I
MỘT BÀ LÃO KỲ DỊ
Ánh tà dương đang tắt dần trên các lùm cây vườn Bách Thảo. Những đứa trẻ hàng ngày tới nô đùa trên các con đường sỏi đã về hết và trong vườn chỉ còn lại một bé gái bán hình ảnh ngồi trên chiếc ghế đá. Trông nó trạc mười hai tuổi, vóc người nhỏ nhắn, nước da xanh xao nhưng khuôn mặt rất xinh. Hai tay nó ôm một chiếc hộp gỗ đã cũ, chứa đấy hình ảnh. Nó trầm ngâm ngắm nghía những bức hình màu bóng loáng. Có lẽ nó buồn vì bán chẳng được bao nhiêu, vì trong đáy hộp chỉ thấy loáng thoáng vài chục bạc, tất cả số tiền thu được trong ngày.
Bỗng nó ngửng đầu lên, nhận thấy trong vườn vắng tanh chẳng còn ai, vội đứng dậy hấp tấp ra về. Nhưng một tiếng nói trầm trầm phía sau làm nó giật mình : “Khoan đã cháu!” Nó giật mình quay lại thì thấy một bà lão lưng còng, áo quần lam lũ, đầu đội một chiếc khăn vuông đen che kín gần hết mặt. Tay bà lão xách một giỏ đầy búp bê, những thú vật nhỏ bằng cao su và một ít đồ chơi rẻ tiền khác – “Khoan đã cháu!”, bà lão nhắc lại bằng một giọng khàn khàn. “Cháu có muốn mua một con búp bê không?”
- Một con búp bê? – Đứa bé vừa lập lại vừa gật đầu buồn bã.
Bà lão cúi xuống lục lọi trong giỏ và quay đi chỗ khác, thì thào nhẹ như hơi thở:
- Cháu vờ chọn một con búp bê đi. Cháu lấy con mặc áo đỏ nhé.
- Sao vậy hả bà?. – Con bé ngạc nhiên hỏi.
Bà lão lại thì thầm như gió thoảng:
- Im đi cháu, đừng hỏi nữa! Bà bị người ta theo dõi nên không thể nói gì hơn, cháu cứ cầm lấy con búp bê đi. Khi về tới nhà, cháu hãy lật mái tóc huyền của nó lên sẽ thấy một vật rất hữu ích bên trong. Cháu tên là Thu Cúc phải không?
- Dạ, vâng ạ. – Con bé ấp úng trả lời.
- Vậy thì Thu Cúc, cháu hãy cầm lấy con búp bê này và trả cho bà vài đồng thôi, để nếu có ai rình rập, họ sẽ tưởng rằng cháu mua của bà.
Rồi bà lão bước đi và biến dạng sau rặng cây.
Thú Cúc tần ngần ngắm nghía con búp bê. Nó phân vân không biết nghĩ sao về câu chuyện tình cờ lạ lùng này. Nó muốn lột ngay bộ tóc ra xem có gì ở trong, nhưng nó sực nhớ đến câu nói bí mật của bà lão : “Nếu có ai rình rập chúng ta…” nên vội ngừng tay. Nó đảo mắt nhìn quanh. Vườn Bách Thảo lúc đó không một bóng người, nhưng nó tự nghĩ cần phải thận trọng thì hơn. Với vẻ mặt suy tư, nó rảo bước về phía cổng sắt, mắt vẫn ngắm nghía con búp bê mà nó ôm khư khư trong tay. Con búp bê này thật xấu xí, thô kệch, hai má thì phồng quá cỡ, thân mình thì bằng giấy bìa cứng nhắc. Không biết người ta đã giấu vật gì dưới mái tóc huyền của nó. Một món trang sức quí giá? Một bức thư? Một số tiền?
Thu Cúc bước mau hơn. Nó cảm thấy hồi hộp lạ thường. Sắc mặt nó hồng lên và câu chuyện bí mật này làm đôi mắt thường ngày vẫn đượm vẻ u buồn của nó lúc này bỗng sáng long lanh. Nó không hề nghi bà lão đội khăn đen muốn giỡn nó, nhưng nó cho rằng bà ta là một nhân vật lỳ dị, có thể là một bà tiên cũng nên. Nhưng ý nghĩ đó lại làm nó cười thầm trong bụng. Nó đã lớn rồi, làm sao tin được câu chuyện hoang đường đó, vì các bà tiên chỉ có trong truyện cổ tích thôi! Vậy bà ta là ai? Đưa cho nó con búp bê để làm gì?
Háo hức muốn biết rõ, nó thấy cần phải về nhà thật mau. Nghĩ vậy, nó rảo cẳng chạy. Lúc đó màn đêm đã bao trùm cảnh vật…
Chẳng mấy chốc nó đã về tới khu Thị Nghè. Đang bước thấp bước cao trên một quãng đường tối, nó bỗng nghe thấy tiếng chân người đằng sau. Nó vừa quay lại nhìn thì hai bóng đen đã tiến sát tới bên nó. Một tên đập vào tay nó. Chiếc hộp rơi xuống, các tấm hình tung tóe ra mặt đất. Theo phản ứng tự nhiên, nó vội cúi xuống nhặt thì, nhanh như chớp, tên kia sấn lại đoạt lấy con búp bê rồi hai đứa cùng tẩu thoát. Thu Cúc bàng hoàng đứng lặng người đi một lát, miệng không kịp kêu cứu. Khi trấn tĩnh lại được, nó vội nhìn quanh xem bọn kia đâu, nhưng chúng đã cao bay xa chạy. Cúc đang thất vọng chực khóc thì may thay, một bóng dáng quen thuộc xuất hiện phía đầu đường có đèn sáng và tiến dần về phía nó. Đó là một bé trai cùng trạc tuổi nó, tay ôm một chồng báo, theo sau là một con chó lớn màu nâu sẫm. Cúc vội chạy về phía thằng bé, miệng la thất thanh:
- Đức ơi, Đức! Hộ tao với! Tao vừa bị cướp!
Đức hỏi dồn, giọng lo lắng:
- Bị cướp à? Thế mày có sao không?
Cúc vừa thở hổn hển vừa kể chuyện nó gặp bà lão như thế nào, và bị cướp ra sao.
Nghe xong, Đức nghiêm giọng hỏi:
- Bọn chúng có hai đứa hả?
- Ừ, hai tên lạ mặt. Chúng chạy về hướng kia kìa. Đức ơi, mày giúp tao tìm cho ra con búp bê nhé!
Thế là thằng Đức vội quăng chồng báo xuống đất rồi gọi con Lu, chạy bổ về hướng hai tên lạ mặt đã mất dạng khi nãy. Cúc nói với theo:
- Con búp bê mặc áo đỏ ấy nhé!
Rồi nó chán nản ngồi phịch xuống một gốc cây. Lúc đó, nó mới chợt hiểu rằng mái tóc huyền của con búp bê xấu xí kia che giấu một vật gì rất quan hệ nên người ta mới đoạt mất của nó.
II
MÀN BÍ MẬT CÀNG THÊM DÀY ĐẶC
Chừng mười lăm phút sau, thằng Đức xuất hiện phía đầu đường. Lo lắng, Cúc chạy ra đón nó để hỏi tin tức:
- Thế nào, có thấy gì không?
- Chẳng thấy gì cả, tao tìm kiếm khắp phía đó mà chẳng thấy bóng dáng hai tên ấy đâu. Chắc chúng đã lẻn vào một ngõ tối nào và tẩu thoát rồi… À, câu chuyện bà lão, con búp bê và hai kẻ lạ mặt này kỳ lạ hết sức. Mày thử kể lại tao nghe từ đầu chí cuối đi.
Đức nhặt lấy chồng báo và ngồi xổm xuống cạnh Cúc như để che chở cho nó trước một mối nguy hiểm nào đó.
Một lát sau, hai đứa đứng dậy ra về. Con chó Lu lủi thủi theo sau, đuôi cúp xuống, hình như nó tự hổ thẹn vì không kiếm ra dấu vết bọn gian phi giúp chủ nó và cô bạn nhỏ.
Thu Cúc mô tả bà lão với hình dáng kỳ dị một cách xác thực. Nó nhắc lại từng câu từng chữ trong cuộc đối thoại với bà ta. Nó cố gắng nhớ lại hình dáng hai gã đàn ông đã cướp con búp bê, nhưng vì quãng đường ấy tối quá nên nó không trông rõ mặt chúng.
- Như vậy thì nếu mày có gặp lại bọn chúng bây giờ, mày cũng không thể nhận ra chúng được, phải không?
- Ồ, tao không nhận ra được đâu.
- Thế còn bà lão?
- À, bà ta thì tao nhận ra được, nhất là giọng nói khàn khàn của bà ấy.
- Trước đây, có khi nào mày gặp bà ấy trong vườn Bách Thảo chưa?
- Chưa, chưa bao giờ cả, mặc dù tao biết mặt tất cả những người bán hàng ở vùng lân cận. Nhưng một bà lão già như thế, lưng còng như thế, chít khăn che kín mặt, thì chưa bao giờ tao gặp cả.
- Vậy thì bà ta không hay qua lại khu đó rồi. Chắc bà ta phải cải trang như vậy để có thể tới gần mày mà không ai nhận ra, nhưng mưu kế đó đã không thành.
Trầm ngâm một lát, Đức tiếp:
- Mà còn có thể bà ta chẳng phải là một bà lão như mày tưởng đâu, mà chính là một người đàn ông cải trang kia đấy.
- Gớm, mày chỉ khéo tưởng tượng thôi!
- Không phải à? Này nhé, tao nghĩ rằng khi cho mày con búp bê, bà ta có thể lâm nguy lắm. Vậy thì chỉ đàn ông mới dám mạo hiểm như thế chứ.
- Không! Chắc người ấy là đàn bà mà… Tiếng nói thì khàn khàn, phải rồi, như tiếng đàn ông, nhưng thân hình lại nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Mặt bà ta thì bị khăn che kín nên tao không rõ lắm.
Rồi như khám phá ra điều gì mới lạ, Cúc kêu lên:
- Ơ… kể cũng lạ thật! Sao thời tiết tháng bảy mà bà ta lại chít khăn kín mít nhỉ?
Đức tự phụ đáp:
- Thế thì tao đoán đúng rồi! Bà ta phải cải trang nên chít khăn sùm sụp đó.
Cúc kết luận:
- Thôi, đàn ông hay đàn bà cũng chẳng quan hệ gì mấy… Việc quan hệ là phải tìm cho ra con búp bê kia.
- Đúng vậy – Đức phụ họa – phải tìm cho ra con búp bê. Nhưng tìm ở đâu? Chà, Lu ơi, nếu mày là một chú khuyển trinh thám thì hay biết mấy! Giá như mày giúp được tao trong vụ này nhỉ?
Nghe gọi tên nó, con Lu tới cọ người vào chân chủ. Thu Cúc thấy vậy cúi xuống vuốt ve nó, lẩm bẩm:
- Tội nghiệp con Lu! Muốn kiếm ra hai kẻ lạ mặt thì ít ra phải trông thấy chúng. Nếu mà đã trông thấy chúng thì tình thế sẽ khác hẳn, phải không Lu? Thật là uổng quá! Giá phải anh Đức và mày tới sớm hơn độ năm phút thì có phải là hay không!
Khi hai đứa về gần tới nhà Thu Cúc, nó quay sang Đức nói:
- Thôi để tao về một mình được rồi. Nếu mày bận việc thì tao không dám làm phiền nhiều đâu.
- Không, tao muốn đưa mày về tận nhà vì sợ hai gã kia quay lại chăng.
- Không có gì nguy hiểm đâu, mày đừng lo cho tao. Quãng đường này có nhiều người qua lại và có đèn sáng, với lại tao cũng hết sợ rồi. Tao chỉ sợ bà Tảo, cô tao, mắng tao khi thấy số tiền hôm nay tao mang về ít hơn mọi ngày. Tao đã phải trả bà lão năm đồng khi lấy con búp bê, chưa kể những đồng bạc cắc rơi dưới đất chưa kịp nhặt.
- Thôi, cũng đành vậy chứ sao bây giờ! Hay là mày bịa ra một câu chuyện gì đó để nói với bà ta cho yên.
Thu Cúc tiến vào một ngõ tối đáp:
- Dễ gì mà dối được cô tao, nhất là tao không muốn cho bà ấy biết tí gì về chuyện con búp bê cả.
- Sao vậy?
- Vì bà ấy có thể cho tao ăn đòn nếu bà ấy cho rằng có nhiều tiền giấu dưới mái tóc con búp bê mà lại bị mất.
- Bà ấy thường đánh đập mày lắm hả? – Đức chau mày hỏi.
- Không… thỉnh thoảng thôi. Nhưng không sao, tao đã quen với những trận đòn như vậy lắm rồi! – con bé vừa nói vừa thở dài một cách nhẫn nhục.
Nghe thấy vậy, thằng Đức tức tối nắm chặt hai tay lại.
Về tới cửa nhà Cúc, hai đứa chia tay. Con bé bước lên cầu thang, trống ngực đập thình thình. Nó nơm nớp sợ cơn thịnh nộ của bà cô độc ác.
III
CUỘC GẶP GỠ CÔ MAI
Như đã đoán biết trước, quả nhiên tối hôm đó Thu Cúc bị cô nó nghiêm phạt. Vì vậy, trưa hôm sau nó cảm thấy sung sướng trở lại vườn Bách Thảo, nơi câu chuyện tình cờ xảy ra hôm qua. Tay ôm chiếc hộp, con bé chạy khắp các khu trong vườn, vừa để bán hàng, vừa để cố ý tìm xem có gặp lại bà lão bí mật hôm trước không, nhưng đã gần hết ngày mà vẫn chẳng thấy bà ta xuất hiện.
Đến xế chiều, trong khi Cúc dừng lại nghỉ chân một lát thì một thiếu nữ nó quen đã lâu tiến lại phía nó. Người dong dỏng cao, dáng mảnh mai, cô ta thường mặc đồ trắng và cầm mấy bông hoa trên tay. Bữa nọ, cô ta có mua mấy tấm hình của Cúc nên vẫn còn nhớ nó. Mỗi khi gặp nó, cô ta thường hay đứng lại nói dăm ba câu chuyện bằng một giọng nói dịu dàng, chan chưa tình thương làm Cúc rất cảm động. Có lần cô ta cho nó vài chục đồng mà không lấy gì cả. Nó không biết tên cô ta là gì nên chỉ gọi thầm trong bụng là “cô đẹp”.
Chiều hôm đó, như thường lệ, “cô đẹp” gật đầu mỉm cười với Cúc và niềm nở hỏi:
- Sao, Thu Cúc, em vẫn mạnh giỏi chứ?
- Vâng ạ, em cám ơn cô – con bé bẽn lẽn trả lời.
Thiếu nữ đứng nhìn con bé một lát, ra vẻ lưỡng lự, rồi tay mân mê một cành hồng, cô nói:
- Em Cúc à, chị muốn đề nghị với em một điều : em ngồi làm mẫu cho chị nhé.
- Thưa cô, làm mẫu? – Thu Cúc chưa hiểu rõ, hỏi lại.
- Phải, ngồi làm mẫu. Chị là họa sĩ và muốn nhờ em ngồi làm mẫu cho chị vẽ vài bức tranh, em hiểu không?
- Thưa cô, nhưng… em… – con bé ấp úng đáp.
- Em chớ nên trả lời “không” với chị. Đã từ lâu, chị vẫn mơ tưởng một bức tranh vẽ hình em mặc một bộ đồ trắng, hai tay chắp lại, mái tóc buông xõa ngang vai và mắt nhìn vào cõi xa xôi. Em đang nhìn một cái gì mà chỉ riêng em mới trông thấy, nó làm đôi mắt em chan chứa một nỗi buồn khó tả, nhưng không làm tắt hẳn nụ cười trên môi. Chị sẽ đặt tên bức tranh ấy là : “Đứa trẻ buồn”. Nhưng nếu em không muốn giúp chị thì chắc không thể nào chị sáng tác ra bức tranh đó được.
- Thưa cô, tại sao thế ạ? – Cúc hỏi bằng một giọng rất ngây thơ.
- Vì chính em đã mang lại cho chị cảm hứng đề tài “Đứa trẻ buồn”, và dù chị có đi khắp một vòng địa cầu chắc cũng không thể nào tìm thấy một khuôn mặt như khuôn mặt em. Vậy em chiều chị đi nhé, chóng ngoan.
Giọng nói rất dịu dàng của cô Mai bộc lộ một hoài vọng thiết tha khiến Thu Cúc thật xúc động. Nó đáp:
- Thưa cô, em muốn lắm, nhưng em sợ cô em không chịu.
- Thế chị tới xin phép bà ấy nhé?
- Thể nào cô em cũng từ chối, cô ạ. Tốt hơn là đừng để bà ấy biết gì cả, vì…
Nói tới đây, Cúc hơi đỏ mặt, mắt nhìn xuống đất rồi tiếp:
- Thưa cô, nếu bà ấy đoán biết là đề nghị của cô hợp ý em, bà ấy nhất định sẽ từ chối.
- Nếu vậy thì em tới nhà chị mà đừng cho bà ấy biết. Xử sự như thế với bà ấy thì cũng đáng lắm chứ!
Và cô họa sĩ cười vui vẻ.
- Vâng, nhưng… còn những tấm hình này ạ? Cô em sẽ khám phá ra rằng em chẳng bán được gì cả.
- Em đừng lo, chị sẽ mua hình cho em, và khi ngồi làm mẫu em sẽ được thêm tiền nữa cơ.
- Ấy, thưa cô không phải vấn đề đó – Cúc vội cải chính.
Nó ngần ngừ một lát, rồi quyết định:
- Thưa cô, em xin nhận, vậy hôm nào thì bắt đầu ạ?
- Chiều mai nhé. Đây, em giữ lấy địa chỉ của chị.
Cô Mai đưa danh thiếp cho Cúc, cười với nó rồi rảo bước đi về phía vườn kiểng.
Thu Cúc ngắm nghía tấm danh thiếp và đọc thấy địa chỉ sau đây : “Như Mai 29 A Phan Đình Phùng”. Nó vội vã đi kiếm thằng Đức và gặp ngay Đức ngoài cổng vườn Bách Thảo, cạnh sạp báo.
- Thấy Cúc đến, Đức vội hỏi:
- Mày thu lượm được tin tức gì chưa?
- Chưa, chẳng có tin tức gì hết. Thế còn mày?
- Tao cũng vậy! Tao với con Lu đã đi sục sạo mấy ngõ hẻm khu Thị Nghè. Tao hy vọng rằng hai tên gian phi, sau khi lấy được món đồ giấu dưới tóc con búp bê, đã quăng nó ở đâu đó, nhưng chẳng thấy con búp bê đâu.
Con bé thở dài:
- Vậy làm thế nào để tìm ra con búp bê bây giờ? Tụi mình chẳng có một dấu vết gì cả nên tao lo vụ này sẽ chẳng đi tới đâu. Nhưng tao có chuyện này khá hấp dẫn muốn nói với mày.
Rồi nó thuật lại cho thằng Đức nghe cuộc đối thoại với cô họa sĩ.
- Thế mày nhận lời à? – Đức hỏi.
- Ừ, vì tao nể quá. Cô ấy khẩn khoản nhờ nên tao phải nhận đại.
Đức cau mày nói:
- Nhưng mày dám tới nhà một người lạ một mình hay sao?
- Tao quen cô ấy thì ngại gì? Đây mày coi nè, cô ấy cho tao địa chỉ nhà cô ấy đó.
Cúc vừa nói vừa chìa tấm danh thiếp cho bạn nó coi. Đọc xong, Đức trả lại cho con bé. Nó im lặng, trên trán nó hằn lên một vết nhăn. Nó tự hỏi : có sự liên hệ gì giữa bà lão bán đồ chơi, hai tên cướp và cô họa sĩ? Chắc phải có một liên hệ nào đó chứ chẳng không. Nó đem sự nghi ngờ đó nói cho Cúc nghe, nhưng con bé không tin, vừa cười vừa đáp:
- Nếu quả như mày nói thì đó chính là cái lý do để tao đến nhà cô ấy. “Không vào hang hùm sao bắt được cọp?”
Đức không đáp. Nó nghĩ lời mời của cô Mai có thể là một cái bẫy, cũng có thể đó là một điều ích lợi giúp cho cuộc tìm kiếm con búp bê đạt được kết quả. Dù sao thì chính nó cũng đã có ngồi làm mẫu cho một họa sĩ vài tháng trước đây, và nó biết rằng các họa sĩ đều muốn tự chọn lấy người mẫu cho những bức tranh của mình. Nhưng linh tính báo cho nó rằng Thu Cúc chẳng nên khinh xuất. Một sự nguy hiểm đang rình rập con bé và bất cứ người nào tới gần nó đều đáng nghi ngờ cả.
IV
THU CÚC NGỒI LÀM MẪU
Một chị người làm ăn mặc cũ kỹ ra mở cửa cho Thu Cúc. Chị ta hỏi:
- Cô muốn chi?
- Em muốn hỏi cô Như Mai ạ.
- Mời cô vào.
Chị ta dẫn Cúc vào một căn phòng trang hoàng rất lịch sự. Những đồ sứ Giang Tây cổ, những bình hoa và cây cảnh được bày biện rất mỹ thuật trên các đồ gỗ sơn mài. Thu Cúc say sưa ngắm nghía mọi vật. Nó đang mải mê theo dõi mấy chú cá bạc lội tung tăng trong một chiếc bình pha lên thì vụt nghe tiếng cô mai:
- À, em Cúc đã đến. Tốt quá!
Con bé quay lại mỉm cười:
- Chào cô ạ, em vừa mới đến.
Rồi nó suýt soa khen:
- Nhà cô đẹp quá!
Cô Mai tươi cười:
- Em thích nhà chị à?
- Trời ơi, em thích lắm ạ! Chưa bao giờ em được thấy căn nhà nào đẹp hơn nhà này cả. Đức cũng vậy.
- Đức là ai thế em?
- Thưa cô, đó là một người bạn em. Nó bán báo tại một sạp nhỏ trước cửa vườn Bách Thảo. Chúng em quen nhau từ lâu. Nó cũng mồ côi như em. Ba má nó chết trong một vụ đắm tàu đã lâu lắm rồi.
- Thế còn ba má em? Ba em trước làm gì?
- Ba em là thợ mỏ, còn má em làm thợ may. Má em qua đời sau khi sanh em được ít lâu và ba em mất khi em lên hai tuổi. Gia đình em hồi đó ở Nam Vang, cả cô Tảo nữa. Sau này cô Tảo đưa em về Saigon.
- Tội nghiệp quá – cô Mai chép miệng thở dài – Số phận em thật không may. Thôi, mình nói chuyện khác đi. Để chị đưa em qua phòng vẽ.
Rồi cô dắt Cúc sang phòng bên cạnh. Căn phòng đó khang trang, sáng sủa và chứa đầy những giá vẽ, những bức tranh mới phác họa, những cây bút lông và những chiếc bàn nhỏ, để ngổn ngang trông thật lạ mắt. Ở một góc phòng có kê một chiếc đi văng cổ, kiểu đông phương, trên mặt bày những chiếc gối sặc sỡ, ngoạn mục. Cạnh đó, một chậu cây cảnh được đặt trước một bức bình phong sơn mài che chỗ thay áo. Thu Cúc bước vào sau tấm bình phong để khoác lên mình một chiếc áo dài lụa trắng, thay thế chiếc áo cũ kỹ đã bạc màu và sờn nhiều chỗ của nó. Bộ tóc thường ngày búi ra sau gáy của nó được cô Mai gỡ xuống lấy lược chải một cách khéo léo. Trong nháy mắt, mái tóc đen óng ả của Cúc đã buông rủ xuống bờ vai, làm tăng thêm vẻ xinh đẹp của khuôn mặt ngây thơ.
Sau đó, cô đặt con bé ngồi ngay giữa phòng để thân hình nó in lên trên nền ánh sáng của khung cửa sổ. Cô bảo nó chắp hai tay lại, mắt nhìn về phía trước. Xong đâu đó, cô bắt đầu vẽ. Bàn tay lành nghề của cô đưa thoăn thoắt trên khung vải, sử dụng những cây cọ một cách tài tình. Thỉnh thoảng cô lại hỏi:
- Có mỏi không em?
- Thưa cô không ạ – nó đáp, cố giữ cho môi ít mấp máy và ngồi bất động. Trong khi đó, nó vẫn lắng tai nghe tiếng hót của con chim vành khuyên từ phía vườn vẳng lại. Chiếc áo lụa mới tinh, mát rượi, đem lại một cảm giác khác lạ trên da thịt nó, khiến nó cứ ngỡ mình là con bé Lo Lem trong đêm dạ hội ở cung vua. Nó thấy mình đang sống trong một truyện cổ tích thật là huyền ảo. Lúc đó, cặp mắt của nó sáng long lanh khác thường nhưng vẫn đượm vẻ u buồn vì nó biết đó chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi. Nó biết rằng trong chốc lát, nó sẽ lại mang chiếc áo bạc màu và chạy khắp đó đây, tay ôm chiếc hộp cũ, suốt ngày cực nhọc mời rao mà chẳng kiếm được bao nhiêu.
Cô Mai cố vận dụng, tập trung tư tưởng vào nguồn cảm hứng để diễn tả vẻ mặt mơ màng, xa vời của nó trên khung vải. Trong khi đó, Cúc ngồi bất động, chìm đắm trong suy tư.
Một giờ đã trôi qua… Bỗng một tiếng gõ cửa nhè nhẹ làm cô Mai ngừng tay. Không ngoảnh đầu lại, cô hỏi vọng ra:
- Ai đó?
- Thưa cô, có ông Phú lại chơi ạ – chị người làm đáp.
Cô Mai đứng dậy, nói với Cúc:
- Chị sẽ trở lại ngay. Bây giờ em hãy tạm ngồi nghỉ, trong khi chờ đợi, để chị bảo chị Năm mang đồ giải lao vào cho em.
Cô quay sang chị Năm dặn dò vài câu nho nhỏ rồi bước ra phòng khách, để ngỏ cánh cửa phòng.
Vừa ngồi nghỉ trên chiếc đi văng, Cúc vừa ăn thỏa thích các thứ bánh kẹo và trái cây mà chị Năm mang vào bày trước mặt nó. Từ ngoài phòng khách vọng vào tiếng nói dịu dàng của cô Mai và giọng nói trầm trầm của ông Phú. Cúc nghe rõ nhưng không hiểu họ nói gì. Sực nhớ ra ý kiến của Đức về cô họa sĩ, nó lại gần chiếc cửa để ngỏ, thúc đẩy bởi tính tò mò và sự nóng lòng khám phá ra bí mật bao trùm con búp bê kỳ lạ.
Ông Phú và cô Mai đang nói chuyện về thuyền “bobo” và chiếc xe hơi, về con chó Bắc Kinh của cô Mai và nhiều vấn đề khác mà Cúc chẳng thấy hấp dẫn tí nào.
- Vậy cô định về Bạc Liêu à? – ông Phú hỏi.
- Vâng, có lẽ vào cuối năm – cô Mai đáp.
- Còn tôi thì chẳng đi đâu được cả vì công việc quá bề bộn.
Nghe tới đó, Thu Cúc rời cánh cửa, trở lại phía đi văng. Nó nghĩ thầm : “Đức lầm rồi, ta nghe rõ ràng họ nói những chuyện đâu đâu không à!”. Nó ngồi xuống đi văng và cảm thấy hổ thẹn vì sự tò mò vừa qua.
Một lát sau, cô Mai dẫn ông Phú vào phòng vẽ. Trông ông trạc độ ngũ tuần, đầu hói, vóc dáng vạm vỡ và phục sức rất chải chuốt. Ông ngắm nghía vài bức tranh, dừng lại trước bức vẽ cô Mai mới phác họa và đưa mắt nhìn Thu Cúc.
- À, đây là người mẫu đây – ông nói – Ngồi xuống đi, cháu. Cứ tự nhiên mà!.
Rồi ông bước ra phòng khách, vừa đi vừa nói chuyện với cô Mai.
Thu Cúc vẫn đứng đợi. Khi vào tới nơi, cô Mai hỏi:
- Em về bây giờ nhé?
- Vâng ạ, nếu không có gì phiền cho cô. Em cũng không muốn về quá trễ.
- Em nói phải, thôi, em mặc áo vào đi.
Thu Cúc mặc lại bộ áo cũ kỹ, cầm chiếc hộp lên và để lại hai xấp hình cho cô Mai, để bà Tảo khỏi nghi ngờ gì cả. Nó chỉ muốn nhận đúng số tiền bán hai xấp hình, nhưng cô Mai đã bỏ vào túi nó một ngàn bạc làm nó lúng túng. Rồi cô dẫn nó ra cửa và dặn nó chiều mai trở lại.
Con bé ra về, lòng mừng khấp khởi. Nó kinh ngạc về món tiền to tát từ trên trời rơi xuống cho nó : sau khi nộp cho cô nó số tiền hai trăm đồng, nó sẽ còn lại những tám trăm! Tám trăm bạc! Thật chưa bao giờ nó được cầm trong tay số tiền lớn như vậy! Nó tưởng mình là triệu phú. Vừa đi vừa hát, nó băng qua đường để tiến về phía vườn Bách Thảo.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI, VII
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét