Chương 13
NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ TRONG ĐÊM
- Lan ơi, anh quả quyết với Lan rằng đêm qua có ai vào phòng học của mình đấy. Này, nhìn kỹ xem nhé, rõ ràng có vết dép in xuống bụi này (lúc đó mới 6 giờ sáng nên chưa ai quét nhà). Anh nhận thấy vết chân từ mấy hôm nay, anh đã nghi ngờ rồi, nhưng đến hôm nay thì dấu vết rành rành ra đây nhé. Vết dép này to và dài hơn dép tụi mình thì phải là của một người nào khác rồi.
Tuấn vừa tỏ vẻ bí mật, vừa hãnh diện chỉ cho Lan xem những dấu dép in rõ mồn một trên sàn nhà. Óc trinh thám của em nổi dậy làm em cứ tưởng tượng mình là một thám tử tư trứ danh đang điều tra một bí mật nào.
- Nhưng ai mà vào đây làm gì ? Toàn là sách vở của tụi mình chứ có gì quí giá đâu ?
- Ừ, anh cũng chẳng biết là ai nữa… Hay là chị Ba đi ngang đây để xuống nhà kho ? Nhưng mà chị ấy có bao giờ xuống đấy khuya đâu, còn giờ này thì chị ấy chưa thức mà. Hay là để anh đi hỏi chị ấy cho chắc chắn nhé.
Một lát sau, Tuấn trở lên báo tin :
- Không phải chị Ba mà cũng không phải một người giúp việc nào khác. Chẳng bao giờ họ đi qua đây làm gì cả.
Bỗng Lan háo hức gọi Tuấn, sung sướng như bắt được vàng :
- Anh Tuấn ơi, em tìm được cái này vướng ở móc cửa xuống nhà kho.
- Một mảnh vải áo, nhưng áo ai nhỉ ?
- Nhất định mình phải khám phá ra ai vào phòng mình ban đêm mới được… À, em có cách này rất giản dị : Chúng mình trốn sau tấm màn cửa sổ dày này thì sẽ không ai trông thấy đâu.
- Nhưng chị Ba không thấy mình trong giường lại đi tìm khắp nhà thì sao ?
- Không, mình cứ đi nằm rồi sau khi chị ấy lên xem mình ngủ chưa thì mình lại lẻn vào đây chứ gì.
Tuấn gật gù :
- Phải rồi, ý kiến đáng khen ! Tối nay ta phải áp dụng ngay mới được.
Suốt ngày hôm đó, hai trẻ đứng ngồi không yên. Cứ nghĩ đến việc sắp làm thám tử tí hon ban đêm, là cả hai náo nức lên…
Chiều hôm đó, khi đi chơi về, Lan bỗng huých Tuấn :
- Kìa, anh nhìn xem, chỗ cửa bếp đó.
- Ờ… Vú già chứ ai xa lạ đâu ? Vú vẫn hay đứng đó trước bữa cơm chiều mà.
- Nhưng mà áo vú cũng màu đen và có hoa màu xanh dương như miếng vải em nhặt được ban sáng đó.
Tuấn chắt lưỡi :
- Thật là lạ chưa ! Vú già mà lên phòng mình à ? Mà lên để làm gì cơ chứ ?
Cơm nước xong xuôi, mọi người sang phòng khách ngồi trước lò sưởi. Tuấn đề nghị :
- Hay là mình tập lại bản nhạc hôm qua đi Lan. Mai thầy Thông (thầy dạy nhạc) lại đến nữa rồi mà mình chưa thuộc gì cả.
Quay sang bà, em lễ phép hỏi :
- Thưa bà, chúng cháu đánh đàn được không ạ ?
- Ờ, hai cháu cứ đánh đi, nghe càng vui chứ sao.
Lan ra ngồi trước dương cầm, còn Tuấn thì dạo vĩ cầm. Tiếng dương cầm êm êm, thánh thót hoà với tiếng vĩ cầm réo rắt hợp thành một tấu khúc thật nhịp nhàng. Nhưng chỉ một lát sau là Tuấn và Lan hết sự hứng thú trong việc hoà nhạc vì còn mãi nghĩ đến cuộc rình rập ban đêm. Cuối cùng, thấy Lan càng lúc càng lơ đãng, Tuấn đành buông đàn nói :
- Thôi, ngừng đi Lan. Em đánh gì mà loạn xạ quá vậy ?
Lan nháy Tuấn ra hiệu :
- Thôi, tụi mình lên ngủ đi.
Thế là Lan đóng dương cầm lại và Tuấn cất vĩ cầm vào hộp, rồi cả hai xin phép bà đi ngủ. Bà cụ lo lắng hỏi :
- Hai cháu có mệt không mà đi ngủ sớm thế ? Lại đây bà sờ trán xem có sốt không nào.
- Thưa bà không ạ, chúng cháu chỉ buồn ngủ sớm thôi.
Nói vậy, nhưng cả hai cũng lại gần cho bà xem trán. Thấy trán hai cháu mát rượi bà cụ mới yên tâm.
Anh Hồng bình phẩm :
- Tụi nó dậy sớm rồi cứ lông bông suốt ngày nên buồn ngủ là phải, bà ạ. Cháu cũng sắp đi ngủ đây.
Bà cụ đưa hai cháu ra tận chân thang rồi trở lại ngồi đan trong chiếc ghế bành êm ái trước lò sưởi.
Trong nháy mắt, hai anh em đã thay quần áo ngủ và lên giường nằm. Ngay sau đó, chị Ba lên đắp chăn cho chúng rồi tắt đèn.
Chị Ba vừa đi khỏi là Tuấn và Lan không ai bảo ai đều nhảy ngay xuống đất mặc thêm áo ấm vào, rón rén bước ra cửa.
Năm phút sau, cả hai đã nấp sau tấm màn dạ đỏ cạnh cửa sổ. Chỗ trốn đó thật lý tưởng vì rất kín đáo lại chìm đắm trong bóng tối.
Tuấn với tay nhẹ nhàng khép cánh cửa sổ lại cho ánh sáng trăng bớt chiếu vào phòng. Rồi cả hai hồi hộp chờ đợi trong bóng đêm…
Thời gian chầm chậm trôi qua… Trong đêm tối tĩnh mịch, bỗng mười tiếng chuông đồng hồ ngân nga vẳng tới phòng học. Lan chép miệng thở dài :
- Mình mới đợi có 20 phút mà cứ tưởng là cả giờ đồng hồ rồi. Lâu quá đi mất thôi !
Chờ đợi thêm một lúc lâu, Lan đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi thì đồng hồ lại điểm một tiếng.
- 10 giờ rưỡi rồi, Tuấn nói.
Thời gian chờ đợi dài đằng đẳng tưởng chừng như một thế kỷ… 11 tiếng chuông ngân nga trong đêm trường tịch mịch.
Nghe thấy hơi thở đều đều của Lan, Tuấn thì thầm hỏi :
- Lan ngủ đấy à ?
- Em mới ngủ gật một tí ấy mà. Em chán quá à… Thôi, em đi ngủ đây, chẳng thấy gì hay ho xảy…
Lan chưa dứt lời thì bỗng có tiếng chân người bước tới cửa phòng. Cả hai nín thở, Tuấn xì xào :
- Có người tới kìa.
Lan nắm chặt tay Tuấn lo sợ.
Cánh cửa mở ra không một tiếng động, một ánh đèn le lói chiếu vào phòng. Chiếc đèn vặn thật nhỏ nên không chiếu sang tới chỗ Lan và Tuấn đang đứng nấp.
Hai bóng đen thận trọng bước vào phòng… Mảnh vải trùm quanh chiếc đèn để che bớt ánh sáng khiến Lan và Tuấn không trông rõ mặt hai kẻ lạ.. Hai bóng đen bí mật đi ngang căn phòng rồi tiến tới chiếc cửa dẫn xuống nhà kho. Có tiếng chân bước xuống thang gác… xa dần… xa dần…
Khi tất cả yên lặng trở lại, Lan nói :
- Có hai người, nhưng em không nhìn rõ mặt. Một người thấp và gầy, còn người kia mập mạp lắm.
- Anh thì anh đoán được là ai rồi. Nhưng kể cũng lạ thật ! Tụi mình phải đi theo xem kỹ mới được. Bây giờ mình ra đầu cầu thang nhòm xuống nhà kho may ra thấy được đấy.
Lan chùn lại :
- Thôi, em sợ lắm. Em không dám đâu.
Tuấn ngạc nhiên nhìn Lan :
- Em sợ gì ? Có anh đây mà.
Nhưng Lan vẫn không đổi ý, khăng khăng đòi ở lại phòng.
- Thế thì thôi, anh đi một mình vậy.
Lan cuống cuồng :
- Chờ em với, chờ em với.
Rồi em thu hết can đảm, cố mạnh dạn bước ra đầu cầu thang.
Hai em khe khẽ mở cánh cửa nhỏ và nhòm xuống nhà kho. Tuấn thì thào :
- Anh đoán thật không sai, đúng họ rồi. Lan nhìn kìa !
Lan cúi xuống, mở tròn mắt kinh ngạc, suýt kêu lên trước cảnh tượng trong nhà kho.
Chiếc đèn để dưới đất chỉ đủ soi sáng một góc đầy vật dụng cũ kỹ trong nhà kho. Trong một góc phòng, anh Hồng đang cúi xuống xem xét một vật gì nhỏ xíu trong tay vú già. Quần áo anh Hồng dính đầy mạng nhện, còn vú già thì nở một nụ cười điên dại…
Sáng hôm sau, Lan và Tuấn rất đắn đo không biết có nên hỏi anh Hồng về vụ đêm qua không. Nhưng Tuấn bàn:
- Không nên hỏi, vì anh ấy chỉ tiết lộ điều gì khi nào anh ấy muốn nói ra thôi. Lan nhớ chuyện mình hỏi về vụ xích mích giữa hai nhà không ?
Nhưng không giữ nổi lòng hiếu kỳ nên hôm sau, trong bữa điểm tâm, khi anh Hồng nói tới tên vú già, Tuấn hỏi ngay :
- Anh Hồng thân với vú già quá nhỉ. Chiều qua tụi em thấy anh nói chuyện với vú ngay dưới cửa sổ phòng học. Không biết vú kể gì cho anh nghe mà hay thế ?
Anh Hồng cười thích thú :
- Anh trở thành người để vú già tâm sự đấy. Vú khoe với anh là vú có một kho tàng bí mật rồi lại kể chuyện một đêm giông bão hãi hùng mà anh chẳng hiểu gì gì cả. Anh chỉ nghe loáng thoáng là vú có vẻ lo sợ, bảo rằng kho tàng đó và bão tố sẽ mang lại nhiều xui xẻo cho vú và… vú sẽ bị sét đánh chết.
- Thế vú có cho anh xem kho tàng đó không ?
- À, câu này anh không trả lời được vì vú bắt anh giữ bí mật.
Lan và Tuấn tiu nghỉu. Anh Hồng mà đã quyết giữ kín việc gì thì có bao giờ anh ấy chịu nói ra đâu ! Nhưng cả hai thầm nghĩ : Cái mà vú già cho anh Hồng xem đêm qua đúng là kho tàng bí mật rồi.
Vài ngày sau, khi Lan và Tuấng đang dạo chơi trên bờ biển, Lan bỗng nói :
- Anh Tuấn ơi, hay là mình đi xem kho tàng bí mật của vú già đi. Em thấy rõ ràng vú cất vào cái ngăn kéo trên cùng của chiếc bàn gỗ lim để ở góc trái căn nhà kho.
- Ừ, mình cứ thử xem. Nhưng mình phải kiên nhẫn chờ thêm vài ngày nữa hãy ra tay. Lỡ đêm nào vú cũng vào kho thì sao ? Tính vú ấy kỳ quặc lắm, hứng lên lúc nào là làm lúc ấy à !
Đúng như lời Tuấn nói, trong vài ngày, nhờ những xảo thuật nhỏ mọn như đút một mảnh giấy nhỏ vào ổ khóa, hoặc đổ bột xuống sàn nhà, Tuấn và Lan nhận thấy đêm nào vú già cũng xuống kho. Rồi sau đó một thời gian, vú già ngừng hẳn không xuống kho ban đêm nữa và các vật trong phòng học đều không bị suy suyễn chút nào. Thấy vậy, vào một buổi tối đẹp trời, Lan và Tuấn lại xin phép đi ngủ sớm. Khi tiếng chân chị Ba vừa xa dần là cả hai lại mò mẫm trong bóng tối đi sang phòng học. Cả hai rón rén bước xuống thang dẫn xuống nhà kho. Tuy thật thận trọng nhưng cả hai có cảm tưởng là chưa bao giờ những bực thang gỗ lại kêu ken két nhiều như đêm đó. Trống ngực Lan đập thình thình, em chỉ sợ có ai bắt gặp, mách bà thì chết. Cả hai trốn sau các đồ vật lỏng chỏng, lần mò ra tới chiếc bàn gỗ lim, run run mở ngăn kéo trên cùng. Trong ngăn chỉ vỏn vẹn có một gói nhỏ kẹp trong tờ báo…
Lan hồi hộp thì thào :
- Kho tàng đây rồi ! Tụi mình mở ra xem đi.
Tuấn mở gói giấy và cầm lên một chiếc mề đay đeo cổ bằng ngà viền vàng chung quanh, chạm trổ rất tinh vi. Một mặt chiếc mề đay khắc hình một thiếu phụ hao hao giống cụ bà Tôn Thất Thành, mặt kia khắc hình một ngôi sao bạc lóng lánh trên nền trời xanh và hai câu thơ :
“Sao bắc đẩu soi đường nhân loại,
Dù ngàn năm gương sáng vẫn nêu cao”
Dưới hai câu thơ là tên : Tôn Nữ Ngọc Lan, sinh ngày 25-6-19…
Lan lẩm bẩm :
- Chắc đây là cái mề đay của Lan con bà Ân. Mình cũng sinh tháng sáu năm đó…
Và em lôi trong áo ra một chiếc mề đay vàng hình quả tim, cũng chạm trổ rất tinh vi, trên có khắc chữ :
“Trần Hoàng Lan
Sinh ngày 24-6-19…
Tuấn bỗng gọi :
- Lan ơi, chiếc mề đay chắc mở làm đôi được đấy, anh thấy có kẽ hở đây này.
Rồi Tuấn luồn móng tay vào kẽ hở mở hai mặt mề đay ra. Cả hai “ồ” lên kinh ngạc. Một bên có hình một vị sĩ quan hải quân chụp chung với một thiếu phụ trẻ. Lan reo lên :
- A ! Hình ông bà Ân.
Còn bên kia là khuôn mặt tươi cười của một bé gái trạc hai tuổi. Mặt đứa bé thật bầu bĩnh, lại thêm hai má lúm đồng tiền xinh xắn.
Lan trầm ngâm nói :
- Ngôi sao Bắc Đẩu của dòng Tôn Thất.
Khi Lan và Tuấn cất gói mề đay vào ngăn kéo, tờ báo lót dưới đáy ngăn bị xô lệch để lộ ra một phong bì đã ngả màu vàng. Trên phong bì, một bàn tay run rẩy nào đó đã nguệch ngoạc ghi :
Cô chủ biệt thự Tố Nga
Biệt thự Tố Nga - vịnh Hạ Long.
Lan ngạc nhiên kêu :
- Ủa, ai là cô chủ biệt thự Tố Nga nhỉ ? Bên ấy chỉ có cụ Thành và cô Hiền. À, thế thì chắc là cô Hiền rồi. Vậy thì bức thư này gửi cho cô Hiền, nhưng sao lại nằm đây ?
- Đúng là vú già đã đánh cắp thư này rồi. Chắc chắn không phải vú viết, vì vú đâu có biết chữ.
Lan và Tuấn kéo lại tờ giấy báo và cất chiếc mề đay vào chỗ cũ. Đêm đó, cả hai toàn mơ thấy vú già và kho tàng bí mật…
Chương 14
“KHI VÀO DỆT CỬI, KHI RA THÊU THÙA”
Ngày hôm sau, bàn cãi sôi nổi một hồi lâu rồi Lan và Tuấn cùng đồng ý giữ yên lặng về bức thư. Tuấn giảng giải :
- Chuyện này không dính líu gì tới tụi mình cả, mình không nên nhúng tay vào. Vả lại, nếu mình nói ra, mọi người sẽ biết ngay là mình đi lục lọi tìm tòi bí mật của vú già. Chắc anh Hồng biết vụ này đó. Nếu có cần nói cho cô Hiền chắc anh ấy đã nói rồi, không phải chờ mình đâu.
Lan cãi :
- Nhưng vú già giấu bức thư xuống dưới tờ báo lót ngăn kéo cơ mà. Em thấy rõ ràng vú già chỉ cho anh Hồng xem chiếc mề đay thôi.
- Được rồi, mình cứ đợi ít lâu xem sao. Nếu anh Hồng không đả động gì tới chuyện đó, mình sẽ hỏi thẳng anh ấy cũng không muộn.
Lan gật gù tán thưởng :
- Phải đấy, mình chờ vài hôm nữa vậy.
Lan và Tuấn trở lại cuộc sống bình thản ngoài trời, lại đi cắm trại, tắm suối, bơi thuyền… như không có chuyện gì xảy ra cả.
Chúng vẫn qua lại biệt thự Tố Nga và dần dần cô Hiền trở nên thân thiết với hai trẻ như cô ruột vậy.
Đến độ thu về, khi lá úa bắt đầu rải rác khắp sân biệt thự Hoàng Lan và thời tiết bắt đầu trở lạnh, bà nội Lan và Tuấn thấy cô Hiền ở một mình bên biệt thự Tố Nga với cụ Thành chắc buồn lắm nên cho hai cháu sang chơi với cô hàng ngày.
Lan và Tuấn thán phục cô Hiền vô cùng nên ở cả buổi chiều bên nhà cô. Chiều chiều, khi cụ Thành ngồi nghe Tuấn đọc truyện thì Lan bắt đầu học thêu. Em có vẻ “người lớn” ra và chăm chỉ trong việc may vá, thêu thùa lắm.
Lan còn nhớ hôm đó em đang ngồi trên tấm thảm dưới chân cụ Thành nghe Tuấn đọc sách, thì bỗng cô Hiền mỉm cười hỏi :
- Sao cháu không làm gì hả Lan ? Cháu không khâu hay thêu bao giờ à ?
- Thưa cô, cháu chưa khâu hay thêu bao giờ cả.
Cô Hiền ngạc nhiên :
- Chưa bao giờ à ? Thế cháu không biết khâu sao ?
Lan đỏ mặt đáp :
- Thưa cô không, chẳng ai dạy cháu khâu cả ạ.
Rồi em thành thực tâm sự :
- À quên, anh Tuấn có thử dạy cháu một lần, nhưng cháu không thích khâu.
- Tuấn cũng biết khâu hả cháu ?
- Cháu cũng không biết nữa ạ. Nhưng có một hôm anh ấy vá hộ áo cho thằng Tèo con bác Tám đánh cá, cô ạ. Thằng Tèo sợ mẹ đánh vì ngã rách áo, nó chỉ có hai chiếc áo để thay đổi thôi, nên anh ấy thương hại, gọi nó vào bếp và ngồi vá lại cho nó. Anh ấy vá khéo lắm, trông không rõ vết khâu chút nào cả.
Rồi chợt nhớ ra Lan tiếp :
- À, cả hôm lễ chúc thọ bà nội nữa, anh Tuấn khâu cho bà một cái gối bông đẹp tuyệt, cô ạ.
Cụ Thành từ nãy tới giờ ngồi chăm chú nghe cô Hiền và Lan chuyện trò, bỗng hỏi :
- Thế cháu biếu bà quà gì ?
Lan cười khanh khách :
- Chắc ông không đoán được đâu : Cháu tặng bà một quyển vở thật sạch sẽ, viết thật nắn nót… Gớm, cháu mất công lắm mới làm được đấy ạ !
Cả cụ Thành lẫn cô Hiền và Tuấn đều phá lên cười vui vẻ.
Cô Hiền lại tiếp :
- Thế thì bây giờ cháu học đi nhé. Cháu có nhớ cổ nhân thường khuyên con gái gì không ? Đây này, các cụ khuyên thế này này :
“Khi vào dệt cửi, khi ra thêu thùa”.
Cháu lớn rồi, đi chơi cả ngày mãi cũng chán, cháu tập thêu khăn tay hay áo để mặc có phải là ích lợi không ?
- Thưa cô, nghe cô nói, cháu thích học thêu lắm, nhưng cháu không dám nhờ bà nội dạy. Còn thầy Sơn thì chắc chắn không dạy được môn này rồi !
- Được rồi, để cô dạy cháu nhé.
Lan reo lên :
- Thật à cô ? A ! Thế thì thích quá ! Cô bằng lòng dạy cháu thì nhất rồi !
Sung sướng quá, Lan nhảy lên bá cổ cô Hiền :
- Cô tốt quá, cô tốt quá ! Thảo nào các bác dân chài cứ gọi cô là “cô tiên Hiền”.
Cô Hiền đỏ mặt ngượng nghịu :
- Lan à, con người sinh ra đời không phải để sống ích kỷ mà để giúp đỡ nhau cho đời sống được vui tươi thêm. Dân nghèo họ khổ cực thì mình có bổn phận phải giúp đỡ họ, đem tình thương lại xoa dịu nỗi khổ của họ, an ủi họ. Không phải đồng tiền bát gạo sưởi ấm được lòng họ mà chính là tình thương và lời nói ngọt ngào an ủi của mình.
Lan và Tuấn không bao giờ quên được ánh mắt long lanh chan chứa tình cảm của cô Hiền khi cô thốt ra câu này… Lúc ấy, trông cô đẹp như một bà tiên.
Tuấn trầm ngâm nói :
- Thầy Sơn có cho chúng cháu học bài học thuộc lòng có câu : “Thương người như thể thương thân”, cô ạ..
- Đấy, các cháu học điều gì đem ra thực hành ở đời thì mới hay. Thầy Sơn cho các cháu học bài Gia Huấn Ca ấy để dạy các cháu có lòng nhân ái, biết yêu thương kẻ khó và giúp đỡ họ đấy.
Cô Hiền yên lặng suy nghĩ, hình như cô có điều gì thắc mắc thì phải. Cuối cùng, cô quyết định lên tiếng :
- Lan học thêu mau mau lên nhé, vì qua Tết cô sẽ không còn ở đây nữa đâu !
Lan rầu rầu nét mặt chực khóc :
- Cô đi theo ông bà Tôn Thất Ân phải không ạ ?
- Không, anh chị ấy sẽ về đây ở với ba cô, lúc đó cụ sẽ không cần đến cô nữa…
Lan lo lắng ngắt lời :
- Thế cô định đi đâu ạ ?
- Rồi sau này cháu sẽ biết.
Cụ Thành thở dài nhè nhẹ rồi vuốt tóc Lan run run nói :
- Lúc đó cháu sang thăm ông luôn nhé. Cháu sẽ thay thế cô Hiền. Ông sẽ tưởng tượng cháu là Ngọc Lan, cháu nội của ông.
Lan ôm cổ cụ Thành, hứa :
- Vâng ạ, cháu và anh Tuấn sẽ sang thăm ông luôn.
Tuấn lại tiếp tục đọc sách cho cụ Thành nghe, và Lan bắt đầu học khâu vá, thêu thùa.
Dần dần, càng thân thiết với cô Hiền hơn, Lan và Tuấn càng nghĩ ngợi về bức thư gửi cho cô được giấu kín trong ngăn kéo dưới căn nhà kho bụi bặm…
Ngoài ra, Lan và Tuấn lại còn bắt gặp anh Hồng nói chuyện rất hào hứng với vú già nhiều lần.
Lan nhận xét :
- Anh Hồng hồi này lạ quá. Từ khi vú già cho anh ấy xem cái kho tàng, lúc nào óc anh cũng nghĩ đâu đâu !
- Ừ, anh cũng nhận thấy thế. Anh ấy có vẻ lo lắng nghĩ ngợi điều gì. Kể cũng lạ ! Một người chỉ lo đào xới suốt ngày như anh ấy mà tự nhiên lại đăm chiêu, bỏ cả việc đi tìm cổ vật thì chắc việc đó phải quan trọng lắm.
Một hôm, theo thói quen cả hai đang tì tay trên cửa sổ ngắm cảnh trời nước bao la bỗng nghe giọng nói bất mãn của anh Hồng vang lên :
- Vú phải trả lại đi. Giữ mãi là mang tội ăn cắp đấy. Vú trả lại cho gia đình người ta đi, đó là một kỷ niệm quí giá đối với ông bà Ân mà.
Vú già rên rỉ :
- Không ! Không !
- Tôi mà là vú thì lương tâm đã cắn rứt không thể chịu nổi rồi. Vú không có quyền giữ vật đó.
- Đấy là kho tàng của tôi mà. Khi nào sao Bắc Đẩu lại soi sáng khóm Trúc thì tôi sẽ trả !
Anh Hồng dằn giọng, đe doạ :
- Vú điên rồi ! Nếu khi ông bà Ân dọn về biệt thự Tố Nga mà vú không đem trả thì chính tôi sẽ mang sang trả cho mà xem.
Nghe vậy, Tuấn bấm Lan :
- Anh Hồng trách vú về tội ăn cắp chiếc mề đay kìa.
- Thế thì chắc chắn là vú cũng ăn cắp cả lá thư cô Hiền nữa. Bây giờ mình phải lấy lại bức thư đó và đưa cho cô Hiền mới được. Lỡ có gì quan trọng trong thư thì sao ?
- Đúng rồi, chúng mình phải đem sang cho cô vì thư gửi cho cô mà.
Tối đó, cả hai xuống nhà kho tìm bức thư. Khi mở ngăn kéo ra, gói mề đay đã biến mất. Chắc vú già sợ anh Hồng đem trả mất nên đã giấu kỹ rồi. Nhưng may mắn thay, chiếc phong bì vẫn nằm ngoan ngoãn dưới tờ báo lót ngăn kéo !
Tuấn nắn chiếc phong bì, ngạc nhiên kêu :
- Mỏng quá, chắc chẳng có gì nhiều trong này đâu.
- Mỏng đâu có phải là không quan trọng… Biết đâu bức thư này lại chẳng quan hệ vô cùng ?
Lan có ngờ đâu chiếc phong bì vàng úa, mỏng manh kia lại chứa đựng cả hạnh phúc của hai trẻ !...
_________________________________________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét