CHƯƠNG I
CHỈ THỊ BÍ MẬT
Mùa hạ năm 1970. Trần Đình Chiêm, vị phụ tá Giám Đốc hãng Trinh Thám Tư “Sê Tê Hai” cảm thấy ngày giờ sao mà vô vị quá (1).
Nghỉ hè, ngoảnh đi ngoảnh lại đã được hai tuần rồi đấy. Ba má Chiêm thì lại có vẻ mừng ra mặt. Các cụ thường khẽ bảo nhau:
- “Trời nóng bức thế này, cho con nó được nghỉ ngơi mát mẻ, đỡ bêu nắng mặt se mày xém, đen nhẻm… để hết hè lấy sức mà học lớp trên chứ”.
Loanh quanh mãi trong nhà, biết làm gì cho qua thời giờ đây? Không lẽ lại giở sách ra học. Và Chiêm bật phì cười với ý nghĩ: “nghỉ hè” chứ đâu phải “học hè”!
Mà nghỉ hè thì, đó, mười lăm ngày lặng lẽ buồn trôi, hết ăn lại ngủ. Đọc sách giải trí mãi cũng nhức cả đầu.
Cái khu vực Cổng xe lửa số 6 này cứ êm như ru ấy thôi. Mà hễ hơi động có vụ gì rắc rối thú vị một chút, hãng CT2 định xía vào là y như các ông Cảnh Sát đã lanh tay “lượm” hết.
Thành thử chẳng có việc gì làm.
Giám đốc hãng cũng như nhân viên hết quanh ra lại quanh vào, buồn rứt…
Nhưng, hình như Trời cũng chiều lòng các chú học trò đã giỏi mà lại ngoan. Trong lớp, bao giờ cũng “chẳng nhất thì nhì, kẹt lắm mới chịu ba, bốn” về đến nhà thì ba má “chưa nói hết câu, đã đâu vào đấy”, nên vào cuối tháng bảy, đột nhiên xảy ra một việc gay cấn vô cùng. Hãng CT2 lập tức nhảy ra “lãnh đám”, nghĩa là bắt tay vào việc và đạt được một thành quả có một tầm mức quan trọng đến nỗi các vị phụ huynh tại địa phương không còn dám nửa đùa nửa thật gọi Chiêm, Trí là hai tay thám tử con nít nữa.
Sự việc gay cấn đó, người kể xin nhường lời lại cho thám tử Chiêm, người trong cuộc kể lại cho câu chuyện được nhiều phần sống động hơn.
......................................................................
Một buổi sáng thứ Bảy, tôi theo má tới nhà bà Huỳnh Lan Anh. Bà Lan Anh và má tôi nguyên là Trưởng và Phó Ban Xã Hội trong tổ chức Hồng Thập Tự phụ nữ Đô Thành. Hai bà đã hẹn gặp nhau sáng nay để thảo luận về chương trình kế hoạch tổ chức chợ phiên lấy tiền cúng vào quỹ Cứu Tế Cô Nhi quả phụ.
Bữa đó, tôi diện oai lắm để má được hãnh diện và cũng có ý đáp lại thịnh tình của bà Lan Anh đã chu đáo sai tài xế đánh xe đến đón hai má con tận nhà. Bác tài tên Phối là một người ít học, chất phác. Nhưng tôi quý bác lắm, coi bác là một người tử tế hiền lành nhất trong những người lớn tuổi mà tôi biết, mặc dầu cử chỉ và thái độ của bác nhiều khi hơi có vẻ kỳ quái. Còn cái xe hơi! Ối chà! Thật đúng là chiếc long xa lộng lẫy của một bà hoàng. Nó to, rộng như một cái nhà. Xe hiệu Rolls Royce, nước sơn màu cà phê sữa bóng loáng như gương. Những nẹp kim khí mạ kền ở khung kính chắn gió, viền hai bên hông, khung những ngọn đèn vĩ đại hai bên và giữa mũi xe, óng ánh sáng lóe dưới ánh mặt trời.
Hai mẹ con vừa ở đằng bà Lan Anh về tới nhà thì đã nghe chuông điện thoại reo vang. Hồi này ba tôi đã có điện thoại riêng. Ông chung vốn với một người bạn buôn gỗ rừng chở từ Định Quán về Saigon bán, lời lãi kha khá, nên đã sắm thêm được một cái tủ lạnh. Rồi một hôm, trong bữa cơm, ông đưa ra ý kiến xin mắc một máy điện thoại riêng để tiện việc liên lạc giao dịch buôn bán. Tôi sốt sắng tán thành ý kiến của ba và đề nghị với ba xin góp một số tiền nhỏ vào việc chi phí mắc điện thoại riêng tại nhà. Lý do: phương tiện liên lạc mau chóng này sẽ giúp được tôi đứng làm trung gian giữa các thân chủ muốn đăng quảng cáo với các tòa soạn nhật báo tại Thủ đô. Anh Trung, Thơ ký tòa soạn Nhật báo Chuông Vàng hứa sẽ điều đình với các tờ báo khác để cho tôi được hưởng 30% mỗi mục quảng cáo bắt mối được.
Ba vừa nhấc máy, đã nghe tiếng nói ong óng vang lên trong ống nghe. Ông tròn mắt ngạc nhiên. Cái gì lại: “Đàn cá sấu cần phải tắm một cái!”. Vậy là thế nào?
Ba tôi không hiểu, nhưng tôi thì đã hiểu rõ Trí, “sếp” CT1 của tôi bí mật chỉ thị cho vị phụ tá CT3 đến “tổng hành dinh” tức khắc. Tổng hành dinh? Nói cho rõ hơn, tức là CT2, trụ sở hãng trinh thám tư “Sê Tê Hai” của Chiêm và Trí vậy.
Gác ống nghe, tôi chạy bay vào phòng thay quần áo, treo lên mắc bộ đồ “lớn” gọn ghẽ đâu đó, tôi lại thắng bộ quần áo thường ngày, mà tôi và Trí vẫn gọi là bộ đồ “làm việc” gồm một áo sơ mi trắng cộc tay, quần tây xanh và một đôi giày vải cao cổ hai màu đen trắng các anh lớn thường mang khi chơi bóng rổ hoặc bóng chuyền đó. Rồi chạy bay xuống phòng khách, xem mẹ có sai làm việc vặt gì không, nếu không, tôi xin phép được đi chơi một lát.
- Được, má cho phép con đi chơi…! À, hãy chạy ù ra ngoài cổng coi xem có thơ từ gì không đã, nghe! Có, thì đem vào cho má, rồi đi chơi thì đi.
Trong số bốn cái thơ, có một cái phong bì ghi rõ tên tôi. Tôi vui mừng không thể tả khi nhận ra nét chữ của cậu Hải Minh.
Cậu Hải Minh, em ruột má tôi là một thanh niên rất đặc biệt,thần tượng của các chú nhỏ choai choai 14,15 tuổi cỡ tôi và Trí. Sau một thời gian năm năm trong quân ngũ, hiện nay cậu là phi công lái máy bay cho tư nhân và đã đặt chân lên hầu hết khắp nơi trên thế giới.
Giờ đây cậu Hải Minh đang sinh sống tại Ca-sa-bỉ-ba, một tiểu quốc miền Trung Đông, có nhiều giếng dầu hỏa. Cậu lái phi cơ riêng cho quốc vương Ca-sa-bỉ-ba. Mới đây vị vương này băng hà. Cậu lại tiếp tục làm việc với vị … vua mới.
Ấy, đại khái những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp cậu Hải Minh yêu quí của tôi là thế đó, khỏi nói thì các anh chị em trong gia đình Tuổi Hoa cũng đã biết là những lá thơ của cậu gởi về luôn khiến tôi vui mừng tới mức nào. Vì một lẽ thật dễ hiểu: cậu là người duy nhất trong đám người lớn tuổi, biết coi trọng hoạt động cũa hãng thám tử tư CT2 Chiêm Trí. Nay nhận được thơ cậu, tôi mừng quá, run tay nhét vội vào túi quần, để dành sau mới đọc. Và tôi vội vàng đem mấy bức thơ còn lại vào cho mẹ:
- Má ơi, còn phải làm gì nữa không, má?
Miệng hỏi mà lòng tôi thầm mong việc vặt hết rồi, khỏi phải làm gì nữa. May quá, như ý sở cầu, má tôi âu yếm nhìn con trai:
- Thôi, hết rồi con à! Con có thể đi chơi một lúc đi!
Và bà mỉm một nụ cười ranh mãnh:
- À…! Nhớ đem theo cục xà-bông thơm đi đặng tắm cho cá sấu, nghe!
Anh em chúng ta thấy chưa! Má tôi tuy không nói ra miệng, nhưng bà biết rõ như hai với hai là bốn, mọi hoạt động của hãng CT2 và nhất là của chú thám tử hạt tiêu, tên Chiêm, bí danh CT3, đứa con trai yêu quý của bà.
Được má cho phép, tôi vui sướng nhẹ bước xuống nhà kho lấy xe đạp nhẩy phóc lên đạp một mạch tới “trụ sở” tức là “phòng thí nghiệm” trên gác căn kho chứa dụng cụ làm vườn nhà Trí. Chiếc thang gỗ nhẹ tự động tụt xuống sau câu mật khẩu: “Lũ khỉ ở Sở Thú Saigon không có đuôi!”. Tôi đã đứng trước mặt “sếp” CT1.
Trí ngồi nghiêm chỉnh sau bàn làm việc, hai bàn tay chồng bắt chéo lên nhau. Phía trên đôi bàn tay ấy là cặp mắt tròng nâu đang nhìn tôi đăm đăm. Cái nhìn ấy, tia mắt ấy luôn luôn khiến tôi nhột nhạt vì nó soi mói, sắc ngọt như lưỡi dao bổ cau. Đối diện với Trí lúc nào tôi cũng có cảm giác là anh có thể biết được trong đầu tôi đang nghĩ gì như người nhìn vào trang giấy có chữ vậy.
Mãi một lúc sau tôi mới cất được tiếng:
- Sao? Sếp CT1? Có gì gấp thế? Chỉ thị bí mật bảo tôi đến ngay! Có việc gì vậy?
Mớ tóc đen nhánh, bồng bềnh, gợn sóng tự nhiên rung lên nhè nhẹ vì cái lắc đầu:
- Không có! Không có gì hết! Trống rỗng! Hoàn toàn trống rỗng!
Tôi cảm thấy mặt hơi nong nóng:
- Ủa! Thế sao lại…
“Sếp” tôi đột ngột cắt ngang:
- À... chỉ có cái là mình muốn hãng CT2 của chúng ta mở rộng thêm phạm vi hoạt động.
- Mở rộng thêm phạm vi hoạt động?... Nhưng đã mấy tuần nay có việc quái gì đâu mà mở rộng với mở hẹp kia chứ?
Trí thản nhiên:
- Chiêm nói đúng! Vì vậy tôi mới nói là phải mở rộng phạm vi, nghĩa là… moi ra việc từ một nơi khác đem về mà “mần”. Khu “cổng xe lửa số 6”, hay dùng cái thành ngữ khác nghe hay hơn mà vẫn cùng một nghĩa là “Khu nhà thờ Ba Chuông” … và tiến bộ hơn nữa, gọi quách là “Khu Ba chuông” cho gọn. Đúng rồi, khu” Ba chuông” của tụi mình nhỏ bé quá, chẳng có việc quái gì mà làm. Rồi ngay đến cả… toàn vùng Đô thành Saigon nữa. Hở ra một cái gì là mấy ông cảnh sát “chìm”, “nổi” lượm hết trọi, tụi mình còn gì nữa đâu mà hoạt động. Chỉ còn một cách là trông chờ ở sự mở rộng phạm vi tới mức… quốc tế thôi.
Tôi gật đầu đồng ý:
- Có thế!
Nét mặt Trí đăm chiêu:
- ... Quốc tế? Ừ phải đấy!... Nhưng làm cách nào, ừ, làm sao mà moi được một công việc có tính cách quốc tế trong cái khu Ba Chuông quá quen thuộc, nhỏ như chiếc khăn mùi soa của chúng ta này kia chứ?
Đưa tay kéo một chiếc ghế dựa lại gần, tôi buông mình ngồi phịch xuống. Chiếc ghế nhỏ rít lên một tiếng “két”. Tôi tưởng chừng như đó là tiếng cười thắng trận vừa vang dội trong lòng. Và rồi tiếng cười thầm kín ấy xuất hiện thành một cái cười thật, rộng ngoác đến gần mang tai: “lần này có lẽ sếp CT1 phải bại với tôi”. Đôi mắt đăm đăm nhìn thẳng mặt “sếp”, ngoài miệng tôi cười thật tươi và trong lòng như có trăm hoa đua nở. Lý do: “Sếp” băn khoăn không biết làm cách nào moi ra việc làm cho hãng. Nhưng tôi thì không, tôi chẳng băn khoăn chút nào. Linh tính hình như ngầm báo cho biết là tôi đã nắm được một việc rất quan trọng, có tính cách quốc tế. Và cái việc quốc tế quan trọng ấy đang nằm trong người tôi… ở túi quần sau.
--------------------
(1) Xin coi "ĐỒNG TIỀN GIẢ" cùng một tác giả
CHƯƠNG II
LÁ THƯ QUỐC TẾ
Rồi với nét mặt hân hoan, tôi đưa tay lôi lá thơ của cậu Hải Minh mới nhận được hồi sáng, bóc phong bì.
Cất giọng trang nghiêm, tôi hỏi Trí:
- Lá thơ này từ tiểu quốc Ca-sa-bỉ-ba bên Trung Đông gởi về. Như vậy gọi là “quốc tế” được chưa?
“Sếp” tôi vẫn thản nhiên:
- Được chứ! Được chứ! Chắc thơ cậu Hải Minh của Chiêm hả? Nhưng chắc gì đã đem lại cho hãng tụi mình một công việc gì để làm.
Trí làm ra bộ dửng dưng bình tĩnh như không, nhưng tôi biết rõ là óc hiếu kỳ của anh đã bị kích động. Vả lại, từ xưa đến nay anh vẫn hết sức kính phục cậu Hải Minh tôi, coi cậu là thần tượng.
Tôi cắm đầu chăm chú đọc lá thơ. Mới hết đoạn đầu, niềm hân hoan đã như một giòng nước mát chạy luồn dọc theo xương sống lưng. Tia nhìn bắt dính vào những dòng chữ tiếp theo, khi đọc hết, tôi nhìn Trí mỉm nụ cười chiến thắng. Tôi hắng giọng trịnh trọng bảo bạn:
- Chà! Chúng mình nắm trong tay một vụ áp-phe quốc tế quan trọng lắm Trí ơi! Nghe đây này!
Và tôi đọc:
Cháu Chiêm yêu quý của cậu.
Từ nơi sa mạc xa xôi nóng bỏng cậu viết những giòng này gởi về thăm cháu. Nóng bỏng? Đúng đó, nóng bỏng! Đọc hết lá thơ này cháu sẽ hiểu được cái hình dung từ “nóng bỏng” cậu viết đây theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đúng như thế. Ở đây sa mạc nóng bỏng, mà hiện thời không khí cũng đang nóng bỏng luôn.
À, thế nào chàng Thám Tử Tài “Trí” của chúng ta ra làm sao? Mạnh khỏe không? Ông giám đốc hãng “Sê Tê Hai” có bị vò đầu bứt tai vì công việc bề bộn nữa không đó. Cậu mong rằng “quý hãng” hồi này được rảnh việc đôi chút, hai anh em Chiêm, Trí được khỏe khoắn vài phần. Vì cậu đang có một việc khẩn cấp cần phải có sự tiếp tay của hai anh em đây.
Nơi cậu ở hiện đang có nhiều sự việc kỳ quái lắm Chiêm à. Cũng chưa nói được đích thực là biến cố gì sẽ xảy ra nhưng cậu chắc chắn là hiện có nhiều sự việc ghê gớm đang âm thầm nẩy nở, sửa soạn tại tiểu quốc Ca-sa-bỉ-ba này đây.
Mà theo ý cậu nghĩ thì phần lớn những việc khó hiểu đó, những bài toán đố hóc búa đó, lại có thể tìm ra lời giải đáp tại… Saigon, trong hiện tại mà có thể trong cả tương lai nữa. Vậy việc cần là, cậu cháu mình phải lẹ tay lên một chút vì thời gian cấp bách lắm rồi…
Chợt đưa mắt, tôi thấy Trí liếc nhanh lên mặt đồng hồ tay. Tôi lại đọc tiếp:
Đây, câu chuyện đầu đuôi như thế này: Qua các báo chí, cậu chắc hai anh em cũng đã biết được sơ qua tin tức,nhưng chắc không ai để ý.
Để cậu thuật lại tường tận cho rõ ràng gốc ngọn:
Khi vị tiểu vương nhân đức Hà Kim băng hà, (cái chết đột ngột của nhà vua hiện đang bị dư luận xì xào bán tán dữ lắm) người anh em cùng cha khác mẹ của vua Hà Kim tên Rả Bây, nguyên là một vị tướng lãnh trong quân đội, đã đem quân về kinh thành. Nói là để dự tang lễ vương huynh, nhưng thực ra, chưa đầy nửa ngày, Rả Bây đã ngang nhiên chiếm đoạt ngai vàng. Và dùng những biện pháp sắt máu để tiêu diệt bất cứ tổ chức nào, bất cứ ai, ra mặt hay ngấm ngầm chống đối ông ta. Thế rồi, bao nhiêu binh quyền, bao nhiêu kho tàng nơi cung điện, Rả Bây thâu tóm lấy hết. Đồng thời ban bố một chính sách cai trị con dân bằng một bàn tay hung bạo, bất nhân, tàn nhẫn chẳng biết nhân đạo là gì.
Đông cung Hoàng Thái Tử chính thật tên là Hà Lam, con trai duy nhất của vị minh quân Hà Kim thì hiện tại lại đang theo học đại học Luật Khoa tại Anh quốc, để bảo toàn an ninh cho Thái tử, tránh con mắt dòm ngó của bè lũ tặc thần. Khi vua cha băng hà một cách rất bí mật, Thái Tử Hà Lam cũng biết tin, nhờ sự liên lạc của người trung tín, nhưng không thể nào lên đường về kế vị được. Tụi phiến loạn Rả Bây đã chặn hết các ngả. Nhiều vị trung thần đã tìm hết cách để đưa Thái Tử hồi loan, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là công dã tràng xe cát.
Hiện nay cậu lại phải tiếp tục lái phi cơ riêng cho tên bạo chúa Rả Bây. Không nói thì Chiêm Trí cũng dư hiểu là cậu Hải Minh chỉ “bằng mặt chớ chẳng bằng lòng”. Rả Bây có vẻ tin dùng cậu lắm và cất nhắc cậu lên một chức vụ khá cao. Ở chức này cậu xét thấy có thể phò tá Thái Tử Hà Lam một cách hữu hiệu để lấy lại ngai vàng cho hợp với lòng trời và đúng với nguyện vọng của muôn người dân lương thiện của tiểu quốc hiền hoà Ca-sa-bỉ-ba.
Lễ đăng quang, ngày chính thức bước lên ngôi báu của tân vương tàn bạo Rả Bây sắp tới nơi rồi. Có lẽ Chiêm và Trí cũng biết đại khái lễ đăng quang, bất cứ ở đâu, là một ngày trọng đại như thế nào. Xem chừng thì địa vị Rả Bây có mòi vững chắc lắm rồi. Và cậu nghĩ rằng Thái Tử Hà Lam khó có hy vọng giành giật, đòi lại được ngôi báu từ tay tên bạo chúa. Muộn mất rồi…
Đột nhiên “sếp” CT1 giơ tay ra ý bảo tôi tạm ngưng đọc. Hai cánh tay anh đưa lên đỡ lấy vầng trán rộng:
- Chiêm à! Nếu mình nhớ không lầm thì vua Hà Kim mới mất được đâu chừng gần năm tháng thì phải. Và theo đúng tục lệ tại các tiểu vương quốc xứ Ả Rập, thì kể từ ngày vua cũ băng hà đến ngày đăng quang kế vị ngai vàng của vua mới phải chờ một thời gian là sáu tháng. Đúng rồi! Sáu tháng để con dân của cả nước để quốc tang. Rồi, đúng rồi…! Đọc tiếp đi, Chiêm!
Trước khi đọc tiếp tôi nhẩm tính lẹ trong đầu thì thấy rằng chỉ còn ba, cùng lắm là bốn tuần lễ nữa là tới ngày đăng quang. Liếc nhanh nét mặt Trí, tôi biết là anh cũng đã nhận ra như thế rồi. Yên chí, tôi lại cất cao giọng:
… Thế rồi, vì lý do an ninh của bản thân Thái Tử Hà Lam và cũng theo lời di ngôn của phụ vương, các vị trung thần đã quyết định cho Thái Tử rời khỏi Anh quốc để qua… Saigon tiếp tục việc học tại Văn Khoa Đại Học, chờ thời cơ thuận lợi sẽ ngự giá hồi loan đòi lại ngai vàng từ tay tên vua bạo ngược…
Tôi thoáng thấy Trí nhướng cao đôi chân mày, và đoán ra lý do của cử chỉ đó: Đại Học Văn Khoa Saigon! Nơi ông Bích Tâm, ba Trí đang dạy học.
Theo tin tức nhận được từ Anh Quốc, cậu cho rằng Thái Tử Hà Lam đã tới Saigon cùng thời gian với lá thư này. Nhưng mối lo của cậu không phải là ở chỗ đó. Mà là ở cái điều này: Hai nhân vật thân tín, bè đảng của Rả Bây cũng vừa mới rời khỏi vương quốc. Một vị quan đại thần trong triều, rất thân với cậu, ngầm cho cậu biết là hai tên đó có giấy thông hành qua Việt Nam. Còn qua để làm gì và ở tại đâu thì chưa biết. Có thể là Saigon, mà cũng có thể là ở Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, biết đâu, phải không, Chiêm? Nhưng có một điểm cậu cháu mình có thể tin chắc được là bè lũ Rả Bây, dù có dò ra tung tích Thái Tử Hà Lam thì cũng không dám ra tay hạ độc thủ đâu. Chúng nó chỉ nhằm làm sao triệt lộ của người, ngăn cản không cho Thái Tử về được Ca-Sa quốc vào ngày Rả Bây làm lễ đăng quang mà thôi.
Và việc quan trọng cậu trông nhờ ở hai anh em là điều này: hãy mở to mắt, nhìn cho tinh, lắng tai nghe thật kỹ để làm sao biết được sự hiện diện của hai tên lạ mặt đó tại Saigon. Biết được rồi, cấp tốc tìm biết công việc của tụi nó là làm cái gì ở đó. Một đứa tên là Kha Bỉ, gầy cao, tướng đi lom khom, cái đầu chè bè ra như cái bánh tráng, mặt dài kiểu lưỡi cầy và nhất là hàm răng thì giống hệt hàm răng ngựa. Hắn ưa mặc một bộ đồ đen.
Tên thứ hai thấp lùn, mập, bụng bự lắm, tên là Du Đả. Mặt y tròn như cái bánh Trung Thu cậu cháu mình vẫn ăn đó, và có điểm này đặc biệt dễ nhận này, Chiêm! Bộ râu hình tay lái xe đạp trông dị hợm không thể tả mà nó lại lấy làm hãnh diện vô cùng, hay đưa tay lên vuốt vuốt hoài đó.
Nhớ nghe! Hai anh em phải thính tai, tinh mắt để ý nghe! Cho cậu biết tin ngay nếu bắt chợt được điểm gì liên hệ tới hai tên Kha Bỉ, Du Đả đó nghe! Chớ dại dột mà chường mặt ra đương đầu với chúng nó nghe. Chỉ nhận xét và nghe ngóng thôi nhé!
Chúc hai anh em may mắn!
Thân yêu, cậu Hải Minh!
Dứt lời, tôi làm ra vẻ trịnh trọng, cẩn thận gấp lá thơ của cậu Hải Minh cho vào phong bì, nét mặt nghiêm nghiêm ra cái điều ta đây đã đem lại cho hãng một mối hàng quan trọng vào bực nhất, từ xưa tới nay chưa từng có. Và có ý chờ đợi “sếp” nồng nhiệt ban lời khen tặng hay ít nhất cũng là một vài cái vỗ vai thân mật, coi vị phụ tá của mình như một nhân vật ngang tài, mặc dầu tôi biết cái lối diễn tả tư tưởng một cách ầm ĩ ra mặt như thế vốn không phải là sở trường của Trí.
Nhưng ác quá, thay vì thế, Trí lại quay lưng từ từ cởi bỏ chiếc áo choàng trắng anh thường mặc mỗi khi làm việc trong phòng thí nghiệm. Rồi tiến lại phía cửa sổ, anh im lặng đứng suy nghĩ cái gì đó một lúc khá lâu. Tôi cay đắng trong lòng mà nhớ ra rằng những giây phút đó, Trí rất ghét những nguời khác quấy rộn. Mãi sau, “sếp” mới quay lại, giọng anh nghiêm trọng:
-CT3! Nếu hai tên tay sai của Rả Bây đã đặt chân lên đất nước Việt Nam rồi thì thể nào chúng cũng phải mò tới thăm đồng bào của chúng tại đây.
- Chắc phải thế chứ! À, nhưng nội Đô Thành Saigòn – Chợ Lớn này làm gì có ngoại kiều quê quán ở Ca-sa-bỉ-ba!
CT1 hỏi vặn:
- Lầm! Chiêm lầm rồi Chiêm ơi! Vậy theo ý Chiêm thì tay đầu bếp nhà bà Lan Anh là người gì vậy?
- Anh muốn nói cái tay nấu bếp người Chà Và đó hả?
- Tay nấu bếp đó không phải là người Chà Và! Hắn là người Ả-rập quê quán ở Ca-Sa quốc đấy. Bà Huỳnh Lan Anh nghiện món ăn Ả-rập nên đã đem hắn từ Ca-sa-bỉ-ba sang đây đó!
Bất giác toàn thân tôi nhè nhẹ run lên. Vậy ra tay nhà bếp nhà bà Lan Anh quê quán ở Ca-sa quốc. Cái tên to lớn như ông hộ pháp đã một lần làm tôi hoảng sợ hết hồn. Chân tay tôi lại càng run khi nghe “sếp” thản nhiên nói tiếp:
- Này CT3! Chúng ta sẽ tới nhà bà Lan Anh để… tăng thêm tình giao hảo với con dân Ca-sa-bỉ-ba quốc nghe!
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét