CHƯƠNG II
Tuấn đến ở với ông bà Tư Bá đã được một tuần. Công việc của Tuấn : buổi sáng, lùa 2 con bò mẹ và 4 con bò con ra đồng cho ăn cỏ. Buổi chiều, đi cắt cỏ và dọn dẹp trong vườn. Công việc không có gì nặng nhọc lắm, nhưng phải làm luôn tay.
Khu vườn ông Tư khá rộng, có lẽ gần ba mẫu tây đất. Vườn bao một hàng giậu kín, có mương nước chạy vòng quanh. Trong vườn trồng nhiều cây ăn quả : dừa xiêm, xoài, ổi xá lỵ, mãng cầu v.v… Cây cao, cây thấp, rợp bóng mát.
Giữa vườn là nhà ở : Một nhà lớn nằm dọc và một nhà nhỏ nằm ngang. Nhà xây gạch, lợp ngói, theo lối cổ. Nhà lớn là nhà ở, còn nhà nhỏ làm kho lúa và làm nhà bếp. Trước nhà là một sân rộng, tráng xi-măng.
Ông Tư Bá là một điền chủ hạng trung bình. Ruộng đất ông đều cho người ta canh tác. Đến mùa, họ đong lúa cho ông. Ông chỉ chăm sóc vườn cây ăn trái và nuôi vài cặp bò sữa.
Ông Tư Bá còn có một sở thích đặc biệt là sưu tầm đồ cổ. Hễ ở đâu, dẫu xa xôi, có những đồ cổ muốn bán, ông cũng lần mò đến xem, hợp ý thì giá nào ông cũng mua. Hai gian nhà lớn, gồm phòng khách và gian chái, là giang sơn riêng của ông chứa đồ cổ : các chậu, bình, bằng sứ, bằng đồng, đủ kiểu lớn nhỏ. Theo các nhà sành sõi nhận xét, có nhiều thứ sản xuất từ mấy thế kỷ trước.
Thường ngày, ông Tư ở nhà lau chùi, đánh bóng, hết bình đồng này, đến chậu sứ khác. Khi ông đi đâu vắng, thì ông đóng cửa kỹ.
Ông bà Tư Bá sinh được 4 đứa con, nhưng chỉ nuôi được 1 gái và 1 trai : Cô Thu Dung 10 tuổi và cậu Vinh, 8 tuổi. Thu Dung học lớp nhì, Vinh học lớp tư, tại trường xã.
Bản tính ông Tư Bá nghiêm trang, ít nói, hòa nhã với mọi người. Ông ít giao thiệp, hằng ngày chỉ quanh quẩn trong vườn với mấy cây ăn quả và với mấy món đồ cổ của ông. Bà Tư là người từ tâm hiếm có. Hễ chòm xóm láng giềng, ai gặp hoạn nạn gì, bà đều tận tình giúp đỡ. Bởi đó, người trong xã đều cảm mến ông bà.
Mấy ngày đầu, Tuấn mới đến giúp việc, chiều nào, bà Tư cũng cho Tuấn ăn cơm sớm để về nhà với má. Nhà ông bà Tư ở xóm trên, nhà Tuấn ở xóm dưới, cách nhau độ vài cây số, nhưng đường nhỏ khó đi. Nhất là Tuấn phải đi ngang qua một bãi tha ma lạnh lẽo, dễ sợ.
Bà Hai bị ám ảnh bởi cái chết của chồng vì rắn độc, nên lúc nào bà cũng phập phồng lo sợ cho con. Bà lên xin bà Tư đừng cho Tuấn về nhà mỗi tối nữa, mà chỉ cho về chiều ngày chủ nhật.
Lúc đầu lạ, sau quen dần, Tuấn bắt đầu thích thú công việc mới. Cậu săn sóc tắm rửa, trìu mến vuốt ve mấy con bò. Mấy con vật này cũng quen hơi cậu, nhất là mấy con bò con, hễ thấy cậu ra mở cửa chuồng, là chúng nó nhảy nhót tưng bừng, lè lưỡi liếm vào tay cậu và húc đầu vào người cậu như để tỏ lòng yêu mến.
Buổi tối, không có việc gì làm, Tuấn đọc sách và nhiều khi chỉ vẽ bài vở cho Thu Dung và Vinh. Dần dần, hai đứa nhỏ thương mến Tuấn như anh ruột. Ông bà Tư rất bằng lòng tính nết Tuấn. Thỉnh thoảng, bà Tư lại cho Tuấn đem Thu Dung và Vinh về dưới nhà chơi trọn ngày chủ nhật. Xem ra bé Thu Dung và bé Hiền hạp tính nhau lắm. Hai chị em chơi với nhau, ríu rít cả ngày không chán.
*
Một buổi chiều, Tuấn đi cắt cỏ về, thấy em Vinh đang ngồi khóc trước cửa. Tuấn lấy làm lạ, hỏi :
- Vinh, sao em khóc ?
Vinh mếu máo :
- Em đuổi con mèo, nó nhảy qua cửa sổ vô phòng ba, em nghe “xoảng” một tiếng không biết nó làm vỡ cái gì của ba, em sợ ba về ba đánh em !
Tuấn tái mặt, hỏi dồn :
- Thế ba má và Thu Dung đi đâu ?
Vinh vẫn sụt sùi :
- Ba sang đánh bài bên bác Ba, còn má và chị Thu Dung đi thăm bà Năm đau bịnh.
Tuấn bỏ giỏ cỏ trước sân, vào nhà xem. Cái cửa phòng trong ăn thông sang phòng khách, thường ông Tư đi đâu, ông đóng kỹ, hôm nay ông lại quên không đóng. Tuấn lấy ghế trèo lên nhìn qua. Cậu suýt la to lên, vì vật bị mèo làm vỡ, chính là cái bát Giang Tây rất quý, mà ông Tư mới mua được vài hôm nay !
Theo lời ông thuật lại, thì cái bát quý giá này có từ đời vua Khang Hy bên Tàu. Phía trong đáy bát, họ vẽ hai con cá vàng vờn nhau, chung quanh có những cành rong xanh. Nét vẽ rất tinh xảo. Đặc điểm quý giá của nó là lúc ban đêm hay trong phòng tối, thắp một ngọn nến, đổ nước trong vào bát : Dưới ánh đèn lung linh, người ta sẽ thấy hai con cá vàng sống động đang bơi lội đùa rỡn với nhau trong bát !
Thế mà bây giờ nó bị vỡ rồi ! Tuấn lo sợ cho em Vinh, tuy không phải chính nó làm vỡ, nhưng vì nó đuổi con mèo, chắc ông Tư sẽ cho nó một trận đòn nên thân, vì ông quý cái bát này lắm. Ông còn đang dự định làm một bữa tiệc mời bà con đến thưởng thức cái bát quý. Ai dè !
Tuấn nhảy xuống khỏi ghế, ra sân. Em Vinh chạy lại ôm lấy Tuấn, oà lên khóc :
- Anh Tuấn ơi, bây giờ làm sao, anh ? Ba về, ba đánh em đau lắm !
Tuấn thương hại, cậu nghĩ cách cứu em :
- Thôi em đừng khóc nữa ! Để anh nhận với bác là chính anh đuổi con mèo. Nhưng em phải đi chỗ khác chơi. Nếu bác có đánh anh, em cũng đừng nói gì hết, nghe ! Anh lớn rồi, bác đánh anh không đau đâu, em đừng lo !
Bé Vinh nghe anh Tuấn nói thế, nhoẻn miệng cười, nét mặt rạng rỡ :
- Cám ơn anh ! Khi ba về, em sẽ ra sau vườn chơi.
Tuấn đem cỏ cho bò ăn, rồi vào đứng xớ rớ trước sân nhà, phập phồng chờ đợi tai hoạ sẽ đến, không biết nặng nhẹ thế nào ?
*
Ông Tư vừa mở cửa bước vào phòng, đã chạy ra hét oang oang :
- Đứa nào làm vỡ cái bát của tao rồi ? Đứa nào ?
Tuấn tái mặt, chắp tay, ấp úng :
- Thưa bác, cháu… cháu…
- “Bốp, bốp”, mầy à ! Mầy làm sao, thằng quỷ kia ?
Hai má thằng Tuấn đỏ hồng, in rõ bàn tay ông Tư, mắt nó nảy đom đóm :
- Thưa bác, cháu đuổi con mèo, rủi nó nhảy qua cửa sổ vào phòng làm vỡ cái bát !
Ông Tư tiếc của đay đảy, hét lên :
- Mầy đuổi con mèo, con mèo làm vỡ, tức là mầy làm ! Tao bắt mẹ mầy phải bán nhà mà đền cho tao !
Rồi ông ngồi phịch xuống sân, rên rỉ :
- Trời ơi ! Tôi mua được cái bát quý hơn vàng ngọc, chưa kịp xem cho thỏa, thì nó đã làm vỡ mất rồi ! Trời ơi là trời !
Bà Tư và Thu Dung vừa về đến cổng, nghe tiếng ông quát tháo, chạy vội vào. Bà dịu dàng hỏi ông :
- Có chuyện gì thế, ông ?
Ông Tư đứng dậy, nắm lấy hai tay Tuấn, mắt ông vẫn còn long lên sòng sọc :
- Tôi vội đi quên đóng cửa sổ, thế là cái thằng quỷ này đuổi chó mèo làm sao mà mèo nhảy qua cửa sổ vô phòng làm vỡ mất cái bát Giang Tây quý giá, tôi vừa mua được hôm kia rồi !
Bà Tư chưng hửng, đứng yên một lúc, bà cũng tiếc của, nhưng sự đã rồi biết làm sao ? Bà ngọt ngào nói với chồng :
- Thôi, ông à ! Cháu nó lỡ dại, mình tha cho nó. Rồi mình sẽ kiếm mua cái khác !
Ông Tư cười sằng sặc, giọng cười nghe ghê rợn :
- Mình tưởng kiếm mua cái khác dễ lắm à ? Mình thử tìm xem khắp thế giới này, xem còn cái nào nữa không, chứ đừng nói tìm khắp nước Việt Nam này ! Không, tôi sẽ bắt má nó bán nhà đi mà đền cho tôi.
Bây giờ tôi tạm giam nó trong kho lúa, nhưng tôi cấm mình không được cho nó ăn. Ngày mai, tôi sẽ kêu má nó tới đây !
Nói rồi, ông bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Tối hôm ấy, ông uống rượu say mèm rồi lăn ra ngủ. Bà Tư lén đem cơm cho Tuấn ăn và đem mùng, chiếu cho nó ngủ.
Cơm tối xong, ba mẹ con bà Tư buồn bã, cũng đi ngủ sớm. Bé Vinh nằm cạnh mẹ, khóc thút thít. Bà Tư ngạc nhiên hỏi con :
- Vinh, làm sao mà con khóc ?
Bé Vinh ôm lấy mẹ, mếu máo :
- Thưa má, chính con đuổi con mèo vô phòng ba, chớ không phải anh Tuấn đâu !
Bà Tư sửng sốt, ngồi dậy, hỏi nhỏ :
- Thật thế sao con ?
- Thưa má, đúng như vậy. Anh Tuấn sợ ba đánh con đau, nên anh bảo con đi chơi chỗ khác, để ba về, anh nhận là anh đã đuổi con mèo !
Bà Tư không ngờ Tuấn lại có lòng hy sinh đại độ như thế, bà vội vàng xuống mở cửa kho, ôm lấy Tuấn, giọng bà nghẹn ngào :
- Con ơi, bà biết con thương em Vinh mà cam lòng nhận tội thay cho nó. Con thật là đại lượng, bà cám ơn con lắm. Nay việc đã lỡ dĩ rồi, bà tính như vầy :
Bà có một người em gái tên là Bích Hà lấy chồng làm cảnh sát ở Sàigòn. Bà viết một lá thư ghi địa chỉ rõ cho con cầm lên cho em bà. Em bà sẽ cho con ở tạm. Vài hôm nữa, bà lên Sàigòn, sẽ lo mọi sự cho con.
Bà ngẫm nghĩ một lát rồi nói tiếp :
- Bây giờ, con thu xếp áo quần, bà đi viết thư. Con về thưa má con tự sự, rồi sáng sớm, con ra đón xe đò đi Sàigòn ngay.
Nhà em bà rất dễ tìm. Đến bến xe xa lộ, con xuống xe, đi bộ qua cầu Phan Thanh Giản vào thành phố Sàigòn. Con cứ đi thẳng cho đến ngã tư, con rẽ sang phía trái là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con đi lên độ một cây số, rồi xem số nhà bà ghi trên bao thư, hỏi thăm người ta chỉ nhà cho con. Nếu con không gặp ai, con lại hỏi thăm mấy ông cảnh sát gác giữa đường.
Con cứ yên tâm mà đi, mọi sự ở nhà có bà lo xong hết. Bà sẽ liệu cách giúp đỡ má con.
Đêm ấy, hai mẹ con bà Hai ngồi nói chuyện với nhau suốt đêm. Đến sáng, bà Hai đưa Tuấn ra đường, đón xe lên Sàigòn. Bà đứng nhìn chiếc xe đò chở con đi khuất rồi mới trở về.
________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét