồi! Chị Huệ ở nhà lái xe đi thăm mía. Chị Trà xuống ngự ở xưởng nấu đường. Chúng em đi đằng này có chút việc, nghe! 

Hai cô em nhỏ đi rồi, cô chị cả rủ cô thứ hai: 

- Trà, đi với chị tới gặp anh công nhân bác An mới tuyển tên Gô-Ban này coi thử. Chị muốn hiểu rõ vì lý do gì anh ta lại rời bỏ trại Mộng Bảo qua làm việc bên mình. 

- Em không đi được với chị đâu. Em cần phải xuống xưởng nấu mật. Bác Mẫn đang chờ em ở dưới đó. Em với bác ấy đang cho chạy thử một loại chõ mới có thể khiến đường đông đặc mau hơn trước. Nếu thành công thì tiết kiệm được nhiều thì giờ, có lợi lắm. Việc này em dặn bác Mẫn không được nói cho ba biết vội. Khi nào kết quả mỹ mãn đã mới báo cho ba biết để ba mừng. 

Trong khi các chị lớn ai lo việc nấy, Mai, Cúc nhẩy lên xe gắn máy phóng thẳng tới phía đầu khu rừng nhỏ. Hinh đã ở đó chờ đợi hai chị em từ bao giờ, ngồi chễm chệ trên xe gắn máy: 

- Trời ơi! Mai, Cúc làm gì mà trễ vậy? Có nhớ bữa nay tụi mình phải lên Liên Khương không? 

Cúc láu táu, tay vỗ vào túi áo: 

- Đây, đây! Giấy ghi mấy chữ mới trên phiến đá hoa cương nằm sẵn đây rồi. Chừng hai lần như thế này nữa là tụi mình sẽ biết được nhiều cái hay lắm. 

Gần tiếng đồng hồ sau, cụ đồ Khải đã mắt đeo kính lão, chăm chú đọc mấy chữ Nho do Cúc cẩn thận ghi rõ từng nét. Trong khi đó hai chị em và Hinh ngồi tại bàn thưởng thức bánh cuốn chả lụa của cụ bà một cách ngon lành. 

Sau khi xem xét một hồi, cụ đồ Khải sáp lại bên bàn của ba người bạn: 

- Mấy chữ trong mảnh giấy này có nghĩa là "chân bước", "ba chục" và "Đông". Quái! Như vậy là thế nào nhỉ? Các cháu đang chơi một trò gì bí mật lắm hả? Cái gì thế? Có thể nói rõ cho già biết được không? Già không phải là người có tính tò mò xấu thói đâu, nhưng bà lão nhà già nhiều khi lẩm cẩm, kỹ tính, cứ cằn nhằn, bảo lão rằng: ông coi chừng tụi nhỏ tinh nghịch nó xúi ông làm chuyện gì bậy bạ đây. 

Hinh làm ra vẻ bực bội, nói dỗi: 

- Thưa cụ đồ! Chúng cháu đâu dám có ý định xấu xa như vậy. Nếu cụ bà nghi cho chúng cháu như vậy thì... thôi, lần sau chúng cháu không dám lên đây làm phiền cụ nữa đâu. 

Cụ đồ Khải cười vui: 

- Ấy ấy! Bà lão nhà già vui miệng thì nói vậy thôi. Các cháu đừng để tâm. Già chỉ mong các cháu lên chơi luôn luôn, ăn bánh cuốn cho già được đắt hàng thôi. Có điều, mỗi khi lên thì nên cẩn thận chút xíu nghe. Cái ông Tàu già chủ tiệm thuốc Bắc ở đối diện nhà già kia kìa, đã có lần hỏi dò về các cháu đấy. 

Hinh ngạc nhiên: 

- Một ông Tàu hả cụ? Lạ thật nhỉ? Thế cụ đã nói cho ông ta biết cháu là con chủ trại mía Mộng Bảo? 

- Ừ, cái đó là chuyện thường, có gì quan hệ đâu. Ông ta thấy lạ thì hỏi vậy mà. 

Khi cậu trai và hai người bạn về tới đầu cánh rừng nhỏ, địa điểm tập họp thường ngày, cả ba hối hả đậu xe lại, vội vã mở tờ giấy cụ đồ Khải đã ghi nghĩa mấy chữ nho ra coi. Hinh reo lên: 

- Đây, Cúc Mai nghe cho rõ này. Tôi chắp mấy chữ này vào ba chữ lần trước đây nhé: À... Chỗ... bước đi... phía Đông... đếm ba mươi... Thấy chưa... rồi... kho tàng... 

Cúc nhảy lên, vui mừng hết sức:

- Thôi đúng rồi :"Kho tàng". Rõ nghĩa quá rồi còn gì. Chỉ cần hai lần lên nhà cụ đồ Khải nữa là sẽ biết được hết ý nghĩa những chữ khắc trên mặt phiến đá hoa cương. 

Hinh bình tĩnh, dè dặt hơn: 

- Cẩn thận chút xíu đi Cúc! Coi chừng đó! 

- Cái gì! Sao phải coi chừng? 

Ánh mắt Hinh đăm chiêu: 

- Tôi nghi ngại cái ông Tàu bán thuốc Bắc ở trước cửa nhà cụ đồ Khải lắm. Tôi biết là lão Khu-Ma-Ra hay lên Liên Khương cắt thuốc của ông ta. Lỡ ra lão Khu dò dẫm hỏi han ông Tàu thuốc bắc biết được là tôi hay cùng đi với các con gái ông chủ trại Ngọc San là lôi thôi lắm. 

Một tiếng cành khô gẫy kêu "rắc" từ trong cánh rừng nhỏ vẳng ra. Ba người bạn nín lặng nhìn nhau lo ngại, lắng tai nghe ngóng động tĩnh. 

Hơn phút sau, Mai mới lên tiếng: 

- Có gì đâu? Chắc con gì sục sạo tìm mồi đó mà! 

Hinh khẽ cau nét mặt: 

- Biết đâu đấy! Các công nhân người Thượng có biệt tài là đi rất êm không ai biết được. Nếu tụi mình sơ hở để họ bắt gặp bén mảng đến gần cây phượng hoa vàng, cây đại thụ họ vẫn tôn sùng cho là chỗ ngự tọa của thần linh thì lôi thôi lắm. Tất cả công nhân trong trại sẽ tức giận căm thù tụi mình ngay. 

Mai lắc đầu, vẻ mặt rất bướng: 

- Đâu có, sợ gì! Có ai lai vãng tới đây bao giờ đâu. Các anh chị em công nhân, Kinh cũng như Thượng, có người nào dám léo hánh tới đây hồi nào. 

Cúc tiếp lời chị: 

- Đừng lo gì chuyện đó, anh Hinh! Điều cần lo thì anh cứ lơ là chẳng để ý gì. Thế nào, về ông Lầm-Chí-Khả, anh đã hỏi được tin tức gì chưa? Anh hứa lên thư viện Liên Khương tra cứu sách vở tìm hiểu, mà anh đã làm chưa? Tụi mình cần biết tại sao vị hải tặc anh hùng này lại phải chôn giấu kho tàng của mình đi như vậy. 

Hinh cất giọng hoài nghi: 

- Kho tàng! Kho tàng nào? Chắc gì đã có kho tàng với của cải. Chưa chi Mai, Cúc đã chắc mẩm là ông Lầm có kho tàng chôn giấu, chưa bẫy được gấu đã rình rình dạm bán da gấu rồi. 

Cúc có vẻ bực mình, ửng đỏ sắc mặt: 

- Thì rành rành ra đó. Cúc có nói bịa đâu nào. Cụ đồ Khải đã chẳng giảng nghĩa cho chúng mình nghe mấy chữ nho khắc trên phiến đá bí mật rồi đó sao?
__________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét