Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Chuyến đò chở nặng ân tình - PHẠM MINH CẢNH (Lời)




Nhạc Sĩ Phạm Minh Cảnh, tác giả nhiều bài hát quen thuộc ở Saigon trước 1975 giờ sống ra sao? ở đâu? 
Trần Quốc Bảo
Từ trái sang phải: Nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, Trần Quốc Bảo, nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh chụp tại khách sạn Hương Việt (Bình Thạnh) mùng 3 Tết Bính Tý năm 1996. Ảnh phải của NS Phạm Minh Cảnh do nhạc sĩ Ngọc Sơn chụp.

Trong số những bài hát được sáng tác ở miền Nam thập niên 50-70, có giòng nhạc Phạm Minh Cảnh. Nhiều ca sĩ nổi danh ngày ấy đã thu âm một số ca khúc của Anh như Thanh Thúy (thu âm bài Lá Rụng Về Cội), Chế Linh & Thanh Tuyền (Tình Cũ Nghĩa Xưa), Đào Hoa Nữ (Nhớ Người Trong Tranh), Hương Lan (Xin Một Lần Bình Yên – thơ Thương Hoài Thương), Thanh Tâm & Phương Đại (Người Dưng Khác Họ), Sơn Ca (Con Sáo Sang Sông), Diệu Thanh (Chuyến Đò Chở Nặng Ân Tình) và Lệ Thu đã thu âm bài Nước Chẩy Qua Cầu, nhạc P.M. Cảnh, lời Y Châu, sau này tôi mới biết Y Châu là một tên khác của thi sĩ Tô Kiều Ngân đã qua đời ngày 20 tháng 10 năm 2012 tại Bình Thạnh. Sau 1975, nhạc của Phạm Minh Cảnh được một số đông ca sĩ trẻ thu âm lại như ca sĩ Như Quỳnh, Đăng Trường Phát, Kim Tử Long, Phương Dung, Trần Sang, Hoài Sơn, Hoàng Thơ, Cao Duy.. Nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh còn viết riêng một số ca khúc tân cổ cho các hãng dĩa và các đoàn cải lương.

Đã 40 năm qua, nhiều nghệ sĩ, đồng nghiệp năm xưa đi tìm nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh nhưng bóng Ông đã biền biệt phương nào? Lục lại một số hình cũ, người viết tìm được một bức ảnh đã chụp chung với tác giả Chuyến Đò Chở Năng Ân Tình cùng với 2 nhạc sĩ Thanh Sơn và Trương Hoàng Xuân tại khách sạn Hương Việt (Bình Thạnh) vào ngày mùng 3 Tết 1996 tại Saigon. Trước 75, khi làm việc bên Tâm Lý Chiến, Phạm Minh Cảnh chơi thân thiết nhất với Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Anh Việt Thu, Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng và Trương Hoàng Xuân. Trong số 6 người này, đã mất đi 4 người đầu, còn lại Đỗ Kim Bảng (sáng tác Bước Chân Chiều Chủ Nhật, Mưa đêm ngoại ô, Vòng tay giữ trọn ân tình..) thì đã sang Mỹ năm 1980, và người bạn thân duy nhất ngày xưa, chỉ còn Trương Hoàng Xuân, tác giả Xé Thư Tình, Kẻ Đến Sau, Bạc Trắng Lửa Hồng.. cho nên mỗi lần đi đâu, hai Ông thường rủ nhau đi chung.. Sau này, khi nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh về quê Vĩnh Long sinh sống, Ông mới không còn dịp gặp lại người bạn cũ.

Tấm ảnh 4 người chụp kỷ niệm ngày mùng 3 Tết Bính Tý năm 1996 là một kỷ niệm khó quên, bởi đó cũng là lần đầu tôi gặp được 2 anh Phạm Minh Cảnh và Trương Hoàng Xuân do tấm lòng tác giả Nỗi Buồn Hoa Phượng mời tới. Từ đó đến nay, 17 năm qua, tôi chỉ nghe tin anh về quê Vĩnh Long sinh sống, ngoài ra chẳng ai biết tin tức gì hơn. Trưa thứ hai tuần này (16/9), ca sĩ Thanh Thúy gọi báo tin đã tìm ra địa chỉ Ông kèm theo một tin thật buồn, đôi mắt nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh đã gần như mù lòa, tương tự như NS Khánh Băng, Nguyễn Hữu Thiết, Đỗ Thu ngày trước. Chị Thanh Thúy nhờ tôi chuyển về Vĩnh Long 100$ biếu nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh, tôi nhận lời, đồng thời gọi cho Phương Hồng Quế, kể lại hoàn cảnh Ông, Quế hoan hỉ nhận lời gửi biếu ngay tác giả Con Sáo Sang Sông 50$.

Khoảng 8g00 sáng thứ tư tuần này (18/9), trên đường dây điện thoại từ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, tiếng nói của nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh vui mừng reo vang khi nhận ra tiếng nói của tôi. Niềm vui lớn nhất, là sau nhiều năm bặt tin, những tình thân xưa đã bắt lại được những nhịp nối cũ. Món quà 200$ của Thanh Thúy, Phương Hồng Quế, TQB, Đạt Đoàn đã tới tận tay Ông. Ông cho biết: “Đôi mắt Ông giờ đã khô võng mạc, mọi thứ chung quanh hình ảnh nhập nhòa, tuy nhiên, mỗi ngày vì sinh kế vẫn phải đi làm”. Từ thời trai trẻ, Ông đã có nhiều nghề. Năm 18 tuổi (1957), ông theo học trung cấp kỹ thuật, trung cấp âm nhạc. Từ năm 1961-1962, tham gia viết báo ở Sài Gòn, là tổng thư ký toà soạn tạp chí Phim Kịch. Từ 1963-1967, ông làm việc cho Phòng Tâm lý chiến dưới quyền nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với một số nhạc sĩ khác như Nhật Bằng, Trần Thiện Thanh, thi sĩ Phạm Lê Phan.. Ngoài ra còn viết nhạc cho một số hãng băng nhạc, đĩa hát như băng Nghệ Thuật, băng Quê Hương, đĩa hát Continental cho đến 1975. Từ 1967-1971, ông là chuyên viên âm thanh điện ảnh Đài truyền hình Sài Gòn. Ông rất khéo tay, có tài vẽ đẹp. Nét vẽ của Ông từng xuất hiện trong một số tập nhạc của Phạm Duy, Từ Công Phụng, tập thơ Du Tử Lê. Sau 1975, Ông được lưu dụng làm việc tiếp tục với tài vẽ bảng in. Năm 2000, khi vợ đau nặng, Ông quyết định về sống luôn ở Vĩnh Long.

Hiện nay, ngoài giờ đi làm, Ông vẫn thích sống một mình trong cái chòi nhỏ sau nhà. Ở đó, vừa được yên lặng sáng tác, vừa để làm vườn. Nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh sinh năm 1939 (nhưng trong giấy tờ khai sụt đi 2 tuổi), trí tuệ còn sáng suốt lắm. Trên điện thoại, khi gọi về Vĩnh Long tìm Ông, Ông ngạc nhiên và hỏi lại: “Có phải Anh là con trai của CTG Huỳnh Liên không?”. Giọng nói sang sảng ấy, làm tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm buổi hội ngộ 17 năm về trước chúng tôi đã gặp nhau giữa cái Tết Saigon.

Mọi thư từ liên lạc với nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh, những tình thân năm xưa và bạn đọc có thể gửi về:

Nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh

231/15 Ấp Phước Lợi A

Xã Phước Hậu – Huyện Long Hồ

Tỉnh Vĩnh Long – Việt Nam

Hoặc điện thoại về 07038-50619 (nhà) hoặc 0909-859406 (di động)
Ảnh Phạm Minh Cảnh do Hồ Tĩnh Tâm, một thân hữu chụp



Ao cá và cái nhà chòi giữ vườn của nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh

(trích bài của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Viet Tide 
phát hành ngày thứ sáu 20 tháng 9 năm 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét