Viết về nhạc sĩ Phó Quốc Thăng
Thanh Trang
Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng năm nay, 2009, 81 “tuổi Tây”. Ông sinh năm 1928 (“Mậu Thìn”) tại Hà Nội, lớn lên tại đấy cho đến năm 18 tuổi, tham gia “Kháng Chiến” cho đến 1952 thì về Hải Phòng; ở đấy cho đến năm 54 thì di cư vào Nam, sinh sống tại Saigòn. Năm 75 ông cùng vợ con, 2 gái một trai, qua Hoa Kỳ, định cư ở San Francisco nơi bà Thăng tiếp tục làm việc với “Bank of America”; cho đến năm 1979 thì cùng vợ con dời qua Texas do tình trạng sức khỏe của bà Thăng. Vợ qua đời năm 1982, ông ở vậy cho đến nay, hiện sống với người con trai út.
Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng lớn hơn tôi “một-Giáp-cộng thêm-hai năm”. Hồi ông di cư vào Nam, cư ngụ tại Sàigòn thì tôi mới có mười hai tuổi! Cho dù thời đó mà nhà bố mẹ tôi có là láng giềng với ông thì tôi cũng chưa đủ “vai vế” gì để quen biết ông vì ông lo chuyện người lớn còn tôi thì lo chuyện con nít! Năm tôi mười bốn mười lăm tuổi, bắt đầu tập tễnh đánh ghi-ta thì duyên cớ thế nào mà trong mớ bài hát tôi có ở nhà để cứ thế mà đàn lui đàn tới lại có bài “Hoàng hôn bên sông” của Phó Quốc Thăng. Dạo đó thì hàng ngày nghe Ðài Phát Thanh Quốc Gia và Ðài Quân Ðội tôi vẫn nghe người ta hát cái bài này tương đối thường xuyên. Do nghe riết như thế và từ nghe đến thích cái giai điệu cho nên tôi mới đi mua bài hát đó mang về nhà! Cũng thời đó, cũng qua các đài phát thanh, tôi nghe người ta hát đi hát lại bài “Cung đàn lữ thứ”, cũng của Phó Quốc Thăng nhưng cộng thêm tên của một tác giả thứ hai nữa là ông Huyền Linh! Thì cũng lại duyên cớ thế nào đấy tôi nghe bài “Mưa đêm” điệu “Tango” của ông Huyền Linh mà tôi rất thích cho nên ở nhà cũng có cả bài hát ấy! Tất nhiên là NS Phó Quốc Thăng còn nhiều bài khác nhưng thời ấy thì tôi chỉ thích nghe có ba bài “Hoàng hôn bên sông”, “Cung đàn lữ thứ”, “Khúc nhạc hoài hương” vì tôi chỉ thích, cho đến bây giờ, những bài hát có nội dung và âm hưởng kiểu “xa vắng, man mác” như thế! Và nhắc đến bài “Khúc nhạc hoài hương” thì thời đó tôi cũng thích nghe hai bài hát của một ông “Phó Quốc” khác là bài “Hương lúa miền Nam” và bài “Xuân ly hương” của Phó Quốc Lân, em của ông Thăng! Giờ này đây mà cứ mỗi lần tôi ngồi đàn những bài hát ấy (từ năm 75 đến giờ ít có ca sĩ nào - dù “nổi tiếng” đến đâu - chịu hát mấy bài đó; cái “gu” của đám ca sĩ -dù “nổi tiếng đến đâu”- đó rõ ràng là khác với tôi về mặt âm nhạc) thì vẫn cứ hiện lên trong tôi những hình ảnh cùng cảm xúc thật chập chờn, cũ kỹ của hơn một nửa thế kỷ đã qua!
Từ cái thuở mười bốn mười lăm đó cho đến mãi về sau, cho đến tận bây giờ, và chắc chắn cho đến hết đời mình thì tôi vẫn quyến luyến với âm nhạc! Cho đến ngày bắt đầu sáng tác thì “Thầy dạy nhạc” chủ chốt của tôi không phải là sách vở âm nhạc hay những con người bằng xương bằng thịt mà tất nhiên là tôi đã từng phải tiếp cận để học hỏi! “Thầy dạy nhạc” của tôi là tất cả những giai điệu đẹp đẽ của cả nghìn bài hát hay nhạc phẩm mà tôi đã từng nghe qua kể từ năm tôi lên sáu, khi bắt đầu thuộc lòng giai điệu của những bài như “Mơ hoa” của Hoàng Giác, “Khúc nhạc ly hương” của Lâm Tuyền”, “Ðoàn quân đi” của Việt Lang khi xưa! Ðã từng có người trong giới văn học đưa ra ý kiến là muốn làm thơ hay thì trước hết hãy thuộc lòng toàn bộ các tập “Truyện Kiều”, “Chinh Phụ Ngâm Khúc”, “Cung oán ngâm khúc” cùng tất cả những bài thơ đã được đưa vào “Văn Học Sử” nước nhà, rồi thì cái vụ “niêm luật” hay “bằng trắc” này nọ, chả cần ai dạy bảo, chúng cũng sẽ cứ từ từ mà đến! Ðã có người đưa ra luận điểm như thế! Những ai không khoái cái luận điểm kiểu như vậy cho lắm thì tất nhiên vẫn cứ tiếp tục làm “thơ” mà bất chấp niêm vận, bất cần “ý cho ra ý”, “tứ cho ra tứ”!
Viết ra điều ở trên thì có nghĩa là “vốn liếng về âm nhạc” của riêng tôi có cả giai điệu những bài hát được liệt kê ở phần trên. Nhạc sĩ Hoàng Giác khi nghe những bài hát của tôi thì đã có ý kiến rằng “Nhạc của anh có âm hưởng rõ nét của nhạc Tiền Chiến”! Ông nhận xét không sai mảy may! Tôi chịu ảnh hưởng từ giai điệu những bài hát của tất cả những con người đó!
Chỉ có điều là hai chữ “Tiền Chiến” không nên được hiểu theo nghĩa niên lịch! Nên hiểu đó như một “dòng nhạc” được tiếp nối từ thuở khai sinh của nền Tân Nhạc Việt Nam cho đến hết cuộc đời hoặc sự nghiệp âm nhạc của những Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng, Văn Phụng, Vũ Thành, Phạm Ðình Chương, Ðan Thọ, Y Vân, Lâm Tuyền, Anh Việt, Lam Minh, Phó Quốc Thăng, Phó Quốc Lân, Huyền Linh, Hoàng Thi Thơ, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Ngọc Bích, Dương Thiệu Tước, Tô Vũ, Nguyễn Văn Khánh, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Thiện Tơ, Chung Quân, Thanh Châu, Lê Trọng Nguyễn, Tuấn Khanh; nói theo tiếng Anh là: “Just naming a few!”
Tôi viết về nhạc sĩ Phó Quốc Thăng thì tinh thần nói chung cũng như thể tôi viết về tất cả mấy ông đó!
Tất nhiên là từ thời gọi là “Tiền Chiến” cho đến năm 1975 thì vẫn có những người sáng tác không viết nên những nét nhạc tương tự như dòng nhạc của đám “Tiền Chiến” nhưng vì đang đệ cập đến trường hợp của nhạc sĩ Phó Quốc Thăng cho nên tôi chỉ nhấn mạnh đến nét nhạc “Tiền Chiến” nơi những tác phẩm đầu tay của ông và vẫn tiếp nối cho đến mãi về sau này!
Sơ lược về quá trình hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của ông Phó Quốc Thăng
- Sinh năm 1928 tại Hà Nội. Ông ở đấy cho đến năm 18 tuổi thì tham gia “Kháng Chiến”. Thời gian tham gia kháng chiến thì ông hoạt động tại Nam Ðịnh, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, coi như hết cả vùng Việt Bắc. Năm 52 ông rời bỏ kháng chiến, quay về Hải Phòng. Từ Hải Phòng, năm 54 ông di cư vào Nam, sinh sống tại Saigòn. Năm 75 ông cùng vợ con di tản qua Hoa Kỳ; những năm đầu tiên sinh sống tại San Francíco, bang California. Ðến năm 1979 ông lại cùng vợ con di chuyển qua Texas và vẫn ở đấy cho đến tận ngày hôm nay sau khi ông đã chịu một sự mất mát lớn vào năm 1982 khi người bạn đời của mình qua đời!
- 14-15 tuổi: Học đàn Hạ - uy - cầm, chủ yếu là với bạn bè và tự học.
- 17 tuổi: Học lớp ký- âm-pháp với Hội “Trí Tri” ở Hà Nội.
- 18 tuổi: Học ghi-ta với Tạ Tấn nhưng được có vài tháng thì phải ngưng học do tình hình chiến sự; sau đấy thì ông tự học qua sách vở (quyển dạy ghi-ta của “Carulli”).
Cũng năm này ông đi theo “Kháng Chiến”.
- Năm 1950: Học về sáng tác với Tạ Phước (bạn cùng học với ông thời đó là Trịnh Hưng, Ðan Thọ). Ðều đáng lưu ý: Ông nói rằng trước đó ông cũng đã tập tễnh sáng tác nhưng sau khi học thì nhìn lại thấy hầu hết là sai quy cách do đó ông dẹp bỏ hết, coi như không có! (Cái việc sáng tác từ không có học và sau khi có học của con người ta rõ ràng phải có sự khác biệt là như thế!)
- 1952: Về Hải Phòng. Cùng một nhóm bạn văn nghệ như Huyền Linh và Hoài An thành lập ban “Sông Ngự”, rồi sau đó: ban “Lửa Hồng” để phụ diễn ca nhạc tại những rạp chiếu bóng trước khi người ta cho chiếu phim.
-1954: Học đàn Hạ-uy-cầm với William Chấn. Sau đấy, di cư vào Saigòn thì ông lại tiếp tục học với William Chấn ba bốn phen nữa, mỗi lần “cả năm” theo lời ông kể!
Thời gian này, ông chơi đàn ở Ðài Quân Ðội và Ðài Phát Thanh Saigòn. Thời gian này (từ cuối thập niên 50 đến cuối thập niên 60) ông cũng dạy nhạc ở những nơi như trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn tại Saigòn.
- 1970: Người em trai của ông, nhạc sĩ Phó Quốc Lân, phụ trách công việc ở đài truyền hình. Ông Phó Quốc Thăng cùng em mình tổ chức các nhạc đoàn cho đài truyền hình.
(1972: Do tình hình chiến sự, chính phủ không cho chơi nhạc loại “ủy mị” trên đài truyền hình. Nhạc sĩ Phó Quốc Lân bỏ, không còn cộng tác ở đài truyền hình).
- 1975: NS Phó Quốc Thăng cùng vợ con di tản qua Hoa Kỳ. Thoạt đầu định cư ở San Francíco.
- 1979: Cùng vợ con dời qua Texas. Một trong các lý do của sự di chuyển có liên quan đến tình trạng sức khỏe của vợ ông. Thời gian còn ở San Fran., ông cùng với Huỳnh Anh chơi nhạc ở các tụ điểm văn nghệ cho các ca sĩ như Thanh Thúy, Khánh Ly, Mai Lệ Huyền... hát.
-1982: Vợ qua đời! Cho đến năm 1989 ông hầu như là “không đụng đến nhạc”!
-1989: Có người bạn văn ra mắt sách. Ông tham dự, thấy trong buổi “phụ diễn văn nghệ” có người, đã từng ra CD, đàn Hạ-uy-cầm; ông nghe thấy “thường quá” nên “thong dong lại giở ngón đàn ngày xưa “!
-1990-1995: Cùng lúc với việc mở lớp dạy nhạc tại tư gia ở Houston, ông cộng tác với đài truyền hình Houston, chương trình Việt ngữ, phụ trách khâu sắp đặt chương trình cho các ca sĩ như Dalina, Ðức Huy, v.v.
Tác phẩm:
- “Vọng Chu Giang” (1950).
- “Hướng về đất Bắc” (1953).
- “Cung đàn lữ thứ” (1953; chung với Huyền Linh).
- “Hoàng hôn bên sông” (1956).
- “Dựng một mùa Hoa” (1956; chung với Hoài An, tuy tác giả cho biết là bài này thực sự do Hoài An sáng tác xong rồi đưa cho ông “nhuận sắc”).
- “Khúc nhạc hoài hương” (1956).
Ngoài những bài hát tiêu biểu như đã được người nghe nhạc biết đến vào thời các thập niên 50 cho đến đầu 60 thì còn những ca khúc khác được xuất bản chung trong tập nhạc “Cung Rê Buồn” vào năm 2001 ở Houston, Texas. Bài “Cung Rê buồn” là điển hình!
Chuyện trò với tác giả, tôi nói: “Thưa anh! Khi người ta trò chuyện với một nhạc sĩ thì cái câu hỏi thường được nêu ra là “Bài hát nào ông hay bà cảm thấy ưng ý nhất?’ Em sẽ không hỏi anh câu đó, bởi mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần của người sáng tác. Hỏi như vậy thì cũng chả khác nào hỏi: ‘Ông có năm bảy người con gì đấy, ông thương đưa nào nhất?’ Mỗi bài hát, theo suy nghĩ của em, đánh dấu một cảm xúc nhất định nào đấy vào một thời điểm nhất định nào đấy! Người nghe một bài hát, tùy ‘khẩu vị,’ trình độ thẩm âm của mỗi người, tùy kỷ niệm riêng tư nơi mỗi con người đều nhất thiết phải có sự khác nhau giữa người này với người khác, và nhất là giữa người nghe bài hát và tác giả. Có bài hát một tác giả làm ra và đặc biệt ‘ưng ý’ thì người nghe có khi người ta lại thích bài khác! Vậy thì câu hỏi em nêu ra là như sau: Giả sử như có một nhóm người người ta tổ chức một buổi trình diễn ca hát rất quy mô, rồi người ta đến gặp anh và đặt vấn đế như sau: ‘Chúng tôi sắp tổ chức một buổi trình diễn ca nhạc tại một thính đường có khả năng chứa hai nghìn thính giả. Vì chương trình gồm những bài hát của nhiều tác giả khác nhau cho nên đối với những bài hát của ông, nếu như ông chọn lấy ba bài để chúng tôi xếp vào chương trình thì ông dự tính chọn những bài nào?’”
(Tôi cần “diễn ý” cho câu hỏi của mình dài dòng như thế để ông hiểu thật rõ ràng cái ý tôi muốn hỏi!)
Ông Phó Quốc Thăng trả lời câu hỏi dài lòng thòng của tôi gần như là tức thì:
“Tôi sẽ chọn ba bài ‘Hướng về đất Bắc’, ‘Vọng Chu Giang’ và ‘Cung Rê buồn!’”
Trung thành với quan điểm riêng của tôi về mặt ấy, tôi không hỏi cái câu tôi cho là “ngớ ngẩn”: “Xin anh cho biết lý do?” Tôi chỉ hỏi: “Thế còn ‘Cung đàn lũ thứ’, ‘Hoàng hôn bên sông’ là những bài mà tuyệt đại đa số thính giả thời xưa đều đã có dịp nghe quen tai thì sao?, bởi khán thính giả đi xem và nghe ca nhạc thì đầu phải người nào cũng thuộc cái lứa của thời ‘Sông Chu’ ở đất Bắc?” Ông trả lời:“Những bài hát tôi chọn đều thực với lòng tôi nhất”! Ðiều lý thú là ông lại thêm: “Vả lại cái tiết điệu tôi có thiện cảm nhất là điệu ‘Slow Rock’ chứ tôi không mấy thích điệu Rumba hay Boléro!” Ðến đấy thì tôi mới hỏi cái câu: “Xin anh cho biết lý do?” Ðáp: “Cái hồi những năm của thập niên 60 ấy mà, ở Sàigòn xuất hiện quá nhiều bài hát theo tiết điệu Boléro theo các âm giai Mineur; bài hay thì cũng có đấy thế nhưng bài mà người nghe người ta thường gọi là ‘nhạc máy nước’ thì cũng nhiều, do đó tôi đâm ra có định kiến, tuy những nhà xuất bản như An Phú vẫn nói với tôi: ‘Ông cứ việc viết bài hái theo Bolero; bao nhiêu chung tôi cũng mua’, nhưng tôi không làm!”
Tôi hỏi tiếp: “Cái vụ nhớ nhung đất Bắc, nhớ sông Chu của anh thì em cũng là dân ‘Bắc-Kỳ-cũ’, vào Nam theo Bố Mẹ từ trước 54, cho nên em có thể cảm nhận được dễ dàng, tuy chẳng mấy thính giả nào ngày nay biết đến hai bài ấy, nhưng với ‘Cung Rê buồn’ thì anh có kỷ niệm đặc biệt gì với cái bài đặc sệt thuộc loại ‘Tình Khúc’ đó hay không? Anh chọn nó làm tựa để cho cả tập nhạc của mình thì đâu có phải là chuyện chơi? Em cần biết là bởi xưa kia anh sở trường về những bài hát nói về tình quê hương, tình bạn bè, về thiên nhiên chứ đâu có thiên về thể loại ‘Tình Khúc?’”
Ðáp: “Ấy là vào thời điểm của năm 90, thời tôi cộng tác với đài truyền hình ở Houston! Lúc ấy thì nhà tôi đã qua đời được trên dưới tám năm, tôi năm ấy sáu mươi hai! Tôi quen biết một cô còn rất trẻ, cũng đàn piano/Keyboard trong một chương trình của đài! Mình là người yêu nhạc, thấy người ta vừa xinh xắn và nhất là cũng chơi đàn cho nên mới đem lòng yêu. Nhưng yêu theo cái nghĩa của ‘tình nghệ sĩ’ ấy mà; bởi biết là nào có đi đến đâu? Từ đó mới có bài ‘Cung Rê buồn!’”
Tôi nói: “Bài hát anh viết năm 90 hoặc sau đó không bao lâu. Mãi đến mười năm sau anh mới xuất bản tập nhạc ‘Cung Rê buồn’. Rồi bây giờ, tức là hai mươi năm sau anh vẫn còn coi đấy như bài hát thực với lòng mình nhất! Mối tình nghệ sĩ của anh xem ra keo sơn lắm chứ đâu có cái kiểu ‘Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vườn muôn ý thơ’ của hai ông Ðoàn Chuẩn và Từ Linh? Ðấy là cái kiểu của Nguyễn Văn Khánh với: ‘Yêu ai yêu cả một đời’ hoặc ‘Yêu ai ai hiểu được lòng’ trong bài ‘Nỗi lòng’ hoặc cái kiểu như ‘Hồn em có cùng người chứng minh, anh bước ra đi luyến tiếc hoài, đời còn có em nay là thôi’ trong bài ‘Chiều vàng?’”
Ông nói: Tôi có đàn bài “Nỗi lòng” với cây đàn Hạ-uy-di trong ngày cưới của con gái tôi trước đây. Tuy tôi có giải thích với những người dự buổi tiệc cưới rằng đấy là nỗi lòng của một người cha đối với một người con!”
Tuy tôi nghĩ rằng chả có người nghe nào mà lại chịu hiểu theo cái ý như ông giải thích, thế nhưng tôi vẫn không nói ra!
Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng vẫn sống vui với tuổi già của mình ở Houston. Ông vẫn duy trì lớp dạy nhạc tại tư gia. Ông có ba người con, hai gái một trai, năm nay - 2009 - tuổi từ 38 đến 41. Hai người con gái đều đã có gia đình. Ông hiện sống với con trai út chưa lấy vợ!
N.S. Thanh Trang
Nam Cali., đầu Mùa Xuân 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét