Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

CHƯƠNG I_LÂU ĐÀI THẦN TIÊN

I

BA BẠN CHÍ THÂN

Người ta gọi em là “em bé ngơ ngác”. Thân hình em gầy ốm, tóc em vàng nâu và luôn luôn bù rối. Đôi mắt trong xanh của em hình như nhìn mọi người với một cường độ mãnh liệt, nhưng kỳ thực em chẳng trông thấy chung quanh vì em xứng danh “em bé ngơ ngác”. Thực khó tìm đứa bé đãng trí hơn. Trong bữa ăn, đôi lúc mơ màng đâu đâu, em quên đưa muỗng vào miệng, nhìn sững bức tường trước mặt hình như có vật gì khác thường. Người ta bỏ tiêu vào chén xúp, em chỉ hay biết khi tiêu đụng vào lưỡi làm em cay bỏng. Em nhăn mặt xuýt xoa, các chị em lại cười rộ lên. Em đỏ mặt tía tai , ngơ ngác nhìn chung quanh như thể từ cung trăng rơi xuống. 

Em tên Bạch Huệ, ít nói ít cười. Ai chọc ghẹo, em chẳng cần để ý. Đôi lúc cha mẹ la mắng oan ức, em ngẩng đầu ra sau, đan những ngón tay vào tóc, tái mặt rồi nín thinh. 

Mặc dầu đãng trí, nhưng không thể nói em là người vô dụng trong gia đình. Em làm lụng siêng năng, sắp xếp quần áo vào tủ, lượm lặt đồ chơi vứt bừa bãi, rồi sắp đặt ngăn nắp trên lò sưởi, may quần áo cho búp bê. Tóm lại, em thích làm những công việc mà em có thể vừa làm vừa mơ mộng. 

Bạch Huệ còn một công việc khác em làm chí thú không hề mệt mỏi : giúp đỡ vú già để săn sóc em nhỏ của Bạch Huệ, thằng bé Út, cục cưng của toàn thể gia đình. Em ngồi hàng giờ bên nôi bé Út, em ru bé Út với bài hát tự em nghĩ ra. Những câu hát êm ái dịu dàng nhưng buồn bã, nào cánh bướm vướng phải tơ nhện, chim non bị trẻ bắt ra khỏi tổ hoặc trẻ con mồ côi lạc loài tìm mẹ, vân vân… Hỏi em sao không hát những câu tươi sáng vui vẻ, Bạch Huệ trả lời không suy nghĩ : 

- Những bài hát buồn thường êm dịu, những bài hát vui lại rộn ràng ầm ỹ làm em phát khóc. 

Bé Út cũng đồng ý với Bạch Huệ, nên lúc nghe câu hát ru em của chị, nó ngủ mau lẹ. 

Sức khoẻ em kém sút, một năm em nằm trên giường bệnh nhiều tháng. Làm việc nhẹ, em cũng chóng mệt và nhiều đêm em trằn trọc không ngủ. Người ta nói Bạch Huệ mắc bệnh đau tim. 

Chị và em Bạch Huệ sức khỏe lại dồi dào. Xuân Lan, chị đầu, da màu nâu, xinh đẹp, nhanh nhẹn. Tiếng nói của em trong trẻo vui vẻ làm linh động cả gia đình. Mọi người đều thương mến Xuân Lan. Em quấn quít bên mẹ em, ham công việc bếp núc. Cô Giạ Hương quản gia xem em như thể người bạn tâm tình. Khắp các phòng ốc trong lâu đài, không nơi nào Xuân Lan chẳng để mắt đến. Em tìm hiểu mọi việc trong gia đình, dù nhỏ nhặt đến đâu. 

Trong ba chị em, Thu Cúc, gái út, được nuông chiều hơn hết. Nét mặt tươi sáng rạng rỡ, hai bím tóc đỏ hung bỏ thõng bên vai, em giống như một thiên thần tí hon. Hai chị em đều sợ ba nghiêm nghị, nhưng riêng Thu Cúc được ba cưng, nên không chút kiêng dè, em hay nhảy lên ngồi nũng nịu trên đầu gối người lớn. 

Xuân Lan, Thu Cúc trau chuốt bề ngoài trái lại Bạch Huệ chẳng hề lưu ý đến việc phục sức. Trầm mặc, dáng điệu em hờ hững chậm rãi. Bà con quan khách đến viếng thăm, ba má gọi các con ra giới thiệu : Xuân Lan, Thu Cúc áo quần bảnh bao tươi cười chào khách, Bạch Huệ tìm cách lẩn tránh. Bị ba má la rầy, bất đắc dĩ em lấp ló đứng nép bên cửa, tóc rối bù, đầu nghẻo bên vai, bẽn lẽn sợ sệt, hai tay ngượng ngịu vân vê tà áo. Ai hỏi điều gì, em lặng thinh, mặt đỏ như gấc. Quan khách ra về, mọi người trong gia đình trách mắng em, từ ba má, bà nội đến cô Giạ Hương, vú già cũng xen vô : 

- Biết bao giờ Bạch Huệ mới khôn ngoan lanh lẹ như các trẻ em khác ! 

Nhưng đôi khi em lại là một nhân vật cần thiết trong gia đình, mọi người đều chìu chuộng cảm mến. Mùa đông giá lạnh, tuyết phủ khắp các nẻo đường, lâu đài cổ kính như đắm mình trong một nệm bông trắng toát. Những đêm dài, ở phòng khách rộng rãi, gia đình tụ họp chung quanh chiếc đèn lớn toả ánh sáng lờ mờ : bà nội, má và cô Giạ Hương may vá áo quần, ba đọc sách báo, Xuân Lan, Bạch Huệ thêu thùa. 

Trên đầu gối ba, má rồi leo lần qua đầu gối bà nội, Thu Cúc thỏ thẻ : 

- Má ơi ! Lạnh quá, Cúc buồn ghê ! 

Lúc đó mọi người đều hướng đến Bạch Huệ : 

- Bạch Huệ, kể một chuyện cổ tích nghe ! 

Bức thảm đương thêu nửa chừng trên tay Bạch Huệ rơi xuống đất và vang lên tứ phía những lời như khuyến khích, như van lơn : 

- Bạch Huệ, Bạch Huệ, một chuyện cổ tích. 

Bị tấn công tới tấp, ban đầu em từ chối không còn biết chuyện gì để kể, nhưng biết bao lời thúc giục nài nỉ lại đến từ khắp nơi. 

Em đành khuất phục, rụt rè, ngập ngừng bắt đầu kể chuyện : 

- Ngày xửa, ngày xưa, một hoàng tử đẹp trai hoặc ngày xửa ngày xưa, một em bé mồ côi nghèo đói, vân vân… 

Câu chuyện càng lúc càng hào hứng hấp dẫn, Bạch Huệ càng trở nên mạnh dạn hùng biện, tiếng nói em làm ấm áp không khí giá lạnh đêm đông. Má em đỏ hồng, mắt em ngời sáng, câu chuyện càng dồn dập nhiều tình tiết éo le kỳ diệu. 

Những công chúa kiều diễm, kỵ sĩ dũng cảm, nữ thần dưới đáy biển, chú lùn giữ kho vàng, những bà tiên hiền từ, những mụ phù thủy độc ác đều tuần tự diễn biến trước thính giả trong một luân-vũ-khúc mê ly rùng rợn. Có lúc nước mắt Bạch Huệ ràn rụa vì chính em tự cảm xúc câu chuyện em vừa kể, Xuân Lan, Thu Cúc hai mắt đỏ ngầu, người lớn cầm lòng chẳng đặng không khỏi rớm lệ còn vú già thỉnh thoảng cầm khăn tay sụt sịt lau mũi. Câu chuyện đến hồi kết thúc, em hạ giọng nói nhỏ dần, đều đều trầm trầm, người nghe càng não lòng xúc động. Phải chăng một bà tiên đã hiện lên nhập vào em để kể chuyện chớ ai ngờ em bé vừa nói là em bé Bạch Huệ, em bé đãng trí, em bé ngơ ngác. 

Ba má rất đỗi ngạc nhiên không hiểu Bạch Huệ học hỏi ở đâu mà biết nhiều chuyện kể hoài không hết. Xuân Lan, Thu Cúc phục em sát đất, còn vú già lắc đầu thì thầm : 

- Sợ em chẳng ở lâu với chúng ta vì người em kỳ lạ quá, không giống các trẻ em khác ! Em đâu sinh ra để sống trên thế gian nầy. 

Trong nhà cũng như ngoài vườn, bạn chí thân của Bạch Huệ là nai vàng được nuôi nấng đã thuần thục. Đối với em, nai là một công chúa đội lốt, vì nai hiểu tiếng người : nai vàng chỉ liếc mắt nhìn Bạch Huệ là nai và em cảm thông câu chuyện sắp nói cùng nhau. 

Một bà lão hành khất đã đem nai vàng đến cho gia đình Bạch Huệ. Ngang qua cánh rừng, nghe tiếng rên rỉ yếu ớt như tiếng trẻ sơ sinh bà dừng chân nhìn vào bụi cây trông thấy một nai con lạnh lẽo đói khát. Chắc hẳn nai mẹ bị thợ săn bắn chết, một mình bé bỏng không đủ sức chạy trốn. Bà lão quấn nai con vào bọc vải mang đến lâu đài đổi chác bánh sữa. 

Lúc ấy Bạch Huệ đau tim nằm trên giường bệnh, em mê man chẳng nghe thấy gì chung quanh. Em vốn thương mến loài vật, nên người ta đem nai con đặt bên mình em, mong lúc hồi tỉnh em vui thích chút nào chăng ! Nghe tiếng nai con rên rỉ, Bạch Huệ bừng tỉnh đưa tay sờ mó nai con bé bỏng, tự nhiên em cảm thấy phục hồi sức khoẻ. 

Lần hồi lành mạnh, Bạch Huệ lại có thêm một công việc : săn sóc nuôi dưỡng nai vàng. Em ôm ấp nai vàng vào lòng, sưởi hơi nóng của em cho nai ấm áp, kiếm sữa cho nai uống. Lòng em sung sướng hồi hộp lúc nai vàng ngẩng đầu nhìn em, đưa mõm nhỏ xíu liếm đôi bàn tay mềm mại trắng trẻo của em. 

Một ngày tạnh nắng, Bạch Huệ và nai vàng ra vườn tắm ánh mặt trời. Đôi bạn chập chững bước đi bước một, hai chân Bạch Huệ gầy gò lỏng khỏng, đôi giò nai vàng run rẩy yếu đuối. Em giang rộng hai cánh tay giữ thăng bằng khỏi té, còn nai vàng ngập ngừng đôi chân, chưa biết đưa chân nào đến trước, chân nào đến sau. Người tưởng mình nâng đỡ vật, nhưng vật hãnh diện mình là điểm tựa cho người. Cảnh tượng khôi hài ngộ nghĩnh, nhưng nhìn thấy chẳng ai nỡ cười vì đó là bước đi tập tễnh của đôi bạn trong thời gian dưỡng bệnh. 

Một tháng sau, Bạch Huệ và nai vàng đã tung tăng chạy nhảy khắp vườn. Bạch Huệ càng tin tưởng một công chúa thần tiên đã hiện lên trong thân hình nai. 

Em ôm cổ nai thủ thỉ : 

- Nói lên với chị một tiếng đi ! Nói gì cũng được. 

Nai vàng đưa tai khít má Bạch Huệ hình như chú tâm lắng nghe lời nói của em, nhưng sau khi đưa lưỡi liếm má Bạch Huệ, nai vàng vụt biến mất sau lâu đài, bỏ mặc em một mình ngơ ngẩn suy tư. Mối duyên kỳ ngộ giữa Bạch Huệ và nai vàng chớm nở từ lúc đôi bạn gặp nhau trên giường bệnh đã ngày thêm bền chặt khắng khít giữa chốn rừng núi đầy chim muông cây cỏ. 

Ngoài bạn quí nai vàng, em còn một bạn thân mến khác. Sự im lặng hoàn toàn của bạn nầy tương phản nai vàng luôn luôn nhảy nhót. Đó là bé Quê, một búp bê quê mùa xấu xí, đầu bằng sành, thân hình độn trấu. Mặt búp bê trắng bệch, điểm hai chấm son hai bên má. Đêm ngủ, em không rời bé Quê, ấp ủ bé Quê trong mền ấm. 

Một ngày kia, mẹ đỡ đầu Bạch Huệ từ xa đến thăm tặng em một vật kỷ niệm : một búp bê xinh đẹp, tóc đen nhánh, nằm xuống đôi mắt nhắm nghiền. Áo quần búp bê toàn bằng tơ lụa sang trong như y phục các bà quí phái, đầu đội mũ rộng vành, chân mang giày thếp vàng. Em mừng quýnh, ôm búp bê vào lòng hôn hít. Gia đình chỉ định cô Giạ Hương kiếm một tên hay đặt cho búp bê. Nhiều đề nghị đưa ra và sau một hồi thảo luận, Bạch Huệ chọn tên Hằng Nga gọi búp bê mới. Xuân Lan, Thu Cúc đồng ý. Thế rồi Hằng Nga được ngồi chễm chệ trên chân Bạch Huệ, còn bé Quê chui vào xó tủ cùng đống quần áo cũ rách, chẳng còn được hỏi han ngó ngàng đến. Trong bữa ăn, em vui vẻ chuyện trò với mẹ đỡ đầu của em. 

Tối đến, vừa leo lên giường, em ngắm nghía búp bê mới, vuốt ve làn tóc mịn màng của Hằng Nga rồi ngủ thiếp lúc nào không hay. Bỗng nhiên, nửa đêm giựt mình tỉnh giấc, một niềm băn khoăn xao xuyến xâm chiếm lòng em : Hằng Nga ngủ yên bên em, đôi mắt nhắm nghiền, mỉm cười để lộ hai chiếc răng khểnh trắng nõn, còn trong tủ áo kìa ai đang thổn thức hờn duyên tủi phận. Bé Quê chứ còn ai khác ! Con búp bê già khốn khổ bị em bỏ rơi không chút tiếc thương, nằm cô đơn lạnh lẽo trong xó tủ giữa mảnh chai bể vụn và áo quần rách nát. Nó khóc tỉ tê âm thầm không sao ngủ được, từ trước đêm nào nó cũng ngon giấc trong giường êm nệm ấm với mẹ tí hon mà nó hằng chia xẻ bao nỗi buồn vui. 

Lòng em hồi hộp, bứt rứt, hối hận. Tự nhiên em so sánh sự khác biệt giữa tánh tình hai búp bê mà em nghĩ không thể nào chúng có thể chung sống hoà bình trong một gian phòng được. 

Hằng Nga quá kiều diễm, kiêu hãnh về sắc đẹp nên tâm hồn sắt đá, còn bé Quê mặc dầu xấu xí nhưng hiền lành chất phác đã sống bên mình lâu năm, thực lòng thương mến mình. 

Ta biết đối xử thế nào ? Xa lánh Hằng Nga cũng tiếc, tuyệt tình bé Quê sao đành ! Trời ơi, mới hôm qua lòng ta còn rộn ràng sung sướng, bây giờ lại bối rối buồn bực ! 

Nước mắt ràn rụa, Bạch Huệ tập trung mọi ý chí để quyết định một hành động can đảm. Cuối cùng em ngồi dậy, đem Hằng Nga đặt ngồi vào ghế, ngắm nhìn diện mạo diễm lệ của búp bê, đoạn hôn nhẹ lên trán Hằng Nga. Em lại nhón đôi chân nhẹ nhàng đến tủ áo xách bé Quê ra, ôm riết vào lòng leo lên giường ngủ. Nhìn vẻ mặt xấu xí tái mét của bé Quê, lòng em rạo rực đau đớn. Ôm nghì bé Quê vào lòng, ấp ủ nó trong mền ấm, Bạch Huệ úp mặt vào gối khóc nức nở. 

Sáng mai, điểm tâm xong, Bạch Huệ rụt rè đặt vào tay Xuân Lan búp bê Hằng Nga : 

- Chị thích búp bê này không ? 

- Thích chứ ! Chị chưa thấy búp bê nào xinh đẹp như Hằng Nga của em ! Chắc em sung sướng lắm ! 

- Em tặng chị đó, em muốn chị giữ lấy mãi mãi để chơi. Em cho luôn chị đó. 

Xuân Lan, Thu Cúc ngạc nhiên, bất ngờ không ít, chạy thẳng một mạch vào phòng má : 

- Má ơi ! Bạch Huệ nổi khùng rồi, má ơi ! 

Tòa án gia đình được triệu tập để xử vụ án ly kỳ hy hữu. Vì sao Bạch Huệ mau chán Hằng Nga, một búp bê lộng lẫy đẹp đẽ mà tất cả mọi trẻ em đều thèm muốn ? Hành động phi lý của em chẳng những phiền lòng ba má, còn thương tổn lòng tự ái của mẹ đỡ đầu em. 

Ba nghiêm nghị chất vấn : 

- Sao con lại đem búp bê Hằng Nga cho Xuân Lan ? 

Em chỉ có thể giải thích riêng cho Xuân Lan biết lý do về hành động của em ; nhưng lâm vào tình trạng bị cáo trước toà án gia đình, Bạch Huệ cương quyết lặng thinh, đứng trơ như tượng đá, sẵn sàng lãnh chịu mọi hình phạt. 

Má dịu dàng hỏi Bạch Huệ : 

- Sao con không trả lời ba con ? Con nên hiểu bướng bỉnh ngoan cố như thế làm phiền lòng ba má. 

Bạch Huệ đôi mắt lưng tròng nhìn mẹ, liếc qua Hằng Nga nằm trên tay Xuân Lan, rồi vụt chạy biến về phòng riêng. Từ hôm hy sinh bạn mới để nhường chỗ cho bé Quê em nhìn lại nó xinh đẹp dễ thương, nên tấm lòng trìu mến bé Quê lại càng tha thiết mặn nồng hơn xưa. 

Ban ngày nai vàng là bạn, ban đêm bạn là bé Quê. 

Đêm đông, từ rừng thẳm vang lên âm thanh huyền bí của vạn vật, tiếng gió gào thét sau cánh cửa đầy tuyết, thác nước đổ mạnh lay động móng cầu chuyển mình răng rắc. Chung quanh lâu đài cổ kính còn vang động nhiều tiếng dị kỳ rùng rợn : phải chăng đàn chó sói háu đói rảo quanh kiếm mồi nhe hàm răng nhọn hoắt hú lên nỗi căm hờn bất tận, phải chăng đàn dơi hút máu với những lóng tay xương xẩu đập cánh xào xạc lẩn quất rình mò trẻ con đang ngon giấc trên giường ngủ. 

Những đêm khủng khiếp đó nếu bên mình Bạch Huệ không có sự hiện diện của bé Quê làm sao nhẹ bớt nỗi lo âu khiếp sợ ! 

Má em kề mặt lạnh lẽo bằng sành của bé Quê, Bạch Huệ thì thầm trong đôi môi run rẩy : 

- Bé Quê ! Không có gì đáng sợ, chẳng qua một giấc mộng hãi hùng ! Chẳng có ai sau bức tường đen tối, chỉ là dì gió dạo chơi đêm trăng ! Thiên thần phù hộ chúng ta. Ở lâu đài thần tiên nầy không bao giờ có tai hoạ xảy đến. 

Mối tình thứ ba, nồng nhiệt sâu đậm hơn hai mối tình của Bạch Huệ đối với nai vàng và bé Quê là mối tình của em đối với khu rừng hoang vắng. Rừng, kho tàng đầy chuyện cổ tích lý thú ; rừng, nơi chôn dấu nhiều kỳ quan vũ trụ chỉ riêng mình em thưởng thức, còn người phàm mắt tục không thể nhìn thấy. 

Mùa đông, em phải ngăn cách khu rừng vì dầu muốn trốn gia đình rong chơi em cũng khó vượt qua những đoạn đường đầy tuyết. Suốt buổi mai, em chăm lo bài vở học hành, buổi chiều độ ba giờ trời đã sẫm tối. Đôi mắt u buồn, em nhìn rừng thẳm nhắn đôi lời thăm hỏi và tiếng gió rì rào của những cây thông trụi lá như đáp lại với em lời âu yếm : 

- Bạch Huệ, Bạch Huệ, Huệ… Uệ… Uệ… 

Sang mùa xuân ngày dài, tuyết tan rã trên đồi, Bạch Huệ và nai vàng lại nhởn nhơ nô đùa với chim muông cây cỏ trong khu rừng bao la bát ngát. 

Vì ba má ngăn cấm em vào rừng sợ gặp thú dữ, nên một tháng ròng rã em ủ rũ buồn rầu tù túng trong lâu đài, càng ngày càng trở nên xanh xao gầy ốm. 

Bác sĩ chẩn mạch Bạch Huệ khuyên ba má em : 

- Em đau tim nặng, cần ánh sáng mặt trời và nhiều thoáng khí. Chỉ có phương pháp đó em mới chóng bình phục. 

Thế là cửa phòng em rộng mở : em và nai vàng được trả tự do, tha hồ tung tăng chạy nhảy. Đôi bạn nằm lăn lộn giữa rừng, Bạch Huệ hôn từng cành cây ngọn cỏ, la hét om sòm như thể điên cuồng vậy ! 

Mối tình bền chặt giữa rừng rú và Bạch Huệ càng năm càng tăng dần. Rừng rú cũng như nai vàng và bé Quê là người bạn tâm tình của Bạch Huệ. Rừng với mọi vẻ âm u huyền bí tâm sự với em nhiều điều kỳ ảo lạ lùng mà người trần tục không thể nghe, không thể hiểu. 

Đó là người bạn thứ ba : người bạn vô tri vô giác, nhưng chân thành hơn hết của em.
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG II

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét