CHƯƠNG IX
BA GÃ ĂN MÀY
Mấy ngày rầy, bến đò Mai Lĩnh người ta đi đông như trẩy hội.
Ngôi quán con con của bà Lý Cốc không lúc nào vắng khách. Cô lái đò có tên là Sơn Ca nhưng đã lâu im tiếng hát, cũng ít lúc được ngơi tay. Mỗi ngày nàng chở đi chở về không biết bao nhiêu chuyến.
Mỗi chuyến đò ít ra cũng có một kẻ ăn mày. Nàng thường cười nói với mấy bà trong xóm :
- Sao dạo này ăn mày ở đâu đến mà đông như rươi (1) !
Và nàng tự hỏi :
- Tại sao những tên do thám thích giả dạng làm ăn mày thế nhỉ ?
Chuyến đò sáng sớm hôm nay có những ba tên hành khất.
Nàng chú ý đến tên to lớn nhất. Đối với con người này Tạo Hoá dường như quá khắt khe. Cho y được mỗi cái thân hình vạm vỡ, lại bắt y chịu vô số tật nguyền. Khổ sở nhất là cái lưng gù khiến cho mặt y luôn luôn phải nhìn xuống đất. Nửa người bên trái là nửa người bỏ đi từ cái má sưng u như ngậm hoài trong miệng một quả chám (2) thật to đến cánh tay khoèo có năm ngón tay co quắp. Còn cái chân thọt thì lúc nào cũng kiễng lên như chỉ dám đụng đến mặt đất của loài người bằng một ngón chân cái.
Y cam phận tật nguyền, ngồi ở mạn thuyền, xa lánh mọi người mặc dầu quần áo y có rách rưới mà không hôi hám. Khác hẳn với hai gã cùng đi, mặt mũi nhâng nháo như hãnh diện với cái nghề mà không ai thích giây vào.
Đến bến, hai tên này nhẩy tót lên bờ, gọn và đẹp như những người giỏi võ. Chúng ton ton đi trước để mặc gã loay hoay với một nửa thân hình không mang tật.
Mấy bà có gánh có gồng đã lên hết, vừa đi vừa nói chuyện huyên thuyên. Gã ăn mày chính hiệu rời chiếc đò sau rốt. Cô lái không nề hà giơ một bàn tay từ bi cho y bám vào điểm tựa.
Y cúi đầu thật thấp gật gật mấy cái tỏ ý vái chào trước khi cất bước một cách thật khó khăn.
Cô gái giật mình thấy một mảnh giấy gập vuông thật nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay.
Ái chà ! Tên này hoá trang giỏi thật ! Không ngờ ! Mà y là ai nhỉ ?
Nàng mở tờ thư ra đọc.
Thư viết bằng chữ nôm, nét bút đẹp, trông quen quen :
“Bạn Lĩnh Nam nhã giám,
“Ngày mai là ngày Đại hội ăn mày. Nhờ bạn báo ngay cho các chú Đinh, Ấn, Lạc nghênh tiếp thật long trọng.”
“Sơn Nữ cẩn cáo.”
Mai như người ngủ mê sực tỉnh. Nàng hồi tưởng lại ngày ông quân sư họ Nguyễn sửa soạn xuôi Nam . Ông khẽ dặn, lời ân cần như còn văng vẳng bên tai :
- Cháu Mai à, ngoài bốn ông tướng cai quản ba đạo quân đánh thành Đông Quan, chỉ có ba người biết ta có mặt hôm nay ở đất Bắc. Đó là ông Trần Kiện, cháu và một người lấy tên là Sơn Nữ nằm trong lòng địch.
“Cháu phải giấu thật nhẹm không cho ai biết bác ở chơi bên Lương Xá mấy ngày. Để lộ tin này ra, mẹo của bác tất không hiệu nghiệm và ta sẽ thua trận đấy.
“Nếu Sơn Nữ liên lạc với cháu thì cháu tên là Lĩnh Nam nhé”.
Nàng sực nhớ : ông Trần Kiện và bốn tướng đều có mỗi người một tên giả để phòng thư có lọt vào tay địch, tin tức vẫn không bị tiết lậu và những người tin cẩn không bị lộ diện.
Chạy ù vào một mái tranh gần đó, nàng thì thào :
- Lụa xuống trông đò hộ chị. Chị đi đàng này một lát. Có việc cần lắm.
Trong một thoáng, nàng biến thành một gã thiếu niên mặt đen đúa, đầu quấn chiếc khăn nâu, và mình khoác áo tơi lá mặc dầu trời không mưa. Gã dắt một con ngựa nòi, tót lên yên và cả người lẫn ngựa bay vào làng Lương Xá bằng những con đường tắt.
Trần Kiện trông thấy reo lên :
- Cháu Mai, chắc có tin gì quan trọng ?
- Dạ. May quá, có cả ba chú ở đây.
Trần Kiện, Lý Thiện và Đỗ Bí cùng châu đầu vào đọc một tờ thư chỉ riêng họ mới hiểu được nội dung.
Chú Lạc, tức Đỗ Bí, người dễ dãi nhất, giảng cho cô lái :
- Ngày mai, chúng nó sẽ tung thật nhiều tên dọ thám đi săn tin. Chúng ta sẽ kín đáo phô trương như có vua chúa ở đây.
Lý Triện, hay là chú Ấn, nhắc đi nhắc lại :
- Cháu Mai nhớ dặn tất cả những người bên ấy chớ quên những điều cấm kỵ. Nghĩa là tha hồ kháo chuyện rông rài. Muốn thêu dệt chuyện vua, chuyện tướng gì cũng được hết.
Duy có tên ông Nguyễn Trãi là cấm chỉ (3) không được nhắc đến.
- Vâng, cháu nhớ.
*
Chiều hôm sau, nàng kéo chiếc đò lên bờ khi trời mới nhá nhem. Trái với lệ thường, nàng tất tả trên đường về nhà để kịp ăn vội vàng mấy miếng rồi còn đi họp ở nhà cụ Cử.
Qua khoảnh ruộng chiêm đến một khu rừng nhỏ. Có tiếng người nói chuyện vọng lại. Tiếng chân người đi tới. Hai gã ăn mày hôm trước sóng vai nhau len lỏi trên con đường hẹp.
Tinh mắt, nàng vội tránh vào trong một bụi cây rậm rạp, đợi chúng đi diễn qua trước mặt.
Vô tình, chúng không trông thấy nàng, và vô tình vài câu đối đáp của chúng lọt vào tai kẻ thứ ba :
- Tức quá ! Tìm đúng nhà rồi mà không thấy thằng ranh con ấy đâu.
- Cả con nhãi con kia cũng không thấy nốt !
- Thôi để cho chúng nó sống thêm vài hôm nữa vậy. Thịt lúc nào chả được.
- Ừ, hễ bên kia ta triệt xong thì bên này tính lúc nào hay lúc ấy.
- Hà hà ! Tao thấy chúng nó nằm cả trong rọ mà còn lăng xăng chiêng trống rầm trời, ngựa voi rộn rịp… xem phát tức cười !...
Rón rén bước ra khỏi chỗ nấp, nàng đứng nom theo cho đến lúc hai tên ăn mày rẽ vào con đường bên trái.
Đang phân vân không biết có nên rượt theo chúng hay không, nàng giật thót mình, nghe đàng sau có tiếng người chạy tới. Một bóng đen lướt qua, nhanh như gió. Một cánh tay trong tối vung lên. Nàng chưa kịp nghiêng mình tránh đã cảm thấy như có một vật gì cắm chặt vào khăn, chỗ tóc vấn dầy nhất quanh đầu.
Một mũi phi tiêu nhỏ có một lá thư gấp nhỏ làm cánh. Sợ toát mồ hôi, nàng chạy ù về nhà, ghé vào đèn mở đọc.
A ! Hai thư chứ không phải một. Vẫn nét bút quen quen của anh chàng mang tên Sơn Nữ.
Bạn Lĩnh Nam nhã giám
Tối mai, hai kẻ lạ mặt sẽ nghỉ chân nơi quán Trúc.
Một tên giọng lơ lớ,
Ám hiệu : nheo mắt trái.
Bảo cô Lãm sắm rượu ngon, nhắm tốt và phục cho tất cả đều say.
Nhờ cụ Cử sẵn sàng nghiên bút sao lại tin tối mật.
Sơn Nữ cẩn cáo.
Khá quá ! Anh chàng này không gù như mình tưởng. Y chẳng những đứng thẳng băng mà còn chạy như bay trên đường lạ trong đêm tối. Phép ném phi tiêu cũng tuyệt vời. Nếu không phải là bạn ắt mặt mình…
Nghĩ đến đây, nàng rùng mình trong khi bàn tay thẫn thờ mở tờ giấy thứ hai.
Trời ơi ! Anh Lịch ! Thảo nào !
Nàng chăm chú đọc, lòng rộn một niềm vui trộn lẫn với một nỗi lo khó tả.
Em Mai
Lộng giả thành chân (4), thằng Rực đã theo hẳn Vương Thông và đang tìm cách ám hại anh Hậu trước khi triệt hạ đội dân quân làng ta đấy.
Phải cẩn thận đề phòng và trình cụ Cử biết ngay.
Anh Lịch
-------------------------------
(1) Rươi : một loại sâu từ dưới đất chui lên vào cuối thu, khi thời tiết thay đổi, trong những ruộng ở miền bể kêu là ruộng rươi. Rươi có thể làm được nhiều món ăn rất ngon.
Đông như rươi : rươi thường xuất hiện đông đặc trong những ruộng rươi.
(2) Quả chám : trái cà na.
(3) Cấm chỉ : cấm ngặt.
(4) Lộng giả thành chân : đùa mãi thành thật.
CHƯƠNG X
MỘT CUỘC HỌP BẤT THƯỜNG
Mai tất tả chạy qua sân tập, nhẩy mấy bực thềm, bước vào nhà khách rộng của thầy.
Không khí ở đây đêm nay sao khác lạ : ngoài vườn gió hun hút, lạnh căm căm mà trong phòng như ngột ngạt.
Cụ Cử ngồi chủ vị, im lặng trên chiếc đôn sứ kê ở đầu chiếc án thư bằng gỗ trắc. Hai bên , trên hai chiếc tràng kỷ lim đen bóng có trải nệm bông, là các nhà tai mắt trong làng, vị nào cũng khăn lược áo dài trịnh trọng.
Phía dưới, hai chiếc chõng tre kê hai bên dành cho mấy cậu, mấy cô nhỏ tuổi.
Tất cả đều ngồi im phăng phắc. Trên mặt án thư, ngọn đèn dầu lạc cháy lặng lẽ giữa chiếc điếu bằng bát sứ và cơi trầu sơn son không ai buồn động tới.
Mai rón rén bước vào, cúi đầu chào lặng lẽ. Lãm khẽ nhích người cho bạn ké né ngồi bên cạnh.
Giọng đanh thép song đượm buồn của cụ Cử cất lên phá tan sự yên lặng :
- Tôi mời các cụ và các anh, các chị đến họp gấp tối nay là do nhời yêu cầu của ông Hai ở xóm Chùa. Và cũng để cộng đồng xét xử một việc quan trọng… Nào xin mời ông Hai lên tiếng.
Ông Hai Quang, mặt mũi hiền lành, đứng dậy nói vắn tắt :
- Thưa các cụ, hồi chiều thằng Quý nhà tôi nhận được tin của anh nó là thằng Rực, con bác Cả sáng, cho biết cậu Hậu làng ta có liên lạc với cậu Lịch…
Ông nhường lời cho cậu con trai trình bày rành mạch :
- Thưa, anh Rực cháu nhắn về cụ Cử hai tin, thực hư thế nào con không rõ. Một là anh Lịch đã tự ý theo giặc, làm tay sai cho tên Trần Hiệp, tham tán quân vụ của Vương Thông. Hai là anh Lịch lén lút thông đồng với anh Hậu để…
Cử tọa nhao nhao phẫn nộ :
- Láo ! Láo !
- Vô lý !
- Hai anh ấy không đời nào làm bậy !
Quý đợi cho cơn giận của mọi người dịu xuống mới cố nói tiếp cho hết ý :
- … để xúi đội dân quân theo giặc, tiếp tay với quân Minh bắt sống Bình Định Vương mà lập công.
Cụ Cử ôn tồn hỏi :
- Rực nó nhờ ai nhắn tin cho anh ? Có giấy má gì không ?
- Thưa cụ không. Anh ấy nhắn miệng hai người giả dạng làm hành khất.
- Hừ ! Anh Hậu nghĩ sao ?
Tự tin và bộc trực, Hậu đứng dậy nói dõng dạc :
- Thưa các cụ, tâm địa (1) của anh Lịch, của anh Rực và của chính con như thế nào, có nhẽ cả làng ta ai cũng biết rõ nhất là cụ Cử là thầy dậy chúng con đã lâu. Riêng con nghĩ, anh Lịch không phải là hạng người chịu làm những việc nhơ nhớp. Từ ngày anh ấy bỏ làng đi, con không được tin gì về anh ấy, làm sao có việc thông đồng, xin các cụ xét cho.
Mấy ông chức việc trong làng bàn :
- Không phải tại không có mặt anh Cả Sáng và cậu Rực ở đây mà chúng tôi nghĩ xấu cho cậu ấy. Chứ cậu Rực nói xưng xưng như vậy, thật không đủ tin.
- Phải. Ta không thể nhẹ dạ tin một nhời tố cáo vu vơ mà nghi ngờ cậu Hậu. Sắp đánh nhau to đến nơi rồi, điều tối kỵ là làm cho lòng người chán nản…
- Đúng thế đấy. Nếu để cho đội dân quân khảng tảng (2) thì làng mình giữ cũng không xong, nói gì đến việc tiếp tay với các làng khác !
Cụ Cử vuốt chòm râu đã điểm nhiều sợi bạc, mỉm cười :
- Chị Mai cách đây mấy hôm có vào thành Đông Quan. Khi về, có trình cho tôi biết anh Rực đã nói ra miệng rằng anh ấy là người thân cận của Vương Thông. Chị Mai suýt nữa bị anh ấy ám hại…
Mọi người, kể cả ông Hai Quang và Quý, vồn vã hỏi đầu đuôi câu chuyện.
Mai kể vắn tắt, giọng bỗng run run khi nàng sống lại giây phút kinh hoàng của một thiếu nữ đứng trước mối nguy mà chân tay đều rũ liệt.
Nàng kết luận :
- Nhời nói của con là sự thật, nhưng dù sao cũng vẫn là “khẩu thuyết vô bằng” (3). Mặt khác lời cáo buộc của anh Rực cũng không chứng cớ. Vậy muốn biết rõ ai ngay, ai gian, chắc phải đợi lúc nào yên hàn mời anh ấy và anh Lịch về đây đối chất.
“Bây giờ, việc làng, việc nước là trọng. Con thiết nghĩ các cụ nên hoàn toàn tin tưởng vào anh Hậu. Con xin bảo lĩnh cho anh ấy. Nếu anh ấy hai lòng, con xin chịu tội.
Ông Hương Tùng, cha của Mai, và ông Trưởng Duyệt, thân sinh của Lịch và Lãm, cùng nói :
- Cả chúng tôi cũng bảo lĩnh cho cậu Hậu nữa.
Ông Lý Đôn cảm tạ hai ông bạn già :
- Lẽ tất nhiên, nếu con tôi làm bậy thì tôi cùng tất cả nhà đều chịu chung một hình phạt của làng.
Cụ Cử thích thú nói đùa :
- Cả thầy của nó đây cũng tránh sao khỏi tội ! Nó lại là trưởng tràng của tôi mới chết chứ !
Quay về phía ông Hai Quang, cụ hỏi :
- Ông Hai nghĩ sao ? cả anh Quý nữa. Có điều gì không phục, xin cứ nói.
- Thưa cụ, cha con tôi quả thật không có điều gì dị nghị. Thằng cháu Rực nhắn tin, không nhẽ không trình các cụ tường, chứ tôi thấy bên trong chắc có điều ẩn khuất…
*
Mai bấm Lãm nấn ná ở lại.
Đợi cho mọi người ra về hết, nàng trình cụ Cử hai bức thư vừa nhận được bằng mũi phi tiêu.
Xem xong, cụ Cử ngạc nhiên hỏi :
- Sao lúc nẫy con không đưa ra trình các cụ, có phải hay không ?
- Thưa cụ, tại con không muốn để lộ hành tung của anh Lịch, con muốn giấu ông bà Trưởng và thầy đẻ con nữa. Sợ các cụ mừng quá mà không kín chuyện.
Thầm phục con bé còn nhỏ tuổi mà cáng đáng công việc có phần cẩn trọng hơn mình, cụ khen :
- Ừ, con nghĩ thế cũng phải. Thôi, vụ ấy coi như đã tạm yên. Còn lo vụ đêm mai nữa. À con, xem nét chữ thì cả hai tờ thư này đều do một người viết. Vậy Sơn Nữ với thằng Lịch là một người sao ?
- Thưa cụ, con đoán… có nhẽ vậy.
Lãm liếc nhìn bạn, mỉm cười thấy nàng ửng hồng đôi má.
- Sao đàn ông con trai lại cắc cớ lấy tên là Sơn Nữ hả chị ?
- Con bé này có ngây thơ không ? Thì để che mắt địch, phòng khi thư lọt vào tay chúng chứ để làm gì nữa !
- Ờ há !
Hai chị em dắt tay nhau ra về, mỗi người mừng vui một cách. Một cô như ngộp trong niềm vui phải giữ kín cho riêng mình, còn một cô thì muốn tỉ tê san sẻ với mẹ ở nhà mà không dám.
_____________________
(1) Tâm địa : lòng dạ.
(2) Khảng tảng : chán nản, rời rã.
(3) Khẩu thuyết vô bằng : miệng nói không bằng cớ.
Xem tiếp CHƯƠNG XI, XII
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét