Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

CHƯƠNG VII, VIII, IX_NHÓM LỬA

CHƯƠNG VII

Dũng


Từ thật lâu, tôi vẫn mong muốn làm được một việc gì đó giúp ích phần nào cho những người chung quanh, để thấy mình đã góp được một phần rất nhỏ trong việc xây dựng một Việt Nam kiêu hùng, để thấy rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa, để thấy rằng mình đã sống một đời đáng sống… 

Tôi và Nhật đang gặp những khó khăn. Đôi khi, trở ngại làm chúng tôi thoáng chán nản. Nhưng rồi chúng tôi đã bảo nhau không được quyền thối chí. Chúng tôi đã tổ chức được những buổi thăm viếng một cơ quan từ thiện ; chúng tôi đã điều động được vài buổi sinh hoạt với trẻ em trong xóm; chẳng lẽ bây giờ, chúng tôi thất bại trước việc tổ chức một lớp học mộng ước… 

Phần đông dân xóm tán thành ý định của chúng tôi, nhưng ai cũng tỏ ý lo ngại. Một vài người còn nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ… 

Vừa rồi, Nhật bảo tôi : 

- Tao sợ mình phải bó tay… 

Tôi khích lệ Nhật, cũng để khích lệ chính tôi : 

- Không, nhất định mình sẽ thành công… 

Vâng, nhất định lớp học của chúng tôi phải thành hình. Mộng ước của chúng tôi phải thành hình…




CHƯƠNG VIII

Ông Khóm Trưởng


Đó là hai người bạn trẻ trong rất nhiều người tuổi trẻ hôm nay – tôi tin như thế – đang trên đường làm đẹp quê hương. 

Ngay khi nghe hai em trai đó ngỏ lời, tôi đã sốt sắng chấp thuận. Và rồi buổi sinh hoạt đầu tiên tổ chức cho các em nhỏ trong xóm đã thành công. Thật khó mà tôi quên được những hình ảnh đẹp ngày hôm ấy. Dưới nắng mai, một nhóm người trẻ tuổi và các em nhỏ quây quần bên nhau, ca hát những bài hát ngợi ca quê hương, những bài hát vui tươi, hào hùng. Họ kể những câu chuyện lịch sử, họ thuật những gương danh nhân… Có những lúc trên môi mọi người nụ cười ươm tươi, có những khi, ánh mắt mọi người rực sáng niềm tin, những lúc khác, tiếng vỗ tay theo nhịp hát như hồi trống thúc giục lòng người tiến lên trên đường xây dựng… 

Khó khăn chỉ ở buổi đầu tiên, những lần sau đó, những buổi sinh hoạt tiếp nối với sự thân mật sẵn có, đã làm khu xóm bừng sống hẳn mỗi buổi sáng chủ nhật. Một đôi khi, như buổi đầu tiên, hai người bạn trẻ nọ có những người bạn giúp sức, bằng không, họ cũng hết sức điều động, chung vui với các em nhỏ, đối tượng để họ hy sinh ngày chủ nhật đáng lẽ dành cho nghỉ ngơi, giải trí. 

Tôi nhìn hai người trẻ đó như hai người thợ vườn đang chăm bón vun xới cho cây đơm bông, hoa kết trái; những người trong âm thầm, tự thấy sung sướng với việc làm của mình. Tôi mến và phục hai tâm hồn hướng thượng đó. 

Nhưng… dù mến hai em thế nào đi nữa, tôi vẫn phải đành lắc đầu khi các em ngỏ lời xin một khoảng đất cạnh Trụ sở Khóm để dựng một lớp học miễn phí. 

Dĩ nhiên, không phải tôi sợ các em làm mất an ninh, cũng không sợ sự ồn ào của lớp học, càng không phải vì không muốn giúp đỡ các em. Mà bởi tôi không đủ thẩm quyền quyết định. Người có quyền là ông Phường Trưởng. Tôi đã trình lên ông, xin quyết định ở ông. Tôi ngỏ ý muốn được ông chấp thuận. Nhưng… 

- … làm sao anh tin được họ ? Anh phải nhớ rằng hiện giờ bọn phá hoại và những thành phần tranh đấu đang vận dụng đủ mưu mẹo để quấy phá chúng ta… Biết đâu chừng… 

Hai người bạn trẻ mà tôi mến phục ơi ! Tôi xin hai em đừng oán trách người đã nói những lời vừa rồi. Mà hai em hãy thông cảm, hãy thương dùm miếng cơm, manh áo của gia đình người đó, người đồng thế hệ với tôi, thế hệ đàn anh các em, đã trót là những con vít của xã hội máy móc và đầy rẫy nghi ngờ này. Ông Phường nhờ tôi thông báo cho các em biết : 

- Chính quyền địa phương bằng lòng cho các em tổ chức một lớp học trong xóm, nhưng với điều kiện, các em phải có một chỗ dạy tự túc, xa trụ sở Khóm… 

Tôi thiết tha muốn giúp các em. Phải chi gia đình tôi khá, nhà tôi rộng rãi, thì các em đâu phải tìm kiếm, lo lắng chạy một chỗ làm lớp học ? Đằng này, một vợ, tám đứa con nheo nhóc, tôi, với đồng lương khiêm nhượng của một viên chức địa phương, với căn nhà chật chội, thiếu tiện nghi, đành bất lực nhìn các em đang phải dừng bước trước khó khăn. 

Em Dũng nói với tôi : 

- Anh em tôi chỉ cần một khu đất nhỏ, chỉ chừng đó thôi. Còn lại những vật dụng cần thiết để trang bị cho lớp học, chúng tôi sẽ tự túc… 

Em Nhật thêm : 

- Nếu chính quyền cần điều tra về chúng tôi, hoặc muốn chúng tôi làm giấy tờ cam kết, chúng tôi đều sẵn lòng… 

Tôi chỉ còn biết an ủi hai em : 

- Hai em cố tìm cách khác xem sao, chứ ông Phường đã quyết định thì tôi không thể cãi lời. Hay là… các em lên gặp chính ông Phường xin xem sao ? 

Nhật và Dũng nhìn nhau, lắc đầu chán nản. Rồi sau đó, hai em kiếu ra về. 

Tôi nhìn theo hai em, hai người đang muốn đi về hướng nắng, nhưng ngõ hẹp, nhà cửa chật chội, chất chồng đã che khuất nắng sớm, đã khiến hai em phải đi trong ẩm ướt hôi hám của rác rưới, bùn lầy. Bất giác, tôi chép miệng : 

- Tội nghiệp ! 

Để rồi phải lắc đầu khi nghĩ rằng : ích gì khi những người đáng tội nghiệp nói tội nghiệp nhau ? 

Tiếng thằng Tân, con trai lớn của tôi : 

- Hai anh ấy về rồi hả ba ? 

- Ừ, về rồi. 

- Rồi chừng nào lớp học mới “khai giảng” hả ba ? 

- Bộ mày ham học với hai anh ấy lắm hả ? 

Tân cười chúm chím : 

- Chớ sao không ham, ba ! 

Tôi dò ý con : 

- Tại được hai anh ấy cho ăn bánh kẹo hoài chớ gì ? 

- Đâu có ! Con còn ham cái khác kìa… 

- Ham gì ? 

- Con kể ra, mà ba đừng cười con nghe ! 

- Ờ, tao không cười đâu… 

- Bữa nọ, anh Nhật kể cho tụi con nghe chuyện ông Trần Quốc Toản, cái ông này ngộ lắm ba ơi ! Ông ấy còn nhỏ tuổi mà đã ham đi đánh giặc rồi. Người lớn không cho, ông tức quá, tay bóp nát trái cam hồi nào không hay. Sau đó, ông mộ quân, tự mình chỉ huy đi đánh giặc, lập được rất nhiều chiến công… 

- Rồi sao nữa ? 

- Rồi anh Nhật hỏi tụi con : Mấy đứa có muốn được như Trần Quốc Toản không ? Tụi con đáp muốn ầm trời… 

- Mầy chịu làm như Trần Quốc Toản lắm hả ? 

- Dạ chịu… nhưng mà chưa chịu mấy… Con ưng ông Quang Trung hơn ba à. Con có hỏi anh Nhật vậy chớ… vậy chớ muốn làm được như Quang Trung có được không ? 

- Anh ấy trả lời sao ? 

- Anh ấy nói được. Nhưng muốn được vậy, còn nhỏ phải ráng học cái đã. Mà ba coi, vô trong trường, cô giáo dạy gì cứ rề rề, chán ngắt, làm sao giỏi được ba ? Phải có lớp học của hai anh ấy, con đi học thêm cho mau giỏi… 

- … 

Giọng con tôi mơ màng : 

- Làm được ông Quang Trung, chắc là sướng lắm ba há ? 

Tôi cười vì niềm mơ của con tôi vĩ đại quá. Tôi không tin rằng sau này nó sẽ đạt thành mơ ước, nhưng tôi chắc, với ước mơ đó, khi lớn lên, nó đổi thành những mộng ước thiết thực hơn, rồi khi thực hiện được, ít ra cũng là những việc như hai em Nhật, Dũng, nó sẽ thấy sung sướng, và còn sung sướng hơn cả được trở thành một Quang Trung nữa… 

Tôi lại nhớ đến hai người bạn trẻ rồi. Họ đang gieo vào lòng bọn trẻ xóm này những tư tưởng đẹp. Họ đã giúp con tôi, họ đã giúp con em dân xóm, vậy mà… Nghĩ lại, tôi tự thẹn, tôi đã không giúp được gì cho họ. Và không biết dân xóm này, có ai giúp được gì cho họ không ? Và nếu chẳng may, không ai giúp họ gì, họ sẽ làm sao ? Họ có bỏ dở dang dự định đẹp đó không ? 

Tôi cầu mong cho họ khắc phục được khó khăn…




CHƯƠNG IX

Thầy An


Tôi dạy học đã được cả chục năm, nhưng ngôi trường hiện nay, tôi mới chỉ xây dựng được cách đây bốn năm. Thật ra, gọi là trường vì không biết dùng chữ gì, chứ trường học của tôi chỉ là một căn nhà ngăn ba bằng những tấm phên đan, trong đó, bàn học, ghế ngồi đều làm bằng loại gỗ xấu, càng ngày càng cũ kỹ ọp ẹp. Trường tôi dạy từ mẫu giáo đến lớp nhất, nghĩa là gồm sáu lớp, luân phiên nhau hai buổi trong ba ngăn phòng. Học sinh là các em ngụ trong xóm, tổng cộng được khoảng hơn trăm. Ngoài tôi đảm nhận lớp nhất, tôi phải tìm thêm ba cô và hai thầy nữa để phụ trách các lớp khác. Học phí của học sinh, sau khi trang trải chi phí, lương bổng cho các thầy cô, chỉ còn vừa đủ cho gia đình tôi, một vợ, chín con chi dụng, tuy không đến nỗi chật vật, nhưng cũng chẳng khá chút nào. 

Tôi quen Nhật ngay khi em mới lên đây trọ học. Nghe đâu quê em ở Cần Thơ, hiện đang theo đuổi Dự bị Lý Hoá ở Đại học Khoa Học. Nhà trọ của em – căn gác xép nhà bà Năm Tiến – chỉ cách nhà tôi chừng mười căn. Tối hôm đó, dẫn thằng con ra đầu ngõ uống sinh tố về, tôi nghe được tiếng đàn bập bùng trên căn gác xép vọng xuống. Dù đã đứng tuổi, nhưng tâm hồn tôi vẫn chuộng âm nhạc lắm. Xóm tôi ở là một khu xóm mà hầu hết dân chúng đều là dân lao động, đàn hát bị xem như xa hoa, có vài cậu em chung nhau mua được cây đàn gẫy tình tang cho nhau nghe, nhưng chỉ có tính cách giải trí, chứ không điêu luyện như tiếng đàn trên căn gác xép nhà bà Năm Tiến. Thằng con tôi dừng bước, ngước nhìn lên đó : 

- Ai đờn nghe hay quá ba há ? 

Tôi dừng lại theo nó, đứng lắng nghe. Người trên căn gác xép đang chơi bản “Cầu sông Kwai”. Tiếng đàn ru tôi mê mẩn đến nỗi bà Năm Tiến phải gọi đến lần thứ hai, tôi mới giật mình lên tiếng chào hỏi bà. Và tối hôm đó, tôi quen Nhật. 

Nhật có một người bạn, trong một lúc tâm sự với tôi, em kể rằng chính người bạn đó đã ảnh hưởng sâu đậm đến hướng sống của em. Tiếng đàn điêu luyện của Nhật và của bạn em nữa, không phải tự nhiên mà có được. Mà là kết quả hàng năm trời, hai em tập luyện với nhau. Nhật khoe ngoài tiếng đàn, bạn em còn có giọng hát rất khá. 

Giọng hát đó, vào một buổi sinh hoạt sáng chủ nhật nọ, tôi đã được thưởng thức. Và tôi thấy, Nhật quảng cáo không sai chút nào. Thật vững vàng và phong phú không kém bất cứ ca sĩ nào. 

Tạo một luồng sinh khí mới cho khu xóm, hai người bạn mới của khu xóm chúng tôi đã chiếm được cảm tình của mọi người. Chúng tôi, ai như nấy, đều phải thầm khen sáng kiến của hai em. Trong những buổi sinh hoạt sáng chủ nhật, có thể nói là thường xuyên từ hơn tháng nay, không những trẻ con trong xóm được dịp tập sống cộng đồng, tập hát những bài ca vui tươi, lành mạnh, mà còn học hỏi được rất nhiều điều hữu ích. Một trong những điều mà tôi cho là có lợi nhất là bọn trẻ đang được hai người anh tinh thần của chúng hướng về một tình yêu thiêng liêng, cao đẹp : tình yêu dân tộc ! 

Dân xóm, và chính tôi, đều công nhận một điều này : con em chúng tôi đang được hai người bạn trẻ hun đúc, nuôi chí, luyện tài. Họ đã tiếp tay với chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ giáo dục cao cả. 

Thế mà thực ân hận, chúng tôi không giúp lại họ được gì cả. 

Nhật và bạn em vừa đến nhà tôi. Hai em cho tôi biết ý định muốn mở một lớp học và mong được tôi giúp đỡ. Dũng : 

- Bọn em nghĩ rằng nếu tổ chức được lớp học, việc dạy dỗ các em nhỏ sẽ được đầy đủ hơn là những buổi sinh hoạt sáng chủ nhật… 

Nhật : 

- Bọn em chỉ xin thầy cho mượn lớp vào buổi tối chừng hai tiếng đồng hồ… 

Tôi còn ngạc nhiên vì lời yêu cầu của hai em, có lẽ em Nhật tưởng tôi suy tính lợi hại, nói ngay : 

- Em biết lớp học không có điện, thầy khỏi lo chuyện đó, hai đứa em sẽ mắc điện lấy… 

Dũng thêm : 

- Hoặc nếu thầy sợ bọn trẻ phá phách lớp học, bọn em xin hứa sẽ đền bù những gì hư hao… 

Tôi lắc đầu : 

- Không, hai em đừng nghĩ thế… 

Vâng, hai em đừng nghĩ thế. Mà hai em hãy nghĩ đến điều này : từ ngày hai em đi hỏi dò ý kiến của dân xóm về ý định của mình, tôi đã nghe nhiều lời xầm xì, bàn tán. Bàn tán về việc làm của hai em, rồi bàn tán cả đến những lớp học hiện đang hoạt động của tôi nữa. Họ so sánh hai em và các thầy cô của tôi. Họ chê bai, trách phiền sự chểnh mảng của những người dưới quyền tôi. Tôi biết chứ, nhưng tôi hiểu, với đồng lương chẳng ra gì, làm sao họ hăng hái làm việc được ? Mà tăng lương cho họ, làm sao tôi sống ? Thu học phí cao, tránh sao được phụ huynh than van … 

Dân nghèo thường vẫn thực tế. Do đó, tôi không ngạc nhiên trước những câu nói, như : 

- Có lớp miễn phí, tôi cho tụi nhỏ học đằng ông An nghỉ hết. Học đâu mà chẳng vậy. Ở đằng này còn hơn được cái đỡ tốn tiền… mà các cậu ấy coi bộ cũng tận tâm… 

Không ngạc nhiên, nhưng tôi sợ. Vì không phải chỉ một người có ý đó, mà tôi biết, nhiều người đã có ý đó. Khổ cho tôi biết bao, càng mến, càng đồng ý với dự định của hai em bao nhiêu, tôi càng phải nghĩ đến miếng ăn, đến cuộc sống của tôi, của năm thầy cô dưới quyền tôi bấy nhiêu. 

Đó là một lẽ, lẽ khác nữa là chuyện cho các em mượn lớp học. Giả dụ như tôi cho các em mượn lớp đi, thì nếu chẳng may có gì hư hỏng, nỡ nào tôi lấy tiền đền bù của các em. Mà không nhận thì… còn gì ngoài tiền túi, tôi móc ra để sửa chữa. 

Tôi đã không dám trả lời dứt khoát với hai em Nhật, Dũng. Nhưng tôi nghĩ rằng, các em thừa thông minh để hiểu rằng, lời hẹn suy nghĩ lại của tôi là một lời từ chối… 

Hai em đừng giận tôi, xin thông cảm cho tôi, một người đang cần đến những lợi tức nuôi sống gia đình…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét