Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Mùa Xuân Đầu Tiên - VĂN CAO - Thanh Thúy


Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao). Ảnh: baicadicungnamthang.net


MỘT TƯ DUY VƯỢT TRƯỚC
(Nguồn: tác giả Nguyễn Đăng Tấn đăng trên VietnamNet.vn)

Mùa xuân đầu tiên viết về sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là mùa xuân đầu tiên Bắc – Nam mới thật sự cùng chung vui một nhà, cùng hòa lòng người, tình yêu, tình thương để cùng đón tết.

Bây giờ thì bài hát Mùa xuân đầu tiên đã trở thành thân quen với mọi người, mọi nhà.

Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng uyển chuyển, như một điệu valse. Ca từ giàu cảm xúc, sâu lắng và đẹp như một bài thơ. Người nghe cảm nhận và hòa lòng mình cùng bài hát, đồng cảm cùng giai điệu. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết rằng bài hát có một số phận long đong.

Mùa xuân đầu tiên viết về sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là mùa xuân đầu tiên Bắc – Nam mới thật sự cùng chung vui một nhà, cùng hòa lòng người, tình yêu, tình thương để cùng đón tết. Trong ông những hình ảnh về mùa xuân của một đất nước trọn vẹn vẫn luôn ám ảnh. Những cánh én chao nghiêng, những tiếng gà gáy bên sông bình yên… Và cao hơn hết là tình yêu con người: ‘từ nay người biết thương người, từ nay người biết yêu người.’

Bài hát ra đời và tên bài hát là Mùa xuân đầu tiên vừa đúng với thực tiễn lại vừa rất người khi nói về sự thống nhất sự yêu thương của những đứa con cùng chung bọc trứng. Tuy nhiên sau khi ra đời bài hát không được đón nhận, mặc dù có được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Thế là bài hát được người nhạc sỹ cẩn thận bỏ vào ngăn tủ.

Nhưng từ một đất nước xa xôi phía trời Tây, đất nước mà bao thế hệ vẫn mơ về: “Nước Nga, ờ nước ấy” đã tuyển chọn và in bài hát của ông. Và nơi trình diễn đầu tiên, mùa xuân đầu tiên của bài hát, là đài phát thanh Moscow, nơi cất lên những âm thanh, và những lời ca đầu tiên của nó.

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha cho biết, dường như phải chờ đến khi Văn Cao tạ thế (10.7.1995) Mùa xuân đầu tiênmới thực sự loang sâu vào đời sống âm nhạc hôm nay. Đó là nỗi truân chuyên của từng tác phẩm. Phải nói rằng, trong những sáng tác âm nhạc của Văn Cao thì Mùa xuân đầu tiên được biết đến chậm nhất, phải sau 20 năm (1976 – 1996) phải tới mùa xuân đầu tiên, Văn Cao mãi mãi vắng trên cõi đời thì bài hát Mùa xuân đầu tiên của ông mới thực sự có đời sống.

Nhạc sỹ Văn Cao.
Khác với những bài hát của nhiều nhạc sỹ khi viết về thống nhất đất nước, Văn Cao đã để cho sự kiện đi qua gần một năm trời. Những suy tư, những chiêm nghiệm cứ dày thêm mãi. Và ông khai thác sự kiện không phải là tiếng reo vui ngày đất nước giải phóng để muốn bay lên say ngắm đất nước. Theo Văn Thao con trai của nhạc sỹ: Ngày 30-4-1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh. Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu ông. Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh. Và một cánh én… Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu ông rồi lại tan biến.

Và cảm xúc chỉ ùa về khi mùa xuân đến. Ông khẽ khàng ngồi bên phiếm đàn và giai điệu mượt mà bừng lên. Những cảm xúc lâu ngày ấp ủ, những suy tư dồn nén bật lên thành khúc nhạc reo vui. Có lẽ đó là cái vui của con người đã từng đi qua những năm tháng đau thương…vì vậy tiếng reo vui thật sự sâu lắng:

Rồi dập dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa
Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Tiếp theo người nhạc sỹ suy tư về mùa xuân trọn vẹn. Đó chính là sự suy tư về con người về tình yêu thương. Và chính sự suy tư này mà làm nên số phận long đong của bài hát:

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…

Nếu như dưới lăng kính bây giờ, chúng ta cảm nhận được sự kiện thống nhất đất nước là sự mở đầu của dân tộc về sự đoàn kết, yêu thương và hòa giải thì những điều mà nhạc sỹ viết như trên hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, những triết lý sâu sắc về điều ấy. Tư duy người nhạc sỹ nhiều khi đã đi trước và chúng ta chưa kịp theo. Bởi vậy có những điều đôi khi vì rất nhiều nguyên nhân mà bị bỏ qua cũng có khi lại chú ý một cách thái quá.

Cũng đã xẩy ra với Văn Cao khi ông bị phê bình khi sáng tác bài hát: Tiến về Hà Nội. Người nhạc sỹ khi bị phê bình mà ngỡ ngàng. Bởi chính ông cũng không hiểu.

Những ca từ trong ca khúc Tiến về Hà Nội bừng bừng khí thế, náo nức ngày trở về: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng cờ ngày nào tung bay trên phố/ … Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh…

Trong chúng ta khi nghe bài hát đều nghĩ nó được viết trong những ngày tháng 10 lịch sử Giải phóng Thủ đô, khi đoàn quân đang rầm rộ tiến về. Nhưng ít ai biết rằng bài hát lại được viết từ rất sớm, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào gia đoạn quyết liệt nhất. Những hình ảnh ông vẽ ra trong bài hát đã bị phê bình là lạc quan tếu.

Thế đấy trong những khó khăn, người nghệ sỹ vẫn mơ về (cũng có thể nhìn thấu ngày chiến thắng) sẽ đến, nhưng lúc đó sự nhìn thấu ấy chưa được công nhận. Sau này nhạc sỹ Huỳnh Minh Siêng (bút danh của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước) may mắn hơn khi sáng tác bài Tiến về Sài Gòn cũng trước giải phóng đã được đón nhận và trở thành tiếng reo vui cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975..

Văn Cao cũng đã viết nhiều bài hát mà sự kiện chưa từng có trong thực tiễn. Đó là dự báo nhưng qua thời gian, những dự báo đó là chính xác. Các bài Không quân Việt Nam sáng tác đầu thập niên 40, khoảng năm 1945, lúc binh chủng này còn chưa được thành lập tại Việt Nam, hay Hải quân Việt Nam, Chiến sĩ Việt Nam…cho các binh chủng tương lai, trước khi ông lên Việt Bắc theo kháng chiến chống Pháp là những bài như vậy. Tác giả đã nhìn ra cái tất yếu sẽ đến. Đó chính là sự nhạy cảm là tư duy vượt trước.

Quay trở lại bài Mùa xuân đầu tiên, vượt lên tất cả đó là tình yêu thương con người với con người. Chúng ta cảm động khi nhạc sỹ lại nhắc lại lần hai khổ nhạc: rồi dập dìu mùa xuân theo én về… hình ảnh người mẹ nhìn đàn con nay đã về, đó chính là hình ảnh mơ ước. Cả dân tộc đã từng mơ ước rất lâu Bắc – Nam xum họp một nhà. Những chiến sỹ sẽ trở về. Trở về trong vòng tay mẹ. Những con người trở về với con người để cho: Nước mắt trên vai anh; giọt rơi ấm trên vai anh, niềm vui phút giây như đang long lanh. Để từ đó: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

Mùa xuân đến là sự gặp gỡ, gặp gỡ bạn bè người thân,và cao hơn là gặp gỡ những tâm hồn, những tấm lòng mà vẫn còn xa cách vẫn còn ngập ngừng. Và chỉ có sự kỳ diệu của lòng yêu thương, sự kỳ diệu của mùa xuân mới làm được điều đó. Những nốt nhạc, những cảm xúc trong Mùa xuân đầu tiên chính là nhịp cầu để xóa bỏ cách ngăn, con người tìm đến con người như người nhạc sỹ tài danh đã mơ ước để có những mùa xuân yêu thương,, mùa xuân trọn vẹn.

Và chúng ta vẫn tin có một mùa xuân như vậy.


VĂN CAO VỚI CA KHÚC ‘MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN’

VĂN THAO
Nhạc sỹ Văn Cao.
Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà số 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu vans. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.

Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào, âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa óng vàng chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần, chậm chậm tan vào không gian, mênh mang. Đôi bàn tay gầy khẽ dâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau, Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn. Khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.

- Bố! Một chút ngơ ngác rồi sau đó ông mới nhận ra tôi.

- Thao đấy hả! Con về từ bao giờ đấy?

- Từ trên trung tâm chỉnh hình Ba Vì con đến thẳng đây.

- Vết thương của con thế nào? Đi chân giả có đau lắm không?

Tôi đứng dậy kéo ống quần lên cho ông nhìn thấy chiếc chân gỗ, rồi bình thản đi quanh phòng. Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Từ trong khoé mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.

- Tốt! Tốt quá rồi!… Thôi ngồi xuống đi con.

Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được nên lời:

- Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này. Giai điệu đẹp quá. Bài mới sáng tác của bố đấy à?

- Ừ! Bố sáng tác bài hát này mừng Mùa xuân đầu trên đất nước mình thống nhất.

- Vậy là bố lại sáng tác ca khúc?

Ông nhìn tôi giây lát. Hình như ông đã hiểu tôi định nói gì.

- Đúng thế. 
Sau khi bài TIẾN VỀ HÀ NỘI ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…

Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam.

… Bố vừa sáng tác xong nhạc cho phim “Chị Dậu” do bác Khoa đạo diễn. Cả bản nhạc giao hưởng thính phòng cho phim “anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim quân đội.

Dư luận rất tốt. Bố phải cảm ơn con. Chính nghị lực của con đã giúp bố vượt qua được nỗi đau lúc con gặp nạn. Bố đã tưởng mất con.

Tôi thấy cay cay khoé mắt. Cổ họng tắc nghẹn.

- Thôi mà bố. Chuyện đã qua rồi.

- Bố biết! Mọi chuyện đã qua. Nhìn thấy con hôm nay bố mới thật sự yên lòng. Bố phải cố hoàn thành bài hát trong một vài ngày tới…

Văn Cao là một người cộng sản chân chính. Mơ ước và khát vọng của ông rõ ràng, cao đẹp: “Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới”… (BÀI CA BIÊN GIỚI). Ông tin sẽ có ngày xã hội “cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết xã hội ngày mai…” (CÔNG NHÂN VIỆT NAM). Chính vì vậy mà bao khó khăn gian khổ, bao thăng trầm đổ xuống cuộc đời vẫn không làm ông nao núng. Ông tin những việc ông làm, con đường ông đã chọn. Và ông đã đúng! Cái thời khắc “giải phóng tiến tới thống nhất” đã đến…

Ngày 30 – 4 – 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh.

Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu. Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh… Và một cánh én. Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu ông rồi lại tan biến.

Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.

Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn.

Sau tết. Tôi lên, ông đã đưa cho tôi xem bài MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN. Tôi vừa xướng âm, vừa lẩm nhẩm hát một cách say sưa:

“Rồi đặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn… Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy… Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên… Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người…

Lời ca thật dung dị với những hình ảnh gần gũi thân quen thấm đậm chất nhân văn. Giai điệu của bài hát đẹp, mượt mà và sâu lắng đã cuốn hút tôi. Càng hát tâm hồn ta càng thánh thiện hơn lên.

Cuối năm 1976 MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN được in trên báo sài Gòn giải phóng. Nhưng rồi số phận của nó cũng lại bị “người ta lãng quên”. Vào thời điểm đó, những bài hát mang tính Tụng ca ồn ào đang chiếm lĩnh diễn đàn.

Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”

Mãi hai mươi năm sau, MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN mới được các “Nhà Đài nước ta” dàn dựng và phát sóng. Từ đó đến nay MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích.
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN của Văn Cao đã khẳng định được giá trị đích thực của nó.

VĂN THAO
(Tạp chí Sông Hương 179-180/01&02-04)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét