CHƯƠNG I
BỐN NGƯỜI BẠN TRẺ
Bốn đứa trẻ đang thả diều. Bầu trời cao nguyên gió thổi lồng lộng tung bay tà áo trắng của Yến, đứa bé gái trong bọn con trai nghịch ngợm phá phách này. Yến là em của Thi, thằng bé tinh khôn và mưu trí nhất đám. Tập tành theo anh và được anh cưng chiều lắm, Yến chơi toàn trò chơi con trai: thả diều, lính chì, bắn bì, đánh đáo… Yến không thích chơi đùa với những bạn gái cùng xóm, chung lớp vì một lẽ rất giản dị: nó không có ai để nhõng nhẽo, hờn mát, làm nũng. Con gái lại hay chanh chua, đối đáp, lắm mồm lắm mép, cãi nhau như ó. Thật đáng chán!
Mới sáng sớm bảnh mắt Thi đã rủ hai bạn là Đĩnh và Bình qua thung lũng bên kia thả diều thi. Phần thưởng cho kẻ chiến thắng là chim nướng chúng săn bắn lát nữa đây khi trời rạng đông. Ba đứa bắn ná thung cũng rất giỏi, leo cây cũng rất tài.
Thi và Yến là con ông chủ đồn điền Phú Lộc, đồn điền trồng trà và cà phê lớn nhất ở Bảo Lộc này. Chúng không thiếu ăn bao giờ. Mâm cơm lúc nào cũng đầy ắp món ngon vật lạ, nhất là những thứ thịt rừng như hươu, nai, thỏ rừng… đôi khi có cả thịt voi và gấu nữa. Ăn nhiều hóa chán, hai anh em rủ nhau đi lang thang suốt buổi ngoài đồng trống hay leo núi chơi. Lúc đầu chúng lén trốn đi, cha mẹ biết nhưng vì bận nhiều công việc và cưng chiều con quá mức, chỉ rầy la sơ sơ. Hai đứa trẻ cứng đầu và ham mạo hiểm được thể tiếp tục cuộc chơi của chúng. Thường khi chúng đi đâu mất biệt từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà.
Đĩnh và Bình trái lại, là con hai người làm công của cha mẹ Thi, rất nghèo và khiêm tốn. Hai đứa này học giỏi, thường chỉ bảo thêm cho Thi và Yến bài vở nhà trường và được cha mẹ Thi quý hóa không kém chi hai con ruột. Ông bà bình dân, biết điều, không ỷ tiền tài, thế lực khinh khi kẻ dưới… Đĩnh và Bình ra vào quen thuộc và dễ dàng nhà ông bà chủ đồn điền như nhà riêng của chúng vậy.
Bây giờ đang mùa hè, các học sinh được nghỉ dài hạn nên bọn trẻ này tha hồ tự do. Thời kỳ này cha mẹ Thi lại bận rộn nhất: đây là thời gian cà phê chín, phải hái, phơi, sấy và về các đô thị tìm nơi tiêu thụ. Ông bà một tuần lễ đi ra ngoài hết 6 ngày, chỉ trừ Chủ nhật là ở nhà với con.
Thi yên chí là em gái mình không biết được buổi đi chơi xa này. Con bé có tật ngủ nướng trên giường. Tối qua Thi chỉ hẹn riêng với bạn. Không phải thằng bé ích kỷ, ghét bỏ gì em, nhưng có con gái đi theo vướng chân lắm. Nhất là hôm nay bọn con trai dự định đi rất xa. Mang em gái theo lỡ nửa đường con bé kêu mỏi chân, đau chân phải cõng nó về thì khổ.
Thi hí hửng sửa soạn đồ vật cần thiết. Nó thu dọn lắm thứ lỉnh kỉnh vào giỏ: một cái diều giấy lớn, một cuộn dây nilông để thả diều, con dao đi rừng nhỏ, tấm poncho trải ngồi dưới đất cho tiện. Đồ ăn mang theo là mấy nắm cơm to chắc nịch cùng năm con cá rô chiên. Trong túi quần là chiếc ná thung quen thuộc, một ít bì – bì là những hòn sỏi tròn vo, trắng muốt dùng làm đạn cho ná thung. Thi thích đạn màu trắng, nó không bao giờ lựa các hòn sỏi vàng hay lốm đốm nâu. Nó bảo đạn màu bắn xui lắm, đạn trắng mới trúng. Dĩ nhiên đó chỉ là một cái cớ giải thích vụng về những việc nó làm mà thôi. Không ai tin nó và nó cũng không cần ai tin.
Hai bạn Thi đang chờ ở cửa. Thi đã ra dấu bằng tay qua khung kính cửa sổ báo cho các bạn rồi. Chỉ 5 phút nữa là ba đứa ra khỏi nhà. Thi cố gắng hết sức nhẹ nhàng rón rén vào phòng em gái lấy thêm cái áo mưa, mắt liếc chừng Yến đang ngủ trên giường. Con bé đang say giấc, thỉnh thoảng ú ớ một câu gì không rõ. Thi mỉm cười quay lưng bước ra, thở phào như vừa trút được gánh nặng. Nhưng có tiếng Yến gọi:
- Anh Thi.
Thi khựng lại, đành trở lại phòng em, làm hòa.
- Yến kêu anh chi đó? Em mơ ngủ phải không?
Con bé ôm cổ anh, nũng nịu trách:
- Anh gạt em. Anh hẹn đi chơi cùng anh Đĩnh, anh Bình. Đêm qua anh sửa soạn gì em thấy hết. Em đã mang sẵn diều và dây thả diều đây này. Anh cho em theo với.
Thôi chết rồi! Thi than thầm trong bụng. Mình hớ hênh sao để cho nó thấy hết còn gì. Làm sao bây giờ? Thi bào chữa:
- Anh thấy em ngủ ngon không gọi đấy chứ. Em đừng theo đi. Tụi anh hôm nay đi bộ xa lắm. Em đi về đau chân cho mà xem.
Yến năn nỉ:
- Em đi được mà anh Hai. Em giả bộ ngủ chứ thức đã lâu, chờ anh đấy. Anh xấu quá, tính qua mặt em đi chơi. Em hứa là em không kêu đau chân đâu.
- Thôi đi Yến à. Ai còn lạ gì em. Lần trước bắn chim ngoài núi Đại Bình cũng vậy. Hứa hẹn giỏi lắm, lúc về anh phải bóp chân gần chết. Tha cho anh lần này đi Yến.
Con bé nhất định không chịu, làm dữ.
- Anh không cho em theo em la lên cho xem. Má mà biết là anh ở nhà, bị đòn đừng khóc nhé. Má ơi! Má…
Thi vội vã bịt miệng em, cái miệng xinh xẻo mà hay ăn vạ nhất nhà:
- Đừng la em, em muốn đi thì đi, anh có cản đâu. Sửa soạn mau lên nhé.
Yến hôn anh đến chụt một cái vào má:
- Anh điệu quá. Anh ra trước chờ em, 5 phút là xong.
Thi ngán lắm, nhưng không biết tính sao. Nó đã thuộc lòng tính em gái. 5 phút của Yến dài như nửa tiếng đồng hồ của con trai chúng nó. Thôi rán chờ vậy.
Nó chuyện vãn với hai bạn cho qua thời giờ.
- Chờ em tao một chút nghe Đĩnh, Bình. Tao lén nó trốn đi mà không được. Nó bắt gặp, hăm he nếu tao không để nó đi theo nó la lên.
Bình cười:
- Tao lạ gì mày. Đi đâu kè kè em gái theo. Đừng vịn cớ này nọ nữa ông mãnh.
Thi ức:
- Tao thề với chúng mày. Tao không bảo nó. Không hiểu sao nó biết.
Đĩnh vờ tin Thi cho êm chuyện:
- Con bé láu lỉnh lắm. Gạt nó dễ gì. Tao tin mày, Thi ạ. Khỏi thề thốt mất công.
Thi vẫn ấm ức nhưng không cãi nữa. Nói hoài rồi cũng không đi đến đâu. Buổi đi chơi có thể mất vui. Bình hỏi Thi:
- Mày định tới đó thật à? Nguy hiểm lắm.
Thi so vai:
- Tao sợ gì. Mày sợ thì bỏ cuộc đi. Bây giờ cũng còn kịp.
- Không phải thế. Nhưng…
Thi cắt ngang:
- Không nhưng nhị gì cả. Tao nói vắn tắt: mày thích thì đi, không thì thôi. Tao chẳng bắt ép ai cả.
Bình im lặng. Đĩnh dò dẫm Thi:
- Trưa nay tới thung lũng được chưa? Tao sợ khó lòng. Leo đồi mệt lắm.
Thi tin tưởng:
- Đi bộ chắc không tới được. Mình phải về nhà gấp chiều nay, trước khi sẩm tối. Đi đêm nguy hiểm. Vậy thì phải chạy cho lẹ. Chúng mày đồng ý không?
Lẽ dĩ nhiên là hai cái đầu xanh biểu đồng tình. Chúng có cãi lời “đàn anh” của chúng bao giờ. Thi học dốt hơn hai bạn thật nhưng nó có một trí thông minh thực tế, ứng biến rất nhanh trong những trường hợp nguy hiểm.
Bình bàn với Thi:
- Tao chỉ ngán em mày chạy không nổi. Nó nằm xuống thì ai khiêng đi được. Nặng lắm.
Thi dở giọng “lãnh tụ”:
- Mày khỏi lo. Tao là “chúa đảng” tao phải lo. Nó chạy chì lắm tao rượt hoài không bắt được. Không tin hôm nay tụi bay thử sức với nó xem.
Trấn an bạn như thế nhưng Thi lo lắm. Lo thật sự. Yến chỉ giỏi tài khóc, có giỏi chạy đâu. Tuy nhiên, lỡ rồi thì Thi phải chịu. Nó cố tác động tâm lý để Bình và Đĩnh quên việc Yến đi theo hôm nay đi. Và nó thành công. Hai đứa bạn nó hớn hở:
- Mày thách tụi tao cũng sẵn sàng, đừng nói em gái mày. Có giỏi mày nhập cuộc luôn cho vui.
Đĩnh ưỡn ngực:
- Tao vui lòng chấp nhận lời thách thức này. Tao phải làm cho tụi bay nể mới được.
Bình và Đĩnh tự nhiên thấy máu trong người mình sôi lên. Con trai không thể thua con gái. Chúng biết chắc là sẽ thua Thi nhưng thắng con Yến. Con gái làm tàng để khóc một bữa cho đáng kiếp.
Vui chuyện nhưng Đĩnh vẫn thấy sốt ruột. Chờ đợi gì lâu cả thế kỷ không bằng. Nó bảo Thi:
- Mày bảo nó nhanh nhanh lên. Kỳ nào đi chơi cũng phải chờ nửa tiếng. Mất hết thì giờ. Đi sớm một chút tới nơi trời mát, dễ chịu hơn.
Giọng con gái cất lên:
- Anh Đĩnh nói gì đó. Mới đợi chút xíu đã cằn nhằn. Trời đây có bao giờ nắng gắt đâu.
Đĩnh vội chối biến. Nó biết cãi không lại con bé lắm điều ấy.
- Yến đừng nói thế. Tôi nói thằng Bình mà!
Vừa nói Đĩnh vừa nheo mắt cho Bình hiểu ý.
Bình cười:
- Đĩnh nói thật đấy. Thôi chúng ta đi.
Đĩnh dẫn trước đoàn. Nó đi thật nhanh cho Yến không theo kịp, khỏi hỏi vặn lôi thôi. Lời lấp liếm của nó đưa ra vội vàng khi nãy còn nhiều sơ hở lắm. Nhưng Yến không vặn vẹo gì cả. Hôm nay con bé vui vẻ được cho anh đi chơi xa, nên không chú ý đến những điều nhỏ nhặt.
Yến liếc nhìn hai bên đường mòn. Những cây cỏ dại đủ loại, đủ màu hoa đủ mọi hình thù mọc san sát, dầy đặc trên đất núi cố vươn lên tìm hưởng chút ánh sáng mặt trời.
Nó thích nhất là cây trúc nở hoa nhưng rất hiếm khi gặp. Cha nó bảo rằng loài tre trúc cả trăm năm mới nở hoa một lần, và trổ hoa xong là chết.
Yến bảo anh:
- Anh Thi à, anh ráng tìm cho em cây trúc trổ hoa đi.
Thấy cô em gái giở giọng yêu sách, Thi đáp cho xong chuyện.
- Anh hứa sẽ tìm cho em. Có điều anh không hứa chắc bao giờ tìm được đấy nhé, cái đó chỉ hên xui may rủi thôi.
Yến không nỡ bắt chẹt anh mãi. Nó tự thấy mình hơi làm quá. Nó biết anh cưng nhưng chỉ có chừng, cái gì anh làm được mới hứa. Cây trúc trổ hoa cả trăm năm mới có một lần, biết đâu mà tìm bây giờ.
Thi bảo các bạn:
- Bây giờ chúng mình thả diều nhé, gió lên mạnh lắm rồi. Lát nữa nắng chói khó rõ ai thắng cuộc.
Thật ra thì Thi thấy con đường còn xa quá, đi như thế này biết chừng nào tới nơi. Bảo Yến chạy chắc chắn nó không chịu. Vậy chỉ còn cách thả diều. Muốn diều lên thì phải chạy mau, hai tay giật giật sợi dây điều khiển và nương theo gió cánh diều cao dần. Càng chạy mau thì diều càng dễ lên hơn. Yến ham vui tất nhiên hưởng ứng ngay. Và Thi đạt được mục đích của mình. Thế mới hay, làm chúa đảng nhóm nho nhỏ ba, bốn đảng viên “điều hành” công việc cho chạy cũng khó lắm. Nhất là trong nhóm có một đứa con gái nhỏ hay nhõng nhẽo.
Đĩnh và Bình hơi thắc mắc không hiểu Thi định làm gì thì thấy bạn lừ mắt ra hiệu. Chúng suy nghĩ chút xíu, hiểu ngay cười thích thú. Yến còn nhỏ, không hay nghĩ sâu hỏi Bình:
- Anh Bình cười Yến phải không?
- Không đâu Yến ạ. Tôi cười vì tôi biết chắc khi thả diều Yến sẽ thua tôi. Có thế thôi.
Bình khích Yến cho con bé chịu nhận cuộc chơi. Quả nhiên Yến mắc mưu nổi giận:
- Anh nói cái gì? Yến thua anh hả? Còn lâu, thả thử là biết ngay.
Thi giảng hòa:
- Ta chơi đi. Yến thả diều của anh đi, anh xách giỏ thức ăn cho. Đĩnh nữa, chơi luôn thể. Có ba cái diều thả cùng lúc mới vui. Ta nhắm hướng thẳng con đường trước mặt đi nhé.
Ba đứa trẻ thả ba cái diều giấy với đuôi dài thườn thượt từ từ bốc cao khỏi mặt đất. Ba cuộn dây nilông tháo dần dần. Chúng cắm đầu cắm cổ chạy. Thi chạy theo, tay xách giỏ thức ăn và vật dụng cho cả bọn. Gió thổi mạnh và càng lên lưng chừng đồi gió càng dữ hơn. Yến nhẹ nhất, nhiều lúc tưởng mình biến thành cánh diều gió đưa lên tận mây xanh cuối trời. Nó sợ hãi hét lên khi thấy suýt nữa gió thổi bay đi. Những lúc ấy nó vừa sợ vừa thích thú. Nó vừa chạy gắng cho kịp ba đứa con trai, mắt đăm đăm theo dõi con diều đỏ lơ lửng trong gió sớm. Hai tay nó thả cuộn dây như máy, thêm tấc nào là nó mừng chừng nấy vì dây của Thi luôn luôn dài nhất, thả hết cuộn là chắc chắn thắng cuộc. Anh Thi của Yến không bao giờ thua và Yến cũng không bao giờ thua. Nó tự nhủ như vậy.
Thi luôn miệng chỉ bảo em gái cách giật sợi chỉ, xoay tay xoay người điều khiển con diều. Yến mới tập thả cách đây vài tháng, không lão luyện già dặn như Thi nhưng được cái là ở đây đất trống trải, rộng rãi, gió lại mạnh và có liên tục rất thuận tiện thả diều. Chứ ở thành phố thì thả diều rất khó, muốn thắng cuộc cần phải thả rất giỏi và leo trèo lên nóc nhà thả cho khỏi vướng dây điện giăng mắc, rất dễ bị trợt té dập mặt. Diều dễ bị “bắt” lại bởi nhà cửa, dây điện, khó thu lại. Vô phúc nếu đứt dây thì mất cả diều lẫn phần dây đứt.
Thi có thể bảo bạn để Đĩnh và Bình nhường em gái mình được nhưng nó không thích thế. Nó muốn có sự tranh tài thực sự và Yến chắc chắn sẽ thua, nhờ thế mà bớt quá quắt phần nào. Làm nũng chỉ có lúc thôi chớ. Mình không nói được để người ngoài dạy nó dễ hơn.
Đĩnh đưa mắt hỏi ý Thi xem nên cho diều lên cao nữa hay thôi. Làm vậy vì nó nể “chúa Đảng” và cũng vì sợ con bé lắm điều này. Lỡ ra thua cuộc nó ngồi khóc tỉ tê cả buổi thì ai dỗ được!
Thi thản nhiên gật đầu cho Đĩnh thả thêm dây nữa. Cứ việc ganh đua tự do mà. Bình cũng biết ý "Chúa Đảng" tiếp tục cho diều lên cao vượt hẳn diều của Yến. Yến hậm hực hét lên:
- Chấp anh Đĩnh, anh Bình đó. Diều của Yến lên cao cho mà xem. Lên đi, lên mau đi diều ơi!
Thi suýt phì cười. Yến nóng lòng thả mau cuộn dây thêm một khúc rất dài. Nhưng nào phải thả diều là tháo dây ra cho dài không thôi đâu. Sợi dây diều đang căng thẳng bỗng trùng lại và diều của Yến lảo đảo, đi xuống thấp dần. Thi sợ em buồn vội bảo:
- Cuộn bớt dây lại Yến ơi. Có gió bên trái đó.Em giật sợi dây nhè nhẹ đưa diều lên.
Yến nghe lời anh và diều của nó lên cao trở lại. Nhưng lúc ấy, diều của Bình và Đĩnh đã cao lắm rồi. Yến thất vọng nhưng biết lỗi tại mình không dám nói năng cằn nhằn anh Thi. Nó cố gắng mãi nhưng tài thả diều của nó có hạn, không thể nào thả hết cuộn dây dài được.
Mải gia nhập cuộc chơi hào hứng này mà bốn đứa trẻ chạy một đoạn đường rất dài không biết mệt. Và chúng đã lên đỉnh đồi từ lâu và giờ đây đang chạy xuống sườn đồi bên kia. Yến vẫn bướng bỉnh không chịu thua. Nó hy vọng gió sẽ thổi và đưa chiếc diều của nó lên cao nhất. Nó sẽ thắng cuộc.
Thi thừa biết kết quả cuộc thi, không buồn theo dõi nữa. Nó nhìn xuống đường đi dưới chân. Con đường trải dài, vô tận. Đất trắng xóa có nhiều cát chạy không chắc chân chút nào, rất dễ bị lún. Hướng này Thi chưa đến bao giờ. Người ta đồn vùng trước mặt là vùng nguy hiểm. Có ma cà rồng hút máu người. Thi không tin như vậy, nhưng cũng hơi sợ sệt. Đêm tối âm u nằm trong giường thằng bé nghĩ đến một bóng đen với hai răng nanh dài thườn thượt, hai ngón chân quặp lên lỗ mũi mà rùng mình lành lạnh nơi xương sống. Nếu ma cà rồng chui vào phòng mình thì sao nhỉ? Nó sẽ hét lên tông cửa phòng chạy ra vườn chăng? Thi đoán lờ mờ rằng mình làm thế cũng không thoát. Người chạy còn ma bay như chim vậy đuổi theo bắt kịp mấy hồi.
Thi thấy một ngôi nhà cổ kính bỏ hoang, tường rêu xanh om lấp cả cửa nẻo ra vào, lấp loáng ẩn hiện sau khu rừng rậm rạp. Cánh cổng sắt han rỉ, Thi có cảm tưởng nó gần rã ra thành bụi với thời gian. Khu vườn quá rộng, um tùm như một cánh rừng già nho nhỏ, cánh rừng trong đó có lâu đài của những nàng tiên xa lánh trần thế sống cuộc đời hoan lạc trong sáng trên thiên thai.. Lâu đài ấy chính là ngôi nhà đồ sộ, nguy nga và chắc chắn kia.
Ngôi nhà bỏ hoang đàng xa Thi biết rõ lắm. Nó nghe chuyện kể lại của ba nó cách đây hơn một năm rồi. Ngày xưa, cách nay chừng trăm năm có một vị quan Thượng Thư triều Nguyễn giàu có nổi tiếng mua đất cho xây ngôi nhà ấy. Không biết câu chuyện bí ẩn xảy ra trong lâu đài ra sao mà cả nhà vị Thượng thư ấy chết hết, mỗi người cách nhau một vài tháng lần lượt nằm xuống. Vị Thượng thư chết sau cùng. Ông có để lại một tập thơ chữ nôm thuật lại những bí ẩn ấy. Ông không nói trực tiếp cho người ngoài hiểu được, trái lại, ông bắt buộc người đọc phải thông minh suy đoán và biết phép chiết tự của chữ Nho. Cuốn thơ ấy, rủi ro thay đến nay đã bị lạc mất.
Ma cà rồng từ đâu trôi giạt về trú ngụ trong lâu đài, đêm đến ra ngoài kiếm ăn hút máu người và súc vật như trâu, bò, dê,… của người Thượng nuôi quanh đó cho đến chết. Người Thượng đã truyền thuyết như vậy nhưng những người Kinh không tin. Cách đây mươi năm, một người bạo nhất đến cắm lều trong khu vườn âm u kia một đêm. Sáng hôm sau, không thấy tăm hơi anh chàng lực lưỡng võ nghệ đó, cảnh sát địa phương được thông báo đến nơi tìm thấy một cái xác lạnh cứng, nhợt nhạt, mất hết máu trong thân thể, cổ họng còn mấy vết răng cắn đứt. Vẻ mặt anh ta đầy sự kinh hoàng khủng khiếp. Hai tay nắm chặt lại như muốn lấy lại sức mạnh và tự tin. Bác sĩ pháp y giải phẫu cho biết kết quả anh chàng kia chết vì bị mất hết máu qua vết răng ở cổ họng. Chỉ có thế thôi. Không có chất độc hay vết đả thương trầy da chút xíu nào.
Bắt buộc người ta tin là có ma vì cuộc điều tra cảnh sát cho thấy không có thủ phạm. Không có vết chân người, dấu vết vật lộn, dấu tay, hay một chút ánh sáng nào đưa đến giả thuyết có người sống đến khu vườn ấy trừ chính nạn nhân đáng thương kia. Nạn nhân cũng không phải bị thú rừng hay rắn rít cắn xé. Vậy tại sao anh ta chết? Vết cắn ở cổ họng kia do đâu mà có?
Người ta không dám bén mảng đến khu vườn và ngôi nhà ma quái ấy nữa. Toàn thể khu vực rộng rãi khang trang đó bỏ hoang đến ngày nay.
Bỗng Thi có cảm tưởng như mình đang bay bổng trong không khí. Và nó bay xuống thấp chứ không phải lên cao như ba con diều giấy đang lơ lửng trên bầu trời đục đục chập chùng, lộng gió. Thi hoảng hốt tự hỏi hay là mình đang ngã xuống vực thẳm? Vô lý, nó đâu có nhìn thấy vực sâu đâu mà té xuống! Rõ ràng đang ngắm ngôi nhà và con đường trải dài trước mặt. Không có hố hay hào rãnh nào cả. Vậy người nó tự nhiên lơ lửng như bay kia là sao?
Thi quay sang bên cạnh thấy em gái mình và hai bạn đang “bay” hệt mình. Ba đứa tay còn luống cuống với sợi dây thả diều, mồm la hét ầm ĩ, gương mặt hằn rõ nét ngạc nhiên và sợ hãi. Chúng không biết chống đỡ ra sao cả. Thi cũng không hơn gì các bạn, tay nó xách cái giỏ không biết để đâu đành nắm chắc khư khư. May mà Thi giữ được bình tĩnh, nếu hoảng hốt đã buông rơi cái giỏ rồi.
Bốn đứa trẻ thấy chân chạm vào một nền cứng. Chúng tới đất, bốn đứa ngã chồng đống vào nhau, dồn cục thật tức cười. Thi tới đất trước nhất nên phải chịu sức dội mạnh nhất. Nó khoẻ mạnh lắm nên chỉ thấy tức ngực một chút thôi.
Bốn đứa lồm cồm bò dậy. Chúng đau ê ẩm cả người, ngồi dậy không nổi nữa. Thi gan góc nhất bọn, không khóc. Yến đau quá, không nén được, bật khóc òa lên ôm lấy anh. Nó khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc.
Thi biết em đau quá nên mặc cho Yến khóc. Nó vuốt tóc Yến, vỗ về an ủi em. Đợi cho Yến qua cơn đau, Thi mới dỗ:
- Nín đi Yến! Em xem có ai khóc đâu. Ngã ai cũng đau cả. đâu phải riêng mình em.
Yến làm nũng anh, khóc to hơn. Thi nhìn qua hai bạn thấy Đĩnh và Bình tuy không khóc thành tiếng nhưng cũng chảy nước mắt sống. Nó thương em bối rối không biết dỗ làm sao. Chợt Đĩnh và Bình lấy tay áo chùi mặt và ra dấu cho nhau. Đợi Yến ngước lên cả hai ráng nở nụ cười chế giễu. Nụ cười không nguyên vẹn, nhưng cũng có hiệu quả. Yến thẹn quá, mặt đỏ lên nín bặt. Thi cười cảm ơn hai bạn.
Bốn đứa trẻ nhìn xung quanh, vách đất cao vút, thẳng đứng đến 5, 6 thước cách mặt đất. Chúng dõi mắt theo chiều dài đường hầm đào thấy chạy quanh tròn và rất dài, tưởng như vô tận. Đĩnh lên tiếng:
- Chắc đây là đường hào đào quanh một căn nhà nào đó phòng kẻ trộm. Bọn mình vô ý sụp hố.
Thi thêm vào:
- Ngôi nhà bỏ hoang đấy mà; không biết hào này đào từ bao giờ, tao chẳng nghe thấy ai nói đến hết.
Bình nhận xét:
- Hình như không phải đường hào quanh nhà vì đường hào không có che đất lấp kín bên trên. Đúng là hố đào bẫy heo rừng, gấu, cọp chi đó.
Yến sợ run, suýt khóc trở lại:
- Trời ơi! Anh Thi ơi! Anh Bình nói đúng đấy. Làm sao bây giờ? Lỡ heo rừng hay cọp sụp hố này thì chúng mình bị ăn thịt hết.
Thi thấy bạn và em gái có lý. Đường hầm chắc để bẫy thú dữ. Nếu có thú dữ sụp hầm thì đường hầm hẹp, bốn đứa chúng nó không xoay sở, không chống đỡ hay chạy trốn gì được. Tất cả sẽ làm mồi ngon cho thú.
Thi ngước mắt nhìn lên trời, suy nghĩ kế thoát thân. Nếu ở yên đây không chết vì thú dữ cũng chết vì đói khát, muỗi mòng, rắn rít. Chúng sẽ bị bỏ quên nơi đây cho đến chết. Cha mẹ chúng không thể ngờ được con mình lại dám mạo hiểm vào vùng nguy hiểm này. Chưa kể là con ma cà rồng linh thiêng và khát máu kia nữa. Hố này rất gần tòa lâu đài bỏ hoang phế lâu ngày.
Thi thấy bọn nó còn may. Đường hầm quá dài nên nền đất không dùng chông tre hay chông sắt tẩm thuốc độc. Có chông thì bốn đứa chết chắc rồi.
Thi nhìn thấy chiếc diều của Yến còn bay phất phới trong bầu trời. Còn diều của Đĩnh và Bình không thấy. Hoặc hai điều này đã rớt trên đất, hoặc vẫn còn bay nhưng đường hầm hẹp nhìn lên trời không thấy được. Thi chán nản, hết thú vị ở trò chơi thả diều, bảo ba bạn:
- Thu diều lại. Chấm dứt trò chơi.
Ba đứa ngoan ngoãn nghe lời Thi răm rắp. Kể cả Yến nữa. Con bé thường ngày hay nhõng nhẽo, bắt anh chiều mình, ít khi chịu nghe anh bảo bao giờ. Thế mà nay nó nhận thấy ở Thi có một quyền lực kỳ dị và nó phải tuân theo. Nhưng nó vẫn muốn thắng cuộc. Hay nếu không thắng được thì huề vậy dù nó thua rõ ràng. Nó gắng bảo Đĩnh và Bình:
- Hai anh hòa với Yến đấy nhé. Đang chơi giở phải ngừng lại. Không phải Yến thua đâu.
Đĩnh điềm đạm chẳng nói chi. Bình sùng lên trả đũa:
- Bây giờ thì Yến thắng luôn cũng được. Tôi không thiết nữa.
Thi tách rời hai đứa:
- Thôi im đi. Nghe tao nói đây Bình. Bây giờ mình phải thoát ra được đường hầm này. Vấn đề là thoát bằng cách nào?
Đĩnh trả lời:
- Hay mình cứ đi loanh quanh đường hầm chắc cuối cùng có lối ra. Tôi thấy hầm đào cong cong thành vòng tròn đó thôi.
Thi lắc đầu:
- Không ổn Đĩnh ạ. Mày phải biết đường hầm che đất là để bẫy thú. Nếu có lối thoát thì thú dữ khi bị sụp hầm lồng lộn chạy quanh thoát ra thì sao?
Đĩnh tiu nghỉu. Bình ra vẻ suy nghĩ. Còn Yến cũng quay đi. Nó đang tức với Bình.
Thi thấy cả bọn im lìm thì phát quạu lên. Bọn này chỉ ăn là được, đụng chuyện không ai giúp đỡ nó được cái gì. Mọi khó khăn trút lên đầu nó hết! Nhìn anh nhăn nhó, Yến phì cười:
- Anh là Chúa đảng phải tính kế hoạch thoát thân là phải rồi . Nhăn chi nữa.
Thi toan tát em một cái nên thân nhưng rồi nó rụt tay lại. Nó không đánh em bao giờ. Hơn nữa nếu Thi không tính ra đường thoát thì chẳng xứng đáng lãnh đạo chút nào.
Thi dịu nét mặt, cố dằn cơn nóng xuống, hỏi Yến:
- Sao em không thu diều về, để dây dài nửa chừng làm chi?
- Không thu được anh Thi ạ. Lạ quá, hai diều anh Bình và anh Đĩnh không thấy bay thì thu về cái một. Diều em bay rõ ràng thì nửa chừng bị vướng đâu đó. Nếu kéo dây nữa là đứt.
Thi thử kéo dây rồi lắc đầu chán nản. Đứt dây uổng lắm, còn mất cả cái diều. Bao công phu chẻ tre, quấy hồ, phết diều dán giấy cho đẹp mà thành ra mây khói. Đành để diều đấy rồi liệu bề thu về sau khi lên khỏi đường hầm quái ác này.
Thi vụt cười tươi rói, Trời ơi, đơn giản thế mà sao nó chẳng nghĩ ra. Muốn thoát khỏi hầm chỉ có cách dòng dây. Nó bảo Bình và Đĩnh:
- Tụi mày tháo dây diều ra, bện lại nhiều sợi cho chắc đi. Chúng mình thoát rồi.
Bốn đứa hì hục làm việc. Nửa tiếng đồng hồ sau xong xuôi. Thi đắc ý:
- May mà hôm nay mang dây nilông thả diều. Như mọi khi thả bằng chỉ sợi thì chịu, không đủ chắc chắn thoát lên đâu.
Thi bảo các bạn:
- Bây giờ mình bắt chước cao bồi quăng dây bắt bò rừng.
Nó buộc con dao đi rừng vào đầu sợi dây và quay quay đầu dây vài vòng rồi liệng thẳng lên cao. Nó giật thử trước khi nắm dây trèo lên. Than ôi! Con dao rớt trở xuống. Thực tế khó khăn cay đắng có dễ dàng đâu như Thi tưởng tượng. Nó thử ném vài lần nữa cũng thất bại hết.
Yến, Bình và Đĩnh giành ném nhưng rồi vô hiệu. Thi thở dài:
- Tao biết rồi, tụi bay ạ. Mình đâu nhìn thấy gì, đứng dưới đáy hầm ném hú họa lên trời làm sao trúng cây cối hay cọc đóng chắc cho mình leo lên được. Phải làm sao đây?
Yến nhanh miệng:
- Anh Hai thử làm cách này xem. Bốn đứa đứng chồng lên vai nhau, người cao nhất sẽ ném sợi dây này. Đứng cao may ra nhìn được cảnh vật cây cỏ bên trên chút ít.
Thi sáng mắt, khen em gái:
- Yến hôm nay được việc cho anh quá. Em ngoan lắm.
Yến mừng quên cả nhõng nhẽo đòi thưởng như thường lệ. Bốn đứa trẻ vội vã làm theo lời con Yến. Thi lực lưỡng khỏe mạnh nhất đứng chịu dưới cùng. Lần lượt từ dưới lên cao là Bình. Đĩnh và Yến tiếp nhau. Yến mảnh mai đứng trên cùng. Đầu nó chỉ còn cách miệng hầm độ hai thước nữa. Yến đã nhìn thấy bầu trời nắng đẹp trên đầu. Bên tay trái cách nó chừng 5 thước có một cọc gỗ hàng rào đã cũ. Yến nhắm cọc và quăng dây ra.
Nó quăng trật vuột mãi. Thi sốt ruột vì chịu bên dưới quá nặng, giục em:
- Rán lên Yến. Anh mệt quá rồi đây.
Yến quăng dây lần này thì trúng và quấn quanh cọc. Nó mừng lắm, giật thử thấy chắc chắn có thể bám lên được bèn bảo anh:
- Xong rồi anh Thi ơi!
- Em leo lên trước đi. Rồi đến Đĩnh và Bình. Anh lên sau cùng.
Yến là con gái nhưng leo trèo còn nhanh hơn con trai. Con bé theo anh đi chơi đã lâu ngày rồi. Nó khéo léo và nhẹ nhàng nên ăn đứt con trai là phải. Yến trèo lên được mặt đất, phụ giúp giữ dây cho Đĩnh và Bình. Đĩnh vừa lên khỏi. Bây giờ tới Bình. Thi bảo bạn lúc ấy đang đứng với mình trên nền hầm đất, mặt mày tươi tỉnh có sinh khí, không thất vọng bí xị như lúc nãy:
- Rán lên mau rồi giữ tao nhé.
Bình gật đầu. Thi chuyển cho bạn các vật dụng, diều, giỏ xách đựng thức ăn rồi mới bám dây tựa vào vách hầm đu lên. Đứng trên mặt đất rồi Thi thất vọng trở lại:
- Trời ơi! em quăng dây thế này hả Yến? Qua mé kia mới là đường về nhà, mắc vào cọc hàng rào thì lại phải vượt ngang đường hầm lần nữa.
Thi cười nói với Bình:
- Bây giờ tao nhảy xa nhé. Nhảy qua hố rồi kéo mày qua luôn. Hai đứa đứng một bên đủ để đỡ Đĩnh và Yến sang rồi.
Nói thế vì Thi biết Đĩnh nhảy xa rất dở. Ở trường, giờ tập thể thao đến món nhảy xa là anh chàng chịu. Nhảy chừng hai thước là cùng. Chiều ngang đường hầm phải ba thước ngoài. Yến là con gái lại nhỏ tuổi chắc chắn phải đỡ nó.
Thi lấy đà từ xa chạy nước rút và phóng qua bờ bên kia. Nó cố gắng lấy gan đạp chân hết sức mớm vào bờ đang đứng lao sang. Chân nó vừa vặn chạm vào bờ đất. Theo trớn phóng, Thi lủi luôn về phía trước trên bãi cỏ. Hú vía. Nhảy qua hố sâu khác hẳn nhảy xa trên đất cát ở sân tập của trường học.
Bình hơi sợ nhưng rán lấy hết can đảm phóng qua. Thi nắm lấy hai tay của Bình giật mạnh vào lòng giữa lúc thằng bé hụt chân. Bình té dồn cục lên người Thi an toàn.
Đĩnh và Yến chần chừ mãi. Hai đứa đùn nhau không ai dám nhảy sang trước dù bên kia đã có Bình và Thi đỡ lấy. Thi hơi sùng bảo Yến:
- Em sang trước đi Yến. Anh đỡ. Không sao đâu.
Yến lắc đầu. Thi chế nhạo:
- Thế mà lúc sáng nhất định theo anh đi. Anh nói trước em đâu có nghe.
Yến vẫn không chịu nhảy. Dỗ ngọt rồi nói sẵng đều chẳng hiệu quả chút nào. Thi đành liệu biện pháp khác cho em và Đĩnh:
- Thôi thế này vậy. Yến ném đồ vật sang cho anh. Em ném sợi dây bện cho anh luôn. Anh và Bình giữ một đầu dây. Đầu dây bên kia có cái cọc rồi. Em và Đĩnh thủng thẳng chuyền qua cũng được.
Thi quay sang bảo Bình:
- Mày giữ đầu dây cho chắc tao ôm ngang bụng mày đứng tấn thật vững mới xong. Đừng buông tay dây sút ra nguy lắm đấy.
Bình tiếc sợi dây cằn nhằn:
- Thế này thì phải bỏ dây lại còn gì. Uổng quá. Hai đứa chết nhát.
Thi vỗ vai bạn:
- Tao tính thế rồi nhưng không được. Biết sao bây giờ. Thủng thẳng tao đền cho cuộn dây ni lông khác.
Yến chuyền qua trước. Đĩnh theo sau. Hai đứa qua bằng tay. Bề ngang hố đào tương đối ngắn nên chúng qua mau.
Thi thở phào sung sướng. Nhiệm vụ của nó chu toàn. Nó vừa tiếc sợi dây, vừa tiếc con dao đi rừng kẹt lại bên kia. Thấy cây cọc đã cũ, gần mục nát, nó bảo em gái và hai bạn:
- Chúng mày ráng phụ tao lấy lại sợi dây. Nếu cần nhổ luôn cọc hàng rào.
Nhưng cây cọc gãy đôi trước khi cả bọn nhổ lên được. Bốn đứa trẻ thở dốc nhìn nhau. Buổi đi chơi hôm nay thế là hỏng. Chưa đến nơi đã định thì sụp hầm, mất hết cả buổi sáng. Giờ đã trưa trật rồi. Thi giơ tay trái lên nhìn chiếc đồng hồ cũ kỹ, ba nó không thích trẻ con đeo đồng hồ mới, đúng 12 giờ trưa. Mặt trời đứng bóng. Cả bọn đi bộ chậm chạp trở về con đường cũ, bụng bây giờ mới thầy đói cồn cào. Yến giục anh:
- Mở giỏ ăn đi anh Hai, em đói quá rồi.
Thi nhìn hai bạn thấy đứa nào đứa nấy đang vỗ bụng, nheo mắt nhìn mình, miệng cười quái dị. Nó cười xòa tìm bãi cỏ xanh êm ái ra khỏi khu vực có hầm đào của ngôi nhà cổ, ngồi xuống. Trên tấm poncho trải cơm nắm, cá chiên và mấy quả chuối tráng miệng của Bình và Đĩnh. Bốn đứa ăn thật hăng hái, ngon lành. Yến ăn chậm hơn ba thằng con trai nên nó đòi chia phần đàng hoàng. Thi cười bảo em:
- Đây nhé, anh bẻ bốn phần thật bằng nhau. Cho em chọn trước để lấy phần hơn. Yến bằng lòng chưa? Hai anh Bình và Đĩnh không giành chọn trước em đâu.
Bốn đưa trẻ cùng cười. Ba đứa con trai cười chế giễu Yến. Con bé cười khỏa lấp sự tham ăn của mình. Chúng đều vui vẻ. Ăn xong rồi lăn ra ngủ. Chúng hồn nhiên như những con sóc con.
Xem tiếp CHƯƠNG II
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét