CHƯƠNG II
Trời mù mù sương ngoài khung cửa kính, có lẽ còn sớm lắm. Em đứng nhìn ra ngoài, hơi lạnh se sắt buốt trên da thịt. Không mấy khi tay chân em ấm áp, lúc nào nó cũng giá băng như phiến nước đá. Đêm ngủ, lỡ chạm phải chân chị Hân là thế nào chị cũng hét lên, thức giấc. Tay áp lên mặt, lạnh lẽo như tay vừa lấy trong frigidaire ra, em hà hơi vào lòng bàn tay cho ấm. Nhưng cũng chỉ một tí thôi rồi hơi ấm tan đi, vẻ lạnh lẽo lại còn nguyên, tê cứng. Em có thể ngủ muộn hơn nữa, bảy giờ, tám giờ, chín giờ tùy ý , ở Đà Lạt không ai muốn thức giấc sớm làm gì, nhà lại có người làm. Nhưng em có thói quen dậy sớm từ lâu, dậy không làm gì cũng dậy. Buổi sáng yên lặng, quạnh hiu lạ lùng. Chị Hân vẫn còn ngủ say, ít khi chị thức giấc trước bảy giờ rưỡi. Giấc sáng là giấc ngon và dễ chịu nhất của một đêm dài.
Sương mù bao phủ cả hàng cây xanh chạy vòng quanh con đường trước hồ. Mặt hồ trắng lạnh lẽo tưởng chừng như là một khối mù sương đặc. Ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đây em đã thấy cái đẹp thầm lặng, quạnh hiu của miền cao nguyên. Cái đẹp đều đặn, lạnh lùng của cây xanh của sương trắng. Ngôi nhà của bác Khanh nằm trên một con dốc song song với đường viền quanh hồ Xuân Hương. Nhà xa thành phố, yên tĩnh. Em biết lý do tại sao bác Khanh gọi em lên học. Người cha quá cố của em là đứa em bác yêu quý nhất, và em, em giống ba. Với nữa, bác cũng ít con, anh Khải anh Hoàng đã lớn, chị Hân là con gái út, chị thèm có một cô em để sống chung cho vui. Nhà có mỗi mình chị là con gái, chị hay than buồn chết được. Cả nhà đều yêu chị Hân, gọi chị là công chúa. Ngọc Hân Công Chúa. Mà chị Hân cũng đẹp thật, xứng làm công chúa lắm. Má chị trời lạnh thế nào cũng vẫn hồng, môi nhỏ, mũi thẳng, viền mắt nâu to lóng lánh. Ngày em đến chị vui mừng ríu rít. Anh Khải bảo thế là từ nay công chúa có bạn rồi nhé. Em cười, nói em làm tỳ nữ cho công chúa Ngọc Hân, chị la lên bảo em nói bậy, chị là công chúa chị thì em là công chúa em. Rồi chị chu môi bảo mà thôi chả thèm làm công chúa làm gì, chỉ tổ cho các anh trêu ghẹo.
Em ở chung phòng với chị Hân, chị là con gái mà có nhiều nét con trai ghê đi, chị có nhiều nghệ sĩ tính nữa chứ. Phòng chị, tủ sách, băng nhạc, đàn, thi ca xếp tùm lum. Cái gì chị Hân cũng thích, chị học đàn, học hát, làm thơ, viết văn, vẽ. Chị biết đánh cờ tướng với anh Hoàng, biết ngâm thơ với anh Khải. Chị không từ môn thể thao nào của hai ông anh, quần vợt, vũ cầu, thậm chí đá banh chị cũng đòi tham dự nốt. Hai bác Khanh đều dễ chịu, thương con cái. Đôi khi hòa mình vào nếp sống hạnh phúc ấy em không khỏi ngậm ngùi nhớ đến me. Bữa ăn nhà bác đầy đủ món ngon, em nhớ hình ảnh em vất vả với cái bếp nhỏ, món cá kho thường bị khét, món canh rau ăn với cà muối chua nhạt nhẽo vụng về. Nuốt miếng cơm, nhiều lần em nghẹn ngào muốn khóc. Me cho con đi để con sung sướng. Buổi sáng điểm tâm bằng bánh nướng, bằng trứng, bằng bơ với café em lại nhớ bát cháo hoa với muối bốc khói ngày nào, nỗi nhớ nhung me dâng đầy ắp, em Vũ, có bao giờ em được ăn một thứ gì ngon cho thật vừa lòng đâu.
Em lấy khăn len quấn quanh cổ sửa soạn ra ngoài. Chị Hân cho em thật nhiều quần áo cũ của chị. Tuy nói là cũ, thật ra nó còn mới nguyên. Chị Hân may sắm khá nhiều, quần áo mặc chưa cũ chị đã lớn, đã đổi ý thích mua sắm cái khác. Vóc người chị và em cũng mảnh khảnh như nhau, em mặc hơi rộng một chút nhưng không sao, thế cũng đủ rồi. Áo len, manteau, khăn quàng của chị có hàng chục, chị nói em muốn mặc chiếc nào cứ lấy nhưng em còn nỗi ngại ngần và tự trọng chính mình nên em không đụng chạm gì đến, trừ những thứ chị cho hẳn em, buộc em phải lấy.
Gió lạnh lùa bay tung tóc khi em bước hẳn ra ngoài ngôi nhà. Trời lạnh gấp mấy lần lúc đứng trong phòng. Em thọc tay vào chiếc túi manteau cắn môi suýt soa đi. Em không hiểu vì sao mình lại có nhiều ý thích kỳ cục thế. Hơi lạnh chui vào mũi em lạnh buốt, cỏ bên vệ đường trĩu sương ướt đẫm. Hàng cây vẽ thành hình vòng cung chạy dài trước mắt em. Chỉ có hai màu xanh và trắng lạnh lùng. Em vừa đi vừa hát nhỏ một bài hát cũng lạnh và buồn không kém : « Sương lam buông rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu, khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ … ».
Hôm qua chị Hân hỏi em Khánh có thích âm nhạc không. Em có thích nhạc không, cái đó chắc khỏi cần trả lời, ở nhà me thường gọi em là con sơn ca bởi em hát véo von cả ngày. Em yên lặng một chút rồi trả lời chị Hân :
- Em thích.
Chị Hân reo lên sung sướng :
- Hay quá, vậy chị với Khánh đi học nhạc nhé, có lớp dạy mà chị đi một mình buồn lắm.
Em nghĩ đến tiền học phí ngay lập tức. Điều ấy có vẻ phũ phàng nhưng không thể không nghĩ đến. Em lên đây học, phiền nhiễu bác nhiều rồi, có đâu lại để bác phải tốn kém vì em thêm nữa, mà chắc đâu bác đã cho đi. Em lắc đầu nói :
- Em không thích học nhạc đâu chị Hân ạ.
Mắt chị Hân mở to :
- Sao vậy ?
Em nói trớ đi :
- Ở nhà có anh Khải giỏi classique, anh Hoàng cũng đàn hay đâu kém ai, chị đi học ở ngoài làm gì.
Chị Hân cười :
- Ừ, vậy mà anh em học nhau không được, học người ngoài lại được. Với lại chị đâu có học đàn mà học ở nhà. Chị muốn học hát kìa, anh Khải anh Hoàng đâu có dạy được cái đó.
Em im lặng cúi đầu xuống, ở địa vị chị Hân chị ấy có quyền như thế, còn em, em phải biết thân phận mình là người sống gửi, đừng nghĩ mình như chị Hân.
Chị Hân lại hỏi em :
- Sao, Khánh đi không ?
Em bối rối tìm một câu trả lời cho khỏi phật ý chị :
- Dạ, để em nghĩ đã, em cũng chưa định.
- Chưa định gì, đi với chị cho vui, Khánh.
Để khỏi trả lời chị, em vờ chạy ra ngoài kêu lên :
- Chết, em quên quần áo còn phơi ngoài dây, không khéo mưa ướt hết.
Chị Hân có vẻ hơi buồn nhưng rồi chị thôi không nhắc đến chuyện ấy nữa. Em biết, âm nhạc làm phong phú đời sống, em lại yêu nó nữa. Nhưng em đâu có thể làm theo ý em. Me đưa em lên đây, me dặn con phải rán học, me ước thấy con thành công rực rỡ, me không ước thấy con me nhỏ bé thấp hèn. Nước mắt em ứa ra bờ mi.
Đứng ở đầu con dốc nhìn xuống mặt đường, những cành thông trơ trọi vươn lên trong màn sương trắng, lưng chừng dốc ngôi nhà màu hồng của bác Khanh nổi hẳn lên vẻ xinh xắn. Em ưa nhất hàng hiên tròn với những thân cột trắng. Ở đó, hàng ti-gôn hồng leo quấn quýt tràn cả lên cả mái nhà rêu xám ấm áp lạ thường. Tương lai em bắt đầu từ ngôi nhà đó, hạnh phúc em bắt đầu từ ngôi nhà đó. Học và rán học. Như anh Khải đã thành giáo sư, như anh Hoàng sắp ra trường, như chị Hân năm nay bắt đầu đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Còn em, hỡi Khánh nhỏ bé và hèn mọn, Khánh tội nghiệp và nghèo nàn, hãy vươn lên đi, như loài cỏ non đâm chồi vào mùa xuân rạng rỡ.
Gió thổi lộng vạt áo bay, em thở hơi trắng hòa lẫn vào không gian tan loãng. Chầm chậm, buồn rầu em quay về đường cũ. Những bông hoa bươm bướm ẻo lả nghiêng trong gió. Mầu tím đậm mướt như làn nhung mềm. Em khom người ngắt lấy mấy đóa, chút nữa chúng sẽ nằm trong cốc thủy tinh nhỏ trên bàn học của em. Lá cây còn trĩu hạt sương, em trút lấy một giọt vào lòng tay, trong không khí buổi sáng em ngửi thấy cả mùi đất ấm, mùi sương thơm tho rất thầm.
Ngôi nhà đã mở cửa, chị Hai đang lau nền gạch bằng cây lau dài. Em bước về phòng với mấy bông hoa tím trong tay, chị Hân vẫn còn ngủ. Không khí trong phòng ấm áp hẳn lên so với bên ngoài; em vẫn mãi mặc nguyên áo choàng và khăn len loay hoay cắm mấy bông hoa vào chiếc cốc nhỏ. Thân hoa ẻo lả quá cứ nghiêng ngả hoài làm em không vừa ý. Có đến mười phút sau em mới tạm hài lòng đặt cốc hoa vào góc bàn học, em nhẹ nhàng lấy vở ra để chị Hân khỏi thức giấc. Buổi sáng học hành rất tốt vì đầu óc qua một đêm ngủ thoải mái rất sáng suốt. Mở quyển vở ra rồi nhưng em chưa học vội, mắt em còn bận ngắm cánh hoa tím đậm nuột nà trên làn thủy tinh trong suốt. Mầu tím u buồn biết bao nhiêu. Em ngó một lát rồi cắm đầu vào vở, thôi rán học cho xong, còn thiếu gì ngày giờ để ngắm hoa.
Sáng nay em học Việt Văn, môn học tương đối dễ chịu và khá nhất của em. Còn mấy bài Cổ Văn phải bình và một bài thuyết trình dài ngoằng chưa làm xong nữa. Em thở ra một hơi dài, vớ lấy cây bút với quyển vở nháp hí hoáy viết. Mấy bài văn điển tích tùm lum, học mệt quá chừng. Phải nhận rằng từ lúc lên Đà Lạt em học khá hẳn ra. Bớt làm việc, có đầy đủ tiện nghi và yên tĩnh em học rất nhanh, em nghĩ thầm như thế không trách nhà bác Khanh ai cũng giỏi hết.
Đang cắm đầu vào mấy quyển vở em không nghe tiếng gõ nhẹ ở cửa phòng cứ say mê nghiên cứu mấy câu thơ hoài. Mãi đến lúc cửa mở tung ra, anh Hoàng vừa cười vừa la lên với cây đàn trong tay em mới giật mình ngó lại :
- Trời ơi, Khánh, hai chị em làm gì giờ này còn rúc trong phòng gõ cửa mãi không thấy ra làm anh tưởng hai cô bất đắc chí tự tử rồi chớ, may quá chưa cô nào dại dột chết cả.
Em mỉm cười nói se sẽ :
- Anh Hoàng chỉ nói tếu là giỏi, chị Hân ngủ chưa dậy anh đừng làm chị ấy thức bây giờ.
Năm ngón tay anh Hoàng búng thoăn thoắt trên các phím đàn, âm thanh nghe vang ầm trong phòng, anh cười ha hả :
- Giờ này ai cho ngủ nữa mà ngủ, Ngọc Hân dậy đi, con gái gì mà ăn bơ làm biếng thế. Dậy lau nhà quét sân dọn bàn ghế ly tách đi thôi.
Chị Hân mở đôi mắt chẳng có vẻ gì là mới ngủ dậy lườm anh Hoàng một cái. Chị nằm nguyên trên giường môi chu lại :
- Ai cho phép anh vào đây, lau nhà rửa bát là phận sự của anh cơ mà, đi ra ngoài cho người ta ngủ không ?
Anh Hoàng la lên :
- Giời ơi, con gái thế thì có ai dám rước về nhà không. Dậy mau đi, thiên hạ đang chờ coi mắt cô ngoài kia kìa :
Chị Hân bĩu môi rất dễ thương :
- Phiền anh ra nói là Hân ngủ chưa dậy, mắt còn xấu xí vì chưa rửa không đáng coi đâu.
- Không sao, không sao, dù là mắt cô còn dính ghèn đi nữa cũng được kia mà, dậy mau đi.
- Không !
Anh Hoàng bước đến lôi chiếc chăn của chị Hân đi :
- Xem cô có dậy không cho biết.
Chị Hân cũng không vừa, chị quay mình cuộn tròn kín mít cả đầu lẫn chân, nom chị buồn cười như đang ở trong bao tải.
- Không.
Anh Hoàng đổi chiến thuật, anh buông chăn quay sang em :
- Mình đi vậy Khánh, sáng nay điểm tâm có trứng chiên bơ với mứt ngon ác liệt, mình ăn mau kẻo hết.
Chị Hân nói vọng từ trong chăn ra ngoài :
- Ai mà thèm, hôm nào cũng điểm tâm bằng mấy thứ đó, chán ngấy.
Anh Hoàng tỉnh bơ như không nghe, anh nói tiếp :
- Xong rồi tám giờ mấy thằng bạn anh đến chở đi picnic trong rừng, có các cô với chương trình nấu ăn hòa nhạc hấp dẫn vô cùng. Sáng đi chiều về. Đi ăn điểm tâm rồi thay áo nhanh đi Khánh.
Chị Hân la lên một tiếng, gì chớ đi chơi thì chị mê nhất trên đời, chị đi suốt ngày không biết mệt. Anh Khải thường nói chân chị có bánh xe lăn hoài, đứng một chỗ thì té chết. Câu nói của anh Hoàng quả nhiên đã khơi đúng nhược điểm của chị Hân. Chị tung chăn bật dậy như lò xo.
- Xong rồi, Hân đi ngay, anh Hoàng khỏi phải lôi kéo cũng đi. Đồ ác, thế mà không báo trước để Hân sửa soạn.
Anh Hoàng cười hà hà, đôi mắt nheo lại :
- Giá cô chịu thức sớm một chút thì đâu có lật đật.
Chị Hân lườm anh, giọng đanh đá :
- Hân không thèm cãi với anh, rồi Hân mách anh Khải anh là người không biết điều.
- Anh Khải nào mà bênh người hư như cô.
Chị Hân bĩu môi đi ra khỏi phòng, anh Hoàng nhìn theo chị vừa cười vừa lắc đầu nói một mình :
- Con bé thế thì thôi, nghe đến đi chơi là sáng mắt ra, hỏng.
Anh quay sang em với nụ cười tươi tắn :
- Phải thế không Khánh ?
Em mỉm cười không nói đầu vẫn cúi vào trang sách, em biết anh chỉ nói để mà nói vậy thôi, chị Hân lúc nào lại chả được cưng nhất. Bên tai em tiếng đàn anh Hoàng vẫn nhẹ nhàng reo, sáng nay, dây đàn chỉ lựa những cung bậc reo vui.
*
Uống hết ly chocolat phần mình em đứng dậy rời khỏi bàn ăn, anh Khải nhìn em cười hóm hỉnh :
- Vội đi chơi thế à, các cô thì lúc nào cũng nhắng lên quần với áo, càng tốt, thế anh đỡ phải chờ.
Em cười nhẹ không đính chính, anh Khải ngỡ em nôn đi chơi nên ăn nhanh. Sự thật không phải thế. Ở nhà bác Khanh các bữa ăn thường kéo dài, em không muốn ngồi lại nói chuyện vu vơ. Tính em ít nói, em cũng không ưa nghe chuyện nên thường em là kẻ rời bàn sớm nhất. Câu chuyện đi chơi giữa chị Hân và anh Khải anh Hoàng đang đến hồi sôi nổi. Chị Hân hoạch định chương trình theo ý mình và hăng say bênh vực nó. Em mặc kệ ai nói gì thì nói cứ lẳng lặng trở về phòng.
Nắng đã làm tan bớt lớp sương mù dầy đặc, qua khung kính trong hàng cây xanh hiện rõ hơn, con đường nằm uốn khúc theo vòng bờ hồ vắng lặng bóng người. Em đứng ngẩn một chút rồi ngồi vào bàn giở lại bài học dang dở. Không khí yên lặng dễ chịu, em dồn hết tâm trí vào bài vở, thích thú với những điều hiểu biết mới lạ. Một lúc lâu cửa phòng mở ra thật mạnh rồi chị Hân bước vào bằng những bước hối hả, chị la lên :
- Rồi chưa Khánh, xong chưa. Trời ơi, giờ này mà cắm đầu vào mấy quyển sách à.
Chị nắm lấy vai em giật mạnh một cái:
- Bỏ đi, Khánh, thay áo đi chơi.
Em ngừng bút ngước mắt nhìn chị :
- Em không đi đâu, chị Hân thay áo một mình đi.
Đôi mắt chị Hân tròn lại :
- Sao lại không ?
Em mỉm cười không nói cúi xuống quyển vở, chị Hân giữ tay em lại :
- Đi chơi với chị, Khánh.
- Em bận học.
- Học gì, hôm nay chúa nhật.
- Chúa nhật cũng phải học, bài nhiều lắm chị Hân.
- Đi chơi rồi về làm.
- Thôi, em không thích đi đâu.
Đôi môi chị Hân hơi mím, vòng môi dưới bĩu bĩu ra thật xinh :
- Khánh lúc nào cũng học với học, đi chơi thôi.
- Không, chị Hân thay áo đi không muộn.
- Khánh khó nói quá.
Em hơi nhíu mày yên lặng nhìn xuống, em không thích ồn ào như chị Hân, em xa lạ với đám bạn sang trọng và náo nhiệt của chị. Lẫn lộn trong lớp người đó em thấy mình bị lạc loài thua kém. Chị Hân thường kéo em đi chơi chung với chị. Em sợ mình sẽ bị lôi cuốn bởi sự phù phiếm rông dài của lớp bạn bè chị. Không bao giờ em quên me gửi em lên Đà Lạt để chăm chỉ học hành chứ không phải để em tập tành một đời sống xa hoa. Em sợ khi em bị quyến rũ với nếp sống dư dật quen thói khi trở về cạnh me nghèo nàn và em Vũ tội nghiệp em không còn là em nữa. Không, em muốn em bao giờ cũng là em, là Khánh yêu quý của me. Khánh tầm thường và bình lặng.
Anh Khải thò đầu vào hỏi lớn :
- Rồi chưa, hai cô nhỏ ?
Mặt chị Hân chừ bự :
- Khánh không đi.
Anh Khải bước hẳn vào phòng :
- Sao Khánh lại không đi, còn Hân, giờ này mà mặt mũi tóc tai thế kia à, tụi nó đến rồi, nhanh lên.
Chị Hân nói dấm dẳn :
- Khánh nó nói mắc học không đi.
Anh Khải ngó em, em cúi đầu im lặng trước cái nhìn của anh, anh hỏi :
- Khánh không muốn đi hay bận học thật ?
Em gật đầu một cái không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Chị Hân như giận em, chị đi thay áo mà mặt mũi buồn xo, chị không thèm nói thêm tiếng nào nữa hết. Anh Khải đứng tựa bàn, tay cầm một ống sáo dài, anh thổi sáo hay và buồn dễ sợ. Hôm nay chắc là vui, cây đàn của anh Hoàng, tài thổi sáo của anh Khải và giọng hát của chị Hân hẳn phải nổi bật. Một nỗi xao xuyến dâng lên trong lòng em, thật sự em cũng phải kìm hãm ý muốn của mình đi, vui thật đấy nhưng em cố gắng giữ lòng đừng ham muốn, em không nên và không có quyền ham muốn như thế. Có lẽ, em khắc nghiệt với chính mình, dù sao, đó cũng là một điều có ích cho em.
Chị Hân chải tóc xong không buồn nhìn em chị nói cụt ngủn :
- Mình đi anh Khải.
Anh Khải ngập ngừng nhìn hai chị em, bỗng anh nói bằng giọng dịu dàng :
- Khánh nó có ý thích của nó, Hân.
Chị Hân lãnh đạm :
- Hân có nói gì đâu.
Anh Khải hơi gật đầu, anh nói với em khi chị Hân lạnh nhạt bước ra khỏi phòng :
- Anh hiểu em, Khánh, như thế cũng tốt. Nhưng em không nên ép mình quá. Đời sống không thu gọn trong một vỏ sò cố định nào. Hân với em khác nhau.
Anh mỉm cười :
- Dù sao, em có ý chí như vậy rất hay. Em chắc là sẽ không buồn sáng nay chứ.
- Dạ không, nếu em thích ở nhà thì làm sao em lại buồn được.
Anh Khải lại cười :
- Em hay lắm, thôi rán mà học, anh đi đây.
- Dạ.
Không hiểu sao khi anh Khải ra khỏi phòng em bỗng buông bút nghĩ ngợi. Đời sống không thu gọn trong một vỏ sò cố định nào. Anh muốn ví em là một con sò. Bỗng nhiên em thở dài se sẽ, trong nhà anh Khải là người hiểu em và hợp tính với em hơn cả. Điềm đạm, khoan dung, đó là những đức tính tốt của anh. Anh nói đúng, có lẽ em ép mình. Nhưng làm sao bây giờ hở anh Khải. Hãy tự ép buộc mình hơn là một ngày nào đó sẽ bị người ép buộc còn khổ sở hơn. Điều đó có đúng hay chăng, có lẽ, câu trả lời không còn xa lắm nữa.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét