Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

CHƯƠNG II_MÁU ĐÀO NƯỚC LÃ

II

Bỡ ngỡ buổi đầu qua đi, tôi vừa mới quen thầy, mến bạn thì hung tin đến. Tôi còn nhớ rõ: hôm đó nhằm ngày thứ năm, tôi nghỉ học. Trên cành cây trước sân nhà trọ chim ríu rít hót vang, tiếng dế gáy ròn rã trong lùm cỏ, tôi tha thẩn dõi mắt theo một cánh bướm vàng có mấy chấm đen xinh đẹp, liên tưởng đến bài quốc văn lúc còn ở trường làng mà tôi thuộc nằm lòng: "Một con bướm kia cánh vàng rực rỡ, lại có những đốm đen, đốm đỏ...". 

Và tôi thấy lòng rạt rào thương con bướm vô tội đó, không, tôi không bắt bướm đâu! Để nó bay trông đẹp mắt nhường nào! Ai bắt mình mà mình bắt nó? 

Thỉnh thoảng, tôi nghếch mắt nhìn trời, trời cao vút và xanh ngăn ngắt, từng đám mây nõn bồng bềnh trôi nhè nhẹ thay hình đổi dạng một cách lẹ làng quá đỗi: mới trông như một kỵ sĩ cúi rạp trên mình ngựa, thoáng cái đã thành con trâu trắng một sừng, vừa nhìn giống một bà tiên xiêm y lả lướt, nháy con mắt đã biến ra lão già chống gậy! Tôi thích thú theo dõi những hình ảnh đó, lòng nhẹ lâng lâng... 

Một cơn gió hây hây thổi đến và tôi chợt có ý nghĩ rất văn hoa: hạnh phúc cùng đến với tôi trong cơn gió sớm kia! Vâng, lần thứ nhất trong cuộc đời côi cút khổ sở của tôi, tôi dám táo gan: không chỉ nghĩ đến mà còn nghĩ rằng mình đang nắm được hạnh phúc trong tay! Tôi bật cười cho là ông văn sĩ nào đó nói: "Hạnh phúc có cánh và cánh hạnh phúc mong manh như cánh bướm" là ông ta nói láo, là phịa, là sai. 

Lan man, tôi lại nghĩ đến sự kỳ diệu của cái buộc mà tôi đang hưởng, nó đã thay đổi cuộc đời khốn khổ, cực nhọc của tôi, nó đã kéo tôi trở lại học đường, nó đã giúp tôi, nhiều quá là nhiều... Tôi nên cảm ơn nó hay cảm ơn nhà nước? Hay là cảm ơn thầy giáo lớp ba của tôi đây? Không – tôi tự trả lời – Nhà nước nào biết đến tôi? Cái buộc đâu có chân mà tìm đến tôi? Đó là công khó của thầy tôi chớ! 

Bỗng nhiên tôi thấy rằng tôi do dự vì mắc cỡ trong mấy tháng nay, không chịu viết thư về thăm thầy là một sự vô ơn, một sự bội bạc đáng ăn hai chục roi song cho tóe máu ra mới phải! 

Lập tức, tôi bỏ mặc trời trong, gió mát, cảnh đẹp mà quay vào nhà lục bút giấy viết thư cho thầy. Chuyện gì mà mắc cỡ? Biết chừng đâu thầy tôi sẽ không mang thư tôi ra đọc to lên cho bọn học trò nghe mà phục đứa trẻ có chí, đứa học trò đáng yêu của thầy tôi? Chẳng gì, tôi cũng lớn rồi mà. Tôi nắn nót: 

"Jeudi, le 23, octobre, 1936 

Thưa thầy, 

Con là Sinh, con xin viết thư này thăm thầy được mạnh khỏe và xin cảm ơn thầy, nhờ thầy con mới được đi học như vầy. Mà con không chịu viết thư thăm thầy liền, xin thầy vui lòng tha lỗi. 

Thưa thầy, về sự học hành của con thì cũng thường, bị vì ở trong này học trò giỏi quá con theo chưa kịp, và con làm luận còn dở lắm. Nhưng mà, xin thầy yên tâm, con xin hứa sẽ cố sức học theo lời thầy dặn dò con. 

Thưa thầy, vắn tắt mấy hàng con kính thăm thầy, đến đây con xin dừng bút". 

Tôi cẩn thận ký tên ở ngoài bìa cuốn vở cũ nhiều lần, sau đó mới ký tên vào bức thư sắp gửi. Đọc lại, tôi lấy làm vừa lòng lắm tuy thư có hơi ngắn, nhưng tôi còn biết nói gì cho nó dài ra? Ít nhất tôi cũng tự hào là tôi không tệ lắm, vì tôi biết dùng hai chữ "dừng bút" một cách chính đáng, thích hợp. Gớm! Hai chữ mới hay ho làm sao, tôi vớ được ở đâu đó đã lâu mà chưa hề dùng đến vì không có dịp. Tôi còn đang băn khoăn về hai chữ nay thơ hay nên viết nay kính thơ thì nghe có tiếng kêu ngoài ngõ: 

- Có dây thép đây! Ra lãnh! 

Tôi vội vàng buông bút, chạy ra. Một ông già cau có trông phát ghét, mang cặp kính trắng, gọng đen sì, (bẩn nên đen chứ không phải tự nó đen, tôi cam đoan như vậy) đang chăm chú kiểm điểm một tập giấy màu xanh nhạt trên tay ông, tờ nào cũng được xếp gọn bằng hai cái bao diêm. Chợt ông ngẩng phắt lên, hỏi với giọng hách dịch: 

- Có tên Dõ-dăn-Diên ở nhà không? 

Võ-văn-Viên! Cái tên bị đọc trại nghe thật buồn cười mà bộ mặt ông ta càng có vẻ ngộ nghĩnh hơn, nhất là khi ông ta ngẩng lên, đôi mắt ông ta như lồi thêm ra, ông ta nhìn tôi lom lom bằng hai con mắt đó – kính bị trễ xuống tận sống mũi – làm tôi nghĩ ngay đến một đôi mắt ếch! Nhận xét đó làm tôi phì cười, quên cả trả lời. Vẫn bằng giọng đã đớt và hách dịch vừa rồi, ông ta tiếp: 

- Hả? Võ-dăn-Diên ở nhà không? Bộ câm xao? Ta hỏi mà chơ mắt ếch da đó? 

A! Đồ vô học! Tôi mắng thầm ông ta trong bụng, không thấy nể nang ông ta một chút nào nữa, dù ông ta có mang kính trắng và nhà trường dạy tôi phải lễ phép với người tuổi tác. Tôi buông xõng: 

- Có! Ông chủ ở trong nhà. Ông hỏi chi? 

- Biểu ổng da nhận dây thép. 

- Dây thép? Đâu? 

- Đi! Mày con nít biết gì mà hỏi? Phải ký tên mới nhận được chớ. Phải kêu chủ mầy. Nói có dây thép, gấp. 

- Mà dây thép đâu? 

Tôi rắn mắt hỏi lại vì tò mò muốn thấy cái dây thép ra sao, đến nỗi quên để ý rằng ông ta cả gan liệt tôi vào hạng tôi tớ ông Viên. 

- Đây! 

Ông già mang kính trắng vừa nói vừa chìa ra cho tôi thấy một trong những cái giấy xanh xếp nhỏ trong tay ông. Kỳ quái chưa? Chẳng thấy dây nhợ gì mà nói là dây thép. Tôi vừa quay lưng vô nhà vừa nghĩ thầm. 

Ông chủ trọ có vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi nói có dây thép, song không phải thứ ngạc nhiên như của tôi, ông lầm bầm: 

- Của ai vậy kìa? Lạ chưa... lạ chưa... 

Ông đứng lên, lê đôi guốc mòn vẹt gót nghe sền sệt trên nền nhà, ra cửa. Trong lúc ông chủ nhà lúi húi ký tên, tôi liếc trộm ông già kia một cái và chợt nhớ mấy lời: "phải kêu ông chủ mày" tôi giận sôi lên. Tôi muốn nói cho ông biết rằng tôi không phải hạng đứa ở, tôi là học trò ở trọ, nhưng đã quá muộn vì ông ta đã phóc lên xe đạp ngay sau đó. 

Thình lình, ông chủ trọ quay lại, gọi giật tôi mà nói:

- Sinh! Cậu mày đau nặng biểu mày về.

Tin đó làm tôi đứng chết sững một giây như chôn chân bên vệ cửa, tôi tưởng mình vừa nghe một tiếng sấm lớn, nổ dữ dội giữa trưa hè! Biểu mày về?! Chắc là tôi phải bỏ học mất thôi! Trời ơi! Sao cậu tôi đau yếu làm chi vậy? Mà cho dù ông có đau yếu thì can hệ gì đến tôi đâu? Tôi ở học hay về thì ảnh hưởng gì đến bịnh tình của cậu tôi? Thiếu gì người ở nhà săn sóc ông kia chớ? Tôi, đứa cháu mới hơn mười tuổi, đứa cháu không hề được thương xót lúc ở nhà, không có lý nào ông nhớ muốn tôi về thăm đâu, tôi biết. 

Từ khi lên tỉnh đến nay, tôi nhờ có buộc không tốn kém của cậu mợ đồng nào, sao còn nỡ tìm cớ bắt tôi về? Nhưng rồi tôi cãi lại với tôi: biết chừng đâu… Ờ! Biết chừng đâu trong lúc đau ốm, nằm một mình cậu tôi suy nghĩ nhớ lại những hành động đã đối xử với tôi, ông hối hận? Ông kêu tôi về tỏ lòng hối hận ra đặng rủi có chết ông sẽ được yên tâm nhắm mắt. Hoặc là ông không có hối hận chi cả, nhưng biết mình khó qua khỏi ông sợ xuống "suối vàng" ông ngoại và mẹ tôi rầy rà, giận dỗi nên ông cần gặp gấp tôi, hầu có thể có cớ mà chống chế rằng đã gặp mặt tôi thăm, trước khi về dưới? 

Và tôi còn đoán già thêm rằng : nhất định tôi phải ở nhà cho đến khi chôn cất cậu tôi xong xuôi mới vô học lại được. Chắc chắn khi theo sau linh cữu cậu tôi, tôi sẽ khóc mùi y như các con của cậu, làm cho mọi người đều tưởng tôi nhớ tiếc ông. Đâu phải? Chính là tôi khóc cha mẹ tôi đó chớ, nhưng mặc kệ, ai nghĩ sao tùy họ, tôi không cần cải chính. Ai cấm tôi tưởng tượng rằng cha tôi nằm trong cái áo quan chật hẹp kia? Tôi khóc vì người sắp bị vùi sâu vào lòng đất lạnh, tối bưng như mẹ tôi ngày trước? Tôi sẽ tha hồ khóc bằng thích, chẳng cần lén lút, không sợ khinh chê, mai mỉa. Chao ôi! Lại được khóc hả hê chứ không phải khóc lặng lẽ, thầm lén như lâu nay chắc là sung sướng, dễ chịu biết chừng nào! 

Dự đoán như vậy đáng lẽ tôi thấy thích thú vui vẻ mới phải, song tôi cứ bị ám ảnh về nỗi lo ngại sắp phải thôi học... Nghĩ đến đó, tôi bỗng lạnh toát cả người. Sự sợ hãi như chồm lên, phủ chụp lấy tôi, như bóng tối sắp vây quanh tôi… Bất giác, tôi ngẩng lên nhìn ông chủ trọ và đột nhiên tôi thấy giận và ghét ông ta hết sức. Làm sao ông ta có thể dửng dưng trước một cái tin ghê gớm cho tôi như thế chớ? Ông này chắc ác chẳng thua chi cậu tôi. Uổng cái là ông không có đứa cháu nào như tôi cả. "Giá ông ta có một đứa cháu?" Tôi ao ước thầm một cách nồng nhiệt, chắc chắn đứa trẻ đó và tôi sẽ thông cảm nỗi lòng nhau, sẽ an ủi nhau cố nhẫn nhục cho đến ngày nào hết chịu nổi nữa. Lúc bấy giờ hai đứa tôi sẽ rủ nhau trốn đi, đi đâu cũng được, không cần tính toán chi, đến lúc đó sẽ hay... chúng tôi sẽ dựa vào nhau, lây lất nơi gầm cầu, xó chợ, bữa đói, bữa no. Song không cần, miễn được tự do, không ai xử ác là đủ vui rồi. Cùng quá, chúng tôi sẽ tự tử chết, có thư để lại hẳn hoi, để họ (mấy ông cậu) bị dày vò suốt đời vì hối hận, râu tóc ông nào cũng rụng sạch cho xem! Đáng đời các ông, chẳng ai thương xót. 

Á! Tại sao ông chủ trọ lại không có đứa cháu mồ côi? Nhất định tin này sẽ làm nó xúc động chớ không lạnh lùng như ông ta. Hừ! Giá ông ta nói mấy tiếng "cậu mày đau nặng biểu mày về" bằng một giọng ái ngại và nhìn tôi với đôi mắt xót thương thì có lẽ tôi không cầm giữ được, đã sà vào lòng ông, oà lên khóc... Và chắc ông sẽ vuốt tóc tôi, ngọt ngào an ủi, dỗ dành... 

Thốt nhiên, tôi nổi xung muốn hét to lên tự mắng mình: "Để làm chi vậy? Ta cóc cần ai thương hại" rồi tôi muốn đập phá một cái gì, hoặc la to một tiếng, nhiều tiếng cho hả giận và quên được điều lo sợ. Song tôi đâu có cái gì để mà đập phá? Cũng chẳng dám la to. Cơ thể tôi như bị kéo dài, bị căng thẳng ra, rồi bất thình lình buông chùng lại làm tôi mệt mỏi, rã rời... 

Bấy giờ, tôi biết tôi đã giả dối khi nghĩ rằng: tôi cóc cần ai thương hại... Sự thực tôi đã lớn lao gì cho cam, sao tôi cứ làm bộ anh hùng, can đảm? Đành rằng ông ta có tử tế đi nữa cũng chẳng giúp được gì cho tôi, nhưng tôi biết rằng những lời nói ngọt ngào, cử chỉ ưu ái sẽ giúp tôi đủ sức để mà chịu đựng, chịu đựng như trước nay từng chịu đựng ...

*

Suốt ngày hôm đó tôi ngơ ngẩn, buồn rầu nhai cơm nghe nhạt nhẽo chẳng ngon lành chi hết. Bà chủ trọ đâm để ý, bà nói với tôi: 

- Sinh! Sao mày không ăn muối đậu đi? Mấy hôm tao thấy mày thèm lắm mà? 

Tôi cúi gầm mặt, nước mắt mọng lên mi chỉ chực ứa ra nhưng cố nén, không cho nó chảy. 

- Cậu nó bịnh nặng, biểu nó về đó. 

Vẫn bằng giọng thản nhiên, lạnh ngắt, ông chủ nhà trọ báo tin cho vợ. Cổ tôi nghẹn cứng, cố sức vẫn không nuốt trôi được búng cơm, vậy mà tôi nghiến răng, tự nhủ: "Đừng! Đừng khóc trước mặt hạng người như vậy, uổng nước mắt đi!". Rồi, với tất cả cố gắng phi thường, lần này tôi nuốt ực búng cơm nhuyễn nhừ trong miệng mà có cảm tưởng rằng cùng một lúc, tôi nuốt luôn cả những dòng nước mắt kia, đoạn tôi buông đũa đứng lên.

*

Đêm đến, tôi đi ngủ sớm, nói là ngủ song kỳ thật tôi nằm thao thức mãi không sao chợp mắt được. Bỗng nghe tiếng gõ cửa, thường thì tôi nhanh nhẹn lắm, nhưng lúc bấy giờ tôi chẳng buồn cất nhắc tay chân, mặc trong nhà ra mở cửa, vẫn nằm yên, không nhúc nhích. 

Khách chính là chị Mai, con gái thứ hai của cậu tôi – chị ấy ít ác hơn hết trong nhà. 

Trông mặt chị buồn rầu, đăm chiêu làm tôi chợt hối hận vì trọn ngày tôi chẳng hề có một phút nào lo nghĩ đến bịnh tình của cậu tôi mà chỉ nơm nớp sợ bị bắt về thôi. 

- Sinh! (chị hỏi ngay khi tôi chưa kịp chào chị) Mày xin nghỉ học chưa? 

- Dạ thưa chị, em chưa... 

- Chưa? Sao lạ vậy? Dây thép chưa tới hả? 

- Dạ rồi. 

Tôi trả lời và nuốt ực nước bọt một cái, thầm mong có một phép mầu nào đó xui khiến cho ở nhà đổi ý và chị sẽ bảo tôi rằng: "Thôi, đừng xin nghỉ làm chi". 

Song chị Mai cau mặt lại, nhìn tôi một cách khó chịu làm tôi biết ngay là tôi ao ước hão. Chị hỏi: 

- Rồi? Rồi sao không xin phép nghỉ? Còn đợi gì nữa? Coi bộ mày không muốn về nhà phải không? (giọng chị chì chiết) Đồ bạc bẽo, đồ phản phúc! Đồ... 

Tôi đổ quạu, cãi lại: 

- Bữa nay thứ năm, nghỉ học, dây thép mới tới hồi sáng này, để mai đã chớ, chưa gì chị đã mắng em... 

Không hiểu sao tôi lại lưu loát, rành rọt như vậy. Trước nay tôi vốn ít lời. Chị Mai coi bộ phật ý lắm, chị gắt lên: 

- Chà! Bây giờ mày giỏi há? Trả lời đôm đốp. Ai cho phép mày táp ngược, táp xuôi lại tao như vậy? Tưởng bảnh lắm rồi phải không? Mày không cần ai hết phải không? Ỷ có buộc rồi phải không? 

- Dạ, em đâu dám... để mai em lên xin thầy... 

Tôi thấy hối vì mình quá lời, vội vàng nhỏ nhẹ để chị nguôi đi, song chị sừng sộ thêm lên: 

- Hừ, không có ỷ, không có ỷ mà nói xấm xẳng như xát muối vào mặt người ta. Tao biết mà! Đồ quân phản! Đồ ong tay áo! (như nói một mình) Bà già nói vậy mà biết chừng đúng, ngữ này rồi đủ lông đủ cánh là... 

Tôi ù tai vì nghe những lời nhiếc mắng riết róng của chị Mai, tủi thân quá, nức lên khóc. Chị nghiến răng, lại gần tôi, gằn giọng: 

- Ai làm gì mày mà khóc? Nước mắt đâu sẵn như nước đái vậy? Hả? Tới nhà người ta, nửa đêm, nửa hôm, mà làm rầy như vậy hả? 

Đã lâu lắm, tôi thoát bị dằn vặt bằng những lời cay nghiệt, bằng cách bị ví nước mắt mình với nước đái, một cách ví rất là tàn ác, xúc phạm tới cái gì cao quí, thiêng liêng – tôi nghĩ thế – tôi hầu như nguôi đi. Đêm nay, những lời chị Mai làm tôi có cảm tưởng như sống lại những ngày cũ, những dằn vặt cũ, đòn bọng cũ... những lời lẽ y như mũi dao nhọn chọc sâu vào vết thương chưa hàn kín miệng làm máu lại tóe ra; tôi đau thấm thía, đau tê dại, đau lặng người đi! 

- Không cần mai này xin phép xin tắc gì hết, mau sửa soạn đồ đạc đi. Tao lôi đầu mày về rồi mày biết... 

Giọng chị lại cất lên, lần này đầy đe dọa và sau đó, chị bỏ mặc tôi ti tỉ khóc, vào nhà trong trò chuyện với ông bà nhà chủ trọ, vui vẻ như thường.

*

Tuy chị nói không cần xin phép, sáng hôm sau chị lại bảo tôi: 

- Đi với tao, tao xin phép thầy cho. 

Tôi "dạ" một tiếng nhỏ, lo rửa mặt, thay quần áo, rồi đi với chị. 

Lầm lũi theo sau lưng chị Mai, tôi chẳng khác chi tên tù nhân có người lính đi kèm trên đường áp giải. 

Vậy mà đất trời vẫn vô tình trước sự khổ sở của tôi. Chẳng thần tiên nào thương xót hiện ra giúp đỡ. Mà quang cảnh cũng chẳng buồn theo tôi hay xấu bớt đi chút nào. Rõ là mấy ông văn sĩ nói khoác khi họ viết: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!". 

Trên cành phượng, những con ve cuối cùng vẫn so giọng hợp ca inh ỏi. Không một bóng mây, nền trời xanh ngắt. Gió từ sông quạt phe phẩy lên người tôi, dưới bến tiếng cười nói lao xao, ròn rã. Mặt sông không gợn một chút sóng, những mái chèo nhịp nhàng vờn nước nghe rong róc, rong róc... Những chiếc xe kéo chạy ngược chiều chúng tôi, kêu lên "ếp ê, ếp ê", và những tiếng chuông xe đạp lanh canh. Từ đằng xa, một chiếc xe ô tô vút tới cuốn theo những bánh xe hàng loạt bụi mù và mùi xăng nồng nồng. Đó là thứ mùi mà tôi và lũ bạn bé bỏng của tôi ưa thích, tranh nhau hít lấy, hít để mỗi lần bắt gặp ô tô chạy ngang trên đường đi học. 

Tất cả, tất cả tạo nên một quang cảnh và âm điệu quen thuộc, ấm áp, thân mật... thế mà tôi sắp lìa nơi này đấy! 

Ngôi trường đã hiện ra phía trước, tôi như bị một sức mạnh nào trì níu đôi chân. Mái ngói đỏ, hàng phượng xanh, những cây me đã bắt đầu rụng lá – những chiếc lá nhỏ li ti như những chấm hoa giấy màu vàng đan dày trên mặt đường trải nhựa – bày từng chùm trái cong y như những chiếc liềm hái ngày mùa. 

Trên thảm cỏ óng mượt của một công viên gần trường, nổi bật mươi chiếc hoa sứ trắng vừa rụng xuống. 

Đầu óc tôi hoang mang, lộn xộn, quay cuồng... 

Tiếng thước kẻ thầy tôi đập canh cách lên bàn giấy, viên phấn trắng trong tay thầy lướt đều, nhanh lên bảng đen, lúc chấm câu, đánh dấu thì lại nghe phát ra tiếng kíu kít giòn và ngắn thật là ngộ nghĩnh. 

Một tiếng chim vụt cất lên lanh lảnh trên cành cây ngoài cửa sổ, một chú ong vò vẽ từ đâu lạc vào lớp học, kêu lên vo vo vo... Sự huyên náo khi thầy vừa buớc ra khỏi cửa lớp. Và cái cảnh im phăng phắc cho đến một cơn gió tạt ngang y như bàn tay vô hình táy máy lật những trang sổ điểm trên bàn thầy kêu lách xách, lách xách trong khi chúng tôi đang chăm chú làm bài hay khi thầy đang cáu giận... 

Rồi, tiếng trống! Ôi! Tiếng trống mới lạ lùng kỳ diệu làm sao! Mỗi lần nó vang lên là tim tôi thình thịch đập theo; tiếng trống ra chơi sao mà hòa hưỡn ung dung làm mình phơi phới trong lòng. Còn tiếng trống đánh vào những buổi sáng thì gấp gáp, vội vàng, hối hả, nhất là những lần tôi đi học trễ thì càng thêm đe dọa, tưởng như cắm cổ chạy cũng không đuổi theo kịp nó. Tiếng trống đầy hứa hẹn mà lại nghiêm trang... Tôi như mê đi: những âm thanh, hình ảnh đó lần lượt, lần lượt vây quanh, gợi lại, nhắc nhở làm tôi càng thêm đau xót. 

- Mau lên, Sinh! Mau lên coi! Làm gì mà rờ rờ như đàn bà gần ngày vậy? 

Tôi choàng tỉnh vì giọng nói gióng giả của chị Mai. Cùng một lúc tôi thấy mình rất ngu nên mới thương chị lúc vừa gặp mặt đêm rồi, và tôi càng tức tối hơn khi nhìn nét mặt cau có của chị. Vụt cái, tôi nhớ tại trận đòn năm ngoái. 

Một điều lạ kỳ là tôi hầu như chai lì vì đòn bọng, gần như rất ít biết đau khi bị đánh, song luôn luôn tôi đau tê, đau dại vì những lời tàn ác kèm theo ngọn roi. Những lời đó lúc nào cũng đủ sức làm tôi đau lặng người đi, dù rằng những lời đó bay mất không dấu vết, còn những lằn roi thì in đậm, hằn sâu trên da thịt!... 

Tôi thề rằng thời kỳ đó tôi chưa hề nhận một trận đòn nào nhẹ như trận ấy, ít như trận ấy, mà lại có sức đau dai dẳng thấm thía như trận ấy. 

Hôm đó cậu tôi đi chơi vắng. Mợ thì đang xếp vàng hương vào quả để lên lễ chùa. Mấy anh chị nhảy dây, đá bóng hay đi chơi đâu ngoài xóm hết, nhà vắng hoe. 

Ngồi bên gốc cây khế, cạnh giếng nước, chị Mai đang gội đầu. Tôi đứng đó, có phận sự dội nước cho chị ấy. 

Công việc này đối với tôi quả nhẹ nhàng và thú vị. Tóc chị Mai trông khô, xốp là thế mà khi tôi dội lên một gáo nước bồ kết nóng là nó rạp xuống, mịn óng, sủi bọt lên... Chị Mai dùng cả hai tay cào xát mạnh vào da đầu, mười đầu ngón tay của chị tung tăng chạy tới, vờn lui y như những cái que, cái càng chở hai con cua đùa chạy, đuổi nhau trên ghềnh đá! 

Tóc chị thoáng cái lại rối tung lên, khô xốp. Ấy thế rồi, tôi lại múc, dội, múc, dội... Mùi lá dứa hòa trong nước bồ kết bốc thơm ngào ngạt... Tôi nhắm mắt hít mạnh mấy cái, mũi hếch lên để thưởng thức mùi thơm, tưởng tượng tới những chiếc bánh lá dứa ngon lành mà tôi thường được… ngửi. 

(Tôi tệ thế đấy: một mùi thơm, một câu nói hoặc bất cứ một cái gì thoang thoảng, dính dấp đến thức ăn, dù gần, dù xa đều có sức hấp dẫn phi thường, làm tôi thèm rỏ dãi ra. Chẳng hạn nghe ai nhắc đến: màu y như màu "đường mỡ gà", "ngọt như mật", thơm như "xôi nếp mới" hoặc nghe những câu hát ví, như: 

- Mẹ già như chuối ba hương... 

- Thương chồng, nấu cháo chim câu... 

Chỉ nghe thế thôi, cũng đủ gợi cho tôi những món ăn ngon lành đó, cũng đủ sức kích thích dạ dày tôi mãnh liệt. 

Tôi cứ xuýt xoa một mình khi nhớ lại bài học thuộc lòng chuyện Lưu Bình, Dương Lễ. Nhớ nhất là mấy câu này: "Dọn lưng cơm với một quả cà, ăn chẳng được anh liền phẫn chí. Cửa nhà sa sút, biết lấy gì đèn sách học hành? Nàng phải đi nuôi bạn thay anh, công đức ấy xem bằng non Thái". Có ai sướng hơn Lưu Bình không? Cửa nhà sa sút thì đã có vợ bạn nuôi ăn học thế mà còn kêu khổ! Lại là một thằng kén ăn quá sức! Tôi ấy à? Tôi mà được có người cho lưng cơm với một quả cà coi, tôi phủi chân ngồi chén sạch sành sanh ấy chứ. Lại còn vờ vịt kêu là phẫn chí. 

Thậm chí nghe người mù hát rong ngoài chợ, lên cái giọng khê nồng: 

- Con người ta ăn những món gì? Ăn toàn mày bắp, xác mì trộn vô. Nào bẹ dăm cá liệt kho khô, rưới ba hột muối như đồ chó ăn. Anh em mình chép miệng than rằng: ba mươi đời dì ghẻ sao bằng mẹ ta... 

Một bài hát rong kể tội một bà mẹ ghẻ ác nghiệt, cho con chồng ăn mấy thứ đó mà cũng làm tôi thèm thực sự. Vì bắp là thứ tôi ưa và tiếng "mày" ông ta ngâm nga chệch qua thành tiếng "mè" nên tôi càng thích. Trời ơi! Tôi ao ước có một bà mẹ ghẻ như vậy biết chừng nào! Được ăn mè, bắp, xác mì lại còn cá liệt kho khô như vậy là đại phước rồi còn kêu ca chi, kia chứ?) 

- Ranh con! Đui rồi sao? Xối tràn vô mắt người ta vậy hở? 

Tôi giật mình đánh thót một cái, mở choàng hai mắt. Bậy thì thôi: mùi lá dứa đã đưa tôi rong chơi bằng tưởng tượng quá nhiều! 

Chị Mai lại cao giọng hơn: 

- Tiểu quỷ! Mười lần dội nước gội đầu là hết chín lần dội vô mắt người ta! Đưa cái khăn đây coi, lẹ lên! 

Tôi "dạ" một tiếng, phóng ba bước lại dây thép phơi áo rút cái khăn đem trao cho chị. Từ phút đó tôi tỉnh hẳn, không còn lơ mơ tưởng tượng đến bánh dứa nữa, dù mùi thơm vẫn phảng phất bên mũi không thôi. 

Lau xong đầu tóc, chị Mai đứng lên, chải. 

Tôi lặng lẽ ngắm: tóc chị dài gần chấm gót, khi suôn sẻ rồi lại càng đen nhánh, óng ả thêm dưới nắng sớm. Tôi ao ước được sờ vào mái tóc đó, (tóc mẹ tôi cũng dài và óng ả như thế) nhưng không dám. 

Ðột nhiên, chị lên tiếng hỏi tôi: 

- Tóc tao đẹp không mày, Sinh? 

- Dạ đẹp! Tóc chị giống tóc mẹ em ghê! Em nhớ... 

Tôi sung sướng vì được hỏi câu đó, trả lời giọng ngọt như vừa uống nước dừa! Chị Mai nói, giọng chị vừa kiêu hãnh vừa trìu mến: 

- Ừ! Cô cháu ruột làm sao không giống? Mà... tóc mẹ mày còn đẹp hơn tóc tao nữa kìa. Mỗi lần gội xong... 

Nghe chị nói tôi bỗng thấy như màu nắng tươi hơn, trong vắt. Giọng chị ấm áp lạ lùng, tôi yêu chị quá đi thôi. 

- Úi chà! Nhưng mà tóc dài cũng cực lắm, mày ơi! Mỗi lần tắm gội, chải gỡ phát mệt, bực mình lắm, sung sướng gì? 

Giọng chị lần này nhẹ và êm như một lời ru. Tôi nghĩ thầm: tưởng gì chớ muốn khỏe thì khó khăn gì? Và tôi nói phăng ra điều tôi nghĩ: 

- Chị sợ cực, sợ mệt thì cạo trụi đi, như em này! (tôi vừa nói vừa chỉ tay lên đầu tôi, dạo đó tôi được lệnh cạo trụi cho mát mẻ) Có gì đâu mà lo? Chị… 

Nhưng tôi bỗng ngỡ ngàng, ríu lưỡi lại, biết mình lỡ lời khi thấy thái độ chị: chị đặt cái lược trên thành giếng kêu lên một cái "cạch", quay phắt lại phía tôi, mặt chị bừng đỏ, mắt long sòng sọc, quát: 

- Sinh! Mày nói cái gì vậy? Ai bày mày nói vậy? Trời ơi! Trời ơi!... 

Và chị làm như đứa trẻ cần che chở trước một kẻ lạ, mặt mày hung ác: chị hướng về phía mợ tôi trong nhà, kêu thất thanh: 

- Má! Má ra coi thằng Sinh nè! (giọng chị lạc đi như hụt hơi). 

Mợ tôi khăn áo chỉnh tề rồi – bà sắp lên chùa mà! – song nghe con gái kêu bà vội lột cái khăn trùm trên đầu, sấn sổ đi ra trước hiên, hỏi lớn: 

- Cái gì vậy? Hả? Cái gì? 

- Nó nói, nó biểu con cạo đầu đi cho khỏe, cạo trụi như nó vậy. 

Chị Mai nói như rên. Tôi thì run tựa như một cái giẻ phơi trước gió: biết rằng cái miệng mình đã hại cái thân mình, song quá muộn. 

- Ai xui mày vậy? Vô đây, vô đây, biểu! Tiểu yêu! 

Nằm sấp trên cánh phản trước hiên, tôi hứng chịu những ngọn roi tưới lên mông, lưng, cổ, tay, đùi. Tôi nghiến răng chịu đau và tự hứa từ nay phải câm như hến để giữ mình. 

Nắng sớm bỗng thôi rực rỡ, sầm tối lại, cảnh vật nhòe đi qua màn nước mắt và tai tôi vang dội những tiếng khác lạ: phạm thượng, coi ông bà tổ tiên như rác, coi trời bằng vung, ngạo mạn, khinh người và hàng tràng, hàng tràng lời nhiếc mắng ray rứt quen thuộc khác.

*

Hai chị em bước lên bậc thềm vừa lúc các bạn tôi đang trả bài học thuộc lòng. Giọng thằng Tị vang tận dãy hành lang rộng, vắng: 

-Bầu trời cảnh bụt. 

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay, 

Kìa non non, nước nước, mây mây... 

Tôi thoáng một chút tiếc rẻ trong lòng, vì tôi đinh ninh sáng nay thế nào tôi cũng được bảy điểm về bài đó (Cả lớp chúng tôi rất ưa giờ Việt văn, mà giờ đó rất hiếm trong chương trình nhà trường. Ngay khi mới vào lớp năm chúng tôi đã phải và đã biết đề ngày tháng theo lối: le lundi, le mardi, octobre, novembre, v.v… Và lên lớp tư thì mỗi lần thầy kêu lên bảng đen mà đứa nào vừa đi vừa nói được: "Je vais au tableau" mới là học trò ngoan, có nhiều hy vọng được ông Công Sứ mắt xanh, mũi nhọn vò đầu! Chúng tôi không bao giờ nói: "học thuộc lòng" "chính tả", "luận văn" mà toàn là nói: récitation, dictée, rédaction, dù là chúng tôi không phải học sinh trường Pháp). 

Giá tôi được vào lớp, học nốt buổi sáng nay? Buổi học cuối cùng? Tôi ao ước... ao ước một cách vô vọng, lòng xót xa thấm thía. 

Nhác thấy tôi, thầy tôi gằn giọng hỏi ngay: 

- À! Trò Sinh! Trò phải trả lời cho cả lớp, cả lớp chứ không phải chỉ riêng tôi, nghe rõ chưa? Câu hỏi này: trò làm gì đến tận giờ này trò mới... 

Nhưng thầy tôi ngưng bặt khi nhận ra sau lưng tôi có một người lớn kèm theo. Hẳn thầy tôi đoán ngay đó là chuyện bất thường. Cả lớp vụt đứng lên đều tăm tắp. Tôi đến gần cái bục gỗ kê bàn giấy của thầy, lột mũ cầm tay, ấp a, ấp úng: 

- Thưa thầy, con... 

Rồi thôi, tôi không còn nói được tiếng nào nữa y như có gì chẹn ngang cổ họng. Chị Mai tiến lên, dõng dạc: 

- Thưa thầy, tôi đến xin cho "em" Sinh nghỉ học.

Tôi đang buồn tê, đau điếng mà vẫn để ý đến tiếng "em" êm ái của chị Mai. Tiếc thay! Tiếng em quí báu và hiếm hoi đó được dùng trong trường hợp tôi không vui vẻ chút nào! 

- Nghỉ mấy bữa? 

- Dạ, nghỉ luôn! 

- Nghỉ luôn? 

Cả lớp nhộn lên, lao xao, nhấp nhỏm sau tiếng "luôn" của chị Mai. Thầy tôi hỏi lại, giọng sửng sốt: 

- Nghỉ luôn? Nghĩa là thôi học? 

- Dạ phải, thôi học... 

- Sao lại thôi học? Có chuyện gì? 

- Dạ, thưa, cha tôi bịnh nặng. 

- À, (thầy tôi thở dài đánh sượt một cái, ngập ngừng) nhưng mà nó nhỏ quá, nghỉ ở nhà thì giúp được gì? Lại lêu lổng thôi. Tốt hơn, nên... 

Tôi hồi hộp, nín thở, liếc trộm chị Mai một cái, dò chừng phản ứng của chị và nghĩ thầm: biết đâu chừng chị lại không nghe lời thầy? Đổi ý? Song giọng chị lạnh ngắt như đá tắm sương đêm: 

- Dạ, nó phải về nhà, chừng nào cha tôi mạnh sẽ vô học lại, không sao. 

- Chà! Xa xôi quá! 

Thầy tôi nói một câu vô thưởng vô phạt như vậy bằng giọng bùi ngùi. 

- Dạ, cảm ơn thầy đã dạy dỗ em Sinh. 

Giọng chị Mai lễ phép một cách giả tạo. 

- Có gì đâu mà cô phải cám ơn? Ðó là bổn phận của tôi, mà. 

Chị Mai quay sang tôi, giục: 

- Sinh! Cám ơn thầy rồi chào các bạn đi chớ, em! 

Lại "em"! Giọng chị cố ra vẻ ôn tồn, âu yếm. Tôi cặp cái mũ bên hông, vòng tay lại, cúi đầu, lí nhí:

- Thưa thầy... 

Một lần nữa tôi lại nghẹn cứng họng, đứng trơ ra đó. Cả lớp im phăng phắc, một cơn gió nhẹ tạt vào cửa sổ, lật những trang sổ điểm trên bàn thầy nghe lách xách, lách xách... 

Tôi như người nằm mơ bị đánh thức bất ngờ chưa tỉnh hẳn. Bỗng một bàn tay đặt lên đầu tôi và giọng thầy tôi hiền hòa vang lên: 

- Nó học được lắm. Mà lại có buộc, uổng quá! 

Luôn luôn như những lần trước: hễ sắp khóc là tôi gượng lại, cúi gầm mặt xuống không dám nhìn lên, cố nén nhưng nước mắt mọng tràn mi, tràn ứ, trào ra, bò dài xuống mặt... Song tôi không dám lấy tay áo gạt đi, cũng không dám nhìn các bạn. Rồi thình lình, như bị một sức sai khiến ngoài ý muốn: tôi quay lưng đi thẳng. Mặc thầy, mặc bạn và mặc cả chị Mai. Chị Mai kêu giật ngược phía sau: 

- Sinh, Sinh! Sao không chào... 

Giọng chị biểu lộ tất cả giận dữ cố dồn nén từ nảy, không cần che giấu nữa. Tai tôi ù lại mà tôi còn nghe được tiếng thầy tôi: 

- Thôi mặc nó, để nó đi, cô!

*

Chị Mai không thèm nhìn tôi, song chị biết là tôi đang khóc phía trước. Chị rất căm. Tôi đi mau quá, chị theo không kịp. Chị hét dựng lên: 

- Tiểu quỉ! Đi đâu như ăn cướp vậy? Mày điên hả? Hồi nãy thì đi như rùa bò, bây giờ thì... 

Tôi không đứng hẳn mà chậm chân chờ chị. Vượt lên bằng tôi, chị nhìn đăm đăm vào mặt tôi, gằn giọng hỏi: 

- Mày định làm nhục tao, phải không? 

Tôi đâm bướng: 

- Em làm nhục chị cái gì? Em khóc mà chị cũng cấm nữa hay sao? 

- Hừ mày khóc! (chị nghiến răng) mày khóc trước mặt thiên hạ như vậy mà còn kêu là không làm nhục hả? Mày nghẹn họng sao mà tao biểu mày thưa thầy, chào bạn mày, mày cũng không làm? Được rồi, để về nhà rồi mày già họng với bà già nghe không? Đồ khốn nạn! Đồ ong tay áo! Phải mà! Tao biết quá mà! Cái giòng... 

Tôi tụt lại sau chị, mong cho gió bay lời chị, đừng vọng tới tai tôi. Vậy mà chúng vẫn chui vô mồn một. Tôi lặng lẽ đi, mắt ráo hoảnh, bụng tức tối, thầm thách đố: "Tao cóc sợ! Tao cóc sợ! Dọa tao chi? Tao cóc sợ!". 

Lên đến cầu, tôi nhìn trước nhìn sau toan nhảy đại xuống sông, nhưng nhìn giòng nước cuồn cuộn chảy xiết dưới chân cầu tôi đâm hãi, lại thôi. Tôi tự nhủ: cái gì khó, chứ còn muốn chết thì... không vội gì. Tôi chết ư? Dễ quá! Song ít nhất phải làm cho "họ" sợ vì cái chết của tôi, tôi mới hả.
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét