Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

CHƯƠNG XIII, XIV, XV_NHÓM LỬA


CHƯƠNG XIII

Ông Sơn


Đến bây giờ tôi mới hiểu rõ vì sao con tôi nhất định xin học ở Cần Thơ. Thì ra từ ngày ấy, nó đã có ý nghĩ rằng muốn thực hiện những điều mong muốn, chỉ có cách đem khả năng và phương tiện của chính mình ra làm. Ở Cần Thơ, nhất định con tôi có nhiều phương tiện hơn ở Sài-gòn rồi. 

Mấy ngày tết vừa rồi. Nhật đến chơi với con tôi luôn. Tôi mừng cho con tôi có một người bạn tốt. Hai đứa bàn tính gì đó rồi kéo nhau lên gặp tôi, sau những lời rào đón, chúng đã kể cho tôi nghe hết những gì chúng đã làm được ở Sài-gòn và những dự định của chúng đang gặp khó khăn cản trở. 

Tôi ngạc nhiên rồi cảm động trước việc làm của chúng. Nhật: 

- Con mong bác bằng lòng cho Dũng được đi dạy để chúng con có thêm ít tiền hầu thuê căn nhà của bà Tám làm lớp học… 

Con tôi : 

- Trước khi về quê, Trí có nói với con là nó sẽ cho bác Long biết để xin bác giúp một khoảng đất trong nhà làm lớp học, nhưng con nghĩ địa điểm đó không thuận lợi bằng nhà của bà Tám, vả lại, con không muốn nhờ vả bác Long, sợ phiền bác ấy… 

Tôi cười : 

- … và con cũng không chịu nhờ vả cả ba nữa phải không ? 

Con tôi ấp úng : 

- Thưa ba… 

Tôi ; 

- Ba đã quyết định xong về việc hai đứa vừa xin… 

Nhật nôn nóng : 

- Sao bác ? Bác bằng lòng cho Dũng đi dạy phải không bác ? 

Tôi lắc đầu : 

- Không ! Bác không bằng lòng. Chẳng những Dũng, mà chính cháu nữa đó Nhật. Bác cũng không muốn cháu đi dạy chút nào cả… 

Gương mặt Nhật và con tôi thất vọng xem thật buồn. Tôi biết chúng đã hiểu lầm ý tôi. Tôi nói : 

- Hai đứa phải nghỉ dạy để lo cho lớp học miễn phí chứ 1 

Con tôi : 

- Ủa ! Ba nói gì con không hiểu ? 

Nhật gãi đầu gãi tai : 

- Bác làm con hồi hộp quá ! 

- Có thế mà hai đứa chưa hiểu à ? Này nhé, ba sẽ tình nguyện làm nguồn tài trợ tài chánh cho hai đứa thuê nhà, mở lớp học miễn phí. Như thế, hai đứa còn phải đi dạy làm gì nữa ? 

Nhật reo lên: 

- Trời ơi ! Nếu được thế thì còn gì bằng… 

Nó ôm chầm lấy con tôi : 

- Mừng chưa Dũng ơi ! Thuê được nhà rồi, mày ở luôn với tao nhé ! 

Tôi xua tay : 

- A ! Điều này thì không được rồi đấy ! Dũng phải ở nhà bác Long, bộ hai đứa quên rằng bác Long là bạn thân của ba sao ? Gởi Dũng cho bác ấy rồi bây giờ lại cho Dũng đi chỗ khác, coi sao được… Căn nhà thuê của bà Tám gì đó, thằng Nhật phải đặc trách trông coi… 

Nhật : 

- Nghĩa là con sẽ thành ông gác dan, giám thị, và kiêm luôn… thầy giáo… ? 

Hai đứa trẻ cười thật vui. Trong niềm vui đó, tôi không quên nhắc nhở chúng : 

- Nhưng làm gì thì làm, cuối năm nay, hai đứa cũng phải cố làm sao lấy cho được cái chứng chỉ dự bị về làm quà cho ba đấy nhé ! 

Nhật và con tôi : 

- Tụi con không dám quên điều đó đâu.


CHƯƠNG XIV

Cường


Tôi bỗng thấy bất mãn, không phải vì sự lỗi hẹn của Huy hôm trước tết mà vì tự nhiên, nó yếu tinh thần quá đáng. 

Hôm trước tết, vì thiếu Huy, cuộc bàn luận với hai người bạn về việc thành lập Four Stars mới thất bại. Sau đó, gặp lại nhau, chúng tôi lại bất đồng ý kiến, việc không thành. 

Huy, trong nỗi chán nản của tôi, đã kể cho tôi nghe buổi tham dự của nó với bọn Dũng : 

- Không hiểu sao tao thấy mến họ. Vì những bài hát lạ tai ? Vì những lời hát hào hùng ? Vì những bài hát vui tươi ? Hay vì tiếng cười đùa của lũ trẻ… vì những nụ cười trên môi mọi người… 

Tôi cũng thấy bâng khuâng lạ. Tôi hình dung ra Dũng và Nhật, mỗi người một cây guitare bên nhau, vừa đàn vừa hát trước đám đông. Hình ảnh đôi bạn đẹp đó chứ ! Nếu tôi và Huy… Phải rồi… Đã có đôi bạn Nhật, Dũng, tại sao không thể có đôi bạn Cường, Huy ? 

Tôi nói : 

- Tao vừa nghĩ ra một điều hay hay… 

- Gì ? 

- Mình sẽ lập một ban song ca… 

- Tao với mày ? Và Two Stars ? 

- Không ! Không phải Two Stars mà là “Đôi bạn Cường, Huy”. 

- … 

- Mình sẽ xin hợp tác lại với Tiên Cảnh vì tao thấy chỉ có ở đó, tương đối nghệ thuật được đặt nặng… Và mình sẽ không trình bày nhạc trẻ nữa, mình hát nhạc Việt Nam loại ngợi ca, xây dựng… Biết đâu nhờ nét lạ đó mà mình được chú ý. Vừa nêu cao tên tuổi, vừa có một hướng đi xây dựng rõ ràng… 

Huy lắc đầu : 

- Mầy mơ mộng quá, tao không tin mình sẽ thành công. 

Tôi bất mãn Huy vì vậy. 

Tôi hỏi nó : 

- Mày xem giọng hát của mày thế nào ? 

- Tạm được. 

- Còn của tao ? 

- Kha khá ! 

- Như vậy chưa đủ để mình tin tưởng sao ? 

Huy lắc đầu không nói. Tôi bỗng nghĩ đến Dũng. Phải rồi, hắn là kẻ lôi kéo người khác rất hay…

*

Và Dũng đã thành công khi thuyết phục được Huy. Tôi và Huy bắt đầu xúc tiến việc tập dượt với một số tài liệu do Dũng cung cấp. Trí và Lan Phương biết chuyện, rất mừng cho chúng tôi. Huy đề nghị : 

- Hay là Trí và Lan Phương nhập bọn với tụi này luôn ? 

Trí cười : 

- Chắc là không được rồi. Vì… bộ hai đứa mày quên rồi sao… tao đã thành… thầy giáo Trí rồi… còn thì giờ đâu nữa… 

Chúng tôi thông cảm và cùng mừng cho Trí. Lớp học miễn phí của Dũng, Nhật đã thành hình vào một tối nọ. Hôm ấy, bọn Dũng tổ chức một buổi lễ đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm. Họ mời ông Trưởng Khóm, thầy An, một số phụ huynh học sinh đến dự. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng có mặt. Theo lời Dũng trình bày, lớp học này gồm toàn những học sinh được thầy An giới thiệu – có lẽ như thế để thầy An yên lòng, không sợ chuyện mất học trò – và chương trình học sẽ không giống chương trình hiện hành, mà có tính cách bổ túc và ôn tập. Những môn học như Chính tả, Âm nhạc, Hội hoạ, Chuyện Lịch sử được nâng lên hàng quan trọng… 

Dự buổi lễ khai giảng của lớp học Nhật, Dũng, Trí, chúng tôi có cớ để mời cả ba, thêm Lan Phương, Tuấn và Lan Anh, dự buổi trình diễn ra mắt của ban song ca chúng tôi. Không phải là ban song ca “Đôi bạn Cường, Huy” – nghe có vẻ cải lương quá – mà là ban song ca Việt Dũng. Hai chữ Việt Dũng để kỷ niệm, nhắc chúng tôi nhớ đến Dũng, người đã đưa chúng tôi đến hướng sống ngày nay, đồng thời, hai chữ Việt Dũng cũng được chúng tôi hiểu là “ lòng can đảm của dân Việt”, của những người trai Việt, của tuổi trẻ Việt Nam. 

Tôi và Huy đã hát liên tiếp năm bản. Và chúng tôi mừng đến chực rơi lệ khi nhận thấy khán giả đã tán thưởng chúng tôi nhiệt liệt, vượt hẳn sự tán thưởng dành cho Four Stars trước kia… 

Tôi bỗng nhớ đến ngày nào, khi Four Stars mời Dũng đến đây, và tôi đã gài Dũng vào thế không thể chối từ, lên sân khấu trình diễn. Để khơi lại kỷ niệm xưa, tôi xin phép nhà hàng được giới thiệu Dũng. 

Không còn dáng e ngại ngày xưa, bây giờ, Dũng rất dạn dĩ, tự nhiên. Dũng xin phép được giới thiệu thêm Nhật, Trí và Lan Phương cùng lên hát… 

Hình ảnh bốn người khiến tôi nhớ lại hình ảnh Four Stars. Four Stars ngày xưa giờ chỉ còn là kỷ niệm…


CHƯƠNG XV

Người Ghi Thuật


Thật may mắn, tôi đã gặp Dũng tại lớp học của anh. Và thật hân hạnh cho tôi, khi tôi được anh kể lại cho nghe từng diễn tiến trong việc thành lập lớp học. Anh cũng đã giới thiệu tôi với từng người liên hệ trong câu chuyện để tôi tìm hiểu thêm. Anh nói với tôi : 

- Tôi hy vọng với những điều anh vừa biết, và với ngòi viết, anh có thể giúp chúng tôi một tay trong ý hướng gieo rắc vào tâm hồn những người trẻ Việt Nam một niềm tin mãnh liệt rằng với thiện chí, với khả năng và với kiên nhẫn, tuổi trẻ vẫn có thể làm được những gì mình mong ước, dĩ nhiên, đó là những mong ước hướng thiện, vị tha, xây dựng… 

Dũng cũng ngỏ ý với tôi rằng, nếu có viết, anh muốn tôi sẽ không viết về anh và về các bạn anh. Tôi hiểu, anh muốn nói đến “cái tôi đáng ghét”. Nhưng tôi đã viết về anh, về các bạn anh. Vì tôi nghĩ, trước hết, ghi lại chuyện này, tôi không có ý đề cao những việc làm của anh, sau nữa, tôi cho là không gì chứng minh hùng hồn bằng sự thật. Và sự thật là anh và các bạn đã dựng được một lớp học, nơi trau dồi khả năng, đồng thời, hướng tâm hồn học trò về một hướng đẹp : dân tộc ! 

Trong công việc nhóm lại ngọn lửa dũng của tuổi trẻ Việt Nam, tôi tin là đã, đang và sẽ có rất nhiều người trẻ khác đã, đang và sẽ có những việc làm xây dựng như Dũng. 

Truyện này, tôi xin được làm một ánh lửa rất nhỏ, cùng góp vào ngọn lửa xây dựng mà những người trẻ đầy thiện chí trên khắp Việt Nam đang cùng nhau nhóm lên… 


Biên Hoà, tháng 10, 11-1971 
NGUYỄN THÁI HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét