Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

ĐỜI PHIÊU LƯU CỦA TUẤN - CHƯƠNG III

CHƯƠNG III

Lần thứ nhất, Tuấn đi Sàigòn. Chiếc xe đò chạy như bay trên xa lộ rộng thênh thang. Tuấn thích thú nhìn ra hai bên : xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Càng gần đến thành phố, nhà cửa hai bên càng chi chít.

Đến bến xa lộ, xe dừng lại, mọi người tranh nhau xuống. Tuấn chờ cho mọi người xuống gần hết, mới xách cặp bước xuống. Cậu đứng vào vệ đường, tần ngần nhìn kẻ qua người lại. Chỉ trong vòng mười phút, chiếc xe đò cậu vừa đi, đã đầy người, đang quay đầu trở về Thủ Đức.

Tuấn rảo bước đi vào thành phố Sàigòn. Vừa đi, cậu vừa móc túi lấy lá thư bà Tư gởi để xem địa chỉ. Tuấn ngạc nhiên, vì không thấy lá thư đâu cả. Cậu bỏ cặp xuống đất, lục hết túi trên, túi dưới, cũng chẳng thấy ! Tuấn lo sợ lẩm bẩm một mình :

- Chết cha, lá thư rơi đâu mất ! Mình đã cẩn thận cặp chung với mấy trăm bạc. Bạc còn đây, sao lá thư lại mất nhỉ ?

Tuấn bỗng nhớ ra :

- Phải rồi, có lẽ mình làm rơi trên xe đò, khi mình lấy tiền trả tiền xe ! Bây giờ mình biết làm sao mà tìm cho ra nhà bà Bích Hà đây ?

Tuấn đứng lại phân vân một lúc, rồi tiếp tục đi :

- Mình cứ đi qua cầu đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rẽ sang phía trái, đi thêm một quãng độ một cây số, mình sẽ hỏi thăm nhà bà Bích Hà, chắc có người biết. Nếu tìm không ra, thì chiều mình trở về nhà lại !

Bụng nghĩ thế, nhưng Tuấn cũng hơi sợ, lỡ về nhà mà ông Tư Bá bắt gặp thì nguy !

Qua cầu, đến ngã tư, Tuấn thấy có tấm bảng treo trên cột điện, đề “Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Tuấn mừng rỡ, rẽ sang phía trái. Cậu vừa đi vừa đếm bước chân để đo đường. Độ hơn một cây số, như lời bà Tư dặn, cậu đón đường một người đàn ông đang đi ngược chiều, lễ phép hỏi :

- Thưa ông, ông có biết nhà bà Bích Hà ở đâu đây không ?

Người đàn ông đứng lại nhìn kỹ Tuấn, ngạc nhiên :

- Em hỏi như vậy, không ai biết đâu ! Thế em không biết số nhà bà ta sao ? Em ở quê mới tới phải không ?

Tuấn vững bụng, trả lời :

- Thưa ông, vâng, cháu ở Thủ Đức lên. Cháu cầm bức thơ có ghi địa chỉ nhà bà Bích Hà , nhưng rủi cháu làm rơi trên xe đò rồi !

Người đàn ông lắc đầu :

- Như vậy thì khó tìm lắm ! Hay là em thử hỏi mấy người ở trong dãy nhà này xem. Tôi ở xa không quen biết ai ở đây.

Nói rồi người đàn ông bỏ đi một mạch. Tuấn tần ngần một lúc, rồi lại đi :

- Thây kệ ! Mình cứ lang thang đây, thấy ai ở trong mấy nhà nầy đi ra, mình sẽ hỏi thăm, chứ đường đột vô nhà người ta, lỡ may chó cắn thì khổ !

Đi thêm một quãng, bỗng Tuấn thấy ba, bốn cậu ở trong hẻm trước mặt đi ra đường, rồi quẹo trái, cùng một chiều với Tuấn. Tuấn mừng rỡ chạy theo. Nghe tiếng chân thình thịch phía sau, một cậu lớn nhất, đứng lại nhìn. Tuấn vừa chạy đến, rụt rè hỏi :

- Thưa anh, anh ở đoạn đường này, anh có biết nhà bà Bích Hà, có chồng làm cảnh sát ở đâu đây không ?

Cậu kia vừa nghe xong, đã giơ hai tay lên trời, cười ha hả :

- Chú em hỏi thăm nhà kiểu đó, thì có Trời mới biết ! Miền quê thì được, chớ ở thành phố, nếu không biết số nhà thì đành chịu thôi !

Cả bọn đi trước cũng đứng lại nhìn lui. Cậu kia vừa trả lời Tuấn xong, bỏ chạy theo các bạn. Một cậu nhỏ hơn, hỏi :

- Nó nói gì mà mầy cười ha hả thế ?

- Nó hỏi thăm nhà bà Bích Hà, có chồng làm cảnh sát ở đâu đây ? Hỏi như thế mà không tức cười sao được, mầy ? Thật đúng là mán ở rừng mới về thành phố !

Cậu nhỏ kia thấy Tuấn đứng tần ngần, tuyệt vọng, lấy làm thương hại :

- Thôi, mấy anh đi tắm trước đi, để tôi lại giúp nó một chút. Cạnh nhà tôi, có ông làm cảnh sát, may ra hỏi thăm được.

Mấy cậu kia cười hề hề, bỏ đi trước. Cậu nhỏ trở lại chỗ Tuấn đứng :

- Anh hỏi thăm nhà bà Bích Hà có chồng làm cảnh sát, mà anh không biết số nhà bà ta, thì làm sao mà tìm được ?

Tuấn thấy cậu nhỏ này có vẻ thiện cảm, liền đem sự thật bày tỏ hết. Nghe xong, cậu nhỏ bảo Tuấn :

- Tôi tên là Minh, gần nhà tôi có ông làm cảnh sát, may ra hỏi thăm được. Bây giờ, tụi tôi đi tắm nơi hồ tắm gần đây. Anh đi chơi theo tôi, chốc nữa, tôi về hỏi thăm nhà cho anh.

Tuấn mừng rỡ, cám ơn rối rít, rồi lẽo đẽo xách cặp đi theo Minh. Khi cả hai tới nơi, thì bọn kia đang vùng vẫy dưới nước. Minh quay lại hỏi Tuấn :

- Tuấn có tắm không, để tôi mua cho cái vé ? Bọn tôi thì đã có “cạc” tháng rồi !

Tuấn không hiểu mua “vé”, mua “cạc” gì, nhưng cậu không muốn tắm, nên lắc đầu :

- Anh cứ tắm đi, tôi ngồi chơi chờ anh.

Minh bỏ áo xống cạnh Tuấn rồi nhảy ùm xuống nước với các bạn. cả bọn bày trò chơi tạt nước vào mặt nhau, xem ai chịu đựng được lâu. Có cậu bị tạt nước ào ào, rát quá, la oai oái. Chơi chán, các cậu lại bàn nhau bơi thi. Minh kêu Tuấn nhờ làm trong tài ra hiệu để cả bọn chơi. Tuấn thấy vui vui, đứng lên vỗ tay làm hiệu.

Tức thì “ầm, ầm” cả bọn nhào xuống bơi lấy bơi để. Đứa thì bơi ếch, đứa bơi sải, đủ kiểu. Đang bơi, bỗng Minh kêu thét lên :

- Tao bị vọp bẻ, bây ơi ! Chao ôi, đau quá !

Thấy Minh quặn người, hai tay ôm lấy chân, rồi chìm nghỉm, cả bọn sợ quá, bơi vội vào bờ, kêu cứu vang lên. Nhưng rủi người gác đi chơi đâu, kêu mãi mà không thấy ai ra tiếp cứu hết. Tuấn đứng trên bờ, thấy vậy, để nguyên áo quần, nhảy ùm xuống hồ.




Tuấn vốn bơi giỏi và biết cách cấp cứu người chết đuối, nên cậu cẩn thận lặn xuống sâu để xem xét. Cậu thấy Minh, hai tay quờ quạng dưới đáy hồ. Tuấn bơi nhẹ nhẹ đến phía sau lưng Minh, đỡ bổng Minh lên mặt nước. Tuy cẩn thận thế, mà suýt nữa tay Minh nắm phải đầu Tuấn.

Tuấn đẩy Minh vào đến bờ hồ, cả bọn xúm lại kéo Minh lên, thì người gác cũng vừa chạy đến cấp cứu. Tuấn trèo lên bờ. Tuy không bị uống nước, nhưng vì nín thở quá lâu và phải vật lộn với Minh, nên Tuấn mệt lử. Cậu đang ngồi thở dốc, thì cha mẹ Minh - nhờ một cậu chạy về báo tin - cuống cuồng chạy tới.

Thấy con đã tỉnh táo, ông bà sung sướng trào nước mắt. Khi nghe các bạn Minh thuật chuyện lại, ông bà vội vàng chạy đến, nắm lấy tay Tuấn, cám ơn rối rít. Minh cũng đến ôm choàng lấy Tuấn. Thấy áo quần Tuấn ướt mèm, ông thân của Minh nói với Tuấn :

- Cháu à, việc trước hết là cháu về nhà ông bà để thay áo xống đã, kẻo bị cảm. Chu yện gì khác sẽ hay !

*

Sau khi nghe Tuấn kể hoàn cảnh, ông thân của Minh ôn tồn bảo Tuấn :

- Cháu quả thật là một cậu bé đầy lòng vị tha và can đảm, ông bà cảm phục cháu lắm. Bây giờ, ông bà bàn với cháu như thế này :

Cháu chả cần đi tìm nhà bà Bích Hà làm gì nữa, cháu cứ ở lại đây với ông bà. Ông bà nhận cháu làm con nuôi, cho cháu đi học với em Minh.

Ông trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp :

- Nói cho cháu rõ : Ông là ông Thái Phong, làm chủ chiếc tàu buôn Nam Hải. Ông bà không giàu có lắm, nhưng nhờ Trời cũng dư ăn. Ông bà hiếm hoi, chỉ sinh được một mình em Minh đó mà thôi ! Vậy mà hôm nay, nếu không có cháu, thì em Minh đâu còn nữa ? Cho nên, chính cháu là cứu tinh của gia đình ông bà đó !

Cháu cứ yên tâm ở lại đây, chỉ viết thư về cho má cháu rõ, để má cháu cho bà Tư hay. Mai mốt yên yên, ông sẽ đem cháu về thăm má và em cháu.

Tuấn cảm động, khóc sụt sùi : Cậu không ngờ hạnh phúc lại đến với mình một cách quá đột ngột như thế. Cậu nghẹn ngào, không nói lên được lời gì.

Bà Thái Phong thấy Tuấn làm thinh, bà nghĩ thầm : có khi nó sợ bà gượng ép theo ý muốn của ông, nên bà vuốt tóc Tuấn, ngọt ngào :

- Con đừng nghĩ ngợi gì hết. Tuy mới biết con, nhưng ông bà thương con cũng như thương em Minh vậy !

Minh cũng nắm lấy tay Tuấn :

- Anh Tuấn ở lại đây với em đi. Anh em mình sẽ đi học với nhau !

Tuấn ngước mắt đẫm lệ nhìn ông bà, đầy vẻ biết ơn :

- Thưa hai bác, cháu không dám nghi ngờ lòng tốt của hai bác đâu, nhưng vì cháu sung sướng quá, nên không nói ra được đó thôi ! Cháu được hai bác thương nhận làm con, cháu đội ơn hai bác không biết chừng nào !
____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét