Vài nét về nhạc sĩ PHƯỢNG LINH - NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Nguyễn Văn Đông là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình ở Sài Gòn trước 1975, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng. Ông còn một vài bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà, Đông Phương Tử.
Nguyễn Văn Đông sinh năm 1932 tại quận 1, Sài Gòn, nhưng nguyên quán ông ở Lợi Thuận, Bến Câu, Tây Ninh.
Nguyễn Văn Đông từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 1975. Trong thập niên 1950, Nguyễn Văn Đông nổi tiếng khi ông là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim... Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1958, Nguyễn Văn Đông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Sài Gòn, gồm những danh ca nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc... Năm 1959, Nguyễn Văn Đông là trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc ở cấp quốc gia, đã huy tụ trên 40 đoàn văn nghệ đại diện cho cả miền Nam cùng tranh giải suốt 15 ngày đêm tại Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải âm nhạc quốc gia, một giải thường do bà Trần Lệ Xuân trao tặng.
Nguyễn Văn Đông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân... cho ra đời nhiều chương trìng ca nhạc, các vở tuồng, cải lương. Chính Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với album Sơn Ca 7, Thái Thanh và ban Thăng Long Sơn Ca 10, Lệ Thu với album Sơn Ca 9, Phương Dung Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh Sơn Ca 6, Sơn Ca Sơn Ca 8... và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.
Nguyễn Văn Đông từng nhập ngũ, trước 1975 giữ chức vụ đại tá trong Quân Lực Việt Nam Công Hòa. Ông đã viết nhiều nhạc phẩm về người lính miền Nam khi đó như Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Lá thư người lính...
Nhạc phẩm Phiên Gác Đêm Xuân được Nguyễn Văn Đông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi ông phải xa nhà, gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. Chiều Mưa Biên Giới ra đời 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dặm Sơn Khê đã từng gây cho ông nhiều khó khăn khi bị Bộ Thông tin Sài Gòn ra quyết định cấm phổ biến vì lý do phản chiến vào năm 1961. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp còn mang tên Hàng hàng lớp lớp nổi tiếng qua tiếng hát của Hà Thanh, thường bị nhầm lẫn thành Khúc tình Kinh Kha của Phạm Duy. Hà Thanh cũng chính là ca sĩ trình bày thành công nhất các nhạc phẩm của ông.
Nguyễn Văn Đông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà, ký tên trên một số nhạc phẩm tình cảm như: Khi Đã Yêu, Thầm Kín, Niềm đau dĩ vãng, Nhớ Một Chiều Xuân... Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 như: Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng.
Sau 1975, Nguyễn Văn Đông có đi học tập, cải tạo 10 năm và ngừng sáng tác. Năm 2004, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa Thông tin đã cho phép phổ biến 10 ca khúc của ông là Niềm đau dĩ vãng, Về Mái Nhà Xưa, Cay Đắng Tình đời Tình đầu xót xa, Vô Thường, Đom Đóm, Nhớ Một Chiều Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Tình cố hương, Khúc xuân ca. Hiện ông sống tại thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét