CHƯƠNG IV
Anh em Lai vào chuồng gia súc để từ giã chúng, lên đường. Bầy trâu cúi đầu mặc cho hai trẻ vuốt ve khoảng trũng giữa hai sừng và đáp lại bằng những tiếng rống nho nhỏ, nồng nhiệt.
- Thấy chưa ? Chúng biết mình đi, tội ghê, hở ?
Mai nói với anh, còn Lai thì ôm cổ con trâu to nhất bầy, con trâu Cát. Nó nói với giọng xúc động :
- Cát ơi ! Tao sắp đi, xa lắm, rồi đây ai sẽ ngồi lưng mày để đưa mày đi uống nước ? Ai đem rơm tới cho mày ăn ? Chỉ còn tụi nhỏ xíu xiu. Tội mày lắm, tao thương mày… tao đâu có ưng bỏ mày, mà thôi, tao sẽ về…
Con em gái thì vỗ vỗ vào từng con trâu một, hỏi anh :
- Mình đi lâu mau hả anh Lai ?
- Làm sao anh biết trước ? – Lai nhún vai – chắc chắn là lâu, rất lâu…
Nó bỗng nghe em gái thở dài buồn bã, vội trấn an :
- Chúng ta sẽ cố đi nhanh nhanh.
Hai anh em chúng được đàn gia súc này tiễn bằng những tiếng rống. Còn hai thằng em trai kế chúng thì không rời chúng một bước. Chứ sao: anh chị chúng sắp đi xa lắm và chỉ điều này cũng đủ tỏ cho chúng biết là họ rất… đặc biệt, rất… người lớn. Chúng nhìn hai đứa bằng những đôi mắt khâm phục, trang nghiêm. Hai đứa em cũng từ giã đàn trâu như thể chúng được đi.
Nhưng chưa xong, còn phải từ giã con Xích-mi. Nói cho ngay, đáng lẽ con lừa được đi với hai tiểu chủ kia đấy, song lừa đã già rồi cho nên dù rất thận trọng – ấy, kẻ tuổi tác vẫn hay thận trọng – lừa đã bị khập khiễng ở chân. Thế là ý định trên bị bãi bỏ, vì nghĩ coi: làm sao có thể làm cuộc du hành dài với một kẻ thận trọng mà… khập khiễng cho được ? Vuốt ve con vật, Lai tiên cảm rằng minh không còn hy vọng gặp nó lúc trở về, Lai xót xa lắm và con vật như cũng chia xẻ ý nghĩa ấy.
Lai tâm sự :
- Mày cứng đầu lắm, Xích-mi ơi ! Mày với tao cứ giận nhau luôn, xong có ai thân với nhau bằng mình, hở ? Rồi đây mày xem, chắc mày không còn cơ hội để hất tao vào bụi gai nữa đâu, nghe !
Giờ là đến phiên con Cam, hoạt náo viên của gia đình. Khó nhất đó ! Lai tự nhủ. Kể cũng đáng tiếc. Lai đã nài nỉ mỏi miệng mà cha chúng vẫn chẳng bằng lòng cho chúng đem Cam đi. Vị gia trưởng cứng lòng quá ! Cam bị buộc vào thân cái cột giữa sân, đó là điều Cam ghét nhất : bị cột như thể là con trâu !
Trông dáng bộ nó mà thương: đứng bằng hai chân sau, hai chân trước của nó gác lên mình tiểu chủ, đôi mắt mở to nhìn Lai như cầu khẩn, van nài.
- Mày không đi được, Cam ơi ! Cha không cho, ông nói là đường xa, nguyên hai anh em tao cũng khó được no lòng thay là còn đèo bòng thêm mày. Cha nói : “Đừng có điên” mày hiểu giùm tao… Đừng làm tao buồn…
Cam rên rỉ thêm. Nó không có vẻ muốn hiểu gì cả, nó buồn và giận vì chủ nó thì tự do còn nó lại bị cột chặt thế này này… Lai lại an ủi :
- Mày phải biết cha cũng thương mày, sợ mày chết đói dọc đường đó.
Miệng nói thế mà trong bụng thì Lai không tin rằng Cam lại có thể chết đói dọc đường : nó đánh hơi rất tài tình , dễ gì đói ? Lại cố thuyết phục cha lần nữa :
- Cha ơi, xin cha cho con đem nó theo, có nó chó rừng sẽ sợ mà rắn rết cũng lảng xa, nó canh chừng chúng con.
- Không đâu. Đừng cãi lời cha : phải đi theo con đường lớn, theo các bộ hành khác, đừng rời họ. Làm gì có rắn rết, chó rừng ? Đem nó theo, phải chia thức ăn, như vậy các con sẽ đói, cha không xấu bụng nhưng nhà mình nghèo, đi vay khổ nhục… con biết mà.
Lai cúi đầu im lặng không dám nài nỉ nữa. Mai thì thào vào tai anh :
- Cam sẽ tìm ra anh em mình khi được thả ra. Nó đánh hơi tài nhất.
- Đoạn đường đầu ta đi xe bò, em quên à ? Làm sao nó đuổi kịp… Thôi, đừng bàn tới nó nữa, em!
*
Mẹ Lai cuốn quanh bao thức ăn cái chiếu, thức ăn gồm có một gói gạo khá to, cá khô, bánh mì và bơ. Thêm hai chén gỗ, một soong nhỏ cùng hai cái chăn len mỏng để phòng lạnh ban đêm. Bà nội cho thêm một ổ bánh ngon gói trong lá vải.
- Nếu các con biết giữ gìn, thức ăn này dành được khá lâu – Người mẹ dịu dàng nói.
- Thưa mẹ, con biết.
- Mắt luôn luôn mở to, miệng luôn luôn ngậm lại thì mọi điều sẽ tốt đẹp – bà nội dặn dò thêm – Nếu các cháu đau, hãy nhai vài lá trầu, trầu trừ được chứng sốt đó.
- Thưa bà, con nhớ…
Đến lượt người cha lặp lại lời dặn lần thứ 10 hay 11 chi đó :
- Đến A-rát tìm ngay ông chú con, ông tên là A-li-Sinh, càng sớm càng tốt, ông giúp việc ở tại nhà A-li-Rớt. Nhớ chưa ?
- Thưa cha, con nhớ : chú A-li Sinh ở nhà A-li Rớt.
Chiếc xe bò của người láng giềng tốt bụng nặng chĩu một núi rơm được giữ đứng vững bằng ngọn sào tre đã đến, bác ta ngồi phía trước nhịp ngọn roi chờ. Hai đứa trẻ leo lên trong khi tiếng con Cam đuổi theo ăng ẳng một cách tuyệt vọng, nó đã cố gắng hết sức mà không sao bứt nổi sợi dây trói.
Chao ! Chúng lên đường một cách đột ngột, mở đầu cuộc hành trình cầu may. Người mẹ đứng lặng với đứa em út trên tay rồi như chợt nhớ con mình sắp đi xa vội vẫy tay từ biệt. Bà nội phất cái khăn choàng đỏ. Còn cha chúng : ông đứng sững, trang nghiêm giữa hai đứa nhỏ, mỗi đứa được ông nắm một tay.
Tội nghiệp chúng, nếu từ biệt bầy gia súc đã lâu, khó khăn và làm chúng khổ tâm thì bây giờ từ biệt cha mẹ và ba em, chúng càng đau khổ vô vàn. Họ đứng đó, lặng lẽ trong khi chúng xa dần, xa dần trên một cái xe bò ! Nào khác chi chúng là một nhánh cây bị đốn bất ngờ khỏi thân, nhánh cây đó sẽ phải chết không ? Bụng Lai thắt lại một cách khác thường. Sao mà cha mình đứng sững như thế ? Sao ông không vẫy tay chi hết ? Sao ông buồn dữ vậy ?
Con em gái trái lại vui vẻ ngồi trên đống rơm. Nó không cảm thấy mình là nhánh cây bị đẵn, vì cạnh nó có anh. Mặc cái áo mới tinh đỏ chói trông nó tựa trái dâu chín rộ. Với nó thì Lai quan trọng nhất và có Lai mọi sự đều tốt đẹp, an lành.
*
Như lệ thường ở xứ này : đêm xuống thật mau như một tấm màn đen khổng lồ úp chụp xuống mọi vật. Họ phải tiến tới trong đêm dày để đến kịp A-la-ba-ba sáng hôm sau. Lai ngồi nhìn tứ phía và cởi phanh áo cho gió mát lùa vào khuôn ngực lép. Xa xa, cánh đồng còn sáng song xe chạy dưới các tàng cây thì tối om rồi.
Ngọn đèn bão treo phía trước dưới đống rơm rọi một lằn sáng dưới chân bò. Ít xe qua lại, không có xe hơi bóp còi inh ỏi, chỉ lơ thơ vài chiếc xe bò đi chợ tỉnh thôi. Trong các bụi xương rồng rậm rạp dọc đường, dế gáy vang rân. Thay vì chợp ngủ như em gái vô tư, Lai thao thức ngắm trăng lưỡi liềm.
Sáng hôm sau, mặt trời khuất sau hàng cây vải um tùm biến một vòm trời trở thành đỏ hồng. A-la-ba-ba ló dạng, nhà cửa san sát và nóc đền đài dinh thự chói lòa dưới nắng ban mai.
Từ băng trước, bác đánh xe ngủ gà ngủ gật cả đêm cũng bừng tỉnh, bác để bò chậm bước theo các xe khác. Một lúc sau, bác cho xe dừng cạnh một kinh nước lấp lánh giữa cánh đồng xanh ngắt, thả đôi bò ra cho chúng uống nước.
Trước mặt họ, dọc theo con kinh, người người rửa mặt và thì thầm đọc kinh. Buổi sáng mát rợi. Mai co ro khi rửa mặt dù nước trong kinh ấm hơn không khí. Hai đứa trẻ không nhẩn nha lâu được vì người láng giềng lại giục lên đường. Chúng nuốt vội nắm cơm đoạn lên xe.
Nhiều xe khác chất ngập hàng hóa xuất hiện từ các ngả đường về hướng chợ. Con trai ồn ào như giặc chòm dắt bầy dê kêu be be và bầy trâu gầm gừ, bụi tung lên mờ mịt trong khi đám bộ hành, xe đạp và ô tô càng lúc càng đông.
Hai đứa trẻ chưa thấy cảnh náo động như thế. Đến cổng thành phố, hai đứa phải xuống. Xe bò sắp thành hàng dài tại đây đóng thuế trước khi nhập thị. Hai đứa lễ phép cảm ơn người làng giềng rồi xách hành lý lẫn vào đám đông. Kể từ đây, chúng biết rằng không bao giờ được ngủ trên xe rơm thơm ngát nữa.
Thằng anh vừa chợt thấy em xách theo một túi vải và nó biết có gì trong đó : những viên sỏi trắng và những mảnh thủy tinh đủ mầu mà em nó thích sắp thành hình chơi. Mai không nỡ xa cái túi này. Lai nghiêm giọng bảo :
- Mai, không được đem theo, bỏ lại đi cho gọn.
Nhưng con em đâu chịu thế ? Nó dậm chân thình thịch xuống làm vòng cổ nó kêu lên leng keng :
- Kệ em, em xách chớ có bắt anh xách đâu ? Can chi đến anh ?
- Thì giờ đâu mà chơi ? Mình phải đi, đi, đi mãi, đi hoài, mà em thấy chớ, mình mang nhiều thứ quá rồi.
Lời qua tiếng lại sau cùng Mai bằng lòng chỉ giữ lại những viên nhỏ nhất và nhiều mầu, còn viên to thì bỏ lại. Nó chôn tất cả xuống một bụi rậm và quay lại để nhìn cho rõ nơi chôn.
Chao ! Vào một ngày hội chợ, đi lại trong thành phố rất khó khăn. Hai đứa thấy ngay sự khác biệt giữa đi bộ và đi xe, bị xô lấn kinh đi. Chúng cố bước tới, Lai nắm khư khư bàn tay nhỏ bé mềm mại của em, vậy mà đám người vẫn như xô vào chúng, làm chúng ngạt thở. Tiếng ồn chói cả tai. Lai hỏi thăm đường đi A-rát và được trả lời bằng cái lắc đầu hay cái cười khó hiểu, người thì chỉ một phương hướng mơ hồ, bên kia đám đông. Lai kêu lên :
- Mai ơi ! Người ta sẽ dẫm nát anh em mình mất, phải tìm cách trở lui, phải ra khỏi đây ngay !
Nhưng trở lui cũng lại là chuyện không dễ dàng gì : người ta tiến tới theo một chiều nhất định, chỉ còn cách để đám đông lôi cuốn theo. May thay, một con bò thần có đôi sừng vàng óng chợt xuất hiện, đủng đỉnh đi ngược chiều. Mọi người dạt cả ra nhường lối. Rồi thình lình một người mặc đồng phục lớ quớ dẫm lên chân Mai. Cô bé kêu rú lên và khóc nức, đau quá !
- Anh Lai ơi ! Dắt em đi chỗ khác… hu…
Lai quả quyết nhìn quanh và nhận ra con bò thần được kính trọng, nể tránh. Tức thì nó lấy cùi chỏ thúc mạnh bên trái, bên phải và kéo tuột em đến gần bò. Hành lý đặt lên đầu nên rảnh tay, nó nắm lấy đuôi bò và giữ chặt lấy cho đến lúc rời đám đông. Bất ngờ, con vật nằm phục giữa đường, đám đông kính cẩn tránh nó. Mai vẫn ti ti khóc :
- Giày sắt, anh ơi ! Ổng mang giày đế sắt, nhìn coi, chân em chảy máu này !
Phía bóng mát trên đường có một dãy hàng quán ăn, Lai dắt em đến mua hai annas đậu phụng luộc, đậu gói trong tấm lá bàng. Rồi hai đứa leo lên bậc cấp một đền thờ vàng chóe ngồi trên bậc cao nhất, Lai bảo em :
- Thôi, giờ ăn đi ! Từ đây phải nhớ tránh xa đám đông, nghe ?
Không phải nhờ anh dỗ mà chính nhờ đậu phụng dỗ Mai nín khóc. Vừa ăn con bé vừa săm soi mấy đầu ngón chân chảy máu, xuýt xoa và kết luận là chúng cũng không đến nỗi phải nát bét. Lai khuyến khích em :
- Mai ơi ! chắc chắn là chúng còn tốt, chúng sẽ mang em đến tận A-rát mà !
Nụ cười mếu máo nở trên khuôn mặt lấm lem nước mắt. Đột nhiên, chúng nhận ra trước mặt chúng bên kia công trường có một nhà giam và một gã mặc đồng phục ka-ki đang đọc to tờ giấy quá cái ống loa. Lần đầu tiên mà chúng được thấy dụng cụ làm lớn tiếng nói người ta thành tiếng rống của con voi ! Chúng nhìn không chớp mắt…
- Cảnh sát đang lùng kiếm hai anh em thằng Lai và con Mai, con của… thằng Lai 13, con em nó thì lên 7. Thằng anh da nâu, bận áo sơ mi mầu hạt dẻ, con Mai áo đỏ, quần xanh lá cây. Con nhỏ này mắt xanh… A lô…
Hai đứa há hốc miệng, kinh ngạc, quên cả đậu ngon.
- Anh nghe không ? Họ kêu tên mình kìa ? Có nói cả áo quần…
Hai đứa nhìn nhau trong lúc tiếng kêu vẫn ong óng :
- Sẽ thưởng 100 rúpi cho ai bắt được chúng. Tôi nhắc lại : thằng anh 13 tuổi, con em 7 tuổi…
- Hay là cha muốn kêu mình về ?
- Đừng nói tầm phơ, cha làm gì có 100 rúpi để thưởng ?
- Mình lại hỏi ổng đi, anh !
Mai nói và tuột xuống khỏi bật thềm. Lai nắm bím tóc em kéo lại :
- Ngu ! Như vậy làm sao đến A-rát chữa lành mắt được ? Mày phải biết rằng nếu muốn mình về, cha chỉ nói hãy trở về là được rồi – Giọng quả quyết, Lai tiếp trong lúc Mai dừng lại – Đây là cảnh sát mà, họ muốn bắt mình. Trời ơi…
Viên cảnh binh đầu kia đọc to lại lời thông báo và cao giọng hơn :
- 100 rúpi tiền thưởng !
Hình như có người đang theo dõi chúng ? Lai nhanh nhẹn gom đậu phụng lại gói trong tấm lá bàng, nắm gọn trong tay và giấu dưới chéo áo, vơ hai bọc đồ:
- Mai ! Đi ! Đi thôi !
Nói xong, nó nắm tay em lôi đi. Hai đứa co giò chạy biến. Mai đụng vào nhiều người khiến họ chửi ầm lên.
Chúng vấp ngã, đứng lên chạy và lại vấp ngã. Tiếng kêu ơi ới sau lưng. Đám đông tản dần ra nhưng hai trẻ không dám quay đầu lại, chỉ chăm chú chạy ra khỏi cổng thành. Đến quốc lộ, chúng nhận ra phương hướng: thì ra chúng đang trên đường về và chúng cũng kiệt sức rồi, chúng ngã nhoài dưới tàng cây.
- Lai ơi ! Về nhà đi anh, em sợ cảnh sát bắt quá đi !
- Mình có tội gì mà sợ họ ? Anh nhất định đưa em tới A-rát dù có phải cởi bỏ hết áo quần…
Vừa nói, nó vừa giận dữ nhét cái áo bọc hành lý, đoạn quay sang em :
- Đừng nhìn người ta, đừng để họ thấy mắt em xanh…
- Em muốn về ! Em muốn về thôi ! Em không thể nhìn xuống đất suốt chuyến đi, anh biết chớ ?
Và lần thứ ba trong một ngày, Mai khóc nức lên. Thình lình, một con vật từ đâu lao sầm vào mình Lai, mình nó bụi bặm, hơi thở hào hển… Anh em Lai đờ ra một giây và nhận được con vật thân yêu, chúng mừng quá đỗi. Con vật tuyệt vời ! Lai ôm con nhỏ, đặt nó lên đầu gối, vuốt ve:
- Cam ! Tao biết mày cừ lắm, nhưng làm sao có thể… chúng tao đi xe bò mà…
Mai thôi khóc, nhảy nhót quanh anh và con Cam, cười to:
- Em thả cái khăn quàng cổ xuống đất, kéo lê đi… Anh không thấy khăn dơ quá hay sao ?
- Sao mày không nói cho tao biết với ?
- Em không dám chắc con Cam chạy kịp, anh sẽ buồn. Thà cứ…
Lai cười theo em, vui vẻ. Chào ! Con bé 7 tuổi này thật khôn ngoan, tuy nó đang dò dẫm trong thế giới tranh tối tranh sáng nhưng nó có trí thông minh chứ, chưa chắc người lớn đã có sáng kiến như nó ! Mai vỗ về lên bộ lông lem luốc đầy bụi của Cam, nói :
- Nó đã tìm ra anh em ta là điềm tốt, phải không anh ?
Điềm tốt hay không, Lai không rõ được, có điều việc này giúp hai đứa vững lòng hơn và quên phăng giọng nói đáng sợ của viên cảnh binh.
Bấy giờ chúng đã rời khỏi thành phố chật chội, hỏi thăm đường đến A-rát. Mai bước khập khiễng song chúng vẫn bước tới cho đến khi nắng lên cao, buộc chúng phải dừng chân.
A-la-ba-ba với nhà tù và cái loa gióng giả đã bị lùi lại đằng sau lưng, xa lơ xa lắc. Chúng ăn uống rồi ngủ liền bốn tiếng đồng hồ dưới bóng cây thốt nốt.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét