Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

CHƯƠNG 10_CON ĐƯỜNG LÁ ME

10

Tôi quyết định trở về Huế sau khi đọc lá thư Hoàng. Trong thư, Hoàng nhắc đến những kỷ niệm êm đềm khi tôi còn ở Huế, những ngày tháng ngọc ngà sau kỳ thi phần hai đó làm sao tôi quên được, những buổi sáng cùng Hoàng và Tuyết chạy xe lên Ngự Bình ăn bánh bèo hoặc qua Cồn Hến ăn chè bắp. Ngồi trong chiếc quán lá chênh vênh giữa vườn bắp xanh mướt, phấn hoa bay bay trong nắng vàng nhuộm thắm hàng tre, tôi thường ngâm cho Hoàng và Tuyết nghe mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử : 

Gió theo cánh gió, mây đường mây 

Giòng nước buồn thiu hoa bắp bay 

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 

Có chở trăng về kịp tối nay ? 

Không khí Sàigòn ngột ngạt không thích hợp với tâm hồn ướt át của tôi. Từ ngày tập làm quen với nếp sống ở đây, chưa lúc nào tôi tìm thấy được sự thoải mái của tâm hồn, bất cứ trên phương diện nào, kể cả tình yêu. Ngày hai buổi cắp sách đến trường, giành giựt chỗ ngồi để được nghe rõ ràng lời giảng, có nhiều lúc đến chậm, giảng đường chật ních không một chỗ trống, tôi đành phải đứng phía ngoài. Do đó, cours ghi chép không được liên tục, thiếu sót khắp nơi, tôi đâm ra lười biếng chẳng chịu học hành gì cả. Cộng thêm nỗi tuyệt vọng vì sự mù quáng đặt tình yêu không phải chỗ, tôi cảm thấy chán đất Sàigòn kinh khủng. Chỉ còn những hàng me, những hàng lá nhỏ dịu dàng ru hồn tôi từng chiều bãi học, đi lang thang dưới màu xanh tươi mát đó, tôi cảm thấy tâm hồn mình thanh thản phần nào. Tôi không còn nhớ đến Hữu nữa, hay nói một cách khác tôi đang cố gắng quên Hữu và bây giờ, hình như tôi đã thành công. Hình bóng Hữu như lùi dần về một dĩ vãng xa xôi nào đó, như ngày đám hỏi chị Quyên cách đây một tháng, Hữu âu yếm đeo chiếc nhẫn vào ngón tay áp út của chị Quyên và tôi cảm thấy mình mất Hữu thật rồi... 

- Chị Quyên ơi, em không học ở đây nữa, em về Huế. 

Chị Quyên đang nằm đọc báo trên ghế xếp bỗng đứng bật dậy như lò xo : 

- Ngọc, bộ em giỡn hả, đang học nửa chừng răng em lại bỏ ngang rứa ? 

Tôi cúi đầu : 

- Em chán lắm, có tiếp tục học cuối năm em cũng thi rớt thôi. 

- Tại răng rứa em ? 

Tôi cắn chặt ngón tay trỏ : 

- Răng a. Em cũng không biết nữa. 

Chị Quyên nói nhỏ : 

- Hay là em giận ai ? 

- Không. 

- Em giận anh Trứ hả ? Thôi em ơi, hơi mô mà giận mấy người nớ cho mệt. 

- Em không giận ai hết a. Em nhớ Huế quá, em muốn về thôi. 

- Trễ rồi, bây giờ em ra ghi danh học chi kịp. 

Tôi bướng bỉnh : 

- Em vẫn cứ về. Em chịu mất một năm. 

Chị Quyên vuốt tóc tôi : 

- Ngọc, ở lại đây với chị, chờ chị thi xong đã. 

Tôi bật khóc : 

- Chị mô cần em nữa, chị có anh Hữu rồi. 

Chị Quyên mỉm cười : 

- Ngọc nói chi lạ rứa, bộ Ngọc ghen với anh Hữu hả, dị chưa ? 

Tôi muốn nói không, em không ghen với anh Hữu mà là em ghen với chị, chị biết chưa. Nhưng tôi vẫn cúi đầu im lặng. 

- Ngọc, em đã suy nghĩ kỹ chưa ? 

Tôi cương quyết : 

- Kỹ mà, em nhớ Huế lắm, em chán sống ở đây quá rồi. 

- Rứa thì tùy em, liệu mà thưa với hai bác cho khéo kẻo hai bác giận. 

Có tiếng đồ vật bằng pha lê rơi loảng xoảng trên nền nhà, chị Quyên nắm chặt lấy tay tôi : 

- Chắc là chị Trinh đi chơi về. 

Tôi ngạc nhiên : 

- Đi chơi về ? Răng lại có tiếng đập phá ? 

Giọng bác Phán trai quát lên trả lời câu tôi hỏi : 

- Trinh, mày đi đâu về, hả ? hả ? 

Tiếng chị Trinh thật nhỏ : 

- Dạ... dạ thưa ba... 

Bốp, cái tát vào mặt chị Trinh làm tôi bất giác đưa tay sờ vào má. 

- Im mồm, con gái hư. Mày cãi lời tao hả Trinh, ai cho phép mày đi chơi với cái thằng đầu đường xó chợ đó ? 

Chỉ còn tiếng bác tôi giận dữ quát tháo, chị Trinh im lặng chịu đựng, tôi nghe rõ những tiếng nấc nho nhỏ của chị. Thời gian trôi qua nặng nề, bên phòng khách, tiếng đập phá nhỏ dần, có lẽ bác tôi đã thấm mệt. Tôi tự nhủ, mình rời gian nhà này mà đi bây giờ thật đúng lúc, làm sao chịu đựng được những lần ngồi ăn cơm, đối diện với các gương mặt lạnh lùng khó chịu. Từ ngày biết được tình yêu đậm đà giữa anh Chuyên và chị Trinh, hai bác tôi buồn bực ra mặt, hai bác đang cùng anh Trứ bận tìm cách ngăn trở hai người, nên không còn săn đón chúng tôi như hồi mới vào nữa. Nhưng không phải vì thế mà tôi buồn, nỗi buồn xâm chiếm vì nhiều nguyên do đến nỗi hiện giờ tôi cũng chẳng thể nào phân tách được. Chị Quyên ghé vào tai tôi : 

- Mệt ghê Ngọc hí, tội cho chị Trinh, hở một tí là bị la bị mắng. 

- Tại vì hai bác không ưa anh Chuyên chứ bộ. 

- Dĩ nhiên là rứa rồi, nhưng dù răng chị Trinh cũng lớn rồi, nên khuyên nhủ bằng lời hơn là bằng bạo lực. 

Tôi chợt thấy ghét anh Trứ lạ lùng : 

- Cái anh Trứ mới thực là vô duyên, can chi con trai mà bần tiện gớm, cứ tìm cách phá dám chuyện của người ta. 

Chị Quyên biểu đồng tình : 

- Lạy trời mai mốt xui ảnh gặp mụ vợ la sát cho ảnh biết mặt. Làm anh chi mô mà cứ ăn hiếp em hoài. 

- Chắc chiều ni hai chị em mình bị bỏ đói quá chị Quyên ơi, cứ cái điệu ni hoài nuốt cơm chi vô. 

Rồi bữa cơm cũng diễn ra trong bầu không khí khó thở, hai bác tôi ăn có một chén rồi buông đũa xuống đi vào phòng. Anh Trứ vừa gắp đồ ăn vừa gườm gườm chị Trinh đang cúi đầu cố nuốt cho xong chén cơm chan canh lõng bõng : 

- Không hiểu mày là người hay vật mà không chịu nghe lời của ba má, của tao. Mày trọng thằng Chuyên hơn ba má, hơn tao hả ? 

Chị Trinh ứa nước mắt : 

- Anh đừng nói như vậy mà tội nghiệp cho em. 

Anh Trứ trợn mắt : 

- Tội nghiệp cho mày rồi ai tội nghiệp cho ba má, cho tao, cho cái danh giá của gia đình này ? 

- Tại sao anh lại đem danh giá ra mà nói giữa lúc này ? 

- Chứ sao, mày đi yêu thằng Chuyên là cả một sự điếm nhục gia phong, mày có biết là mày đã làm khổ tâm ba má không? 

Giọng chị Trinh cứng rắn : 

- Giây phút nào em cũng kính yêu ba má cả. 

- Nhưng ba má không muốn mày giao thiệp thân mật với thằng Chuyên. 

- Em van anh, đó là những vấn đề thuộc về tình cảm, xin anh để em yên. 

Anh Trứ giận dữ đấm mạnh tay xuống bàn, chén dĩa rung rinh, tôi hoảng hốt đưa tay làm một cử chỉ chống đỡ. Anh Trứ rít lên : 

- Không thể để cho mày yên được, không thể để cho mày yên được. 

Chị Trinh xô ghế chạy nhanh lên lầu, anh Trứ nói theo : 

- Rồi mày xem. 

Tôi nhìn chị Quyên, chị nhìn lại tôi, lắc đầu không nói. Anh Trứ đứng lên, đi đến tủ rượu, lấy chai whisky cầm trên tay. Chị Quyên kéo tôi ra ngoài : 

- Tránh đi Ngọc ơi, ổng say ổng dám đánh luôn tụi mình nữa đó. Ra hàng hiên ngồi chơi đi. 

Nhưng chị Quyên cũng không ngồi cùng tôi được lâu, anh Hữu đến rủ chị đi ciné, anh mời tôi nữa, nhưng tôi lấy cớ nhức đầu từ chối. Để cho hai ông bà được tự do, tôi thầm nghĩ. Tôi định lên lầu thăm chị Trinh nhưng rồi thôi, để chị nằm một mình suy nghĩ riêng tư, để chị một mình nằm u sầu trên giường nghe giòng nước mắt tủi hờn lăn dài trên má, để chị một mình thương nhớ anh Chuyên, người tình đầu đời không mong sum họp, không mong nhìn thấy nhau trong suốt cuộc đời. 

Có tiếng gọi tôi nho nhỏ : 

- Cô Ngọc, cô Ngọc. 

Dáng người đứng ngoài khoảng tối của ngọn đèn trên trần chỉ sáng đủ hàng hiên, tôi định thần nhìn kỹ : 

- Anh Chuyên. 

Chuyên bước lại gần tôi : 

- Cô Ngọc, Trinh đâu rồi ? 

Tôi hoảng hốt : 

- Anh về đi anh Chuyên, có hai bác và anh Trứ của Ngọc ở trong nhà a, coi chừng đó, chị Trinh vừa bị đánh một trận rùng rợn. 

Chuyên lo lắng : 

- Sao ? Trinh vừa bị đánh ? Cô Ngọc, Trinh có sao không ? 

Tôi nói nhỏ : 

- Không đau thể xác nhưng đau tinh thần, thấy anh Trứ dằn vặt chị Trinh, Ngọc thấy xót xa dùm chị. 

Giọng Chuyên thành khẩn : 

- Cô Ngọc, cô Ngọc làm ơn gọi dùm Trinh ra đây, tôi muốn gặp Trinh. 

Tôi le lưỡi : 

- Eo ơi, Ngọc không dám mô. Tất cả mọi người chừ đang để ý đến chị Trinh, chị ra gặp anh chưa được mô, anh về đi, mai rồi qua. 

- Ngày mai tôi đi công tác cô Ngọc à, chắc cũng phải bốn năm ngày nữa mới gặp lại Trinh được. 

- Anh đi công tác mô lận ? 

- Đà lạt, cô Ngọc đi Đà lạt lần nào chưa ? 

- Chưa đến, nhưng Ngọc vẫn thường ao ước. Đó là một thành phố đầy thơ mộng và lý tưởng cho những kẻ yêu nhau. Mùa ni chắc trên đó lạnh lắm anh Chuyên hí. 

- Vâng, gần Tết rồi, mùa này là mùa của hoa anh đào. 

Tôi chép miệng : 

- Tuyệt quá, Ngọc vẫn thường thích bốn câu thơ của tác giả nào mà Ngọc quên tên mất : "Ngày mai em đi khỏi, hoa đào ghen với ai, ngày mai em đi khỏi, hoa nhạt nắng phai phai". 

Chuyên cười, hàm răng trắng đều đặn dưới ánh đèn mờ nhạt, tôi cúi nhìn bóng lá nhảy múa trên nền gạch hoa, đôi má nóng bừng : 

- Anh Chuyên cười chế nhạo Ngọc hả ? 

Chuyên vội chữa : 

- Đâu có, cô Ngọc đừng hiểu lầm. Cô Ngọc ngâm thơ hay lắm, Trinh thường ca tụng cô Ngọc với tôi hoài à. 

Tôi ngước lên : 

- Ca tụng chi ? 

- Trinh nói cô Ngọc có tâm hồn thi sĩ. 

Tôi cảm thấy vui vui : 

- Còn anh, anh nghĩ răng về Ngọc ? 

- Tôi... tôi rất mến những người con gái có tâm hồn. 

Thấy Chuyên đứng lâu, tôi chỉ chiếc ghế đối diện nơi chị Quyên vừa ngồi : 

- Anh Chuyên vào đây ngồi chơi. 

- Thôi cô Ngọc cho phép tôi kiếu từ. Nhờ cô Ngọc nhắn lại với Trinh, ngày mai tôi đi công tác Đàlạt mau lắm cũng phải mất năm hôm mới về Saigon được. 

- Anh yên trí, Ngọc sẽ chuyển lời dùm anh. 

- Cám ơn cô Ngọc. 

Tôi ngả người ra đằng sau tìm một tư thế thoải mái, lim dim đôi mắt. Anh Trứ từ trong đi ra kéo chiếc ghế ngồi xuống cạnh tôi : 

- Thằng Chuyên vừa nói gì với em vậy Ngọc ? 

Tôi trả lời cho xong chuyện : 

- Dạ ảnh nói ngày mai ảnh đi công tác trên Đàlạt ạ. 

- Chắc nó muốn nhắn lại với con Trinh chớ gì ? 

Anh Trứ gác mạnh chân lên chiếc bàn mây : 

- Ối dào, nhắn với gửi, cầu cho mày rớt xuống đèo Chuyên ạ. 

Tôi thảng thốt : 

- Anh Trứ nói chi mà dễ sợ rứa, anh Trứ nói chi mà ác rứa. 

Anh Trứ cười gằn : 

- Ừ, anh muốn vậy đó. 

Tôi nghe hơi lạnh lan khắp châu thân.
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét