CHƯƠNG I
Trí
Lúc thấy mặt Dũng cũng là lúc mà tôi thấy bực mình hơn bao giờ hết. Hắn “nhà quê” quá. Con Lan Phương đã bấm tôi, khúc khích cười khi nhìn Dũng đứng khép nép bên bác Sơn. Chao ơi ! Hắn đó ! Cái dáng vẻ tỉnh lỵ, áo dài tay không manchette, quần tergan ống rộng, chân đi sandale, thêm nữa, đôi kính cận trên gương mặt làm nghiêm chẳng khác nào một “ông cụ đạo mạo”. Thế đó, hắn thế đó mà ba má tôi bắt anh em tôi tối nay phải ở nhà để đón hắn, để tiếp chuyện với hắn. Hỏi sao không bực mình ?
Tôi hỏi Lan Phương :
- Mầy điện thoại cho nhà hàng Tiên Cảnh chưa ?
Lan Phương :
- Em gọi rồi.
- Họ có phàn nàn gì không ?
- Sao không ? Họ bảo mình cố thu xếp xem sao, chứ thiếu ban nhạc của mình, họ phải cáo lỗi phiền phức lắm…
- Rồi mầy trả lời sao ?
- Thì… thì em bảo là sẽ cố… nhưng không hứa chắc…
- Rồi bọn Cường, Huy ? Mầy đã gọi đến hai đứa nó chưa ?
- Rồi. Hai anh ấy ngạc nhiên lắm, đang sửa soạn đến rủ mình cùng đi đó…
Tôi thở dài, tiếc nuối một buổi trình diễn. Chúng tôi có bốn người : Cường, Huy và anh em tôi họp thành một ban nhạc trẻ trình diễn tại nhà hàng Tiên Cảnh vào các tối thứ ba, năm, bảy mỗi tuần. Gia đình Cường, gia đình Huy cũng như gia đình tôi đều là những nhà khá giả, hẳn nhiên, chúng tôi không cần tiền ; ban nhạc của chúng tôi đặt nặng về nghệ thuật và cạnh đó, chúng tôi muốn nêu cao tên tuổi mình trong giới nghệ sĩ. Có lẽ bởi thế, chúng tôi được nhiều nhà hàng mời hợp tác. Lúc đầu, chúng tôi có ý định sẽ nhận lời tất cả, nhưng sau đó, suy tính kỹ, chúng tôi đi đến quyết định “đóng đô” ở nhà hàng Tiên Cảnh – chúng tôi dành độc quyền cho nhà hàng này–. Quyết định đó sở dĩ có vì Lan Phương, em gái tôi, năm vừa qua chẳng may rớt phần một. Phần tôi, phải đến khoá hai, tôi mới giật được mảnh bằng toàn phần. Cường và Huy cũng thế, điêu đứng chẳng kém. Dù sao, chúng tôi cũng phải lo học chứ. Con gái như Lan Phương thì chẳng nói gì, có rớt thì buồn ít lâu rồi cũng quên đi, chứ bọn con trai chúng tôi, rớt một năm là thấy con đường vào Thủ Đức rút ngắn hẳn đi. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau : “Thằng nào thi rớt mà lại hết tuổi hoãn dịch thì chỉ còn một đường lả lướt : Quang Trung – Thủ Đức – Bốn Vùng... “. Nghe mà thảm !
Thời gian này, chúng tôi còn nghỉ học. Tôi và Cường đút đơn vào Luật, Huy ghi danh ở Văn Khoa. Chúng tôi dành được nhiều thì giờ tập dượt. Tôi lead, Cường bass, Huy trống và Lan Phương hát; ban Four Stars của chúng tôi hiện đang là một trong số những ban nhạc trẻ được nhắc nhở nhiều nhất. Hàng đêm, sau khi trình diễn, chúng tôi đã đón nhận được bao nhiêu tiếng vỗ tay khen ngợi, bao tiếng bis đầy khích lệ…
Thế mà đêm nay, chúng tôi phải ở nhà chỉ vì hắn, Dũng, con trai bác Sơn.
Bác Sơn và ba tôi là đôi bạn cố tri từ dạo hai ông còn ở trong quân ngũ. Giải ngũ, ba tôi ở Sàigòn lập nghiệp, nay trở thành một thương gia tăm tiếng; bác Sơn về Cần Thơ lo canh tác ruộng vườn, nghe đâu cũng là một trong những người khá ở dưới ấy. Với bác Sơn, thỉnh thoảng bác có ghé lại nhà tôi chơi, anh em tôi còn biết, chứ Dũng, chúng tôi chỉ được nghe nói về hắn. Dũng vừa đậu phần hai, có điều hắn đậu khoá một và lại đậu đến mention bien. Theo lời ba tôi kể, hắn đòi bác Sơn cho học ở Cần Thơ, nhưng bác không bằng lòng vì thấy viện đại học dưới ấy mới mở, bác chưa tin tưởng; lại nữa, bác muốn Dũng làm quen với Sàigòn để sau này ra đời, có sống ở đây thì khỏi bị bỡ ngỡ. Dũng viện cớ này nọ xin ở lại nhưng không được, đành ghi danh ở Khoa học Sàigòn. Bác Sơn lên nhà tôi ngỏ ý muốn gởi Dũng trọ học. Ba má tôi cũng bằng lòng, và sáng nay, theo lời hẹn, bác đưa Dũng lên Sàigòn…
… và bây giờ, anh em tôi phải ở nhà để đón hắn !
Mọi người ngồi cả ở phòng khách, chỉ thiếu má tôi đang bận dưới bếp lo bữa tối. Bác Sơn đang tranh luận với ba tôi về một vấn đề thời sự. Dũng ngồi trò chuyện với hai em tôi và Lan Phương : thằng Tuấn và con Lan Anh, xem dáng như tương đắc lắm. Gì chứ thằng Tuấn thì nhất định là hợp với Dũng lắm rồi : ít nhất cũng hợp nhau ở đôi kính cận dày cộm !
Lan Phương khều tôi :
- Này, anh ra nói chuyện với hắn ta đi chứ !
Tôi nhăn mặt :
- Thôi mầy. Tao thấy hắn… khó ưa quá… Hay là… mày ra đi…
- Ơ hay, cái anh này… Em là con gái, ai lại đi làm… kỳ vậy… anh ra đi…
Tôi miễn cưỡng bước vào phòng khách. Bác Sơn :
- Kìa, cháu Trí ! Nãy giờ cháu trốn đâu thế ?
Tôi lên tiếng chào bác. Ba tôi đỡ lời :
- Cháu nó có chút việc bận trong nhà đấy bác ạ…
Rồi quay sang Dũng, ba tôi giới thiệu :
- Bác giới thiệu với cháu Dũng : đây là Trí, con trai của bác…
Quay sang tôi :
- Dũng, con bác Sơn…
Tôi bước lại bên Dũng, hắn đứng lên vụng về đưa tay cho tôi bắt. Tôi nói :
- Hân hạnh được biết anh Dũng !
Dũng lí nhí theo :
- Tôi cũng hân hạnh được biết anh !
Ba tôi :
- Chúng mày sao khéo khách sáo thế ? Từ nay, ở chung với nhau một nhà rồi, tập tự nhiên cho quen đi chứ. Ngồi nói chuyện với nhau đi nhé, cứ tự do…
Rồi nói với bác Sơn :
- Thế nào bác ? Tôi với bác trở lại vấn đề mình đang tranh luận dở dang chứ ?
Bác Sơn cười. Hai người lớn lại tiếp tục câu chuyện. Đằng này, con Lan Anh đứng dậy nhường chỗ cho tôi. Tôi vừa định gợi chuyện với Dũng thì con bé đã “đòi nợ” ngay :
- Anh Trí ! Anh mua hộ em cuốn sách Toán Hình học chưa ?
- … Ơ… cuốn Toán Hình học hở ?
- Chứ còn cuốn nào nữa, em nhờ anh cả tuần nay rồi còn gì…
- Tao quên rồi…
- Anh thì chỉ quên…
- Chứ cái chuyện lặt vặt ấy mày cũng bắt tao phải nhớ nữa sao ?
- Vậy thì thà anh đừng nhận lời mua hộ em…
- Thế bây giờ mày định đứng đấy bắt tội tao đấy phải không ? Không sợ anh Dũng anh ấy cười tao hở ?
Dũng nhìn tôi :
- Anh nói thế chứ…
Tôi phân bua :
- Anh nghĩ xem, mình còn biết bao nhiêu việc đáng nhớ…
Thằng Tuấn xen vào :
- Việc gì anh phải nhớ, phải làm đâu nào ?
Lạ chưa, sao tự nhiên tối nay, hai đứa em tôi tranh nhau hỏi vặn tôi thế này ? Tuấn tiếp :
- Chỉ có mỗi chuyện chẳng bao giờ em thấy anh quên cả…
- Chuyện gì đâu nào ?
- Thì chuyện tập nhạc để thứ ba, thứ năm, thứ bảy đi trình diễn ở nhà hàng chứ chuyện gì.
Dũng có vẻ ngạc nhiên :
- Anh Trí có chân trong ban nhạc à ?
Tôi hãnh diện khoe :
- Chắc anh Dũng có nghe nói đến ban nhạc trẻ Four Stars chứ ?
- À… có… tôi đọc báo thấy họ viết rằng Four Stars khá lắm…
- Tôi chơi Lead guitar, em gái tôi, con Lan Phương là ca sĩ của Four Stars đó…
Dũng càng ngạc nhiên hơn :
- Thế à ? Vậy thì hân hạnh cho tôi quá rồi… Ở đây, thế nào chẳng có dịp tôi được thưởng thức tài nghệ của ban nhạc nổi tiếng này…
Tôi hứng chí :
- Nếu anh không chê thì… thì ngay bây giờ, tôi xin mời anh sang phòng của anh em tôi, tôi sẽ trổ nghề mọn để anh thưởng thức…
Dũng cười, xoa hai tay vào nhau :
- Thế thì còn gì bằng…
Tôi đứng lên. Tuấn, con Lan Anh :
- Tụi em đi luôn nghe anh Trí ?
- Ừ, thì vào luôn cho vui…
Ba tôi hỏi :
- Này, định dẫn nhau đi đâu đấy ?
Tôi :
- Xin phép ba với bác cho tụi con về phòng có chút việc…
- … về phòng để dễ “tâm sự” phải không ? Được rồi, đi đâu thì đi, nhưng nhớ lúc nào nghe má mầy gọi thì ra ăn cơm nghe, không thôi bà ấy cằn nhằn…
Tôi đưa Dũng đến phòng học của anh em tôi. Căn phòng mười sáu thước vuông này vừa dùng làm phòng học, cũng được dùng làm nơi tập nhạc của Four Stars nữa. Dĩ nhiên, thì giờ tập dượt đó không trùng với thời gian học hành. Các nhạc cụ, chúng tôi để một phía. Kệ sách, bàn học ở phía kia.
Dũng kêu lên :
- Trời ơi ! Nhiều dụng cụ quá !
Tôi kể :
- Lúc đầu, bốn đứa chúng tôi phải mượn tiền của ba má để mua nhạc cụ đó. Bây giờ, nợ trả hết rồi, chúng mới thực sự trở thành vật sở hữu của chúng tôi…
- Ban Four Stars các anh có bốn người ?
- Thì bốn mới Four chứ ! Tôi cười.
Dũng :
- Ờ há, có thế mà tôi nghĩ không ra…
- Ngoài hai anh em tôi, hai người bạn tôi là Cường chơi bass, Huy sử dụng dàn trống…
Con Lan Phương lấp ló ngoài cửa. Tôi giới thiệu nó với Dũng :
- Ca sĩ Lan Phương của Four Stars đấy !
Giới thiệu Dũng với em gái tôi :
- Anh Dũng, sinh viên Khoa học !
Dũng mỉm cười chào em tôi. Lan Phương vốn dạn dĩ, nhưng trước người lạ, nó cũng có vẻ thẹn. Tôi bảo nó :
- Anh Dũng đang muốn được thưởng thức tài nghệ của Four Stars đó…
Lan Phương :
- Nhưng bây giờ chỉ có hai anh em mình thì làm sao trình diễn được ? Hay là để em gọi điện thoại cho anh Cường, anh Huy cùng đến, nhân tiện giới thiệu cho anh Dũng và hai anh ấy biết nhau luôn ?
Tôi định gật đầu, nhưng Dũng đã cản :
- Thôi… ch… chị à… làm như vậy phiền cho hai anh ấy quá…
Tôi cười lớn :
- Lan Phương nó còn nhỏ mà anh Dũng gọi nó bằng “chị” bộ anh không sợ nó giận sao ? Này, tôi báo cho anh biết trước đấy nhé : cô em gái của tôi không giận thì thôi, chứ đã giận thì… giận dai ghê lắm đó…
Lan Phương :
- Anh chỉ được cái bộ nói xấu em…
Tôi bảo Dũng :
- Anh Dũng cứ gọi tên nó và xưng anh ngọt sớt đi, bạn bè tôi, ai cũng gọi nó như thế cả…
Dũng ấp úng :
- Nếu… nếu Lan Phương cho phép thì… thì tôi mới dám chứ.
Lan Phương khoanh tay làm trò :
- Vậy thì… thưa anh Dũng… em “cho phép” anh rồi đấy...
Mọi người cùng cười vui vẻ. Tôi tiến lại chỗ để nhạc cụ, với lấy cây guitare quen thuộc của mình, gắn ampli, mở điện, thử dây. Dũng, Tuấn, Lan Anh ngồi cả ở bàn học làm khán giả.
So dây xong xuôi, tôi mới quay sang Dũng :
- Bây giờ, Four Stars chỉ còn có… Two Stars thôi… Two Stars sẽ trình bày một bản nhạc ngoại quốc cho anh Dũng thưởng thức nhé, anh Dũng chịu không ?
Dũng vỗ tay :
- Tôi xin hoan nghinh Two Stars trước…
Tuấn và con Lan Anh bắt chước, vỗ tay theo. Tự nhiên lúc này, tôi bắt đầu bớt dần nỗi bực mình vì Dũng. Xem ra hắn cũng biết điều và vui vẻ đáng mến đấy chứ !
Lan Phương hỏi tôi :
- Bản gì anh Trí ?
- Superstar !
- Cao mà dài lắm, Without love nghe !
- Rồi ! Để tao dạo trước một đoạn đã…
Lan Phương quay sang Dũng :
- Phương hát, anh Dũng đừng cười nghe !
Dũng… cười, hắn nói :
- Được mà… anh hứa sẽ không… không cười Phương đâu…
Tôi trổi nhạc, những âm thanh đầu tiên của bản Without love trầm thấp, nhưng qua ampli, đủ vang vọng trong căn phòng kín đáo. Tôi để hồn vào điệu nhạc, dồn hết tài nghệ vào năm ngón tay trái lướt trên sáu sợi dây đàn. Tôi quyết chiếm lòng khâm phục của Dũng.
Có lẽ Lan Phương cũng nghĩ như tôi, nó thận trọng từng lời hát :
I a wakened this morning.
I was filled with despair
All my dream turned to ashes and gall…
Thỉnh thoảng, tôi lại liếc về phía Dũng. Dường như hắn ít để ý đến giọng hát của em tôi bằng đôi tay tôi và cây đàn. Tôi càng hứng chí thêm…
Đã đến những lời ca cuối của bản nhạc :
… Without love I had nothing at all…
Tôi dạo thêm một đoạn nhạc rồi mới chấm dứt. Dũng, Tuấn, Lan Anh vỗ tay rào rào. Con Lan Anh:
- Nữa đi anh Trí, chị Phương…
Dũng :
- Lan Phương hát hay mà anh Trí đàn cũng tuyệt nữa…
Tôi khiêm nhượng :
- Anh Dũng quá khen…
Dũng tiếp :
- Chỉ tiếc một điều là thiếu tiếng bass…
Tôi chỉ thằng Tuấn :
- Anh xem thằng Tuấn đấy, tôi dỗ mãi mà nó nhất định không chịu học đàn là không chịu. Nếu như nó nghe lời tôi, có phải bây giờ tiện quá không ? Anh tiếc là không có tiếng bass, biết tìm đâu ra người đệm bass bây giờ ?
Tuấn phùng má nói :
- Em còn phải học chứ ! Làm gì có thì giờ rỗi mà đàn với hát…
Dũng cười :
- Tôi đề nghị với anh Trí điều này nhé !
- Gì đó anh ?
- Tôi đề nghị anh và Lan Phương trình bày lại bản Without love một lần nữa, nếu anh cho phép, tôi sẽ xin lãnh phần đệm bass…
Tôi ngạc nhiên :
- Anh Dũng cũng biết chơi đàn nữa à ?
Dũng vẫn giữ nguyên nụ cười :
- Vâng, tôi biết sơ sơ…
Tôi làm sao tin được lời Dũng. Trong trí tôi, tôi vẫn nghĩ hắn là một thanh niên tỉnh lỵ quê mùa…
Lan Phương vỗ tay :
- Vậy thì hay lắm… anh Dũng cứ việc “ra tay”…
Tôi muốn xem tài nghệ Dũng ra sao, với cây đàn thứ hai trao cho hắn, vừa nói :
- Được anh đệm bass, chắc con Lan Phương sẽ hát hay hơn…
Dũng so dây. Tôi dạo trước để hắn dễ thử âm thanh. Sau đó, chúng tôi bắt đầu vào bản nhạc. Con Lan Phương, một lần nữa, trổi giọng hát. Và tiếng bass của Dũng đã đánh tan ý nghĩ ban đầu của tôi về hắn. Khi ngỏ ý muốn trình bày cho hắn thưởng thức, tôi hy vọng sẽ chiếm được ở hắn lòng khâm phục, giờ đây, chính tôi mới là kẻ cảm mến… Hắn đàn chẳng thua gì Cường…
Dứt bản nhạc, trong lúc thằng Tuấn, con Lan Anh vỗ tay khen ngợi, tôi đặt tay lên vai Dũng thành thật nói :
- Không ngờ anh Dũng đệm bass khá quá…
Dũng cười :
- Cám ơn anh…
Tôi :
- Đó là ý nghĩ thành thật của tôi đấy…
Lan Phương :
- Chắc anh Dũng cũng là một tay nhạc trẻ ở Cần Thơ ?
Dũng lắc đầu :
- Không đâu Lan Phương à… Thú thật là loại nhạc này, anh chỉ biết qua vài ba bản chứ anh không mấy thích…
Tôi :
- Chắc anh Dũng thích nhạc Việt ? Và có lẽ nhạc tiền chiến ?
- Không hẳn là nhạc Việt, mà cả nhạc ngoại quốc nữa… Có điều nhạc Việt thì tôi ưng nhạc tiền chiến đúng như anh nghĩ đó, còn nhạc ngoại quốc, tôi chỉ ưng loại dân ca…
- Nếu vậy thì sẵn đây, anh cho anh em tôi được thưởng thức một bản dân ca ngoại quốc đi nào…
Dũng từ chối :
- Thôi, xin anh dịp khác…
- Đâu được ! Anh Dũng phải nhớ rằng anh đã “bắt” anh em tôi trình bày, thì bây giờ, anh em tôi cũng phải được quyền “bắt” anh trình bày chứ… Có đi có lại mới toại lòng nhau… phải không anh?
Dũng không còn cách nào từ chối, hắn nói :
- Vâng thì có đi có lại… tôi xin nghe lời anh… Nhưng tôi nói trước là tôi hát dở lắm đó nghe, đừng có cười…
Tôi khích lệ Dũng bằng một tràng pháo tay. Các em tôi bắt chước vỗ tay theo. Dũng sửa thế ngồi, hắn nói :
- Như anh Trí đã biết đấy, tôi chỉ ưng loại nhạc tiền chiến Việt Nam và loại dân ca ngoại quốc…
Lan Phương :
- Anh Dũng có tinh thần “hoài cổ” quá…
- Có lẽ đúng đấy Lan Phương à… Mà thôi… để xem nào… được rồi, tôi sẽ hát bản Five hundred miles, một bản dân ca Hoa Kỳ thông dụng vào thời dân Mỹ tiến về miền Tây lập nghiệp…
- Hoan hô anh Dũng… Hoan hô…
Tuấn nói :
- Phải chi có cái mũ cao bồi để anh Dũng đội thì hợp quá…
Dũng luôn cười đáp, hắn cúi xuống đệm một đoạn nhạc ngắn. Rồi sau đó, hắn mới bắt đầu hát. Tiếng hắn ấm và hay không ngờ :
If you miss the train I’m on
You will know, that I am gone
You can hear the Whistle blow a hundred miles…
Thằng Tuấn nổi hứng bất ngờ, nó vỗ tay nhè nhẹ rồi hát theo :
…a hundred miles…
Dũng ngước nhìn Tuấn, hắn nhếch mép cười, tiếp tục :
… a hundred miles, a hundred miles…
Tiếng đàn bập bùng của Dũng tuy làm tôi thích thú, nhưng chắc chắn không khiến tôi ngạc nhiên bằng giọng hát của hắn. Giọng hát trầm ấm và vững không thua một ca sĩ nào. Giọng hát hắn đã lôi cuốn tôi đến nỗi bản nhạc dứt lúc nào, tôi cũng không biết.
Tiếng Dũng vang lên trong tiếng vỗ tay của các em tôi :
- Anh Trí thấy thế nào ?
Tôi giật mình :
- Hay lắm… anh Dũng hát không khác gì một ca sĩ…
- Anh ngạo tôi hoài…
- Tôi thành thật đấy…
Dũng cười, có lẽ hắn cho là tôi khen xã giao. Không, tôi rất thành thật. Lúc này, tôi như đã bị hắn chinh phục hoàn toàn. Tôi bỗng thoáng nghĩ đến một điều : phải chi tôi rủ được hắn gia nhập ban Four Stars của chúng tôi ? Chúng tôi sẽ có thêm một ca sĩ kiêm một tay guitare…
Tiếng má tôi từ phòng khách vọng vào :
- Mấy anh em chúng mày có ra ăn cơm không thì bảo ?
Tôi đáp :
- Vâng, tụi con ra ngay…
Rồi quay sang Dũng :
- Mình đi dùng cơm, anh Dũng nhé. Ăn cơm xong, tôi có chuyện muốn nói với anh đấy…
Tôi miên man nghĩ đến dự định mời Dũng vào ban nhạc. Chà, khi đó, chắc Four Stars sẽ phải đổi tên thành… Five Stars. Dũng sẽ là một ngôi sao trong bọn.
CHƯƠNG II
Lan Anh
Nhà có năm anh chị em thì chị Lan Hương đi dạy ở Bình Dương xa tít, mấy tuần mới về thăm nhà một lần ; anh Trí, chị Lan Phương thì quanh quẩn với bộ trống, cây đàn; em chỉ còn biết làm bạn với anh Tuấn. Khổ nỗi, anh Tuấn lại ham học quá, cả ngày cắm cúi học bài, làm toán, anh rất sợ mất thì giờ, nhất là mất thì giờ vì những chuyện không đâu. Em cô đơn và buồn quá.
Anh Dũng xuất hiện như một tin tưởng và hy vọng nơi em. Anh như một người tổng hợp mọi người trong gia đình em. Anh đàn, anh Trí thích ; anh hát, chị Lan Phương ưa; anh học, anh Tuấn mến và anh bày trò chơi, anh kể chuyện, em vui. Anh Trí chừng như ưng tiếng đàn, giọng hát của anh Dũng lắm, ngay tối hôm anh Dũng lên đây, anh đã ngỏ ý mời anh ấy gia nhập ban nhạc của mình. Anh khen anh Dũng không tiếc lời. Anh nói ít về những quyền lợi vật chất, mà nói nhiều đến những phần thưởng tinh thần, đến danh tiếng cá nhân. Anh Dũng có vẻ dè dặt, anh không nhận lời mà cũng không từ chối ngay. Anh hẹn sẽ trả lời dứt khoát sau khi suy nghĩ kỹ càng.
Chị Lan Phương, hễ mở miệng là chê anh Dũng “nhà quê”. Chị nói với anh Trí :
- Phải kéo hắn vào ban nhạc thì may ra mới đổi lốt cho hắn được…
Anh Trí :
- Tao xem chừng Dũng không muốn nhận lời. Hắn mà từ chối thì uổng quá, uổng cho hắn mà cũng uổng cho ban nhạc của mình nữa… Nhưng tao đã quyết, tao nhất định phải rủ cho bằng được hắn…
Anh Trí, chị Lan Phương tìm gặp anh Cường, anh Huy để dọ ý hai anh này. Bốn người đều đồng ý sẽ mời anh Dũng nhập bọn. Họ tìm cách để lôi kéo anh ấy. Chiều nay, ban Four Stars mời anh Dũng đến nhà hàng Tiên Cảnh dự khán một buổi trình diễn của họ.
Chừng như anh Dũng không muốn đi, nhưng có lẽ sợ anh Trí buồn, nên anh miễn cưỡng nhận lời với điều kiện phải có em hoặc anh Tuấn đi theo nữa. Anh Tuấn từ chối ngay, viện cớ bận học --. Em đành theo anh Dũng đi; phần vì không muốn anh đi một mình buồn, phần có lời năn nỉ của anh Trí và chị Lan Phương.
Mọi người đến Tiên Cảnh vào lúc bảy giờ rưỡi tối. Vào giờ này, chương trình văn nghệ của nhà hàng mới sửa soạn bắt đầu. Ban Four Stars, theo chương trình, đến khoảng tám rưỡi mới trình diễn. Cả bọn ngồi quanh một bàn nước nhỏ, vừa uống nước, vừa tán gẫu.
Các anh chị trong ban đang đua nhau khen tặng anh Dũng; anh Cường :
- Nghe nói anh Dũng đậu mention bien kỳ rồi thì phải ?
Anh Dũng :
- Vâng, ấy cũng nhờ may mắn…
Anh Huy :
- Anh Dũng khiêm nhượng thì thôi. Cứ xem cặp kính cận của anh thì đủ biết anh là người “gạo” bài đến mức nào rồi…
Chị Lan Phương :
- Thằng Tuấn nhà Phương chẳng khác nào anh Dũng, cặp kính càng dầy, nó càng học dữ dội. Năm nay thế nào nó cũng bắt chước anh Dũng đậu cao cho mà xem…
Anh Trí bĩu môi :
- Mầy định so sánh thằng Tuấn với anh Dũng đấy phải không ? Nói mà không biết ngượng…
- Ngượng gì ?
- Thằng Tuấn không bằng một góc anh Dũng !
- …
Anh Dũng pha trò :
- Anh Trí nói thế mà không sợ tôi khoái chí quá, phồng to mũi rồi nó… nổ bùng một cái sao ?
Mọi người cùng cười ồ. Anh Trí nói :
- Tôi nói thật đó mà… Này nhé, thì cứ cho là thằng Tuấn nó chăm học đi, cứ cho là cuối năm nay nó sẽ đậu cao đi, nhưng thử hỏi, nó biết gì về đàn, về hát ?
Anh Huy vỗ tay :
- Trí nói đúng lắm, tao đồng ý với mầy đó… Thằng Tuấn làm sao bằng anh Dũng được !
Anh Cường :
- Tôi đề nghị với anh Dũng điều này nhé. Chút nữa, sau khi bọn tôi trình diễn xong, tôi sẽ giới thiệu anh lên trình bày một bản nhạc, anh đồng ý chứ ?
Anh Dũng lắc đầu quầy quậy :
- Thôi, cho tôi xin đi… Tôi không dám đâu… Lại nữa, ai cho mình lên mà hát với hò…
Chị Lan Phương giải thích :
- Anh Dũng chưa biết đấy chứ ở các nhà hàng có ca nhạc ở Sàigòn này, việc giới thiệu bạn bè lên hát là thường. Nhiều người sau đó đã gây được tiếng vang rồi trở thành ca sĩ đó…
Anh Dũng cười :
- Vậy chắc anh Cường muốn tôi thành… ca sĩ ?
Anh Cường cười không nói thêm. Em tưởng anh chỉ đề nghị cho vui vậy thôi, chẳng ngờ anh làm thật.
Chuyện trò một lúc đến phiên Four Stars trình diễn. Nơi bàn nước chỉ còn em với anh Dũng. Khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, họ đòi bis đến hai lần. Four Stars chiều ý khách, say sưa trình diễn.
Bản nhạc thứ ba vừa dứt với tràng pháo tay tán thưởng của mọi người, thì anh Cường tiến đến bên ông Vân Long, người giới thiệu chương trình, nói nhỏ gì đó. Ông Vân Long tiến ra sân khấu :
- Thưa quý khách, chúng tôi vừa được biết đêm nay, tại đây, có hiện diện một giọng ca điêu luyện, truyền cảm của một người bạn ban Four Stars. Thể theo lời đề nghị của ban này, chúng tôi xin giới thiệu với quý khách người bạn mới của chúng ta… Anh Dũng…
Anh Dũng đỏ bừng mặt khi từ trên sân khấu, anh Trí hướng về phía bàn nước vẫy anh. Và bao nhiêu cặp mắt của mọi người đều dồn vào anh. Anh còn đang nhìn em cầu cứu thì anh Cường đã rời khỏi sân khấu, tiến đến, kéo anh đi. Ông Vân Long giới thiệu :
- Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với quý khách… đây, anh Dũng, người bạn mới của chúng ta…
Một tràng pháo tay vang lên khích lệ. Anh Dũng nhìn anh Trí, anh Cường, anh Huy và chị Lan Phương với ánh mắt thầm trách. Chị Lan Phương mỉm cười, trao micro cho anh rồi lui khỏi sân khấu, về bàn nước với em. Anh Dũng cầm micro ngượng ngập. Ông Vân Long tinh ý, nói :
- Thưa quý khách, có lẽ anh bạn Dũng của chúng ta hơi… khớp. Vậy để trấn tĩnh tinh thần của anh, chúng tôi đề nghị quý khách cho thêm một tràng pháo tay nữa…
Anh Dũng đứng trước cái thế không thể chối từ, khi tiếng vỗ tay vừa dứt, anh lấy giọng, nói :
- Thưa quí vị… Thật là ngoài ý muốn của tôi… Các bạn tôi vì quá yêu mà đã dồn tôi vào thế… chẳng đặng đừng…
Mọi người cười ồ. Anh Dũng :
- … nhưng đã lỡ lên đây, thì… đành vậy… Tôi sẽ xin cố gắng hết sức… Sau đây, tôi xin trình bày một bản nhạc Việt Nam : bài “Nhớ người ra đi” của Phạm Duy…
Ban Four Stars chuyên trình bày nhạc trẻ, nhưng không vì thế mà không đệm nhạc Việt được. Nhất là anh Trí, từ khi biết anh Dũng thích nhạc tiền chiến, đã cố tập được vài bài. Tiếng đàn của anh Trí nổi lên dạo một đoạn. Sau đó, giọng hát của anh Dũng mới cất. Trong đoạn đầu, có lẽ vì hồi hộp, giọng anh hơi run :
Ai có nghe
Tiếng hát hành quân xa…
Nhưng sau đó, khi đã lấy lại bình tĩnh, giọng anh thật êm ở những đoạn nhạc trầm, và thật vang ở những đoạn nhạc cao…
Con bước đi
Khi trống làng dồn xa
Mẹ đưa mắt trông về, ngọn cờ
Cầu cho đứa con ttrai
Ở đâu đó con ơi… được vui…
Chị Lan Phương ngồi bên em chăm chú lắng nghe. Mọi người chung quanh cũng vậy, như bị lôi cuốn bởi tiếng hát của anh Dũng, hướng cả lên sân khấu…
Khi những lời ca cuối cùng chấm dứt, tràng pháo tay vang lên thật lâu, thật dài. Anh Dũng cúi đầu chào rồi định bước xuống sân khấu. Nhưng những tiếng bis vang vọng từ dưới khán giả và đôi tay của ông Vân Long đã ngăn anh lại. Ông Vân Long quay xuống phía dưới :
- Thưa quý khách, theo tôi nhận thấy thì dường như quý khách chưa muốn anh bạn Dũng đây rời khỏi sân khấu… Phải thế không ạ ?
Dưới hàng khán giả :
- Đúng thế !
- Anh bạn Dũng hát hay quá… yêu cầu hát thêm bản nữa…
- Bis !
Ông Vân Long quay sang anh Dũng :
- Chắc anh Dũng đã nghe và thấy sự mến mộ của mọi người dành đến anh, một giọng ca truyền cảm, vâng, truyền cảm vô cùng ! Vậy thì chắc anh chẳng hẹp hòi gì mà không trình bày thêm một bản nhạc nữa chứ ?
Anh Cường tiến ra nói nhỏ gì đó với ông Vân Long. Ông ta hướng xuống phía khán giả :
- Thưa quý khách, chúng tôi vừa được biết thêm một điều rất lý thú. Đó là anh bạn Dũng của chúng ta đây chẳng những hát nhạc Việt rất hay mà còn hát dân ca ngoại quốc cũng tuyệt nữa… Chắc quý khách cùng đồng ý với chúng tôi là chúng ta sẽ yêu cầu anh Dũng hát một bản dân ca ngoại quốc chứ ?
Anh Dũng nhăn nhó đến tội nghiệp. Trong tiếng vỗ tay của khán giả, anh lên tiếng xin được hát bản Five hundred miles một mình. Four Stars lui xuống và ông Vân Long vào hậu trường tìm được cây guitare thùng ra trao cho anh Dũng. Tiếng đàn đệm bập bùng xen lẫn lời ca êm ái :
… Lord I’m one
Lord I’m two
Lord I’m three
Lord I’m four
Lord I’m five…hundred miles
Away from home…
Nơi bàn nước, anh Cường nhìn lên, khẽ mỉm cười :
- Dũng hát hay tuyệt…
Anh Trí :
- Hy vọng mình sẽ thành công…
Anh Huy :
- Hẳn đi rồi… Kế hoạch của tao thì làm sao thất bại được…
Bây giờ em mới hiểu việc giới thiệu anh Dũng lên hát là một việc đã được các anh trong ban Four Stars trù liệu trước. Và việc đó nằm trong kế hoạch lôi kéo anh Dũng nhập bọn ?
Anh Dũng trình bày xong, hối hả bước khỏi sân khấu ngay. Ông Vân Long lên tiếng cám ơn anh Dũng đã giúp cho phần văn nghệ thêm sôi động rồi giới thiệu tiết mục kế tiếp. Anh Dũng vừa về đến bàn nước, những người khán giả ngồi gần đó đã tiến lại bắt tay khen ngợi. Hai ba người đưa sổ tay xin chữ ký. Anh Dũng đỏ mặt cám ơn, dáng đầy cảm động. Lúc những khán giả ái mộ về chỗ họ, anh Dũng vừa kéo ghế ngồi thì một ông ăn mặc sang trọng tiến đến. Anh Cường giới thiệu:
- Xin giới thiệu với anh Dũng : ông Lê Nguyễn, trưởng ban văn nghệ của nhà hàng Tiên Cảnh…
Anh Dũng bắt tay ông Lê Nguyễn :
- Xin chào ông.
Anh Huy lấy thêm ghế cho ông Lê Nguyễn ngồi. Ông Lê Nguyễn nói với anh Dũng :
- Tôi được ban Four Stars giới thiệu về anh đã lâu rồi, thú thật với anh là tôi chưa có chút tin tưởng vào những lời giới thiệu đó. Nhưng mới rồi đây, được chứng kiến anh trên sân khấu, tôi thấy rằng những lời Four Stars đã giới thiệu với tôi quả không sai. Vì thế, tôi đến gặp anh để đề nghị với anh một chuyện… Số là, nhà hàng chúng tôi đang có chương trình khuyến khích, tìm tòi các tài năng mới…
Anh Dũng :
- Ông định mời tôi hợp tác ?
- Anh thật thông minh… Vâng, quả chúng tôi có ý đó… Nếu anh bằng lòng, chúng ta có thể ký giao kèo ngay từ bây giờ… Điều kiện rất dễ dãi : anh sẽ trình bày chung với Four Stars hoặc hợp tác với chúng tôi bằng tư cách một ca sĩ độc lập đều được cả…
Anh Dũng có vẻ bối rối. Anh Trí :
- Anh Dũng nên nhận lời đi anh Dũng ạ…
Anh Cường :
- Ông Lê Nguyễn đây nổi tiếng là người khó khăn trong việc chọn lựa ca nhạc sĩ, thế mà ông đã chọn anh, như thế đủ tỏ rằng ông mến anh đến mực nào rồi…
Anh Dũng :
- Thật ra, tôi chưa hề bao giờ có ý nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nghệ sĩ trình diễn…
Ông Lê Nguyễn :
- Nếu thế thì anh có thể về suy nghĩ lại cho chín chắn rồi sẽ trả lời. Chúng tôi lúc nào cũng sẵn lòng đón anh hợp tác…
Chị Lan Phương ;
- Theo Phương nghĩ, anh Dũng bỏ qua cơ hội bằng vàng này thì uổng lắm đó…
Anh Dũng nói với ông Lê Nguyễn :
- Vâng, vậy xin ông chờ đợi tôi một ít lâu để tôi suy nghĩ đã…
Tự nhiên, em sợ anh Dũng nhận lời. Không biết có phải vì em nghĩ đến lúc anh nhận lời, anh sẽ như anh Trí, chị Lan Phương, xa dần em, để em trở lại tâm trạng buồn chán lúc trước; hay vì một ý nghĩ rất lạ và mơ hồ trong em : con người anh, em thấy anh không thể tạo tương lai bằng giọng hát, lời ca trong bầu không khí vui chơi của một nhà hàng ca nhạc…
Tiếng ông Lê Nguyễn :
- Tôi hy vọng một ngày không xa, tôi sẽ nhận được lời đồng ý của anh…
Anh Dũng hơi cúi đầu, dáng suy tư :
- Vâng, tôi cũng hy vọng sẽ không làm ông phật ý.
CHƯƠNG III
Tuấn
Ba má tôi ngỏ ý muốn anh Dũng kèm thêm cho chúng tôi về việc học, anh đã vui vẻ nhận lời. Nhưng thay vì có ba học trò, anh chỉ còn hai. Chị Lan Phương tôi không học, viện cớ năm nay chị học lại, thêm nữa, không muốn làm phiền anh Dũng. Ba má tôi nghe thế thì biết thế thôi. Ba tôi nói : “Học hay không tuỳ mày”. Má tôi : “Hay là mày xấu hổ ?”
Phần tôi và Lan Anh, chúng tôi biết lý do từ chối của chị Lan Phương không phải chỉ đơn giản thế. Nguyên nhân chính bởi chị ấy đang “cay” anh Dũng ! Anh đã thẳng thắn từ chối lời mời hợp tác của ban Four Stars, dĩ nhiên, cũng khước từ luôn sự cộng tác với nhà hàng Tiên Cảnh với tính cách ca sĩ tự do.
Không học với anh Dũng, đó là một cách phản đối cũa chị Lan Phương. Nhưng anh Trí thì không thế. Vì anh chưa tin là mình đã thất bại. Anh tôi rất ham chuộng âm nhạc – đó là một điều lạ vì tôi, tôi lại không ưa ca nhạc chút nào – anh có một ước muốn duy nhất khi quyết định thành lập nhóm Four Stars : nêu cao tên tuổi ban nhạc và cá nhân mình trong giới mộ điệu ! Ham chuộng âm nhạc, mong muốn tiếng tăm, nhưng anh cũng mến những người cùng ý thích với mình, cũng muốn người có tài được tiếng tăm như mình. Đức tính này, tôi cho là một đức tính tốt, và tôi rất kính mến đức tính này của anh. Không được như ý trong dự tính đầu tiên để đưa anh Dũng vào ban nhạc với mình, anh không như chị Lan Phương, hờn dỗi, trả thù rất con gái ! Anh như đang nghĩ đến một kế hoạch khác để lôi cuốn anh Dũng cho bằng được !
Đại học đã bắt đầu tựu trường. Trong lúc anh Trí học ở luật còn nhàn, thì tôi thấy anh Dũng đã như con vụ xoay tròn quanh thời khoá biểu nào lý thuyết, nào thực tập… Ngoài giờ học, giờ kèm tôi và Lan Anh, tôi tưởng anh Dũng chỉ còn một số thời gian rất ít để nghỉ ngơi. Giải trí thì tôi chắc là không rồi. Thế mà không ngờ, anh còn có một hoạt động khác nữa !
Anh kể cho tôi biết, anh vừa gặp được người bạn thân ở Cần Thơ, cũng lên đây học và nhà trọ anh ta – anh Nhật – trong một khu xóm cách nhà tôi chừng cây số. Gặp nhau, hai anh mừng rỡ hàn huyên. Rồi một ước mộng ngày ở trung học được hai anh nhắc lại, bàn tính và quyết định bắt tay vào việc thực hiện…
Tôi hỏi :
- Ước mộng gì vậy anh Dũng ?
Anh cười lắc đầu :
- Một ước mộng nhỏ thôi… nhưng chưa tiện nói ra bây giờ…
- Anh giữ bí mật cả với em nữa sao ?
- À không… gọi là giữ bí mật thì không đúng lắm đâu. Tính anh thích làm hơn nói vì anh nghĩ, nếu nói cho người khác biết mình sẽ làm cái này, mình sẽ làm cái nọ, rồi đến khi vì hoàn cảnh hoặc trở ngại nào đó, mình không làm được điều mình đã nói… Có phải là… kỳ lắm không ? Chi bằng cứ… không nói gì hết, mà làm…
- Như vậy chắc em còn phải chờ một thời gian rồi… Mà… bao giờ hai anh mới bắt đầu thực hiện giấc mộng đó?
- Anh Nhật và anh đang chuẩn bị…
- Em có thấy anh làm gì đâu mà anh nói là đang chuẩn bị ?
Anh Dũng cười :
- Làm sao mà Tuấn thấy được. Cả ngày Tuấn chỉ mải miết với sách vở, có để ý gì đâu…
Tôi hơi thẹn :
- Em chỉ sợ thi rớt…
- Thế bây giờ Tuấn có muốn biết bọn anh đang chuẩn bị những gì không nào ?
- Sao không…
- Vậy thì… chiều mai, chiều thứ bảy, anh mời Tuấn đi chơi chung với anh và anh Nhật một chuyến… Nhé ?
- Đi chơi ?
- Đúng ra là đi viếng thăm một nơi mà anh và anh Nhật đang chọn làm môi trường để chuẩn bị khả năng…
- Anh nói có vẻ bí mật quá, em chẳng hiểu gì cả.
- Thì để anh nói rõ hơn cho Tuấn hiểu vậy : anh mời Tuấn đi chứng kiến những hoạt động của anh và anh Nhật tại cô nhi viện Từ Tâm…
Tôi reo lên :
- Thì ra hai anh đang làm một việc thiện ?
- Các anh làm gì có tiền bạc nhiều mà làm phước…
- Chứ không thì các anh đến cô nhi viện làm gì ?
- Thì… cứ đợi đến lúc đó rồi Tuấn sẽ biết… Mà trước hết, anh muốn biết Tuấn có nhận lời hay không đã ?
Tôi chần chờ khi nghĩ đến mấy bài tập toán lý hoá đang chờ đợi. Tôi dự định sẽ thanh toán chúng nội trong chiều thứ bảy để chủ nhật, tôi còn làm thêm ít bài nữa. Nhận lời của anh Dũng thì chắc chắn phải dời mấy bài toán ở lớp sang chủ nhật rồi… Nhưng thôi, chiều ý anh ấy một phen xem sao. Vả, cái vẻ bí mật của anh làm tôi thắc mắc quá ! Tôi hỏi :
- Anh có cho Lan Anh đi không ?
- Lan Anh thì hẳn là phải có mặt rồi…
- Được đi chơi những chỗ như cô nhi viện, chắc nó vui lắm.
- Anh cũng mời cả anh Trí và chị Lan Phương của Tuấn…
- Thế à ?
- Nhưng chỉ có anh Trí đi thôi…
Tôi nhớ lại chuyện không chịu học của chị Lan Phương. Tôi cười với anh Dũng :
- Chị Lan Phương có vẻ như… giận anh rồi đó !
Anh Dũng :
- Giận hẳn đi rồi chứ “có vẻ” gì nữa. Nhưng đành thế chứ biết làm sao bây giờ Tuấn ! Thật lòng, anh không muốn làm mất lòng ai trong gia đình Tuấn cả. Nhưng… nhiều khi mình phải chọn lựa, Tuấn ạ…
Lại bí mật rồi ! Anh Dũng này khó hiểu quá đi !
*
Mãi đến khi đứng trên thảm cỏ xanh trong cô nhi viện Từ Tâm, và trước mặt là các em cô nhi ngồi xếp bằng ăn bánh kẹo, tôi mới lờ mờ hiểu việc làm của anh Dũng.
Chừng như việc anh mời anh Trí và chị Lan Phương đi dự buổi viếng thăm này là để “đáp lễ” tối đi nhà hàng Tiên Cảnh hôm trước. Họ đang ăn miếng trả miếng nhau hay đang muốn lôi kéo nhau ?
Anh Dũng, anh Nhật, mỗi người một cây guitare, vừa đàn, vừa hát :
… chúng con xin yêu đàn trẻ thơ
Xin yêu đàn trẻ thơ
Chúng con xin biến thành người làng
Xin làm con xóm làng…
Con người nhiều khả năng của anh Dũng lại một phen làm tôi ngạc nhiên. Lần đầu tiên, khi nghe anh hát nhạc trẻ, tôi đã có ý không tốt về anh. Ý nghĩ đó mất dần khi tôi nghe anh hát dân ca Hoa Kỳ, rồi nhạc tiền chiến Việt Nam, và kia : những bài du ca. Nữa : nhi đồng ca… anh Dũng khoác đàn tiến tới trước các em cô nhi :
- Bây giờ, anh sẽ tập cho các em hát một bài hát vui. Các em ngồi lại thành vòng tròn đi nhé. Kẹo bánh thì để… khoan đã, tập hát xong mình sẽ tiếp tục ăn. Chứ vừa ăn, vừa hát, xem kỳ lắm, phải không các em ?
Lũ trẻ vừa trả lời vừa đứng lên đổi chỗ nhau, quây thành một vòng tròn quanh anh Dũng. Anh Nhật xách đàn lại nhập bọn với anh em tôi và Soeur giám đốc :
- Soeur thấy anh bạn con thế nào ? Nó hăng quá Soeur nhỉ ?
Soeur giám đốc mỉm cười :
- Còn phải hỏi ! Có hai anh em mà phải xoay quanh với mấy mươi em nhỏ suốt mấy tiếng đồng hồ hỏi sao không mệt. Giá có được bốn năm người…
Anh Nhật quay sang anh Trí :
- Chúng tôi hy vọng sẽ được anh hợp tác đó anh Trí !
Câu nói của anh Nhật nửa đùa, nửa thật làm anh Trí khó trả lời, anh chỉ còn biết cười trừ.
Đằng kia, tiếng anh Dũng vang lên :
- Anh sẽ hát trước một lần cho các em nghe rồi sau đó, anh sẽ tập cho các em từng câu một nhé, các em chịu không ?
- Chịu ! Chịu !
- Tập rồi mình ăn kẹo nghe anh Dũng ?
- Anh Dũng cũng phải ăn kẹo luôn đó !
Tôi nhìn sang anh Trí, anh đang hướng mắt về phía anh Dũng, tia nhìn đầy chăm chú và mông lung, chừng như anh đang suy nghĩ gì đó…
Tiếng hát của anh Dũng vang vang :
Ta học nhiều lắm rồi
Nào anh em ơi
Xếp sách ta ra
Ngoài sân ta chơi…
Xem tiếp CHƯƠNG IV, V, VI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét