Chương 1
Cách đây gần 30 năm, nước Việt Nam ta bị một trận lụt lớn tàn phá nhiều miền, nhất là ở miền Trung bị thiệt hại nặng nề hơn cả. Mưa luôn đêm ngày như trút, nước biển dâng lên, nước nguồn đổ về mênh mông như mặt biển rộng lớn. Nhà cửa bị sập, bị trôi không kể xiết. Nhiều nhà bị giòng nước cuốn đi, trôi bềnh bồng từ từ ra biển. Người trên nhà trèo lên nóc, kêu cứu, khóc la vang trời, nhưng không ai dám ra cứu, vì nước chảy mạnh quá…
Sau trận lụt kinh khủng ấy, tiếp đến nạn đói. Gạo thóc, của cải bị trôi, nhiều người phải lên rừng đào củ nâu, củ chuối để ăn. Cũng vì ăn uống thất thường như thế, nhiều người bị bệnh tả mà chết. Nạn đói càng ngày càng trầm trọng. Nhà cầm quyền cũng hết lòng giúp đỡ, nhưng chẳng khác gì hạt cát bỏ biển, có thấm vào đâu! Nhiều người bỏ làng, kéo nhau đi đây đó xin ăn, kiếm việc làm.
Hồi ấy ở Hội An (Quảng Nam) có ông bà Đặng Trung Chánh, là người khá giả. Ông bà có vài mẫu ruộng vườn; quanh năm cày cấy trồng trọt, hoa lợi thu vào cũng dư ăn. Nhưng điều đặc biệt là cả hai ông bà rất có lòng thương người nghèo khó, túng thiếu. Những người trong làng, rủi bị đau ốm, thế nào bà Chánh cũng tới thăm, đem cho các thứ cần dùng. Ông Chánh lo việc làng, đem hết tài lực để giúp đỡ mọi người, không hề thâm lạm một chút của công. Bởi đó, mọi người trong làng, ai cũng mến phục ông bà. Đối với người làng đã thế, mà đối với người ăn người ở trong nhà, ông bà lại càng thương giúp hơn. Ông bà sinh được hai đứa con : cô gái đầu lên mười tuổi, tên là Gương, cậu con trai tên là Lành, lên tám. Thỉnh thoảng bà Chánh lại nhắc nhở hai con:
- Các con hãy ghi vào lòng : ba má đặt tên hai con là Gương Lành, là ba má ước ao, chớ gì suốt đời các con dù giàu có hay nghèo cực, lúc nào các con cũng ăn ở nêu gương lành cho mọi người.
Thật “cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Em Gương em Lành cũng giống tính nết cha mẹ. Cả hai đứa học hành rất chăm chỉ, đối với bạn bè không bao giờ hai em tỏ vẻ kiêu căng. Thấy bạn bè thiếu sách vở giấy bút, các em lại xin cha mẹ cho tiền để giúp đỡ. Bởi thế, bạn bè rất quí mến Gương, Lành.
Sau trận lụt, gia đình ông Chánh trở nên tay trắng như mọi người. Thấy nạn đói còn kéo dài, vì trâu bò, cuốc cày không còn để làm mùa, ông Chánh đứng lên bàn với người làng, đem nhau vào Sông Lũy làm ăn một thời gian. Sông Lũy ở giữa Phan Thiết và Nha Trang, là một miền cao nguyên, đất tốt, người ta sống về nghề trồng bông vải. Lúc này, hàng vải nhập cảng không có, nên bông vải sản xuất trong nước bán rất được giá. Người không có đất trồng thì đi hái bông, hay cán bông thuê, mỗi ngày tiền công cũng được đủ ăn. Một số người làng tán thành ý kiến của ông Chánh. Họ bàn nhau bán đồ vật còn lại, cho thuê ruộng vườn, gói ghém các thứ cần dùng, rồi xuống Đà nẵng, thuê ghe bầu đi vào Phan Thiết. Bàn bạc xong xuôi, ai nấy cấp tốc dọn dẹp để ra đi…
Cô Gương thấy cha mẹ bán đồ đạc, sắp sửa bỏ làng đi đến một nơi xa lạ, cô buồn lắm. Cô ứa nước mắt khi phải xa mái trường thân yêu, xa các bạn bè tử tế. Rồi đây, nơi cha cô sắp tới ở, biết có trường học, có bạn bè tốt như ở làng không? Em Lành thì không như chị. Em chưa hiểu gì lắm, vả lại bản tính con trai, nhiều khi cũng thích những cái mới lạ. Em hỏi cha:
- Ba ơi, mình đi mấy bữa thì về làng lại, ba?
Bà Chánh bật cười bảo con:
- Khi nào con cao bằng ba thì về làng lại!
Lành ngước mắt nhìn chiều cao của cha, tiu nghỉu:
- Ba cao gấp mấy con, biết khi nào con lớn bằng ba được!
Mọi việc sắp đặt xong xuôi, ngờ đâu rạng ngày đã định lên đường, thì đêm hôm đó, bà Chánh bị bệnh tả! Bà nhiễm bệnh nan y nầy, một phần vì bà đã tận tình giúp đỡ những người mắc bệnh ấy, mà một phần cũng vì bà đã nhường phần cơm cháo cho chồng, cho con, bà chỉ ăn rau, ăn củ chuối, nên mất hẳn sức. Những người chung quanh nghe tin bà Chánh bị bệnh bất ưng, vội vàng chạy đến, kẻ đem thuốc này, người đem thuốc kia, nhưng vô hiệu, bệnh bà mỗi lúc một nặng thêm, cho đến sáng, thì bà Chánh mất! Cha con ông Chánh phục xuống bên xác bà, khóc như mưa như gió, không ai khuyên giải được. Chôn cất bà xong, ông Chánh như người mất hồn, đứng ngồi thơ thẩn. Em Gương em Lành cũng thế, nhớ lại hai ngày trước đây, mẹ con đang còn giúp nhau dọn dẹp đồ đoàn, nhà cửa, mà bây giờ mẹ đã ra người thiên cổ, nằm quạnh quẽ một mình giữa cánh đồng. Cả hai đứng nhìn ra mả mẹ khóc ròng rã…
Cha con ông Chánh đã vậy, mà những người sắp sửa ra đi theo ông cũng lây phải chuyện buồn. Đồ đạc, gồng gánh sẵn sàng cả rồi, nay ông Chánh bị cảnh tang chế đau đớn, không tính chuyện đi nữa, họ đâm ra lúng túng. Ở lại thì đồ đạc bán tháo hết rồi, làm sao mà sắm sửa lại được. Ra đi thì ai sẽ cầm đầu, dẫn dắt? Tình thế không thể ngồi yên được, họ kéo nhau đến nhà ông Chánh, giãi bày trước sau, yêu cầu ông dẹp chuyện buồn để hướng dẫn anh em ra đi. Ông Chánh như người chợt tỉnh, thấy mình có bổn phận phải chu toàn, ông liền hẹn mọi người, sáng mai sẽ lên đường đi Đà Nẵng. Chiều hôm ấy, ông dắt hai con ra viếng mộ bà Chánh lần sau hết. Cô Gương quỳ phục xuống ôm lấy mả mẹ khóc dầm dề. Sáng hôm sau cha con ông Chánh cùng 11 gia đình lân cận, khăn gói lên đường. Họ thuê xe ngựa đi Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng, ông Chánh cùng với mấy người đàn ông đi hỏi thăm chuyến ghe. Rất may, họ gặp được một chiếc ghe bầu sắp sửa vào Phan Thiết cất hàng ra Đà Nẵng. Giá cả xong xuôi, chủ ghe hẹn sáng mai sẽ nhổ neo ra khơi. Mọi người vui mừng trở về tìm chỗ cho gia đình tạm trú một đêm, đoạn họ rủ nhau đi xem phố. Thành phố Đà Nẵng là trung tâm thương mãi của miền Trung, vì thuận tiện cả đường bộ, đường thủy. Tàu bè, ghe thuyền chở hàng trong Nam ra cập bến tại đây, rồi xe lửa mới chuyển hàng ra Huế, Quảng Trị, hay vào Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định… Dưới sông, thuyền bè lớn nhỏ, lớp đi lớp đậu. Xa xa, có vài chiếc tàu lớn chuyển hàng lên bờ. Vì lòng sông cạn nên tàu lớn không cập hẳn vào bến được, phải đậu ngoài xa, có xà lúp chuyển hàng vào bờ. Những người làm nghề khuân vác đứng chực sẵn trên bến, lãnh đem hàng vào kho, hay chất hàng lên các toa xe lửa. Quang cảnh nhộn nhịp ồn ào, xe cộ chạy qua lại như mắc cửi.
Ông Chánh dẫn hai con đi phố, và luôn thể mua mấy thứ cần dùng. Gương và Lành, lần thứ nhất được đi dạo phố, nên thấy cái gì chúng nó cũng trầm trồ khen đẹp, xem không chán mắt. Đang đi, bỗng em Lành kêu thét lên.
Ông Chánh ngạc nhiên, quay lại hỏi:
- Gì thế con?
Lành chỉ tay vào một cửa hiệu Chà-và bán vải. Mấy người Chà-và đen thui đang cười để lộ hai hàm răng trắng hếu. Lành chưa hề thấy những người này, nên thất kinh. Ông Chánh mỉm cười bảo con:
- Đó là mấy ông Tây đen, chớ phải ma quỉ gì mà con sợ?
Đi qua một cửa hiệu bán bánh mì, ông Chánh bảo hai con:
- Hai con cứ thủng thẳng mà xem, để ba ghé vào đây, mua thêm vài ổ bánh mì ăn đi đường.
Lành nắm tay chị, chân bước đi, mắt nhìn xe qua lại. Nó không để ý, nên đụng phải một thanh niên ở đàng xa đi lại. Lành buột tay chị ngã ngửa đập đầu xuống đất một cái “độp” đau như trời giáng. Người thanh niên vội đỡ Lành dậy, tay xoa đầu, miệng hỏi rối rít:
- Em có đau lắm không em? Xin lỗi em, tại anh vô ý!
Lành mếu miệng, nhưng không dám khóc. Ông Chánh ở trong hiệu bánh mì đi ra trông thấy, biết là tại lỗi con mình, liền đỡ lời:
- Không sao cậu à! Bởi cháu nó mới đi phố lần thứ nhất, ham xem, nên không để ý kẻ qua người lại vấp nhằm cậu, cậu đừng chấp!
Người thanh niên thấy ông Chánh nói năng khiêm tốn, lịch sự, chàng cảm động lắm:
- Thưa bác, lỗi ở cháu nhiều hơn, vì cháu vội đi tìm anh bạn thân, nên vấp phải em, chớ em có lỗi gì đâu!
Rồi chàng hỏi ông Chánh:
- Thưa bác, thế bác ở miền nào, và bây giờ bác và hai em đi đâu?
Ông Chánh thành thật kể lại hoàn cảnh vì bị lụt lội, mất mùa, nên phải đem hai con đi vào miền trong, kiếm việc làm ăn một thời gian. Ông cũng cho chàng hay, sáng mai sẽ lên ghe đi vào Phan Thiết…
Người thanh niên ứa nước mắt xoa đầu hai em Gương, Lành:
- Tội nghiệp hai em quá! Mới chừng nầy tuổi, đã phải mồ côi mẹ, phải bỏ làng nước mà đi xa xôi!
Nói rồi, chàng móc túi lấy hai cắc bạc đưa cho hai em:
- Hai em cầm lấy để ăn quà dọc đường.
Đoạn chàng đưa cho ông Chánh hai tờ giấy bạc 5 đồng:
- Thưa bác, nhờ một việc tình cờ mà cháu được biết hoàn cảnh cơ cực của bác. Cháu xin biếu bác một chút tiền, phòng khi bác vào trong đó chưa kiếm được việc làm!
Ông Chánh cảm động ứa nước mắt nhận lấy món tiền, miệng ấp úng:
- Cám ơn cậu lắm. Cha con tôi biết lấy gì mà đền ơn cậu được?
Chàng thanh niên mỉm cười:
- Có gì đâu mà bác kể ơn kể huệ! Thôi cháu chúc bác và hai em đi đường bằng an.
Nói rồi, chàng bắt tay ông Chánh, âu yếm xoa đầu hai em bé, đoạn đi thẳng. Ông Chánh sững sờ nhìn theo người thanh niên một lúc lâu, tay mân mê hai tờ giấy bạc con công 5đ. Mười đồng bạc đối với ông lúc này thật là một gia tài nhỏ, cha con ông ăn tiêu tùng tiệm cũng được hơn một tháng!
Lành hỏi cha:
- Ai đó ba? Người nào mà tử tế vậy ba?
Ông Chánh rưng rưng nước mắt, bảo hai con:
- Ba cũng không biết cậu ấy ở đâu. Có lẽ là người trời sai đến giúp cha con ta đó các con à!
Cô Gương đưa bạc cắc cho cha:
- Ba cất cho con, con không cần mua gì cả.
Ông Chánh nhìn hai con một lúc rồi cả quyết:
- Thôi hai con lại đây, ba mua thêm cho bộ quần áo nữa, kẻo vào trong đó, có khi khó mua.
Lành vừa đi vừa ngắm nghía cắc bạc. Thỉnh thoảng, em đứng lại, ném cắc bạc xuống đất cho kêu “coong coong”, bị cha mắng:
- Lành, con chơi thế lỡ văng ra đường mất thì sao?
Cha con kéo nhau vào trong cửa hiệu bán quần áo may sẵn. Người chủ hiệu đem ra một lô quần áo để ông Chánh ướm thử cho hai đứa con. Ông Chánh chọn xong, trả giá, mua cho mỗi đứa hai cặp áo quần. Lành mặc luôn chiếc áo mới mua, còn em Gương xin cha gói lại:
- Ba gói lại cho con, con muốn để dành đến Tết mà mặc.
Cha con ông Chánh về đến chỗ trọ thì trời đã nhá nhem tối. Họ tạm trú trong căn nhà trống của sở Hỏa xa cạnh bờ sông. Tối hôm ấy, cơm nước xong người lớn ngồi bàn tính công việc làm ăn ngày mai, còn trẻ con thi nhau kể những cái chúng nó đã thấy khi đi dạo phố. Đứa nào cũng tranh nói trước, nhao nhao lên như họp chợ.
Sáng hôm sau, họ dậy thật sớm, thu vén đồ đạc đem xuống ghe, để ra khơi cho kịp nước xuống. Chủ ghe căn dặn các người lớn để ý đến con cái, đừng cho chúng giỡn chơi, chạy qua lại, làm chòng chành ghe. Đối với người lớn bắt ngồi yên thì dễ, còn đối với trẻ con, phải ngồi yên thật là một cực hình. Ông Chánh hiểu vậy, nên ông tìm cách làm vui cho chúng nó. Ông giải cho các em hiểu về biển, chỗ nào sâu nhất, chỗ nào có cá nhiều, các thứ cá ở dưới biển v.v… khiến chúng nó ngồi yên nghe say mê. Thỉnh thoảng các em lại hỏi ông Chánh những điều chúng đang thắc mắc. Mấy người lớn phục tài, phục mưu ông Chánh. Chiếc ghe từ từ ra khơi. Hôm nay tốt trời, biển lặng, sóng nhỏ, ngọn gió nam thổi nhè nhẹ, chủ ghe vui mừng bảo kéo buồm lên. Đối với người đi ghe, gặp gió thổi phía nào, họ cũng lợi dụng được hết. Buồm căng lên, gió thổi vào, ghe đi khá nhanh. Lúc đang đi trên sông, ai nấy đều dễ chịu, nhưng khi ra đến biển, có sóng gợn, người chưa quen đi biển, cảm thấy nôn nao, nhất là trẻ con, có đứa bị say sóng, bắt đầu nôn mửa. Em Gương người yếu, mệt lờ đờ, ngồi dựa đầu vào ngực cha. Còn em Lành khỏe hơn, chỉ xây xẩm một tí. Nhìn làn nước mông mênh, không thấy bờ bến, ai nấy đều rùng mình, miệng lâm râm cầu khẩn trời đất, cho được xuôi buồm thuận gió, đến nơi bằng an…
Chương 2
Chàng thanh niên đã giúp ông Chánh số tiền nhỏ là cậu Nguyễn Thành Liêm, con ông bà Nguyễn Thành Hưng, chủ hiệu Thành Hưng ở đường Bona, Saigon. Ông bà Thành Hưng có hai căn phố lầu, từng dưới để buôn bán tạp hóa, từng trên để ở. Ông bà hiếm hoi, chỉ sinh được một người con là cậu Nguyễn Thành Liêm đó mà thôi. Năm nay, cậu được 17 tuổi, và cuối niên học vừa rồi cậu đã đậu Thành chung. Thấy cậu quá lo học hành nên yếu sức, ông bà cho phép cậu đi với một người bạn cùng lớp ra Hà nội, nghỉ ngơi chơi mấy tháng hè, vì ông bà có người quen ở đó. Hai cậu đi xe lửa ra Hà nội, ngày ngày dắt nhau dạo chơi xem phong cảnh. Cả hai đều hiếu học, muốn nghe, muốn xem cho biết những cảnh đẹp, những nguồn lợi phong phú của nước nhà, nên hai cậu đã đi xem mỏ than ở Hòn gai, Đông triều và ra ngắm cảnh ở vịnh Hạ Long.
“Đi cho biết đó biết đây”. Chuyến đi chơi này, hai cậu đã học hỏi được nhiều điều hữu ích. Sau một tháng rưỡi ở đất Bắc, hai cậu bàn nhau đi lần vào miền Trung, ghé xem một vài nơi danh tiếng rồi về nhà. Cậu Liêm viết thơ tin cho cha mẹ hay. Rồi cả hai đi xe lửa về Vinh. Ở Vinh, hai cậu đi Bến Thủy xem nhà máy làm diêm (hộp quẹt). Hai cậu thấy những khúc cây bồ đề to tướng, xe ra từng mảnh nhỏ bé, cho đến khi dán nhãn hiệu lên bao, bôi lân tinh vào cạnh bao, nhất nhất đều làm bằng máy, hai cậu xem không chán mắt. Ở Vinh vài ngày, hai cậu lấy vé xe lửa về Đồng Hới.
Đồng Hới có sông Nhật Lệ, có những cồn cát trắng thoai thoải dọc theo bờ sông, trồng đầy phi lao. Những người thích yên tĩnh, chiều chiều thường ra đây, ngồi trên làn cát trắng, lặng nghe tiếng thông reo, phóng tầm mắt nhìn mặt biển vô tận lăn tăn gợn sóng. Đồng Hới lại có một di tích lịch sử : Lũy Thầy. Lũy Thầy là một tiền đồn do sáng kiến ông Đào Duy Từ xây lên trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nhờ có lũy nầy mà quân chúa Nguyễn đẩy lui được lực lượng tấn công vũ bão của quân chúa Trịnh. Người dân thời bấy giờ nhớ ơn ông Đào Duy Từ, nên gọi là Lũy Thầy.
Từ giã Đồng Hới, hai cậu đi Huế. Huế là nơi Vua và triều đình ở. Huế có sông Hương dịu dàng như cô gái hiền, có núi Ngự đầy cây thông đẹp, có Nam Giao, có những lăng tẩm xây cất theo lối xưa, ở giữa những phong cảnh âm u tịch mịch. Huế cũng có những phố xá buôn bán, nhưng không sầm uất. Huế lúc nào cũng nghiêm trang, yên lặng, cổ kính.
Hai cậu ở lại Huế gần một tuần lễ rồi mới đi Đà Nẵng. Và ở đây, cậu Liêm đã tình cờ gặp cha con ông Chánh. Tối hôm đó trong phòng trọ ở khách sạn, Liêm kể cho bạn nghe câu chuyện hồi chiều, rồi bảo:
- Anh Minh nè, phải chi anh thấy hai đứa nhỏ con ông Chánh, chắc anh sẽ thích lắm. Tội nghiệp hai đứa nhỏ tánh tình đơn sơ, dễ thương, đã phải mồ côi mẹ, lại phải đi xứ xa làm ăn! Chà, nếu má tôi có hai đứa nhỏ như vậy, chắc bả thích lắm!
Cậu Minh mỉm cười:
- Thế sao hồi chiều, anh không nói đại chuyện đó với ông ta xem sao?
Liêm thở dài:
- Mình thích thì nghĩ vậy, chớ biết lòng dạ họ ra sao? Vả lại biết má tôi có chịu không nữa chớ! Thôi, chúng ta bàn qua chuyện khác : bây giờ tụi mình về đường bộ hay đường thủy? Đường bộ thì ghé Nha Trang chơi ít ngày. Còn đường thủy thì đi thẳng về Sàigòn. Chiều nay tôi xuống hãng Năm sao, họ cho biết, sáng ngày mốt, lối 11 giờ, sẽ có chuyến tàu thủy đi Sàigòn.
Minh nhỏm dậy:
- Sáng ngày mốt có chuyến tàu thủy đi Sàigòn hả? Thế thì tụi mình đi tàu thủy về cho rồi. Tôi nhớ ba má tôi quá, chỉ muốn về không muốn đi đâu nữa!
Liêm đồng ý:
- Thôi được rồi, sáng mai mình đi lấy vé rồi dọn đồ về.
Sáng hôm sau, hai cậu dắt nhau xuống hãng tàu Năm Sao mua vé đi Sàigòn. Chiếc tàu hai cậu sẽ đi, từ Hải Phòng vào cập bến Đà Nẵng đã hai ngày nay. Tàu bỏ xi măng xuống bến và lấy hàng ở đó đi : những chồng nón cao hơn người đứng, sắp đầy cả bến, đợi chuyển xuống xà lúp đem ra tàu.
Đôi bạn đi một vòng quanh thành phố, ghé vào Bưu điện đánh dây thép tin cho cha mẹ hay ngày mình lên tàu thủy, rồi trở về phòng trọ. Qua đêm cuối cùng trên đất Đà Nẵng, hai cậu dậy rửa mặt, ăn điểm tâm rồi thong thả đi ra bến tàu. Các hành khách đứng đợi không đông lắm. 9 giờ, hành khách trình giấy xong, xà lúp đưa mọi người ra tàu. Một chiếc thang dài đặt dựa vào hông từ dưới lên trên boong tàu. Nhân viên quan thuế khám xét hành lý mọi người, rồi kẻ trước người sau, xách hành lý trèo lên thang. Ở xa, chỉ thấy chiếc tàu lớn, chứ không lượng được, khi lên boong tàu mới thấy tàu lớn thật. Bề dài 80 thước, bề ngang chừng 20 thước. Tàu chia ra nhiều hạng : hạng nhất ở trên hết, rồi đến hạng hai, hạng ba, hạng tư ở gần dưới gầm tàu. Mỗi từng có nhiều phòng, có lối đi hẹp. Nếu không có bảng chỉ dẫn chắc không biết lối mà ra. Liêm và Minh đi hạng nhì. Cả hai ở chung một phòng. Phòng không rộng lắm, nhưng đầy đủ tiện nghi. Có bàn viết, chỗ rửa mặt, tủ đựng đồ đạc v.v… Giường nằm thì một cái ở trên, một cái ở dưới. Nhận phòng xong, bỏ đồ vào khóa cửa lại, cả hai kéo nhau đi xem tàu. Hai người cứ đi mãi xuống tận gầm tàu, rồi quanh quẩn đi lên boong tàu. Lần đầu tiên được quan sát tận mắt tổ chức một chiếc tàu thủy, cả hai vui thích lắm. Nhân viên quan thuế khám xét chiếc tàu xong, họ vừa xuống xà lúp, thì thủy thủ kéo thang lên và cần trục ở phía lái tàu cũng kéo neo lên. Chân vịt tàu bắt đầu quay mạnh, đẩy nước xoáy về phía sau tàu cuồn cuộn, chiếc tàu từ từ ra khơi. Tàu ra cách bờ độ vài hải lý, quay mũi về phía nam và bắt đầu chạy nhanh hơn. Đứng trên boong tàu, nhìn cảnh trời biển bao la, Liêm và Minh cảm thấy mình bé nhỏ lại. Vì mới đi biển lần thứ nhất, nên tàu chạy một lúc, cả hai thấy choáng váng trong người, vội vàng về phòng nằm. Bữa cơm trưa hôm đó, cả hai bỏ không ăn, nằm ngủ miết cho tới chiều mới dậy. Thấy người dễ chịu hơn, cả hai lại lên boong tàu chơi. Cảnh mặt trời sắp lặn, đẹp lạ lùng. Ánh mặt trời chiếu lên những tia nắng sau cùng một màu vàng nhạt, mông lung, phản chiếu xuống mặt biển gợn sóng những vệt sáng lăn tăn chạy dài vô tận… Chuông tàu đổ hồi báo hiệu giờ cơm tối. Liêm và Minh vội vã xuống tầng nhì. Phòng ăn rộng rãi, đèn điện sáng trưng. Hành khách nhiều người say sóng, chỉ có một ít người đi ăn. Ăn uống xong, cả hai lại trở lên boong tàu chơi. Trời lúc này đã tối hẳn. Đêm nay không có trăng, bầu trời vẩn một ít mây đen. Cảnh vật im lặng, chỉ nghe tiếng chân vịt chạy đều đều, và tiếng nước vỗ ì ầm vào mạn tàu. Sương rơi xuống hơi lành lạnh, hai người về phòng nằm ngủ. Vào khoảng nửa đêm, cả hai đều giật mình ngồi dậy, vì chiếc tàu lắc lư quá và tiếng sóng vỗ vào mạn tàu mạnh lắm. Minh vội khoác thêm áo chạy ra một lúc rồi trở về bảo Liêm:
- Liêm ơi, có bão lớn, biển động mạnh lắm. Tàu phải đi rất chậm!
Liêm lo lắng:
- Liệu có sao không anh?
Minh trèo lên giường nằm lại:
- Thật là lo hão huyền. Bão lớn thật, nhưng thấm gì với chiếc tàu nầy, chỉ có điều là tàu lắc lư làm mình khó chịu một chút thôi!
Đột nhiên, Liêm nghĩ đến chiếc ghe cha con ông Chánh đi, bây giờ không biết tới đâu, có tránh được cơn bão kinh khủng nầy không? Liêm thao thức mãi đến sáng không thể nào ngủ lại được. Vừa mờ sáng, Liêm dậy rửa mặt, thay áo chỉnh tề, lên boong tàu tìm gặp vị Thuyền trưởng trình bày về chiếc ghe có lẽ bị nạn. Ông Thuyền trưởng là người rất nhân đạo, vừa nghe qua, ông vội truyền cho nhân viên phụ trách dùng kính viễn vọng tìm xem có chiếc ghe nào đang bị bão không. Một lát sau, ông được báo cáo : “Có một chiếc ghe đang ở vị trí tây bắc, cách chiếc tàu nầy độ 5 hải lý. Mặt biển bị sương mù nhiều, nên không được rõ lắm, nhưng chắc một điều là cột buồm ghe đã bị gẫy, và trong ghe lố nhố nhiều người”. Lập tức, ông Thuyền trưởng ra lệnh cho viên hoa tiêu quay tàu lại phía tây bắc, đồng thời thông báo cho hành khách biết. Trong ống viễn vọng, chiếc ghe bị nạn mỗi lúc một rõ thêm : Nước vào gần đầy ghe, mọi người cố sức tát ra. Đàn bà, trẻ con ôm nhau khóc la inh ỏi. Thấy có tàu gần tới, ông chủ ghe cột một chiếc khăn trắng vào đầu sào giơ cao lên làm hiệu cầu cứu. Gần đến chiếc ghe, ông Thuyền trưởng ra lệnh dừng tàu lại, rồi cho thả xuống nước ba chiếc thuyền máy, 12 thủy thủ dùng thang dây xuống thuyền, mở máy chạy lại gần chiếc ghe. Họ cho hai chiếc thuyền áp lại hai bên mạn ghe, rồi đỡ từng người qua thuyền. Cậu Liêm muốn xuống thuyền máy để coi có cha con ông Chánh trong ghe đó không, nhưng ông Thuyền trưởng không cho, cậu đành đứng trên boong tàu nhìn theo. Khi chiếc tàu đến gần, cậu xin phép xem vào kính viễn vọng, cậu sung sướng la lên, vì thấy ba cha con ông Chánh có ở trên ghe. Lúc nầy bão đã dịu hẳn, người trong tàu đổ xô lên boong để xem chiếc ghe bị nạn.
Cậu Minh cũng lên đứng cạnh Liêm. Liêm chỉ cho Minh xem cha con ông Chánh mình đã gặp, lúc nầy đã sang bên thuyền máy. Ông chủ ghe xin cho kéo chiếc ghe theo tàu để đem vào Nam sửa chữa. Ông Thuyền trưởng chấp thuận, các thủy thủ dùng dây sắt buộc chiếc ghe vào tàu. Vài ba người trai bạn ở lại trong ghe tát nước ra cho hết. Chuyến đi nầy chủ ghe bị thiệt hại nặng, nhưng cũng còn may là cứu được cái xác ghe. Thủy thủ trên tàu hạ thang xuống cho những người bị nạn lên tàu. Đồ đoàn họ bị mất gần hết, nhưng không ai bị thiệt mạng cả. Người nào cũng bị ướt mèm, lạnh run cầm cập. Liêm và Minh chạy lại đỡ ba cha con ông Chánh đang run rẩy bước lên. Nhận ra người thanh niên đã cho mình tiền, cha con ông Chánh vui mừng khôn xiết, nhưng vì lạnh cóng nên ông không nói gì được. Liêm vội vàng dắt tay hai em Gương Lành, còn Minh đỡ ông Chánh:
- Bác và hai em xuống phòng hai cháu thay áo xống đã, rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Ông Chánh bận quần áo của Minh rất vừa. Còn hai em Gương Lành phải mặc tạm của Liêm. Tuy anh Liêm nhỏ người, nhưng đối với hai em, quần áo của anh Liêm cũng quá rộng, mặc thùng thình như hình nộm. Em Gương mắc cỡ hết sức, nhưng em Lành thì như thường. Cậu Minh chạy vội xuống chỗ bán hàng mua bánh trái lên cho cha con ông Chánh ăn. Được ăn no mặc ấm, cha con ông cảm thấy khỏe, và ông kể lại cho hai cậu nghe cuộc hành trình của cha con ông và người làng trong cơn bão táp kinh khủng vừa qua:
- Chiều ngày ba cha con tôi gặp cậu Liêm, thì sáng sớm mai, chúng tôi lên ghe. Ghe ra khơi, vì ngược gió nên không đi được nhanh. Ghe đi được bằng yên hai ngày, thì đến chiều hôm qua, lúc mặt trời sắp lặn, thấy trời kéo mây vàng nhiều, chủ ghe sợ sẽ có gió lớn. Ông căn dặn mọi người đề phòng và bảo trai bạn hạ buồm lớn xuống cho ghe chạy từ từ. Quả thật đến nửa đêm, gió bắt đầu thổi mạnh, sóng đập vào ghe tưởng vỡ đôi được. Cột buồm lớn gãy ngay. Mỗi lần sóng đập là nước phủ qua ghe. Chúng tôi cho trẻ con ngồi một chỗ, còn người lớn thay phiên nhau tát nước ra kẻo chìm. Đồ gì nặng đều liệng xuống biển cho nhẹ ghe. Trời tối như mực, gió mạnh, không thắp được chiếc đèn để làm hiệu cầu cứu. Đàn bà con trẻ khóc la, chúng tôi nghĩ phen nầy chắc chết hết cả. Gần đến sáng thì bão dịu dần, nhưng nếu không có tàu tới cứu, thì chúng tôi cũng chết đói chết rét!
Cậu Liêm ôm hai em Gương, Lành vào lòng hỏi:
- Khi đó hai em có sợ chết không?
Em Lành nhanh miệng trả lời:
- Em chỉ sợ rơi xuống nước mà lạc mất ba và chị Hai, nên em nắm lấy tay ba và chị Hai thiệt chặt!
Thấy em nhỏ nói đơn sơ, hai cậu cười nắc nẻ. Cậu Liêm giấu không nói cho ông Chánh biết là nhờ mình mà ông Thuyền trưởng cho quay tàu lại cứu. Nhưng hôm sau, cậu Minh đã thuật lại cho ông Chánh hay, ông Chánh cảm động nói lại với chủ ghe và mấy người làng, ai nấy đều tấm tắc biết ơn và quý mến cậu Liêm.
Ông Chánh xin lên thăm mấy người làng trên boong tàu. Cậu Minh dẫn ông lên. Cậu Liêm bảo Gương, Lành:
- Hai em lên nằm trên giường anh mà ngủ cho khỏe, trưa anh sẽ kêu dậy ăn cơm. Bây giờ anh lên boong tàu thăm mấy người kia một lát.
Cậu Liêm đóng cửa phòng, rồi đi thẳng lại chỗ bán hàng, mua một xách bánh trái lên phát cho mấy người bị nạn. Mấy người nầy bây giờ đã nói cười vui vẻ, họ đã được ông Thuyền trưởng và các thủy thủ giúp đỡ tận tình.
Theo thời khóa biểu, tàu chạy thẳng về Sàigòn. Ông Thuyền trưởng đã hứa sẽ vận động với nhà cầm quyền ở Sàigòn giúp đỡ phương tiện cho họ di chuyển ra Phan Thiết.
_________________________________________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét