Chương 5
Hai em Gương Lành mất tích được hai tuần lễ, mọi người trong nhà không còn hy vọng biết được tin tức, thì một buổi sáng, người nhà bưu điện đưa đến một lá thơ. Nhìn ra chữ của em Lành, cậu Liêm la lớn:
- Thơ em Lành đây, bác ơi, ba má ơi!
Mọi người chạy tuôn đến, châu đầu vào nghe cậu Liêm đọc:
THƠ THỨ NHẤT
Hai con là Gương Lành kính gởi Ba, Ông bà và anh Hai được hay:
Thưa không biết người ta bắt hai con đem đi đâu đây. Chiều hôm đó, hai con trong lớp học đi ra đứng đợi anh Liêm trước cổng trường. Một lúc, không thấy anh Hai tới, hai con dẫn nhau đi thủng thẳng về nhà. Đi được một khúc, hai con thấy một chiếc xe sơn màu đen, đàng xa đến đậu lại cạnh hai con rồi có một cô gái độ 18, 19 tuổi mở cửa xe bước xuống, vui vẻ bảo hai con là ở nhà sửa soạn đi chơi, nên nhờ cô đến đón về cho kịp đi. Hai con thấy cô gái lạ hoắc, chưa hề đến nhà mình khi nào, nên không tin. Chị Gương bảo cô ta:
- Tai sao anh Liêm không đến đón hai em? Cô ở đâu mà anh Liêm nhờ cô đi đón?
Cô ấy cười lớn tiếng và bảo:
- Chị và anh Liêm quen biết nhau đã lâu, nhưng chị đi xa mới về ghé lại thăm anh Liêm. Anh Liêm nhờ chị sẵn xe đến đón hai em về để đi chơi phố một thể.
Vừa nói cô vừa nắm tay dắt hai con lên xe. Hai con thấy cô nói có lý, nên bằng lòng lên. Trong xe có bác tài xế, và có một bà lớn tuổi ngồi ghế phía sau mà cô gái bảo là má cô. Cô mở cửa cho chị Gương lên ngồi với bà, còn con ngồi cạnh cô ta. Xe chạy ngược lên phía nhà thờ Đức Bà, nhưng không thấy quẹo vô đường Catinat, con hỏi bác tài xế:
- Sao bác không vào đường này, nhà hai em ở đường Bona mà!
Nhưng bác làm bộ không nghe, cứ cho xe chạy thẳng và chạy mau hơn. Chị Gương và con thấy vậy thì la lên và đòi xuống, tức thì bà kia ôm chặt lấy chị Gương, đè chị nằm xuống và lấy khăn nhét vào miệng chị cho khỏi kêu. Phần con cũng bị cô gái kia ôm chặt lấy, một tay bóp cổ không cho kêu, rồi lấy khăn nhét vào miệng. Con vùng vẫy, hai tay xô cô ta ra, nhưng cô ta mạnh quá. Một tay cô nắm chặt lấy hai tay con, một tay cô vả vào mặt con hai, ba cái tóe lửa. Máu miệng con chảy ra, con đau quá đành phải ngồi yên. Chị Gương cũng bị bà kia đánh mấy cái. Xe chạy quanh quất vào các đường rất vắng vẻ. Mãi gần tối, xe đậu lại trước một căn phố, có hai người đàn ông trong nhà chạy ra bồng hai con vào, nhốt trong một cái buồng có đèn sáng lờ mờ và khóa cửa lại. Hai chị em con ôm nhau khóc. Chúng con biết rằng chúng con đã bị họ bắt cóc, và rồi không biết sẽ đem đi đâu. Chúng con vừa khóc la, vừa kêu anh Hai đến cứu, chắc anh Hai không thể nào nghe tiếng hai con được. Cửa buồng mở ra, cô gái hồi nãy đi vào tay cầm cây roi to tướng, cô ta nắm lấy con và đánh túi bụi. Con đau quá, khóc thét lên và chị Gương bưng mặt khóc to hơn.
Cô gái quát chị Gương:
- Con kia, mày thôi khóc đi, không thì tao đánh em mày chết!
Chị Gương nghe nói vậy, chị thôi khóc ngay. Và cô gái kia đi ra đóng cửa lại. Chị Gương ôm lấy con, chị rờ tay lên lưng con đầy lằn roi rướm máu và chị lại khóc sụt sùi. Con bảo chị:
- Chị đừng khóc nữa kẻo họ đánh em đau quá!
Một lúc sau, họ đem cơm nước vào cho hai con, nhưng hai con không thiết ăn uống gì cả. Suốt đêm, hai con ngồi dựa vào nhau khóc nho nhỏ. Chị Gương phàn nàn vì vội tin quá ; phải chi hỏi họ coi có biết nhà mình ở đâu không đã rồi mới lên xe. Con lại nghĩ là có khi họ không biết chi cả, nhưng vì chị Gương hỏi sao anh Liêm không tới đón, họ mới biết tên anh và xưng là quen với anh. Bây giờ lỡ rồi biết làm sao? Hai con nhớ nhà quá, trông anh Hai đến cứu, mà biết hai con bị bắt đi đâu mà tìm?
Sáng ngày hôm sau, họ đem hai bộ quần áo khác bắt chúng con thay. Chị Gương giấu kín sợi dây chuyền vàng anh Hai cho khi trước. Còn con vẫn còn mang cái “lắc” anh Hai vào phía trong cùi tay vì chẳng ai thấy được mà lấy. Đến tối, hai người đàn ông dẫn hai con ra xe, bắt nằm phía sau, họ lấy mền phủ kín lại và bảo:
- Tụi bây nằm yên, kêu la thì chúng tao đập chết rồi vất xác xuống sông.
Hai con sợ nằm im thin thít. Xe chạy mãi, chẳng biết đi đâu. Hai con nằm như thế, rồi mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi con tỉnh dậy thì trời đã sáng, và con thấy hai bên đường xe chạy, cây cối um tùm, chớ không có nhà ở. Xe đậu lại giữa rừng, họ cho hai con ăn uống, nghỉ ngơi một lúc rồi lại bắt lên đi nữa. Lần này họ cho chúng con ngồi, có một người đàn ông ngồi cạnh con. Thỉnh thoảng ông ta nói chuyện với người lái xe, nhưng họ nói tiếng gì lạ hoắc, con không hiểu gì cả! Đến gần trưa, xe chạy đến một thành phố, như thành phố Đà Nẵng mà không có biển. Họ đem hai con vào trong một căn phố. Họ nói gì với nhau, rồi một bà già dẫn hai con vào nhà trong, cho ở một cái phòng nhỏ, chỉ vừa đặt một cái giường. Bà già này nói được tiếng Việt Nam mà trọ trẹ khó hiểu. Chị Gương bị mệt nằm mê man, con rờ trán chị thấy nóng hung lắm, mà con chẳng biết làm thế nào. Con đắp mền cho chị, rồi đi tìm bà bà già xin nước nóng cho chị uống. Bà già này đi xin thuốc và đem vào cho chị. Bà hỏi con vài câu và an ủi hai con chịu khó đừng khóc mà họ đánh. Con thấy bà già tử tế, muốn hỏi thăm bà đây là chỗ nào, làm sao mà đưa tin cho ông bà và anh Hai được, nhưng bà ấy bảo là bà nói ra thì bà sẽ bị họ đánh chết. Cả đêm chị Gương rên rỉ, thỉnh thoảng chị lại khóc thét lên, có người chạy vào xem, con phải cho họ biết là chị đau mê man, không thì họ cũng đánh. Sáng hôm sau, bà già đem cháo vào cho chị Gương ăn và cho chị uống thuốc, còn con thì bà dẫn ra ăn chung với cả nhà. Người trong nhà đông, đàn ông, đàn bà, có đến 4, 5 người, còn con nít thì 6, 7 đứa trạc tuổi như con và chị Gương. Họ nói tiếng gì con không hiểu được. Con không thấy đói, chỉ ăn được một bát cơm rồi vào ngồi với chị Gương. Chị hôm nay khá hơn, nhưng chị khóc hoài. Con nói nhỏ với chị là con sẽ kiếm cách xin bà già dẫn đi chơi, may ra gặp ai biết để đưa tin về nhà. Một lúc sau, bà già vào thăm hai con. Bà nói những lời khi sáng : bà an ủi hai con bằng lòng theo số phận ; đừng khóc mà họ đánh thêm khổ. Rồi bà kể cho hai con nghe đã có nhiều đứa bị đánh chết, họ đem xác chôn trong rừng, chẳng ai biết. Chi bằng cứ vui lòng chịu như thế nầy, rồi lớn lên tìm cách mà trốn đi. Bà nói nhỏ nhỏ chỉ hai đứa con nghe câu được câu mất. Bà tỏ ra thương hai con lắm, nên cũng đỡ khổ. Chị Gương khóc, bà lau nước mắt cho chị và an ủi chị. Con xin bà đi xem phố cho vui, bà hứa sẽ xin phép ông chủ rồi dẫn hai con đi, nhưng bà dặn con phải ngoan ngoãn, không được tìm cách trốn đi, và không được nói gì với ai, kẻo bà bị họ đánh. Con hứa với bà sẽ nghe theo lời bà dạy. và hôm sau, lúc chị Gương ngủ, bà dẫn con đi. Đi qua một chỗ có cây mát có chỗ ngồi, con xin bà lại ngồi nghỉ. Rồi con xin bà liệu cách sao cho con có giấy bút để viết thơ về nhà được. Ban đầu bà nói không được, nhưng con nài nẵng mãi, thì bà bảo là bà không có tiền mua giấy, mua tem. Con lấy cái “lắc” đưa cho bà, nhờ bà bán đi mua giấy và viết chì cho. Bà dẫn con đi vào một cái nhà, bà đưa cái “lắc” ra và nói gì một lúc, thì người chủ nhà đưa cho bà một xấp giấy, một cây bút chì và mấy cắc bạc nữa. Bà dẫn con về nhà. Bà cất giấy và viết chì vào trong áo bà và dặn con không được nói ra, nếu nói ra thì hai con cũng chết mà bà cũng chết.
Tối hôm ấy, bà già lại đem cháo cho chị Gương ăn và bà nói với hai con là bà đã xin được ngày mai dẫn hai con đi chơi suốt buổi sáng cho khuây khỏa. Bà dặn nhỏ là bà sẽ kiếm chỗ cho con ngồi viết thơ về nhà, rồi bà sẽ gởi đi cho. Con cố xin bà cho biết ở đây là xứ nào, mà bà lắc đầu không chịu nói. Cả đêm con nằm nghĩ lại mọi sự trước sau, để viết lá thơ này cho Ba, ông bà và anh Hai rõ. Chị Gương dặn con thêm là chị nhớ Ba, ông bà và anh Hai lắm. Chị khóc tức tưởi, nói không biết khi nào lại thấy được mặt Ba, ông bà và anh Hai!
Sáng hôm sau, ăn cơm sáng xong, bà già đem áo quần cho hai con thay và bà bím tóc cho chị Gương. Bà lấy thứ nước gì đen đen xoa mặt mũi và chân tay hai con cho khác dạng đi. Giá mà Ba, ông bà và anh hai có gặp được hai con bây giờ e không nhận ra. Con nhìn chị Gương giống như cố gái Chiệc, con bắt tức cười. Bà già dẫn hai con đi loanh quanh. Dọc đường bà kể cho hai con nghe bà là người Tàu, sang Sàigòn từ hồi còn nhỏ. Bà có chồng mà chết rồi. Bà có một người con lớn như chị Gương mà cũng chết rồi. Bà không biết làm gì để sống, nên phải lên đây ở thuê. Bà nói bà chủ và người con gái đã bắt cóc hai con, thường ở Sàigòn. Hễ dụ dỗ được đứa nào thì cho người đem lên đây rồi đem về bên Tàu. Bà nói thấy hai đứa con bị bắt thì bà thương, mà không biết làm thế nào. Bà an ủi hai con rán chịu cực, khi lớn thì hãy tìm cách trốn, chớ đừng trốn bây giờ, họ bắt được thì họ đánh chết uổng mạng. Nghe bà nói hai con sẽ bị đem qua Tàu, thì con rùng mình lo sợ, nước Tàu chắc là xa lắm. Bà dẫn hai con vào trong một cái miếu bỏ hoang, rồi bà đưa giấy cho con viết thơ này. Vì con không biết được nơi con đang ở là đâu nên con đề là Thơ thứ nhất. Con mong Ba, ông bà và anh Hai bắt được lá thơ nầy. Cầu trời cho con lại gặp được Ba, ông bà và anh Hai.
Nay kính thơ,
Hai con là Gương, Lành ký
Nghe đọc xong lá thơ dài của em Lành, cả nhà òa lên khóc. Ông Thành Hưng lấy bao thơ xem kỹ, thấy dấu bưu điện Vạn Tượng (Lào) ông liền bảo mọi người:
- Thôi chúng ta dẹp chuyện buồn. Còn nước còn tát. Đây là dấu nhà Bưu Điện Vạn Tượng nước Lào, như thế chắc chắn là hai đứa nhỏ bị bắt cóc còn đang ở trên Vạn Tượng. Ta hãy lo giấy tờ cho Liêm và một người nhà lên đó tìm, đồng thời xin sở cảnh sát ở đây gởi hình hai đứa lên cho sở Mật thám ở trên đó xét chỗ người Tàu ở, xem có hai đứa nhỏ nào hình dạng như thế không!
Hai tuần lễ sau, cậu Liêm và một người nhà xin được giấy phép lên Vạn Tượng. Đến nơi, vào gặp ông Chánh sở Mật thám, thì họ cho biết là đã dò tìm hết sức trong vùng người Tàu ở, mà không thấy có đứa bé nào như trong hình gởi lên cả. Cậu Liêm buồn rầu, ở lại Vạn Tượng hai tuần lễ để tìm kiếm may ra biết được tung tích gì không. Mới được 10 ngày, ở nhà lại đánh điện lên gọi về gấp. Cậu vội vã về nhà, thì ra ở nhà lại được lá thơ của hai em Gương Lành. Lá thơ này thì em đề địa chỉ ở Vinh.
THƠ THỨ HAI
Vinh.
Thưa Ba, Ông bà và anh Hai:
Hôm con gởi cái thơ thứ nhất được một tuần, thì một buổi sáng, con đang quét nhà, chị Gương đang hái rau với bà già thì thấy mấy người lớn chạy ra chạy vô, nói xầm xì với nhau. Rồi họ dẫn hai con lên trên lầu nhốt vào trong phòng tắm và họ bảo phải ngồi yên, không được cựa quậy và không được nói gì với nhau. Không vâng lời thì họ sẽ giết chết. Hai đứa con lo lắng không biết vì sao. Mãi đến trưa, bà già đưa cơm lên cho hai con ăn cho hay là hồi sáng có mật thám đi xét, và bà bảo tối nay họ sẽ đưa hai con ra Bắc, rồi đem sang Tàu. Bà đưa cho con khúc viết chì và mấy tờ giấy cùng hai cắc bạc. Bà vuốt ve và an ủi hai con, cùng nhắc lại lời bà dặn hôm trước : hai cháu rán chịu cực ít năm, lớn lên rồi tìm cách trốn, chớ đừng trốn bây giờ không lọt tay họ đâu, mà rồi họ giết chết uổng mạng. Chiều hôm đó còn có người đến cắt tóc chúng con. Tóc chị Gương họ cắt ngắn đi, còn con thì họ cạo trọc lóc. Tối đến cơm nước xong, hai người đàn ông vào trói tay chân và bịt miệng chúng con lại, bỏ mỗi đứa vào cái bao vải, rồi đem ra xe. Xe chạy mau, đường thì gập ghềnh, hai con bị trói như con heo, cực khổ quá chừng. Ban đầu con còn nghe chị Gương khóc thút thít, một chặp xe dằn quá, con không nghe chị khóc nữa, con tưởng chị chết, con lo quá. Xe cứ chạy cho đến gần sáng mới dừng lại, họ cởi trói và cho chúng con nghỉ một lúc. Chị Gương mệt quá, đứng không vững nữa, con phải đỡ chị. Sáng sớm, xe lại chạy mãi, chỉ dừng lại ăn cơm tối thôi. Đến tối họ đem chúng con vào trong một căn nhà và giam chúng con trên gác. Chúng con nằm xuống sàn gác, ngủ mê mệt. Đến sáng ngày có một cô gái đem cơm lên cho chúng con ăn. Thấy cô có vẻ hiền từ và chăm chú nhìn chúng con, con đánh bạo hỏi cô:
- Thưa cô, có phải cô là người Việt Nam không?
Cô ta nhìn xuống dưới rồi đáp nhỏ:
- Phải! Mà họ cấm chị không được nói gì với mấy em. Họ biết được thì họ đánh chết. Nghe nói tối nay, họ sẽ đem hai em qua Tàu.
Con nài nỉ:
- Em nhờ cô bỏ giùm cho em cái thơ được không?
Cô ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Em cứ viết đi, rồi chiều chị đem cơm lên chị sẽ lấy đi gởi cho, mà phải kín đáo, họ biết được thì chết cả lũ!
Con viết thơ thứ hai này tin cho Ba, ông bà và anh Hai được rõ. Có lẽ từ đây chúng con không còn gởi được lá thơ nào nữa, nhưng chúng con hy vọng mấy năm nữa, chúng con lớn lên sẽ tìm cách trốn thoát. Cầu trời cho chúng con được gặp lại Ba, ông bà và anh Hai.
Hai con là Gương Lành ký
Cậu Liêm đọc xong bức thơ, gục đầu xuống bàn khóc : thế là hết hy vọng tìm được hai em! Nước Tàu rộng bao la, hai em nhỏ dại bị bắt về đó, chẳng khác gì đôi chim sẻ giữa rừng xanh, biết lối nào mà ra, biết đâu mà tìm… Nghĩ lại những chuyện cũ từ ngày gặp các em cho đến ngày các em bị mất tích : ngày vui ít, ngày buồn nhiều, mà còn kéo dài không biết cho đến khi nào, cậu Liêm sụt sùi khóc thương số kiếp long đong của hai em.
Chương 6 (hết)
Ba năm nặng nề trôi qua… lòng thương nhớ hai đứa con vẫn không phai mờ trong lòng ông Chánh. Nét mặt ông lúc nào cũng ủ dột, nước mắt chảy dài trên má. Ông không ăn ngủ được, người chỉ còn da bọc xương. Nhiều lúc ông như người mất hồn, thỉnh thoảng ông lại ôm bức ảnh hai đứa con mà khóc thê thảm. Đã ba năm rồi, ông chờ đợi ngày về của Gương Lành, song vẫn biệt tăm vô tín. Nghĩ đến hai đứa con yêu quí nhất đời, đang phải sống cuộc đời cay cực ở nơi phương trời xa thẳm, ông đau đớn như điên dại. Phải chi ông biết hai con không còn nữa, ông chẳng còn muốn sống làm gì. Ông bà Thành Hưng hết sức an ủi khuyên lơn ông và tìm mọi cách cho ông khuây khỏa, nhưng vẫn vô hiệu. Nhất là cậu Liêm, từ ngày hai em mất tích, cậu cũng bỏ học, suốt ngày săn sóc ông Chánh, chẳng khác gì như con đối với cha già vậy. Tuy thế, lòng ông Chánh vẫn không sao nguôi được lòng thương nhớ hai con…
Ba năm rồi, hình ảnh hai đứa con yêu quí luôn luôn như hiện hình trước mắt ông. Trí tưởng tượng ông theo bức thơ em Lành gởi về, diễn lại trong trí ông những cảnh phũ phàng em Lành bị đánh đập, em Gương bị đày đọa cực khổ. Bưng bát cơm lên miệng, nhớ đến con, ông lại vội đặt xuống thành mâm, ôm mặt khóc. Ai nghe thấy tình cảnh ông cũng ứa nước mắt. Mỗi ngày ông Chánh một yếu dần, ông thoi thóp trên giường, không chịu ăn uống gì nữa. Cậu Liêm phải tìm thầy cắt thuốc bổ, ép ông uống, mong giữ được mạng sống ông. Giữa lúc trong nhà bối rối, không còn tìm được phương thế gì để an ủi ông Chánh cho khuây khỏa nỗi buồn thảm, thì một bức điện tín của ông Thành Lợi từ Thượng Hải gởi về:
Ông Thành Hưng, đường Bona – Saigon
Đã gặp được hai em Gương Lành. Sẽ có thư sau,
Thành Lợi
Đọc xong bức điện tín, cả nhà vui mừng khôn xiết. Ông Chánh đang liệt nặng, nghe tin đã tìm thấy hai đứa con thân yêu, ông nhảy xuống giường đi lại như người khỏe mạnh. Ông đòi ăn uống và cười nói huyên thuyên. Đã ba năm rồi, nhà ông Thành Hưng vắng tiếng nói cười, nay lại vang lên rộn rã. Hàng phố nghe tin cũng chạy đến chia vui và hỏi thăm, nhưng tin tức vỏn vẹn chỉ có thế. Ai nấy nóng lòng đợi lá thơ của ông Thành Lợi để biết thêm chi tiết. Một tuần sau lá thơ quý hóa này mới đến nơi.
Thượng Hải, ngày 15 tháng 4 năm 1942
Kính thăm bác Chánh, Ông bà và cậu Hai.
Thật là một việc tình cờ mà cũng may mắn hết sức. Số là tôi và hai người bạn đi Hồng Kông mua hàng xong, đang chờ chuyến tàu để về, thì chúng tôi gặp ông Giám đốc xưởng dệt tơ lụa ở Thượng Hải ; ông ta mời chúng tôi đi Thượng Hải thăm xưởng dệt của ông. Vì đến cuối tháng mới có tàu về Việt Nam, nên chúng tôi nhận lời mời. Thời cuộc nước Tàu lúc nầy còn đang lộn xộn, nhưng ở Thượng Hải vẫn yên tĩnh. Thủ tục giấy tờ xin vào Thượng Hải không đến nỗi khó khăn. Chúng tôi đến Thượng Hải được hai ngày. Công việc xong xuôi, chúng tôi đi xem phố phường để hôm sau trở về Hồng Kông. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện với nhau, thì một cậu bé phía sau chạy vượt lên nhìn chằm chặp vào mặt tôi một lúc, rồi hỏi tôi bằng tiếng Việt Nam:
- Thưa bác, có phải bác là ông Thành Lợi ở Sàigòn không?
Tôi ngạc nhiên như trên trời rơi xuống đất! Làm sao mà một cậu bé người Tàu lại nói sõi tiếng Việt Nam như thế, mà lại biết tên tôi nữa chứ? Tôi chưa kịp trả lời, thì cậu lại tiếp:
- Bác không nhận ra cháu à? Cháu là Lành con ông Chánh ở nhà ông bà Thành Hưng. Chị em cháu bị bắt cóc sang đây đã ba năm nay. Chúng cháu vừa mới trốn được về đây!
Tôi nhìn kỹ, thì trời ơi! Cháu Lành thật! Tôi sung sướng ôm lấy cháu reo to lên, nhưng cháu vội ra dấu cho tôi làm thinh và dẫn tôi đi. Tôi đi theo cháu vào một cái miếu bỏ hoang, thì ra cháu Gương đang ẩn trong đó. Hai chị em gặp chúng tôi vui mừng quá sức. Cháu Lành kể vắn tắt cho chúng tôi nghe là hai chị em nhân được phép đi xem hát bội rồi trốn luôn. Đến đây đang bơ vơ, may gặp chúng tôi. Chúng tôi đem hai chị em về nhà trọ cho ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi một lúc rồi nhờ người đi trình ông Đốc lý thành phố. Ở đây họ đã ghi tỉ mỉ những lời khai của hai chị em. Họ hứa sẽ tìm ra manh mối bọn bất lương này và sẽ gởi tài liệu về cho nhà cầm quyền mình biết, để thộp cổ trọn ổ tụi lưu manh đang tác hại ở Sàigòn. Họ cũng cấp giấy cho hai em được trở về Việt Nam. Tôi vội vàng đi gởi điện tín cho bác, ông bà và cậu Hai hay, rồi trở lại nhà trọ viết lá thơ này để bên nhà rõ chuyện hơn một tí. Còn nhiều điều, để khi hai cháu về sẽ kể lại sau. Tôi cũng quên chưa nói là hai cháu bây giờ lớn hơn trước nhiều. Cháu Gương hơi gầy và xanh, còn cháu Lành khỏe mạnh hơn. Hai cháu đi trốn tránh mất ba ngày, vừa đói vừa mệt nên có vẻ đuối sức. Chúng tôi sẽ ở lại đây thêm vài ba hôm nữa, để các cháu nghỉ cho lại sức và mua sắm cho hai cháu vài thứ cần dùng. Cuối tháng nầy, chúng tôi sẽ trở về Sàigòn. Bác, ông bà và cậu Hai yên tâm, tôi sẽ lo liệu mọi sự cho hai cháu về đến nơi bằng an. Có viết thơ cho tôi xin đề địa chỉ ở Hồng Kông. Tôi đang viết thơ này thì cháu Lành xin viết thêm mấy chữ.
Vắn tắt mấy hàng làm tin. Xin thành thực chia vui với bác, ông bà và cậu Hai. Hẹn ngày tái ngộ vui vẻ!
Kính thư
Thành Lợi
Hai con xin viết thêm vài hàng kính thăm Ba, ông bà và anh Hai. Trong lòng hai con vui mừng hết sức, không biết nói gì hơn nữa. Hai con chỉ trông ngày trông đêm cho đến khi gặp Ba, ông bà và anh Hai.
Hai con là Gương, Lành ký.
Đọc xong bức thơ, ai nấy đều vui mừng thỏa mãn. Ba năm trông đợi, lo buồn, tin vui nầy đến, chẳng khác gì đất khô hạn được trận mưa rào. Từ khi được tin đã tìm thấy hai em nhỏ, nhà ông Thành Hưng lúc nào cũng có người đến chia vui. Ông Chánh tuy chưa được khỏe như hồi trước, nhưng nỗi vui mừng tràn ngập trong lòng, khiến nét mặt ông rạng rỡ, hồng hào hẳn lên…
*
Cậu Liêm xuống hãng tàu thủy, biết được giờ tàu Hồng Kông cập bến, liền về báo tin cho cả nhà xuống bến Khánh Hội đón hai em. Chiếc tàu từ từ vào bến. Hai em Gương Lành đứng trên boong tàu với ông Thành Lợi nhìn xuống. Khi các em thấy Ba, ông bà Thành Hưng và cậu Liêm cùng cả gia đình ông Thành lợi đang đứng trên bến, các em reo cười, vui mừng chỉ trỏ. Chiếc thang tàu vừa thả đến đất, cả hai chạy nhào xuống ôm choàng lấy cha, miệng gọi: “Ba ơi! Ba ơi!”. Cha con ôm lấy nhau, vui sướng nghẹn ngào không nói nên lời. Ông bà Thành Hưng và mọi người cũng đều chạy đến ôm hôn các em, vui mừng khôn xiết. Các người ra đón thân nhân đi chuyến tàu này, thấy chuyện lạ, hỏi thăm, khi hay tự sự, ai nấy đều đến bắt tay chia vui cùng ông Chánh.
Tối hôm ấy, nhà ông Thành Hưng thết đãi tiệc để mừng hai em, sau ba năm lưu lạc, trải bao nhiêu gian lao khổ cực, nay được trở về lại yên vui với gia đình. Cả gia đình ông Thành Lợi đều có mặt và các người hàng phố cũng vui vẻ đến dự tiệc mừng. Trước khi nâng chén rượu chia vui, ông Thành Lợi đứng lên kể sơ qua cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông với các em. Và ông xin thay mặt mọi người chia sẻ nỗi vui sướng có một không hai nầy với ông Chánh, ông bà Thành Hưng và cậu Liêm, nhất là với hai em Gương Lành. Ông kết luận : Đây không phải là một việc tình cờ mà là một việc do ý trời xui khiến, vì một người ngay lành như bác Chánh, một tấm lòng bác ái vị tha như gia đình ông bà Thành Hưng và những người con ngoan ngoãn như hai cháu Gương Lành, không lẽ trời để cho chịu khổ sở tuyệt vọng được!
Ông Chánh đứng dậy nói ít lời cám ơn mọi người và ông xin em Lành kể sơ lại những năm lưu lạc trên đất Tàu cho mọi người nghe. Em Lành đứng lên cúi đầu chào mọi người, rồi kể:
“Lúc họ đem chúng con sang đến đất Tàu, họ bán chúng con cho một nhà khá giả gần Thượng Hải. Nhà nầy chuyên làm đồ thêu bằng tay. Chị Gương được vào học thêu với các người đàn bà làm ở đó, còn con thì phải gánh nước, quét nhà và làm các việc vặt vãnh. Ban đầu con chưa hiểu tiếng họ nói, nên làm sai ý họ luôn, mà họ ác lắm, hễ làm sai, thì họ đánh chí tử. Mỗi lần con bị đánh, chị Gương lại khóc, khiến họ đánh con nhiều hơn. Có lần con bảo chị Gương:
- Thôi chị đừng thương em nữa, kẻo mỗi lần em bị đánh, chị thương khóc, họ lại đánh em nhiều hơn.
Chị mếu máo nói:
- Ở đây chỉ có hai chị em mình, mà em bảo đừng thương em sao được!
Dần dần, con học được tiếng Tàu ; công việc làm xuôi chảy, họ cũng bớt hành hạ con hơn. Với lại, con cũng làm quen được nhiều đứa trong xóm nên cũng đỡ khổ… Cho đến một hôm, con đi chơi với một thằng bạn, nó cho con ăn xôi rồi bảo con:
- Ít hôm nữa, mầy sẽ mất chị mầy!
Con ngạc nhiên hỏi tại sao, thì nó trả lời:
- Má tao thấy chị mầy dễ thương nên má tao xin chuộc chị mầy cho làm vợ anh tao. Ông chủ đã bằng lòng, má tao còn đợi ngày lành, tháng tốt, sẽ đem tiền chuộc.
Con nghe nói thế, lo lắng quá sức. Tối hôm ấy, con nói nhỏ cho chị Gương biết, chị cũng lấy làm lo lắm. Chị chưa biết toan liệu thế nào, thì may mắn ở đàng xóm đó làm lễ khánh thành chùa mới xây xong, tổ chức hai đêm hát bội. Chúng con liền xin đi xem. Bà chủ bằng lòng cho đi, nhưng dặn hai chị em phải đi chung kẻo lạc nhau. Chúng con thừa dịp đó trốn luôn. Suốt đêm đó, chúng con vừa chạy vừa đi, không nghỉ. Mệt đuối sức mà vẫn cố đi, sợ người ta theo bắt. Ban ngày, khi có đông người qua lại chúng con vào nấp trong các chùa miếu. Muốn làm khác dạng đi, chúng con đốt giấy lấy than xoa vào mặt mũi tay chân cho đen đi. Hơn một ngày rồi mà chúng con chưa có tí gì vào bụng. Đói quá, đi không được nữa mà không dám xin ăn, sợ họ bắt được. Túng thế, chị Gương lấy dây chuyền vàng anh Hai cho chị khi trước, đem cho con đi bán. Một bà đi đường bằng lòng mua với giá năm đồng bạc. Con vội vàng đi mua bánh. Hai chị em ăn lại sức rồi đi nữa.
Vừa đi vừa trốn tránh, mất ba ngày mới đến thành phố Thượng Hải. Chúng con đang bối rối chưa biết làm thế nào, thì tình cờ con đi mua bánh về, thấy có ba người đi trước con, ăn mặc khác người ở đây, họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Con lắng tai nghe, thì trời ơi, họ nói tiếng Việt Nam! Con mừng quýnh chạy lên trước định hỏi thăm thì may mắn lại nhận ra bác Thành Lợi đây… Thế là chúng con thoát được cảnh tôi đòi, được trở về lại gia đình ấm cúng…
Nói đến đây em Lành nhìn mọi người, rồi nói một tràng tiếng Tàu:
- Xánh phủ chí nhật ỷ cô, dì cá xì thìn dìn nhật hẩu phún hẩy a!
Ông Thành Hưng cười, hỏi:
Cháu nói tiếng gì lạ vậy?
Em Lành mỉm cười:
- Thưa, đó là câu tiếng Tàu, có nghĩa là : “Những ngày khổ cực đã qua rồi, bây giờ là ngày đoàn tụ, thật vui mừng quá!”
Mọi người đều vỗ tay reo cười vang nhà. Cậu Liêm bảo hai em:
- Từ ngày các em bị mất tích, anh cũng bỏ học luôn. Thôi, niên khóa sắp tới, anh em ta lại đi học. Bây giờ chắc chắn không sợ ai bắt cóc các em nữa!
Bà Thành Hưng ôm lấy em Gương, vuốt ve mái tóc em và bảo:
- Để anh Hai và em Lành đi học. Còn con, chẳng học thì đừng, con ở nhà với má, má không muốn rời con bao giờ nữa!
Em Gương dựa đầu vào lòng bà, nỗi vui mừng tràn ngập trong lòng, khiến nét mặt em rạng rỡ, xinh đẹp hẳn lên…
NHẬT LỆ GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét