Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Em gắng chờ - HUỲNH ANH (Vũ khanh, Thái Thanh)




Tiếng hát THÁI THANH


Không chỉ một người, tiếp cận "hiện tượng" Thái Thanh từ góc độ "tiểu sử" (một tiểu sử "trải dài" vài thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước, mà chủ yếu là "đất nước" VNCH trước 1975) cùng toàn bộ gia tài đồ sộ (năm bẩy trăm) các ca khúc bà đã hát (từ dân ca, tình ca, đến tâm ca, bi ca, hoan ca, hùng ca, đạo ca, ...), đã gọi bà là tiếng "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". Cũng không chỉ một người, từ góc độ "thưởng thức ca nhạc", mệnh danh bà là "tiếng hát vượt thời gian", "giọng ca vàng không tuổi" - chính xác là "The Ageless Golden Voice", như được in trên bìa một băng nhạc SG xưa. (Chưa kể đến năm 1998 tôi được nghe một danh xưng nữa dành cho danh ca, từ miệng một giáo viên mới ở Hà Nội vào Sài Gòn: "Ở ngoài ấy người ta gọi Thái Thanh là Tiếng Hát Lên Đồng"!)

Những danh xưng ấy dành cho Thái Thanh tất nhiên không thuyết phục tất cả mọi người (Việt Nam), mà chỉ đúng đối với những ai yêu mến bà. Vì sao? Giọng hát của nữ danh ca này không dành cho những đôi tai (1) không chuộng các "âm tần cao", và/hay (2) không chuộng các "cường độ biểu cảm - đặc biệt là bi cảm - quá lớn" (gọi nôm na là "quá mùi"). Tuy nhiên con số những kẻ yêu (giọng hát) Thái Thanh là không nhỏ, và trong số ấy cũng không hề thiếu những tên tuổi lớn các nhà làm văn học nghệ thuật (như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến, danh cầm Nghiêm Phú Phi, nhà văn kiêm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Nguyên Sa, ...), cho nên những lời xưng tụng dành cho người ca sĩ ấy không thể "hàm hồ" được; chúng tất yếu phải "chính xác" và "xứng đáng". Trong chủ quan hạn hẹp của người viết bài này, tiếng hát Thái Thanh có thể ví như một "đặc sản", chỉ dành cho những kẻ "sành điệu", đồng thời cũng từ chối quyết liệt những ai không là "đồng điệu". Bạn sẽ nhăn mặt: "Làm gì có một đặc sản như thế"? Xin thưa rằng có: Quả sầu riêng! Đúng vậy, mặc ai có thể "bịt mũi xua tay", vẫn không hiếm người lõi đời "nghiện" nó, xem nó là "số Một", và nó luôn là một trong những loại quả "quí và đắt nhất". Vậy thì, vâng, có nhiều người tôi quen biết "nghiện" Thái Thanh (và nghiện cả sầu riêng)! Thậm chí đối với họ chỉ có mỗi một mình Thái Thanh biết "hát", còn những ca sĩ khác chỉ là "phát âm một cách khổ sở".

Tôi vẫn tin là bạn không cần nhìn các ca sĩ (Việt Nam) "làm trò" khi họ hát, mà chỉ cần nghe cách phát âm cũng đủ để phân biệt và xếp hạng họ là loại ca sĩ nào. Nhưng đối với Thái Thanh thì khác, bạn nên ngắm "khẩu hình" của bà lúc bà hát - cái cách bà cấu âm (articulate) từng "âm", từng "chữ" - chuyển động của má, môi, cơ miệng, lưỡi, hàm (răng) trên, hàm (răng) dưới, xương quai hàm (tất cả với ý thức duy nhất - và cũng cao nhất: sao cho mỗi "âm", mỗi "chữ" được "phóng thích" chuẩn xác, sắc cạnh, mãnh liệt, và biểu cảm nhất có thể) [*]; điều đó tác động cả đến đôi mày, cũng như vầng trán, và tất nhiên rồi, cả đôi mắt của người hát nữa. Mà không chỉ thế, hãy nhìn thanh quản ở cổ, nhìn hai vai, và tay, ... của bà. Có vẻ cách "phát âm" / "cấu âm" của Thái Thanh, bắt đầu từ "bộ máy phát âm", đã tác động hoàn toàn tự nhiên đến các cơ trên mặt, rồi lan tỏa toàn thân. Khi hát, Thái Thanh như "đang bơi", hay "đang bay", (theo nghĩa đen) trong âm nhạc, và toàn bộ ngôn ngữ cơ thể của người ca sĩ ấy toát lên thông điệp này: Được cất tiếng hát, đối với bà, là Tất Cả - là Sự Sống, là Hạnh Phúc vô bờ.
Theo youtube
Tiếng hát VŨ KHANH




Nhạc sỹ Huỳnh Anh trong Paris By Night 74
Thứ sáu, ngày 13/12/2013, nền tân nhạc Việt Nam lại chịu thêm một mất mát lớn khi chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một trong những nhạc sỹ có dấu ấn khó phai mờ: nhạc sỹ Huỳnh Anh. Vậy là thêm một nhạc sỹ lão thành đi về miền cực lạc, cùng vớiPhạm Duy (01/2013), Văn Giảng (05/2013), Hoàng Hà (09/2013).

DongNhacXua.com xin chia buồn cùng gia quyến và cầu nguyện cho linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Nhân dịp này chúng tôi xin gởi đến quý vị yêu nhạc sáng tác đầu tay của nhạc sỹ Huỳnh Anh: bản ‘Em gắng chờ’. Cũng giống như hầu hết các sáng tác cuối thập niên 1950 của Nguyễn Văn Đông hay Lam Phương, bản ‘Em gắng chờ’ phảng phất sự lãng mạn và giai điệu nhẹ nhàng đặc trưng của dòng nhạc tiền chiến. Nhân đây cũng cần nói thêm là nhạc sỹ Huỳnh Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc (thân phụ là danh cầm Sáu Tửng) và bản thân ông biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống. Chính những yếu tố này, cùng với những năm tháng chơi nhạc cho các vũ trường đã tạo nên một Huỳnh Anh sáng tác rất đa dạng về giai điệu: thanh thoát đầy tính nghệ thuật trong ‘Em gắng chờ’, tango lả lướt trong ‘Kiếp cầm ca’, bolero dìu dặt trong ‘Mưa rừng’, ‘Lạnh trọn đêm mưa’ hay blues giàu cảm xúc trong ‘Thuở ấy có em’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét